Chiến tranh Lạnh kết thúc đã tạo điều kiện cho sự hình
thành một thế giới mới với những thỏa thuận mới giữa các quốc gia và vùng lãnh
thổ. Tuy nhiên, thực tế đó lại trở nên khá mơ hồ khi chúng ta xét đến quan điểm
của Mỹ về mối quan hệ giữa quốc gia này với Thổ Nhĩ Kỳ .Cùng với sự xuất hiện
của những sự kiện quốc tế thu hút nhiều chú ý của dư luận liên quan đến những
hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn gần đây, những người đứng về phía Mỹ đã
đặt một câu hỏi khá thẳng thừng về tình hình quan hệ hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ
và Mỹ: Có phải Thổ Nhĩ Kỳ đã trở mặt ?
Nói cách khác, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đang quay lưng lại
với phương Tây theo cái cách mà quốc gia này đã từ bỏ vai trò là đồng minh tin
cậy của Mỹ hay không?
Một loạt các sự kiện đã làm nổi bật quan ngại này.
Trước tiên là việc Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho Mỹ thiết lập căn cứ quân sự
tại đây nhằm phục vụ cho cuộc chiến tại Iraq. Hai là, Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ mối
quan hệ khá tốt với Iran
và luôn ủng hộ giải pháp ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân tại quốc gia này.
Ba là, tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2009 ở Davos, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã
thể hiện rõ sự không đồng tình với những tuyên bố của Tổng thống Israel Shimon
Peres về những hành động của Isreal tại dải Gaza. Điều này như đã báo trước cho
sự kiện “Freedom Flotilla” ngoài bờ biển của Israel vào tháng 5 năm 2010. Những
sự việc này phần nào nói lên rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn là đồng minh của Israel và đã gia nhập các lực lượng thù địch với
Israel
tại thế giới Hồi giáo và Arập. Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang cải thiện
quan hệ với Syria sau vài thập kỷ quan hệ hai bên đi vào bế tắc, và tập trung
vào giải quyết vấn đề quan trọng của người Kurd. Thậm chí, từ năm 2007, hai bên
đã có những thỏa thuận hợp tác tự do thương mại và có những cuộc tập trận chung
dọc theo biên giới.
Bên cạnh những sự kiện mang tính quốc tế này, những
vấn đề bên trong Thổ Nhĩ Kỳ cũng dấy lên nhiều quan ngại cho phương Tây. Việc bãi
bỏ lệnh cấm phụ nữ đeo khăn trùm đầu gần đây, theo quan điểm của một số người, là
một bước tiến tới xã hội Hồi giáo chuẩn mực và cấp tiến hơn. Đảng Công lý và
Phát triển (AK) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là đảng xuất thân từ Hồi giáo,
đã nắm quyền và duy trì quyền cai trị cho đến tận bây giờ và nhận được sự ủng
hộ rất rộng lớn của dân chúng. Cuối cùng, hành động bỏ phiếu tán thành Hiến pháp
mới trong đó thông qua việc giảm quyền lực của quân đội, lực lượng then chốt
chống lại thuyết cấp tiến tôn giáo và là người bảo vệ cho mô hình chính phủ thế
tục theo chủ nghĩa Kemal được thành lập vào những năm 20 của thế kỷ trước tại
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những vấn đề lớn hiện nay.
Những sự kiện kết hợp này đã khiến nhiều người cho
rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang quay lưng lại với phương Tây và Mỹ sau gần một thế kỷ duy
trì sự ủng hộ tuyệt đối và mối quan hệ đồng minh thân thiết. Một vài nhà phân
tích phân vân phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng về phương Đông.
