Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

36. Châu Á - TBD mua một nửa vũ khí thế giới


“Vua bầu trời” F-35 thu hút sự quan tâm tại Triển lãm Hàng không Singapore 2012.
TGVN-Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) vừa công bố, châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 44% tổng lượng nhập khẩu vũ khí thông thường của thế giới trong giai đoạn 5 năm từ 2007 đến 2011.

Cứ nhìn Triển lãm Hàng không Singapore vừa mới diễn ra, là phần nào có thể thấy sự quan tâm mua sắm máy bay chiến đấu hiện đại của các quốc gia châu Á. Theo Reuters, ở khắp nơi có thể nhìn thấy các nhà sản xuất vũ khí vồn vã mời chào các khách hàng tiềm năng đang bất chấp không khí oi bức, chăm chú tham quan những loại máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay vận tải tiên tiến. Các nhà quan sát quốc phòng phát hiện, sự quan tâm của người mua đang chuyển từ vũ khí trên bộ như xe tăng, súng, pháo chuyển sang máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra trên biển, radar…
“Sức nóng" từ các con số thống kê
Đi sâu hơn, dựa vào thực tế mua bán các loại vũ khí thông thường chủ yếu như máy bay chiến đấu, xe bọc thép, pháo, thiết bị cảm biến, tên lửa, tàu chiến, hệ thống tên lửa phòng thủ (không bao gồm vũ khí hạng nhẹ như xe tải, súng hạng nhẹ, đạn dược), ngày 19/3/2012, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Thụy Điển (SIPRI) đã công bố một báo cáo về tình hình mua bán vũ khí trên thế giới trong 5 năm 2007-2011.
Theo báo cáo này, châu Á - Thái Bình Dương vượt các khu vực khác trong lĩnh vực nhập khẩu vũ khí. Cụ thể, trong giai đoạn 2007-2011, châu Á - Thái Bình Dương chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu vũ khí thông thường của thế giới, trong khi Châu Âu chiếm 19%, Trung Đông (17%), Bắc và Nam Mỹ (11%) và Châu Phi (9%). Đặc biệt, chỉ riêng 5 nước mua vũ khí nhiều nhất châu Á đã chiếm tới 30% tổng lượng vũ khí nhập khẩu trên thế giới, trong đó Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất với 10% tổng lượng vũ khí, tiếp theo là Hàn Quốc (6%), Trung Quốc và Pakistan (đều 5%) và Singapore (4%).
Với 10% tổng lượng nhập khẩu vũ khí thông thường của thế giới, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất hành tinh. Năm 2011, theo SIPRI, chi phí mua vũ khí của Ấn Độ đã tăng 38% và dự thảo ngân sách năm tài chính 2012-2013, Ấn Độ còn gia tăng hơn nữa phần chi phí cho quốc phòng lên 17%. Theo đó, trong 15 năm tới, Ấn Độ sẽ chi hơn 100 tỷ USD để mua vũ khí mới. Hiện 80% vũ khí của Ấn Độ nhập khẩu từ Nga.
Từng là quốc gia nhập nhiều vũ khí nhất thế giới giai đoạn 2002-2006, theo SIPRI, nay Trung Quốc vừa là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, vừa là nước xuất khẩu vũ khí thứ 6 trên thế giới sau Hoa Kỳ, Nga, Đức, Pháp và Anh. Nhóm 5 nước này chiếm tới 75% tổng khối lượng vũ khí bán ra trên thế giới. Trung Quốc đang thực hiện chiến lược tự phát triển công nghiệp vũ khí để giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngoài.
Xếp đồng hạng với Trung Quốc trong nhóm nước nhập vũ khí nhiều nhất thế giới, trong 5 năm 2007-2011, Pakistan đã mua 50 máy bay JF-17 của Trung Quốc, 30 máy bay F-16 của Mỹ và đang chuẩn bị mua thêm nhiều xe tăng. Pakistan là bạn hàng nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Trung Quốc và 78% vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc dành cho thị trường Pakistan.
