Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

39. Trung Đông năm 2020



(Cập nhật: 25/12/2009)
TCCSĐT - Trong 3 ngày, từ ngày 20 đến ngày 22-12-2009, Câu lạc bộ “Van-dai” (“Valdai”), Cục Thông tin Quốc tế của Hãng thông tấn Nga “Novosti”, Hội đồng Phụ trách chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga đã tổ chức Hội nghị quốc tế về Trung Đông với chủ đề “Trung Đông: năm 2020” tại Gioóc-đa-ni.
Chương trình nghị sự của Hội nghị đã bàn về triển vọng dàn xếp cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, vai trò của các nước ngoài khu vực trong nền chính trị ở Trung Đông, vấn đề an ninh năng lượng và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Được thành lập năm 2004 bởi Hội đồng Phụ trách chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, Báo “Tin tức Mát-xcơ-va” (“The Moscow News”), Tạp chí “Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu” (“Russia In The Global Affairs”) và Tạp chí “Hình bóng nước Nga” (“Russia Profile”), Câu lạc bộ “Van-đai” hằng năm đã mời gọi hàng trăm chính khách và các chuyên gia nghiên cứu chính trị từ nhiều nước khác nhau để thảo luận các chủ đề liên quan tới nước Nga và thế giới. Khoảng 70% đại biểu tham dự các cuộc hội thảo là khách mời thường xuyên của Câu lạc bộ. Đây là lần đầu tiên một hội nghị quốc tế về Trung Đông được tổ chức ở Nga với sự tham gia của các chính khách, nhà báo, chuyên gia và các nhà khoa học đến từ Pa-le-xtin, I-xra-en, Ai-cập, I-ran, Sy-ri, A-rập Xê-út, Bác-khranh, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh, Mỹ và Pháp. Khách mời danh dự có Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga A. Xan-tan-nốp, Viện sĩ E. Pri-ma-cốp và đại diện Hoàng gia Gioóc-đa-ni.
1. Bối cảnh tổ chức Hội nghị quốc tế về Trung Đông
Hội nghị quốc tế về Trung Đông lần này diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Đông đang rơi vào bế tắc. Hiện chưa có dấu hiệu níu kéo Pa-le-xtin và I-xra-en ngồi vào bàn đàm phán và cộng đồng quốc tế đang rất cần đưa ra các biện pháp khẩn cấp để buộc các bên phải thực hiện các cam kết mà họ đã từng chấp nhận trước đây. Trước đó, ngày 24-11-2009, Trợ lý phụ trách chính trị của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tuyên bố tại Hội nghị của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng, dấu hiệu đáng lo ngại nhất đối với tiến trình hoà bình Trung Đông là việc I-xra-en tiếp tục xây dựng trái phép các khu định cư của người Do Thái trên phần lãnh thổ chiếm đóng của người Pa-le-xtin, vi phạm tất cả các cam kết của họ sau khi Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút A-bát đã có sự nhân nhượng là không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã từng thông qua Nghị quyết số 1860, yêu cầu các bên ngừng chiến ở dải Ga-da, theo đó, I-xra-en phải rút hết quân ra khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Pa-le-xtin và mở cửa ranh giới tại các trạm kiểm soát dọc theo dải Ga-da, nhưng cả I-xra-en và Phong trào Hồi giáo Ha-mát đều phản đối Nghị quyết này. Từ đó tới cuối năm 2009, các bên vẫn không ngừng các cuộc pháo kích và trả đũa lẫn nhau. Tiến trình hoà bình Trung Đông rơi vào bế tắc. Rõ ràng, các nỗ lực chính trị nhằm tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận được về sự tồn tại của hai nhà nước I-xra-en và Pa-le-xtin đã hoàn toàn trở nên vô vọng.
