Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

38. Nam Sudan hậu độc lập: cơ hội và thách thức






Sự ra đời của nhà nước Nam Sudan, nhà nước thứ 55 ở châu Phi không chỉ là một sự kiện lịch sử bước ngoặt đối với riêng quốc gia này mà còn mang một ý nghĩa chính trị to lớn đối với khu vực châu Phi và thế giới. Sự kiện ấy không chỉ đơn thuần là sự thay đổi trong ranh giới địa lý của một quốc gia vốn bị chia cắt suốt một thời gian dài, mà nó còn đánh dấu sự kết thúc một kỷ nguyên lịch sử chính trị ở Sudan. Nó sẽ dẫn đến những thay đổi lâu dài về địa chính trị khu vực và làm xuất hiện những sự cân bằng chiến lược mới ở châu Phi. 
Xung đột giữa hai phe
Nhà nước Nam Sudan có diện tích 640.000 km² (¼ lãnh thổ của Sudan) và dân số khoảng 8 triệu người (1/5 tổng dân số của Sudan, khi Nam Sudan chưa tuyên bố độc lập). Sự độc lập của nhà nước này đã chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt hai thế kỷ trong lịch sử hiện đại Sudan kể từ khi đất nước này hình thành từ vương quốc Kush và bị Ai Cập xâm lược vào năm 1821 dưới thời Mohammed Ali Pasha.
Sau khi giành được độc lập vào năm 1956, chính quyền ở miền bắc Sudan được thừa hưởng toàn bộ những vùng đất có lợi thế địa chính trị do Anh – Ai Cập để lại. Nửa thế kỉ tiếp theo, chính quyền các bang đã sai lầm trong việc xây dựng một dự án quốc gia mang tính tập thể nhằm chuyển những lợi thế địa chính trị có từ thời thuộc địa thành lợi thế của một dân tộc thống nhất và đồng nhất.
Sự chia rẽ của Sudan bắt đầu từ khi nhà nước Nam Sudan tuyên bố độc lập, báo hiệu nhà nước Sudan cũ kết thúc và hình thành nhà nước Sudan mới, theo cách nói của Tổ chức Phong trào giải phóng dân tộc Sudan (SPLM), bao trùm trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, dự án quốc gia, tạo nên một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của toàn dân tộc Sudan.
Đây thực sự là một chiến thắng không thể phủ nhận của SPLM do John Garang sáng lập. Ông đã xây dựng tổ chức này thành một tổ chức đại diện chính thức cho những người miền Nam Sudan. Cũng chính nhờ đạt được kết quả trong cuộc đấu tranh đã kéo dài gần nửa thế kỉ đó mà SPLM đã đem lại cho mình một vị thế chính trị ngang bằng với chính quyền miền Bắc. Chiến thắng ấy có được cũng một phần do sai lầm của giới cầm quyền miền Bắc trong việc đưa ra những chính sách thiển cận. Nó thể hiện sự nhận thức thiếu tầm nhìn chiến lược quốc gia về các vấn đề dân tộc, tôn giáo, văn hóa và xã hội. Đó hầu hết là những yếu tố không thể thiếu trong tiến trình phát triển của một quốc gia đa sắc tộc như Sudan nhưng lại bị chính quyền miền Bắc coi nhẹ. Chính quyền miền Bắc đã cố tình áp đặt để khống chế và gạt những người thuộc phe miền Nam ra ngoài lề của sân chơi chính trị. Tuy nhiên, mọi thứ đã trở nên vô nghĩa khi những người miền Nam đã cụ thể hóa sự thắng lợi của mình bằng việc chính thức giành được quyền kiểm soát vùng lãnh thổ miền Nam đất nước.
Trên thực tế, quá trình ly khai thành công của SPLM khỏi “Sudan cũ” và dự án quốc gia được đề cập chi tiết là một thành công lớn trong việc hiện thực hóa giấc mơ của John Garang về một “Sudan mới” nhằm thống nhất đất nước trên cơ sở đem lại hòa bình, công bằng và cơ hội bình đẳng cho người dân trong xã hội Sudan đa dạng sắc tộc.
