Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

11. Phạm trù cái đẹp trong Mỹ học thời Phục Hưng


             Trải qua đêm trường Trung cổ suốt 10 thế kỷ, đến thế kỷ 14 trở đi trong đời sống chính trị-xã hội và văn hoá tinh thần ở các nước Tây Âu đã có những chuyển biến tích cực. Thời Phục Hưng trong lịch sử nhân loại được xem như thời kỳ quá độ từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản, thời đại như Ăng-ghen đã đánh giá, đã sản sinh ra những con người khổng lồ: “Khổng lồ về năng lực suy nghĩ, về nhiệt tình và tình cách, khổng lồ về mặt có lắm tài, lắm nghề và về mặt học thức sâu rộng”! (1; tr.459-460).
            Thuật ngữ Renaissance có nghĩa là tái tạo khôi phục, theo nghĩa rộng là quá trình khôi phục, làm sống lại những giá trị văn hoá cổ đại từng bị lãng quên dưới thời Trung cổ. “Trong những cuốn sách viết tay còn cứu vớt được sau khi nền văn hoá Bi–dăng-xơ sụp đổ, trong những pho tượng cổ khai quật được, trong những đống hoang tàn LaMã, người ta thấy cả một thế giới mới lạ hiện ra trước mắt phương Tây kinh ngạc: Đó là thời Cổ đại Hy Lạp; những hình thức chói loà của nó đánh tan những bóng ma của thời Trung cổ” (2; tr.39). Đó là nền văn minh rực rỡ, chưa hề biết đến chế độ phong kiến là gì, chưa phải chịu đựng sự thống trị tinh thần của Giáo hội Thiên Chúa.
            Nhưng đối với châu Âu thế kỷ 14,15 vấn đề đâu chỉ phải khôi phục, làm sống lại nền văn minh Cổ đại, mà còn phát huy hơn nữa những truyền thống Cổ đại cho phù hợp với nền chính trị –xã hội mới.
            Cảm nhận đầu tiên dễ thấy nhất trong những sáng tác Phục Hưng là sự khám phá mới về con người và vũ trụ trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn, cải cách tôn giáo và chủ nghĩa duy lý. Nếu theo Ăng –ghen, “Thời Trung cổ không để lại gì”, thì thời đại Phục Hưng đã sản sinh ra những con người làm rạng rỡ nền văn minh nhân loại. Thời đại ấy đã từng bước trả lại cho con người những giá trị thiêng liêng nhất, thay chủ nghĩa khổ hạnh, lối sống ép xác, tư tưởng giáo điều bằng sự đề cao năng lực tự do lựa chọn, chứng minh cho những khát vọng trần tục của con người. Trong “Biện chứng của tự nhiên” Ăng –ghen đã kể ra những con người khổng lồ như: Leonard De Vinci, Anbe Đuyrê, Copenich, Đantê, rabơle, Xecvăngtec, Sêcxpia…Mỗi người bộc lộ thiên tài một cách khác nhau, song đều tạo những nét chính yếu của thời đại đang chuyển mình.
            Trong sự chuyển mình đó, các nhà tư tưởng Phục Hưng đã tạo ra cách nhìn mới về các giá trị thẩm mỹ nói chung, cái đẹp nói riêng.
            Trước hết về quan niệm cái đẹp mộc mạc, tự nhiên, “trần tục” của con người. Hầu hết các nhà nhân văn Phục Hưng từ các danh hoạ, nhà điêu khắc, nhà văn, nhà thơ, triết gia…đều ngưỡng mộ cái đẹp của con người và xem đó là “món quà kỳ diệu” mà Chúa tạo cho con người. Lẽ cố nhiên, theo các nhà nhân văn Phục Hưng, con người được tạo ra “theo hình Chúa” và “như tượng Chúa”, nên con người không chỉ đẹp về thân xác mà còn có năng lực tinh thần “ngang tầm Thiên Chúa”. Sêcxpia đã viết: “Kỳ diệu thay con người, con người cao quí làm sao về trí tuệ, về hình dung và dáng vóc đẹp tựa Thiên Thần, về trí tuệ nó có thể sánh tài Thiên Chúa, thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài” (3).
            Có thể xem Phục Hưng là thời đại con người trở về với chính mình sau cuộc hành trình gian khổ suốt 10 thế kỷ. Sự trở về này thể hiện rõ nét trong chủ nghĩa nhân văn với hai khía cạnh quan trọng: Đề cao nhân tính, những giá trị đích thực của con người, từng bước thay thế “sự thống trị của Thượng Đế” bằng “sự thống trị của con người” trên thế gian này.
