Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

10. Tiền lên, tiền xuống (Euro, NDT...)

Ảnh minh họa
LTS. Đồng Euro (EUR) là một sản phẩm được dày công nghiên cứu và thử nghiệm. Hơn chục năm đã trôi qua với nhiều thăng trầm, ngợi ca có, chê bai cũng nhiều. Nhưng hiện nay ngoài nó, vẫn có một bí mật về câu chuyện của đồng tiền mạnh trên thế giới. Đó là sự trỗi dậy gần như được lập trình rất chặt chẽ sẽ từng bước hiện thực hóa trong tương lai gần của đồng Nhân dân tệ (NDT).

Sự thất bại của đồng Euro
Theo Martin Feldstein, giáo sư Đại học Havard, có lẽ nên công nhận rằng đồng EUR hiện nay là một thử nghiệm không thành công. Thất bại này, sau hơn một chục năm kể từ khi đồng EUR ra đời năm 1999, không phải là một tai nạn hoặc là kết quả của việc quản lý yếu kém hay quan liêu mà là hậu quả không thể tránh khỏi khi áp đặt một đồng tiền duy nhất trên một nhóm các nước rất không đồng nhất.
Các hậu quả kinh tế bất lợi mà đồng EUR mang lại bao gồm cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu, tình trạng mong manh của các ngân hàng lớn ở châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao trên toàn khu vực và thâm hụt thương mại lớn đang như căn bệnh dịch hạch lây lan hầu hết các quốc gia khu vực Eurzone.
Mục tiêu chính trị tạo ra một Châu Âu hài hòa cũng đã thất bại. Pháp và Đức đã phán quyết các biện pháp khắc khổ rất đau đớn cho Hy Lạp và Italy coi như điều kiện giúp đỡ tài chính của họ, và rồi lại đụng độ nhau về vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), về việc chia sẻ gánh nặng hỗ trợ tài chính như thế nào.
Nhìn lại lịch sử, đồng EUR đã tồn tại 13 năm kể từ khi đồng đồng tiền chung của khu vực châu Âu được biết đến tại thị trường tài chính của 11 quốc gia châu Âu năm 1999. Mặc dù vậy, đến 1/1/2002, đồng EUR mới chính thức được lưu hành tại châu Âu bằng việc phát hành các tờ tiền giấy và đồng xu tại 12 quốc gia.
Tính đến giữa năm 2011, tổng cộng đã có 14,2 tỷ tờ tiền giấy và 95,6 tỷ đồng tiền xu với tổng trị giá 870 tỷ EUR được lưu hành tại 17 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. Không chỉ là biểu tượng cho sự hội nhập của châu Âu, việc ra đời đồng EUR đã tạo ra sự thay đổi lớn trong hệ thống tiền tệ thế giới.
Các động lực ban đầu dẫn đến việc hình thành Liên minh Tiền tệ châu Âu và đồng EUR là chính trị, chứ không phải kinh tế. Các chính trị gia lập luận rằng việc sử dụng một đồng tiền chung sẽ thấm vào trong tâm trí người dân châu Âu cảm giác thuộc về một cộng đồng chung và sự thay đổi trách nhiệm vì chính sách tiền tệ vốn từ chính quyền các quốc gia để đi tới những thống nhất ở một ngân hàng trung ương duy nhất tại Frankfurt đã báo hiệu sự thay đổi quyền lực chính trị.
Từ một thị trường chung châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 20 đến một đồng tiền chung, quả thực không phải châu lục nào cũng làm được. Chưa tính tới các giá trị kinh tế do đồng EUR mang lại, chỉ với giá trị tinh thần không thôi, đồng EUR cũng đã xứng đáng trở thành niềm tự hào của người dân châu Âu. Sự ra đời của đồng EUR còn mang theo tham vọng của các nhà quản trị châu Âu, EUR sẽ trở thành một loại "vũ khí" có thể làm đối trọng với đồng USD đang thống trị toàn thế giới.
