Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

24. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với châu Phi những năm đầu thế kỉ XXI (*)


 

Võ Minh Tập


TÓM TẮT
Những năm đầu thế kỉ XXI, cùng với sự lớn mạnh về kinh tế và chính trị, Trung Quốc có điều kiện triển khai chiến lược ngoại giao nước lớn của mình và châu Phi thực sự là điểm đến quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Với những ưu thế của mình, Trung Quốc đã thông qua những chính sách đối với châu Phi một cách toàn diện, hầu hết trên tất cả các lĩnh vực, đi vào chiều sâu và đã đạt được những thành tựu quan trọng đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

SUMMARY
In the early twenty first (21st) century, along with the rising economics and politics, China has been in the condition of deploying its major diplomatic strategy and Africa is really the important target in Chinese diplomatic policy. With its own vantage, China has adopted the multi-faceted policies for Africa, almost over all aspects of sectors, in-depth and has gained many crucial achievement to both sides benefits.
****

Trung Quốc là một cường quốc hiện đang cố gắng thực hiện chiến lược toàn cầu của mình vào những năm đầu thế kỉ XXI. Cùng với sự điều chỉnh chiến lược ngoại giao đối với các nước lớn, các nước láng giềng thì chính sách đối ngoại hiện đại của Trung Quốc đối với châu Phi được xác định là một trong những trụ cột hết sức cơ bản góp phần thắng lợi của Trung Quốc trên con đường vươn tới một siêu cường.
Vậy châu Phi có vai trò gì đối với Trung Quốc đương đại? Những nhân tố nào thúc đẩy Trung Quốc quan tâm đến châu lục này? Trung Quốc đã hoạch định chính sách đối ngoại đối với châu Phi như thế nào? Kết quả ra sao? Bài viết này sẽ tập trung giải quyết những vấn đề đó.
1.      Vị trí, vai trò của châu Phi đối với Trung Quốc.
Châu Phi là một châu lục rộng lớn gồm 54 quốc gia với tổng diện tích khoảng 30 triệu km2, dân số khoảng 900 triệu người, là châu lục giàu tài nguyên thiên nhiên, ẩn chứa nhiều tiềm năng to lớn. Nhiều thế kỉ qua, châu Phi được biết đến như một thế giới của nghèo đói, bênh tật, xung đột, bạo lực, có mức sống thấp nhất so với các châu lục khác. Bước sang thế kỉ XXI, châu Phi nổi lên như một tâm điểm, đón nhận sự quan tâm của nhiều nước lớn trên thế giới cùng với những lợi ích và tính toán riêng của họ.
Về mặt lịch sử, là châu lục có lịch sử lâu đời, là một trong những nơi sản sinh ra cái nôi của nền văn minh nhân loại. Trong nhiều thế kỉ, các dân tộc châu Phi đã chống lại những thế lực thực dân hùng mạnh, xóa bỏ những rào cản để giành lấy tự do, độc lập góp phần to lớn đối với sự tiến bộ của nhân loại. Sau khi giành được độc lập, nhiều nước đã đi vào ổn định chính trị, cải cách kinh tế-xã hội, tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế để hội nhập với xu thế chung của thế giới, điều đó đã đem lại sự tăng trưởng liên tục về kinh tế của châu Phi. Ngày nay, các nước châu Phi tìm cách vượt qua những khó khăn, thách thức và ngày càng tích cực tham gia hội nhập như hợp tác Nam – Nam, thúc đẩy đối thoại Bắc – Nam, đặc biệt là vị thế, vai trò của châu Phi ngày càng quan trọng trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Đối với Trung Quốc, châu Phi là một vùng đất xa xôi về mặt địa lý, nhiều thập niên của thế kỉ XX, đây không phải là địa bàn truyền thống trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nhưng bước sang đầu thế kỉ XXI, Trung Quốc lại coi trọng, xem đó điểm đến quan trọng trong chính sách ngoại giao và phát triển mối quan hệ nhiều mặt giữa hai đối tác.
2. Những nhân tố tác động đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với châu Phi trong những năm đầu thế kỉ XXI.
a. Tình hình quốc tế và khu vực
Bước sang thế kỉ XXI, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi lớn, tác động mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt quốc tế.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, tập đoàn hóa, đa cực hóa với tốc độ nhanh đã ảnh hưởng, tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội mà không một quốc gia nào tránh khỏi. Điều đó, làm cho tính cạch tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia trở thành nội dung chủ yếu trong đấu tranh và hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc.