            Tiếp theo truyền thuyết Cổ đại Hy lạp, La Mã, các nhà tư  tưởng Phục Hưng đã đi tìm cơ sở khách quan cho cái đẹp. Anbecti cho rằng, cái đẹp là tính chất của sự vật tiếp nhận được bằng giác quan, là cái gì đó gắn bó và sinh ra với cơ thể, chan hòa với cơ thể, và trong chừng mực cần thiết làm cho cơ thể trở nên đẹp đẽ. Cái đẹp bắt rễ ngay trong chính bản chất của sự vật.
            Từ vai trò của nhận thức, các nhà tư tưởng Phục Hưng cũng quan niệm rằng cái đẹp là cái do thị giác mang lại (Leonard De Vinci) như màu sắc, hình thái, kết cấu, sự phù hợp giữa các bộ phận. Do đó trong thời kỳ này, hội hoạ đã đóng vai trò chủ đạo trong sáng tác nghệ thuật chính vì nó thể hiện được tính quy luật ẩn giấu trong thiên nhiên thông qua các hình thái, tỉ lệ, cân đối và do đấy phản ánh được phẩm chất sự vật, hiện tượng, tức phản ánh cái đẹp. Cả nghệ thuật tạo hình cũng không phải ngẫu nhiên được đưa lên hàng đầu; mà bởi tính thực thể, cảm tính, cụ thể của nó có khả năng đối lập với chủ nghĩa khổ hạnh và tính kinh viện của trào lưu tư tưởng Trung cổ. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà các nhà nhân văn chủ nghĩa rất quan tâm đến vấn đề cái đẹp.
            Cái đẹp, cái hoà điệu, tính tương xứng, sự duyên dáng được thể hiện, bình luận rộng rãi trong các tác phẩm điêu khắc, hội hoạ, kiến trúc của Ghibecti, Pico Della, Leonaard De Vinci…, vì họ quan niệm rằng con người có khát vọng không gì dập tắt được là khát vọng không gì dập tắt được là khát vọng thưởng thức cái đẹp, Anbecti viết: “Hơn tất cả, cặp mắt chúng ta thèm thuồng cái đẹp, cái hoà điệu…Đôi khi chúng ta không thể giải thích được những gì làm cho chúng ta phải bực dọc ngoài việc chỉ cho rằng chúng ta không đủ sức để thoả mãn tới cùng niềm khát khao vô tận muốn được trực tiếp ngắm nhìn cái đẹp” (4; tr.110). Điều đó cho thấy mỹ học Phục Hưng thấm nhuần nguyên lý khẳng định cuộc sống, lạc quan và tích cực, nhằm khôi phục lại quyền con người được hưởng hạnh phúc trên trần thế. Đồng thời với việc khẳng định cơ sở khách quan của cái đẹp, các nhà Phục Hưng cũng khẳng định con người là đối tượng, là chủ thể cảm thụ thẩm mỹ.
            Tự nhiên được suy tôn là “Bà mẹ vĩ đại” (môngtenhơ). Tuân theo tự nhiên sẽ đạt được “cái đẹp”, chống lại tự nhiên sẽ dẫn tới “Rối loạn và khô héo” (Rabơle). Và quả thật, nếu như Trung cổ hầu như đã mất hẳn tiếng cười thì đến thời đại Phục Hưng tiếng cười lại cất lên say sưa, sảng khoái, ca ngợi cuộc đời trần thế, ca ngợi con người. Ở đây lần đầu tiên khi ca ngợi con người, các nhà Phục Hưng khắc hoạ cái đẹp chân chất, tính chất kiêu kỳ, cao xa của cái đẹp Trung cổ đã bị tước bỏ và thay vào đó là tính chất thế tục in đậm ý thức con người về khát vọng chân, thiện, mỹ. Khát vọng đó là con đường mà con người đã, đang và sẽ đạt đến đích. Tư tưởng này thể hiện rất rõ trong “Thần khúc” của Đantê. Trong tác phẩm này hình tượng Viêcgin tượng trưng cho lý trí, Bêatơric tượng trưng cho tình yêu, cái đẹp, và hình tượng Đấng Cứu thế tượng trưng cho sự thăng hoa của chân, thiện, mỹ.
