Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

33. Chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc

Những năm qua, toàn cầu hóa kinh tế đã có tác động rất lớn đến quá trình cải cách mở cửa kinh tế của Trung Quốc, đưa Trung Quốc ngày càng hội nhập vào thị trường thế giới. Theo giới kinh tế cho thấy mặc dù trong tiến trình toàn cầu hóa, lợi ích của các quốc gia đang phát triển thu được ít hơn so với các nước phát triển, song Trung Quốc lại là một trong số ít nước đang phát triển được hưởng lợi nhiều nhất.
Vậy thì trong tình hình các quốc gia trên thế giới cùng nhau tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa, quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng mang tính cạnh tranh quyết liệt và sôi động, Trung Quốc đã làm thế nào để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội phát triển có lợi, đề ra những chính sách và biện pháp tương ứng thu được những lợi ích thực sự và đối phó được những thách thức gay go ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế của đất nước? Đây chính là vấn đề mà bài viết đề cập nhằm phân tích và tìm hiểu, qua đó rút ra những kết quả và bài học kinh nghiệm thông qua những ảnh hưởng có tính chất hai mặt mà toàn cầu hóa kinh tế đem lại.
I. Chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế.
Chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc trong những năm qua đã tập trung chủ yếu ở các mặt sau:
1. Nắm bắt cơ hội điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế toàn cầu hóa, kết hợp với tình hình kinh tế trong nước, làm cho vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế tốt hơn.
Trung Quốc là một quốc gia đất rộng người đông, cơ sở kinh tế so với các nước trên thế giới phát triển vẫn còn khá thấp, đặc biệt sự phát triển giữa các vùng không cân đối. Nắm bắt được thời cơ điều chỉnh cơ cấu ngành trên toàn cầu, Trung Quốc đã gấp rút thực hiện điều chỉnh lại cơ cấu ngành kinh tế phù hợp với tình hình và đặc điểm của Trung Quốc.
Thứ nhất, phát triển các ngành sản xuất chất lượng cao tập trung nhiều lao động. Phát triển ngành nghề theo xu hướng này nhằm lợi dụng được nguồn lao động dồi dào tối ưu, giải quyết được việc làm cho người lao động, phát huy có hiệu quả các "công trình tái tạo việc làm", cải thiện sâu sắc đời sống của nhân dân, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trong nước.
Thứ hai, Trung Quốc tăng cường thu hút và sử dụng vốn đầu tư của nước ngoài, thực hiện nâng cấp các ngành công nghiệp kỹ thuật tiên tiến, xóa bỏ tình trạng các nước phát triển chuyển các hạng mục sản xuất có tính ô nhiễm cao vào trong nội địa. Đồng thời, thông qua các Công ty nước ngoài để xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại hóa cho đất nước, nhằm đuổi kịp trình độ tiên tiến của thế giới. Mặt khác, tiếp tục thúc đẩy các Xí nghiệp trong nước tham gia chung vốn, hợp doanh với các Công ty nước ngoài, xây dựng cơ sở sản xuất cho các Công ty xuyên quốc gia của nước ngoài, tạo ra một mắt xích trong dây chuyền sản xuất quốc tế và là một phần trong mạng lưới tiêu thu toàn cầu. Thực hiện biện pháp này, Trung Quốc mới có thể thu hút những kỹ thuật mới nhất và phương thức quản lý tiên tiến của nước ngoài, đổi mới ngành nghề, kỹ thuật của các Xí nghiệp trong nước, phù hợp với sản xuất toàn cầu hóa, đồng thời có thể thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên kỹ thuật chuyên môn và người quản lý tiên tiến, đưa kinh tế Trung Quốc hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, xây dựng các Xí nghiệp xuyên quốc gia để thực hiện chiến lược kinh doanh và đầu tư xuyên quốc gia, chủ động hòa nhập với tiến trình toàn cầu hóa kinh tế. Bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ của kinh tế tri thức, của xã hội thông tin, Trung Quốc sẽ tăng cường thu hút các hạng mục kỹ thuật quan trọng, then chốt và thực hiện thay đổi, nâng cấp thiết bị có kỹ thuật tiên tiến. Tiến hành cải tổ, cải cách các Xí nghiệp trong nước, hình thành một loạt tập đoàn Xí nghiệp cỡ lớn kết hợp công nghiệp với mậu dịch, đầu tư, khai thác và phát triển. Ngoài việc phát triển các ngành kỹ thuật vốn có như ô tô, thiết bị đồng bộ, điện tử, còn chú trọng đến khai thác và phát triển ngành kỹ thuật mới như phần cứng và phần mềm máy tính điên tử, các công trình nối mạng thông tin, công trình sinh vật, công trình bảo vệ môi trường... Từ đó làm cho chiến lược đầu tư hướng ra nước ngoài của Trung Quốc có chất lượng và hiệu quả tối ưu.