“Lợi ích” hơn
là “trung thành”
Có thể khái niệm về sự “trung thành”, tàn dư của quan
niệm thời chiến tranh Lạnh đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chiến
tranh Lạnh diễn ra, thế giới được chia làm hai phe đối lập, gồm hai siêu cường quốc
là Mỹ và Liên Xô; các quốc gia khác buộc phải lựa chọn và gắn lợi ích của quốc
gia mình với lợi ích của siêu cường mà họ đã chọn. Mọi quan hệ ngoại giao và
kinh tế đều tồn tại trong cái được gọi là “sự trung thành”, và nếu các quốc gia
khác vi phạm điều đó đồng nghĩa với việc họ đi theo phe còn lại. Chiến tranh
Lạnh là thời gian của những quan hệ quyền lực tương đối đơn giản giữa Mỹ và
Liên Xô; nhưng đối với các quốc gia khác,
đó là thời gian của sự phụ thuộc, sự lúng túng và sự trung thành với một trong hai
siêu cường.
Chiến tranh Lạnh chấm dứt, nhưng một số quan niệm từ thời
đó vẫn tồn tại, và nó được gán vào câu hỏi Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của phương
Tây hay là của phương Đông. Và theo những quan niệm từ thời chiến
tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn một trong hai bên
và trung thành với bên đó. Thổ Nhĩ Kỳ có thể về hướng về phương Tây và tiếp tục
trung thành với Mỹ ( siêu cường duy nhất còn tồn tại sau sự sụp đổ của Liên
Xô), hoặc có thể theo “phe còn lại” bao gồm các quốc gia mà cựu Tổng thống Mỹ
George W.Bush gọi là “Trục ma quỷ”.
Tất nhiên, các mối quan hệ quốc tế trong giai đoạn chiến
tranh Lạnh chưa bao giờ là đơn giản; nếu không muốn nói chúng phức tạp hơn rất
nhiều vào thời điểm này, khi kết thúc thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Tổng
thống Barack Obama, tại hội nghị G-20 tổ chức ở Seoul tháng 11 năm 2010 đã nhấn
mạnh tình hình thế giới khá xác đáng: “ Các bạn đang nhìn thấy một thế giới nơi
mà rất nhiều quốc gia đang thể hiện tốt trong việc đưa ra các quyết định quyết
đoán hơn với những vấn đề liên quan đến lợi ích của chính họ.”
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia như thế, cùng
với Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Chile và vài quốc gia khác. Những
quốc gia này có nền kinh tế lớn mạnh, tăng trưởng không ngừng, chính trị ổn
định và đang mở rộng ảnh hưởng của họ không chỉ tại khu vực mà còn trên phạm vi
toàn cầu. Họ không còn ở trong mối quan hệ phụ thuộc với bất cứ siêu cường nào.
Nói cách khác, các quốc gia này đủ mạnh để có thể hành động vì lợi ích, vì tầm
nhìn cho tương lai của chính họ. Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc đang lên tại khu
vực, và mỗi sự kiện quốc tế được đề cập đến ở trên đều cho thấy rằng quốc gia
này đã hành động vì lợi ích của chính họ chứ không theo sau Mỹ hay phương Tây
một cách thụ động.
Chính sách đối ngoại thân thiện với mục tiêu củng cố
mối quan hệ láng giềng với các quốc gia trong khu vực của Thủ tướng Recep
Tayyip Erdoğan giải thích rất nhiều hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm
gần đây. Thông qua chính sách này, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang cố gắng tạo dựng những
mối quan hệ tốt đẹp với những quốc gia láng giềng, bao gồm Iran, Syria, Iraq,
Armenia, Georgia, Hy Lạp, Bulgaria và đảo Cyprus. Căn cứ quân sự của Mỹ tại
biên giới của Thổ và Iraq
là mong muốn của Mỹ chứ không phải của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi quốc gia này
phải giải quyết các vấn đề liên quan đến người Kurd và Đảng Công nhân người
Kurd (PKK). Với Iran, quốc gia cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động sản
xuất kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thì việc duy trì mối quan hệ ngoại giao thân thiện
với Iran và chống lại những lệnh trừng phạt quốc gia này là hết sức hợp lý. Còn
về phần Syria, đây là quốc gia có đường biên giới chung dài nhất với Thổ Nhĩ Kỳ,
vì thế việc biến mối quan hệ thù địch trước đây thành mối quan hệ hợp tác kinh
tế sẽ đảm bảo không những cho tình hình an ninh, kinh tế mà còn củng cố vai trò
trung gian chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực.