Sự phát triển nhanh chóng của xu thế toàn cầu hóa đã đặt ra nhiều thách thức lớn nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho các nước phát triển và đang phát triển. Trên phạm vi toàn cầu, thì toàn cầu hóa kinh tế ngày càng mạnh mẽ làm cho tính phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nước và lợi ích chung giữa các nước ngày càng tăng thêm, do đó các nước ngày càng có xu hướng muốn thông qua những biện pháp hòa bình như hợp tác hòa bình, đàm phán để giải quyết những khó khăn, những mâu thuẫn và bất đồng giữa các nước, đặt biệt là giữa các cường quốc lớn.
Sau sự kiên 11 – 9 – 2011, tình hình thế giới ngày càng phức tạp, bất ổn khó lường, xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển bị tổn hại, sự canh tranh giữa các nước lớn, sự trỗi dậy của các nền kinh tế…dẫn đến quan hệ giữa các nước lớn thay đổi, hầu hết các nước điều ra sức điều chình chiến lược và chính sách đối ngoại của mình để tìm kiếm sự ủng hộ, đồng thuận trong các vấn đề quốc tế.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng dẫn đến sự điều chỉnh đối với cục diện địa-kinh tế tài chính toàn cầu. Trung Quốc là nước đóng vai trò to lớn để giải quyết những khó khăn thời hậu khủng hoảng.
Hiện tượng toàn cầu hóa từ kinh tế lang rộng đến toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực khác và trở thành những đặc trưng của tình hình thế giới hiện nay, các vấn đề toàn cầu như bùng nổ dân số, nghèo đói, an ninh lương thực, môi trường ô nhiễm, tội phạm quốc tế, tham nhũng, thiên tai…ngày càng đe dọa hành tinh, tạo nên sức ép nhiều mặc cho các quốc gia trên thế giới. Những vấn đề đó sẽ tác động đến chính sách đối ngoại của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, nhất là cần sự giúp đỡ, hợp tác từ các nước lớn.
Những năm đầu thế kỉ XXI, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh Đông Á cũng có những thay đổi quan trọng như vấn đề Triều Tiên, tranh chấp Biển Đông, vấn đề Đài Loan, tranh giành tài nguyên, chủ nghĩa khủng bố….trở thành những thách thức, đe dọa an ninh Đông Á….
b. Tình hình Trung Quốc.
 Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc đạt được nhiều thành công to lớn, tạo thế và lực mới cho Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc phát triển liên tục, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 9%, nền kinh tế hiện nay đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ, dự trữ ngoại tệ chiếm trên 50%...
Sau hơn 30 năm tiến hành cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc phát triển không ngừng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Thương mại đạt nhiều thành quả quan trọng, là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới (năm 2009 đạt 4.900 tỷ USD), thu hút FDI tăng nhanh...
Mặt dù địa vị, vai trò quốc tế của Trung Quốc ngày càng được nâng cao, nhưng phải thấy rằng Trung Quốc đang đứng trước những thách thức ngày càng phức tạp.
Nội lực đang chịu sức ép rất lớn về chính trị, về qui mô điều chỉnh cơ cấu kinh tế, vấn đề việc làm, thất nghiệp, khoảng cách giữa các vùng, miền ngày càng tăng, nạn tham nhũng hoành hành, môi trường sinh thái bị phá hoại. Đặc biệt là vấn đề an ninh năng lượng.
Bước vào thế kỉ XXI, môi trường chiến lược quốc tế của trung Quốc cũng đang tồn tại những nhân tố nguy hiểm, nhiều vấn đề quốc tế ảnh hưởng không nhỏ đối với Trung Quốc như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, ý đồ mang tính chiến lược của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản…. Đặc biệt, “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” gây bất ổn cho cả Trung Quốc cũng như tâm lý hoài nghi, lo lắng, cảnh giác của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước châu Phi.
Như vậy, tất cả những nhân tố trên đã tạo nên những áp lực cả về hữu hình lẫn vô hình đối với chiến lược ngoại giao và chính sách đối ngoại của Trung Quốc những năm đầu thế kỉ XXI. Trong tình trình đó, Trung Quốc có ham muốn mở rộng ảnh hưởng nhằm tạo nên không gian chiến lược rộng lớn hơn so với không gian địa lý vốn có, nghĩa là Trung Quốc có tham vọng vươn xa ra thế giới mà châu Phi là một minh chứng điển hình.
