Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

42. Siêu cường số 1- giấc mộng trăm năm của Trung Quốc


Thứ ba, 15 Tháng 2, 2011
Đầu năm 2010, tại Trung Quốc xuất hiện cuốn sách với tựa đề “Trung Quốc mộng” của Đại tá Lưu Minh Phúc, giảng viên Đại học Quốc phòng Bắc Kinh, trực thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ngay lập tức cuốn sách đã gây tiếng vang trong và ngoài nước. Tuy có hơi hướng cực đoan nhưng tác giả cũng có những so sánh, phân tích và những bước đi để Trung Quốc thực hiện Giấc mộng Trung Hoa – siêu cường số 1. NCBĐ tóm tắt toàn bộ cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc.



                                Bìa cuốn sách 'Trung Quốc mộng'
"Trung Quốc mộng" là cuốn sách phát hành tại Trung Quốc đầu năm 2010. Tác giả cuốn sách là Đại tá Lưu Minh Phúc, hiện là giảng viên Đại học Quốc phòng Bắc Kinh, trực thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông Lưu Minh Phúc nguyên là giám đốc Viện Nghiên cứu xây dựng quân đội, cơ quan chuyên nghiên cứu và giảng dạy về các vấn đề hiện đại hóa và phát triển lực lượng, cũng thuộc trường đại học nói trên.
Cuốn sách này tác giả tuy có xu hướng cực đoan, nhưng cũng đưa ra được nhiều so sánh giữa Mỹ - Trung - Nga, và các đế chế trong lịch sử, đặc biệt lý giải những thuận lợi, thách thức của các siêu cường trước đây và những bước đi để Trung Quốc có thể thay thế được Mỹ để trở thành siêu cường số 1 trong thời gian tới.
Cuốn sách được chia làm 8 chương với nội dung chính như sau:
Chương I: Đứng đầu thế giới, giấc mộng trăm năm của Trung Quốc
Đứng đầu thế giới là giấc mộng trăm năm của Trung Quôc. Giấc mộng này tập trung thể hiện ở lí tưởng phấn đấu của ba vĩ nhân là Tôn Trung Sơn - người đi tiên phong của cách mạng Dân chủ Trung Quốc, Mao Trạch Đông - người sáng lập nhà nước Trung Quốc mới và Đặng Tiểu Bình - kiến trúc sư của sự nghiệp cải cách mở cửa. Đặc trưng chiến lược chung của ba vĩ nhân này là ở chỗ: họ đều là những người theo chủ nghĩa "đứng đầu thế giới", đặt trọng đại mục tiêu quốc gia của Trung Quốc
Tôn Trung Sơn:  "Trung Quốc phải là cường quốc đứng đầu trên thế giới”
Tôn Trung Sơn đặt ra yêu cầu "mọi người phải lập chí", đưa Trung Quốc trở thành "nước giàu mạnh nhất thế giới", không những đứng ngang hàng với Anh, Mỹ mà Trung Quốc còn phải vượt lên trên họ, trở thành một nước "lục chí", "tứ tối". Tôn Trung Sơn cho rằng dân tộc Trung Hoa "là dân tộc ưu tú nhất trên thế giới" và quá trình Trung Quốc trở thành "số 1 thế giới" tất phải đi theo con đường "mở cửa chấn hưng đất nước"; phải "có tinh thần sáng tạo"; chỉ ra được "xây dựng đất nước không thể thiếu binh cường lực thịnh" và Tôn Trung Sơn cũng đề cao "Mỹ là nước tiên tiến văn minh", có rất nhiều điều Trung Quốc cần học hỏi và Trung Quốc cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể vượt qua Mỹ.
Mao Trạch Đông: "Đại nhảy vọt" vượt qua nước Anh và bắt kịp nước Mỹ.
Mao Trạch Đông cho rằng, đuổi kịp nước Mỹ và vượt qua nước Mỹ là trách nhiệm của Trung Quốc, chỉ có vượt qua nước Mỹ mới có thể có được sự cống hiến lớn cho nhân loại. Để thực hiện chiến lược vượt Anh và bắt kịp Mỹ, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc vận động "đại nhảy vọt" và đây là một ý niệm kiên định của Mao Trạch Đông.