Sự chia rẽ Sudan và chấm dứt dự án nhà nước quốc gia thống nhất là một sai lầm của chính quyền miền Bắc. Hơn nửa thế kỷ qua chính quyền miền Bắc đã có những tính toán sai lầm trong việc duy trì sự thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ Sudan. Phong trào Hồi giáo Sudan, đứng đầu là Hassan Turabi chịu trách nhiệm lớn nhất về sai lầm này. Năm 1989, tổ chức này đã thực hiện một cuộc đảo chính quân sự để phản đối hệ thống dân chủ đang hình thành và bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ Sudan. Mục đích chính của hành động này là để đối đầu và kiềm chế sự lớn mạnh của SPLM về nhiều mặt kể từ những năm 1980.
Về phần mình, tuy Phong trào Hồi giáo Sudan đã nhận trách nhiệm về cuộc đảo chính quân sự nhưng theo họ, lỗi lầm lại xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của SPLM khiến các đảng cầm quyền trong chính phủ trở nên yếu kém và vô hiệu hóa. SPLM đã thành công trong việc đứng ra nhận trách nhiệm về những sai lầm của cuộc đảo chính và điều này đã cứu đất nước thoát khỏi những hậu quả khôn lường. Điều đó cũng có nghĩa là dự án chính trị của Phong trào Hồi giáo Sudan đã mất đi sức chiến đấu và đã sai lầm trong việc trao dự án quốc gia cho phe miền Nam do SPLM lãnh đạo. Sự mất mát của tổ chức này không dừng lại ở đó, bởi vì sự ly khai của miền Nam Sudan không đồng nghĩa với việc kết thúc câu chuyện thống nhất hoàn toàn ở miền Bắc. Những cuộc khủng hoảng xảy ra có nguy cơ dẫn đến chia rẽ sâu sắc hơn nữa, được biết đến với tên gọi: “các vấn đề mới ở miền Nam” chẳng hạn tại các bang South Kordofan và Blue Nile, cũng như cuộc khủng hoảng ở Darfur và sự bất ổn chính trị, kinh tế vốn đã trở thành nét đặc trưng của đất nước nghèo đói này.
Thách thức đối với các đường biên giới thuộc địa châu Phi
Sự độc lập của Nam Sudan và một nhà nước mới hình thành đã đặt ra thách thức chung cho toàn lục địa Đen. Ngược dòng thời gian trở về 20 năm trước, đất nước láng giềng Ethiopia cũng đã tuyên bố chia cắt để trở thành hai quốc gia độc lập. Các nhà nước chia rẽ này đã làm chệch hướng đồng thuận của Tổ chức Châu Phi Thống nhất trong việc bảo vệ các đường biên giới thuộc địa do các nước thực dân vạch ra trước đây mà không xem xét đến nhân tố khách quan bởi lo sợ về sự bất ổn và tránh các cuộc nội chiến có thể xảy ra trên châu lục. Có thể thấy rằng biên giới các nước châu Phi được vẽ ra chủ yếu là nhằm phục vụ lợi ích của chủ nghĩa thực dân châu Âu và ở mức độ nhất định cho quân đội.
Năm 1991, Eritrea tách khỏi Ethiopia, tuyên bố độc lập hai năm sau và phải trải qua 3 thập niên đấu tranh vì nền độc lập đó. Trường hợp Eritrea không phải là mối quan tâm lớn của các nhà lãnh đạo châu Phi vì họ không nhận thấy sự nguy hiểm, trong khi đó độc lập của Nam Sudan mặc dù xuất phát từ nhu cầu của người dân miền Nam Sudan, nhưng lại làm gia tăng mối quan tâm sâu sắc của giới lãnh đạo châu Phi. Họ lo sợ về những hậu quả và những hàm ý từ sự ly khai này đều có liên quan đến sự khác nhau về sắc tộc, tôn giáo và một nhà nước không có năng lực sẽ hấp thụ tất cả các yếu tố đó thành một dự án hệ thống chính trị quốc gia để bảo vệ cho thống nhất. Nam Sudan có thể kích hoạt các quả bom hẹn giờ trong một lục địa vốn tồn tại quá nhiều mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo. Chính vì lo sợ sự xuất hiện một tiền lệ “nguy hiểm” mà từ thập niêm 1960, các nhà lãnh đạo ở lục địa này đã làm mọi việc để ngăn chặn tình hình ly khai ngày một có xu hướng leo thang ở Sudan để ngăn chặn sự sụp đổ các nhà nước và các xã hội trên phạm vi toàn khu vực.