Quả thực, Thổ Nhĩ Kỳ đang hành động vì lợi ích của
chính họ hơn là vì lợi ích của Mỹ hay của phương Tây. Và quốc gia này đang thể
hiện vai trò trung gian trong các mối quan hệ vốn đã có lịch sử mâu thuẫn giữa
các khu vực và các quốc gia, bao gồm mối quan hệ giữa Syria và Israel, cũng như
giữa Mỹ và Iran.
Đối thoại
nội bộ
Những vấn đề đối nội gây chấn động như vấn đề về sử
dụng khăn trùm đầu với phụ nữ hay vấn đề Hiến pháp là những ví dụ điển hình về
các cuộc tranh luận mạnh mẽ và sôi động đang diễn ra tại quốc gia này. Các tranh
luận như vậy đều phổ biến và thực sự cần thiết cho các dân tộc đi theo thể chế
tư bản và dân chủ như Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn thế nữa, những vấn đề này lại xuất hiện
tại nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử của mỗi quốc gia, thường là thời
điểm bắt đầu của một quốc gia hay trong thời điểm bắt đầu một thời kỳ mới của
quốc gia. Những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tương tự như những gì Mỹ gặp phải
sau khi mới giành lại độc lập từ tay Anh sau cuộc cách mạng vũ trang, bao gồm
những tranh luận, những sự khác biệt và mâu thuẫn sâu sắc về vai trò của tôn
giáo trong đời sống xã hội, quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước trong nền dân chủ
thế tục, vai trò của quân đội đối với các lực lượng vũ trang khác của chính phủ
và những giới hạn trong quyền tự do cá nhân. Trong khi những nguyên tắc cơ bản
của một quốc gia về các vấn đề này có thể được giữ nguyên qua hàng thế kỷ thì
việc áp dụng chúng lại thay đổi qua từng thời kỳ và hoàn cảnh cụ thể. Chính vì
vậy, luôn cần có sự suy xét và phân tích, nhất là với những vấn đề còn nhiều
mâu thuẫn và chưa thể đi đến thống nhất.
Vì vậy, về mặt này những gì Thổ Nhĩ Kỳ đang làm đều giống
với những gì các quốc gia dân chủ khác phải làm. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của phương
Tây, những vấn đề như vậy được coi đơn giản là sự cạnh tranh giữa hai chính thể:
tôn giáo và thế tục. Cách nhìn nhận như vậy không thể giải thích cho sự phức
tạp từ cả hai phía – những người theo chủ nghĩa thế tục có lý khi lo lắng về
thuyết cấp tiến tôn giáo thuộc mọi hình thức ( đặc biệt tại một quốc gia như
Thổ nơi mà hơn 90% dân số đi theo một tôn giáo), và rằng khi là người Hồi giáo thì
không có nghĩa là nhất thiết họ muốn mang kinh Koran đến Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phân
định đơn giản như vậy chính là kiểu tư duy trong thời kỳ chiến tranh Lạnh khi
mọi thứ đều đơn giản được phân ra thành hai loại và mọi quốc gia buộc phải lựa
chọn một trong hai; cách tư duy như thế thực sự không còn phù hợp với thực tiễn
giai đoạn hiện nay.
Khởi đầu mới
cho mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có một lịch sử quan hệ rất tích cực, giống
tất cả các mối quan hệ hữu nghị họ từng có. Do vậy, cần có một sự tự nhận thức
ở cả hai bên rằng họ đang sống trong một thời kỳ mới, trong một thế giới mới,
và những hình thái quan hệ cũ là không còn phù hợp nữa; mối quan hệ mới phải
được tạo dựng trên những điều kiện và hoàn cảnh mới. Giống như trong kinh Tân
Ước có viết, không thể đổ rượu mới vào một cái bình đựng rượu đã cũ.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nên lưu tâm tới một vài
điều khi tiến đến mối quan hệ mới này để tránh được những nguy cơ khó lường hơn
trên con đường tới tương lai.
