Minh bạch, dân chủ, nhưng không bất ngờ
Rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử Duma
tháng 12/2011 và do tính chất phức tạp của cuộc bầu cử tổng thống lần
này nên Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga đã áp dụng nhiều biện pháp mới để
tránh sai sót và đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra công khai, minh bạch
như sử dụng hòm phiếu trong suốt, lắp đặt hệ thống camera tại tất cả các
điểm bỏ phiếu… Theo dõi, giám sát cuộc bầu cử này, có 700 quan sát viên
quốc tế và hàng trăm nghìn quan sát viên độc lập tới từ các chính đảng,
phong trào và các tổ chức xã hội Nga. Đây là cuộc bầu cử có số lượng
quan sát viên chính thức và độc lập đông kỷ lục trong lịch sử nước Nga
hiện đại. An ninh cũng được tăng cường đặc biệt: 380.000 cảnh sát,
30.000 cảnh sát tình nguyện đã được huy động để đảm bảo an ninh cho cuộc
bầu cử này. Tất cả các biện pháp này đã đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra
an toàn, minh bạch và dân chủ.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ do Ủy
ban Bầu cử Trung ương Nga công bố, ông Putin giành được hơn 64% số phiếu
ủng hộ. Thắng lợi này không nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích và
giới truyền thông. Có được thắng lợi này là nhờ ông Putin có cương lĩnh
hành động rõ ràng, mạch lạc, hướng tới những tầng lớp chiếm số đông
trong xã hội, nhằm đúng vào những vấn đề cấp bách của nước Nga hiện nay
và vạch ra con đường phát triển cho đất nước trong tương lai. Lần này
ông Putin đã chọn cách giao tiếp không mấy khi ông sử dụng, đó là viết
báo. Đều đặn cứ mỗi tuần ông đăng một bài báo để chương trình tranh cử
của ông có thể đến được với đông đảo người dân Nga. Thế nhưng, thực chất
những thành tựu của nước Nga trong hai nhiệm kỳ tổng thống và một nhiệm
kỳ thủ tướng vừa qua mới chính là những nền tảng vững chắc cho vị thế
của ông mà không ai trong những ứng cử viên còn lại có được.
Trong thời gian nước rút, các ứng cử
viên khác gồm tỷ phú Mikhail Prokhorov, nhà dân túy thuộc đảng Dân chủ
Tự do Vladimir Zhirinovsky, ứng viên của đảng Cộng sản Nga Gennady
Zyuganov và ứng viên Sergey Mironov của đảng Nước Nga Công bằng cũng có
nhiều hoạt động tranh cử sôi nổi để thu hút cử tri nhưng những bài phát
biểu của họ được giới phân tích đánh giá là không có chương trình hành
động rõ ràng chưa xứng tầm của một vị nguyên thủ của một cường quốc như
nước Nga. Các ứng cử viên này hầu như không có chương trình hành động
của riêng mình mà chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu hoặc những lời hứa khó có
khả năng thành hiện thực như sẽ tăng lương gấp 3-5 lần cho giáo viên.
Vốn chính trị dày dặn
Cuộc bầu cử lần này là thước đo sự
đánh giá của cử tri đối với những gì mà ông Putin làm được trong hơn 12
năm qua, từ khi tên tuổi của ông lần đầu tiên vụt sáng trên chính trường
Nga. Ngày 9/8/1999, khi ông Boris Yelsin bổ nhiệm một nhà hoạt động
tình báo chẳng mấy tiếng tăm làm thủ tướng, không ai ngờ rằng đó chính
là người sẽ định đoạt vận mệnh của nước Nga thời hậu Xô Viết. Vladimir
Putin lên nắm quyền vào thời kỳ rối ren chính trị khi liên bang Nga đang
gặp nhiều khó khăn với chồng chất nợ nước ngoài, nền kinh tế trì trệ,
đời sống người dân khó khăn và tiếng nói của nước Nga bị lấn lướt trên
trường quốc tế. Trong bối cảnh khó khăn của nước Nga lúc đó, ông Putin
đã có những đóng góp mang tính quyết định vào lịch sử nước Nga. Chính
trị gia kỳ cựu này đã vô hiệu hóa những trùm tài phiệt một thời, phát
động cuộc chiến của nước Nga nhằm tiêu diệt các phiến quân ly khai
Chechnya, tạo ra sự bùng nổ kinh tế và mang lại sự hùng mạnh một thời
cho đất nước.
