Trong
quá trình hoà mình vào cuộc đấu tranh sôi nổi của phong trào công nhân và
Đảng Xã hội Pháp để tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam,
Nguyễn Ái Quốc đã được đọc “Sơ
thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”
của V.I.Lênin. Người đón nhận những tư tưởng cách mạng của V.I.Lênin với niềm
phấn khởi và tin tưởng của một người chiến sĩ cách mạng sau nhiều năm nghiên
cứu lý luận, khảo sát thực tiễn. Tác phẩm đã giúp Nguyễn Ái Quốc tìm thấy lời
giải đáp cho những câu hỏi lớn về vận mệnh dân tộc, soi sáng con đường giải
phóng dân tộc: con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người đã tích cực xúc tiến
công tác chuẩn bị những điều kiện cần thiết, hướng phong trào đấu tranh của
nhân dân Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản.
Vào
giữa năm 1920, khi đang hoà mình trong cuộc đấu tranh sôi nổi của Đảng Xã hội
Pháp để tìm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã được đọc Sơ thảo lần thứ
nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Người đón nhận Luận cương này của
V.I.Lênin với niềm phấn khởi và tin tưởng của một người chiến sĩ cách mạng
sau nhiều năm nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn. Luận cương của
V.I.Lênin đã có ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đối với nhận thức, tư tưởng của
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam.
Sơ thảo lần thứ nhất những luận
cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa
của V.I.Lênin thường được gọi tắt là Luận cương của V.I.Lênin hay Sơ
thảo luận cương. Đây là một trong những văn kiện được V.I.Lênin viết xong
vào tháng 6, 7 năm 1920 để trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, họp từ
19 - 7 đến 07 - 8 - 1920; ngay sau đó, bản Luận cương này đã được đăng trên tạp chí Quốc tế cộng sản số 11,
ngày 14 - 7 - 1920; và trên báo Nhân
đạo (L’ Humanité) - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 16
và 17 - 7 - 1920.
Sơ
thảo luận cương ra đời trong điều kiện lịch sử
hết sức phức tạp. Trên thế giới, các nước tư bản đế quốc sau chiến tranh đã
lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Bọn chúng đã trút gánh nặng của cuộc
khủng hoảng kinh tế đó lên đầu giai cấp vô sản và quần chúng lao động, cả ở
chính quốc và các nước thuộc địa, khiến cảnh khốn cùng của họ cứ tăng lên
mãi. Trong tình hình ấy, lòng căm phẫn của công nhân và nhân dân lao động
thêm sục sôi, khí thế và tư tưởng cách mạng của họ thêm sâu sắc. Từ Đại hội I
đến Đại hội II của Quốc tế Cộng sản là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong
trào cách mạng thế giới và ngày càng có thêm nhiều quần chúng lao động được
thu hút vào cuộc đấu tranh.
Trong
phong trào cộng sản đang phát triển nhanh chóng lúc bấy giờ, V.I.Lênin đặc
biệt chú ý đến bộ phận các lãnh tụ của đảng thuộc Quốc tế II, những người đã
tự coi mình là cộng sản, nhưng trên thực tế, họ lại là những phần tử cơ hội
chủ nghĩa. Bộ phận này đã thao túng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Bản chất của họ mang tính dân tộc tư sản hẹp hòi và sô vanh nước lớn. Trong
vấn đề dân tộc và thuộc địa, những kẻ cơ hội chỉ đơn giản thừa nhận một cách
hình thức quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Trên thực tế thì hoàn toàn ngược
lại, họ núp dưới chiêu bài “bảo vệ Tổ quốc” để che đậy việc bảo vệ quyền lợi
của giai cấp tư sản trong việc đi áp bức các dân tộc thuộc địa. Chúng khơi
dậy những thành kiến và tô đậm sự nghi kỵ dân tộc nhằm chia rẽ các dân tộc
thuộc địa với giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở chính quốc, ở các nước
tư bản khác. Đó là điều vô cùng nguy hại cho phong trào cộng sản thế giới.