            Tính chất thế tục trong quan niệm về cái đẹp của các nhà Phục Hưng còn hàm chứa tư tưởng giải phóng con người ra khỏi ảnh hưởng nặng nề của Giáo điều Thiên chúa. Tu viện Tê –lem là hình ảnh của một tu viện kiểu mới, ở đó con người được hoàn toàn tự do trong hoạt động mình, kể cả tự do tín ngưỡng. Trong các tác phẩm nghệ thuật, các nhà nhân văn đã mượn đề tài tôn giáo để nói về con người, thông qua sự ca ngợi cái đẹp và sự hoàn thiện của thần thánh để gián tiếp ca ngợi, tôn vinh cái đẹp và sự hoàn thiện của con người. Nói khác đi, các nhà nhân văn Phục Hưng đã kéo cái đẹp từ thế giới cao xa của Thượng Đế về với cuộc sống hiện thực đời thường. Hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh, Chúa Hài Đồng trong nhiều sáng tác của Leonard De Vinci, Raphael, Titien, Michel Ange…thật khác xa hình ảnh ấy của Giáo hội Thiên Chúa.
            Đức Mẹ trong tranh của Raphael đi chân đất đến với con người một cách bình dị; Đức Mẹ trong tranh Leonard De Vinci tạo cho chúng ta ấn tượng về một người mẹ hiện thực, với cái nhìn hiền dịu, với bờ vai, suối tóc, bầu ngực căng tròn…Tất cả cái đó đều rất trần tục, rất con người. Các nhà nhân văn Phục Hưng đã có cái nhìn khoáng đạt nhưng đầy trân trọng với cái đẹp của cơ thể con người, và hơn thế nữa là cái đẹp nội tâm, của ước vọng vươn tới lý tưởng tốt đẹp cho cuộc sống: cái đẹp sẽ trăm lần đẹp hơn nếu nó được trang bị bằng chân lý quí giá vô ngần. Nhưng ở đây, các nhà Mỹ học Phục Hưng chưa nhận ra được các đặc trưng của các khái niêm thẩm mỹ và sự khác nhau giữa chúng với các khái niệm đạo đức. Cái đẹp được đồng nhất với đạo đức và chính nghĩa. Tư tưởng xuyên suốt của các nhà Phục Hưng là sự gắn kết các giá trị thẩm mỹ với các giá trị chính trị, đạo đức, khoa học, cái đẹp đi với cái thiện, với khát vọng tự do, với khả năng vươn lên làm chủ số phận của mình.
            Và, một mùa hoa trái tưng bừng đã đến với con người, nhưng trong bối cảnh lịch sử đầy mâu thuẫn; mâu thuẫn giữa xã hội cũ đã lỗi thời nhưng chưa hoàn toàn bị tiêu diệt với xã hội mới vừa nảy sinh nhưng chưa hoàn toàn được khẳng định. Các nhà tư tưởng tiến bộ đã trải qua những giằng xé nội tâm, mâu thuẫn của tồn tại người trong thời kỳ chuyển tiếp. Do vậy, một mặt họ lại cố gắng vượt qua khuôn khổ chật hẹp của ý thức hệ lỗi thời, ca ngợi sự vĩ đại của con người. Mỹ học thời này là mỹ học lý tưởng, tuy vậy đối với các nhà nhân văn Phục Hưng, lý tưởng không phải là cái gì đối lập với bản thân hiện thực. Họ không nghi ngờ gì về tính hiện thực của những gì anh hùng, tính thực tại của cái đẹp. Và chính trong thực tại ấy, họ đã có những gợi ý-nếu không muốn nói là một đột phá mới, trong điều kiện lịch sử xã hội cho phép-về vai trò của thực tiễn trong cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật Phơrantsexô, Pêtơracca đã viết: “Con người thật sự cao quý không sinh ra với một tâm hồn vĩ đại, nhưng chính bản thân y trờ thành cao quí do sự nghiệp vĩ đại của y” (5; tr.108).
            Sẽ không đủ từ ngữ ca ngợi con người, ca ngợi tài năng trí tuệ của con người trong thời đại Phục Hưng. Nhưng tư tưởng lạc quan, tích cực, những lý tưởng mà các nhà tư tưởng tiến bộ phác hoạ lên đã rơi vào những khủng hoảng bế tắc! Sau niềm vui sướng, tự hào về sức mạnh tài năng của bản thân mình thì con người lại đặt ra và giải đáp những vấn đề về cuộc đời, đời người, về sự sống và cái chết…Đó là sự phản ánh  mâu thuẫn của tính nhân bản và phi nhân bản trong quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Xã hội mới đã nảy sinh trong lòng nó những yếu tố phản lại quyền tự do, phản lại xu thế phát triển tự nhiên của con người.
