Bánh xe lịch sử
Rốt cuộc so với Nguyễn Trường Tộ, Ito
Hirobumi, nhà cách tân vĩ đại người Nhật, chủ trương hòa hoãn với phương
Tây để tiếp thu xây dựng mô hình Nhật Bản, may mắn hơn vì triều đình
Minh Trị lắng nghe lời khuyên của ông. Kể từ Nguyễn Trường Tộ, Việt Nam
đã đi một đoạn đường dài, với nhiều đau thương và chiến thắng, nhiều bài
học thành công và cả không ít sai lầm.
Bánh xe lịch sử chưa bao giờ ngừng
quay. Ở thời điểm hiện tại, sau những thành công nhất định, các nhà lãnh
đạo và người dân đang đứng trước thử thách lớn: đó là đòi hỏi phải có
sự kết hợp chất lượng cao giữa thúc đẩy tăng trưởng với bảo đảm công
bằng xã hội, giữa phát triển với bảo vệ môi trường, giữa ưu tiên kinh tế
với củng cố an ninh, chủ quyền, giữa thiện chí và kiên quyết, giữa quốc
gia và khu vực...
Từ năm 1986 đến nay, trên phương diện
kinh tế, Việt Nam đã hội nhập tương đối thành công. Nếu như toàn bộ thời
kỳ trước Đổi mới, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1 tỷ đôla Mỹ thì riêng
năm 2011, con số đã là 96,3 tỷ đôla, trong đó cơ cấu các mặt hàng công
nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất và có 5 nhóm mặt hàng (thủy sản, dầu thô,
giày dép, dệt và may mặc, điện thoại các loại và linh kiện) đạt trên 6
tỷ đôla Mỹ. Khác với các năm trước, năm 2011, thị trường lúa gạo đã đứng
hẳn về phía người nông dân, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Cách đây 20 năm, khó hình dung được
Việt Nam và Trung Quốc lại nhanh chóng trở thành đối tác thương mại với
kim ngạch 30 tỷ đôla. Việc cơ cấu mặt hàng và cán cân còn bất cập không
phải do trao đổi thương mại mà một phần do Việt Nam chưa đủ năng lực để
cải thiện và giải quyết vấn đề ngay. Bỏ qua những bỡ ngỡ ban đầu, sau
FTA, PNTR, kể từ năm 2011, Mỹ xếp Việt Nam vào nhóm thị trường kế cận
quan trọng nhất, với kim ngạch hai chiều năm 2011 tăng gấp 13 lần so với
năm 2001. Các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, ASEAN đã và đang đầu tư
vào Việt Nam với tổng số vốn hàng chục tỷ đôla trên nhiều lĩnh vực.
Từ hội nhập kinh tế
Hội nhập không chỉ giúp hợp lý hóa quá
trình phân bổ nguồn lực mà còn hạn chế nguy cơ tạo ra những chính sách
không ăn nhập và lỗi thời. Tuy vậy, trước hết cần khẳng định lợi ích về
thương mại bởi đây là cái được rõ nhất. Với những thành công ở trên,
Việt Nam cho thấy một ví dụ điển hình.
Các kinh tế gia cũng chứng minh kết
cục "lợi bất cấp hại" của chủ nghĩa bảo hộ trong dài hạn. Tuy việc làm
chậm lại quá trình hội nhập thương mại có thể cần thiết vì thương mại tự
do gây ảnh hưởng mạnh đến một số công ty, tập đoàn trong nước và thu
nhập của một số nhóm người, song làm chủ tiến trình hội nhập thương mại
mới quan trọng hơn vì nó giúp tránh liệu pháp sốc cho nền kinh tế và xã
hội. Khác với tài chính, có nhiều bằng chứng cho thấy thương mại tự do
đã giúp thúc đẩy tăng trưởng và thu nhập. Các quốc gia có đời sống cao
đều có nền thương mại phát triển. Nhìn tổng thể, sự bế tắc và khó khăn
trong tất cả các cuộc đàm phán thương mại khu vực hay toàn cầu chắc chắn
không phải do sự phản đối thương mại tự do, mà là do sự phức tạp của
việc khớp nối, điều hòa các lợi ích khác nhau của các quốc gia. Vòng đàm
phán Doha có thể minh chứng cho điều đó.