2.      Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với châu Phi.
Trong những năm 50 – 90 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã thực hiện chính sách hướng về lục địa đen – châu Phi và đã đặt quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia của châu lục này. Tuy nhiên mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi chỉ diễn ra trên lĩnh vực tư tưởng và chính trị là chủ yếu.
Nhưng nước sang thế kỷ XXI, thế giới có nhiều biến đổi to lớn cùng với những lợi ích về kinh tế, chính trị và văn hóa, đặc biệt là nhu cầu về an ninh năng lượng trở thành vấn đề sống còn buộc Trung Quốc phải tính đến chính sách phát triển quốc gia. Châu Phi cùng với địa – chính trị tài nguyên của nó sẽ đáp ứng nhu cầu để phát triển nội – ngoại lực của Trung Quốc cả hiện tại và trong tương lai.
Từ năm 2000, thế giới đã chứng kiến Trung Quốc đẩy mạnh và tăng cường mở rộng quan hệ với các nước châu Phi. Chính sách của Trung Quốc đối với châu lục cũng được hoạch định rõ ràng và thay đổi phù hợp với lợi ích đôi bên. Để thúc đẩy quan hệ với châu Phi, Trung Quốc cùng các nước châu Phi thành lập Diễn đàn Trung Quốc – châu Phi (The Forum On China – Africa Cooperation). Trên cơ sở của diễn đàn, các bên xúc tiến thỏa thuận và kí kết những văn kiện quan trọng trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ hai đối tác. Đến năm 2006, Trung Quốc đã ban hành văn kiện mang tính chất cương lĩnh “chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi” và thiết lập khuôn khổ phát triển đối tác chiến lược kiểu mới Trung Quốc – châu Phi thể hiện toàn diện những mục đích rõ ràng và quyết tâm của Trung Quốc đối với châu Phi.
Nhìn tổng thể chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện đại, cùng với chính sách ngoại giao đối với các nước lớn, các nước láng giềng thì chính sách ngoại giao Trung Quốc đối với châu Phi là một trong những trụ cột trong chính sách “ngoại giao khu vực”, “đi ra bên ngoài” của Trung Quốc với phạm vi, qui mô ngày càng lớn, thể hiện sự tham vọng toàn cầu, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược là hình thành trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm trong đó Trung Quốc trở thành một cực, một trung tâm then chốt.
Trong chiến lược ngoại giao hiện đại của Trung Quốc thì phương châm và mục đích trong chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi là rất rõ ràng và nhất quán. Châu Phi được coi là một bàn cờ quan trọng trong địa –chiến lược của Trung Quốc và là mắc xích quan trọng trong cái gọi là “ vành đai sinh trưởng ASEAN – Nam Á – Trung Đông – châu Phi và Mỹ Latinh”[1]. Các hoạt hoạt động ngoại giao trong những năm đầu XXI điều thực hiện phương châm “tiến xuống Tây – Nam”, cũng cố vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng như giải quyết các vấn đề cấp thiết về kinh tế đối với sự phát triển trong nước.
Chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi dựa trên 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường thúc đẩy quan hệ kinh tế và đẩy mạnh mở rộng trên nhiều lĩnh vực còn lại. Chiến lược quan trọng hàng đầu mà Trung Quốc đối với châu Phi là tăng cường ảnh hưởng của mình ở đây nhất là về kinh tế và chính trị từ đó tìm kiếm sự ủng hộ của các nước châu Phi ở các tổ chức, diễn đàn quốc tế, tạo thế cạnh tranh với Mỹ và các nước lớn, biến châu Phi thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và nơi cung cấp nguyên liệu phụ phụ con đường phát triển đất nước, đồng thời thu hẹp không gian sinh tồn của Đài Loan[2].
Xuất phát từ những lợi ích cơ bản của dân tộc Trung Quốc và châu Phi, Chính phủ Trung Quốc quyết tâm thiết lập và phát triển một loại hình đối tác chiến lược mới với những đặc điểm bình đẳng và tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị, hợp tác trên tinh thần “cùng thắng” về mặt kinh tế và tăng cường giao lưu trên bình diện văn hóa. Trung Quốc đã khởi xướng 5 nguyên tắc và mục tiêu chủ đạo trong chính sách đối với châu Phi như sau[3]:
- Duy trì tình hữu nghị chân thành và đối xử bình đẳng. Luôn gắn với 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình, tôn trọng việc tự do lựa chọn con đường phát triển của các nước châu Phi, ủng hộ những nỗ lực của các quốc gia châu Phi trong việc đoàn kết tạo nên sức mạnh.