            Một điều rất đáng quan tâm là trong thực tại của thời kỳ chế độ phong kiến đang đi vào suy vong và những quan hệ xã hội mới chưa tỏ rõ ra vững chãi và chưa được thừa nhận công khai; do vậy những con người khổng lồ của thời đại đã tránh được tính chất hạn chế của tư tưởng tư sản và đã lớn lên bằng tất cả uy lực và sức mạnh của bản thân mình. Hămlét đã là hình tượng sáng ngời của con người trong cuộc đấu tranh để giải phóng mình và giải phóng xã hội ra khỏi mọi áp bức. Nhân vật này đã vung lưỡi gươm trừng phạt Clôđiux, kẻ không chỉ giết cha chàng, dẫn dắt mẹ chàng vào vũng bùn ô uế mà còn biến cả đất nước thành “Nhà tù ghê tởm”. Trong thế giới “nhà tù” ấy Hăm-lét đã dũng cảm chiến đấu để kiến tạo cho nó trật tự vững vàng. Hình tượng Hăm-lét đã lớn cao lên lạ thường vì chàng không chỉ nhân danh cá nhân mình, mà còn nhân danh con người khi tiến hành sự trừng phạt ấy.
            Niềm khát khao cháy bỏng của các nhà nhân văn Phục Hưng là làm sao để đạt tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ về nhân cách, tức làm sao cho con người “trở nên đẹp”. Nếu như con người đã được Chúa ban cho nhiều ân sủng, nếu như con người đã được sáng tạo ra theo hình ảnh của Chúa (như Kinh thánh nói), thì tại sao cho đếnn ay con người vẫn chưa thể hiện mình như một nhân cách tự do, sáng tạo. Việc mô tả con người trong nghệ thuật Phục Hưng; những bức tranh khỏa thân…là những cách để vươn tới lý tưởng thẩm mỹ mang tính chất nhân bản sâu sắc.
            Con người không phải là ngọn đèn trước gió, mà là nhân cách sáng tạo tự do, Pico Della Mirandola đã viết “Con người một mặt là khâu trung gian giữa hai tạo hoá: đất và trời, mặt khác lại nằm ngoài chúng, bởi vì sự kỳ diệu của con người vượt lên trên tất cả, trong vũ trụ không có gì vĩ đại hơn con người, và trong con người không có gì vĩ đại hơn trí tuệ anh minh và linh hồn cao đẹp” (6; tr.40). Điều đó cho thấy các nhà nhân văn Phục Hưng đã khôi phục và phát triển tư tưởng cổ đại về cái đẹp và sự hoà điệu giữa con người với tự nhiên, trong sự hoà điệu này con người được đặt ở vị trí trung tâm.
            Những quan niệm nhân bản về cái đẹp của con người thể hiện lý tưởng tất yếu của thời đại Phục Hưng. Nhưng thời đại đó đã không có khả năng thực tế vươn tới.
            Sự nghiệp Cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay là đấu tranh cho mục đích cao cả, đó là giải phóng con người ra khỏi mọi sự thống trị và trở thành tự do, hay nói như C.Mác, Ph. Ăng ghen trong tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, là tiến tới “một liên hợp trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (7;tr.5690
            Đó là những hoạt động có ý nghĩa tích cực phổ biến là bước ngoặc vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay.  Trong hoạt động thực tiễn ấy đã, đang và sẽ sản sinh ra cái đẹp và những điều kiện để thực hiện nó. Tuy nhiên muốn đạt được điều đó, ngoài những điều kiện chính trị –xã hội, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải nhìn nhận, đánh giá, kế thừa, sàng lọc và phát triển toàn bộ những di sản văn hoá nói chung và các giá trị thẩm mỹ nói riêng, của quá khứ, trong đó quan điểm nhân bản về cái đẹp thời Phục Hưng cần được làm sống lại với tầm cao mới, tầm cao của thời đại con người vươn lên làm chủ số phận của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống vật chất, tinh thần phong phú và đa dạng.
                                                             ( Trích Tạp chí Triết học)
            TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1.      C.Mác và F. Ăngghen –Toàn tập, tập 20. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1994.
2.      Biện chứng của tự nhiên, NXB Sự Thật, 1963.
3.      Sêcpia. Hămlét. Hồi 2, cảnh 2.
4.      Nguyên lý mỹ học Mác-Lênin, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961.
5.      Nguyên lý mỹ học Mác-Lênin, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961; tr.108.
6.      V.V Socolov –Triết học Châu âu thế kỷ XV-XVII. NXB Đại học, Moscow, 1914 (tiếng Nga).
7.      C.Mác và F. Ăngghen –Tuyển tập, tập 1. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1980.