Đặng Tiểu Bình: Trí tuệ lớn "giấu mình chờ thời"
Với tư cách là người kiến trúc sư của sự nghiệp cải cách mở cửa của Trung Quốc, thiết kế tổng thể của Đặng Tiểu Bình là xoay quanh việc xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, trở thành nước đứng đầu thế giới .Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Đặng Tiểu Bình đã đề xuất "ba bước" trong thời gian 70 năm, đến khi tròn 100 năm xây dựng đất nước thực hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.
Cường quốc số 1, người Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hay chưa?
Trung Quốc đưa ra năm tiêu chí ý nghĩa quốc tế của "Trung Quốc số 1" bao gồm (i) là sự cạnh tranh lâu dài giữa quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới và quốc gia phát triển lớn nhất thế giới,cho thấy nước đang phát triển có thể trở thành nước phát triển, thậm chí còn vượt qua nước phát triển (ii) là kết quả của cuộc cạnh tranh giữa quốc gia xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới và quốc gia tư bản chủ nghĩa lớn nhất thế giới, cho thấy tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, (iii) đưa đến một ý nghĩa mới cho "sự so sánh văn minh" giữa nền văn minh phương Đông và nền văn minh phương Tây, cho thấy không chỉ văn minh phương Tây mới có thể mang đến sự hạnh phúc cho thế giới, văn hóa phương Đông cũng có thể dẫn dắt thế giới, (iv) sẽ đánh tan "sự kỳ thị về nòi giống" của phương Tây, (v) sẽ thay đổi quan niệm về tính ưu việt về mặt địa lý đã hình thành từ lâu đời của phương Tây. Đây được coi  là  sự chuẩn bị về "nhận thức".
Nước lớn trỗi dậy, tất phải có "chí lớn". Sự chuẩn bị về "chí hướng" là không thể thiếu được của người Trung Quốc. So sánh với Bồ Đào Nha và Hà Lan cho thấy: nước lớn trong các nước lớn, không nằm ở chỗ lãnh thổ quốc gia lớn, không nằm ở chỗ dân số quốc gia đông, mà nằm ở chỗ chí hướng rộng lớn. Nước lớn không có chí lớn, tất sẽ suy thoái, nước nhỏ có chí lớn, cũng có thể trỗi dậy. Tuy nhiên, cơ hội thường dành cho những bộ óc có sự chuẩn bị.

      Từ trái qua phải: Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình
Chương II: Đối đầu thế kỷ: Cuộc chiến Trung - Mỹ tranh giành địa vị "quốc gia đứng đầu"
Thay đổi vị trí nước đứng đầu: trăm năm một lần
Các quốc gia đứng đầu xuất hiện trong lịch sử thế giới cận đại 500 năm trở lại đây, điển hình là: Bồ Đào Nha (thế kỷ 16), Hà Lan (thế kỷ 17), Anh (thế kỷ 18,19), Mỹ (thế kỷ 20), Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đứng đầu trong thế kỷ 21. Sự thay đổi vị trí của các quốc gia đứng đầu là sự thể hiện tập trung của sức sống thế giới. Sự ra đời của mỗi quốc gia đứng đầu mới cũng đánh dấu bước đại nhảy vọt và tiến bộ mang tính lịch sử của thế giới. Và trong lịch sử không có sự đứng đầu nào là mãi mãi. Nhiệm kỳ của các quốc gia đứng đầu chính là "nhiệm kỳ thế kỷ", "nhiệm kỳ trăm năm" như mọi người vẫn thường nói "thế kỷ Hà Lan", "thế kỷ Anh", "thế kỷ Mỹ".
Định vị lại quan hệ Trung - Mỹ
Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu thế giới, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu tiềm tàng trên thế giới. Quan hệ Trung - Mỹ giai đoạn mới là một dạng quan hệ giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia đứng đầu tiềm tàng. Trỗi dậy và kiềm chế là hình thái cơ bản của việc cạnh tranh chiến lược giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia có tiềm năng đứng đầu.
Sau khi giành thắng lợi trong chiến tranh Lạnh, vui mừng chưa được bao lâu Mỹ đã mắc chứng bệnh "đứng đầu" khó thoát ra được. Chứng bệnh "đứng đầu" này thể hiện ở sự kiêu căng và sự bá đạo. Nhưng cũng với căn bệnh này, Mỹ luôn ở vào trạng thái sợ hãi, tự phụ, lo lắng và mâu thuẫn, lo sợ các quốc gia có tiềm năng đứng đầu từ đại lục Á - Âu.