Mười hai năm qua là cả một quãng đường
bước ngoặt lịch sử của nước Nga. Nước Nga của năm 2012 khác hẳn so với
nước Nga của năm 2000. Những cải cách của ông Putin sau thời của Tổng
thống Yelsin đã mang lại những khuynh hướng mới. Kinh tế tăng trưởng
cao, ngay cả khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 tác động tới tất cả
các nước, kể cả Mỹ, thì nước Nga không những tránh được suy thoái mà nền
kinh tế còn tăng trưởng tốt. Ông Putin được các chính khách theo chủ
nghĩa dân tộc ca ngợi là đã khôi phục được lòng tự trọng dân tộc của
nước Nga. Nhưng việc theo đuổi một đường lối được gọi là "dân chủ chủ
quyền" chính xác hơn là "dân chủ có kiểm soát", với quyền lực tập trung
chủ yếu vào điện Kremlin không phải lúc nào cũng được lòng tất cả mọi
người. Ông nhiều lần phát biểu thẳng thừng rằng nước Nga cần phát triển
ổn định và thịnh vượng hơn là dân chủ và dân chủ sẽ phải thích ứng với
các tiêu chuẩn của Nga. Sự thẳng thắn đó là để trả lời cho những chỉ
trích của phương Tây về vấn đề dân chủ của Nga.
Thách thức phía trước
Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 diễn
ra trong bối cảnh nước Nga tuy không lâm vào khủng hoảng tài chính năm
2008 và khủng hoảng nợ công như các nước châu Âu khác nhưng cũng bị tác
động nghiêm trọng. Nền kinh tế Nga lâu nay vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu
năng lượng và nguyên liệu thô đã bị thu hẹp thị trường bởi tình trạng
đình đốn tại các đầu tàu kinh tế thế giới. Tăng trưởng GDP từ mức 6 - 7%
vào giữa những năm 2000 nay đã hạ xuống còn hơn 4%, một tốc độ tăng
trưởng chưa đủ để đem lại nguồn lực tài chính cho các kế hoạch của Chính
phủ nhằm đầu tư trở lại nền kinh tế và thực hiện cải cách các chương
trình xã hội nhằm nâng cao mức sống của những người dân phụ thuộc vào
ngân sách nhà nước như công chức, người dân ở những vùng nông thôn và
những vùng xa trung ương. Những vấn đề của nước Nga hiện nay còn là tệ
tham nhũng, hệ thống tòa án và cảnh sát không hiệu quả, môi trường đầu
tư chưa thuận lợi.
Hơn một thập kỷ ổn định chính trị đã
mang lại cho nước Nga nhiều thành quả: một nền kinh tế tăng trưởng nhanh
và gần như miễn dịch trước các cuộc khủng hoảng của thế giới, nhờ đó mà
các lĩnh vực xã hội cũng đã được cải thiện, cuộc sống của người dân
được nâng cao nhưng thời gian này lại đang chứng kiến một tiến trình
thay đổi căn bản trong xã hội Nga, đó là một nền chính trị phức tạp hơn,
một xã hội phân hóa rõ nét hơn và một nền kinh tế đòi hỏi phải cải cách
mạnh mẽ hơn. Trong hơn mười năm qua, sự phát triển về chính trị của Nga
đã diễn ra rất nhanh, nó dẫn đến sự phân hóa trong xã hội Nga, những
nhóm xã hội khác nhau tất yếu sẽ có những sự kỳ vọng khác nhau, thậm chí
là đối lập nhau đối với chính quyền và nền chính trị. Nếu như năm 2001,
xã hội của nước Nga có thể gọi là xã hội của những người khốn cùng thì
hôm nay đã xuất hiện tầng lớp trung lưu, họ nổi lên nhanh chóng trong xã
hội. Ở Nga bây giờ có các triệu phú, tỷ phú, nhưng cũng có rất nhiều
người mà mức lương chỉ khoảng 20.000 - 30.000 rúp hàng tháng, chỉ đủ
nuôi sống gia đình. Khoảng cách giàu nghèo được nới rộng. Thực trạng này
đang tạo nên những đợt sóng ngầm và tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ xã
hội Nga.
Thay đổi chính sách?
Một lần nữa, ông Putin bước vào điện
Kremlin với tư cách là người chiến thắng, nhưng không như hơn 10 năm
trước, lần này người dân Nga mong chờ nhiều hơn vào sự thay đổi để nước
Nga tiếp tục tiến lên. Vấn đề của ông Putin là phải làm gì sau khi giành
được thắng lợi và ông sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga như thế nào, với
nhiều kỳ vọng thay đổi của người dân trong một nước Nga đang biến đổi
sâu sắc. Những ưu sách của tầng lớp trung lưu nước Nga trước thềm cuộc
bầu cử này đã nói lên yêu cầu cải cách dân chủ nhưng theo ứng cử viên
Putin, một nền dân chủ thực sự không dễ dàng tạo dựng ngay lập tức và
cũng không thể được sao chép từ mô hình của nước ngoài. Vậy kịch bản
chính trị của nước Nga tới đây ra sao sẽ phụ thuộc vào cách giải quyết
những thách thức như hiện đại hóa nền kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ
đích thực và xóa bỏ triệt để nạn tham nhũng.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống
Putin tuyên bố ông coi mục tiêu chủ yếu sắp tới là hiện đại hoá đất nước
và đưa Liên bang Nga phát triển ổn định lên một trình độ mới về chất.