Vào
thời điểm này, Nhà nước Xôviết non trẻ đang cần được bảo vệ hơn bao giờ hết
trước sự can thiệp vũ trang của liên minh các cường quốc tư bản đế quốc. Bảo
vệ nước Nga Xô viết lúc này có ý nghĩa là bảo vệ trung tâm của cách mạng vô
sản thế giới, bảo vệ học thuyết cách mạng của C.Mác. Do vậy, việc củng cố các
đảng chuẩn bị cho việc tiến hành chuyên chính vô sản trên phạm vi toàn thế
giới và liên hiệp tất cả những người vô sản cách mạng ở những nước tư bản
tiên tiến với quần chúng cách mạng bị áp bức, bóc lột ở các nước thuộc địa, ở
các nước phương Đông được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chương
trình nghị sự của Đại hội II Quốc tế Cộng sản.
Trong
điều kiện như vậy, V.I.Lênin đã soạn thảo những luận cương về vấn đề dân tộc
và vấn đề thuộc địa. Tác phẩm tuy ngắn gọn nhưng vô cùng quan trọng. Nó đã củng
cố những nguyên tắc mácxít về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Những luận
cương đó đã được Đại hội II Quốc tế Cộng sản thông qua và coi là cương lĩnh
hành động của Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản trong tình hình lúc bấy
giờ.
Về
nội dung, ngoài phần yêu cầu bổ sung, nội dung của Luận cương gồm 12 luận
điểm. Phân tích những luận điểm đó, chúng tôi nhận thấy rằng, Luận cương của
V.I.Lênin nêu lên 5 tư tưởng chiến lược lớn: một là, đặt vấn đề dân
tộc đi đôi với vấn đề thuộc địa. Theo V.I.Lênin, quyền tự quyết của các dân
tộc bao gồm quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa phải đi đến công nhận,
thực hiện quyền độc lập tự chủ chứ không phải chỉ có tự trị văn hoá. Quyền
độc lập tự chủ này không phải riêng cho các dân tộc da trắng, mà cho tất cả
các dân tộc thuộc mọi màu da, Hai là, chỉ rõ trách nhiệm trọng đại của
các Đảng Cộng sản ở các nước đế quốc là phải ủng hộ, giúp đỡ một cách tích
cực nhất đối với phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ
thuộc. Ba là, khẳng định các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc không
những có nhiệm vụ giải phóng khỏi ách thống trị của nước ngoài, mà còn phải
đấu tranh chống lại các lực lượng phản động ở ngay trong nước mình, những lực
lượng đó thường là đồng minh của đế quốc thực dân. Bốn là, đề ra một
nhiệm vụ lớn của cách mạng thế giới - sự đoàn kết chặt chẽ giữa phong trào
giải phóng các dân tộc thuộc địa bị áp bức với các nước đã làm cách mạng xã
hội chủ nghĩa thành công. Cuối bản Luận cương, V.I.Lênin còn nêu rõ: để chiến
thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, đảm bảo cho các dân tộc giành lại được độc
lập, thì phải thực hiện sự liên minh, thống nhất của giai cấp vô sản tất cả
các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Người khẳng định rằng,
“không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của
giai cấp vô sản, rồi sau nữa, của toàn thể quần
chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì
không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”(1). Năm là,
Quốc tế III đóng vai trò bộ tham mưu chung của cách mạng thế giới. Nước Nga
Xô viết là ngọn cờ đầu, là căn cứ địa, là thành trì của cách mạng thế giới.
Có
thể khẳng định, những tư tưởng cơ bản trong Sơ thảo luận cương có
nhiều điểm phù hợp với tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt là sự đau xót
của Người trước nỗi thống khổ của quần chúng lao động khắp thế giới và sự
quan tâm đến vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa cũng như tinh thần đoàn
kết của quần chúng lao động trong đấu tranh. Chính những nội dung lớn đó đã
mang lại sự vui mừng, phấn khởi cho Nguyễn Ái Quốc khi tiếp cận, tiếp thu
những tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin trong Sơ thảo luận cương. Sau này,
Hồ Chí Minh đã kể lại: “Bản Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động,
phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi xúc động đến phát khóc lên. Ngồi
một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông
đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây
là con đường giải phóng chúng ta” và “Từ đó, tôi đã có một sự lựa chọn: tán
thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin”(2). Chính Người đã viết thư
bằng tiếng Pháp gửi Quốc tế Cộng sản cho biết, Luận cương này có ảnh hưởng
rất lớn đến sự hình thành thế giới quan và giúp Người dứt khoát đi theo Quốc
tế III.