Lối thoát cho quốc gia đứng đầu Mỹ là ở đâu? Lối thoát chính là phải loại bỏ triệt để tư duy Chiến tranh Lạnh, thoát khỏi vòng kìm kẹp kỳ quái của bá quyền; xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược kiểu mới với quốc gia có tiềm năng đứng đầu là Trung Quốc. Đây là lợi ích chung thực tại giữa Mỹ và Trung Quốc và cũng là nhu cầu để tạo nên hòa bình cho thế giới. Cuộc đọ sức Trung - Mỹ chắc chắn là một cuộc đọ sức về văn minh vì: Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất, Trung Quốc là quốc gia trỗi dậy văn minh nhất; Trung Quốc trỗi dậy thì Mỹ cũng được hưởng lợi; lợi ích bá quyền không thể coi là lợi ích cốt lõi của quốc gia đứng đầu; và trách nhiệm chung của hai nước Trung - Mỹ là để thế giới thoát khỏi "thời đại luật rừng"
 Mô hình cạnh tranh Trung - Mỹ mới
Cạnh tranh giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia có tiềm năng đứng đầu biểu hiện thành “cuộc chiến bảo vệ” của quốc gia đứng đầu và “cuộc chiến tranh ngôi vị” của quốc gia có tiềm năng đứng đầu. Cuộc chiến xoay quanh việc tranh địa vị quốc gia đứng đầu này có 3 mô hình chủ yếu: (i) coi chiến tranh là hình thức cạnh tranh cao nhất; (ii) dựa vào hình thức chiến tranh Lạnh tiến hành đối kháng toàn diện; (iii) cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21 và được thể hiện qua 3 giai đoạn lịch sử:  (i) cạnh tranh theo kiểu luật rừng; (ii) cạnh tranh trên nguyên tắc “kẻ suy người thịnh”; (iii) cạnh tranh theo kiểu “kẻ vượt người đuổi”. Mô hình cạnh tranh giữa hai nước Trung – Mỹ trong thế kỷ 21 không thể là mô hình “quyết đấu”, cũng không thể là mô hình “quyền anh” mà chỉ có thể là mô hình “điền kinh”. Mỹ muốn phồn vinh thì bắt buộc phải để Trung Quốc phồn vinh.
 “Thế giới không bá quyền”: Kết cục và sứ mệnh của cuộc cạnh tranh thế kỷ Trung – Mỹ
Mục tiêu lớn của Trung Quốc không chỉ hạn chế trong Trung Quốc mà phải nhìn ra thế giới. Mục tiêu lớn về thế giới của Trung Quốc thế kỷ 21 là xây dựng một “Thế giới không bá quyền”. Kết thúc “thế giới bá quyền” là sứ mệnh lịch sử của cạnh tranh Trung – Mỹ, là kết quả tất yếu của cuộc đua trăm năm Trung – Mỹ. Sự trỗi dậy của các nước phương Tây khiến thế giới lần đầu tiên thay đổi mô hình: từ phong kiến sang tư bản; sự trỗi dậy của Liên Xô, thế giới thay đổi mô hình lần thứ hai: từ thế giới tư bản sang “một trái đất hai chế độ” và sự trỗi dậy của nước lớn Trung Quốc, thế giới thay đổi mô hình lần thứ ba: từ “thế giới có bá quyền” sang “thế giới không bá quyền”.
Chương III: Thời đại Trung Quốc: “ Thời đại hoàng phúc” của thế giới
Thời đại Trung Quốc: Thời đại “Vị trí lãnh đạo của Trung Quốc” được xác lập trên thế giới
Sự xuất hiện của mỗi quốc gia đứng đầu sẽ mở ra một thời đại và thời đại Trung Quốc không phải là thời đại Trung Quốc uy hiếp thế giới mà là thời đại Trung Quốc đem lại hạnh phúc cho thế giới vì lịch sử trỗi dậy của các nước lớn ở phương Tây là một lịch sử đầy tội lỗi, tất cả lịch sử cận đại về sự trỗi dậy của các nước lớn đều mang một quá khứ không mấy tốt đẹp, đều có những tiền án phạm tội.: xâm lược, thực dân, cướp bóc…Và chỉ có Trung Quốc là một nước không có tội lỗi trong quá khứ, là quốc gia có tư cách đảm đương trách nhiệm lãnh đạo thế giới nhất. Ngoài ra, Trung Quốc còn có nguồn gien văn hóa ưu tú nhất, có sự từng trải và kinh nghiệm thành công lâu năm trong việc đảm đương trách nhiệm quốc gia lãnh đạo.