Sức mạnh của Nam Sudan
Sau lễ kỉ niệm đầy tự hào về giấc mơ độc lập đã thành hiện thực, người Sudan phải đối diện với sự thật đầy khó khăn trước mắt. Để vượt qua thực tế đó, những nhà lãnh đạo sáng suốt của vùng đất non trẻ này đã không quên hướng tới những đồng minh quốc tế. Để giành được sự ủng hộ của quốc tế, họ biết mình cần phải trả lời câu hỏi: Liệu chính quyền miền Nam có thể xây dựng được một nhà nước mới ổn định và một dân tộc cố kết để có thể chia sẻ với nhau ước vọng và những nền tảng cho sự cùng tồn tại? Liệu có thể trở thành hiện thực mong muốn của những người đánh giá thấp nhà nước mới khi họ cho rằng nhà nước này không có khả năng đáp ứng các yêu cầu đảm bảo sự thống nhất và ổn định cho người dân?
Xét một cách khách quan, thì Nam Sudan có những ưu thế thuận lợi hơn nhiều so với hàng chục quốc gia châu Phi khác khi mới giành được độc lập. Trên thực tế, Nam Sudan có nguồn lực con người, tài nguyên tự nhiên, cơ sở chính trị và kinh tế khá thuận lợi cho công cuộc xây dựng một nhà nước mới. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác cho thấy việc sở hữu những ưu thế chỉ là một yếu tố thuận lợi chứ không mang tính quyết định đến khả năng thành công. Sự thuận lợi đó còn phải phụ thuộc khá nhiều vào tầm nhìn, năng lực và phương pháp quản lý nhà nước của giới lãnh đạo.
Chắc chắn giới cầm quyền Nam Sudan sẽ phải lựa chọn một trong hai quyết định mang tính bước ngoặt cho tương lai của Nam Sudan. Một là xây dựng đất nước theo mô hình nhà nước dân chủ, đặt lợi ích và nguyện vọng của người dân lên trên hết. Nhà nước sẽ phát triển theo phương châm của những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, với những phương án được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Hai là bóp chết giấc mơ về một nền “dân chủ” của người dân để phục vụ cho những lợi ích hẹp hòi của một nhóm người thuộc “thượng tầng” xã hội. Để từ đó, nhóm người ấy sẵn sàng mang quốc gia mình lao vào “cái bẫy” tham nhũng và độc quyền bằng bất cứ giá nào.
Quay trở lại với khía cạnh nguồn lực, đất nước non trẻ Nam Sudan không chỉ có những nguồn lực bên trong mà còn có cả những nguồn lực bên ngoài về cả chính trị và kinh tế. Nhưng trên hết và quan trọng nhất họ còn sở hữu được một sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn của toàn thể nhân dân. Tham vọng về xây dựng một nhà nước tốt đẹp hơn của cả dân tộc sau bao năm dài chiến đấu cho tự do và độc lập nay được bùng lên sau một chiến thắng lịch sử. Mỗi người dân đều cảm nhận được rằng giờ đây họ đã trở thành những con người của một xã hội mới, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc. Chính những cảm nhận về sự bình đẳng ấy đã trở thành một nguồn năng lượng vĩ đại nuôi dưỡng tinh thần và hoài bão cho nhân dân, một nguồn lực tối quan trọng trong việc xây dựng một nhà nước mang trong nó “giấc mơ của một dân tộc”. Hiện thực hóa giấc mơ ấy cũng là cách duy nhất để họ phủ nhận và dập tắt hy vọng của những thế lực thù địch đang từng ngày từng giờ chống lại sự tồn tại của nhà nước Nam Sudan non trẻ.
