Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

70.000 tỷ đồng cho một đề án giáo dục. Những người soạn thảo đề án nói gì?

70.000 tỷ đồng cho một đề án giáo dục
TT - Nhiều chuyên gia giáo dục đã bày tỏ sự băn khoăn về dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông để triển khai thí điểm vào năm 2017: Đề án có gì mới? Có giải quyết được những bất cập của giáo dục hiện nay không?
Trong một hội thảo vào đầu tháng 6-2011 do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức nhằm góp ý cho dự thảo, Tuổi Trẻ đã trao đổi với GS Văn Như Cương và GS Nguyễn Minh Thuyết bắt đầu từ con số 70.000 tỉ đồng.
Học sinh chọn mua sách giáo khoa chuẩn bị năm học tới. Từ lâu, sách giáo khoa luôn là câu chuyện nóng bỏng của giáo dục nước nhà  - Ảnh: NHƯ HÙNG
* Các ông nghĩ gì về việc Bộ GD-ĐT dự trù một số tiền lớn như vậy để xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới? Theo các ông, những đề án có mức kinh phí bằng tiền ngân sách nhà nước như thế này phải được xem xét, thẩm định ra sao?
Tóm tắt nội dung của đề án
Nội dung chính của đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông gồm: xây dựng chương trình, biên soạn SGK các cấp học, biên soạn tài liệu hướng dẫn giảng dạy (kinh phí 962 tỉ đồng), đầu tư cơ sở vật chất (35.000 tỉ đồng), đầu tư thiết bị dạy học (30.050 tỉ đồng), triển khai thí điểm chương trình - SGK (3.591 tỉ đồng). Dự kiến năm 2017 thí điểm, năm 2019 triển khai đại trà.
- GS Nguyễn Minh Thuyết:
Theo tôi được biết thì 70.000 tỉ đồng không phải chỉ để biên soạn chương trình, SGK mới mà còn dự kiến cho nhiều hạng mục khác của đề án như xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, đào tạo giáo viên... Kinh phí dự kiến cho việc xây dựng chương trình, SGK chỉ có 962 tỉ đồng. Tuy vậy, con số ấy cũng là rất lớn.
Theo nghị quyết 49/2010/QH12 của Quốc hội, những dự án, công trình được đầu tư từ 35.000 tỉ đồng trở lên, trong đó có ít nhất 11.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, là công trình quan trọng quốc gia và phải trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đề án này dự trù kinh phí từ ngân sách nhà nước gấp sáu lần mức 11.000 tỉ đồng, chắc chắn phải đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Để thuyết phục được Quốc hội, phải đưa ra được những điểm mới, tiến bộ, kèm theo đó là những tài liệu nghiên cứu rất công phu về toàn bộ các vấn đề liên quan.
Tôi hoạt động ở Quốc hội hai khóa, thấy các dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội thường kèm theo một lượng tài liệu rất đồ sộ. Nhưng bản dự thảo đề án này được mang ra xin ý kiến giới khoa học chỉ vỏn vẹn 30 trang. Tôi nghĩ chỉ xét ở góc độ dụng công, đề án này đã rất khó thuyết phục.
- GS Văn Như Cương: Sự lãng phí hay không, không chỉ xét ở số tiền nhiều hay ít mà ở chỗ nó được sử dụng thế nào, có mang lại hiệu quả không. Nếu chi tiền tỉ để thực hiện một việc mà ngay từ đầu người ta đã thấy không cần thiết, có quá nhiều vấn đề bất ổn, phi lý thì rõ là lãng phí.
Đó là chưa kể ở các hạng mục khác như đầu tư thiết bị dạy học, đào tạo giáo viên... Khi xây dựng chương trình, SGK mới từ năm 2002, kinh phí đầu tư cũng là con số không nhỏ nhưng đến nay chưa hề có sự tổng kết việc sử dụng thiết bị thế nào.
