Kết thúc “chế độ toàn trị”
Đây là ngôn từ được dùng trong xã luận
nhân dịp Myanmar kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 64 (4.1.1948-4.1.2012),
được báo New Light of Myanmar của Bộ Thông tin nước này dùng để gọi năm
2011 – năm của giai đoạn chuyển giao sang một thời kỳ mới khi chính
quyền dân sự lên nắm quyền và thực hiện nhiều cải cách. Bài báo có đoạn
viết “Hầu hết các quan sát viên quốc tế đều sửng sốt trước thực tế rằng
Myanmar, từng do một chính phủ quân sự toàn trị lãnh đạo, nay đã bắt đầu
thực thi nền dân chủ”
Trên thực tế, năm 2011 đã chứng kiến
những chuyển biến sâu sắc có ý nghĩa đột phá trong đời sống kinh tế
chính trị ở xứ sở chùa Vàng. Những thay đổi dù diễn ra nhanh chóng song
đây là các bước đi của một kế hoạch cải cách lâu dài, thể hiện Chính
quyền Myanmar chủ động trong thực hiện Lộ trình dân chủ 7 bước, cũng như
tạo đột phá để cải thiện và bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương
Tây, từ đó mở rộng quan hệ đối ngoại.
Trước tiên là cuộc Tổng tuyển cử ngày
7/11/2010 bầu Quốc hội Myanmar. Về thực chất, đây là việc triển khai
bước 5 của “Lộ trình dân chủ” 7 bước” (công bố và thực hiện từ đầu năm
2003) của chính phủ quân sự của Thống tướng Than Shwe, đó là: Tổ chức
cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ, công bằng để bầu ra Quốc hội theo quy
định của Hiến pháp 2008. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí hòa
bình, ổn định, dân chủ và tự do, với hơn 3.000 ứng cử viên từ 37 đảng
chính trị khắp cả nước đua nhau tranh cử 1.159 ghế Quốc hội. Theo kết
quả được Ủy ban bầu cử Liên bang công bố 10 ngày sau ngày tổng tuyển cử,
có 11/37 đảng trúng cử ở Thượng viện và Hạ viện; 25/37 đảng trúng cử ở
Nghị viện Bang, Vùng. Đảng Đoàn kết phát triển - USDP của chính phủ
thắng cử áp đảo tới 76% , còn lại 24% thuộc các đảng khác.
Tiếp đó, ngày 31/1/2011, Quốc hội
Myanmar (Thượng viện và Hạ viện) cùng Nghị viện 14 Bang, Vùng trong cả
nước họp phiên đầu tiên thống nhất quy tắc, lề lối làm việc và bầu người
đứng đầu Nghị viện các cấp. Ngày 4/2/2011, Quốc hội Myanmar bỏ phiếu
bầu ông Thein Sein (do Hạ viện giới thiệu) làm Tổng thống CHLB Myanmar.
Quốc hội cũng bỏ phiếu thông qua kiến nghị của Tổng thống Thein Sein về
việc thành lập Chính phủ dân sự mới. Đối với Myanmar, sự kiện 31/1/2011
và sự kiện 4/2/2011 có ý nghĩa rất quan trọng vì kể từ năm 1962, đây là
lần đầu tiên vai trò của Quốc hội đã được khôi phục trong đời sống chính
trị của đất nước này.
Hai tháng sau, ngày 31/3/2011, Tổng
thống Thein Sein cùng 30 bộ trưởng và 14 thủ hiến các bang, vùng thực
hiện Lễ tuyên thệ nhậm chức. Tổng thống Thein Sein tuyên bố tư tưởng và
phương châm của chính phủ mới là “xây dựng Chính phủ hành chính làm việc
hiệu quả và trong sạch”. Đến đây, "Lộ trình dân chủ 7 bước" của chính
phủ Myanmar hoàn thành bước thứ 6, chuyển sang bước thứ 7 và cũng là
bước cuối cùng: xây dựng đất nước phát triển, hiện đại và dân chủ.
Chính phủ dân sự mới ở Myanmar cũng
trả tự do cho hàng nghìn tù nhân chính trị, ký thỏa thuận hòa bình sơ bộ
với các nhóm sắc tộc, nới lỏng kiểm soát truyền thông, thông qua luật
lao động mới, giảm thuế đầu tư nước ngoài, tạo bầu không khí mới trong
đời sống chính trị trong nước và quan hệ với các nước.