Ngoài lòng dân, Nam Sudan còn có một ưu thế nội tại khác là vị trí địa chính trị mà nó đang sở hữu. Nước này hiện có biên giới với sáu nước khác: Bắc Sudan, Ethiopia, Kenya, Uganda, Cộng hòa dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi. Vị trí này cho phép Nam Sudan được hưởng lợi ích từ những nỗ lực của các nước trên, và đạt được những lợi ích mới và cạnh tranh để thiết lập mối quan hệ đặc biệt với các nước đó. Nam Sudan có khả năng đóng vai trò là người chơi mới trong trò chơi cân bằng quyền lực khu vực, có thể mở cửa để đạt được những lợi ích chính trị và kinh tế.
Tầm quan trọng của vị trí địa chiến lược mà Sudan sở hữu là các nước lớn có thể từ Nam Sudan để tìm kiếm vai trò lớn hơn trong khu vực châu Phi. Đặc biệt là trong trường hợp Isarel, Nam Sudan đang giữ cho mình một vị trí quan trọng trong sự “cân bằng” của khu vực. Từ năm 1960, Isarel đã là một đối tác chiến lược cung cấp và hỗ trợ cho các phong trào nổi dậy ở miền Nam Sudan. Trong cuốn hồi ký của mình, Joseph Lago, một nhà lãnh đạo phong trào nổi dậy miền nam Anya-Nya cũng đã tiết lộ khá chi tiết về mối quan hệ này. Nhưng phải đến khi Nam Sudan chính thức độc lập thì mối quan hệ “trong im lặng” này mới chính thức được công khai và hứa hẹn những triển vọng phát triển mới. Sự hợp tác song phương này sẽ tối đa hóa lợi ích từ vị trí địa chiến lược mà Nam Sudan sở hữu, cũng như tạo ra sự “cân bằng” quyền lực trong khu vực.
Ai Cập cũng là một điển hình về sự ảnh hưởng trong khu vực của đất nước chưa đầy “1 năm tuổi”. Trước đây, Ai Cập có quan điểm khá gay gắt về vấn đề ly khai trong khu vực, đặc biệt là vấn đề chia cắt của Sudan. Quan điểm này còn được thực tế hóa bằng nhiều biện pháp cụ thể để chống lại công cuộc giành độc lập của những người miền Nam. Nhưng cho đến ngày vùng đất này chính thức tuyên bố chủ quyển thì quan điểm này lại thay đổi hoàn toàn. Có rất nhiều tín hiệu khả quan chỉ ra rằng Ai Cập đã sẵn sàng ủng hộ Nam Sudan. Dĩ nhiên căn nguyên của sự thay đổi nhanh chóng ấy này suy cho cùng cũng chỉ là để hướng tới những lợi ích quan trọng mà miền Nam Sudan có thể mang lại cho Ai Cập trong thời gian tới.

Nhân tố bên ngoài: Nước Mỹ - cha đỡ đầu của những cuộc ly khai
Nói đến những quốc gia có trợ giúp đắc lực cho quá trình ly khai ở Nam Sudan thì không thể không nói tới sự giúp đỡ của người Mỹ. Trong nửa thế kỷ trước, vấn đề miền Nam đã có một vị trí quan trọng trong nền chính trị Sudan. Còn sự xuất hiện chính thức của người Mỹ trên vùng đất này chỉ mới được ghi nhận khoảng hai thập kỷ trở lại đây. Tuy thời gian cho tiến trình hợp tác này còn ít ỏi nhưng Washington đã có những hỗ trợ cực kỳ quan trọng cho sự nghiệp giành độc lập của những người miền Nam trong suốt hai mươi năm qua. Trong thập niên ban đầu, sự xuất hiện của người Mỹ tại vùng đất đang bị nghèo đói và chiến tranh tàn phá này với các hoạt động chủ yếu về cứu trợ nhân đạo. Nhưng bước sang thập kỷ tiếp theo, Mỹ dần lấn sâu hơn vào chính trị của đất nước đang chìm trong bạo loạn và nội chiến này. Nước Mỹ muốn tìm kiếm cách thức kết thúc chiến tranh ở Sudan thông qua một giải pháp chính trị. Và trên thực tế thì họ đã làm được điều đó khi trở thành một “kiến trúc sư” dàn xếp cho Hiệp định hòa bình toàn diện năm 2005 giữa hai miền Nam- Bắc Sudan. Tiếp sau đó, Washington tiếp tục giữ vai trò giám sát và gây áp lực nhằm thúc đẩy tiến trình thực hiện các thỏa thuận giữa hai bên cho đến khi mục tiêu của về sự chia tách hai miền Sudan chính thức thành công tốt đẹp.