Vấn
đề lớn mà Nguyễn Ái Quốc luôn quan tâm và tìm lời giải đáp trong quá trình
tìm đường cứu nước chính là vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Cụ thể là
cách mạng ở Việt Nam sẽ phải đi theo con đường nào, làm thế nào để giành lại
độc lập, bình đẳng cho dân tộc Việt Nam? Khi còn ở trong nước, Nguyễn Ái Quốc
đã có sự tổng kết, phê phán và không tán thành cách làm của các bậc tiền bối,
dù rằng Người rất kính phục các vị ấy. Trong thời gian bôn ba khắp thế giới,
đặc biệt là những năm tháng sống ở Mỹ, Anh, Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu
và nghiên cứu kỹ những cuộc cách mạng ở đó. Người đã tìm hiểu, nghiên cứu
cách mạng Mỹ 1776, cách mạng Pháp 1789. Song, Người nhận ra rằng, những cuộc
cách mạng ấy là “những cuộc cách mạng chưa đến nơi”, nghĩa là cách
mạng rồi mà nhân dân lao động ở đó vẫn chưa được giải phóng, vẫn còn bị áp
bức, bóc lột và rất cực khổ. Vì vậy, sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc
khỏi mọi áp bức, bóc lột không thể đi theo con đường của những cuộc cách mạng
đó, mà phải theo con đường khác.
Trong
thời gian sống và hoạt động ở Pháp từ cuối năm 1917, đời sống chính trị - xã
hội của nước Pháp nói chung, của Đảng Xã hội và công nhân Pháp nói riêng đã
tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Ái Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát
triển tư tưởng, nhận thức của Người lên một trình độ mới. Nguyễn Ái Quốc đã
tự mình rút ra những kết luận quan trọng sau thời gian tìm tòi, khảo sát
trước khi gặp được Luận cương của V.I.Lênin:
Một
là, từ Việt Nam đến các nước thuộc
địa khắp thế giới và các nước chính quốc, ở đâu đâu quần chúng lao động cũng
sống khổ cực, bị áp bức và bóc lột.
Hai
là, ở đâu chủ nghĩa tư bản và đế
quốc cũng bộc lộ sự tàn bạo và những tội ác dã man. Ở đâu, Người cũng thấy
khát vọng đấu tranh giải phóng, đòi quyền làm người của những người lao động
nghèo khổ; thấy không thể chỉ dựa vào “yêu sách” để yêu cầu bọn thực
dân đế quốc thực hiện công bằng, bình đẳng. Những nhận thức sâu sắc đó làm
nảy nở ở Người tư tưởng về sự đoàn kết quốc tế của những người cùng khổ.
Ba
là, muốn đánh đổ chủ nghĩa tư bản,
đế quốc và được giải phóng, các dân tộc phải trông cậy vào lực lượng của bản
thân mình. Đoàn kết làm nên sức mạnh.
Tuy
nhiên, phải đợi đến khi được tiếp cận và tiếp thu những tư tưởng cơ bản của
V.I.Lênin trong Sơ thảo luận cương, Nguyễn Ái Quốc mới nhận rõ con
đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam.
Thời
gian sống và hoạt động ở Pháp, trong Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã biết
ít nhiều về Cách mạng Tháng Mười năm 1917 ở Nga và V.I.Lênin. Người rất có
cảm tình với Cách mạng Tháng Mười Nga và kính yêu V.I.Lênin. Bằng cảm tính tự
nhiên, Người ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nga chống lại sự can thiệp
của bọn đế quốc, nhưng chưa hiểu rõ ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười. Khi
nghiên cứu Luận cương của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy sự chỉ dẫn về
con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa nói chung và ở
Việt Nam nói riêng ở những luận điểm 5, 6, 8, 9, 11 của Luận cương. Những
luận điểm ấy đã nhấn mạnh rằng, cần phải có sự giúp đỡ của các Đảng Cộng sản
và giai cấp công nhân ở các nước tiên tiến đối với cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và lạc hậu; tất cả những
người vô sản và quần chúng lao động của các nước trên thế giới cùng nhau tiến
hành một cuộc đấu tranh cách mạng chung; rằng, đối với các dân tộc thuộc địa,
phụ thuộc và nhỏ yếu, không có con đường nào khác ngoài con đường liên minh
với nước Cộng hoà Xô viết. Chủ nghĩa thực dân, đế quốc sẽ sụp đổ hoàn toàn
khi giai cấp vô sản và nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa hoà cùng một
nhịp đập cách mạng.