Nếu đơn thuần từ góc độ doanh nghiệp,
người ta sẽ nói cần có 7 lời khuyên hay mẹo để chọn đối tác và lĩnh vực
kinh doanh tốt. Ở tầm quốc gia, câu chuyện phức tạp hơn vì nó đòi hỏi sự
tổng hòa và đôi khi giải quyết đồng thời nhiều lợi ích khác nhau, thậm
chí mâu thuẫn nhau. Một ví dụ là trước khi có Cộng đồng Than thép, năm
1946, từ chỗ phản đối nước Anh gia nhập bất kỳ dạng thức nào của Cộng
đồng châu Âu, Winston Churchill đi đến đề xuất lập Hợp chủng quốc châu
Âu như một cấu trúc chung cho "gia đình châu Âu" với mục tiêu liên kết
toàn diện sau kết cục khủng khiếp của Chiến tranh thế giới. Một ví dụ
khác là khi người Mỹ nghiên cứu khả năng hội nhập của các ngân hàng châu
Âu, nơi được cho là có mức độ liên kết xuyên biên giới chặt chẽ nhất
thế giới, họ phát hiện thấy Deutsche Bank (Đức) hay ABN AMRO (Hà Lan) dù
tiềm lực mạnh nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình cạnh tranh ở
nước kia. Nguyên nhân chính là mặc dù nhiều rào cản đã được dỡ bỏ nhưng
vẫn còn những trở ngại khác về mặt văn hóa, tập quán kinh doanh, thói
quen tiêu dùng, tiết kiệm của nước sở tại. Như vậy, hội nhập kinh tế
muốn thành công cũng cần các tiến trình hội nhập khác hỗ trợ.
Đến hội nhập quốc tế
Từ hội nhập kinh tế, Việt Nam có lợi
ích và giá trị lớn trong việc chuyển sang hội nhập quốc tế, đồng thời có
thể tham gia đóng góp đa dạng vào công việc chung. Lợi ích đầu tiên và
quan trọng nhất của hội nhập là kết nối thị trường, cùng nhau giải quyết
tình trạng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Tuy nhiên để liên kết kinh tế
hiệu quả và bền vững hơn, tiến trình này cũng cần được kết hợp với các
lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng. Đồng thời,
hội nhập quốc tế có thể giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả hơn mục tiêu
bao trùm tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác và an ninh, thuận lợi cho
phát triển.
Cách tiếp cận lấy kinh tế làm xuất
phát điểm và trục quay, hay còn gọi là hội nhập sâu trước, rộng sau được
những người theo chủ thuyết Liên bang (trong hội nhập quốc tế) ủng hộ
vì hứa hẹn đem đến độ bền vững cao. Theo trình tự này, Việt Nam đã tích
cực tham gia vào các thể chế khu vực, đặc biệt là ASEAN, trên cơ sở hợp
tác kinh tế, hướng tới hội nhập chính trị và các lĩnh vực khác, xây dựng
cộng đồng và triển khai Hiến chương ASEAN.