Tuy vậy, cùng với quá trình thực hiện, các điều khoản trong việc kiểm soát thị trường chung và đồng tiền chung châu Âu mau chóng bị vi phạm bởi các quốc gia chủ chốt nhất là Pháp và Đức. Hội đồng Bộ trưởng các nước trong liên minh đã bỏ phiếu không áp dụng hình phạt và từ đó, các điều khoản của hiệp ước suy yếu và mau chóng trở nên vô nghĩa.
Có quan điểm cho rằng, đồng EUR có “một cái chết được báo trước”. Rất lâu trước khi được chính thức giới thiệu, các nhà kinh tế đã chỉ ra những tác dụng phụ mà một đồng tiền duy nhất sẽ tác động đến nền kinh tế của các nước châu Âu. Một đồng tiền chung đòi hỏi tất cả các nước trong liên minh phải có cùng một chính sách tiền tệ và tỷ lệ lãi suất cơ bản, với mức lãi suất các khách hàng vay khác nhau. Một đồng tiền duy nhất cũng có nghĩa là tỷ giá hối đoái cố định và tất cả các nước phải có cùng tỷ giá hối đoái. Do đó, đồng EUR sẽ dẫn đến những biến động về sản lượng và việc làm, điều chỉnh chậm chạp trong việc giảm tổng cầu, và có sự mất cân bằng thương mại liên tục giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Thật vậy, tất cả những kết quả tiêu cực đã xảy ra trong những năm gần đây khiến các nước châu Âu bị dập vùi trong những cơn bão khủng hoảng liên tục. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua chưa kịp khắc phục hậu quả đã phải đối mặt với khủng hoảng nợ công. "Đám cháy" bắt đầu từ Hy Lạp lan rộng sang các nước khác dường như đang điểm thời khắc cho sự tồn tại của những thứ không thể chung. Có một cách đang được Hy Lạp xem xét là rời khỏi khu vực đồng EUR và trở về với đồng tiền riêng của mình mặc dù sự di chuyển như vậy không được quy định trong Hiệp ước Maastricht. Từ bỏ đồng EUR và tạo ra một đồng tiền mới sẽ cho phép phá giá và mặc định rằng những nỗi đau đớn về kinh tế sẽ dịu đi rất nhiều so với hiện tại. Nếu Hy Lạp bỏ đi và giảm giá đồng tiền, Italia cũng sẽ xem xét một chiến lược tương tự. Và nếu Italy trở lại với một đồng lira mới giá trị tương đối thấp hơn so với các đồng tiền khác, áp lực cạnh tranh có thể buộc Pháp rời khỏi khu vực châu Âu và phá giá đồng franc mới. Tại thời điểm đó, EMU sẽ sụp đổ.
Lẽ ra đồng EUR đã không gây ra căng thẳng và xung đột ở châu Âu nếu nó không tồn tại. Các bước tiếp theo hướng tới một liên minh tài chính vĩnh viễn sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những căng thẳng này, có chuyên gia kinh tế Mỹ đã nhận định như vậy. Cuộc khảo sát mới đây tại Đức cho thấy, 85% người Đức đổ lỗi lạm phát cao là do đồng EUR. Hơn một thập kỷ, trái ngược với những hồ hởi và kỳ vọng lúc ra đời, đồng EUR đã khiến các nước sử dụng đồng tiền đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và nguy cơ tan rã.
Tương lai của đồng NDT
Nếu trước đây thế giới thường tưởng tượng về một danh mục dự trữ quốc tế với đồng USD và EUR làm bá chủ thì với thất bại của châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, đã thổi bùng những nghi ngại về khả năng sống sót của đồng EUR. Còn đồng USD thì đang mất dần “ánh hào quang” của mình. Ngân hàng trung ương nhiều nước đang vội vã tìm kiếm các công cụ thay thế. Điệp khúc mà các học giả và các nhà kinh tế nói tới ngày càng nhiều hiện nay là: Trung Quốc – vốn là nhà xuất khẩu, chủ nợ công lớn nhất thế giới, lại còn là nền kinh tế lớn thứ hai - sẽ sớm trở thành nhà cung cấp tiền tệ dự trữ của thế giới một ngày nào đó.