Ở rất nhiều nơi vẫn kêu ca chuyện “thiết bị nhập về rồi đắp chiếu”. Khi triển khai cái mới, chi thêm một khoản tiền lớn cho việc này mà không tận dụng, kế thừa cái cũ cũng là lãng phí.
Phụ huynh và học sinh chọn mua sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới - Ảnh: Minh Đức
* Xây dựng một chương trình mới trong khi chương trình hiện hành mới chỉ áp dụng đại trà đủ một vòng từ lớp 1 đến lớp 12 cách đây vài năm, theo các ông có nên không? Những điểm thiếu thuyết phục, bất ổn mà các ông nói đến ở đề án là gì?
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Ở nhiều nước, chu kỳ đổi mới chương trình, SGK phổ thông chỉ khoảng 10-15 năm. Ở nước ta, tính từ chương trình cải cách giáo dục năm 1981 đến lúc triển khai chương trình, SGK hiện hành là 21 năm. Nếu lấy năm 2002 (thực hiện đại trà chương trình, SGK hiện hành) làm mốc thì đến năm 2019 (dự kiến triển khai đại trà chương trình, SGK sắp xây dựng), tổng thời gian là 17 năm.
Hơn nữa, chương trình, SGK hiện hành cũng có nhiều điểm cần được điều chỉnh. Bởi vậy, tôi tán thành xây dựng chương trình, SGK mới. Nhưng điều tôi không tán thành là đề án này thể hiện một quy trình ngược. Việc cần làm trước nhất là đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, như nghị quyết Đại hội XI đã nêu, hay nói như nhiều nhà giáo dục là cần phải có một cuộc cải cách giáo dục. Hiện tại việc này chưa được tiến hành, chiến lược giáo dục đến năm 2020 cũng chưa công bố, trong khi đó lại rục rịch xây dựng chương trình, viết SGK là làm ngược.
Để có một chương trình giải quyết được những bất cập hiện thời, rất nhiều vấn đề cần được làm rõ trước. Ví dụ: Mô hình hệ thống giáo dục phổ thông trong tương lai sẽ như thế nào, 11 năm hay 12 năm? Mỗi cấp học mấy năm? Chương trình xây dựng cho học một buổi hay hai buổi? Số lượng môn học ở từng cấp thế nào là đủ và không gây quá tải? Có tổ chức dạy học phân ban không? Nếu có thì tổ chức phân ban thế nào để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, chứ không phải chỉ để phục vụ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng?
Mỗi câu hỏi cần phải được giải đáp bằng một công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu. Hiện tại, câu trả lời chưa có thì làm sao có thể xây dựng một chương trình, SGK tiến bộ hơn và giải quyết được những bất cập?
- GS Văn Như Cương: Điều mà ngành GD-ĐT cần cấp bách làm hiện nay và làm trước là cải cách giáo dục, hay có thể gọi một cách khác hơn là đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục. Ít nhất cũng cần xác định lại triết lý giáo dục, điều chỉnh cấu trúc hệ thống giáo dục cho phù hợp với yêu cầu mới.
Trong khi chưa làm được điều này, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên nghĩ cách làm sao để chương trình không quá nặng đối với học sinh. Việc làm này có ích và cũng tốn ít tiền hơn.
Việc một chương trình vừa mới trải qua một vòng thực hiện đại trà chưa lâu, nhiều bất ổn còn chưa được nghiên cứu, phân tích đã bập vào làm một chương trình, một bộ SGK mới với số tiền rất lớn, tôi e không những bất cập không giải quyết được mà việc này cũng không được sự ủng hộ rộng rãi của xã hội.

Những người soạn thảo đề án nói gì?
TT - Dự thảo đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 còn rất nhiều vấn đề cần được làm rõ.
Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) và ông Đỗ Ngọc Thống - phó chủ tịch hội đồng khoa học Viện Khoa học giáo dục, thành viên của ban soạn thảo đề án trên.


* Chương trình giáo dục trong đề án đổi mới có những điểm mới khác biệt nào với chương trình - sách giáo khoa cũ? Liệu những cái mới có thể khắc phục được những bất cập mà chương trình - sách giáo khoa hiện hành đang gặp phải không?