Bên cạnh những cái được, như các quốc
gia khác, trong quá trình hội nhập sâu rộng, Việt Nam phải đối mặt với
thách thức nhượng bộ chủ quyền quốc gia. Thứ nhất, khi "đơn vị chính
trị" tăng về quy mô (quốc gia lên khu vực), các chủ thể quốc gia sẽ
không còn hoàn toàn được quyết định những vấn đề họ cho là có thể làm
tốt nhất (vì họ hiểu tình hình hơn). Thứ hai, các nước nhỏ luôn phải đề
phòng sự lấn lướt của nước lớn trong các thể chế. Thứ ba, các chủ thể
quốc tế, kể cả các công ty xuyên quốc gia và nhóm lợi ích, sẽ can thiệp
vào công việc nội bộ quốc gia. Trong khi đó, các xu thế khách quan bên
ngoài cũng tác động mạnh, thực tế là toàn cầu hóa và các quá trình dịch
chuyển xuyên biên giới đã làm xói mòn chủ quyền quốc gia.
Để phần nào hóa giải các thách thức
trên, ở cấp độ khu vực, ASEAN đã phải nỗ lực lớn để duy trì vai trò "chủ
đạo" và "trung tâm"trong các tiến trình hợp tác. Ở cấp độ quốc gia, như
thông điệp đầu năm 2012 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, trước tác
động của toàn cầu hóa, Nhà nước giờ đây cần điều chỉnh vai trò từ việc
can thiệp trực tiếp vào các quá trình kinh tế sang thực hiện chức năng
kiến tạo phát triển, phát huy "khả năng tự điều chỉnh của thị trường".
Thủ tướng cũng nêu "ba khâu đột phá" như những biện pháp thích ứng lớn.
Có như vậy thì vai trò của Nhà nước mới tăng lên nếu không muốn bị thách
thức. Như nhà ngoại giao Vũ Khoan từng nói, cái quan trọng không phải
vì mình xứng đáng với cái gì mà do khả năng thương lượng đến đâu.
Hơn nữa, do tác động nhiều chiều của
hội nhập quốc tế trong khi nguồn lực có hạn, việc xác định trọng tâm,
trọng điểm trở thành ưu tiên quan trọng. Như nước Nga từ thời Pierre Đại
đế đến Nicolai Đệ nhị do điều kiện đặc thù đã nhất quán xem mình như
một quốc gia thuần túy châu Âu và hội nhập thành công. Về trọng tâm địa
chiến lược, thực tiễn hội nhập cho thấy cho đến nay việc Việt Nam lấy
ASEAN làm xuất phát điểm chứng tỏ hoàn toàn hợp lý. Thành công của năm
Chủ tịch ASEAN 2010 thể hiện không chỉ ở các kết quả đạt được mà còn ở
sự phù hợp của diễn đàn lựa chọn để thúc đẩy các lợi ích quốc gia.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ tiếp tục
đi tới bản sắc ASEAN như thế nào? Việt Nam không thể là phiên bản thu
nhỏ của bất kỳ cường quốc hay nền văn hóa nào khác. Nhưng ASEAN có thành
bản sắc chung hay không lại tùy thuộc lớn vào quá trình xây dựng cộng
đồng bởi vì trước hết ASEAN gồm tập hợp các quốc gia, nền văn hóa đa
dạng. Sự thống nhất ASEAN hướng đến sẽ khó thành hiện thực nếu mỗi một
thành viên không vì mục tiêu chung, chưa kể những tác động từ bên ngoài.
Bởi vậy từ góc độ này, Việt Nam sẽ phải nhất quán thể hiện vai trò "chủ
động, tích cực và có trách nhiệm" như đã tuyên bố đối với Hiệp hội quan
trọng này.
Đồng thời, quá trình hội nhập trong
thế giới đa chiều, đa tầng nấc, đa tốc độ này cũng đòi hỏi Việt Nam tham
gia vào những tiến trình rộng lớn hơn như EAS, APEC, WTO... và những
tiến trình khác đa dạng nhưng mạnh bạo hơn như TPP, HĐBA, Hội đồng Nhân
quyền, Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc. Việt Nam không chỉ tôn
trọng mà còn tham gia thiết lập luật chơi, chẳng hạn như tham gia thúc
đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hay ký kết các công ước bảo
vệ quyền phụ nữ, trẻ em.
