Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

37. Ấn - Nhật tăng cường hợp tác an ninh


TT - Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và kinh tế nhằm đối phó với Trung Quốc hiện được xem như một mối đe dọa.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Chakra II của hải quân Ấn Độ - Ảnh: India-defence.com
“Láng giềng là kẻ thù tự nhiên của bạn, còn láng giềng của láng giềng bạn là bạn của bạn”. Câu nói này của nhà chiến lược Ấn Độ Kautilya như đang minh họa đầy đủ cho quan hệ của Ấn Độ với Nhật Bản, nhất là các quan hệ an ninh và kinh tế được tăng cường và mở rộng để đối phó với “sự trỗi dậy hòa bình” (như Bắc Kinh nói) của Trung Quốc.
“Ấn Độ đang nhận ra Trung Quốc là mối đe dọa trong tương lai” - AP dẫn lời chuyên gia Gurmeet Kanwal, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến tranh ở New Delhi, nhận định. Theo báo Washington Post, mới đây giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper khẳng định quân đội Ấn Độ đang tăng cường lực lượng để “cân bằng quyền lực với Trung Quốc trên Ấn Độ Dương”.
Cùng chia sẻ những lợi ích chung
Quan hệ chiến lược được tăng cường giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã nổi rõ qua hai sự kiện gần đây.
Ngày 31-1, như trang India-defence.com cho biết, tàu và trực thăng của lực lượng tuần duyên Ấn Độ và Nhật Bản vừa kết thúc cuộc tập trận chung quy mô lớn ngoài khơi vịnh Bengal, gần Chennai, nhằm biểu dương sức mạnh và huấn luyện khả năng phối hợp tác chiến giữa hai lực lượng hải quân để đối phó với nạn cướp biển đang rộ lên trên Ấn Độ Dương. Các cuộc tập trận này đã diễn ra kéo dài một năm ở ngoài khơi bờ biển hai nước, cho thấy quan hệ hợp tác ngày càng tăng cường giữa Tokyo và New Delhi trong các vấn đề chiến lược.
Một sự kiện khác: cuối tháng 12-2011, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại Ấn Độ. Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo đã nêu lên những lĩnh vực hợp tác chiến lược cần tăng cường, từ những vấn đề an ninh đến các quan hệ kinh tế, tài chính và thương mại.
Các quan hệ này không là kết quả của một sự tình cờ mà xuất phát từ sự cần thiết. Mối đe dọa từ việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự của mình ngày càng đè nặng lên Ấn Độ và Nhật Bản, tình trạng bất ổn ngày càng lan rộng của nạn cướp biển quốc tế (hai nước này lệ thuộc đến 97-100% thương mại hàng hải), những đe dọa từ bán đảo Triều Tiên (các vụ thử hạt nhân, bắn tên lửa liên lục địa, chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho Pakistan vốn là kẻ thù của Ấn Độ), đã dẫn hai nước đến chỗ có cùng những quan điểm và lợi ích chiến lược chung.
Quan hệ này được tăng cường, nhất là từ sau Tuyên bố về hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Nhật Bản được ký kết năm 2008 với chín lĩnh vực hợp tác, như tăng cường gặp gỡ giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước, gia tăng các cuộc tập trận chung, mở rộng hợp tác tuần duyên... Đây là nước thứ ba, ngoài Mỹ và Úc, mà Nhật Bản phát triển một quan hệ tương tự. Và quan hệ hợp tác chiến lược này càng lúc càng được tăng cường cho dù có những thay đổi về lãnh đạo tại Tokyo. Cuối tháng 12-2011 Chính phủ Nhật dỡ bỏ một số hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ.
Ngoài hợp tác về an ninh, hợp tác về kinh tế cũng rất quan trọng. Thương mại song phương đã tăng mạnh. Một thỏa thuận về thương mại tự do (CEPA) được ký kết giữa hai nước vào tháng 2-2011 và có hiệu lực từ tháng 8-2011. CEPA giúp trao đổi thương mại giữa hai nước tăng vọt. Thủ tướng Nhật Noda và Thủ tướng Ấn Độ Singh hồi tháng 12-2011 đã loan báo mục tiêu là đưa trao đổi thương mại song phương lên 25 tỉ USD từ nay đến năm 2014 (so với 4 tỉ USD vào năm 2002). Nhật Bản cũng sẽ đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng của Ấn Độ với 4,5 tỉ USD từ nay đến năm 2015, nhằm phát triển “một hành lang công nghiệp” để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghiệp của Ấn Độ.
