Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

17. Năm 2012 - kinh tế EU có lạc quan?


20:45' 16/4/2012
TCCSĐT - Năm 2011 - một năm “lận đận” của Liên minh châu Âu (EU) với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nội bộ rạn nứt, chỉ số xếp hạng tín dụng suy giảm. Sang năm 2012, EU quyết tâm vực dậy nền kinh tế với 4 hướng ưu tiên: gắn kết hơn nữa thị trường thống nhất, khuyến khích tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư tài chính vào các nền kinh tế, xây dựng ngân sách EU giai đoạn 2014-2020.

Rơi vào vòng xoáy của nợ công
Năm 2011, khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi hàng loạt các nước thành viên vượt trần những quy định do EU đề ra, như nợ công không vượt quá mức 60% GDP; thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP; và đối với khu vực đồng tiền chung, lạm phát không vượt quá 1,5%; lãi suất không quá 2% mức trung bình của 3 nước có mức tăng trưởng tốt nhất.
Ngòi nổ của cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu từ Hy Lạp xảy ra vào đầu quý II/2010. Khi đó, mức nợ công của nước này lên tới 130% GDP, thâm hụt ngân sách là 13% GDP. Tiếp đến là Ireland phải cầu cứu sự trợ giúp của EU với nợ công 95,8% GDP, thâm hụt ngân sách lên tới hơn 30% GDP đầu quý IV/2010. Mặc dù có sự trợ giúp của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tình trạng nợ công trong năm 2011 của hai quốc gia này vẫn tiếp tục xấu đi, với mức nợ công gia tăng tương ứng là 166% GDP, 109% GDP. Nghiêm trọng hơn, nợ công lan sang những nền kinh tế lớn khác, như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia với các mức nợ công lần lượt là 106% GDP, 67% GDP và 120% GDP. Đến đầu năm 2012, tình trạng nợ công của Hy Lạp vẫn chưa được cải thiện và đứng ở mức 160% GDP.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng này, theo các nhà phân tích, là do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008. Theo đó, các yếu tố như thương mại và đầu tư toàn cầu giảm tác động tới ba động lực tăng trưởng chính của EU là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, các nước EU đã tiến hành các biện pháp kích cầu, tăng cường chi tiêu công để kích thích tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Mặt trái của chính sách này là ngân sách quốc gia ngày càng bị thâm hụt, nợ công gia tăng, đặc biệt trong điều kiện thắt chặt tài chính tín dụng toàn cầu, các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu chính phủ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, lãi suất vay tăng cao, dẫn tới nhiều chính phủ mất khả năng trả nợ.
Nguyên nhân sâu xa hơn là do mô hình liên kết khu vực và mô hình phát triển của các nước thành viên còn nhiều khiếm khuyết. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thiếu linh hoạt, việc giám sát, kiểm soát hệ thống ngân hàng tài chính lỏng lẻo trong bối cảnh môi trường tài chính toàn cầu biến động nhanh, mang tính đầu cơ cao, dẫn tới các khoản nợ xấu tăng. Đồng thời, do lãi suất thấp, tín dụng dễ dãi, nhiều nước sẵn sàng vay mượn để duy trì chi tiêu cho an sinh xã hội, khiến thâm hụt ngân sách lớn, tích tụ thành nợ công cao.
Mô hình kinh tế tân tự do của chủ nghĩa tư bản được cổ xúy trên toàn thế giới từ những thập niên 80 của thế kỉ trước cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, khiến hoạt động tài chính ngày càng trở nên ảo và nền kinh tế ảo ngày càng thoát ly quá xa kinh tế thực, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia.