 Thời đại Trung Quốc: thời đại “mô hình phát triển của Trung Quốc’ hơn hẳn thế giới.
Cạnh tranh giữa các quốc gia đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các quốc gia đứng đầu và các quốc gia tiềm năng trở thành quốc gia đứng đầu về bản chất là “cạnh tranh mô hình”. Từ thế kỷ 20 đến nay, trên vũ đài quốc tế lần lượt xuất hiện sự đọ sức và cạnh tranh lâu dài giữa 3 mô hình: phương Tây đại điện là Mỹ, phương Bắc đại diện là Liên Xô, phương Đông là mô hình Xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc và sứ mệnh của “mô hình Trung Quốc” là lấy sáng tạo để dẫn dắt thế giới vì văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa có sức sống nhất và khó bị đồng hóa nhất trên thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa, Trung Quốc đang trỗi dậy giương cao ngọn cờ hòa bình, phát triển, hợp tác, xây dựng thế giới hài hòa nhằm đưa quan niệm giá trị của Trung Quốc đến với thế giới.
Chương IV: Xây dựng “Trung Quốc vương đạo” bằng tính cách Trung Hoa.
Theo Trung Quốc, bản chất của văn hóa “ vương đạo” là nhân nghĩa, đạo đức. “Vương đạo Trung Quốc’ chính là một nước Trung Quốc hùng mạnh không xưng bá, không áp bức, đạo đức thanh cao, thân thiện đáng kính. Trung Quốc tuy quốc lực lớn mạnh nhưng không chinh phạt, tuy thiếu thốn tài nguyên nhưng không bành trướng, có nền văn minh bao dung chứ không xung đột, phòng ngự tự vệ chứ không gây chiến trước, lập quốc bằng vương đạo chứ không phải bá đạo và chỉ ra được đạo chính thống trong dân gian chính là vương đạo nên tính cách Trung Hoa ắt phải bước ra thế giới.
Tính cách Trung Hoa tạo nên “hiện tượng Trung Quốc” và Trung Quốc trỗi dậy đảm bảo với Mỹ “8 không”, tức là Mỹ có thể có “8 điều yên tâm” về Trung Quốc.
Trung Quốc là một nước lớn về quân sự nhưng “binh pháp của Trung Quốc” coi hòa bình là trên hết. Đế quốc Trung Hoa là đế quốc tồn tại lâu đời nhất trong lịch sử thế giới nhưng điều mà đế quốc Trung Hoa luôn tâm niệm là: “bậc vương quân không chèn ép bốn bể, bậc đế vương không ức hiếp lân bang”, trước sau vẫn luôn “hùng cường nhưng không ngang ngược”, “lớn mạnh nhưng không xưng bá”.
Bắt đầu từ chương V trở đi, tác giả chủ yếu phân tích, đánh giá và đề ra những bước đi để Trung Quốc có thể thay thế được Mỹ để trở thành siêu cường số 1 trong thời gian tới.

Chương V: Chiến lược lớn đòi hỏi phải có tư duy chiến lược
 Nước lớn, lớn ở “chiến lược”,  bốn giai đoạn chiến lược lớn của Trung Quốc và ba cấp độ của chiến lược lớn của Trung Quốc
Chiến lược quyết định phương hướng và tiền đồ của một quốc gia, một dân tộc, là mạng sống của quốc gia và dân tộc.Chiến lược chính là cái lưới, cái lưới được căng lên thì các mắt lưới sẽ mở ra. Quá trình diễn biến của đại chiến lược Trung Quốc có 4 giai đoạn chiến lược, thể hiện qua 4 loại hình thái chiến lược: (i) chiến lược sinh tồn; (ii) chiến lược phát triển; (iii) chiến lược trỗi dậy, (iv) chiến lược lãnh tụ. Đại chiến lược của Trung Quốc là sự thống nhất của ba bộ phận cấu thành là chiến lược quốc gia, chiến lược châu Á và chiến lược toàn cầu.