Về hòa hợp dân tộc, ngày 12/8/2011, Bộ
trưởng Tuyên truyền và Văn hóa thay mặt chính phủ Myanmar lần đầu tiên
họp báo tại Thủ đô Nay Pyi Taw tuyên bố chính sách mới của chính phủ
mong muốn ngừng bắn, đàm phán hòa bình với các nhóm sắc tộc vũ trang ly
khai trong cả nước. Đến cuối năm 2011, chính phủ Myanmar đã ký Thỏa
thuận ngừng bắn với hầu hết các lực lượng vũ trang ly khai đồn trú ở
vùng biên giới giáp Trung Quốc và Thái Lan. Ngày 19/8/2011, Tổng thống
Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi – Lãnh tụ đảng Liên đoàn quốc gia vì
dân chủ (NLD), đạt thỏa thuận gác bỏ bất đồng, cùng hợp tác vì lợi ích
của quốc gia và nhân dân, mở đường cho bà Aung San Suu Kyi và NLD tham
gia các cuộc bầu cử QH bổ sung. Ngày 4/11/2011, Tổng thống Thein Sein ký
sắc lệnh “Sửa đổi Luật đăng ký đảng phái” và ngày 25/11/2011, đảng NLD
đăng ký và được khôi phục vị trí hợp pháp.
Về đối ngoại, ngày 17/11/2011, Tổng
thống Thein Sein tham dự Hội nghị Cấ ASEAN lần thứ 19 tại Bali,
Indonesia. Nguyên thủ 10 nước ASEAN nhất trí trao nhiệm vụ vinh dự cho
Myanmar làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014. Kể từ khi Myanmar gia
nhập tổ chức ASEAN (tháng 7/1997), đây là lần đầu tiên Myanmar được tín
nhiệm nhận trọng trách vinh dự này.
Từ 30/11 đến 2/12/2012, Ngoại trưởng
Mỹ Hillary Clinton thăm chính thức Myanmar, đánh dấu quan hệ Myanmar –
Mỹ đã chuyển từ giai đoạn đối đầu sang đối thoại, cải thiện và tiến tới
bình thường hóa. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đã mở đầu một loạt các
chuyến thăm khác sau đó của đại diện ngoại giao cấp cao từ nhiều nước
Phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Nauy, Úc, Nhật bản, New Zealan… tới quốc
gia Đông Nam Á này, đem lại nhiều kết quả đối ngoại quan trọng cho
Myanmar trong nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bao vây cô
lập, cụ thể là Mỹ quyết định trong năm 2012 sẽ nâng quan hệ ngoại giao
với Myanmar từ cấp Đại biện lên cấp Đại sứ; Liên minh châu Âu (EU) bãi
bỏ lệnh cấm đi lại từng áp dụng với các lãnh đạo cấp cao của Myanmar,
quyết định từ tháng 4/2012 chính thức mở Văn phòng đại diện tại Myanmar.
Cải cách kinh tế
Tiến trình cải cách chính trị và mở
cửa xã hội của Myanmar đã đồng thời tạo ra nhiều cơ hội mới cho giới
kinh doanh và đầu tư nước ngoài. Từ chỗ nằm trong danh sách những nước
nghèo nhất thế giới sau hơn hai thập kỷ bị bao vây cấm vận, giờ đây tiến
trình cải cách mở ra nhiều cơ hội để Nay Pyi Taw vực dậy nền kinh tế
trì trệ. Báo cáo gần đây của IMF về Myanmar dự báo, Tổng sản phẩm quốc
nội (GDP) của nước này tăng 5,5% trong tài khóa 2011 (tính đến tháng
3/2012), và có thể đạt 6% cùng kỳ năm tới. Các chuyên gia của IMF cho
rằng Myanmar, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng
lao động trẻ và vị trí kinh tế chiến lược, Myanmar có thuận lợi để phát
triển thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên, kết nối Ấn Độ, Trung
Quốc và Đông Nam Á.
Nằm tại Đông Nam Á, thuộc Tây Bắc bán
đảo Trung-Ấn, Myanmar là quốc gia có diện tích lớn ở Đông Nam Á với địa
hình có núi bao quanh, tạo thành các vùng thảo nguyên rộng lớn, rất tốt
cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó Mianma rất giàu
tài nguyên thiên nhiên như: gỗ, cao su, đá quý, vàng… đặc biệt là trữ
lượng dầu và khí tự nhiên rất lớn, đứng thứ 10 trên thế giới. Myanmar
cũng là một cánh cửa mở vào hai thị trường đông dân nhất, Trung Quốc và
Ấn Độ, đồng thời là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN năng động.
Nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển sau
một thời gian dài chững lại, Chính phủ Myanmar đã tập trung nhiều nỗ lực
phát triển kinh tế, ban hành nhiều chính sách mới nhằm thúc đẩy thương
mại và đầu tư trong và ngoài nước như kế hoạch miễn thuế 8 năm cho các
doanh nghiệp nước ngoài, ban hành 6 đạo luật về doanh thu, miễn thuế
xuất khẩu cho các sản phẩm chất lượng cao làm từ gỗ, tre, mây, xem xét
cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước... Kinh tế Myanmar trong năm
2011 tăng trưởng nhanh, tổng kim ngạch thương mại tăng 102,5% so với
cùng kỳ năm 2010; tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar
đạt 20 tỷ USD (tổng FDI từ trước đến nay là 36 tỷ USD). Kể từ khi Chính
phủ Myanmar bắt đầu đổi mới, nhiều tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là từ
các nước ASEAN, ngày càng chú ý đến cơ hội đầu tư tại Myanmar, nhất là
trong các lĩnh vực dầu khí, du lịch. Tới đây, chính quyền Myanmar dự
kiến sẽ thay đổi luật đầu tư, cho phép người nước ngoài vào thành lập
công ty mà không cần phải liên kết với một đối tác trong nước. Không
những thế, họ còn được chính quyền miễn thuế trong 5 năm. Đây là bước
cải tổ kinh tế được xem là ngoạn mục nhất và cũng cho thấy quyết tâm thu
hút đầu tư nước ngoài của Myanmar.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê
Myanmar, trong số 31 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang đầu tư tại
Myanmar, Trung Quốc đang chiếm tới 35% tổng vốn đầu tư với số vốn gần 14
tỷ USD (năm tài chính 2010-2011) và là nhà đầu tư số một tại nước này.
Điều này được lý giải bởi vị trí chiến lược của Myanmar đối với Trung
Quốc, đặc biệt trong vấn đề an ninh quốc gia và giao lưu kinh tế thương
mại, với đường biên giới chung trải dài hơn 2.000 km.
Thách thức
Tuy nhiên, công cuộc cải cách kinh tế,
chính trị của Myanmar không phải là không có những thách thức, trước
mắt đó là những những trở ngại về hệ thống cơ sở hạ tầng, pháp luật và
nguồn nhân lực. Với dân số 59,1 triệu người và có tới 135 dân tộc và
nhiều nền văn hóa bản xứ khác nhau cùng tồn tại, sự đa dạng chủng tộc
dân cư ở Myanmar có một vai trò quan trọng trong việc xác định chính
trị, lịch sử và nhân khẩu học của quốc gia này thời hiện đại, khiến nguy
cơ chia rẽ khu vực và sắc tộc luôn đe dọa an ninh ổn định xã hội.
Hiện nay, trở ngại lớn nhất cho đầu tư
nước ngoài tại Myanmar là cơ sở hạ tầng nghèo nàn, nguồn nhân lực kém
cỏi, nhiều mức tỷ giá và nhất là hệ thống pháp lý chưa thuận lợi. Theo
IMF, Nay Pyi Taw cần tiến hành cải cách kinh tế nhằm ổn định nền kinh tế
vĩ mô, tạo môi trường bền vững cho đầu tư, trong đó, ưu tiên giải quyết
vấn đề tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi phải cải thiện
các lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô, bắt đầu bằng việc thiết lập khuôn
khổ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát cũng như hiện đại hóa hệ
thống tài chính. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, Myanmar cần nhân rộng
thành công trong thu hút vốn FDI trong lĩnh vực năng lượng sang các lĩnh
vực khác, góp phần phát triển khu vực tư nhân, đa dạng hóa nền kinh tế,
mở ra những cơ hội xuất khẩu mới.
Bằng những cải cách trong thời gian
qua, bước đầu Myanmar đã có được những thuận lợi nhất định, mở ra triển
vọng phát triển kinh tế trong nước, tăng cường hợp tác quốc tế. Ở phía
trước, Nay Pyi Taw vẫn còn nhiều việc phải làm để duy trì những kết quả
bước đầu của cải cách, biến chúng thành những thành tựu bền vững. Đó
cũng là lý do mà chính quyền Myanmar sẽ tiếp tục lộ trình cải cách, dân
chủ, trên cơ sở bảo đảm vai trò lãnh đạo của mình và sự ổn định xã hội.
Chu Khang(http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/3/2C74B1AACFB562FD/)
|