- Đảm bảo hai bên cùng có lợi hướng tới sự phát triển cùng chia sẻ. Ủng hộ các nước châu Phi phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Phát triển hợp tác đa dạng trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và tiến bộ xã hội và thúc đẩy sự phát triển cùng chia sẻ.
- Ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ. Tăng cường hợp tác Trung-Phi tại Liên Hiệp quốc và tại các tổ chức đa phương khác, ủng hộ những đòi hỏi chính đáng và những để xuất hợp lý của nhau. Tiếp tục thúc đẩy cộng đồng quốc tế chú trọng đến hoà bình và phát triển tại châu Phi.
- Học hỏi lẫn nhau, cùng nghiên cứu những con đường phát triển. Cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển, điều hành và quản lý công, tăng cường hợp tác và trao đổi trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá và y tế. Trung Quốc ủng hộ các nước châu Phi trong việc tăng cường năng lực và cùng nhau nghiên cứu những con đường phát triển bền vững phù hợp.
- Nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất là nền tảng chính trị trong việc thiết lập và phát triển quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia châu Phi cũng như với các tổ chức trong khu vực. Chính phủ Trung Quốc đánh giá cao đại đa số các nước châu Phi tôn trọng nguyên tắc trên, từ chối phát triển quan hệ và trao đổi chính thức với Đài Loan và ủng hộ sự nghiệp vĩ đại thống nhất Trung Quốc. Trên cơ sở nguyên tắc này, Trung Quốc muốn thiết lập và phát triển quan hệ cấp Nhà nước với những nước còn chưa có quan hệ ngoại giao.
Trên cơ sở đó, Trung Quốc triển khai hàng loạt các chính sách đối với châu Phi như chính sách về kinh tế, chính sách về năng lượng, chính sách về hòa bình an ninh, chính sách văn hóa, xã hội… để có sức mạnh tiếp tục giấc mơ vùng vẫy khắp lục địa châu Phi.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong thời gian vừa qua đã tác động to lớn đến nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Trung Quốc là quốc gia thành công nhất dưới tác động của sự kiện này. Từ năm 2009 trở đi, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nội lực Trung Quốc có thêm nhiều sức sống. Điều này tạo nhiều thuân lợi cho Trung Quốc thực hiện hàng loạt các hoạt động ngoại giao của mình, trong đó có châu Phi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiến hành dồn dập các chuyến thăm châu Phi và sự kiện này cũng bắt đầu thời điểm mới trong chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi. Mặc dù những chính sách đã được ấn định và đi vào chiều sâu, nhưng dưới tác động của bối cảnh quốc tế, khu vực cũng như mỗi nước thì chính sách châu Phi của Trung Quốc cũng có chút ít thay đổi về mức độ và ưu tiên tùy theo đối tác mà Trung Quốc quan hệ và hợp tác ở châu lục. Trong chuyến thăm 4 nước châu phi của Ông Hồ Cẩm Đào tháng 2 năm 2009 cho thấy cái nhìn mới trong chính sách đối ngoại và quan hệ ngoại giao của Trung Quốc đối với châu Phi. Có thể nêu một số thay đổi như sau: Trung Quốc sẽ chú trọng tăng cường hợp tác giúp các nước châu Phi khắc phục khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới, ủng hộ tiếng nói của các nước châu Phi trong các diễn đàn quốc tế; Trung Quốc tiếp tục thực hiện lộ trình 8 giải pháp đã tuyên bố tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi, tăng cường viện trợ cho châu Phi đi đôi với giảm nợ, mở rộng thương mại và đầu tư; tăng cường sức mạnh mềm ở châu lục…
Việc tăng cường chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với châu phi những năm đầu thế kỉ XXI theo chúng tôi là do một số nguyên nhân sau đây: (1) Địa – chính trị châu Phi có vai trò quan trọng, là nguồn dầu mỏ và các nguồn nguyên liệu phong phú đáp ứng nhu cầu nóng của trung Quốc; (2) Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, biến nước này trở thành công xưởng của thế giới; (3) Sự tác động của bối cảnh quốc tế và sự cạnh tranh của nhân tố Mỹ, Ấn Độ, EU…; (4) Ý nghĩa chính trị - ngoại giao quan trọng của châu Phi đối với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế.
