Văn
hóa là nền tảng vô cùng quan trọng của một quốc gia, bởi nó làm cho dân
tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất
cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Nếu không
có một nền văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc, một quốc gia sẽ bị lẫn
lộn với các nước khác, đặc biệt là những nước láng giềng.
Trong thế kỷ 21 - thế kỷ của văn hóa –
các quốc gia sử dụng việc truyền bá văn hóa, thương mại hóa các sản
phẩm văn hóa như một phương cách phi truyền thống để tạo ảnh hưởng đến
các nước khác. Từ năm 1990, Giáo sư Joseph S. Nye (Đại học Harvard) đã
dùng thuật ngữ “sức mạnh mềm” (soft power) để chỉ tầm quan trọng của yếu
tố này và nó được các quốc gia thúc đẩy và tăng cường ở mọi nơi bằng
những chiến lược và hành động rất cụ thể.
Thua trên sân nhà
Người Việt Nam, từ thuở ấu thơ, không
ai là không thuộc nằm lòng những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết
con rồng – cháu tiên, từ nỏ thần và thành Cổ Loa của An Dương Vương đến
ngọc trai Mỵ Châu hay giếng Trọng Thủy; Từ những cây tre Đằng Ngà cùng
ngựa sắt phun lửa của thánh Gióng, về sự tích Hồ Gươm,… Những ngôi nhà
rông Bok Sơ-gơ trong truyền thuyết Ba Na, những chiêng đồng tiếng vang
xa 7 ngọn núi đến sự tích Trầu Cau hay những chiếc bánh trưng bánh dày…
Với nền văn hóa lâu đời, Việt Nam sở hữu một kho tàng huyền thoại phong
phú, đầy sức sống, thể hiện qua những di sản văn hóa vật thể và phi vật
thể.
Thế nhưng, theo thời gian, mỗi người
Việt dần trưởng thành và họ không thể tìm thấy khung trời cổ tích ấy
trong đời thực – nếu có thì nó cũng khiến người ta cảm thấy buồn, thờ ơ
hoặc thất vọng… bởi huyền thoại được tô điểm quá đẹp đẽ và gần gũi,
trong khi thực tế thì trần trụi và cô độc. Tiếp nhận bản sắc của chính
mình nhưng không ít người Việt chỉ ước có một chiếc vé đi tuổi thơ để
được đắm mình trong những không gian văn hóa tưởng tượng.
Những ai từng đặt chân đến Trung Quốc,
biết đến văn hóa trà và huyền thoại Trảm Mã trà của đất nước láng giềng
phía Bắc này, mới hiểu tại sao những bánh trà lâu năm của họ có giá
tính bằng cả chục cây vàng. Thậm chí, họ còn đem đấu giá trà như một bảo
vật – chẳng khác gì rượu vang quý lâu đời ở phương Tây. Khách thưởng
trà bỏ tiền ra uống thứ trà xa xỉ ấy không hẳn vì trà ngon, mà họ thưởng
thức về dày văn hóa vài ngàn năm của văn hóa trà truyền lại và lan tỏa
từ thời Thần Nông của nước này. Đó là bởi trà đã được người kinh doanh
trà của Trung Quốc “làm sang” bằng những huyền thoại và tập tục văn hóa
của họ.
Ở Việt Nam, các giá trị văn hóa tồn
tại khá tách rời và gần như không có mối liên hệ mật thiết nào đáng kể
với con người và không gian văn hóa đương đại. Các sản phẩm lâu đời cứ
thế ra thị trường với cái tư thế “em xinh em đứng một mình cũng xinh”,
trong khi kho tàng văn hóa sản sinh ra nó cứ rơi rụng dần vào quên lãng.
Các nhà kinh doanh văn hóa không mấy
mặn mà với “di sản” và kinh doanh di sản – thứ sản phẩm “độc quyền” của
Việt Nam với tất cả những quốc gia khác, mà họ chủ yếu vẫn mải chạy theo
“hốt bạc” từ việc tổ chức sự kiện văn hóa như ca nhạc, thời trang,
gameshow, điện ảnh “mì ăn liền”… Tuy nhiên, vì các yếu tố tồn tại quá
độc lập với nhau nên hiệu quả không như mong muốn. Đó là chưa nói đến
cách làm cẩu thả, thiếu văn hóa nền tảng căn bản… đã cho ra đời những
sản phẩm văn hóa méo mó, tạp nham và rẻ tiền – theo nghĩa đen. Đó thể
hiện ở sự xuất hiện của hàng loạt các khái niệm mới về “thảm họa văn
hóa”.