Mặc dù chính quyền Mỹ phủ nhận sự hiện diện của mình trong vấn đề ly khai, nhưng các tranh luạn mới đây cho thấy Washington đã khuyến khích chính quyền miền Nam ly khai, tạo áp lực cho họ hướng về những khát vọng độc lập. Vị trí chính thức của Tổng thống Barack Obama trong chiến lược của ông hướng về Sudan là mang tính chất trung lập, nhấn mạnh đến ưu tiên của Mỹ là gìn giữ hòa bình- một là tiếp tục duy trì một Sudan thống nhất, nếu không tách ra làm hai nước để gìn giữ hòa bình.
Chính quyền Mỹ ủng hộ nhóm ly khai đã thể hiện vai trò người cha đỡ đầu cho nền độc lập Nam Sudan, chịu trách nhiệm đặc biệt đối với nước này. Mỹ cam kết bảo vệ, nuôi dưỡng và hỗ trợ đặc biệt cho nhà nước Sudan non trẻ, đảm bảo sự hỗ trợ kinh tế và chính trị quốc tế cho nhà nước này. Bỏ qua những toan tính lợi ích của Mỹ đằng sau việc “đầu tư dài hạn” này, chúng ta không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của nước này trong việc kết thúc một cuộc chiến tranh dân sự dài nhất ở lục địa Đen thông qua giải pháp hòa bình và thành lập một nhà nước mới. Đây có thể được xem là một chiến thắng to lớn của chính sách ngoại giao Mỹ chống lại những lời chỉ trích về chính sách đặc biệt trong các cuộc xung đột Arab-Isarel, Iraq và Afghanistan.





Kinh tế Nam Sudan: tiềm năng và thách thức
Trên mặt trận kinh tế, việc sở hữu một nguồn lợi dầu mỏ chiếm ¾ trữ lượng dầu của toàn Sudan, với năng lực sản xuất lên đến nửa triệu thùng mỗi ngày là một lợi thế vô cùng quan trọng của Nam Sudan. Bên cạnh đó, nước này cũng sở hữu một nguồn tài nguyên thiên đáng kể khác thuận lợi cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Ngành khai thác mỏ của Nam Sudan, đặc biệt là khai thác vàng và nhiều kim loại quý khác đang là sức hút lớn đối với các nhà đầu tư đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và thương mại hàng hóa.
Các nhà phân tích cho rằng: thách thức lớn nhất mà đất nước non trẻ này phải đối mặt chính là sự gắn kết nội bộ mặc dù trên thực tế các mối quan hệ xã hội được dựa trên liên minh bộ lạc. Độc lập là nhân tố quan trọng đối với người miền Nam, nhưng nó bao hàm cả những thách thức nghiêm trọng. Khác hẳn với mối quan tâm của những người miền Bắc về sự toàn vẹn lãnh thổ của Sudan, ý tưởng miền Nam thống nhất mới chỉ được chấp nhận về mặt ý thức cộng đồng. Thiếu nhân tố miền Bắc sẽ tạo ra thực tế mới đối với người miền Nam bởi họ phải đối mặt với môi trường đa bộ lạc trong nước cũng như các nhân tố mang tính chia rẽ giữa các bộ lạc và các nhóm sắc tộc. Điều đó khiến Nam Sudan tiềm ẩn nhiều xung đột trong việc giành quyền lực, ảnh hưởng và kiểm soát nguồn tài nguyên.