Trong chiến lược của Trung Quốc đối với châu Phi. Trung Quốc chủ trương hợp tác với tất cả các quốc gia và đối tác mà không đặt điều kiện chính trị - như Mỹ hay EU, trừ chuyện công nhận ngoại giao Đài Loan. Đầu tư trực tiếp và viện trợ phát triển được coi là biện pháp mở đường, thông lối hàng đầu. Cả đầu tư trực tiếp lẫn viện trợ phát triển của Trung Quốc ở châu Phi đều không chỉ phục vụ cho những lợi ích đa dạng nói trên của Trung Quốc, mà còn phục vụ cho mục tiêu gây dựng sự hiện diện bền vững và lâu dài của Trung Quốc trên châu lục. Vì thế, các dự án hợp tác phát triển và đầu tư của Trung Quốc trên châu lục đều nhằm vào khai phá thị trường tiêu thụ cho hàng hóa của Trung Quốc, vào cơ sở hạ tầng, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi và mua hoặc thuê đất đai.
Ngoài ra, trong chiến lược của mình yếu tố cạnh tranh có vai trò quan trọng nhưng tránh đụng độ về lợi ích giữa Trung Quốc với các đối tác khác vốn cũng không ngừng tăng cường chinh phục châu Phi. Trung Quốc tranh thủ các quốc gia châu Phi và cạnh tranh với các đối tác bên ngoài khác, nhưng không đặt các quốc gia này trước sự lựa chọn giữa Trung Quốc với các đối tác kia. Và cuối cùng không thể không kể đến việc Trung Quốc tăng cường quan hệ hợp tác quân sự và an ninh với các quốc gia châu Phi[4].
Chiến lược nói trên đã giúp Trung Quốc có được ưu thế thuận lợi ở châu Phi so với các đối tác cạnh tranh khác. Nhưng cả những đối tác này cũng đã phát hiện lại châu Phi và cũng đang nỗ lực tranh thủ và chinh phục châu lục này. Họ cũng có những lợi ích thiết thực đến mức sẽ không bó tay đứng ngoài nhìn Trung Quốc thực thi chiến lược.
3.      Những thành tựu đạt được
a. Lĩnh vực chính trị.
Về cơ bản, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với châu phi cũng đã trở thành một cực ngang hàng với Mỹ và châu Âu. Hai bên thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau. Năm 2000, hai bên thành lập Diễn đàn Trung Quốc -châu Phi và tổ chức các hội nghị luân phiên tại Trung Quốc và châu Phi, hai bên đã kí kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 2000 đến năm 2006, có 7 nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thăm 23 quốc gia trọng điểm ở châu Phi. Riêng năm 2006 được coi làm năm thành công nhất, là năm đột phá trong chính sách châu phi của Trung Quốc như các chuyên thăm của Ngoại trưởng Lý Triệu Tinh (1/2006), Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (4/2006), Thủ tướng Ôn Gia Bảo (6/2006). Đầu năm 2006, Trung Quốc công bố Văn kiện về chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi đưa quan hệ hữu nghị truyền thống Trung – Phi phát triển thành đối tác chiến lược kiểu mới. Tính đến nay (2010), hai bên đã tổ chức Diễn đàn Trung Quốc – châu Phi 4 lần, trong 2 ngày 6 – 7/2006, Diễn đàn trên được tổ chức tại Bắc Kinh với sự tham gia của 48 quốc gia châu Phi và 20 tổ chức quốc tế. Đây là sự kiện trọng đại bật nhất trong quan hệ Trung Quốc – châu Phi nhằm thúc đẩy toàn diện sự cộng tác kinh tế, thương mại. Trong Hội nghị Diễn đàn Trung Quốc – châu Phi  lần thứ 4 (8/11/2009), hai bên đã đưa ra những biện pháp đối phó với những thách thức trong tương lai và nâng quan hệ Trung Quốc – châu Phi lên tầm cao mới. Thông qua các cuộc tiếp xúc, diễn đàn, hai bên đã thắt chặt tình hữu nghị, tăng cường tin cậy lẫn nhau, mở rộng hợp tác và cùng phát triển, ủng hộ lẫn nhau  trong các công việc quốc tế và khu vực.
b. Lĩnh vực kinh tế.