Ba vấn đề căn bản mà đại chiến lược của Trung Quốc trong thế kỷ 21 phải giải quyết là: (i)xây dựng một nước Trung Quốc như thế nào; (ii) xây dựng một châu Á như thế nào; (iii)  xây dựng một thế giới như thế nào? Và cũng nhấn mạnh thế giới quá quan trọng, không thể giao cho nước Mỹ nên về mặt qui hoạch và thiết kế, Trung Quốc cần phải đưa ra được những thứ tốt hơn Mỹ; về mặt lãnh đạo, Trung Quốc cần có được cương lĩnh chính trị xuất sắc hơn Mỹ.
Chiến lược lớn của Trung Quốc cần học gì ở Mỹ?
Trên thế giới hiện nay, quốc gia duy nhất có thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ có Mỹ. Do đó, Trung Quốc muốn trỗi dậy thành công cần phải học tập Mỹ, nghiên cứu Mỹ, ứng phó với Mỹ. Đặc điểm của sự trỗi dậy của Mỹ là tốc độ nhanh, vốn ít, giá phải trả thấp hay có thể tổng kết thành nghệ thuật “trỗi dậy giá rẻ” của Mỹ. Nước Mỹ có hai thành công mang tính chiến lược là tiến hành sự trỗi dậy của nước lớn một cách thuận lợi và thành công trong việc kiềm chế có hiệu quả các nước lớn trỗi dậy thách thức bá quyền của mình. Con đường trỗi dậy của Mỹ được xây dựng trên đống đổ nát của cuộc cạnh tranh tàn sát lẫn nhau giữa các nước lớn khác theo kiểu “trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”. Trong quá trình trỗi dậy của mình, cho dù là đối với bạn bè hay đối với kẻ thù, Mỹ luôn có sự chuẩn bị chiến tranh đầy đủ. Trong nghệ thuật trỗi dậy của Mỹ có một đặc điểm là “giấu mình chờ thời mang đặc tính Mỹ” và luôn duy trì sự cảnh giác cao độ đối với các thế lực bên ngoài.
Vấn đề chiến lược đầu tiên hướng ra thế giới của dân tộc Trung Hoa trong thế kỷ 21 chính là hướng đến Mỹ, đối tượng mà Trung Quốc cần phải hợp tác nhất là Mỹ, đối tượng mà Trung Quốc cần cảnh giác nhất cũng là Mỹ. Bởi vậy, Trung Quốc phải luôn giương cao ngọn cờ của “thuyết hợp tác”, “thuyết hữu nghị”, “thuyết đối tác”, hội tụ những nhận thức chung trong cộng đồng quốc tế; nhưng TQ cũng không thể không biết đến sự cảnh tỉnh của “thuyết kiềm chế”, “thuyết âm mưu”, “thuyết cạm bẫy”, lúc  nào cũng phải duy trì tinh thần cảnh giác đối với âm mưu của các thế lực bên ngoài.
Chương VI: Không nên có ảo tưởng đối với Mỹ
Ảo tưởng về chiến lược, không khác gì tự sát
Đối với Mỹ cần có kỳ vọng nhưng không thể xa rời thực tế; đối với quan hệ Trung – Mỹ cần có lý tưởng nhưng không nên lý tưởng hóa. Thế kỷ 21, vấn đề hàng đầu trong đại chiến lược của Trung Quốc là không ôm chiến lược ảo tưởng đối với nước Mỹ.
Quốc gia tiềm ẩn đứng đầu, đối thủ trời sinh của quốc gia đứng đầu và Mỹ đã kiềm chế sự vươn lên của Nhật Bản và Liên Xô thế nào?
Cùng với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của nước Mỹ trong khủng hoảng tài chính, vị thế quốc gia giữa hai nước Trung – Mỹ sẽ khốc liệt hơn, “quan hệ đối thủ chiến lược cạnh tranh”giữa Trung – Mỹ sẽ nổi trội hơn. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Mỹ đăng quang ngôi vị quốc gia đứng đầu, đã hai lần tiến hành thành công cuộc chiến bảo vệ ngôi vị đứng đầu vào cuối thế kỷ 20 với Nhật Bản - nước cùng ý thức hệ với Mỹ trong nội bộ phe tư bản chủ nghĩa phương Tây và với Liên Xô - nước có ý thức hệ khác với Mỹ.