Theo quan điểm này, đồng NDT được kỳ vọng sẽ sớm thay thế đồng USD. Nhà kinh tế học Arvind Subramanian gần đây đã viết, đồng NDT "có thể trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu vào cuối thập niên này, hoặc đầu thập kỷ tới". Quan điểm này đã rất thu hút sự quan tâm. Bằng chứng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tung ra nhiều nỗ lực phối hợp để quốc tế hóa đồng NDT. Trong hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11 năm 2008, ở đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tài chính, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kêu gọi "một trật tự tài chính quốc tế mới công bằng, toàn vẹn và có thứ tự". Trung Quốc đã sớm bắt đầu khuyến khích việc sử dụng NDT trong thương mại quốc tế, trao đổi thoả thuận giữa ngân hàng trung ương, tiền gửi ngân hàng và phát hành trái phiếu tại Hong Kong. Trong sáu tháng đầu năm 2011, giao dịch thương mại sử dụng NDT lên tới 146 tỷ USD, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ trong năm trước đó. Đến giữa năm 2011, tiền gửi NDT tại Hong Kong tương đương 85 tỷ USD, gấp khoảng mười lần so với tuyên bố của ông Hồ Cẩm Đào kể từ năm 2008. Đồng NDT đã được chấp nhận như là một hình thức thanh toán ở Mông Cổ, Pakistan, Thái Lan, và Việt Nam.... Nước này đã có thỏa thuận với Brazil, tạo thuận lợi cho hai bên sử dụng đồng tiền của nhau trong các giao dịch thương mại song phương. Bên cạnh đó là thỏa thuận trao đổi bằng đồng NDT với Argentina, Belarus, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia.
Các loại tiền tệ trong rổ tiền tệ SDR (viết tắt của cụm từ “Speacial Drawing Rights”: Quyền rút vốn đặc biệt) bao gồm các loại tiền tệ chính được sử dụng trong thương mại và tài chính quốc tế. Hiện, rổ tiền tệ SDR gồm có: đồng EUR, bảng Anh, yên Nhật, đô la Mỹ. Các nhà chức trách Trung Quốc nói rằng cho tới năm 2015, họ muốn đồng NDT được đưa vào “rổ” các loại tiền tệ mạnh xác định giá trị của quyền rút vốn đặc biệt (SDR), tài sản dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Strauss-Kahn, khi còn là Chủ tịch IMF tin rằng, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của nền kinh tế Trung Quốc, áp lực phải đưa đồng NDT vào “rổ” SDR sẽ ngày càng lớn.Và Trung Quốc đã công bố ý định biến Thượng Hải thành một trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020.
Không ai có thể nghi ngờ về sự vươn lên mạnh mẽ của đồng NDT. Bởi vì nền kinh tế toàn cầu đang trở nên đa cực thì hệ thống tiền tệ quốc tế cũng sẽ trở nên đa cực hơn, với một số đồng tiền cùng chia sẻ vị trí là đồng tiền dự trữ. Tuy nhiên, câu chuyện đang nổi lên về ưu thế thống lĩnh của NDT là vẫn chưa hoàn toàn đúng.
Đồng tiền của Trung Quốc có sự gia tăng toàn cầu nhưng chậm hơn so với dự đoán thông thường. Và nhân dân tệ có khả năng đảm nhận một vị trí trong số các đồng tiền dự trữ thứ cấp như đồng EUR, yen, franc Thụy Sĩ, và bảng Anh - hơn là thay thế hoàn toàn đồng USD vốn đang chi phối. Rõ ràng, cũng không phải là Trung Quốc không muốn đồng NDT thay thế USD nhưng những bước đi tiến tới quốc tế hóa tiền tệ phản ánh không chỉ một chiến lược lâu dài, nhất quán, hoàn chỉnh mà còn là một quá trình tiến hóa hình thành bởi những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trên phạm vi và tốc độ cải cách tài chính biến NDT thành đồng tiền quốc tế quan trọng.