 Đầu thế kỉ XXI, với việc đưa ra chính sách ngoại giao kinh tế đối với châu Phi, được hoàn thiện, bổ sung, hoàn chỉnh phát triển nhanh chóng và đạt được những thành tựu quan trọng:
Về thương mại, đến nay Trung Quốc đã quan hệ với hơn 50 nước châu Phi. Kim ngạch thương mại hai bên tăng nhanh: năm 2001 đạt 10 tỷ USD, năm 2004 là 26 tỷ USD, 2006 là 50 tỷ USD, năm 2007 là 73 tỷ USD, năm 2008 là 106, 8 tỷ USD. Từ năm 2009, trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, vượt qua Mỹ, trong năm 2010, trao đổi thương mại hai bên lên đến 127,9 tỷ USD, hai quốc gia hàng đầu mua bán nhiều nhất với Trung Quốc là Nam Phi, Angola[5]. Những con số trên cho thấy những thành tích to lớn của chính sách đa nguyên hóa thị trường của Trung Quốc, phản ánh phần nào đáp ứng nguyện vọng của hai bên, đồng thời việc đẩy mạnh quan hệ thương mại sẽ là cầu nối, thúc đẩy mạnh mẽ trong tương lai. Trung Quốc xuất sang châu Phi vải, quần áo, sản phầm chế biến, máy móc, còn nhập chủ yếu là tài nguyên dầu khí, quặng…
Về đầu tư – viện trợ, Cùng với tăng cường hợp tác thương mại, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào châu Phi. Đầu tư của Trung Quốc tăng từ 1 tỷ USD (2000) lên 17 tỷ USD (năm 2010). Trong năm 2008, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại châu Phi là 7,8 tỷ USD (gấp 8 lần năm 2001). Theo sách trắng của Trung Quốc năm 2009, trong các khoản viện trợ của Trung Quốc trên thế giới thì châu Phi chiếm gần 45% số viện trợ. Hiện Trung Quốc có khoảng 900 dự án tại 49 nước châu Phi, có trên 800 xí nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại châu Phi. Những khoảng viện trợ và đầu tư của Trung Quốc chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng, các đặc khu kinh tế, khai khoáng, năng lượng…
Về năng lượng, Những năm đầu thế kỉ XXI, nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc ngày một gia tăng và châu Phi là một trong những nơi nguồn năng lượng dồi dào có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Hiện nay lượng dầu thô nhập vào Trung Quốc từ các nước châu Phi chiếm 20% tổng lượng dầu nhập khẩu, phần lớn từ Sudan và Angola. Trung Quốc sớm thực hiện chính sách đi ra ngoài và chính sách ngoại giao năng lượng. Từ đầu năm 2005 đến nay,Trung Quốc đã liên tiếp kí hiệp ước hợp tác với Kenya, Conggo, Anggola (2/2005), đặc biệt là ký với Nigeria – nước đông dân nhất châu Phi – Hiệp ước hợp tác khai thác khí đốt (4/2005), Năm 2006 là điểm xuất phát quan trọng cho việc Angola trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc ở châu Phi. Từ tháng 2/2006, Angola đã cung cấp cho Trung Quốc 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương với 15% tổng số khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc. Cùng với một loạt hợp đồng khác về dầu khí kí kết với châu Phi trong năm 2006, trong tương lai gần, Trung Quốc ổn định được một trong những mắc xích quan trọng trong “vành đai sinh trưởng” “ASEAN – Nam Á – Trung Á – Trung Đông – châu Phi – Mỹ Latinh”. Các công ty Trung Quốc có khả năng cung cấp các kỹ sư làm việc tại các công trường chỉ với số lượng 100 USD/tháng, trong khi châu Âu (vì đồng EURO quá cao) không còn có sức cạnh tranh tại phần lớn các nước châu Phi[6].
Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành miễn thuế, xóa nợ cho nhiều nước châu Phi, hợp tác quốc phòng, an ninh, trao đổi văn hóa, hợp tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, kĩ thuật…
Những thành tựu trong quan hệ Trung Quốc – châu Phi là tốt đẹp, đôi bên cùng có lợi. Triển vọng của mối quan hệ trên sẽ được thúc đẩy trong tương lai nhưng phát triển ở tốc độ vừa phải, không nhanh như thập kỉ vừa qua, do những vấn đề nảy sinh không thuận lợi trong quan hệ Trung – Phi và do chính sách cạnh tranh của Mỹ, EU đối với châu lục này.