Với Nhật Bản, Mỹ dùng chiến lược phản công: ném bom nguyên tử tài chính. Chiến lược phản công của Mỹ đối với Nhật về cơ bản là tước đoạt quyền chủ động chiến lược của Nhật, chủ yếu dựa vào 2 tuyệt chiêu là thực hiện cuộc chiến tài chính với Nhật và xây dựng "kinh tế mới" lấy thông tin hóa và toàn cầu hóa làm đặc trưng cơ bản.
Với Liên Xô, Mỹ đã rất thành công với phát minh chiến lược: Chiến tranh Lạnh.
Mỹ sẽ kiềm chế Trung Quốc như thế nào?
Hiện nay, Mỹ đang tiến hành cuộc chiến thứ ba của mình - "cuộc chiến bảo vệ ngôi vô địch", kiềm chế Trung Quốc. Trong thế kỷ 21, sự kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện qua 4 đặc điểm: (i) có tính tất yếu bản chất; (ii) có tính nghệ thuật cao; (iii) có tính lâu dài của "cuộc đọ sức thế kỷ"; (iv) đòi hỏi phải có tính sáng tạo chiến lược chưa từng có. Để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ còn gặp khó khăn trên 4 mặt sau: (i) Trung Quốc thuộc dạng "trỗi dậy lương thiện" nên rất khó để định tính cho Trung Quốc; (ii) Trung Quốc kiên trì "trỗi dậy mềm", như nước chảy mây trôi, khó mà ngăn cản được; (iii) Trung Quốc vẫn luôn "trỗi dậy trong hệ thống", rất khó để bài xích; (iv) Trung Quốc tiến hành "trỗi dậy cùng có lợi", đã trói chặt lợi ích từ sự trỗi dậy của Trung Quốc với sự phồn thịnh của nước Mỹ, hoặc là cùng phồn vinh, hoặc là cùng thương vong, khiến Mỹ khó có thể hại người lợi ta, làm hại Trung Quốc cũng không có lợi gì cho Mỹ.
Tư duy chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện qua 3 thuyết là: "thuyết dẫn dắt", "thuyết quản lý" và "thuyết bao bọc". Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc xuất hiện cụm từ "Chiến tranh Ấm"- bản chất là "chiến tranh bán Lạnh", là sự đấu sức và đấu trí diễn ra trong môi trường hợp tác. Và Mỹ gặp được Trung Quốc là "duyên phận" của Mỹ, là vận may trên vũ đài quốc tế vì Mỹ gặp được một đối thủ cạnh tranh và hợp tác tốt nhất, đó chính là một nước Trung Quốc lương thiện.
“Không có kẻ thù vĩ đại, thì cũng không có nước Mỹ vĩ đại”
Chiến lược văn hóa của Mỹ chính là tạo ra văn hóa "kẻ thù", khiến Mỹ bắt buộc liên tục tìm kiếm "kẻ thù", không ngừng hò hét về sự "đe dọa" và không ngừng thổi phồng về "khủng hoảng". Tại sao Mỹ cần kẻ thù? Vì: (i) Có kẻ thù sẽ có thách thức và cạnh tranh, sẽ có động lực; (ii) Có kẻ thù, Mỹ mới có thể đoàn kết và tạo ra sự qui tụ trong nước có hiệu quả; (iii) Có kẻ thù mới có những lợi ích đặc thù của quân đội và các tập đoàn công nghiệp quân sự; (iv) Có kẻ thù mới có thể ra lệnh cho chư hầu và duy trì được vị thế bá chủ của nước Mỹ.
Tiêu chuẩn chọn kẻ thù của Mỹ có tính tổng hợp, nhưng chủ yếu xét trên 2 điểm sau: (i) tiêu chuẩn ý thức hệ, đối với Mỹ kẻ địch lý tưởng là kẻ có ý thức hệ đối lập với Mỹ, có sự khác nhau về chủng tộc và văn hóa, về sức mạnh quân sự to lớn đến mức có thể tạo thành sự đe dọa về an ninh đối với Mỹ; (ii) tiêu chuẩn về sức mạnh, phải tìm ra quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất, có tiềm lực và thực lực, có xu thế thách thức Mỹ để làm địch thủ đối phó. Căn cứ vào tiêu chuẩn "chọn kẻ thù" của Mỹ thì Trung Quốc tuyệt đối phù hợp với điều kiện là "địch thủ" của Mỹ. Nhưng một nước Mỹ giỏi tạo ra "địch thủ vĩ đại" đã trở thành một nước Mỹ cô độc và bi ai. Sự vĩ đại của Mỹ đã không thể thực hiện và duy trì thông qua việc tạo dựng địch thủ vĩ đại, bởi vậy "liên minh Trung - Mỹ" đã xuất hiện trong tư duy mới của Mỹ. Lịch sử phát triển của Mỹ sẽ bước vào một điểm ngoặt đó chính là phải mở ra một con đường mới "không có kẻ thù vĩ đại, vẫn có nước Mỹ vĩ đại".