Theo các chuyên gia, để một đồng tiền trở thành đồng dự trữ quốc tế, quốc gia sở hữu đồng tiền đó cần đáp ứng 5 điều kiện là có một nền kinh tế thực sự lớn; có sự mở cửa thị trường và các thị trường này hoạt động hiệu quả; có một nền chính trị ổn định và quản lý kinh tế vĩ mô hợp lý; có một hệ thống luật pháp chặt chẽ, minh bạch, bảo vệ được quyền lợi của các nhà đầu tư và có tầm ảnh hưởng về địa chính trị.
Cần điều chỉnh hệ thống tiền tệ toàn cầu
Kinh tế thế giới năm 2012 vẫn chưa thể “cất cánh” kéo theo những tác động lớn của sự điều chỉnh chính sách tiền tệ toàn cầu. Dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế, con người ngày càng có cái nhìn rộng hơn và có lựa chọn khôn ngoan hơn. Họ nhìn vào “rổ” tiền tệ, trong đó, ngoài EUR, NDT có cả những đồng tiền khác như USD, Bảng Anh, Yen Nhật. Mỗi đồng tiền có một thế mạnh, thế yếu khác nhau. Trên các sàn giao dịch châu Á đầu tuần này, ngày 9/4, nếu so trong “rổ” tiền tệ thì đồng EUR lại “chìm xuồng” trong khi đồng Yên Nhật thì tăng giá trước bối cảnh các nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm tỏ ra thận trọng và tìm đến với đồng Yên vốn được coi là an toàn hơn.
Tương quan về giá trị và sức ảnh hưởng của hai đồng tiền có lẽ chưa cách xa nhau lắm. Nhưng nếu bối cảnh thế giới vẫn tiến triển xấu đi đối với khu vực đồng EUR và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một lan tỏa trên thế giới thì rõ ràng hai loại tiền tệ trên đang có xu hướng phát triển ngược nhau, lệch nhau và sẽ cách nhau rất xa. Vấn đề là, không một quốc gia nào giữ mãi được thặng dư, dù sớm hay muộn, họ sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt và phải viện đến các khoản vay quốc tế. Vì vậy, nếu thiếu sự hợp tác trên toàn cầu trong việc đưa ra quyết định, thế giới sẽ triền miên lâm vào khủng hoảng. Còn việc “tiền lên, tiền xuống” là một tính chất tất yếu không chỉ trong phạm vi những đồng bạc mạnh mà còn của mọi loại tiền tệ thế giới. Do vậy, nên chăng, cần điều chỉnh lại cấu trúc trong hệ thống tiền tệ toàn cầu trước khi xem xét việc đa dạng hóa các đồng tiền dự trữ?
Hòa Bình(http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/4/831FFA26374E0301/)

Đồng Nhân dân tệ: Không sớm trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế
Không thể tự do chuyển đổi, không có thị trường trái phiếu trong nước, đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ khó trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế trong thời gian gần.
Tờ Nhật báo Phố Wall từng nhận định, mặc dù Trung Quốc có thể sớm vượt Mỹ hay châu Âu để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng con đường để nước này có ảnh hưởng thực sự về tài chính thì còn rất dài.
Theo đó, rào cản khiến đồng NDT chưa thể thay thế đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế là do mô hình kinh tế của Trung Quốc.
Để đồng NDT là một sự lựa chọn trong danh mục đầu tư trú ẩn an toàn, nó cần phải có khả năng tiếp cận tự do, không giới hạn vào các thị trường nội địa có lợi nhuận cố định. Đó là điều mà đồng USD, đồng euro, cũng như đồng yên và một số đồng tiền mạnh khác làm được, song đồng nhân dân tệ lại không thể.