4.      Một vài nhận xét
Qua chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với châu Phi những năm đầu thế kỉ XXI có thể thấy:
Thứ nhất, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với châu Phi những năm đầu thế kỉ XXI là có mục tiêu, nguyên tắc cụ thể, rõ ràng, nhất quán và kiên định trong khuôn khổ chiến lược mới nhằm cũng cố vai trò thủ lĩnh và người thể hiện lợi ích của các nước đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thứ hai, Trung Quốc xác định châu Phi là một khu vực địa – chiến lược có ý nghĩa chính trị, kinh tế đặc biệt quan trọng. Mục tiêu kinh tế và chính trị luôn song hành, biện chứng, tác động lẫn nhau và hai mục tiêu này biểu hiện cụ thể ở từng giai đoạn nhất định có tác dụng to lớn cho một chính sách và chiến lược nhất quán và thống nhất về châu Phi của Trung Quốc.
Thứ ba, thực hiện chính sách đối với châu Phi, Trung Quốc sẽ phát huy ảnh hưởng nước lớn và nâng cao vị thế địa chính trị của mình nhằm đạt được tính đa trung tâm của trật tự thế giới. Đồng thời, những hoạt động kinh tế-chính trị đối ngoại của Trung Quốc mang ý nghĩa chiến lược, trở thành một nhân tố quan trọng của nền chính trị toàn cầu và nền kinh tế thế giới.
Thứ tư, chính sách châu Phi của Trung Quốc tuy đã được hoạch định cụ thể (năm 2006), nhưng cũng có sự điều chỉnh và thay đổi tùy vào bối cảnh quốc tế, khu vực cũng như mỗi nước.
Thứ năm, chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi có nhiều triển vọng, nhưng Trung Quốc cũng gặp rất nhiều thách thức cả hiện tại và trong tương lai bởi những nảy sinh không thuận lợi nằm ở chủ cả hai chủ thể (Trung Quốc và các nước châu Phi) và do chính sách cạnh tranh ngày càng tăng của các nước lớn.
Cuối cùng, chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi đã mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Tuy nhiên, việc mở rộng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với lục địa đen đã được nhiều nhà nghiên cứu và các nước phương Tây chỉ trích như là “chủ nghĩa thực dân mới”, “chủ nghĩa thực dân thế kỉ XXI”, ...nhằm thực hiện tham vọng nước lớn của Trung Quốc, theo chúng tôi điều này cần phải xem xét và kiểm chứng bằng thực tiễn trong tương lại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1.      Lê Văn Mỹ (Chủ biên, 2010), Ngoại giao cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1978 – 2008), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2.      Vũ Thị Thanh (2010), Quan hệ châu Phi – Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông, số 2.
3.      Đỗ Minh Cao (2009), Chương mới trong quan hệ Trung Quốc – Châu Phi, Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông, số 4.
4.      Đỗ Minh Cao (2007), Trung Quốc – châu Phi: đối tác chiến lược kiểu mới, Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông , số 1.
5.      Trần Thọ Quang (2009), Quan hệ chiến lược Trung Quốc – châu Phi nhìn từ khía cạnh kinh tế, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12.
6.      Hoàng Mai, Chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 27/4/2011
7.      Huỳnh Cao, Ngoại giao Trung Quốc sực mùi dầu hỏa, www.vnn.news.com, ngày 22/6/2006.
8.      Tài liệu tham khảo đặc biệt-TTXVN, năm 2006, 2009, 2010.
9.      China’s African Policy: www.fmprc.gov.cn, January 2006.


 ------------------------------------------

(*) Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo khoa học năm 2012 (dành cho Cao học và Nghiên cứu sinh), Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.




[1] Lê Văn Mỹ (Chủ biên, 2010), Ngoại giao cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1978 – 2008), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.341.
[2]  Thông tấn xã Việt Nam, Trung Quốc tăng cường phát triển quan hệ với châu Phi, TLTKĐB, ngày 15 tháng 2 năm 2006.
[3] China’s African Policy: www.fmprc.gov.cn, January 2006.
[4] Hoàng Mai, Chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 27/4/2011.
[5] Nguồn: Tổng hợp từ website Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi, www.fmprc.gov.cn.
[6] Huỳnh Cao, Ngoại giao Trung Quốc sặc mùi dầu hỏa, www.vnn.news.com, ngày 22/6/2006.