Mặt khác Việt Nam cũng đến sau trên
nhiều lĩnh vực và cuộc chơi khác, bởi vậy vấn đề là không né tránh quy
luật, không bỏ lỡ cơ hội.
Về tư duy tập hợp lực lượng, sẽ có
những đối tác cùng đi với Việt Nam trên con đường dài vì lợi ích tương
đồng lớn, gắn bó, ổn định hoặc có mức bổ sung lẫn nhau cao. Đó trước hết
là những nước láng giềng, khu vực, những nước lớn, trung tâm kinh tế
phát triển, các nền kinh tế mới nổi. Mặt khác, do năng lực và tính bổ
sung lẫn nhau không cao, có những người bạn tốt nhưng không thể đóng vai
đối tác tốt, hiệu quả và ngược lại.
Tầm nhìn chiến lược và dự báo
Nếu hội nhập kinh tế quốc tế là phiên
bản hội nhập 1.0 thì hội nhập quốc tế có nên là phiên bản 2.0 trở lên
thay vì 1.1 hay 1.2.1?. Hội nhập giờ đây thiên về chất nhiều hơn. Giá
trị gia tăng của Việt Nam là gì? Việt Nam đứng ở đâu trong chuỗi giá trị
và cung ứng toàn cầu? Thương hiệu quốc gia như thế nào? Việt Nam sẽ nằm
trong tốp của 10 nền kinh tế mới nổi có ảnh hưởng nhất thế giới trong
vòng 20-30 năm nữa. Với độ mở nền kinh tế cao như hiện nay (thương mại
gấp 1,5 lần GDP) và sự vận động đa chiều của địa chính trị khu vực, cuộc
chơi sẽ khác và nó thay đổi từng ngày.
Ai cũng nói cần có dự báo và một chiến
lược nhìn xa trông rộng càng đòi hỏi phải có dự báo đúng. Tuy nhiên,
quá trình dự liệu, bao gồm dự báo cũng như sự chủ động chuẩn bị cho các
tình huống, mới quan trọng hơn. Cũng là sự dự liệu, nếu hội nhập đúng
thì sẽ tránh tình huống chỉ phát triển được đến mức độ nhất định. Sự
không phát triển như mong muốn không phải do hội nhập mà là do hội nhập
không đầy đủ.
Hội nhập quốc tế chắc chắn sẽ đòi hỏi
sự tham gia tổng lực, chủ động của nhiều lĩnh vực, chủ thể, tiến trình,
với tốc độ khác nhau, nhưng phải phối hợp đồng bộ với nhau thông qua sự
điều phối của các cơ quan cấp quốc gia. Làm chủ quy luật thị trường, mài
sắc lợi thế cạnh tranh mọi mặt và hài hòa các lợi ích đa dạng đang ngày
càng trở nên thiết yếu đối với quá trình xây dựng sức mạnh tổng hợp
quốc gia cũng như sự ổn định chính trị trong giai đoạn tới.
Lê Đình Tĩnh (http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/1/B9EACD0C16B93E27/)
Kinh tế Việt Nam: Đã hoàn toàn hội nhập chưa?
Thế là nền kinh tế Việt Nam đã cầm "giấy chứng sinh" 5 năm gia nhập WTO - sân chơi của thế giới! "Em
bé 5 tuổi" đứng trước sân chơi nhiều "gió", nhiều "bão" từ các cuộc
khủng hoảng kinh tế dồn dập của khu vực cũng như toàn cầu. Tuy không
tránh khỏi "hắt hơi sổ mũi" nhưng vẫn đang ngày một lớn lên và trưởng
thành.
Sự ví von đó có thể là khập khiễng.