Sắm máy bay, tàu ngầm, tàu sân bay
Cùng với việc tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược này, Ấn Độ (dịp khác Tuổi Trẻ sẽ đề cập đến Nhật Bản) đang quyết tâm theo đuổi kế hoạch củng cố và phát triển sức mạnh quân sự của mình.
Theo báo India Times, cuối tháng 1-2012 Chính phủ Ấn Độ đã đặt mua 126 máy bay chiến đấu Rafale từ Hãng sản xuất vũ khí Pháp Dassault. Hợp đồng này trị giá khoảng 11 tỉ USD. Tuy nhiên, do phía Dassault cũng sẽ cung cấp vũ khí trang bị cho máy bay, chuyển giao công nghệ, bảo dưỡng, bảo hành... nên chi phí thực tế mà New Delhi bỏ ra sẽ gấp đôi con số trên. Phía Dassault sẽ giao 18 chiếc Rafale đầu tiên cho quân đội Ấn Độ trong vòng 36 tháng. Năm ngoái, Dassault đã giành hợp đồng 1,4 tỉ USD nâng cấp đội máy bay Mirage của Ấn Độ.
Ngày 23-1, hải quân Ấn Độ chính thức tiếp quản tàu ngầm hạt nhân Chakra II do Nga sản xuất tại cảng Vladivostok ở Nga. Hải quân Ấn Độ thuê tàu Chakra II trong 10 năm với giá gần 1 tỉ USD. Dự kiến con tàu 8.140 tấn bắt đầu hoạt động trên vịnh Bengal từ tháng 3-2012. Tàu ngầm hạt nhân Chakra II có khả năng bắn nhiều loại ngư lôi cũng như tên lửa có đầu đạn hạt nhân Granat. Với tàu Chakra II, Ấn Độ đã gia nhập “câu lạc bộ” các nước sở hữu tàu ngầm hạt nhân gồm Mỹ, Pháp, Nga, Anh và Trung Quốc.
AFP cho biết Ấn Độ hiện đang phát triển loại tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant tự chế. Dự kiến tàu này đi vào hoạt động từ năm 2013. Phía Nga sẽ hỗ trợ đào tạo hải quân Ấn Độ vận hành tàu ngầm hạt nhân. Chưa hết, Hãng Pháp DCN đang sản xuất sáu tàu ngầm tấn công lớp Scorpene, động cơ diesel - điện cho Ấn Độ. Dự kiến hải quân Ấn Độ sẽ tiếp nhận sáu tàu này vào năm 2015.
Theo RIA Novosti, cuối năm 2012 phía Nga sẽ giao cho hải quân Ấn Độ tàu sân bay đô đốc Gorshkov. Tàu này sẽ được đổi tên thành INS Vikramaditya. Hiện tàu được đại tu toàn diện tại Hãng tàu Sevmash ở Nga. Phía Ấn Độ trả khoảng 2,35 tỉ USD cho chi phí đại tu tàu và mua thêm các loại máy bay, vũ khí trang bị cho tàu. Tàu INS Vikramaditya sẽ thay thế tàu sân bay duy nhất hiện có của Ấn Độ là tàu INS Viraat đã xuống cấp, và sẽ trở thành biểu tượng của sức mạnh hải quân Ấn Độ trên Ấn Độ Dương.
SƠN HÀ - T.N.
Trung Quốc tập trận với tàu đổ bộ tối tân
Tân Hoa xã ngày 9-2 đưa tin Trung Quốc đã đưa tàu Tỉnh Cương Sơn, tàu đổ bộ tối tân nhất thuộc hạm đội Nam Hải, tham gia tập trận phối hợp lần đầu tiên trên biển với máy bay trực thăng và khoảng 10 chiếc tàu đổ bộ loại nhỏ, nhưng không nêu chi tiết thời gian và địa điểm cuộc tập trận
Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn của Trung Quốc - Ảnh: huanqiu.com
Tàu Tỉnh Cương Sơn dài 210m, rộng 28m, tải trọng khoảng 20.000 tấn, có thể chứa tàu đổ bộ loại nhỏ và có bãi đáp trực thăng. Tàu có khả năng tham gia các chiến dịch ngoài khơi của hạm đội Nam Hải. Từ năm 2006 đến nay, Trung Quốc đã cho hạ thủy bốn tàu đổ bộ tổng hợp có tải trọng từ 18.000 tấn trở lên.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ tập trận hải quân ở Tây Thái Bình Dương vào cuối tháng 2-2012.
MỸ LOAN