Những hệ lụy về kinh tế
Hệ quả rõ nét nhất từ cuộc khủng hoảng nợ công tại EU thời gian qua chính là tác động tiêu cực tới các nền kinh tế trong khu vực. Năm 2008, GDP của khu vực EU chỉ tăng trưởng 0,7%, năm 2009 là -4,2% và năm 2010 là 1%. Năm 2011, tăng trưởng GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ đạt 1,6% và rất không đồng đều giữa các nước. Trong số các nền kinh tế đầu tàu của EU, chỉ có Đức vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng GDP tương đối cao, với mức 3%. Các nền kinh tế Anh, Pháp, Italia và Tây Ban Nha tăng trưởng lần lượt: 0,9%; 1,6%; 0,4% và 0,7%. Còn Hy Lạp vẫn tiếp tục tụt sâu với mức tăng trưởng là -7,5% và Bồ Đào Nha: -1,7%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, lên tới 10,4% vào tháng 12-2011 trong Eurozone và 9,6% trong toàn Liên minh, tồi tệ hơn so với năm 2010. Các nước lâm vào khủng hoảng nợ công có mức thất nghiệp rất cao như Hy Lạp: hơn 20%, Tây Ban Nha: 22,9% (mức cao nhất). Không những thế, theo đánh giá của Viện Tài chính quốc tế (IIF), Eurozone vẫn đang rơi vào tình trạng xấu đi nhanh chóng, nhất là khi đồng euro mất giá hơn 10% so với đồng USD, thị trường chứng khoán mất điểm, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng.
Chỉ số tín nhiệm tài chính của các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực đồng euro nói riêng và toàn Liên minh nói chung bị suy giảm. Theo mức xếp hạng của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's công bố hồi tháng 2-2011, một loạt nước thành viên EU đã bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ (Italia từ A2 xuống A3, Tây Ban Nha từ A1 xuống A3, Bồ Đào Nha từ Ba2 xuống Ba3, Slovenia và Slovakia từ A1 xuống A2, còn Manta xuống A3). Trong khi đó, mặc dù xếp hạng tín nhiệm của Pháp, Anh và Áo vẫn duy trì ở mức AAA, song Moody's cũng cảnh báo, các nền kinh tế này có triển vọng tiêu cực và có thể bị đánh tụt bậc tín nhiệm nếu các điều kiện tiếp tục xấu đi. Đến tháng 12-2011 đến lượt Standard and Poor's thông báo đặt 15/17 nước thuộc Eurozone vào vòng giám sát về mức tín nhiệm tín dụng. Standard and Poor's cũng đã hạ bậc xếp hạng tín dụng đối với 15 ngân hàng của Tây Ban Nha, trong đó Ngân hàng Banco Santander - một trong những thể chế tài chính lớn nhất châu Âu, bị đánh tụt từ mức AA- xuống A+. Còn Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch cảnh báo có thể sẽ đánh tụt hạng Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển châu Âu (CEB) (hiện đang ở mức xếp hạng cao nhất AAA), do hai ngân hàng này dựa vào vốn được huy động từ các nước thành viên đang có vấn đề về tín dụng. Fitch cho biết, đã đưa mức xếp hạng của hai ngân hàng nói trên vào diện “theo dõi tiêu cực” và có thể đánh tụt hạng trong vòng 3 tháng đầu năm 2012.
Những lý do khiến các cơ quan xếp hạng tín nhiệm này đưa ra quyết định trên là do sự hoài nghi của họ đối với khả năng tiến hành cải cách thể chế trong Eurozone, việc huy động các nguồn lực thích hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này. Hãng Moody's cho rằng, “triển vọng kinh tế vĩ mô yếu kém ở châu Âu” đe dọa việc thực hiện các chương trình “thắt lưng buộc bụng” của các nước thành viên. Theo Moody’s, hãng này đã “nhẹ tay” trong việc hạ bậc tín nhiệm lần này đối với một loạt nước EU nói trên vì chính phủ các nước đó đã cam kết thành lập liên minh tài khóa và thực hiện mọi cuộc cải cách cần thiết để khôi phục lòng tin của thị trường.
Bất ổn, chia rẽ trong nhiều vấn đề chính trị - xã hội
Cuộc khủng hoảng nợ công không chỉ tác động tới tốc độ tăng trưởng của một loạt các quốc gia EU, mà còn gây không ít ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình chính trị, xã hội và chính sách đối ngoại của toàn khu vực. Số liệu thống kê kinh tế cập nhật của EU trong năm 2010 do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurorstat) công bố ngày 15-12-2011 cho thấy một bức tranh tương phản đậm nét về hố ngăn cách giàu - nghèo nội khối, với GDP bình quân đầu người của Luxembourg, quốc gia giàu nhất trong khối, cao gấp sáu lần của Bungari, quốc gia nghèo nhất khối. Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về việc làm và những tiến bộ xã hội tại châu Âu cũng cho biết, khoảng 115 triệu người dân châu Âu có nguy cơ lâm vào tình trạng đói nghèo hoặc bị đẩy ra bên lề xã hội.