Bởi nhiều người sẽ "cãi" rằng hội nhập kinh tế của Việt Nam đâu phải mới
5 năm. Quả thực, nếu xét tỉ mỉ, hơn 25 năm đổi mới là hơn hai thập kỷ
"nền kinh tế Việt Nam đã "bươn chải" vất vả, vượt qua và trụ vững" như
cách nói của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Tuy vậy, ngay sau khi Việt
Nam chính thức đặt chân vào sân chơi bình đẳng WTO đầu năm 2007 đã khơi
dậy những kỳ vọng về một "nguồn sống mới".
Những bước đi đúng đắn
Chuyên gia khẳng định hội nhập kinh tế
của Việt Nam là tiến trình từng bước từ thấp đến cao diễn ra trên cả
phương diện đơn phương, song phương và đa phương, lồng ghép các phạm vi
tiểu vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu, diễn ra trên hầu hết các
lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ…
Dù không thể phủ nhận việc bước ra một
sân chơi lớn làm ta choáng ngợp, nhất là đối với nền kinh tế được ví
như một trẻ sơ sinh đã chuẩn bị tinh thần, quần áo, khăn mũ đầy đủ nhưng
cũng khó tránh khỏi thiếu sức đề kháng trước những "cơn bão lớn".
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009
là cơn ác mộng nằm ngoài mọi dự báo. Cuối năm 2007, kinh tế toàn cầu đã
biến động phức tạp, giá dầu tăng mạnh kỷ lục, có lúc tới 147 USD/thùng,
giá lương thực leo thang. Cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính Mỹ bùng
nổ kéo theo cả nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trầm trọng, hàng
loạt ngân hàng và tập đoàn phá sản. Giai đoạn 2010-2011, lại thêm một
"đáy" mới với những hệ lụy từ sự đổ vỡ tài chính ở châu Âu, Mỹ, sóng
thần ở Nhật Bản, khủng hoảng chính trị ở thế giới Ảrập...
Với những bước đi đầu tiên, so với
những trụ cột WTO như Mỹ thì những gì Việt Nam đã đạt được, từ việc xuất
khẩu tăng cao, thu hút FDI lớn, kiều hối "bội thu", tăng trưởng GDP vẫn
"dương cách biệt" trong suy thoái hay môi trường kinh doanh tăng 10 bậc
đúng là những kết quả đáng khích lệ.
Những nghiên cứu được Viện Nghiên cứu
Quản lý Kinh tế Trung ương công bố hồi tháng 4/2011 cho thấy, nếu không
có hội nhập kinh tế quốc tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua
khó đạt được như vậy. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định "những
thành tựu trên minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương cải cách và
hội nhập của chúng ta".
"Nóng" nhưng chưa bền
Hơn hai thập kỷ qua, hội nhập kinh tế
đã mang lại nhiều lợi ích. Nhưng hậu gia nhập WTO, nhiều người vẫn phân
vân với câu hỏi "Kinh tế Việt Nam đã hoàn toàn hội nhập hay chưa?". Ông
Klaus Rohland, Giám đốc WB tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam là ví dụ
điển hình về hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Tạp chí Economist hồi
tháng 7/2011 đã xếp Việt Nam vào một trong 7 nền kinh tế mới nổi, có
tăng trưởng "nóng" nhất thế giới. TS. Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu quản
lý Kinh tế Trung ương) từng đưa ra nhận xét rằng trong cái "nóng" đó có
nguyên nhân một phần từ việc "nền kinh tế trở nên mở hơn rất nhiều,
việc điều hành cũng khó hơn". Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho
rằng, nền kinh tế Việt Nam khá bị động trong sân chơi quốc tế bởi quá
trình chuẩn bị hội nhập chưa được quán triệt sâu rộng.
Thực tế, Việt Nam vẫn cần nhiều thứ
hơn nữa nếu muốn đạt tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới. Ông Vũ
Khoan nói rằng điểm yếu nhất của Việt Nam chính là cơ cấu kinh tế lạc
hậu, mô hình tăng trưởng thiên về chiều rộng hơn chiều sâu. Nông nghiệp
chỉ tăng trưởng về lượng, giá trị rất thấp... Công nghiệp cũng chỉ dựa
vào khai khoáng là chính, lại chỉ "chăm chăm" tận dụng nhân công giá rẻ,
nhưng hàm lượng chế biến thấp, chế tạo càng thấp.
