Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

13. Thế giới năm 2012


Ảnh minh họa
LTS. Một cục diện quốc tế, bao hàm chủ yếu ở lĩnh vực chính trị và kinh tế, hình thành không chỉ trên những dấu mốc quan trọng trong đời sống chính trị của các nước lớn mà còn được định hình từ những trào lưu, xu hướng xuất phát từ các nước vốn trước đây không có ảnh hưởng nhiều trong bức tranh toàn cầu. Vậy những yếu tố nào có thể sẽ có những tác động tới cục diện thế giới trong năm 2012?

Chuyển dịch trọng tâm
Thế giới đang chứng kiến xu hướng dịch chuyển địa - chính trị từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Đây là điều đã được nhắc đến từ lâu song hiện nay tiến trình dịch chuyển này đang diễn ra ngày càng rõ nét. Năm 2012 là khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm chú ý của các nước, nhất là các cường quốc lớn và dự kiến các nước này đều có những điều chỉnh chiến lược, nhằm tăng cường ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực có dân số đông nhất thế giới và có nền kinh tế phát triển sôi động nhất, tập trung nhiều của cải nhất và tồn tại nhiều “điểm nóng” của thế giới.
Trọng tâm kinh tế đã chuyển sang phương Đông trong bối cảnh sự trì trệ về kinh tế tại các thủ đô từng một thời thịnh vượng ở châu Âu vẫn chưa thể biết khi nào kết thúc. Giáo sư Joseph Nye của trường Havard gần đây nhận định: “Sự trở lại của châu Á là trung tâm của các vấn đề thế giới là sự thay đổi quyền lực lớn của thế kỷ 21… Tới năm 2050, châu Á sẽ trên con đường trở về nơi họ đã từng ở 300 năm trước”.Sự nổi lên của các nền kinh tế châu Á, trong đó có hai thị trường đông dân lớn thứ 1 và thứ 2 thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đang khiến cán cân kinh tế toàn cầu nghiêng thêm nhiều hơn về châu Á. Khu vực này đang chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu và chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách của Mỹ. Sức mạnh nổi lên của Trung Quốc, sự phục hồi của Nga và một nước Mỹ đang suy vi đều có ảnh hưởng sâu sắc tới châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là nơi diễn ra mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, những biến động chính trị cùng với sự cạnh tranh tiềm tàng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ khiến khu vực này tiềm ẩn nhiều căng thẳng. Với Mỹ, điều hòa mối quan hệ vừa hợp tác, vừa kiềm chế Trung Quốc là lợi ích quốc gia quan trọng. Còn trong quan hệ với Nga, Mỹ vẫn tăng cường đối thoại và hợp tác quân sự dựa trên những kết quả đã đạt được về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược theo Hiệp ước START mới; hợp tác trong các lĩnh vực: chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa và chinh phục vũ trụ. Về phần mình, tham gia vào các chương trình hội nhập khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng được lãnh đạo Nga nhiều lần tuyên bố là ưu tiên trong chính sách đối ngoại.
Nợ công ở châu Âu
Nếu trước đây ít ai có thể hình dung được châu Âu lại có thể lâm vào cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng thì điều này nay đã trở thành sự thực. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế mà đầu tàu là nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thể hồi phục, cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu nổ ra đánh dấu thêm một vùng tối của bức tranh kinh tế thế giới. Giới chuyên gia còn đang lo lắng cho một tương lai mờ mịt: hơn: nếu kinh tế toàn cầu rơi trở lại vào suy thoái, kinh tế châu Á đương nhiên sẽ chịu những tác động nghiêm trọng.
Trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), có hai lĩnh vực đối đầu nhau: các thị trường và giới chính trị. Năm 2012, khi các phe nhóm chính trị chia rẽ, thì cuộc khủng hoảng khu vực sẽ thêm phần phức tạp hơn. Điều quan trọng là phải giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn chính trị nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt khủng hoảng. Giám đốc giám sát kinh tế toàn cầu thuộc Phòng phụ trách về kinh tế và xã hội tại Liên hợp quốc cảnh báo, nếu các nước thành viên EU không đồng thuận về những biện pháp cơ bản nhằm khôi phục lòng tin của thị trường và kiềm chế nợ công lan rộng sang các nền kinh tế mạnh hơn thì việc EU rơi vào suy thoái trầm trọng là điều không thể tránh khỏi.