Việc các quốc gia áp dụng chế độ “thắt lưng buộc bụng”, giảm bớt chi cho an sinh xã hội, tăng thuế, tăng giờ làm, tăng tuổi nghỉ hưu... nhằm cắt giảm chi tiêu công, đối phó với khủng hoảng nợ công đã dẫn tới nhiều cuộc bãi công, biểu tình, làm cho tình hình xã hội châu Âu trở nên bất ổn. Có thể nhận thấy rõ điều này qua sự bất bình của thanh niên trước nạn thất nghiệp nghiêm trọng. Các cuộc biểu tình và tuần hành diễn ra rầm rộ ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và một số nước EU, cuộc bạo loạn mùa hè 2011 ở Anh, vụ thảm sát ở Na Uy..., ở những khía cạnh khác nhau, thể hiện sự phản ứng đối với chính phủ.
Khủng hoảng với những tác động nặng nề về kinh tế - xã hội cũng đã gây ra những xáo trộn trong hệ thống chính trị của các nước thành viên, sự chia rẽ, phân hóa, làm rạn nứt liên kết của EU. Trong năm 2011 đã có tới 5 chính phủ của các nước bị khủng hoảng nợ công phải giải tán, bao gồm Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland (Ireland thay thủ tướng vào tháng 3-2011 và thay tổng thống vào tháng 10 cùng năm; Bồ Đào Nha thay thủ tướng vào tháng 6-2011; Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha vào tháng 11-2011 cũng lần lượt thay thủ tướng). Tại một số nước, trong đó có cả những nền kinh tế thành viên lớn nhất EU, chính quyền hiện tại cũng đứng trước những khó khăn trong cuộc bầu cử sắp tới.
 EU hiện đang là một liên minh “hai tốc độ”. Theo Tổng thống Pháp N.Sarkozy, hiện châu Âu đang bị chia rẽ làm hai: một châu Âu muốn có sự đoàn kết hơn nữa giữa các thành viên cũng như có nhiều điều chỉnh hơn, châu Âu còn lại chỉ muốn bám chặt vào lôgích của thị trường. Sự chia rẽ càng thể hiện rõ khi Pháp và Đức đã không thuyết phục được Anh ký thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên EU tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tổ chức hồi tháng 12-2011.
Mới đây, ngày 11-3-2012, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, tuyên bố sẽ đưa nước này ra khỏi Khu vực tự do đi lại Schengen nếu EU không hành động nhiều hơn để giải quyết nạn nhập cư trái phép. Ông N.Sarkozy cáo buộc một số nước EU không kiểm soát chặt biên giới khiến người nhập cư trái phép từ đó tràn sang Pháp, đồng thời tuyên bố, trong vòng 12 tháng tới, nếu EU không đạt tiến bộ rõ rệt trong vấn đề nhập cư, Pháp sẽ ngừng tham gia Khu vực miễn thị thực Schengen.
Cùng với những bất đồng trong liên kết nội khối, khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế cũng tác động tiêu cực tới nỗ lực thống nhất trong chính sách đối ngoại, cải thiện vị thế của EU trên trường quốc tế. Chẳng hạn, trong quan hệ với Nga, EU đã có những chuyển biến tích cực, đây là nước duy nhất có tới hai hội nghị thượng đỉnh với EU trong năm 2011, tuy nhiên, do phải ứng phó với khủng hoảng nợ công, EU chưa tận dụng hết những cơ hội mà mối quan hệ hợp tác chiến lược với Nga đưa lại.
Những trục trặc trong mô hình phát triển cũng là yếu tố khiến các nhà lãnh đạo EU không thể bỏ qua. Thực tế cho thấy, khi mô hình “thị trường tự do” và mô hình “thị trường xã hội” đều đang có vấn đề, thì việc đổi mới mô hình phát triển của các nước thành viên cũng như mô hình liên kết ở tầm khu vực nhằm kết hợp hài hòa tăng trưởng nhanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, vừa duy trì hệ thống an sinh xã hội với nét đặc thù là chế độ phúc lợi cao, vừa bảo đảm giảm dần nợ công và thâm hụt ngân sách trong trung hạn, là hết sức khó khăn.