Thứ nhất, về phía Mỹ, đây luôn được coi là quốc gia tự
do nhất trên thế giới, do vậy là hợp lý khi Mỹ ủng hộ quyền lợi hợp pháp của
những nhóm thiểu số ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là các nhóm tôn giáo
thiểu số. Thổ Nhĩ Kỳ nên có những chính sách và hành động phù hợp trong việc
giải quyết các vấn đề liên quan đến các nhóm thiểu số (Alevis, Cơ Đốc và các
nhóm khác) tại đất nước mình, tiếp tục hoàn thiện chế độ dân chủ trong một nhà
nước mà đạo Hồi chiếm ưu thế giống như cách mà Mỹ đã làm trong hơn 200 năm qua.
Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước tiến rõ rệt trong vấn đề này; Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ
phải tiếp tục tiến về phía trước, nhất là khi xu hướng về tự do tôn giáo cá
nhân và tự do ngôn luận đang là một xu thế phổ biến. Chính nguyên tắc tương tự
về quyền của phụ nữ trong việc sử dụng khăn trùm đầu cũng khẳng định sự tự do
và cơ hội bình đẳng trong việc thể hiện bản thân của người dân thuộc mọi tôn
giáo mà không cần quan tâm tới vị thế đa số hay thiểu số của họ.
Thứ hai, trong những năm gần đây quan điểm đạo đức của
Mỹ cũng đã có sự thỏa hiệp và đấy là điều có thể hiểu được. Do vậy, Mỹ cần dừng
chỉ trích Thổ Nhĩ Kỹ về việc nước này không coi vụ thảm sát những người Armenia
hai thế hệ trước trong thời kỳ chính phủ của Liên hiệp Thanh niên Cách mạng Thổ
Nhĩ Kỳ từ năm 1915 đến 1917 là một vụ “diệt chủng”. Mỹ ủng hộ cộng đồng Do Thái
người Armenia
tại Mỹ, nhưng chủ yếu vì các mục đích chính trị trong thời gian bầu cử, và cuối
cùng lại cản trở việc bình thường hóa mối quan hệ giữa hai cộng đồng vốn có các
liên hệ lịch sử và văn hóa lâu đời. Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước tiến lớn trong
việc tạo ra một thời kỳ mới cho các mối quan hệ với người láng giềng Armenia như một
phần của chính sách đối ngoại thân thiện. Vấn đề Armenia,
vấn đề đảo Cyprus
không nên là trở ngại trong quá trình phát triển nói chung của Thổ Nhĩ Kỳ trong
hiện tại và tương lai. Thổ Nhĩ Kỳ biết rõ điều này và đã bắt đầu hành động. Sẽ
thuận lợi hơn nếu Mỹ ngừng các hoạt động can thiệp và để Thổ Nhĩ Kỳ tự giải
quyết những vấn đề này.
Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ nên nhận thức rằng việc Mỹ bị
đẩy vào hoàn cảnh phải lựa chọn giữa họ và Israel – một đặc trưng cho lối tư
duy thời chiến tranh Lạnh – không làm
ảnh hưởng đến tính đa chiều của các mối quan hệ trên mọi mặt. Quan hệ phức tạp
giữa Mỹ và Israel đã hình thành từ việc Mỹ thả hàng chục ngàn người Do Thái từ các
trại tập trung nơi mà 6 triệu người đã bị giết hại trong cuộc thảm sát mang
tính diệt chủng tồi tệ nhất của lịch sử hiện đại. Việc hình thành nhà nước Israel hiện đại
là sự phản ứng với hành vi diệt chủng đó và Mỹ cảm thấy có trách nhiệm với nhà
nước này. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đều nhận thức được vấn
đề trong chính sách và mối quan hệ đối ngoại với Israel, họ đều cho rằng Mỹ
phải có những kế hoạch và lộ trình rõ ràng trong việc giải quyết vấn đề này. Nếu
phải lựa chọn giữa Thổ và Israel,
Mỹ sẽ chọn Israel.
Có thể thấy, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nỗi ám ảnh về đạo Hồi tại châu Âu
chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gia nhập khu vực này,
do đó Thổ Nhĩ Kỳ cần có những đồng minh phương Tây. Trong hoàn cảnh này, Thổ Nhĩ
Kỳ cần phải trở thành chiếc cầu nối chứ không được thiêu rụi chiếc cầu đó.