Tại châu Á, Đông Nam Á cũng đóng một vai trò quan trọng. Tính gộp cả hai giai đoạn 2002-2006 và 2007-2011, nhập khẩu vũ khí của khu vực này bình quân tăng tới 185%, mức cao nhất kể từ sau chiến tranh Việt Nam (1975). Trong đó, khối lượng vũ khí mà Malaysia và Singapore mua tăng gần 300%, Indonesia 144% và Việt Nam 80%.
Trong khi đó, ở châu Âu, Hy Lạp là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất dù tỉ lệ nhập giảm 18% so với 5 năm trước. Hiện Hy Lạp đứng thứ 10 thế giới về nhập khẩu vũ khí so với vị trí thứ 4 vào thời điểm 2002-2006.
Tại châu Mỹ, nước đứng đầu nhập khẩu vũ khí là Venezuela, tăng 555% trong 5 năm 2007-2011, bước từ vị trí nhập khẩu thứ 46 lên thứ 15 thế giới.
Các nước Bắc Phi nhập khẩu bình quân tăng 273%. Trong 5 năm 2007-2011, Syria đã tăng 580% vũ khí nhập khẩu, từ vị trí 58 vào thời điểm 2002-2006 vọt lên vị trí 33 về nhập khẩu vũ khí. SIPRI dự báo sắp tới Libya sẽ nhập khẩu nhiều vũ khí vì lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya đã được hủy bỏ.
Vẫn còn sớm để nói đến chạy đua vũ trang
Mặc dù chi tiêu quân sự của các nước tăng mạnh, nhưng cũng có phân tích cho rằng, lấy điều này định tính thành chạy đua vũ trang là vẫn còn sớm. SIPRI nhận định, không phải tất cả các vũ khí trong kho của bất cứ quốc gia nào đều chắc chắn sẽ tham gia trong chiến đấu thực tế.
Một lý do nữa, theo SIPRI, lượng nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giai đoạn 2007-2011 có giảm đi, song theo SIPRI, điều này không có nghĩa rằng Trung Quốc đã vũ trang ít hơn các nước khác. Rồi theo dự báo của Tập đoàn Phân tích Tình báo An ninh và Quốc phòng IHS Jane (Mỹ), trong 3 năm tới, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng từ 119,8 tỷ USD năm 2011 lên 238,2 tỷ USD, mỗi năm tăng 18,75%. Tuy nhiên, con số này vẫn thua xa so với ngân sách quốc phòng năm 2013 của Mỹ (525,4 tỷ USD).
Chưa kể, theo ông Andrew Davis, người phụ trách chương trình của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia, các nước châu Á mong muốn mua sắm hệ thống vũ khí tiên tiến, không chỉ để đáp ứng nhu cầu thực tế, mà còn có yếu tố thể diện. Ông Andrew Davis cho rằng: "Các nước ở khu vực này ngày càng thịnh vượng, có nhiều tiền hơn dùng cho quốc phòng, quan niệm định hướng cũng đang thay đổi".
Không phải ngẫu nhiên mà cả hai hãng Boeing và Lockheed Martin của Mỹ đều "kín đơn đặt hàng". Hàng hóa mà hai hãng này cung cấp toàn loại vũ khí hiện đại và phong phú về chủng loại, từ máy bay, tàu ngầm cho đến radar, tàu hộ tống, vệ tinh và thiết bị điện tử hàng không. Trong đó, hai loại máy bay chính F-35 của Hãng Lockheed Martin và F/A-18 của Boeing chỉ riêng đơn giá đã lên tới 9 con số. Hãng Lockheed Martin còn chào bán với các nước châu Á hệ thống phòng không Aegis trang bị cho tàu chiến, sonar và thiết bị liên lạc vệ tinh. Hãng Boeing thì có kế hoạch bán máy bay trực thăng vũ trang AH-64 và máy bay tuần tra trên biển P-8, số lượng của máy bay tuần tra trên biển có triển vọng vượt 100 chiếc trong 3-5 năm tới…
Theo nhà phân tích Andrew Davis, sức hút của máy bay có tính năng cao và vũ khí trên biển ngày càng lớn, "mặc dù tìm không được mối đe dọa thông thường, họ cũng muốn mua vũ khí tiên tiến. Nói chung, có được một lực lượng với trang bị hoàn hảo được coi là tiêu chí của một nước thành công".
Hoàng Minh
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/HoSo/2012/4/409FBAF0555E1887/