Hội nhập văn hóa ở Việt Nam đã sớm
xuất hiện mặt trái khi mà các nhà kinh doanh văn hóa bị cuốn theo làn
sóng văn hóa ngoại lai, trong khi mà những di sản lâu đời của dân tộc
không được bảo tồn và phát huy một cách đúng đắn… tất sẽ dẫn đến hệ quả
thiếu bền vững của việc ăn xổi, ở thì. Các sản phẩm văn hóa không được
sản sinh từ một quy trình chuyên nghiệp ở tất cả các khâu, thiếu sự liên
kết từ nội lực đến ngoại lực nên dễ dẫn đến chất lượng kém và không đủ
sức chống chọi với những sản phẩm văn hóa được sản xuất một cách bài
bản.
Hãy khoan nói đến tham vọng đưa văn
hóa Việt ra với thế giới – nên nhìn nhận một cách trung thực xem mỗi
người Việt đã tự tin khi giới thiệu bản sắc văn hóa của mình với bạn bè
là người ngoại quốc hay chưa? Câu trả lời nếu ở thể khẳng định thì rất
khó được thốt lên một cách tự tin. Bởi có một thực tế là chúng ta chưa
hề xây dựng được bức tường thành bảo vệ văn hóa trước khi hội nhập với
thế giới. Và, một quốc gia khó có thể dùng “sức mạnh mềm” của mình để
tạo ảnh hưởng tới các nước khác khi sức mạnh văn hóa bản địa vẫn chưa
được củng cố và vẫn đang thua trên chính sân nhà.
Trông người mà ngẫm…
Nhắc đến việc làm văn hóa một cách rất
chuyên nghiệp của các nước, không thể không nhắc đến những “cường quốc”
về văn hóa, mà không dừng lại ở việc bảo tồn, cùng với sự phát triển
bền vững, văn hóa của nhiều nước đã và đang bộc lộ sức mạnh lan tỏa đáng
sợ. Trong số đó, không thể không kể đến Hàn Quốc - với làn sóng Hallyu,
Nhật Bản - với sự ảnh hưởng khắp thế giới của truyện tranh và Mỹ - với
chiến lược “công nghiệp hóa” âm nhạc, điện ảnh và trò chơi – trong đó,
quyền lực chiếm ưu thế chính là Kinh đô điện ảnh Hollywood.
Những năm 60 của thế kỷ trước, Hàn
Quốc nằm trong danh sách những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhưng nửa
thế kỷ sau, năm 2011, nước này đã lọt vào top 10 cường quốc kinh tế trên
thế giới với GDP lên tới 832,5 tỉ USD. Để có được cú bứt phá ngoạn mục
đó, xứ sở kim chi đã thực sự thành công trong việc tiếp thị, quảng bá
văn hóa và sử dụng văn hóa dân tộc để làm ảnh hưởng, tác động tới các
quốc gia khác với làn sóng Hallyu được khởi động từ những năm đầu tiên
của thế kỷ 21.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak từng
khẳng định: “Văn hóa sẽ là nguồn vốn quyết định kinh tế trong thế kỷ
21. Chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống mà trong đó, tất cả mọi
người bất kể đang sống ở đâu và thuộc tầng lớp xã hội nào cũng có thể
được trải nghiệm văn hóa trong đời sống hàng ngày”. Nhờ xây dựng được
nền tảng văn hóa vững chắc đến từng người dân, từng tế bào của đất nước,
Hàn Quốc đã liên tiếp gặt hái thành công trong kinh doanh và xuất khẩu
văn hóa bản địa. Trong khi thế giới còn đang sửng sốt khi Ngân hàng
Trung ương Hàn Quốc công bố ngành Văn hóa nước này đã thu về 794 triệu
USD trong năm 2011, tăng 25% so với năm 2010, thì làn sóng Hallyu đã thể
hiện sự hồi sinh mạnh mẽ của mình bằng kế hoạch “thôn tính” thế giới
của những ban nhạc đình đám nhất xứ Hàn. Cũng trong năm 2011, Hàn Quốc
đã thu hút hơn 8,8 triệu du khách nước ngoài nhờ vào thành công của các
bộ phim truyền hình – đó thực sự là những con số đáng mơ ước đối với bất
kỳ quốc gia nào.
Ở phía bên kia bán cầu, với phương
châm cứ thấy lợi thì làm, người Mỹ đã thu lợi hàng nghìn tỷ USD mỗi năm
nhờ khai thác tối đa “sức mạnh mềm”. Châu Âu - Thủ đô của nền văn học vĩ
đại, thời trang cao cấp, trào lưu làn sóng mới (Nouvelle Vague) trong
điện ảnh… thế giới tưởng như là bức thành trì không thể công phá, nhưng
cũng bị người anh em ở bên kia Đại Tây Dương soán ngôi ngay trên chính
sân nhà. Những tác phẩm điện ảnh bom tấn từ Hollywood đã chinh phục cả
châu Âu và đẩy châu lục khai sinh ra điện ảnh thế giới vào cảnh khốn
đốn.