Chính
những điều đó đã làm cho Nguyễn Ái Quốc vui mừng đến phát khóc. Cảm động, phấn
khởi, mà sáng tỏ tin tưởng biết bao, Người đã tìm thấy ở Luận cương của
V.I.Lênin con đường giải phóng đất nước và nhân dân mình. Nguyễn Ái Quốc đã
rút ra kết luận quan trọng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có
con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3). Người đánh giá cao
Cách mạng Tháng Mười: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành
công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự
do, bình đẳng thật… Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại
ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh
để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(4).
Đi
theo con đường cách mạng vô sản có nghĩa là cần phải xây dựng khối đoàn kết
và liên minh chiến đấu với giai cấp vô sản thế giới, trong đó có giai cấp
công nhân và nhân dân lao động chính quốc. Người cho rằng, “…dù màu da có
khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống
người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình
hữu ái vô sản”(5).
Một
vấn đề nữa có ảnh hưởng quan trọng đối với Nguyễn Ái Quốc lúc này là cuộc đấu
tranh trong Đảng Xã hội Pháp về vấn đề ở lại Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế
Cộng sản III. Người hỏi: “cái Quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc
địa?” và nhận được câu trả lời rằng, đó là Quốc tế III. Đúng là chỉ có Quốc
tế III mới “chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa” và đoàn kết, giúp đỡ các
dân tộc theo nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chính vì vậy, Nguyễn Ái
Quốc đã “bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III” và “hoàn toàn tin theo
Lênin, tin theo Quốc tế III”. Người từ chối Quốc tế II vì nó “ủng hộ chính
sách đế quốc chủ nghĩa mà bọn tư bản thực hiện ở các nước thuộc địa, hoặc nếu
có nói quyền tự quyết thì chỉ đáp ứng cho các dân tộc da trắng, lờ đi các dân
tộc da đen hoặc chỉ nói quyền tự trị văn hoá”(6). Nguyễn Ái Quốc đứng về phía
Quốc tế III vì nó giải quyết hợp lý vấn đề giai cấp và dân tộc, không chỉ
quan tâm giải phóng nhân dân lao động và vô sản chính quốc, mà còn giải phóng
các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam. Giải thích một cách ngắn gọn lý
do ủng hộ Quốc tế III, Người nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ
quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi
hiểu”(7).
Dưới
ánh sáng Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy rằng, tinh thần
yêu nước, tinh thần dân tộc cần phải gắn bó chặt chẽ với tinh thần quốc tế vô
sản và vấn đề độc lập dân tộc của Việt Nam cần phải gắn bó khăng khít với
phong trào cách mạng thế giới. Muốn giành thắng lợi hoàn toàn, các dân tộc
thuộc địa và phụ thuộc phải thực hiện cuộc cách mạng không ngừng, phải giữ
vững tính độc lập của phong trào vô sản, thực hiện cuộc cách mạng giải phóng
dân tộc dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản - có thể liên minh tạm thời với
giai cấp tư sản dân tộc và các giai cấp, tầng lớp khác, nhưng không được xa
rời mục tiêu của mình là thủ tiêu giai cấp - ở các thuộc địa vẫn còn tồn tại
những quan hệ tiền tư bản có khả năng thực hiện bước quá độ dần dần lên chủ
nghĩa xã hội.
V.I.Lênin
đã đưa ra bài học kinh nghiệm của việc giải quyết vấn đề dân tộc ở nước Nga
Xô viết trong luận điểm thứ 7 và thứ 12; đồng thời, Người còn lưu ý là phải
đặc biệt thận trọng đối với những tình cảm dân tộc trong quá trình giáo dục
tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong nhân dân các nước thuộc địa lạc hậu.
Người cũng chỉ rõ trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân
tộc là một bộ phận của cách mạng vô sản và những người cộng sản có nhiệm vụ
phải giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu, vận
dụng và phát triển sáng tạo luận điểm này của Lênin. Trong Lời phát biểu
tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc kiên
quyết đấu tranh cho tư tưởng này của Lênin được thực hiện trong thực tế, đề
nghị “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc
địa”(8). Trên cơ sở phân tích những điều kiện lịch sử - xã hội của phương
Đông, Nguyễn Ái Quốc khẳng định rằng, chế độ cộng sản hoàn toàn có thể thực
hiện được ở châu Á và điều đó còn dễ hơn ở châu Âu.