Cho đến nay, có ba kịch bản về nợ công châu Âu và tùy theo các kịch bản này, hậu quả của nó cũng sẽ khác nhau. Kịch bản thứ nhất khả quan nhất là chỉ trừ Hy Lạp là chưa trả được nợ, còn Ý và Tây Ban Nha sẽ dần cải thiện nhờ thắt chặt chi tiêu. Dự đoán trong nửa đầu 2012 thì EU sẽ kiểm soát được tình hình. Kịch bản thứ hai kém khả quan hơn, đó là Ngân hàng Trung ương châu Âu buộc phải phát hành eurobond – trái phiếu châu Âu. Điều này có nghĩa là châu Âu hóa toàn bộ khoản nợ của tất cả các nước trong liên minh tiền tệ, biến Liên minh tiền tệ trở thành liên minh tài chính và chính trị, buộc Hiến pháp châu Âu và hiệp ước châu Âu phải sửa đổi. Nếu kịch bản này diễn ra chắc chắn sẽ gây ra sự phản đối của nhiều nước. Kịch bản thứ ba tồi tệ nhất là phần lớn các nước sẽ rút khỏi liên minh tiền tệ, trong đó có thể có Đức, Pháp và Bỉ. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ thực sự là một chấn động gây ra khủng hoảng về tiền tệ ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Căng thẳng Trung Đông - Bắc Phi
Những ngày đầu năm 2012, thế giới chứng kiến bầu không khí chính trị quốc tế nóng hừng hực khi Mỹ đơn phương tăng cường áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, một biểu hiện được cho là Mỹ “mất kiên nhẫn” về tham vọng hạt nhân của Iran và một phần do lo sợ Iran có khả năng tăng cường ảnh hưởng ở khu vực trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi cuộc chiến ở Iraq và sắp tới là ở Afghanistan. Với dự báo khó có khả năng xảy ra chiến tranh giữa Iran và phương Tây nhưng bất ổn Trung Đông Bắc Phi vẫn chưa thể sớm kết thúc và sẽ có ảnh hưởng lớn tới cục diện quốc tế. Quan hệ Iran với phương Tây có ảnh hưởng lớn tới khu vực và diễn biến căng thẳng sau những đe dọa mới đây của của quốc gia Hồi giáo này trong việc đe dọa thông thương ở eo biển Hormuz.– đường vận chuyển 25% tỷ lệ dầu lửa thế giới và 40% tỷ lệ dầu lửa các nước vùng Vịnh. Phương Tây muốn cấm vận dầu lửa và tài chính. Hai cấm vận này ảnh hưởng đến Iran rất nặng vì nó sẽ giảm 70% nguồn thu của Iran. Iran sẽ tiếp tục là trung tâm của mối quan tâm ở Trung Đông bởi quốc gia này có một vị thế hoàn toàn khác những nước khác ở khu vực.
Bên cạnh những bất ổn chính trị xã hội chưa thể dứt tại các nước mà “Mùa xuân Ả Rập” tràn qua như Lybia, Ai Cập… thì Iraq cũng tiềm tàng không ít bất ổn với một lý do khác. Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq chỉ là quyết định nằm trong chiến lược bố trí lại lực lượng trên phạm vi khu vực và toàn cầu còn trên thực tế chiến tranh vẫn tiếp diễn với biểu hiện của một cuộc chiến tranh ngầm giữa các phe phái sắc tộc.
Bầu cử và thay đổi quyền lực
Các cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại một loạt các nước như Mỹ, Pháp, Nga, Mexico, Ai Cập. Iran…, sẽ có tác động lớn đến các chính sách tại các quốc gia này trong tương lai. Thông thường vào thời điểm chuẩn bị bầu cử, các vấn đề đối ngoại của lãnh đạo đương nhiệm sẽ bị chi phối nhiều bởi các vấn đề đối nội, nhằm phục vụ chương trình tranh cử, thu hút sự ủng hộ của cử tri. Đáng chú ý là ở Nga, Trung Quốc và Mỹ trong năm 2012 đều sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực, điều sẽ có ảnh hưởng trực tiếp thay đổi tham vọng chính trị và vị trí của các nước này trên chính trường quốc tế.