2. Cải thiện cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tham gia toàn diện vào mậu dịch quốc tế toàn cầu.
Trong tình hình mới, Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao hơn và có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm máy móc và linh kiện có hàm lượng kỹ thuật cao do chính nước mình sản xuất, để có thể tạo ra được hiệu quả tối ưu của hoạt động mậu dịch đối ngoại, thúc đẩy kinh doanh tăng trưởng với tốc độ cao và nhanh chóng hơn.
Về vấn đề sản xuất hàng hóa xuất khẩu, Trung Quốc chủ trương dựa vào thông tin phân công sản xuất mới có tính chất toàn cầu hóa, khuyến khích các địa phương trong nước bám sát tình hình sản xuất của đơn vị mình thực hiện sản xuất kinh doanh xuất khẩu với nhiều hình thức phù hợp với trong nước và quốc tế nhằm tránh tình trạng xây dựng Xí nghiệp trùng lặp, gây lãng phí cho nguồn vốn của Nhà nước. Nhà nước cũng có chủ trương khuyến khích các Xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật tiên tiến và công nghệ cao ở các địa phương tham gia liên kết với các Xí nghiệp sản xuất kém hơn, thậm chí cho phép các Xí nghiệp này hợp tác liên doanh với các Công ty xuyên quốc gia để trở thành một bộ phận sản xuất, tiêu thụ thống nhất trong cả nước và trên toàn cầu, tiến tới từng bước hòa nhập với tiến trình liên kết sản xuất và tiêu thụ trên thế giới.
Trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, Trung Quốc sẽ cố gắng áp dụng phương thức mậu dịch quốc tế trong phạm vi toàn cầu hóa, tăng cường kinh doanh xuất nhập khẩu với nhiều hình thức trong nhiều lĩnh vực, tăng cường xây dựng mạng lưới thị trường trên thế giới. Đặc biệt, cùng với việc mở rộng khu công nghiệp, khu khai thác và phát triển, các Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng trở thành khâu quan trọng trong hoạt động ngoại thương của Trung Quốc, là động lực thúc đẩy Trung Quốc tham gia một cách toàn diện vào mậu dịch quốc tế.
3. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tham gia vào kinh tế khu vực và hợp tác mậu dịch toàn cầu.
Hợp tác kinh tế khu vực và hợp tác mậu dịch toàn cầu là những tiền đề mang lại những lợi ích thiết thực cho tự do hóa mậu dịch và đầu tư, giảm bớt mức thuế quan, xóa bỏ dần hàng rào phi thuế quan, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tự do lưu động các yếu tố sản xuất như nguồn vốn, hàng hóa, kỹ thuật, tiền tệ, nhân lực giữa các nước với nhau, đồng thời làm cho các yếu tố sản xuất được quy chuẩn hóa, được giám sát và cân đối thống nhất thông qua cá tổ chức kinh tế quốc tế. Do đó, chính sách của Trung Quốc hiện nay là cố gắng nhanh chóng gia nhập vào Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và các tổ chức khu vực hóa toàn cầu, xác lập các quy chuẩn về hợp tác mậu dịch đa phương, cải thiện dịch vụ mậu dịch, luật bản quyền trí tuệ, luật về đầu tư có liên quan đến mậu dịch, bảo vệ môi trường và điều kiện lao động, luật trọng tài trong tranh chấp mậu dịch.... Trong những năm tới, Trung Quốc còn chủ trương tăng cường tham gia hơn nữa vào các quan hệ hợp tác mậu dịch với các khu vực kinh tế của các nước đang phát triển ở Châu Phi, châu Mỹ Latinh, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy kinh tế các khu vực ngày càng phát triển.