Triển vọng năm 2012 và những giải pháp vượt khó
Bước sang năm 2012, cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn là tâm điểm trong báo cáo đầu năm của các thể chế tài chính toàn cầu. Tình hình nợ công của khu vực này vẫn tiếp tục xấu đi, theo dự báo của  Morgan Stanley, nợ công vẫn sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng, với năm 2011 là 88,2% GDP, sang 2012: tăng lên 91,0% GDP và năm 2013: 92,2% GDP. Nhận định chung mà các thể chế này đưa ra là, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ tiếp tục đặt nền kinh tế toàn cầu bên bờ vực suy thoái trong suốt năm 2012. Eurozone tiếp tục tồn tại nhưng nguy cơ đổ vỡ cũng không bị loại trừ. Tâm lý đầu tư tại Eurozone, sau khi được cải thiện chút ít vào cuối năm 2011, lại rơi vào trạng thái hoang mang, bất ổn trong những ngày đầu tiên của năm 2012 khi Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone - bị hạ mức xếp hạng tín dụng.
Dù cho khối liên minh tiền tệ này đang tiến hành một loạt động thái để củng cố niềm tin của các nền kinh tế lớn về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2012 không mấy khả quan. Theo IMF, tốc độ tăng trưởng giảm xuống còn 0,5%, còn Goldman Sachs đưa ra con số 0,1% GDP. Tình trạng kinh tế suy giảm với tốc độ nhanh ở Italia và Tây Ban Nha, cùng với nền kinh tế vận hành trì trệ ở Pháp và Đức, cho thấy quá trình phục hồi ở châu Âu đứng trước nhiều trở ngại.
Trước những dự báo không mấy sáng sủa trên, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua một số giải pháp toàn diện được coi là bước ngoặt nhằm đối phó với khủng hoảng. Về ngắn hạn, các biện pháp được đưa ra bao gồm xác định quy mô và mục đích phát triển cơ chế viện trợ hiện tại, hạ thấp chi phí vay nợ cho những nước nhận viện trợ như Hy Lạp, tiến hành sát hạch tình hình tài chính của các ngân hàng. Ngày 03-11-2011, ECB hạ lãi suất cơ bản đồng euro xuống mức 1,25%, hạ lãi suất áp dụng với tiền gửi xuống 0,5% và lãi suất cho vay xuống 2%; tiếp đến, thống nhất chi tăng ngân sách năm 2012 lên 2% GDP, tương đương 174 tỉ USD; đề xuất chấn chỉnh hoạt động của các công ty xếp hạng tín dụng (CRA) nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào các công ty này cũng như cải thiện chất lượng của quy trình xếp hạng.
Về trung hạn, như Chiến lược Lisbon 2020 đã vạch ra, với khẩu hiệu “phát triển thông minh, bền vững và toàn diện”, EU thúc đẩy tăng trưởng dựa trên kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, cắt giảm hợp lý các khoản chi tiêu công, điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo chiều hướng kết hợp giữa thị trường tự do và thị trường xã hội, xây dựng các hiệp ước mới hướng tới liên kết chặt chẽ hơn về kinh tế, gắn kết chính sách tài khóa, ngân sách, thuế ở tầm khu vực.
Trên cơ sở đó, những bước đi cụ thể được EU xác định là:
Thứ nhất, các nước thành viên EU đã đi đến thống nhất tăng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu của các ngân hàng khu vực lên 9%. Trên cơ sở xem xét giá trị thị trường của những khoản nợ trái phiếu chính phủ mà các ngân hàng khu vực đang nắm giữ, tất cả các ngân hàng sẽ thực hiện mục tiêu mới về tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu bắt đầu từ tháng 6-2012. Theo kế hoạch mới, các ngân hàng sẽ huy động nguồn vốn tư nhân trước tiên, kể cả thông qua hình thức cơ cấu lại hoặc chuyển đổi nợ thành cổ phiếu. Trong trường hợp các ngân hàng không thể tự mình huy động đủ vốn, chính phủ các quốc gia thành viên có trách nhiệm hỗ trợ. Còn nếu nhà nước không thể hỗ trợ, việc tái huy động vốn sẽ được thực hiện thông qua một khoản vay từ quỹ cứu trợ đặc biệt. Theo tính toán của Cơ quan Giám sát Ngân hàng châu Âu (EBA, được thành lập từ tháng 1-2011), số tiền cần thiết cho giải pháp này sẽ lên đến 106 tỉ ơ-rô (khoảng 147 tỉ USD).