Trong
lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc luôn nhấn mạnh mối
quan hệ khăng khít giữa cách mạng ở thuộc địa và cách mạng ở chính quốc.
Người viết: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa, có một cái vòi bám vào giai cấp
vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc
địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai
vòi”(9); đồng thời, kêu gọi giai cấp công nhân ở các nước phương Tây phải đẩy
mạnh việc ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa.
Trong những bài phát biểu tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Người nói: “Tất cả
các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư
bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc
địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính
cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực
lượng phản cách mạng”(10). Vì vậy, muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc, trước
hết cần xoá bỏ hệ thống thuộc địa của nó. Từ đó, Người đề xuất một luận điểm:
cách mạng giải phóng dân tộc cần chủ động và có thể giành thắng lợi trước
cách mạng vô sản ở chính quốc và bằng thắng lợi đó, tác động mạnh mẽ đối với
cách mạng ở chính quốc. Luận điểm này được coi là một sáng tạo lớn của Nguyễn
Ái Quốc về cách mạng giải phóng dân tộc, là sự bổ sung quan trọng vào kho
tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Kể
từ khi tiếp thu Luận cương của V.I.Lênin, đứng vững trên quan điểm của
chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu thực hiện các hoạt động tuyên
truyền và tổ chức trong giai cấp công nhân và những người yêu nước ở một nước
thuộc địa với nhịp độ khẩn trương chưa từng thấy. Người kiên quyết đấu tranh
chống tư tưởng hữu khuynh, mơ hồ về chủ nghĩa thực dân ngay trong Đảng Cộng
sản Pháp; thường xuyên tố cáo mạnh mẽ những tội ác dã man của chủ nghĩa thực
dân nói chung, chủ nghĩa thực dân Pháp nói riêng, làm cho các tầng lớp nhân
dân Pháp hiểu rõ tình cảnh của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc
địa khác; làm cho giai cấp vô sản Pháp hiểu rõ thực chất của chế độ thực dân,
hiểu rõ các dân tộc thuộc địa và quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa. Trong
bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 22, Đại hội V Quốc tế Cộng sản, ngày 01 -
7 - 1924, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những nhận định sắc bén: “Giai cấp tư sản
các nước thực dân đã làm gì để kìm giữ trong vòng áp bức biết bao quần chúng
của các dân tộc bị chúng nô dịch? Chúng làm tất cả. Ngoài việc dùng những
phương tiện do bộ máy chính quyền Nhà nước đem lại cho nó, nó đồng thời còn
tiến hành tuyên truyền hết sức ráo riết. Bằng những bài nói chuyện, bằng điện
ảnh, báo chí, triển lãm và mọi phương pháp khác nữa, nó nhồi cho nhân dân các
chính quốc cái đầu óc thực dân, nêu lên trước mắt họ cảnh sống dễ dàng, vinh
quang và giàu có đang chờ đợi họ ở các nước thuộc địa.
Còn
các đảng cộng sản của chúng ta như Đảng Cộng sản Anh, Hà Lan, Bỉ và các đảng
cộng sản các nước khác mà giai cấp tư sản ở đấy chiếm giữ thuộc địa, thì đã
làm những gì? Các đảng này, từ khi chấp nhận bản luận cương của Lênin, đã làm
được những gì để giáo dục cho giai cấp công nhân nước mình tinh thần quốc tế
chủ nghĩa chân chính, tinh thần gần gũi với quần chúng lao động các nước
thuộc địa? Tất cả những việc mà các đảng của chúng ta đã làm về mặt này, thật
hầu như chưa có gì cả. Còn về tôi, là một người sinh trưởng ở một nước hiện
nay là thuộc địa của Pháp và là một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tôi lấy làm
tiếc phải nói rằng Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi làm rất và rất ít cho các
nước thuộc địa”(11). Người đề nghị thực hiện những biện pháp cụ thể về tuyên
truyền cho vấn đề thuộc địa, về việc gửi một số đồng chí ở các nước thuộc địa
sang học ở trường Đại học phương Đông và đặt nhiệm vụ cho các đảng viên phải
quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa.