4. Thực hiện cải cách trong lĩnh vực tiền tệ.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định và phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực tiền tệ toàn cầu hóa, bảo đảm sự an toàn cho hoạt động tiền tệ trong nước, tránh được các nhân tố cản trở từ bên ngoài, Trung Quốc đã đề ra những chính sách cải cách trong lĩnh vực tiền tệ. Chính sách này đi sâu vào những vấn đề sau:
a. Mở rộng ở mức độ lớn thị trường tiền tệ nhằm thông qua cạnh tranh, nâng cao hiệu quả bố trí nguồn lực trong nước. Áp dụng những nguyên tắc chuẩn mực trong phát hành tiền tệ để đảm bảo đầu tư của nước ngoài có hiệu quả. Thực hiện tự do trao đổi ngoại tệ thông thường, mở rộng mức lưu động tiền vốn có trật tự và ổn định, đồng thời có biện pháp khống chế tiến độ mở cửa trong lĩnh vực tiền tệ ở mức độ phù hợp với khả năng kiểm soát của Nhà nước.
b. Nâng cao hiệu suất kinh doanh của ngân hàng thương mại quốc hữu, nâng cao khả năng phòng tránh rủi ro của bản thân các ngân hàng này. Tiến hành bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho các ngân hàng chung vốn của Trung Quốc với nước ngoài, bảo đảm cho các ngân hàng này phát huy ưu thế của bản thân, nâng cao chất lượng phục vụ, tránh được sự yếu kém dẫn đến rủi ro. Trước mắt Trung Quốc sẽ thực hiện cải cách lại một số vấn đề cơ bản ở ngân hàng thương mại độc quyền quốc hữu lớn của Trung Quốc như: Tình trạng bế tắc trong thể chế quản lý, tình trạng người nhiều hơn việc, cơ cấu tổ chức chồng chéo, tỷ trọng tài sản không sinh lời quá lớn, chất lượng phục vụ quá kém không phù hợp với tình hình mới. Mặt khác, đang xúc tiến thực hiện chế độ phân ngành kinh doanh, phân ngành quản lý nhằm giảm nguy cơ khủng hoảng tiền tệ, hòa nhập với xu thế cải cách tiền tệ với các nước trên thế giới hiện nay.
c. Chú trọng bảo đảm quy mô và cơ cấu nợ nước ngoài với mức vừa phải và hợp lý, tìm mọi biện pháp làm cho thị trường tiền tệ trong nước ổn định. Đồng thời, tiếp tục tăng cường quản lý các khoản nợ nước ngoài một cách thống nhất, khống chế việc sử dụng tiền tệ phân tán, làm thất thoát nguồn ngoại tệ của Nhà nước. Áp dụng các biện pháp tối ưu để đảm bảo cân đối các khoản thu chi tài chính của Nhà nước.
5. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa việc mở cửa kinh tế với nước ngoài và việc làm sống động kinh tế trong nước.
Trong những năm tới Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện cải cách thể chế kinh tế và cải cách Xí nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nhà nước sẽ tăng cường điều chỉnh cân đối mối quan hệ giữa mở cửa kinh tế với nước ngoài và phát triển kinh tế trong nước thông qua xây dựng và áp dụng đồng bộ một hệ thống chính sách, pháp quy hữu quan như: chính sách pháp quy đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chính sách pháp quy mậu dịch kinh tế đối ngoại phù hợp với thông lệ quốc tế, chính sách tăng cường sức sống mạnh mẽ cho kinh tế trong nước và các nguyên tắc, điều lệ quy chuẩn hóa hành vi các hoạt động kinh tế, làm cho sự phối hợp giữa công tác phát triển kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại ngày càng cân đối, hài hòa và bổ sung lẫn nhau, giúp cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả hơn, thúc đẩy nhanh chóng tiến trình đi vào toàn cầu hóa kinh tế của Trung Quốc.
II. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đối với kinh tế đối ngoại Trung Quốc.
Những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, xu thế toàn cầu hóa đã ngày càng phát triển và lan rộng đến mọi quốc gia và khu vực trên thế giới. Nó đã đem lại những ảnh hưởng to lớn và sâu rộng đến các lĩnh vực toàn cầu hóa đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thế giới. Đối với Trung Quốc, toàn cầu hóa kinh tế không những làm cho nền kinh tế đối ngoại của Trung Quốc có sự thay đổi một loạt những quan niệm truyền thống cũ trước đây, từng bước xóa bỏ thể chế kinh tế kế hoạch tập trung thống nhất, xóa bỏ chủ trương phát triển nền kinh tế khép kín dựa trên nguyên tắc "tự lực cánh sinh", hạn chế các mối liên hệ với nền kinh tế thế giới. Đến nay, trong quá trình thực hiện chính sách mở cửa, cải cách thể chế kinh tế, Trung Quốc đã từng bước đi vào nền kinh tế thị trường quốc tế, tham gia sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa kinh tế. Đồng thời, trong quá trình này, nền kinh tế đối ngoại Trung Quốc đã tiếp nhận những ảnh hưởng mang cả những yếu tố có lợi và bất lợi, làm cho hoạt động kinh tế đối ngoại vừa có sự phát triển, vừa đứng trước những trở ngại thách thức to lớn. Biểu hiện như sau:
1. Nhân tố có lợi.
a. Hoạt động mậu dịch đối ngoại ngày càng phát triển.
Kể từ khi cải cách mở cửa, mức độ tham gia vào toàn cầu hóa kinh tế của Trung Quốc được nâng cao, vị thế trong kinh tế thế giới của Trung Quốc đang được tăng cường, mức độ phụ thuộc vào ngoại thương (tỷ trọng xuất nhập khẩu chiếm trong GDP của Trung Quốc) ngày càng tăng, đã đưa mức xuất nhập khẩu của Trung Quốc đứng ở vị trí cao trong các quốc gia khu vực Đông Nam á. Năm 1978, tổng mức ngoại thương của Trung Quốc mới chỉ là 9,8%, trong đó xuất khẩu là 4,6%, nhập khẩu là 5,2%. Song đến năm 1997, ngoại thương của Trung Quốc đã đạt tới 325,1 tỷ USD đứng hàng thứ 10 của thế giới, mức độ phụ thuộc vào ngoại thương đã tăng tới 36% trong đó xuất khẩu là 20,2%, nhập khẩu là 15,8%.
So sánh tốc độ tăng trưởng mậu dịch đối ngoại Trung Quốc với mậu dịch thế giới (tăng so với năm trước %)
Nguồn tài liệu: "Thống kê nguyệt báo" Liên hợp quốc, Thống kê Hải quan Trung Quốc, "Vấn đề mậu dịch quốc tế" số 1 - 1999.
b. Mức độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh mẽ.
Cùng với việc tăng cường phát triển quan hệ mậu dịch đối ngoại, mở cửa thị trường cũng là yếu tố quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư và kỹ thuật nước ngoài, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh chóng và có hiệu quả. Theo "Báo cáo đầu tư thế giới năm 1997", năm 1996, đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào các quốc gia đang phát triển là 129 tỷ USD, trong đó đầu tư vào các nước châu á tăng hơn 25% so với năm 1995 vào khoảng 81 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 1/2, khoảng 42 tỷ USD. Nhìn vào thực chất, những năm qua, mức độ phụ thuộc vào đầu tư của nước ngoài tăng rất nhanh. Năm 1985, mức thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài là 4,72 tỷ USD, mức độ phụ thuộc vào đầu tư (tỷ trọng đầu tư nước ngoài chiếm trong GDP) chỉ là 1,55%, đến năm 1995 đã tăng khoảng 20%, năm 1997 mức thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài là 220,14 tỷ USD, mức độ phụ thuộc vào đầu tư lên tới 24,4%, Trung Quốc đã trở thành nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện nay.
c. Các xí nghiệp đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả cao.
Song song với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng các xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Thời gian qua, những xí nghiệp đầu tư của nước ngoài đang tăng lên nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều hiệu quả to lớn làm tăng nguồn thu tài chính cho Trung Quốc. Chỉ riêng trong ngành công nghiệp, năm 1983, giá trị sản lượng của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng trong GDP của Trung Quốc là 0,3, năm 1990 đã tăng lên 6,3, năm 1997 đạt tới mức 20,8%. Xét về tỷ trọng thu nhập tiêu thu sản phẩm của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trong tỷ trong tiêu thụ sản phẩm của toàn bộ ngành công nghiệp Trung Quốc năm 1990 chỉ là 2% song đến năm 1997 đã đạt tới 20,5%. Có thể nói lợi ích mà Trung Quốc thu được nhờ toàn cầu hóa kinh tế là vô cùng lớn.
d. Nguồn vốn vay của nước ngoài được bảo đảm ổn định.
Cùng với việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, hòa nhập với toàn cầu hóa kinh tế, mức độ phụ thuộc vào nguồn vốn vay của nước ngoài cũng ngày càng tăng lên. Trung Quốc đã nhận định rằng nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân, duy trì mức độ mở cửa đối ngoại cân đối với quá trình quốc tế hóa kinh tế, cần phải đảm bảo một lượng giá trị vay nước ngoài thông thường là từ 0,9 - 1 %. Năm 1979, số dư nợ nước ngoài của Trung Quốc là 2,35 tỷ USD, mức độ phụ thuộc vào nước ngoài (tỷ lệ mức nợ so với thu nhập tài chính năm đó) là 0,03. Bước vào những năm 90, cùng với mức tăng thu hút vốn nước ngoài, mức độ phụ thuộc vào vay nước ngoài cũng tăng lên. Cuối năm 1997, số dư nợ nước ngoài đã đạt tới 131 tỷ USD, mức độ phụ thuộc vào vay nước ngoài đạt tới 1,25 tỷ USD. Với những con số này, Trung Quốc cho rằng hoạt động kinh tế đối ngoại đang có cơ hội hòa nhập và tham gia nhanh chóng vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, từ đó tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế đất nước.
2. Nhân tố bất lợi.
a. Trong lĩnh vực ngoại thương.
Những năm qua nhằm tăng cường mở rộng hoạt động xuất khẩu, Trung Quốc đã đưa ra biện pháp giảm thuế, hy vọng đem lại "lợi ích cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc về lâu dài". Ngay từ năm 1995, Trung Quốc đã bắt đầu giảm thuế mậu dịch, đến tháng 1/1996, Trung Quốc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, đến tháng 4/1996 lại thực hiện hạ thuế nhập khẩu cho hơn 1000 mặt hàng từ 35% xuống 23%, đến nay đã tiếp tục giảm thêm xuống 15%. Song theo báo cáo tháng 1/1996 của Ngân hàng Hang Seng (Hồng Kông) thì việc giảm thêm nữa thuế giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và giảm thuế nhập khẩu sẽ làm chậm xuất khẩu của Trung Quốc và đẩy nhanh nhập khẩu" đã gây nhiều tổn thất cho Trung Quốc. Tờ "Nguyệt san kinh tế Hang Seng" đã cảnh báo rằng mức thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ bị thu hẹp một cách nghiêm trọng tới 20 tỷ USD vào năm 1995, đồng thời càng làm tăng nhập siêu ở mức độ cao. Những năm qua, hàng hóa nước ngoài tràn vào Trung Quốc rất nhiều (kể cả các nước đang phát triển) nên các ngành công nghiệp mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, y dược, cảm quang, cơ giới của Trung Quốc đều chịu sự tấn công của hàng nước ngoài ở mức độ cao khác nhau, thị trường nội địa của Trung Quốc đã phải chịu nhiều ảnh hưởng xáo trộn to lớn.
Mặt khác, do cơ cấu ngoại thương của Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện, trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã không tránh khỏi những yếu tố rủi ro, không an toàn trong cạnh tranh quốc tế. Hiện nay, cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc mặc dù đã chuyển từ sản phẩm thô sang sản phẩm thành phẩm, song sản phẩm xuất khẩu vẫn dựa vào thiết bị máy móc và kỹ thuật tập trung nhiều lao động có giá trị tháp nên chỉ có thể tăng được số lượng mà không thể tăng được chất lượng. Nếu nền kinh tế thế giới xảy ra biến động, thị trường truyền thống có sự thay đổi thì việc xuất khẩu của Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu, tỷ trọng hàng gia công chế xuất lại chiếm tỷ trọng quá lớn (năm 196 đã chiếm gần 2/3 lượng xuất khẩu của cả nước, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông, tỷ trọng này đã chiếm tới 80%) mà những sản phẩm này đều là sản phẩm của các xí nghiệp do nước ngoài đầu tư, không có mối liên hệ chặt chẽ với các xí nghiệp công nghiệp trong nước, nguyên vật liệu và linh kiện đều nhập từ bên ngoài. Do đó, không những làm ảnh hưởng đến chính sách phát triển và nâng cấp ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
b. Trong lĩnh vực đầu tư.
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực từ việc thu hút nhiều vốn đầu tư của nước ngoài, cũng xuất hiện những ảnh hưởng tiêu cực đang còn tồn tại ở mức độ khác nhau. Biểu hiện ở một số mặt sau:
- Nguồn vốn mà nước ngoài rót vào không phù hợp với chính sách phát triển ngành sản xuất của Trung Quốc dẫn đến việc đầu tư trùng lặp, không những không phát triển được sản xuất mà còn làm cho hàng hóa sản xuất quá thừa, không có thị trường tiêu thụ. Người ta cho biết, phần lớn những hạng mục có quy mô nhỏ, hàm lượng kỹ thuật thấp, thậm chí một số ngành tiêu hao năng lượng, gây ô nhiễm mà còn làm tăng thêm sự thiếu hụt năng lượng, từ đó gây ra khó khăn cho việc cải cách cơ cấu ngành sau này.
- Việc mở rộng thành lập các xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài với chính sách đặc biệt ưu đãi đã làm suy yểu khả năng cạnh tranh trên thị trường của các xí nghiệp trong nước. Chẳng hạn, Trung Quốc đã áp dụng các chính sách thuế "hai miễn ba giảm", chính sách hoàn thuế cho các xí nghiệp có vốn tái đầu tư của nước ngoài giảm hoặc miễn thuế doanh thu và lợi tức, thuế nhập khẩu thiết bị,.... Do đó, ở Trung Quốc đã có 450.000 Công ty xuyên quốc gia được thành lập, đồng thời có 98 Xí nghiệp trong 500 xí nghiệp mạnh của thế giới đã đầu tư vào khu vực Phố Đông - Thượng Hải. Hiện nay, các xí nghiệp cóvvốn đầu tư nước ngoài đã xuất khẩu ra nước ngoài 60% sản phẩm, còn 40% sản phẩm được tiêu thụ trong nước. Trong các ngành mỹ phẩm, bột giặt và đồ uống, sản xuất và tiêu thụ của các xí nghiệp có nguồn đầu tư nước ngoài đã chiếm khoảng 35 - 50% thị phần trong nước. Trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện cơ và thiết bị thông tin di động, riêng xí nghiệp 100% vốn nước ngoài Motorola - Thiên Tân đã chiếm tới 90% thị phần trong nước.
Mức chiếm hữu thị trường quá cao của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã gây ảnh hưởng bất lợi nghiệm trọng trong các xí nghiệp công nghiệp truyền thống trong nước của Trung Quốc. Thứ nhất, đã làm cho một số xí nghiệp trong nước buộc phải rút lui khỏi lĩnh vực sản xuất trước đây hoặc giảm bớt thị phần của mình. Thứ hai, một số sản phẩm nổi tiếng ở trong nước đã dần dần bị xóa bỏ mà được thay thế bằng nhãn hiệu nước ngoài và nhãn hiệu liên doanh với nước ngoài. Thứ ba, một số lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông, thiết bị thông tin di động, thang máy... khó có thể cạnh tranh nổi với kỹ thuật hiện đại hùng hậu của nước ngoài. Đây là nhân tố quan trọng hạn chế sự phát triển trong sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp trong nước, tạo ra sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu ngành công nghiệp Trung Quốc.
c. Trong lĩnh vực tiền tệ. Nhằm tăng cường giao lưu kinh tế giữa Trung Quốc với các nước trên thế giới, Trung Quốc đã từng bước mở rộng thị trường tiền tệ, cho phép các cơ quan tiền tệ và ngân hàng nước ngoài được thành lập ở Trung Quốc. Do đó các cơ quan tiền tệ và ngân hàng nước ngoài kể cả các ngân hàng Hoa kiều cũng đổ vào thị trường Trung Quốc. Theo thống kê, đến cuối năm 1997, các cơ quan kinh doanh tiền tệ nước ngoài đã có 544 cơ sở ở Trung Quốc, trong đó có 173 cơ quan kinh doanh tiền tệ, 6 ngân hàng được phép kinh doanh đồng Nhân dân tệ, tổng mức kinh doanh đạt tới 37,99 tỷ USD, số dư cho vay là 27,5 tỷ USD, tỷ trọng tài sản của các cơ quan kinh doanh tiền tệ nước ngoài ở Trung Quốc chiếm trong tổng tài sản tiền tệ trong nước của Trung Quốc là 2,7% tỷ trọng chiếm trong tổng tài sản ngoại tệ của Trung Quốc là 16,2%. Tuy nhiên, do mở cửa thị trường tiền t ệ trong nước quá nhanh, trong khi sự chuyển đổi của thể chế tiền tệ trong nước lại quá chậm, dẫn đến mất cân đối trong toàn bộ nền kinh tế vĩ mô, tạo ra những cơn sóng gió tiền tệ to lớn, ảnh hưởng nặng nề cho Trung Quốc. Chỉ riêng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Thái Lan và khu vực Đông á năm 1997 vừa qua không những làm đồng bản tệ các nước Đông Nam á mất giá mà còn gián tiếp làm cho lĩnh vực tiền tệ của Trung Quốc trở nên chao đảo, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã bị giảm sức cạnh tranh đáng kể. Trung Quốc đã phải dùng đủ mọi biện pháp để có thể ngăn chặn được sự phá giá của đồng Nhân dân tệ, giữ vũng được mức dự trữ ngoại tệ trong nước (Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện nay có khoảng 140 tỷ USD).
Ngoài ra, do giao lưu kinh tế phát triển, vốn lưu động mang tính đầu cơ gia tăng, sự lạm dụng cá công cụ tiền tệ, hối suất, lợi tức, cổ phần đã làm cho sức chống đỡ rủi ro của Trung Quốc đối với tiền tệ quốc tế giảm thấp. Theo thống kê, đến cuối năm 1997, mức nợ đọng, nợ khó đòi của các ngân hàng quốc hữu đã đạt tới hơn 1.000 tỷ NDT, gấp nhiều lần vốn tự có của ngân hàng, thậm chí còn có một số người lợi dụng khe hở trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế ngân hàng làm cho nhiều ngân hàng không còn vốn để kinh doanh.
d. Trong lĩnh vực vay vốn ngân hàng
Cùng với việc tăng cường thu hút và lợi dụng vốn đầu tư của nước ngoài, số dư nợ nước ngoài của Trung Quốc tăng lên mạnh mẽ. Đến cuối năm 1997, số dư nợ nước ngoài của Trung Quốc đã đạt tới 130,96 tỷ USD, tương đương với 94% toàn bộ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc cho biết, năm 1997 đã đạt 63,2% mức lãi nợ phải trả là 7,3% mức nợ ngắn hạn là 13,9%, tuy vẫn chưa ở giới hạn cảnh báo và giới hạn nguy hiểm được quốc tế công nhận đối với mức nợ nước ngoài là 100 - 120% và 200%, mức nợ lãi là 20% và 30% , mức nợ ngắn hạn là 25% song việc lợi dụng vốn vay vẫn còn đứng trước những nguy hiểm và rủi ro rất dễ phát sinh. Hiện nay ở Trung Quốc vẫn còn tồn tại một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Trung Quốc vay nợ ở rất nhiều nguồn, mức độ phụ thuộc vào nợ nước ngoài đã cao hơn mức thông thường, song lại thiếu chính sách và biện pháp quản lý , giám sát thống nhất dẫn đến điều phối các khoản vay không cân đối, không phát huy được hiệu quả phát triển kinh tế quốc dân một cách đồng đều.
Thứ hai, các khoản vay của Nhà nước đối với các hạng mục phi sản xuất quá lớn, nhất là các khoản vay có tính chất thương mại, dẫn đến tình trạng tiêu dùng vốn vay nợ quá cao, không những không phát triển được sức sản xuất mà còn gây lãng phí, thiệt hại nguồn ngoại tệ của Nhà nước.
Thứ ba, sử dụng các khoản vay tiền không có hiệu quả thực sự. Hiện nay, nhiều hạng mục vay vốn không có luận chứng khoa học đầy đủ và chặt chẽ, dẫn đến sau khi xây dựng xong, hiệu quả thu được không cao, thậm chí thiếu khả năng trả nợ, càng làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho Nhà nước.
Thứ tư, do thiếu sự quản lý giám sát đối với việc vay vốn của nước ngoài ở các Xí nghiệp liên doanh, chung vốn với nước ngoài, một số Xí nghiệp đã tìm cách trốn tránh sự giám sát của Nhà nước, vi phạm nguyên tắc tài chính, làm tăng thêm gánh nặng vô hình cho Nhà nước.
Ngoài ra, vốn vay nước ngoài bị thất thoát cũng là hiện tượng ngày càng phổ biến không những làm thiệt hại nguồn vốn của Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng đến mức độ cân đối trong thu chi quốc tế.
III. Kết luận
Nhìn chung, từ khi cải cách - mở cửa Trung Quốc đã sớm nắm bắt được những cơ hội có lợi của xu thế toàn cầu hóa kinh tế với mức độ ngày càng tăng. Trong quá trình này, Trung Quốc đã thu được nhiều lợi ích đáng kể. Những năm qua, do tận dụng được nguồn vốn dồi dào của nước ngoài và thành quả của hoạt động mậu dịch quốc tế, đã đẩy nhanh được sự phát triển của kinh tế trong nước, nâng cao được vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc.
Bên cạnh những cơ hội mà toàn cầu hóa kinh tế đem lại, Trung Quốc vẫn còn phải đứng trước những thách thức to lớn, nếu không nhận thức được rõ ràng sẽ đem lại những rủi ro nghiêm trọng.
Muốn giải quyết được những ảnh hưởng bất lợi trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, Trung Quốc cần phải chú trọng đến một số vấn đề bức xúc trước mắt.
Thứ nhất, Trung Quốc phải xem xét và từng bước xác lập những cơ chế và chính sách đồng bộ phù hợp với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, đồng thời tỏng quá trình mở cửa đối ngoại, hoạt động kinh tế phải được quản lý dưới sự bảo đảm của quy chế pháp luật công minh, chặt chẽ và có hiệu quả.
Thứ hai, các chính sách và biện pháp trong lĩnh vực mậu dịch đối ngoại và đầu tư phải đảm bảo có sự cân đối, hài hòa với chính sách phát triển kinh tế trong nước để tạo ra sức mạnh tổng hợp bổ sung lẫn nhau, phục vụ lẫn nhau, góp phần tăng trưởng mạnh mẽ nền kinh tế quốc dân, tạo điều kiện đi sâu hơn vào tiến tình toàn cầu hóa kinh tế.
Thứ ba, việc mở rộng tự do hóa mậu dịch, tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Thông qua cơ chế điều tiết có tính chất ràng buộc, xác lập và quy chuẩn hóa hoạt động mậu dịch, chống bán phá giá và nghiêm khắc dỡ bỏ những hàng rào phi thuế quan mậu dịch, tạo điều kiện cho các nước đang phát triển thúc đẩy hoạt động ngoại thương trên thị trường quốc tế. Đứng trước những điều kiện thuận lợi và thách thức nặng nề, việc Trung Quốc gia nhập WTO buộc Trung Quốc phải có một cái nhìn toàn diện và đúng đắn. Vừa qua Mỹ và Trung Quốc đã ký kết HIệp định thương mại bình thường vĩnh viễn mở đường cho mậu dịch thông thương của Trung Quốc ngày càng phát triển. Để gia nhạp Tổ chức thương mại thế giới, Trung Quốc cần phải cố gắng hết sức mình nhằm đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn nữa.
Tóm lại, tiến trình hội nhập với toàn cầu hóa kinh tế của Trung Quốc vẫn là vấn đề nổi bật cần được tiếp tục quan tâm theo dõi và phân tích trong thời gian tới./.
( Theo vietnamchina.gov.vn )