Ngoài ra là các yếu tố nhập siêu tăng
mạnh tác động xấu tới cán cân thanh toán, lạm phát cao, giá cả các mặt
hàng cơ bản, lãi suất tín dụng và tỷ giá hối đoái liên tục biến động
xấu, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng lên..., gây bất ổn kinh tế vĩ
mô. Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tăng theo hướng nguồn vốn đổ
quá nhiều vào các dự án bất động sản và khai thác tài nguyên thiên
nhiên. Về GDP, tuy tốc độ tăng khá cao, nhưng tăng trưởng dựa chủ yếu
vào nhân tố vốn, và hiệu quả sử dụng vốn giảm mạnh. Cạnh tranh tăng lên
trên thị trường nội địa gây nhiều sức ép cho nông dân và doanh nghiệp
nhỏ cũng như một số ngành sản xuất và dịch vụ. Quan hệ thương mại với
một số đối tác bị mất cân đối nghiêm trọng, bất lợi cho nền kinh tế và
doanh nghiệp trong nước.
Theo TS. Võ Trí Thành, nếu không có
những cú sốc quá lớn từ bên ngoài thì có thể Việt Nam vẫn chưa nhận ra
được điểm yếu của chính mình. Tuy nhiên, kể từ sau Đại hội Đảng, sau
Nghị quyết 11 của Chính phủ và nhiều chính sách được đặt ra trong năm
2011 đã cho thấy một tín hiệu mới về cách điều hành kinh tế vĩ mô sẽ tốt
hơn, giữ được niềm tin của nhân dân vào quyết sách của Nhà nước.
2012 - Một năm đặc biệt
Giờ đây, những khó khăn, thách thức
đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam lớn và phức tạp hơn bao giờ
hết. Bước vào 2012, đa số cho rằng vẫn còn đó "vòng xoáy" của lạm phát
và bất ổn vĩ mô. Trong khi nguy cơ và khó khăn từ khối sản xuất kinh
doanh, từ thị trường tài chính - ngân hàng và bất động sản vẫn chưa hết
thì viễn cảnh kinh tế thế giới trong năm mới cũng không hề có lợi. Sự
suy giảm tăng trưởng của các thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Nhật; nguy
cơ về một cuộc chiến tranh tiền tệ cùng chiến tranh thương mại... chắc
chắn sẽ có những tác động mạnh.
Nhưng là hai mặt của một vấn đề, thách
thức bao giờ cũng đi kèm cơ hội. Theo đánh giá của PGS.TS. Trần Đình
Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam): "Năm 2012 là năm đặc biệt. Vì
bên cạnh những khó khăn, đây cũng là năm nền kinh tế phải tạo bước
ngoặt để xoay chuyển tình hình nhằm khôi phục, thúc đẩy kinh tế phát
triển mạnh mẽ, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững hơn".
2012 là năm thực sự tái cấu trúc nền
kinh tế với các chính sách và hành động chiến lược để thay đổi mô hình
tăng trưởng. Đây cũng là một trong những thách thức/cơ hội để Việt Nam
tiếp tục bứt phá mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng hơn. Ngoài việc tìm và nắm
bắt cơ hội, nhiệm vụ cần được "lên dây cót" là tiếp tục tìm ra nhiều
giải pháp hơn nữa để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Hòa Bình
|
Đại sứ Việt Nam tại UNESCO Dương Văn Quảng: Hội nhập văn hóa phải có CHO và NHẬN
Trong bối cảnh hội nhập
quốc tế toàn diện, đặc biệt là với hội nhập văn hóa, chúng ta phải lựa
chọn xem nên tiếp thu cái gì về từ văn hóa nước ngoài, đồng thời xác
định nên đem cái gì của văn hóa Việt Nam ra để đóng góp, chia sẻ với thế
giới. Trong hành trình hội nhập, việc tiếp thu văn hóa ngoại lai đồng
nghĩa với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Có người nói đến khái niệm công nghiệp
văn hóa. Theo nghĩa rộng là chúng ta phải xác định được những sản phẩm,
tinh hoa văn hóa để đem ra chia sẻ với nhân loại. Riêng trong lĩnh vực
văn hóa, phải xác định đóng góp cái gì.