Đồng thời, ông Putin cũng nêu ra tám hướng ưu tiên trong hoạt động sắp
tới của mình là hiện đại hóa nền kinh tế, cuộc chiến chống đói nghèo,
diệt trừ tham nhũng, củng cố hệ thống tòa án và hệ thống chính trị, duy
trì hòa hợp dân tộc, an ninh trong nước và chính sách đối ngoại độc lập.
Ưu tiên đối nội hàng đầu của Tân Tổng
thống Nga là thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo tiền đề để theo đuổi các
cải cách xã hội và bộ máy chính quyền. Ông đề ra nhiệm vụ trong thời
gian trước mắt tăng tốc độ phát triển kinh tế lên 6 - 7% một năm. Ông
Putin nói: "Trong 5 năm tới nước Nga phải nằm trong 5 nền kinh tế lớn
nhất thế giới". Ngoài ra, theo ông Putin, thuế cho những công dân sung
túc phải cao hơn thuế của những người trung lưu, trước hết là do thuế
đánh vào tiêu dùng, bất động sản và tài sản. Tuy nhiên, chính quyền sẽ
không bãi bỏ thuế thu nhập 13% và không lập hệ thống thuế lũy tiến. Bên
cạnh đó, ông Putin hứa sẽ ban hành định mức xã hội cho việc sử dụng dịch
vụ nhà ở công cộng, trong định mức này việc tăng giá sẽ bị hạn chế theo
lạm phát.
Trong bài viết mới nhất trước thềm bầu
cử Tổng thống với tiêu đề "Nga và thế giới đang thay đổi", ông Putin đã
hé lộ chính sách đối ngoại tương lai của Nga khi ông đắc cử Tổng thống,
trong đó chỉ ra rằng đường lối và quan điểm đối ngoại của một Putin
phiên bản hai không khác gì so với Putin phiên bản một. Ông Putin hứa
hẹn chính sách đối ngoại của nước Nga sẽ xuất phát từ "những mục tiêu
chung của toàn cầu và lợi ích riêng của Nga chứ không phải là những
quyết sách được đưa ra bởi lời kêu gọi của bất cứ ai". Chính sách đối
ngoại tương lai của Nga sẽ phản ánh "vị thế độc nhất của Nga trên bản đồ
chính trị thế giới". Ngoài ra, ông Putin mạnh mẽ cáo buộc: "Sự can
thiệp của Mỹ và NATO vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền
là căn nguyên, gốc rễ của mọi tội ác". Lập trường của Nga về Syria, hệ
thống tên lửa Mỹ ở Đông Âu và chương trình hạt nhân Iran - vẫn cứng rắn
và không có gì thay đổi.
Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang
tăng cường ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương, với sự cọ xát chiến
lược ngày càng cao thì nước Nga dưới thời tân Tổng thống Putin sẽ không
thể lãng quên khu vực chiến lược này. Do tổng thể kinh tế Nga phát triển
và đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu khai thác phát triển ở Viễn Đông và
Xibêri, nên Nga đã và sẽ tăng cường tiến trình nhất thể hóa kinh tế với
khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại Hội nghị đại biểu thường trực của
các tổ chức quốc tế và đại sứ ngoại giao tại Nga tháng 7/2010, Tổng
thống Medvedev đã từng nhấn mạnh việc lợi dụng tiềm lực của khu vực châu
Á - Thái Bình Dương để cải thiện nền kinh tế Nga là nhiệm vụ đặc biệt
quan trọng. Đây là khu vực có ý nghĩa chiến lược đối với Nga, có lợi cho
hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế ở khu vực Viễn Đông và Xibêri.
Sự trở lại lần này của tân Tổng thống
Putin diễn ra trong bối cảnh nước Nga đã có nhiều thay đổi, với kỳ vọng
và áp lực nhiều hơn từ các cử tri. Vận mệnh của nước Nga sắp tới sẽ phụ
thuộc nhiều vào cách giải quyết những thách thức đối nội và đối ngoại
hiện tại của ông Putin, nhà lãnh đạo có vốn chính trị dày dặn và đường
lối đối ngoại kiên định và độc lập.
Khai Tâm (http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/3/992C559CE19DE9E2/)
|