Với vị thế là thị trường văn hóa lớn
nhất thế giới (38,2 tỉ USD), Mỹ đã chứng tỏ khả năng sản xuất ra một thứ
"văn hóa mà mọi người đều thích". Và trong vai trò phổ biến nền văn hóa
có tính đại chúng này, Hollywood đã làm tròn vai đại sứ của mình, khi
mà những sản phẩm của Kinh đô điện ảnh thế giới có mặt ở khắp mọi ngõ
ngách trên hành tinh. Hollywood đã góp phần quan trọng quyết định trong
việc hình thành “giấc mơ Mỹ” và góp công sức làm cải thiện đáng kể hình
ảnh nước Mỹ đối với thế giới.
Trở về khu vực châu Á, đất nước mặt
trời mọc được coi là một trong những quốc gia đầu tiên sớm nhận thức rõ
thế mạnh của việc bảo tồn và lan tỏa văn hóa dân tộc. Được coi là tiền
bối của Hàn Quốc trong kinh doanh văn hóa, xứ sở hoa anh đào đã đạt mức
tăng trưởng liên tục trong suốt 15 năm qua, với đủ sản phẩm, từ điện
ảnh, phần mềm, ca nhạc đến video game. Trong đó, hiệu quả và có sức ảnh
hưởng quốc tế lớn nhất là ngành công nghiệp truyện tranh, với 60% phim
hoạt họa truyền hình thế giới được sản xuất tại Nhật. Nếu như điện ảnh
Hàn Quốc đang thể hiện rõ tham vọng “thống trị” màn ảnh thế giới và
trước đó là Mỹ, thì truyện tranh Nhật Bản đã và đang mê hoặc độc giả đủ
mọi lứa tuổi trên khắp hành tinh.
Xuất khẩu văn hóa Việt – khi nào?
Nếu đặt câu hỏi: Văn hóa Việt Nam đã
có gì xuất khẩu ra thế giới? Câu trả lời sẽ rất khiêm tốn khi mà cái tên
Việt Nam mới chỉ được biết đến qua những bộ phim tham dự Liên hoan thế
giới – còn chinh phục được khán giả đại chúng theo kiểu “lấy nước mắt”
của phim Hàn vẫn còn là giấc mơ xa. Nhạc Việt cũng chỉ được phổ biến ở
những cộng đồng người Việt ở nước ngoài, qua những chuyến lưu diễn lẻ tẻ
, đã là những thành công mơ ước của khá nhiều ca sĩ nổi tiếng trong
nước… Vì thế, chinh phục thị trường nội vẫn là mục tiêu phù hợp với thế
và lực của văn hóa Việt. Tương lai “xuất khẩu văn hóa” là mục tiêu nên
hướng đến, nhưng không nên biến nó thành tham vọng. Đó cũng đơn giản là
lẽ “liệu cơm, gắp mắm” truyền thống bao đời của người Việt.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak từng
nhận định: “Một đất nước tiến bộ và phát triển bậc nhất không phải chỉ
đơn thuần có thu nhập cao, mà là một đất nước có nền văn hóa phát triển ở
cấp độ cao cân bằng với sự phát triển của kinh tế”. Vì thế, nhiều quốc
gia trên thế giới đã và đang nhìn nhận vấn đề bảo tồn và kinh doanh văn
hóa với sự quan tâm đặc biệt. Mặc dù đặt trên mặt bằng so sánh, xuất
phát điểm cũng như các điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa… của Việt
Nam với các nước đã bảo tồn và kinh doanh văn hóa thành công thì còn vấp
phải khá nhiều khập khiễng.
Và dù còn có khá nhiều hạn chế và vẫn
đang dậm chân ở vạch xuất phát trên đường đua kinh doanh văn hóa, nhưng
với những lợi thế vốn có, sẽ thật đáng tiếc nếu như Việt Nam tiếp tục bỏ
lỡ cơ hội khai thác tiềm năng vô cùng phong phú của mình. Để giữ gìn,
phát huy và làm giàu nhờ văn hóa dân tộc là một vấn đề không hề đơn giản
và cần một chiến lược phát triển đồng bộ, bền vững. Trong đó, chiếc
lược mẫu mực của Hàn Quốc trong việc tận dụng tối đa đặc tính lan truyền
nhanh, tác động mạnh của truyền thông trong quảng bá văn hóa và hình
ảnh đất nước không khó để áp dụng vào Việt Nam.
Trong thời đại ngày nay, kinh doanh
văn hóa có thể được coi là ngành công nghiệp không khói siêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, nếu không có những bước đi chính xác, chín chắn, cũng như tôn
trọng, tuân thủ và đảm bảo tuyệt đối các giá trị truyền thống thì kinh
doanh văn hóa rất dễ trở thành con dao hai lưỡi, khi mà khả năng “ô
nhiễm văn hóa” và mục tiêu kinh tế có ranh giới rất mong manh.
Khánh Nguyễn(http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/3/E2A287983EB20E5B/
|