Trong bối cảnh đó, người Pa-le-xtin đã không còn hy vọng vào sự giúp đỡ của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, người đã từng đưa ra tuyên bố trong những ngày đầu bước vào Nhà Trắng rằng, dàn xếp tiến trình hoà bình Trung Đông là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông. Nếu trong những ngày mới lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma yêu cầu I-xra-en phải hoàn toàn chấm dứt các hoạt động xây dựng khu định cư trên các vùng đất chiếm đóng của người Pa-le-xtin thì nay, ông lại đồng ý với đề nghị của Thủ tướng I-xra-en Na-ta-ni-a-hu là chỉ tạm thời ngừng xây dựng trong vòng 10 tháng. Điều này đã bị phía Pa-le-xtin hoàn toàn bác bỏ. Ngoài tiến trình hoà bình Trung Đông, tình hình I-rắc cũng đang bất ổn và vấn đề hạt nhân của I-ran thì bế tắc, chưa có lời giải đáp. Tê-hê-ran đứng trước nguy cơ bị áp dụng lệnh trừng phạt mới cứng rắn hơn. Thêm vào đó, tình hình biên giới giữa Cộng hòa Y-ê-men và A-rập Xê-út đang trở nên căng thẳng.
2. Nội dung bàn thảo tại Hội nghị quốc tế về Trung Đông
Phát biểu tham luận tại Hội nghị có ông Ép-ghe-nhi Pri-ma-cốp, Viện sĩ Nga, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Nga, cựu Thủ tướng Nga; cựu Thủ tướng Pa-le-xtin A-khmét Cu-rây; nhiều đại diện đến từ Nga, Pa-le-xtin, I-rắc, Ai-cập, Li-băng, Gioóc-đa-ni, Sy-ri, A-rập Xê-út, Thổn Nhĩ Kỳ, Ba-khrây, Anh, Pháp và Mỹ. Phiên kết thúc Hội nghị với nội dung “Trung Đông những năm 2010 - 2020: đi về đâu?”, đặc phái viên của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga A. Xan-tan-nốp đã có bài phát biểu.
Những người tham dự Hội nghị quốc tế về Trung Đông lần này cố gắng định hình triển vọng xây dựng không gian an ninh và ổn định ở Trung Đông trong tương lai có thể dự báo được, nhưng không thể hy vọng giải quyết được các vấn đề then chốt của khu vực trong vài năm tới. Các tác giả của một bản báo cáo phân tích trình bày tại Hội nghị khẳng định, ở Trung Đông tích tụ quá nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết, lại đan xen với các mâu thuẫn và những khó khăn mới, làm gia tăng bạo lực và xung đột. Do đó, chưa thể có triển vọng giải quyết thỏa đáng tiến trình hoà bình Trung Đông và ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tại khu vực này.
Cựu Thủ tướng Pa-le-xtin, ông A-khmét Cu-rây, trong bài phát biểu tại Hội nghị cho rằng, ngồi vào bàn đàm phán với I-xra-en để giải quyết toàn bộ vấn đề trong tiến trình hoà bình Trung Đông trong điều kiện hiện này là “một sai lầm lớn nhất và nghiêm trọng nhất”. Nhiều người, trong đó có các bạn bè của người Pa-le-xtin ở Nga, kêu gọi phía Pa-le-xtin ngồi vào bàn đàm phán với I-xra-en, nhưng rõ ràng là chưa có đủ điều kiện để làm điều đó. Ông A-khmét Cu-rây khẳng định, tiến hành đàm phán trong giai đoạn hiện nay chỉ là hành động che đậy kế hoạch của I-xra-en đơn phương thực hiện chủ trương của họ nhằm giữ nguyên hiện trạng và từng bước “gặm nhấm” các phần lãnh thổ khác của người Pa-le-xtin trên bờ tây sông Gioóc-đan. Người Pa-le-xtin đang phải chứng kiến cảnh tượng nhà cửa và làng mạc của họ bị phía Pa-le-xtin tàn phá để xây dựng khu định cư cho người I-xra-en ở Giê-ru-sa-lem. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi ngay trong hàng ngũ những người Pa-le-xtin còn có sự chi rẽ. Trong thời gian gần đây, Phong trảo Pha-ta và Phong trào Ha-mát của Pa-le-xtin luôn có sự xung đột, thiếu thống nhất quan điểm về một số vấn đề trong chính sách đối nội và đối ngoại.