Quả thực, để có thể đóng vai trò trung gian trong mối
quan hệ giữa các quốc gia trên phạm vi lớn hơn ( như quan hệ giữa Mỹ với Iran
hay giữa Israel và Syria), Thổ Nhĩ Kỳ phải đứng một chân ở phương Đông và chân
kia ở phương Tây. Nói một cách hình ảnh, Thổ Nhĩ Kỳ phải giống như một chiếc
cầu nối giữa hai châu như quốc gia này đã từng làm trong quá khứ. Với chế độ tư
bản hùng mạnh, một nền dân chủ sôi động và với những bước tiến vững chắc trong
tiến trình gia nhập thị trường chung châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy quốc gia này
vẫn hướng về phương Tây. Mặt khác, chính sách ngoại giao thân thiện đối với các
quốc gia láng giềng và những cố gắng trong việc trở thành một quốc gia Hồi giáo
có vị trí quan trọng tại khu vực lại thể hiện rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng không quay
lưng lại với phương Đông. Việc duy trì sự cân bằng này và loại bỏ tư duy lạc
hậu của thời chiến tranh Lạnh phải lựa chọn một bên sẽ khẳng định tính lịch sử
vốn có của quốc gia này. Cùng với đó, việc thực hiện thành công mô hình đa
phương hóa của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một điển hình đáng để các quốc gia khác trong
khu vực học hỏi.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, cũng giống như các quốc gia khác
trên thế giới, đang hành động theo cách mà đa số các quốc gia khác phải làm
trong bối cảnh hiện nay: tạo dựng và thích ứng với những điều kiện thực tế mới
cho chính bản thân họ và cho những quốc gia khác khi bắt đầu bước vào thế kỷ
XXI. Theo một cách nào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở lại vai trò lịch sử truyền thống
của họ dưới thời Ottoman, khi quốc gia này là trung tâm không chỉ của một đế
chế hùng mạnh, mà còn của cả một nền văn minh Hồi giáo tiến bộ. Thổ Nhĩ Kỳ
không còn là “đối tác yếu thế” trong quan hệ với bất kỳ quốc gia nào khi bàn
đến những vấn đề mang tính khu vực và quốc tế. Đối với Mỹ, tuy không có lịch sử
phát triển dài và rực rỡ như Thổ Nhĩ Kỳ để “quay lại” với quá khứ, nhưng Mỹ là
siêu cường mạnh nhất sau chiến tranh Lạnh và là sức mạnh cơ bản trong các quan
hệ quốc tế trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, thậm chí Mỹ cũng phải thay
đổi trong hoàn cảnh mới, sự thay đổi mà Tổng thống Obama đã đề cập đến tại Hội
nghị thượng đỉnh G-20. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không phải quay trở lại thời kỳ các
siêu cường trước đây mà cần phải tiến vào kỷ nguyên mới của các mối quan hệ
quyền lực – một thế giới phẳng của những quyền lực đa khu vực trong những mối
quan hệ phức tạp – và mỗi quốc gia sẽ theo đuổi các mục tiêu về kinh tế, an
ninh, năng lượng và đối ngoại của riêng mình.
Có thể nói, thế giới của chỉ một hay hai siêu cường mà
đằng sau đó các quốc gia khác buộc phải trung thành với một bên như trong thời
kỳ chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Đó là kỷ nguyên quyền lực cũ. Hiện nay, chúng ta
đang sống trong thời đại mới, một trang mới của lịch sử thế giới. Do đó, cả Thổ
và Mỹ phải tự tìm chỗ đứng của mình trong thế giới mới với mục tiêu đạt được
những quan điểm đồng thuận và những lợi ích chung nhằm đem lại sự tự do, dân
chủ và thịnh vượng hơn cho toàn thế giớ
Dịch: Trần Anh Đức
Nguồn: Turkish Review
Nguồn: Turkish Review
Posted by BUI NGOC TU - IAMES