Chúng
ta biết rằng, lúc đó đã từng có những ý kiến hoặc là coi nhẹ vị trí, tầm quan
trọng của phong trào giải phóng dân tộc, hoặc ngược lại đề cao quá mức như
“không có thắng lợi của phong trào cộng sản ở các nước phương Đông thì ở
phương Tây không có gì hết”, và hạ thấp vai trò của giai cấp vô sản quốc tế.
Những ý kiến sai trái với tư tưởng Lênin lại là của những đại biểu đã từng có
quá trình hoạt động chính trị, có vị trí cao trong các Đảng Cộng sản và tham
dự nhiều đại hội của Quốc tế Cộng sản nên việc phê phán, đấu tranh chống
những quan điểm sai trái đó thật không đơn giản. Thực tế cho thấy, sau này,
trừ một số người được thuyết phục và đã đi theo Lênin, số còn lại vẫn tiếp
tục chống đối, trượt dài trên những sai lầm và cuối cùng, họ đã phản bội Quốc
tế Cộng sản. Tuy nhiên, nhờ sự phê phán của Nguyễn Ái Quốc, từ sau Đại hội V
của Quốc tế Cộng sản, tình trạng “ít hiểu biết”, “thờ ơ” của giai cấp công
nhân dần dần được khắc phục, tình trạng thiếu quan tâm hay quan tâm không
đúng mức của các Đảng Cộng sản chính quốc đối với vấn đề thuộc địa không còn
nữa. Những đề nghị của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội đã trở thành hành động thực
tế của các Đảng Cộng sản ở châu Âu.
Không
chỉ tố cáo những tội ác dã man của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân đối
với nhân dân các nước thuộc địa để thức tỉnh hàng trăm triệu quần chúng lao
động ở những nước này vùng lên đấu tranh đánh đổ bọn đế quốc, thực dân giải
phóng cho mình, cũng như kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở
các nước chính quốc, các Đảng Cộng sản và công nhân trên toàn thế giới tích
cực ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước
thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc còn tiến tới tổ chức, xây dựng khối đoàn
kết của nhân dân các nước thuộc địa. Tháng 6 - 1921, Người cùng với một
số nhà yêu nước của các nước thuộc địa khác thành lập Hội liên hiệp các
dân tộc thuộc địa, xuất bản báo Người cùng khổ (Le Paria)
vào năm 1922, viết tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản lần
đầu tiên tại Pháp năm 1925); đọc nhiều tham luận tại các hội nghị quốc tế,
trong đó nhấn mạnh phải hoạt động tích cực cho phong trào giải phóng dân tộc
ở các nước thuộc địa theo đường lối của Lênin.
Có
thể khẳng định, Luận cương của Lênin đã mở ra con đường đưa Nguyễn Ái
Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Do nhu cầu của cách mạng, Người càng ra
sức tìm hiểu và thấu suốt được tinh túy của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng
sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề mà
thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra. Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để khẳng
định rằng, chính Luận cương của Lênin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về
chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của
Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin, từ giác ngộ
dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản.
Qua Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đó con đường
chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc: con đường cách mạng
vô sản. Chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, 40 năm sau nhìn lại sự kiện
này, đã viết: “… cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách
mạng oanh liệt và rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và
của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đã
từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”(12).r
(*) Thạc sĩ, Giảng viên triết học, Trường Đại học Sư phạm Thể
dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh.
(1)
V.I.Lênin. Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.206.
(2)
Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.
471.
(3) Hồ Chí Minh. Sđd., t.9,
tr.314.
(4) Hồ Chí Minh. Sđd., t.2, tr.280.
(5) Hồ Chí Minh. Sđd., t.1, tr.266.
(6)
Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến
cách mạng tháng Tám, t.3, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1993, tr.42.
(7)
Dẫn theo: Mai Chí Thọ. Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Nxb Tp. Hồ Chí
Minh, 1985, tr.65.
(8) Hồ Chí Minh. Sđd., t.1,
tr.23.
(9) Hồ Chí Minh. Sđd, t. 1, tr. 298.
(10 Hồ Chí Minh. Sđd., t. 1, tr. 274.
(11) Hồ Chí Minh. Sđd.,
t.1, tr.278.
(12) Hồ Chí Minh, Sđd., t.10, tr.241.
|