Về triển vọng xây dựng một Trung Đông không có vũ khí hạt nhân, các chuyên gia Nga cho rằng, trong điều kiện không thể ngăn chặn quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, còn I-ran đã tiến tới chỗ có đầy đủ tiềm năng để phát triển vũ khí hạt nhân, thì cộng đồng quốc tế nên sử dụng tiềm năng vũ khí hạt nhân như một yếu tố đóng vai trò ổn định và kiềm chế. Thí dụ, xây dựng “ô an ninh” ở khu vực này với sự tham gia của các cường quốc hạt nhân như Nga và Mỹ. Một phương án khác là xây dựng lá chắn tên lửa tập thể trong khu vực hoặc chấp nhận khả năng “răn đe lẫn nhau” như trường hợp Ấn Độ và Pa-ki-xtan - hai quốc gia hạt nhân đang xung đột nhau trong các cuộc tranh chấp biên giới chưa được giải quyết. Rõ ràng, theo các chuyên gia phân tích đến từ Nga, trong điều kiện hiện nay, khó có thể hy vọng xây dựng một khu vực Trung Đông phi hạt nhân, một khi I-xra-en đã sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng lại chưa tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Trong điều kiện không ngăn chặn được thì nên có biện pháp kiềm chế nhằm tạo ra sự ổn định tương đổi.
Về kịch bản tiến công quân sự nhằm vào I-ran mà trong thời gian qua đã được đề cập ở Mỹ, các chuyên gia Nga, trước hết là Viện sĩ E. Pri-ma-cốp, người được mệnh danh là “giáo trưởng” chính sách Trung Đông của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, khẳng định rằng, giải pháp tiến công quân sự nhằm vào các mục tiêu hạt nhân của I-ran có thể để lại hậu quả khủng khiếp, không thể dự đoán trước được, không những không thể loại bỏ được nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân mà còn làm trầm trọng thêm nguy cơ này. Theo ông E. Pri-ma-cốp, giải pháp quân sự đối với vấn đề hạt nhân của I-ran chỉ có thể làm chậm lại khả năng I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng lại củng cố quyết tâm của I-ran phát triển loại vũ khí này. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì hiện nay I-ran vẫn tuyên bố rằng, họ không có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân.
3. Lối thoát nào cho tình hình Trung Đông?
Cựu Thủ tướng Pa-le-xtin, ông A-khmét Cu-rây, trong bài phát biểu tại diễn đàn Hội nghị cho rằng, chung sống hoà bình với người I-xra-en là sự lựa chọn chiến lược của người Pa-le-xtin và cuối cùng các bên sẽ tìm ra giải pháp công bằng để giải quyết cuộc xung đột này. Đa số các chính khách, các chuyên gia, các nhà báo đều nhận xét, cuối đường hầm trong tiến trình hoà bình Trung Đông vẫn còn ánh sáng dẫn tới hy vọng tìm ra lối thoát. Cuộc xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en kéo dài đã 60 năm, biết bao nhiêu máu và sinh mạng dân thường đã đổ và cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực không nhỏ nhằm đạt được hoà bình. Theo Viện sĩ E. Pri-ma-cốp và nhiều đại biểu phát biểu tham luận, có thể có một số giải pháp nhằm giải thoát cho tình hình này.
Một là, I-xra-en phải hoàn toàn chấm dứt hoạt động xây dựng các khu định cư trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Pa-le-xtin; Mỹ công khai thể hiện rõ quan điểm không chấp nhận hiện trạng tình hình ở Trung Đông; còn “bộ tứ” gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ thúc đẩy tiến trình hoà bình Trung Đông nhằm đưa ra một kế hoạch khung mà trong đó cả Pa-le-xtin và I-xra-en đều sẽ có sự nhân nhượng. Trong kế hoạch này sẽ phải xác định rõ khung pháp lý để giải quyết các vấn đề chủ yếu trong cuộc xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Theo Viện sĩ E. Pri-ma-cốp, nguyên tắc chủ yếu của kế hoạch này là xây dựng nhà nước Pa-le-xtin có biên giới, bao gồm các vùng bị I-xra-en chiếm đóng ở bờ tây sông Gioóc-đan, dải Ga-da và Đông Giê-ru-sa-lem. Kế hoạch cũng phải áp dụng nguyên tắc ổn định cuộc sống cho những người Pa-le-xtin tị nạn, cho phép họ quay trở lại các khu vực định cư trước đây và công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của hai nhà nước. Việc xây dựng hai nhà nước Pa-le-xtin và I-xra-en là mục đích cơ bản của tiến trình hoà bình Trung Đông. Trong điều kiện hiện nay, hai bên phải có sự nhân nhượng rất lớn. Giải pháp này được gọi là “giải pháp truyền thống”, rất khó có thể giải quyết được vấn đề hoà bình Trung Đông.