Chương VII: Nước lớn trỗi dậy phải có đại quân
Sự phục hưng vĩ đại “kêu gọi” tinh thần “thượng võ”
Thế kỷ 21, Trung Quốc muốn trỗi dậy, ứng phó với sự đe dọa từ phía Mỹ, bảo đảm không có đại chiến Trung - Mỹ thì Trung Quốc phải có đại quân. Đây là sự đầu tư an ninh, đầu tư phát triển và đầu tư trỗi dậy mà Trung Quốc phải tiến hành. Hiện nay, Trung Quôc đang trỗi dậy, công cuộc phục hưng đang được thực hiện. Muốn tiến hành công cuộc phục hưng vĩ đại thì phải phục hưng tinh thần thượng võ của dân tộc Trung Hoa. Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc trong thời đại Hán Đường là "Trung Quốc anh hùng; Trung Quốc sau nhà Tống là một "Trung Quốc nhu nhược; Trung Quốc sau chiến tranh Nha Phiến là "Trung Quốc chịu đòn"; "Trung Quốc chiến đấu" là Trung Quốc của thế kỷ 20 và Trung Quốc của thế kỷ 21 là một "Trung Quốc hùng mạnh".

Muốn 'Trỗi dậy hòa bình' phải 'Trỗi dậy quân sự'

Thế kỷ 21, xây dựng "Trung Quốc lớn mạnh" chính là phải xây dựng Trung Quốc thành "nước lớn thị trường", đồng thời cũng phải xây dựng Trung Quốc thành "nước lớn quân sự". Và muốn "trỗi dậy hòa bình" thì phải "trỗi dậy về quân sự"; muốn có "hòa bình" thì phải chuẩn bị "chiến tranh", theo đuổi "trỗi dậy hòa bình" không sợ phải "trỗi dậy chiến đấu" vì Trung Quốc trỗi dậy hòa bình phải đặt dưới tiền đề là sự đối xử hòa bình của các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Nếu như Mỹ vừa không ủng hộ sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, vừa không thỏa mãn với sự kiềm chế đối với hòa bình Trung Quốc mà tiến hành quân sự, thậm chí gây áp lực chiến tranh đối với Trung Quốc thì tất yếu sẽ đẩy Trung Quốc phải dùng chiến tranh để bảo vệ quyền trỗi dậy của mình nhưng Trung Quốc bị buộc phải chiến đấu để trỗi dậy cũng không giống như sự trỗi dậy bành trướng, trỗi dậy bá quyền như một vài nước lớn trỗi dậy trong lịch sử. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cần có sự thống nhất giữa "phú quốc" và "binh cường", vừa muốn trỗi dậy trở thành nước lớn về kinh tế lại vừa muốn trỗi dậy trở thành nước mạnh về quân sự thì quyết không thể trở thành một "dân tộc kinh tế" chỉ có mỡ mà không xương, có trọng lượng mà không có sức lực.
Muốn không có "đại chiến" giữa Trung - Mỹ thì Trung Quốc phải có “đại quân”, “phú quốc” cần phải có “cường quân”
"Đại quân" ở đây không phải là lớn về mặt qui mô mà phải mạnh về mặt chất lượng. Trung Quốc trỗi dậy về quân sự không phải là để đánh Mỹ mà là để không bị Mỹ đánh, là để tránh chiến tranh, ngăn chặn chiến tranh. Như vậy, đặc trưng của sự trỗi dậy quân sự mang đặc sắc Trung Quốc là sự trỗi dậy mang tính tự vệ, tính phòng ngự, tính hòa bình, tính có hạn, tính bắt buộc, tính quan trọng, tính bức thiết.
Thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa phải kiên trì sự thống nhất giữa "phú quốc" và "cường quân". Để làm được điều này, Trung Quốc phải dám tăng cường quân đội, Trung Quốc phải quyết chí tự "phú" và càng phải quyết chí tự "cường". Sự lớn mạnh của Trung Quốc là không giới hạn vì không có mối liên hệ tất yếu nào giữa lớn mạnh và bá quyền, một quốc gia lớn mạnh có thể là một quốc gia bá quyền, cũng có thể là một quốc gia phi bá quyền. Quốc gia bá quyền lớn mạnh có hại cho hòa bình thế giới nhưng một quốc gia phi bá quyền lớn mạnh lại có lợi cho hòa bình thế giới. Chính bởi vì Trung Quốc hiện đang là quốc gia thiếu năng lực để bảo vệ lợi ích an ninh và phát triển của mình nên Trung Quốc mới cần ra sức phát triển lực lượng quân sự của. Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia lớn mạnh không xưng bá trên thế giới, sẽ trở thành một quốc gia lớn mạnh hạn chế bá quyền trên thế giới, bảo vệ hòa bình thế giới.
Chương VIII: Hô hào "Thuyết Trung Quốc sụp đổ"
“Nước lớn trỗi dậy” và “nước lớn sụp đổ chỉ cách nhau một bước”, Trung Quốc “ca khúc khải hoàn” càng phải “rung chuông cảnh tỉnh”
Hiện nay nói đến Trung Quốc, người Trung Quốc xúc động, người Mỹ kích động, nhân dân trên toàn thế giới cảm thấy chấn động. Sự phát triển của Trung Quốc tạo nên kỳ tích trên thế giới. Trong thời khắc ca khúc khải hoàn thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại của nhân dân Trung Hoa, sự khiêm tốn, lý trí, bình tĩnh đều trở nên vô cùng quí giá. Ý thức lo hoạn nạn khó khăn của một dân tộc vĩ đại được thể hiện trong việc tự mình luôn phải rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh. Trung Quốc hiện nay đang trong thời kỳ có cơ hội chiến lược, là nước có cơ hội lớn nhất trên thế giới, cũng là nước có thể gặp rủi ro nhất thế giới. Vận mệnh của một quốc gia lại thường được quyết định bởi một vài mắt xích yếu nhất của chính nước đó hay chỉ là một mắt xích trong đó. Bản thân người Mỹ thường cao giọng nói lớn "Mỹ suy vong", người Mỹ 8 lần cất cao giọng về "Thuyết nước Mỹ sụp đổ" để ngăn ngừa suy vong; người Trung Quốc trong quá trình đang trỗi dậy, nghe tiếng kêu "Trung Quốc sụp đổ" cũng có thể có ích cho việc ngăn ngừa sụp đổ, tiến hành trỗi dậy. Trung Quốc có nhiều cái tốt đứng số 1 thế giới cần phải được duy trì, bảo vệ; những cái không tốt đứng số 1 thế giới của Trung Quốc cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, phải giải quyết.
“Khủng hoảng nhân tài”: nguy cơ chết người nhất và “ba sáng tạo” bảo đảm Trung Quốc ổn định lâu dài
 Trong các nguy cơ dẫn đến sự suy vong và sụp đổ của một quốc gia thì nguy cơ nguy hiểm nhất là "khủng hoảng nhân tài vì nước lớn trỗi dậy mấu chốt là "nhân tài trỗi dậy". Có 3 mâu thuẫn lớn có thể dẫn đến việc Trung Quốc "trỗi mà không dậy"đó là (i) mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên; (ii) mâu thuẫn giữa người với người; (iii) mâu thuẫn giữa Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có ba sáng tạo mới để ứng phó với mâu thuẫn đó là: (i) tạo ra kỳ tích "Dân chủ kiểu Trung Quốc" tốt hơn "Dân chủ kiểu Mỹ"; (ii) tạo ra kỳ tích "phân phối của cải" cân bằng hơn "các quốc gia phúc lợi" và (iii) tạo ra kỳ tích "nắm quyền lâu dài, liêm khiết lâu dài" có hiệu quả hơn "cạnh tranh đa đảng". Bởi vậy nên nước Mỹ không nên có ảo tưởng với Trung Quốc, thế kỷ Trung - Mỹ tranh chấp, hai bên đều không nên có ảo tưởng, đều không nên mắc bệnh ấu trĩ chính trị.
(Thùy Linh, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông-nghincuubiendong.vn)