Xin nêu ví dụ, cách đây 40 năm, chắc
không ai nói đến văn hóa Hàn Quốc. Nhưng kể từ khi nước này bắt đầu
quảng bá khẩu hiệu "Hàn Quốc năng động", quyết định đưa ngành giải trí
thành công nghiệp xuất khẩu, thì tại châu Á, mọi người bắt đầu chú ý đến
Hàn Quốc. Bằng thời trang, âm nhạc, điện ảnh, ẩm thực..., văn hoá Hàn
Quốc có sức lan toả lớn như một "làn sóng mạnh" đổ bộ và xâm chiếm, ảnh
hưởng rất lớn đến các nền văn hóa khác của châu Á, nhất là khu vực Đông Á
và Đông Nam Á.
Bây giờ chúng ta cũng phải nghiên cứu
điều này. Chẳng hạn quan họ, Ca trù Việt Nam đã được công nhận là di sản
phi vật thể. Vậy ta có làm được sản phẩm văn hóa không? Có làm cho cho
thế giới hiểu rõ hơn 2 di sản này qua các sản phẩm văn hóa của thế kỷ 21
không? Tôi có gợi ý là, khi làm một bộ phim trong đó thể hiện điệu hát
Quan họ hay Ca trù, thì đó phải là phim đương đại. Tức là sản phẩm văn
hóa vừa thể hiện được bản sắc dân tộc vừa phải đáp ứng xu thế hưởng thụ
của thế giới hiện nay.
Điều quan trọng nữa là chúng ta phải
xã hội hóa vấn đề hội nhập văn hóa. Bởi Nhà nước không thể đảm đương hết
tất cả mọi việc. Muốn sản xuất một bộ phim hay, có thể một hãng phim
Nhà nước sản xuất ra, nhưng cũng không loại bỏ một cá nhân nào đó nếu họ
làm được, miễn là nó thể hiện đúng bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nói đến văn hóa, nhiều người nghĩ đó
là vấn đề nhạy cảm, nhưng nhìn lại lịch sử các dân tộc, trong đó có dân
tộc Việt Nam, thì văn hóa hội nhập sớm nhất. Cho nên, hội nhập văn hóa
không phải là cái mới, mà nó đã tồn tại hàng nghìn năm nay rồi.
Tuy nhiên, để tránh cái đơn nhất, thì
phải đa dạng, mà muốn đa dạng thì phải chấp nhận, tiếp thu ảnh hưởng,
tinh hoa từ nhiều nền văn hóa khác nhau, kể cả ngôn ngữ. Câu chuyện hội
nhập văn hóa phải có đa dạng, có cho và nhận. Đa dạng là điều chúng ta
nói nhiều, nhưng chưa xác định được nội hàm, nên dễ rơi vào đơn nhất về
ngôn ngữ, đơn nhất về văn hóa.
Nếu hỏi đâu là văn hóa Việt Nam, chúng
ta có thể trả lời đó là các điệu múa hát truyền thống. Điều đó không có
gì sai. Nhưng để thế giới hiện đại tiếp thu, hưởng thụ được thì phải
qua sản phẩm cụ thể. Chúng ta không nên "ngại" khi nói đến "hưởng thụ"
(consumption), vì thực ra văn hóa cũng giống như các sản phẩm khác, có
ba quá trình trong một chu kỳ: sáng tạo, sản xuất và hưởng thụ. Có thể
nói văn hóa là một sản phẩm, nhưng là sản phẩm đặc biệt. Và đã là sản
phẩm thì chắc chắn phải sản xuất nhân rộng, bán và tiêu thụ hay hưởng
thụ. Nếu khéo thì có thể thu lợi nhuận từ các sản phẩm văn hóa.