Nổi bật là cuộc bầu cử của Mỹ. Hai tháng sau khi những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Afghanistan thì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng chính thức bắt đầu vào ngày 6/11/2012. Cuộc bầu cử Tổng thống Nga và sự thay đổi ban lãnh đạo ở Trung Quốc cũng có những tác động chính trị đến bàn cờ thế giới. Những tác động này không nằm ở yếu tố bất ngờ khó đoán mà nằm ở việc duy trì chủ trương ngày càng độc lập hơn với Mỹ và phương Tây của Nga và Trung Quốc trong một loạt các vấn đề quốc tế nóng bỏng gần đây.
Song cũng chính lịch trình dày đặc các cuộc bầu cử mà cục diện thế giới trong ngắn hạn sẽ khó có những biến chuyển lớn, theo như một tờ báo đã nhận định “Chúng ta chỉ có thể "ngắm nhìn" nền chính trị thế giới dưới góc nhìn giải trí mà các cuộc bầu cử sẽ mang lại chứ không phải là các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu”.
Xu hướng quay về “nội nhu” và toàn cầu hóa chậm lại
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính và nợ công, các nước có xu hướng đáp ứng nội nhu, làm chậm lại tiến trình của toàn cầu hóa, mà biểu hiện rõ nét nhất của nó là sự bế tắc từ lâu của vòng đàm phán Doha - vòng đàm phán lớn nhất thế giới về tự do hóa thương mại. Điều đáng nói là việc chậm lại trong quá trình tự do lưu chuyển vốn, lao động và công nghệ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều cùng với xu hướng các nước quay về đáp ứng nhu cầu trong nước để đối phó với khủng hoảng kinh tế. Về lâu dài, sau hiện tượng toàn cầu hóa chậm, sẽ là hiện tượng những quan điểm phản đối toàn cầu hóa sẽ được quan tâm nhiều hơn để tìm ra mặt trái của toàn cầu hóa.
Trong thông điệp đầu năm 2012 của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong số các vấn đề được đề cập nổi lên là việc nước Mỹ quay vào bên trong. Thông điệp lần này nói rất rõ về việc phải tập trung vào giải quyết vấn đề xã hội cơ bản. Về vấn đề xã hội, ông Obama không ủng hộ những doanh nghiệp nào đưa công việc ra bên ngoài mà phải tạo công ăn việc làm tại Mỹ và sản xuất tại Mỹ. Việc Mỹ tự sản xuất, tự tiêu và xuất khẩu trở lại sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu, giảm đầu tư ra bên ngoài, dòng vốn lưu thông từ Mỹ đi các nước khác giảm đi. Nhưng thay đổi này sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nước nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Tiến trình toàn cầu hóa với trọng tâm là tạo ra mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hóa, kinh tế trên quy mô toàn cầu. Trong phạm vi kinh tế, toàn cầu hóa là sự tự do hóa thương mại, với việc lưu thông các dòng chảy tư bản ở quy mô toàn cầu kéo theo các dòng chảy thương mại, kỹ thuật, công nghệ, thông tin, văn hoá. Thương mại tự do được kỳ vọng là sẽ cho những nhà sản xuất tại các nước một thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn dẫn đến lợi nhuận cao hơn, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh giữa các nguồn tư bản, từ đó đem lại lợi ích cho người lao động trên toàn thế giới; cũng như cạnh tranh giữa nguồn nhân công trên toàn thế giới sẽ mang lại lợi ích cho các nhà tư bản và trên hết là cho người tiêu thụ. Những người chủ trương toàn cầu hóa cho rằng thương mại tự do sẽ dẫn đến giá thành thấp hơn, nhiều việc làm hơn và phân phối tài nguyên tốt hơn. Toàn cầu hoá đối với những người ủng hộ dường như là một yếu tố dẫn đến phát triển kinh tế cho số đông.