Báo cáo gần đây của Liên hợp quốc cho rằng: đã có khoảng 2000 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa các bộ lạc tại Nam Sudan trong vài tháng qua, cùng với đó là những cuộc tản cư của hàng chục ngàn người để chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói. Báo cáo đã thừa nhận rằng những thương vong của cuộc chiến bộ lạc ở miền Nam còn vượt xa cả thương vong ở Darfur trong giai đoạn tương tự. Mặc dù SPLM cáo buộc Đảng Đại hội Quốc gia châm ngòi cho các cuộc xung đột này, nhưng rõ ràng xu hướng bộ lạc và động lực xã hội trong nước đã kéo căng lịch sử xung đột giữa miền Nam và miền Bắc.
Điều khiến khuynh hướng bộ lạc ngày một trở nên nguy hiểm hơn ở chỗ chúng được sử dụng làm phương tiện để SPLM giải quyết cạnh tranh và gây tầm ảnh hưởng. Quay trở về thời điểm từ khi thành lập vào năm 1983, SPLM đã thành công trong việc trở thành người đại diện hợp pháp cho khu vực miền Nam Sudan trên cơ sở liên minh bộ lạc. SPLM đã thành công lớn trong việc gắn kết nội bộ và hạn chế tối đa những chia rẽ trong tổ chức. Thành công này càng trở nên rực rỡ hơn sau cái chết của cố lãnh đạo Garang. Người thừa kế của Garang, ông Salva Kiir thực sự là một nhà lãnh đạo tài ba khi thể hiện được sự khéo léo tuyệt vời của mình trong việc duy trì sự thống nhất của phong trào từ giai đoạn chuyển tiếp đến tiến trình hòa bình và giành độc lập.
Sau khi công bố chính thức về sự thành lập nhà nước mới, SPLM lại phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Một là sẽ duy trì được sự gắn kết nội bộ và củng cố vai trò của SPLM trong bối cảnh mới; Hai là sẽ xảy ra một quá trình phân chia quyền lực mới và tái cơ cấu cán cân quyền lực trong SPLM? Nếu muốn duy trì và bảo vệ nền độc lập non trẻ thì phải làm cho các bên trong phong trào hiểu rằng xung đột nội bộ sẽ là thủ phạm phá vỡ đi sự ổn định vừa được thiết lập. SPLM phải trở thành một tổ chức thống nhất đại diện cho tất cả các bộ lạc khác nhau trong đất nước Sudan chứ không phải của riêng hay nghiêng hẳn về một bộ lạc nào đó. Một khi sự ràng buộc hợp lý được thiết lập trên cơ sở đồng tình giữa các bên thì tình hình an ninh chắc chắn sẽ trở nên ổn định hơn và sự gắn kết nội bộ cũng như duy trì nền độc lập của nhà nước non trẻ cũng sẽ trở nên khả thi hơn bao giờ hết.
Thách thức thứ hai mà nhà nước Nam Sudan đang phải đối mặt là sự yếu kém của cơ sở hạ tầng và sự thiếu thốn các thể chế nhà nước cần thiết để đảm bảo sức mạnh của tiến trình xây dựng nhà nước. Là một nước vừa trải qua một cuộc nội chiến kéo dài, thì việc gặp phải những vấn đề tương tự với Nam Sudan cũng là một điều hiển nhiên và dễ hiểu. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo miền Nam Sudan phải có trách nhiệm lớn trong việc giải quyết các mối quan hệ công cộng và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của người dân. SPLM chịu sự chia sẻ trách nhiệm lớn với chính quyền các bang sau độc lập. Tổ chức này mới chỉ lãnh đạo miền Nam được 6 năm, trong khi chính phủ không được tiếp quản nguồn tài nguyên dầu mỏ bởi vì doanh thu dầu mỏ là vô cùng to lớn và viện trợ quốc tế đổ ồ ạt vào lãnh thổ Sudan. SPLM chỉ đạt được một số thành tựu trong việc thu hẹp khoảng cách giữa kém phát triển và nghèo tuyệt đối và đáp ứng nhu cầu xây dựng đất nước. Tổ chức này đang bị các thành viên của họ chỉ trích gay gắt bởi vì tham nhũng đang có xu hướng lan rộng trong giới lãnh đạo. Quả thực các nhà tài trợ quốc tế đã miễn cưỡng viện trợ cho Nam Sudan đúng như những điều khoản đã cam kết trước đó. Sự miễn cưỡng này xuất phát từ việc lo ngại số tiền viện trợ chủ yếu rơi vào túi giới lãnh đạo, khác xa với mục đích ban đầu giành cho những dự án phát triển quốc gia.
Một thách thức khác mà nền kinh tế non trẻ này phải đối mặt là điều kiện kinh tế để xây dựng đất nước. Trên thực tế, doanh thu dầu mỏ được chia giữa chính quyền miền Nam và chính quyền miền Trung ở Khartoum chiếm tới 98% doanh thu công cộng của miền Nam. Mặc dù đã ký kết hiệp định chia sẻ doanh thu dầu mỏ, nhưng hiệp định này không thể bị hủy bỏ bởi vì dầu mỏ sản xuất ở miền Nam không thể khai thác và xuất khẩu nếu không qua cơ sở hạ tầng ở miền Bắc. Khó có thể ước tính nổi những thất thoát của nền kinh tế miền Nam trong việc buộc phải phụ thuộc vào một mối quan hệ vốn đã thiếu thân thiện từ trước như vậy. Và điều đó càng trở nên đặc biệt nguy hiểm với một nền kinh tế hiện đã phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ như Nam Sudan. Theo một báo cáo của các chuyên gia Nauy thì nếu không có sự phát triển trên các lĩnh vực khác hay tìm ra các nguồn dầu mỏ mới thì chỉ trong 5 năm tới trữ lượng dầu mỏ hiện có ở đất nước này chắc chắn sẽ cạn kiệt.
Tuy nhiên, việc hình thành những cơ sở kinh tế thay thế mới cho nền kinh tế Nam Sudan chắc chắn phải kéo dài trong nhiều năm do sự yếu kém nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng. Sự phát triển cơ sở hạ tầng là một yếu tố vô cùng cần thiết để khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài, nhằm khai thác nguồn tài nguyên giàu có của nước này. Thách thức to lớn mà nhà nước mới này đang phải đối mặt sẽ phụ thuộc nhiều vào viện trợ bên ngoài để bù đắp thâm hụt tài chính nặng nề của Nam Sudan.
Viện trợ có thể xoa dịu tạm thời áp lực kinh tế trước mắt nhưng chắc chắn sẽ không phải là một giải pháp bền vững cho tương lai. Tại hội nghị Oslo, sau khi ký kết các thỏa thuận hòa bình, cộng đồng quốc tế đứng đầu là Mỹ và các nước đồng minh đã cam kết nhiều tỉ đô la để hỗ trợ Nam Sudan tái thiết và vượt qua những ảnh hưởng của chiến tranh. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số đó đến được với chính quyền non trẻ. Chính quyền Mỹ đã tuyên bố về việc thúc giục Liên hợp quốc trong việc xây dựng một kế hoạch hỗ trợ mới nhưng mọi việc vẫn chỉ nằm dưới dạng một lời hứa không rõ ràng.
Giữ trách nhiệm của một người cha đỡ đầu, nhưng chính quyền Mỹ đã không giúp chính quyền miền Nam Sudan theo đúng như dự đoán của dư luận. Trên thực tế số tiền viện trợ của Mỹ cho Nam Sudan không quá 300 triệu USD/năm và Mỹ không góp phần hiệu quả vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của nhà nước mới.