Hai là, dàn xếp bắt buộc thông qua nỗ lực và thống nhất quan điểm của các tác nhân trung gian truyền thống, trước hết là các nước trong “bộ tứ”. Để các bên nhân nhượng, cách dễ dàng nhất là sử dụng áp lực tổng hợp từ bên ngoài, trong đó có các áp lực về tài chính, như trong trường hợp Ai-cập và I-xra-en ký hết Thỏa thuận tại trại Đa-vít. Cần nghiên cứu giải pháp này vì ngay cả sự hình thành nhà nước I-xra-en cũng dựa trên sự áp đặt của cộng đồng quốc tế đối với các nước A-rập. Hiện nay, cộng đồng quốc tế cũng nên có sự áp đặt đối với người I-xra-en đề hình thành nhà nước Pa-le-xtin của người A-rập giáp giới với I-xra-en. Các chuyên gia Nga nhận thấy, trong điều kiện hiện nay rất khó hình thành “nhóm các nước gây áp lực” đối với I-xra-en vì Mỹ luôn muốn duy trì vị thế độc quyền của họ đối với quá trình dàn xếp tiến trình hòa bình Trung Đông. Trong khi đó, giữa các nước trong nhóm “bộ tứ” còn có sự chia rẽ về quan điểm và chiến thuật hành động cũng như cạnh tranh ảnh hưởng và uy tín đối với các nước Trung Đông. Ngoài ra, hiệu lực của các thể chế quốc tế do Liên hợp quốc đứng đầu vẫn chưa đủ ảnh hưởng để buộc các bên thực hiện các cam kết. Bằng chứng là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã từng đưa ra nhiều nghị quyết trừng phạt nhưng không có tác dụng.
Ba là, giữ nguyên hiện trạng. Những người phát biểu tại Hội nghị đã cảnh báo nguy cơ từ chủ trương thể chế hóa hiện trạng tình hình hiện nay ở Trung Đông. Chủ trương này giành được sử ủng hộ của một số người trong ban lãnh đạo ở I-xra-en cũng như trong phong trào Ha-mát. Có quan điểm cho rằng, nếu chưa đạt được một giải pháp chính trị cho tiến trình hòa bình Trung Đông thì nên giữ nguyên hiện trạng nhằm tránh các hành động bạo lực của các bên. Nhưng đa số các chuyên gia Nga cho rằng, đây là giải pháp nguy hiểm, đẩy xung đột và mâu thuẫn phát triển tới giai đoạn cực đoan hơn và khó quản lý hơn.
Bốn là, biện pháp đơn phương. Do quá thất vọng trước tiến trình hoà bình Trung Đông, phía Pa-le-xtin có thể sẽ đơn phương tuyên bố thành lập nhà nước độc lập và kêu gọi Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế công nhận. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không giúp giải quyết được căn bản những mâu thuẫn đang tồn tại giữa I-xra-en và Pa-le-xtin.
Do đó, giải pháp còn lại duy nhất là các bên Pa-le-xtin và I-xra-en phải nhân nhượng. Nhưng trong điều kiện hiện nay, sự nhân nhượng đó sẽ là rất khó, thậm chí có thế không thực hiện được. Vì thế, tiến trình hoà bình Trung Đông vẫn chưa có hy vọng tìm ra lối thoát trong vài năm tới./.
Lê Minh Quang tổng hợp