My Khôi (ghi)
|
10 sự kiện Ngoại giao Văn hóa nổi bật năm 2011
1. Lần đầu tiên Ngoại giao văn hóa được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng
Tại trang 139, mục 12 của Văn kiện Đại
hội Đảng XI có đoạn: "…Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại
giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với
ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa đối ngoại với quốc phòng,
an ninh…".
2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020
Ngày 14/2/2011, Thủ tướng Chính phủ ký
Quyết định ban hành Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020, góp
phần hoàn thiện chính sách về ngoại giao văn hóa, tạo cơ sở và các điều
kiện thuận lợi cho quá trình triển khai các hoạt động văn hóa. Chiến
lược xác định rõ những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát
triển Ngoại giao văn hóa thành một trụ cột của nền Ngoại giao toàn diện,
hiện đại Việt Nam, đưa nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào hệ thống
quốc tế.
3. Dựng tượng và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án
"Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam,
Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài" nhằm tôn vinh hình ảnh Bác Hồ và
qua đó quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đấu
tranh cho độc lập dân tộc và tích cực hội nhập quốc tế, trong năm 2011
đã tiến hành dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Singapore và
Philippines; đồng thời đã khảo sát một số địa bàn để triển khai dựng
tượng, bia tưởng niệm và xây dựng Khu Di tích Bác Hồ tại Argentina và
tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan.
4. Thành nhà Hồ trở thành Di
sản Văn hóa thế giới (tháng 6/2011), đưa tổng số Di sản văn hóa thế giới
của Việt Nam lên thành 05 Di sản.
5. Hát Xoan trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đưa tổng số Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam lên thành 06 Di sản.
6. "82 Bia Tiến sĩ Văn Miếu
Quốc Tử Giám các khoa thi thời Lê - Mạc" đạt danh hiệu Di sản Tư liệu
thuộc Chương trình Ký ức thế giới cấp quốc tế, đưa tổng số Di sản thuộc mục này lên 02 Di sản.
7. Hỗ trợ các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Đã có nhiều hoạt động ngoại giao văn
hóa được tổ chức thành công như: Lễ hội châu Á do Việt Nam chủ trì tại
Bỉ; Tháng Việt Nam tại Pháp; Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản…
8. Tổ chức các hoạt động kỷ
niệm 100 năm ngày Bác Hồ đến nước Pháp và 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Pháp
với tư cách Nguyên thủ Quốc gia.
Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các
Bộ, ngành và các đơn vị liên quan hỗ trợ Hội người Việt Nam tại Pháp tổ
chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đến nước Pháp
(1911-2011) và 65 năm Bác Hồ thăm Pháp với tư cách Nguyên thủ Quốc gia
(1946-2011) bao gồm các hoạt động Triển lãm và Hội thảo về Bác tại Pháp.
9. Hỗ trợ các địa phương tổ chức các Lễ hội văn hóa có yếu tố quốc tế.
NGVH đã hỗ trợ địa phương quảng bá lễ
hội, di sản, danh lam thắng cảnh, thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại,
phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
10. Lần đầu tiên tổ chức Lợp
tập huấn về Ngoại giao Văn hóa cho Lãnh đạo, cán bộ của ban Đảng, các
sở, ban, ngành, các huyện, thị và doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc (tháng
10/2011) và đồng loạt triển khai bồi dưỡng kiến thức NGVH trong khuôn khổ các lớp bồi dưỡng về kiến thức đối ngoại cho các địa phương.
(Theo Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO)
|
|