Tuy nhiên kết quả của toàn cầu hoá hiện không phải là những gì đã được hình dung khi bắt đầu quá trình tăng cường thương mại tự do. Trong quá trình toàn cầu hóa, lợi ích của người nghèo đã không được chú trọng, thậm chí nó còn làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Thế giới đang phải chứng kiến nghịch lý là một số người quá giàu có và quá nhiều người lại quá nghèo. Thống kê giật mình như “Sáu người thừa kế Walmart giàu hơn 30% dân số nghèo nhất của Mỹ" của tờ Los Angeles Times đáng để cho các nhà lãnh đạo suy nghĩ. Và vì vậy, việc xóa bỏ bất bình đẳng về kinh tế cũng sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự toàn cầu của các cử tri, những người biểu tình và cả các chính trị gia tìm kiếm quyền lực trong các cuộc bầu cử quan trọng của thế giới tới đây.
Nhất Phong (http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/2/86C081A9184DB6AD/)

Thách thức ở Châu Á - Thái Bình Dương
Nguy cơ lạm phát cao
Châu Á sẽ tiếp tục phải thận trọng hơn về lạm phát, được dự báo sẽ leo thang trong năm 2012. Các nền kinh tế châu Á sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, gây áp lực giảm chi phí đi vay lên một số nhà hoạch định chính sách hay quản lý, điều hành ở những nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao. Tại Ấn Độ, Ngân hàng Trung ương nước này tuy đã tạm dừng tăng lãi suất, song lạm phát cũng đã ở mức trên 9%. Trong khi đó, giá cả ở Trung Quốc hằng tháng đều tăng quá mục tiêu 4% mà Chính phủ nước này đề ra. Các quốc gia châu Á khác, từ Thái Lan tới Indonesia và Malaysia đều đã phải giảm hoặc giữ nguyên lãi suất nhằm bảo vệ nền kinh tế trước những tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu kéo dài. Thế nhưng nguy cơ lạm phát làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng vẫn tiếp tục đeo bám các quốc gia châu Á, trong khi các nền kinh tế khu vực này lại phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 9/2011 đã dự báo kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong năm 2012, thấp hơn so với mức tăng 7,5% của năm 2011. Điều này có nghĩa là triển vọng thương mại khu vực châu Á cũng kém khả quan hơn trong năm 2012. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á có thể tăng trưởng 7,2% trong năm 2012, thấp hơn mức tăng 7,5% của năm 2011.
Hiện các quốc gia châu Á đang mạnh tay áp dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát. Indonesia đã cắt giảm chi phí đi vay. Ấn Độ cũng thắt chặt tiền tệ trong tháng sau khi tăng lãi suất với một tốc độ kỷ lục. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lần đầu tiên đã cắt giảm lượng tiền mặt trong tháng 11/2011, sau khi lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng qua. Trung Quốc cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho khả năng lạm phát tăng trở lại trong năm 2012. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách châu Á đã cho phép đồng tiền của họ giảm giá trong năm 2011 để bảo vệ xuất khẩu. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tốt ở một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Việt Nam là những quốc gia gần đây có chỉ số lạm phát giảm.
Gia tăng chạy đua vũ trang
Châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai tiềm ẩn những bất ổn. Số lượng vũ khí càng lớn trong các kho vũ khí của các nước có thể dẫn tới nguy cơ phát động những cuộc chiến tranh tranh chấp lãnh thổ đã tồn tại từ lâu giữa các nước, từ đó phá hoại sự ổn định của khu vực, nơi có nhiều tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa và dầu thô trên thế giới. Vai trò của các nước lớn trong việc ổn định tình hình tại đây là rất quan trọng.
Năm 2010, chi tiêu quân sự trên toàn cầu là 1.112 tỷ euro - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001. Điều đó không có nghĩa là tất cả các nước trên thế giới đều giảm chi tiêu quân sự. Trong khi chỉ những nước giàu, nhất là các nước châu Âu, buộc phải giảm chi phí quốc phòng theo kế hoạch thắt lưng buộc bụng dưới sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế thì các nước phía Nam và những quốc gia mới nổi như Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi lại gia tăng chi tiêu quốc phòng. Châu Á được xem là trung tâm của phía Nam đang tăng cường trang bị vũ khí, nhập vũ khí với số lượng khổng lồ.
Trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ công bố gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh hai định hướng chiến lược là gia tăng sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục đầu tư cho các đối tác và liên minh quan trọng NATO. Trước đó, để phù hợp với chiến lược mới này, Chính phủ Mỹ đang có một loạt các động thái nhằm tăng cường sức mạnh của Mỹ tại châu Á và đẩy Trung Quốc vào thế phòng ngự. Những động thái trên bao gồm quyết định triển khai, ban đầu là 250 lính thủy đánh bộ Mỹ, sau này có thể tăng lên tới 2.500 người, tại một căn cứ không quân của Australia tại Darwin, và thực hiện "Tuyên, bố Manila" ngày 18/11/2011, cam kết thắt chặt các quan hệ quân sự của Mỹ với Philippines. Mỹ cũng tăng cường thắt chặt quan hệ ngoại giao, quân sự với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á nhằm tối đa hóa những lợi thế của Mỹ tại khu vực. Sự quan tâm của chính quyền Mỹ tới châu Á được cho là do những quan ngại về sự lớn mạnh của hải quân và sự gia tăng hàng loạt các tên lửa chống hạm của Trung Quốc, có khả năng đe dọa sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Về phần mình, Trung Quốc muốn củng cố vai trò cường quốc khu vực nên đã tăng cường ngân sách quốc phòng. Thập niên vừa qua, Trung Quốc là nước mua vũ khí lớn nhất thế giới, tiêu tốn tới 16,4 tỷ euro, vượt Ấn Độ, Hàn Quốc và Hy Lạp. Riêng năm 2010, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đạt 81 tỷ euro, chiếm 7,3% chi phí quốc phòng thế giới, vượt cả Anh, Pháp và Nga.
N.P



Ý kiến
Foreign Policy: "Nếu bạn đang chú ý - và có thể cho dù bạn chưa chú ý - bạn sẽ nhận ra rằng sự tập trung chiến lược của Mỹ đang chuyển sang châu Á. Xu hướng này phản ánh một số diễn biến: 1) việc công nhận rằng châu Âu không phải đối mặt với những mối đe dọa an ninh đáng kể nào và do đó không cần sự bảo vệ của Mỹ, 2) những thất bại ở Iraq và Afghanistan, điều đã dần thuyết phục ngay cả những người theo chủ nghĩa đế quốc và một số người tân bảo thủ rằng việc dùng hàng nghìn quân Mỹ để thực hiện "xây dựng quốc gia" ở Trung Đông hay Trung Á là điều vô ích; 3) tầm quan trọng kinh tế đang lên của châu Á, và 4) nhận thức phổ biến - cả ở Washington và trong khu vực - rằng sức mạnh của TQ đang gia tăng.
Financial Times: Năm 2012 sẽ là một năm tiềm ẩn nhiều bất ổn khó đoán định đối với thế giới. Sẽ có 5 vấn đề thống trị các cuộc thảo luận toàn cầu trong năm này, đó là nghịch lý chính trị trong việc cứu vãn nền kinh tế toàn cầu, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, sự bất công bằng kinh tế, bất ổn xã hội và an ninh năng lượng. Theo nhận định của nhà báo kỳ cựu Gideon Rachman của tờ Financial Times, những nỗ lực để giải cứu nền kinh tế thế giới trong năm 2012 sẽ bị ảnh hưởng bởi một nghịch lý chính trị nguy hiểm, đó là nhu cầu hợp tác quốc tế càng lớn và càng cần thiết thì khả năng đạt được lại càng trở nên khó khăn hơn.
Asia Times: Tổng thống Mỹ Barack Obama là vị nguyên thủ quốc gia đa văn hóa đầu tiên của một nền dân chủ phương Tây; ông cũng là Tổng thống "Thái Bình Dương" đầu tiên. Trong những lần tham dự hội nghị từ Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Bali vào tháng 11/2011, ông đã nhấn mạnh những nhu cầu của Mỹ cần tiếp tục can dự với khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tiếp tục là một cường quốc có thể đứng vững trong thế kỷ 21. Cuộc bầu cử bước ngoặt của ông Obama năm 2008 và khả năng tái đắc cử tiềm tàng trong năm 2012 đem lại một dấu hiệu hàng đầu về những thay đổi sâu rộng đang diễn ra về mặt địa chính trị. Có khả năng Obama sẽ nổi lên như là người thực dụng thận trọng và một người theo chủ nghĩa dân túy trong vòng bầu cử năm 2012, thay vì là một người nhìn xa trông rộng duy tâm, người đã từng phát biểu về việc biến đổi thế giới.

T.T