Trung Quốc duy trì một cơ chế kế toán vốn khép kín nhất trên thế giới. Trong hơn hai thập kỷ qua, triết lý quản lý tiền tệ và phát triển tài chính của Trung Quốc đã dựa trên một hệ thống kinh tế khép kín: duy trì lãi suất thấp và ổn định mà không phải lo ngại về việc bên ngoài lợi dụng buôn bán, sẵn sàng thông qua các gói kích thích kinh tế khi cần thiết mà không phải lo về chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng, hỗ trợ các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao và kiểm soát chặt chẽ tỷ giá hối đoái. Tất cả các biện pháp trên chỉ có tác dụng khi các quỹ đầu tư nước ngoài không thể ảnh hưởng đến giá cả tài sản và khi người dân trong nước không còn nơi nào khác để đi. Các cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 và 2008-2009 đã làm chính quyền Trung Quốc do dự trong việc đưa ra những điều chỉnh đủ nhanh để thay đổi.
Bên cạnh đó, nước này vẫn thiếu các thị trường nội địa lớn. Trung Quốc không có thị trường trái phiếu nội địa. So về quy mô, Trung Quốc có một thị trường lợi nhuận cố định kém sung mãn hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác.
Ngoài ra, ở Trung Quốc rất phổ biến những người đi vay thuộc sở hữu nhà nước nhưng vô kỷ luật và việc tin dùng các biện pháp tín dụng vĩ mô định lượng. Điều này tạo ra tính cấp thiết phải giữ các dòng tài chính tập trung trong hệ thống ngân hàng.
Cũng chính điều này giải thích tại sao thị trường trái phiếu không phát triển nhanh hơn so với GDP trong thập niên 2000, và tại sao sau đợt bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm vừa qua, Trung Quốc đang phải hạn chế vấn đề này để bảo tồn chất lượng tài sản và tỷ lệ nợ của các ngân hàng.
Nhiều người cho rằng, Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mở cửa các thị trường vốn của mình và thực hiện các cải cách để chuẩn bị cho việc đồng NDT có khả năng chuyển đổi, nếu không nước này sẽ tiếp tục phải tích trữ hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại tệ mỗi năm.
Việc biến đồng NDT thành đồng tiền dự trữ toàn cầu thực sự không giải quyết được bất cứ vấn đề nào của Trung Quốc hiện nay mà còn tạo ra những vấn đề khó khăn mới. Do đó, việc đưa đồng NDT trở thành đồng tiền quốc tế sẽ không sớm xảy ra.
Hương Quỳnh




Eurozone sẽ thoát khỏi suy thoái?
Trang tin Euobsever cho biết đầu tháng này, các cơ quan thống kê quốc gia của Pháp, Đức và Italy đã phối hợp công bố một báo cáo chung về dự báo triển vọng kinh tế của khu vực Eurozone với nhận định nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung sẽ thoát khỏi suy thoái vào cuối mùa Xuân và bắt đầu phục hồi nhẹ vào mùa Hè năm nay.
Nỗi lo lắng của giới đầu tư về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cũng tạm thời dịu lại sau khi đồng Euro dần phục hồi tại thị trường Châu Á. Đồng Euro đã phục hồi so với đồng Yên và đồng USD trên thị trường châu Á trong phiên cuối tuần ngày 30/3 sau khi trượt sâu so với đồng bạc xanh ngay trong phiên đêm trước trên thị trường New York.
Các nhà phân tích Châu Á cho rằng đồng tiền chung châu Âu sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá so với đồng yên và USD, đặc biệt là sau khi các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt được thỏa thuận tăng quỹ phòng khủng hoảng lên 800 tỷ USD tại hội nghị chủ chốt ở Copenhagen của Đan Mạch ngày 30/3. Đây được xem là giải pháp cần thiết để ngăn chặn sự yếu ớt của thị trường, vốn đang bị "siết" lại vì những cam kết tài khóa của các nước Eurozone.