Ngày 1-2-2012, các bộ trưởng và nhà ngoại giao phụ trách lĩnh vực khoa học và giáo dục của EU đã nhất trí thiết lập chương trình mang tên “Chân trời 2020” với khoản đầu tư 80 tỉ euro (khoảng 105,6 tỉ USD), vận hành từ năm 2014 đến năm 2020, nhằm tăng cường công tác nghiên cứu cấp cao trong toàn EU, cải thiện vai trò tiên phong của ngành công nghiệp trong thời kỳ đổi mới. Đây là nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực của EC thông qua việc hỗ trợ quyền nghiên cứu trong cả các dự án đổi mới và  phát triển thị trường.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo EU đã ký kết “Công ước Ổn định - Điều phối -Quản lý Liên minh kinh tế - đồng tiền chung châu Âu” (tháng 3-2012), gọi tắt là “Công ước Tài chính”. Công ước này được xem là “nguyên tắc vàng” nhằm siết chặt kỷ luật về ngân sách với mục tiêu tránh lặp lại khủng hoảng nợ công, theo đó, mức trần “thâm hụt cơ cấu” hằng năm (được tính toán không tính đến những nhân tố chỉ xảy ra một lần như thanh toán nợ và những tác động đối với chu kỳ kinh tế) không vượt quá 0,5% GDP (trước đây là 0%). Các quy định nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng đối với các thể chế của các nước tham gia dưới sự giám sát của Tòa án Hiến pháp châu Âu. Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng tự động đối với những nước vi phạm mức trần thâm hụt ngân sách nhà nước là 3%GDP, theo quy định trong Hiệp ước về tăng trưởng và ổn định đối với Eurozone, trừ phi nhiều nước tham gia phản đối. Công ước này nhằm mục đích buộc các chính phủ trong EU phải suy nghĩ thận trọng trước khi đưa ra các ưu tiên đầu tư, tập trung hỗ trợ và đầu tư vào những lĩnh vực có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.
Thứ ba, các bộ trưởng tài chính EU đã thông qua hiệp ước siết chặt các quy định liên quan tới Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ dài hạn của khu vực đồng ơ-rô thay thế quỹ cứu trợ ngắn mang tên Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) sẽ hết hiệu lực vào năm 2013. Cả 2 cơ chế này sẽ là những công cụ để giải cứu bất kỳ nước thành viên EU nào khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Tuy nhiên, theo Công ước, ESM chỉ áp dụng đối với những nước thông qua Công ước tài chính mới. EMS sẽ được triển khai từ tháng 7-2012, song song với EFSF cho đến khi quỹ ngắn hạn này hết hiệu lực vào giữa năm 2013. Khả năng cho vay tối đa của 2 quỹ này là 500 tỉ euro.
Thứ tư, nghiên cứu đề xuất trao nhiều quyền hơn cho Liên minh trong việc kiểm soát ngân sách của các quốc gia Eurozone. Quy định mới đòi hỏi các nước này phải công bố dự thảo ngân sách quốc gia tại cùng một thời điểm trong năm. Ủy ban châu Âu có quyền đánh giá và đưa ra quan điểm nếu dự thảo ngân sách quốc gia vi phạm cam kết về chính sách trong Hiệp ước về ổn định và tăng trưởng dành cho Eurozone. Toàn bộ quá trình này sẽ được tiến hành công khai nhằm bảo đảm sự minh bạch. Quy định mới cũng yêu cầu các nước thành viên Eurozone lập hội đồng tài chính độc lập và dự thảo ngân sách phải dựa trên những dự báo độc lập.
Tóm lại, trong thông điệp đầu năm 2012, lãnh đạo phần lớn các nước EU đều thừa nhận, năm 2012 sẽ vẫn là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với toàn liên minh. Khu vực đồng tiền chung euro mới chỉ vượt qua “cơn bĩ cực” của cuộc khủng hoảng nợ công, hậu quả sẽ còn tiếp tục kéo dài với sự phục hồi kinh tế mong manh. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, liên minh kêu gọi công dân của nước mình cũng như các nước trong cộng đồng tích cực ủng hộ các biện pháp kinh tế “khắc khổ” để cùng thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng này./.
Nguyễn An HàPGS,TS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu