Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

34. Sức mạnh của BRICS

LTS. Sở hữu số dân và dự trữ ngoại tệ của gần một nửa thế giới, với sức tăng trưởng mạnh mẽ, nhóm 5 nước, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS), đang được chú ý như một chủ thể độc lập và có sức nặng trong sân chơi kinh tế - chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, những mâu thuẫn nội tại và thách thức từ bên ngoài có giúp nhóm nước này đáp ứng được kỳ vọng đó?

Sức mạnh từ phép cộng
Cách đây hơn một thập kỷ, năm 2001, Trưởng ban kinh tế của Hãng Goldman Sachs khi đó là Jim ONeil, trong danh mục “Thị trường nhiều hứa hẹn trên thế giới”, ông đã coi bốn nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (Brazil, Russia, India, China, viết tắt BRIC) là “Viên gạch vàng” (Golden BRIC). Jim ONeil khi đó không thể ngờ rằng 4 nước có nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ trong danh mục “Thị trường nhiều hứa hẹn” nay đã trở thành Nhóm “BRICS” có tầm vóc quan trọng đối với kinh tế thế giới hiện nay. Tháng 5/2008, Ngoại trưởng bốn nước lần đầu tiên đã gặp nhau tại thành phố Yekaterinburg (Nga) và ra Thông cáo báo chí nhấn mạnh bốn nước sẽ “tăng cường đối thoại trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau vì lợi ích chung, hơn nữa có quan điểm gần gũi và giống nhau trong giải quyết vấn đề toàn cầu.” Tiếp đó, Bộ trưởng tài chính 4 nước họp tại Horsham (Anh) vào tháng 3/2009 thống nhất hành động và chủ trương tiến hành cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay và đòi quyền phát ngôn lớn hơn trên diễn đàn kinh tế thế giới. Tháng 5/2009, Người phụ trách Cơ quan an ninh bốn nước lần đầu tiên đã gặp nhau tại Matxcơva thảo luận hợp tác an ninh. Các điều kiện hình thành một Nhóm nước mới đã chín muồi, nên ngày 16/6/2009 Hội nghị thượng đỉnh BRIC đầu tiên đã họp tại Yekaterinburg. Đây là cái mốc đánh dấu Nhóm BRIC chính thức hình thành, và hàng năm đều tiến hành gặp mặt. Năm 2010, Cộng hòa Nam Phi gia nhập, nên BRICS có 5 nước thành viên như hiện nay.
Quả thật nếu trông vào những con số thống kê, BRICS có những tiềm năng thật ấn tượng. Nhóm này sở hữu những nguồn quan trọng nhất cho sự tăng trưởng, như chiếm hơn 1/4 diện tích đất đai, 41% dân số, gần 25% GDP, 15% thương mại và gần 50% tổng dự trữ ngoại tệ và vàng của thế giới. Dự trữ ngoại tệ của BRICS hiện tới trên 4.100 tỉ USD, trong đó của Trung Quốc trên 3.200 tỉ USD, của Brazil 200 tỉ USD, của Nga 404 tỉ USD, của Ấn Độ 254 tỉ USD.
Tiêu chí chủ yếu của các cường quốc BRICS là sự nâng cao rõ rệt về thực lực cũng như kinh tế tăng trưởng nhanh bền vững. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đa số các nước đang phát triển coi việc xây dựng kinh tế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, dồn sức vào thúc đẩy việc cải cách và chuyển đổi mô hình thể chế kinh tế, trong đó các nước lớn đang phát triển đi đầu trong trào lưu phát triển và cải cách trên thế giới. Các nước lớn đang phát triển đã giành được những thành quả trên con đường tìm kiếm sự phát triển phù hợp với tình hình của đất nước mình, cộng thêm vai trò thúc đẩy của toàn cầu hóa sâu sắc, kinh tế đã thực hiện được tăng trưởng ổn định và nhanh chóng. Vào đầu thế kỷ này, nhóm 4 nước BRIC (chưa tính Nam Phi, gia nhập năm 2010) là những nước tỏa sáng nhất của nền kinh tế thế giới, trong đó mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Trung Quốc từ năm 2002 đến năm 2008 đã vượt qua con số 10%, năm 2007 lên tới 11,9%, Ấn Độ đạt 9,3%.Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có mức ảnh hưởng khác nhau đối với các nước. Nước lớn phương Tây như Mỹ là nước phải hứng chịu “thiệt hại nặng nề” của cuộc khủng hoảng này, kinh tế tụt dốc nghiêm trọng, có một số nước thậm chí xuất hiện nền kinh tế suy thoái. Năm 2009, kinh tế Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản đều rơi vào sự tăng trưởng âm. Trong khi đó, các nước BRICS kinh tế tăng trưởng tuy có phần chậm, nhưng mức suy giảm không lớn, vẫn ở mức tăng trưởng tương đối cao, tăng trưởng vẫn ở mức trên 5%, đặc biệt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc còn vượt xa mức này.
Điều đáng nói là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng năm 2008, BRICS đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có. Tổng GDP của nhóm BRICS (trước khi Nam Phi gia nhập vào cuối năm 2010) đã tăng gấp bốn lần, với 12 nghìn tỷ USD năm 2010, 13.600 tỷ USD năm 2011, đóng góp 45% vào tăng trưởng của kinh tế thế giới. Chỉ tính riêng năm 2001-2010, kim ngạch thương mại giữa năm nước đã đạt 230 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 28%. Sự đóng góp của 4 nước BRICS đầu tiên vào kinh tế của thế giới trong 5 năm qua cũng tăng mạnh, đạt gần 50%. Năm 2007, chỉ tính riêng sự đóng góp của Trung Quốc đối với việc tăng trưởng kinh tế của thế giới đã vượt qua 12%, cao hơn so với Mỹ. Báo cáo mới đây của tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) dự báo, 4 nước BRIC đầu tiên sẽ “đi đầu thống lĩnh nền kinh tế thế giới” trong thế kỷ này; trong năm 2040, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nước lớn kinh tế hàng đầu thế giới; trong năm 2033, Ấn Độ có thể trở thành nước lớn kinh tế thứ ba trên thế giới.
Nhóm nước BRICS, hay còn gọi là “các cường quốc hưng thịnh” đã trở thành đầu tàu thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thế giới, phát huy vai trò quan trọng chưa từng thấy trong hệ thống kinh tế thế giới. Thậm chí, sự gia tăng ảnh hưởng của BRICS đã được lãnh đạo các nước phương Tây như Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phải thừa nhận khi tuyên bố: “Nếu xa rời các cường quốc hưng thịnh này, bất kể các vấn đề quốc tế quan trọng nào đều không thể giải quyết tốt được”.
Chất kết dính: Tiếng nói đối kháng với phương Tây
Trong các diễn đàn chung, các cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm, các nhà lãnh đạo BRICS đều nhất trí đoàn kết trong nhiều vấn đề quốc tế, thể hiện quyết tâm cùng phấn đấu chia sẻ nhiều lợi ích quốc tế hơn nữa, tiếp tục củng cố khối liên minh năm nước, đồng thời cũng thể hiện cuộc đọ sức mạnh mẽ giữa BRICS với các nước phương Tây trong một số các vấn đề.
Thứ nhất là thúc đẩy đàm phán thương mại toàn cầu Doha. Mặc dù các vòng đàm phán Doha đều là đàm phán đa phương nhưng nhân vật chính thực sự của các cuộc đàm phán là các nước trong nhóm G20 bao gồm Mỹ, EU và các nước đang phát triển như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc…BRICS đồng lòng kiến nghị xây dựng một hệ thống mậu dịch quốc tế tự do, công bằng và hợp lý, phản đối bảo hộ dưới mọi hình thức, đồng thời tăng cường hệ thống thương mại đa phương.
Thứ hai là cải cách hệ thống tài chính quốc tế, cùng chống lại sự bá quyền của đồng USD và thúc đẩy đa dạng hóa các loại tiền tệ dự trữ quốc tế. Sự bá quyền của đồng USD và nỗi khổ do nó đem lại cho các nước khác là rất lớn. Nhìn tình trạng lúng túng xử lý vấn đề lạm phát ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi có thể thấy rõ điều này. BRICS luôn cảnh báo viễn cảnh dài hạn của đồng USD do thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách của Mỹ, bày tỏ sự bất mãn đối với đặc quyền dự trữ tiền tệ chủ yếu của toàn cầu mang lại cho Mỹ. Các nhà lãnh đạo khối BRICS kêu gọi xây dựng một hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế có thể "cung cấp ổn định và chắc chắn", đồng thời thiết lập một hệ thống dự trữ ngoại hối toàn diện và thảo luận về quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF.
Thứ ba là bình đẳng trách nhiệm giải quyết vấn đề khí hậu và năng lượng. Trong khi các quốc gia phương Tây không muốn chịu trách nhiệm cho lịch sử công nghiệp hóa của mình, lại ép buộc các nước đang phát triển đi sau phải gánh vác nhiều trách nhiệm quốc tế hơn. Các nước BRICS duy trì quan điểm các nước phát triển và các nước đang phát triển cần kiên trì nguyên tắc cùng chịu trách nhiệm nhưng có phân định, hợp tác ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu này.
Cuối cùng là xu thế 5 nước BRICS đối thoại độc lập với khối G8 ngày càng rõ rệt. Năm 2008, trong thời gian diễn ra Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo các nước này với khối G8 (8+5) tại hồ Toya, Hokkaido Nhật Bản, lãnh đạo BRICS đã tổ chức cuộc gặp tập thể và công bố tuyên bố chính trị chung, thúc đẩy hợp tác nam-nam, đối thoại nam-bắc, thúc đẩy cùng nhau phát triển cũng như tiến hành thảo luận sâu sắc về vấn đề mang tính toàn cầu mà các bên cùng quan tâm, đạt được sự nhất trí quan trọng.
Có thể thấy, các nước BRIC mong muốn hợp tác với nhau là do mưu cầu lợi ích chung thúc đẩy, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng cách thức hợp tác này không đủ sâu để loại bỏ những mâu thuẫn đến từ việc cạnh tranh lẫn nhau.
Thiếu kế hoạch hành động chung
Theo một logic thường thấy, sức mạnh của nhóm luôn tiềm ẩn nguy cơ bị giảm sút khi xuất hiện mâu thuẫn bên trong. Mặc dù có những quan điểm chung về các vấn đề toàn cầu trong đối thoại với phương Tây nhưng các nước BRICS lại đang tồn tại những khác biệt đến mức các lợi ích chung của họ không thể biến thành một kế hoạch hành động chung. Chính các khác biệt này đang khiến hợp tác giữa các nước BRICS tiến triển tương đối chậm, ngược với sự phát triển khá nhanh của từng thành viên.
Trước tiên là sự rạn nứt trong việc tìm kiếm một bản sắc chung và sự hợp tác được thể chế hóa của nhóm 5 nền kinh tế đang nổi này, trong đó đáng chú ý là thảo luận thành lập một ngân hàng phát triển chung, có thể hỗ trợ việc huy động các khoản tiết kiệm giữa các nước, ngân hàng phát triển chung theo mô hình của Ngân hàng Thế giới (WB). Ngân hàng trên sẽ yêu cầu các thành viên BRICS đóng góp vốn nhằm tài trợ cho các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như cung cấp các khoản vay dài hạn hơn để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giống như cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay ở châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tìm cách chi phối nhóm nước này bằng những việc như công khai tìm cách kiểm soát ngân hàng phát triển chung đang được đề xuất thành lập, điều mà Ấn Độ và Nga sẽ rất khó chấp nhận.
Tiếp đến là việc các nước BRICS dù không hài lòng về quy chế coi đồng USD như đồng tiền dự trữ của thế giới nhưng lại không nhất trí được về cách thức phản ứng trong vấn đề này. Cấu trúc BRICS giúp Trung Quốc có cơ sở để mở rộng vai trò quốc tế của đồng NDT. Trong nỗ lực đưa đồng NDT trở thành một đồng tiền toàn cầu, có thể cạnh tranh với đồng USD và đồng euro, Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng các khoản vay bằng đồng NDT cho các thành viên BRICS khác. Việc cho vay và buôn bán bằng đồng NDT dường như đang thúc đẩy hơn nữa vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc song nó lại đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường sản xuất tại các nước BRICS khác, nhất là Ấn Độ và Brazil.
Trung Quốc cũng không có chung quan điểm với các nước BRICS khác trong vấn đề cải cách thể chế toàn cầu. Nước này muốn xem xét lại cấu trúc của hệ thống tài chính thế giới, tìm cách cải cách hệ thống Bretton Woods vốn hầu như không thay đổi từ giữa thế kỷ 20 và phục vụ lợi ích của các nước phương Tây nhưng lại phản đối việc mở rộng số thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vì vẫn muốn là quốc gia châu Á duy nhất có chiếc ghế thường trực tại Hội đồng bảo an, một lập trường mâu thuẫn với Ấn Độ.
Các nước BRIC cũng cạnh tranh quyết liệt về thị trường xuất khẩu khi đều coi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu chủ chốt của mình. Ngay trong nội bộ BRIC cũng không có sự thống nhất về lợi ích. Brazil và Nga hy vọng giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng lên để hưởng lợi, nhưng Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước lớn về sản xuất hàng hóa - lại muốn giá năng lượng và nguyên liệu thô giảm xuống. Đây chính là mâu thuẫn căn bản về lợi ích giữa các nước BRIC. Hay Brazil - nước nông nghiệp có sức cạnh tranh nhất thế giới nhưng không thể tiếp cận thị trường nông sản Ấn Độ vì New Dehli rất quan tâm bảo vệ 300 triệu dân trong khu vực nông nghiệp có sức cạnh tranh rất thấp của họ. Trong khi đó, Trung Quốc vốn có quan hệ mạnh và đang tăng lên với cả 3 nước BRIC khi là nước "khát" nguồn nguyên liệu thô của Nga và Brazil, đồng thời cũng mong muốn bán sản phẩm vào thị trường đang tăng trưởng mạnh mẽ của Ấn Độ.
Sau 4 năm kể từ khi khởi động, 3 năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, không thể phủ nhận nhịp độ hình thành khá nhanh của BRICS trong nỗ lực trở thành một công cụ chính trong việc định hình cấu trúc quản trị toàn cầu, cho thấy “hình hài” của một trật tự thế giới với những sáng kiến toàn cầu đầu tiên thoát khỏi sự lệ thuộc của phương Tây. Song BRICS mặc dù đã đưa ra không ít những đề xuất nhiều triển vọng nhưng việc thực hiện những đề xuất đó bị hạn chế bởi không có quyết tâm chính trị và cơ chế tổ chức tương ứng. Để trở thành đối trọng và trở thành một cực trong cục diện kinh tế chính trị thế giới, rõ ràng BRICS cần có quyết tâm lớn hơn nữa trong việc thực hiện những mục tiêu chung. Và nếu BRICS đạt được mục tiêu của họ, điều đó sẽ tốt cho cả thế giới.
Chu Khang
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/4/03E2B09C3D2832E7/

BRICS và tuyến cáp quang riêng
Theo dự án có tên BRICS Cable được Nam Phi đưa ra, tuyến cáp viễn thông này sẽ nối Vladivostok (Nga) với Miami (Mỹ) chạy qua Shantou (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ) và Fortaleza (Nam Phi). Với chiều dài 34.000km, đây là tuyến cáp quang dài thứ ba thế giới.
Nhìn lướt qua bản đồ các tuyến cáp ngầm xuyên đại dương hiện đang tồn tại cho thấy, các dữ liệu muốn “đi” từ Trung Quốc đến Brazil sẽ phải đi qua các trung tâm ở châu Âu hay ở Mỹ, chịu các chi phí lớn và có “nguy cơ tiềm tàng bị các nước không thuộc BRICS chặn lại các thông tin tài chính và an ninh quan trọng”, theo ngôn ngữ trong dự án BRICS Cable. Tuyến cáp mới dự kiến đi vào sử dụng cuối năm 2014 sẽ kết nối với tuyến WACS ở bờ biển phía Tây châu Phi và tuyến EASSY và SEACOM ở phía đông lục địa này, tạo điều kiện cho 21 quốc gia Châu Phi kết nối nhanh chóng với mạng lưới BRICS đồng thời góp phần cải thiện việc lưu thông và trao đổi về công nghệ và thương mại.
Vậy tại sao tuyến cáp này lại kết nối cả nước Mỹ? Theo Andrew Mthembu, Chủ tịch tập đoàn i3 Africa and Imphandze Investment (Nam Phi), “không thể loại Mỹ ra ngoài vì nếu bỏ Mỹ ra khỏi bức tranh tức là loại bỏ sự lưu thông. Mỹ vẫn là nền kinh tế quan trọng với Brics”. Thực sự, bản thân Mthembu cũng ngạc nhiên khi không có nhiều ý kiến phản đối việc mở rộng tuyến cáp quang này tới Mỹ khi dự án được thảo luận tại New Delhi. Các cân nhắc về thương mại rõ ràng quan trọng hơn là việc bỏ qua Mỹ.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từng nói rằng tuyến cáp sẽ giúp giải quyết “thách thức về mặt kết nối từ lâu vẫn được cho là rào cản thương mại nội khối BRICS”. Nhưng riêng với Nam Phi, đây là một nỗ lực để chứng tỏ vai trò của một “lính mới” trong khối. Vẫn bị xem là “quá sức” khi tham gia câu lạc bộ của các nền kinh tế mới nổi vì nền kinh tế bị cho là “nhỏ” hơn rất nhiều so với các nước còn lại trong nhóm BRICS, Nam Phi cần phải thúc đẩy các dự án quan trọng chiến lược đáng một cách thuyết phục – và BRICS Cable là một dự án như vậy.
Từ tháng 3/2011, chính phủ các nước BRICS nhiều tập đoàn viễn thông đã nghiên cứu dự án và khả năng tài chính cũng như khung thời gian thực hiện. Họ sẽ mất ít nhất 6 tháng để xin giấy phép các chính phủ liên quan. Đây là khâu mất thời gian nhất vì mỗi nước lại có quy chế và luật lệ riêng. Dù vậy, ông Mthembu vẫn lạc quan vì dự án đã được đưa vào trong tuyên bố chung của BRICS sau cuộc họp thượng đỉnh và đã được các chính phủ thành viên ủng hộ “về nguyên tắc”.
Bảo Trâm



Sau BRIC sẽ là CIVETS?
Những năm qua, khối BRIC tiếp tục dẫn dắt sự chuyển dịch của nền kinh tế toàn cầu hướng tới các nền kinh tế đang phát triển. Giờ đây, ngoài BRICS, các nhà đầu tư quốc tế ngày càng quan tâm hơn tới một loạt nước đang nổi lên khác. Bộ phận phân tích thông tin EIU thuộc Tạp chí The Economist (Anh) mới đây cho rằng sau BRIC sẽ là CIVETS, gồm các nước Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi, sẽ là khối có tốc độ phát triển cao, bền vững nhất và sẽ là đích đến tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Khái niệm BRIC, gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, được Goldman Sachs đưa ra từ năm 2001. BRIC đã trở thành đối thủ của các nền kinh tế phát triển G-7, và tổng GDP của BRIC dự kiến vượt G-7 vào năm 2020. Gần đây, giới kinh tế bắt đầu đề cập tới nhóm các nền kinh tế mới nổi sau BRIC. Một số khái niệm đã được đưa ra, song đáng chú ý là khái niệm về CIVETS, những nước có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định trong dài hạn. Các nền kinh tế này đều có số dân đông và tỷ lệ dân số trẻ cao, có các hệ thống tài chính tương đối phát triển, ít nhất là tại các quốc gia không thuộc châu Á.
Hiện tại, không có thành viên nào trong CIVETS có mức lạm phát phi mã, ngoại trừ mức lạm phát tương đối cao tại Ai Cập hiện nay. CIVETS cũng không bị thâm hụt tài khoản vãng lai cao do lạm phát. Tại các nước khác, nhất là trong G-7, thâm hụt ngân sách đều tăng cao do khủng hoảng toàn cầu, nhưng nợ công tại các nước CIVETS lại tương đối thấp. Lo ngại nhất trong lĩnh vực này là Ai Cập, với nợ công hiện ở mức 80% GDP. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh đang giảm bớt lo ngại về gánh nặng nợ nần và dân số trẻ đồng nghĩa với việc tỷ lệ nợ tại Ai Cập không đáng lo ngại bằng các nước OECD.
Ngoài nền tảng kinh tế mạnh, các nước CIVETS cũng đã minh chứng sự kiên cường tuyệt vời trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, chứng thực bằng việc hoạch định chính sách có định hướng tốt trong những năm gần đây. Cuối cùng, nền tảng chính trị tại các quốc gia CIVETS đều có tính hỗ trợ cao cho tăng trưởng kinh tế. EIU cho rằng khối CIVETS sẽ có mức tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 4,5% trong 20 năm tới. Con số này chỉ thấp hơn chút ít so với mức tăng trưởng 4,9% của BRIC, nhưng cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng kinh tế 1,8% của G-7.
EIU kết luận rằng 6 nền kinh tế của CIVETS có nhiều khả năng thành công nhất sau BRIC. Tất nhiên, CIVETS sẽ không định hình trật tự kinh tế toàn cầu theo cách mà BRIC sẽ làm. Vào năm 2030 chỉ có thêm Ai Cập là có khả năng sẽ bắt kịp Inđônêxia và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước vốn đã nằm trong nhóm 20 nước dẫn đầu của kinh tế thế giới (G-20). Tổng GDP của các nước này, kể cả tính theo sức mua tương đương, sẽ chỉ bằng 1/5 của G-7 cộng lại, nhưng CIVETS sẽ chiếm một phần quan trọng trong tăng trưởng toàn cầu vào giai đoạn đó. Sự nổi lên của các nền kinh tế này sẽ giúp củng cố triển vọng tại các khu vực, thúc đẩy sự chuyển dịch của nền kinh tế toàn cầu.
Nhất Phong (gt)



Ý kiến
Giáo sư Joseph Nye, tác giả học thuyết “sức mạnh mềm”: Tôi không cho rằng các nước BRICS sẽ trở thành lực lượng lớn với tư cách một tổ chức thống nhất... BRICS sẽ là một tổ chức có liên thông ngoại giao lỏng lẻo. Đôi khi họ thấy thuận tiện để gặp nhau, bàn về một quan điểm chung. Nhưng vấn đề là khi đã vượt qua được tầm mức đầu tiên, thì sẽ thấy có những quyền lợi khác nhau giữa các nước. Ví dụ, Brazil và Trung Quốc có lập trường khác nhau về giá trị của đồng nhân dân tệ. Brazil không hài lòng với chính sách định giá thấp của Trung Quốc...
Andrey Volodin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thuộc Học viện Ngoại giao Nga: Không chỉ là tác nhân ổn định của hệ thống kinh tế thế giới, BRICS còn có thể đóng vai trò quan trọng trong sự bình ổn chính trị toàn cầu, đặc biệt là trong việc giải quyết xung đột khu vực, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố quốc tế, bảo tồn các điều kiện khí hậu trên Trái Đất.
Project syndicate: Nếu BRICS muốn trở thành một nhóm có thể gây áp lực trong các quan hệ quốc tế, BRICS phải nhất trí được về những mục tiêu chính trị và kinh tế có thể đạt được. Các nước BRICS thường không hài lòng về quy chế coi đồng USD như đồng tiền dự trữ của thế giới.
T.N (Tổng hợp)