Eurozone hiện có quỹ cứu trợ cố định ESM và Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu EFSF. Cả hai quỹ này sẽ cùng hoạt động từ nay tới giữa năm 2013. Cả hai quỹ có thể cho vay tối đa 700 tỷ euro.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 4/4 cũng cam kết tiếp tục duy trì lãi suất chủ chốt ở mức thấp kỷ lục. Kể từ khi cuộc khủng hoảng này bùng nổ, ECB đã tiến hành một loạt biện pháp "không theo chuẩn" để ngăn chặn sự xuống dốc của đồng tiền chung này. Bên cạnh việc thực thi biện pháp chính sách tiền tệ thông thường là hạ lãi suất xuống các mức thấp lịch sử, ECB đã mua trái phiếu của các nước đang ngập trong nợ nần. Gần đây nhất, ECB đã bơm trên 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua hoạt động tái cấp vốn dài hạn (LTRO), nhằm ngăn chặn tình trạng căng thẳng tín dụng nguy hiểm.
Tại cuộc họp chính sách hàng tháng ngày 4/4, ECB quyết định duy trì lãi suất ở mức 1% trong tháng thứ năm liên tiếp. ECB sẽ không do dự tăng lãi suất khi nào ngân hàng này xét thấy nguồn tiền mới trong hệ thống ngân hàng tạo ra nguy cơ lạm phát. ECB nhắm mục tiêu duy trì lạm phát xấp xỉ mức 2%. Tuy vậy, Thống đốc ECB, Mario Draghi cho rằng hiện vẫn tồn tại những nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế của 17 nước sử dụng đồng euro. Dù sao kế hoạch bơm tiền của ECB đã thành công trong việc xoa dịu các thị trường tài chính, làm giảm sức ép về nguồn vốn và ngăn chặn sự khan hiếm tín dụng.
“Có thể xem xét sự tăng giá nhẹ của đồng euro thông qua sự kết hợp của thông tin hợp nhất gói cứu trợ cũng như các thống kê kinh tế khả quan”, Hans Kunnen, nhà kinh tế học tại St.George Bank Ltd tại Sydney cho biết. “Tâm lý có thể khiến đồng Euro tăng một cách chậm chạp và thận trọng”.
Phan Mích




Ý kiến
Tờ Die Zeit của Đức: “Đồng euro đang trở thành một động lực gây chia rẽ hơn là đoàn kết trong châu Âu - Châu Âu có thể tan vỡ theo cách thức mà nó được kết hợp”.
Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble giải thích trên Business Week “Chúng tôi không đá ai ra, nhưng nếu một nước không thể gánh hoặc không muốn nhận lấy gánh nặng, chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Nếu các chính trị gia tin rằng ECB có thể giải quyết các vấn đề của đồng euro, họ đang tự huyễn hoặc mình về một chuyện sẽ không thành hiện thực”.
Theo Project-Syndicate, các quan chức Trung Quốc đã đặt mục tiêu năm 2020 sẽ là thời điểm cả Bắc Kinh và Thượng Hải trở thành các trung tâm tài chính thế giới, với thị trường tài chính sâu và thanh khoản cao, mở cửa cho phần còn lại của thế giới. Vậy nên cũng có thể suy luận, đó có thể sẽ là ngày mà họ muốn đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế hàng đầu. Liệu nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế chính chỉ trong khoảng thời gian một thập kỷ hay không? Chỉ có thời gian mới biết. Nhưng như lịch sử của chính nước Mỹ đã chứng minh, tham vọng đó hoàn toàn không phải là không thể.
Chuyên gia kinh tế trưởng của HSBC tại Trung Quốc nhận định “Chúng tôi cho rằng, trong vòng 3 - 5 năm tới, hơn một nửa tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc, chủ yếu là trong quan hệ thương mại với các thị trường mới nổi, sẽ được thanh toán bằng Nhân dân tệ”,
Thành Châu (st)