Mối quan hệ vẫn thường thấy với miền Bắc
Mối quan hệ giữa hai miền Nam và Bắc hiện vẫn là một thách thức lớn đối với chính quyền Nam Sudan. Đặc trưng rõ ràng nhất của mối quan hệ này là sự mập mờ cũng như thiếu một định hướng phát triển chung từ cả hai phía. Việc ly khai đã thực sự trở nên vô nghĩa bởi sự ràng buộc chính trị không thể tách rời giữa đôi bên. Trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đó, cả hai chính quyền đều buộc phải chia sẻ những quyền lợi và trách nhiệm chung để hướng đến việc cùng nhau tồn tại. Sự ly khai tuyệt đối trên mọi phương diện hoàn toàn có thể dẫn tới diệt vong cho một hoặc cũng có thể là cả hai bên.
Dọc trên 3500 km biên giới chia cách hai miền, dân số của cả hai quốc gia đều tập trung với mật độ rất cao bởi lí do kinh tế. Đặc biệt là Abyei vốn được coi là một khu vực rất điển hình cho mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai miền. Việc tìm kiếm lợi nhuận kinh tế từ dầu thô tại những vùng như Abyei sẽ là bất khả thi nếu thiếu một sự hợp tác của cả hai phía. Nguyên nhân của sự gắn bó miễn cưỡng này chủ yếu xuất phát từ sự phân bố ngành công nghiệp dầu mỏ của Sudan được trải rộng trên cả hai miền Nam Bắc. Cũng chính vì có được sự gắn kết từ lợi ích kinh tế cốt lõi nên mối quan hệ này luôn được xem là đặc biệt trong tương quan với hầu hết những mối quan hệ láng giềng khác.
Như vậy, xét từ khía cạnh lợi ích cốt lõi của cả hai nhà nước thì thực sự đây là một quan hệ khăng khít và khó có thể tách rời. Mối quan hệ ấy càng được nhấn mạnh hơn nữa thông qua các báo cáo của các thủ lĩnh chính đảng đôi bên. Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra những mâu thuẫn cần phải giải quyết và chúng sẽ không được giải quyết nếu căn cứ vào các báo cáo đầy lạc quan của các chính trị gia. Hơn nữa, căng thẳng và sự trả đũa lẫn nhau nhờ vào tính năng chính của mối quan hệ đã đạt được hòa bình trong một vài năm qua, bất chấp những quan hệ đối tác giữa đôi bên.
Bài học từ thực tiễn hai nước láng giềng Ethiopia và Eritrea là rõ ràng và vẫn mang tính thời sự. Cho đến khi Eritrea chính thức tách ra khỏi Ethiopia và trở thành một quốc gia độc lập thì liên minh các thủ lĩnh chính trị và quân sự ở Addis Ababa và Asmara vẫn gắn kết với nhau trong cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của chế độ Haile Selassie và sau đó là của chế độ Mengistu Haile Mariam. Sự thành công chung của các nhóm này trong việc lật đổ những chế độ trên, cùng với thực tế cùng chia sẻ nền tảng tôn giáo và dân tộc của hai chính quyền Ethipia và Eritrea cũng không ngăn cản được sự một cuộc chiến cay đắng giữa đôi bên sau đó vài năm kể từ khi Eritrea độc lập, vì mâu thuẫn lợi ích của mỗi quốc gia bị tích tụ và không được giải quyết triệt để. Sự liên minh trước đây giờ được chuyển thành sự hận thù vẫn chưa thể giải quyết, trong khi các mối đe dọa về một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia vẫn tiếp tục tiềm ẩn.
Từ bài học của hai nước láng giềng đã đặt ra nhiều câu hỏi cho tương lai mối quan hệ giữa hai miền Sudan. Mặc dù sự hợp tác cũng chia sẻ lợi ích hiện vẫn đang tồn tại, nhưng không ai dám chắc rằng liệu vết xe đổ của Ethiopia và Eritrea có thể sẽ được lặp lại hay không? Nhưng nếu có thể rút ra được kinh nghiệm từ bài học đó, bằng việc dung hòa được những khác biệt về sắc tộc cũng như tôn giáo, hợp lý hóa những lợi ích của cả hai nhà nước và giải quyết triệt để những mâu thuẫn còn tồn tại thì tương lai về một nền hòa bình ổn định lâu dài ở Sudan hoàn toàn có thể có hy vọng.
Nguồn: amec.org.za
Lược dịch: BUI NGOC TU - IAMES