- Ông Vũ Đình Chuẩn: Chương trình hiện hành quan tâm chủ yếu tới việc học sinh sẽ học được những gì. Việc xây dựng chương trình như vậy được gọi là theo hướng tiếp cận nội dung dạy học. Chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy.
Theo đó nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, trong cuộc sống; coi trọng rèn luyện kỹ năng sống.
Chương trình mới sẽ có mức yêu cầu, nội dung mang tính bắt buộc trong toàn quốc, nhưng cũng có phần dành cho các địa phương chủ động xác định, vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm dạy học của địa phương, của thầy và trò. Chương trình có sự hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ”, “dạy người” và từng bước “dạy nghề”, định hướng nghề nghiệp, nhất là ở cấp THPT.
Nội dung các môn học cần cân đối giữa lý thuyết hàn lâm với tăng cường thực hành, gắn với các tình huống đời sống và yêu cầu giải quyết vấn đề; tích hợp tránh sự trùng lặp không cần thiết gây nên sự quá tải của chương trình. Chương trình không nặng về cung cấp nhiều kiến thức mà các kiến thức được lựa chọn cơ bản, vừa đủ để phát triển năng lực tư duy, phương pháp học, phát triển năng lực giải quyết vấn đề... cho học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh.
- PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Có thể nêu lên một số điểm mới. Trong đó, tôi chỉ dẫn ra một điểm khác biệt lớn nhất đó là chương trình giáo dục lần này được thiết kế theo định hướng tiếp cận năng lực. Khác với cách tiếp cận nội dung, tiếp cận năng lực chú trọng vào việc yêu cầu học sinh học xong phải thể hiện được, làm được; biết vận dụng những kiến thức để giải quyết các tình huống đặt ra trong cuộc sống... rất gần gũi và thiết thực đối với cá nhân và cộng đồng.
Chính theo hướng này, chương trình cần bỏ đi những nội dung quá hàn lâm, lý thuyết rất uyên bác nhưng không cần thiết đối với trình độ học vấn phổ thông, trong khi lại thiếu những hiểu biết sơ giản nhưng rất cần thiết để sống có chất lượng, có văn hóa. Thực hiện điều đó cũng có nghĩa là sẽ góp phần “giảm tải”.
Cũng do định hướng phát triển năng lực mà việc lựa chọn nội dung dạy học phải thay đổi. Những nội dung thiết thực, gắn với cuộc sống hằng ngày, giúp HS trả lời, lý giải những hiện tượng thường nhật sẽ được chú ý hơn...
Vì thế, phương pháp dạy học không thể như cũ. Có thể nói ngắn gọn: một bên chú trọng cung cấp kiến thức cho HS (biết càng nhiều càng tốt), và một bên quan tâm đến việc dạy cho HS biết vận dụng kiến thức ấy như thế nào cho hiệu quả. Cuối cùng định hướng ấy cũng sẽ góp phần thay đổi cách đánh giá: tập trung vào năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở, cách giải quyết vấn đề và vận dụng kiến thức vào đời sống. Đây chính là hướng đánh giá kết quả học tập mà nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng.
Tuy nhiên cần nói thêm, làm chương trình mới không có nghĩa là loại bỏ hết chương trình cũ mà bao giờ cũng kế thừa những yếu tố tích cực, bổ sung, điều chỉnh theo định hướng mới nhằm đáp ứng các mục đích vừa nêu trên.
* Dư luận đang quan tâm đến con số 70.000 tỉ đồng dự kiến chi cho đề án. Con số này có quá lớn không, thưa ông?
- Ông Vũ Đình Chuẩn: Đúng là dự thảo có dự toán kinh phí 70.000 tỉ đồng, nhưng không phải tất cả số tiền đó chi cho việc biên soạn chương trình - sách giáo khoa, mà việc biên soạn chương trình - sách giáo khoa chỉ dự kiến chi là hơn 960 tỉ đồng (chưa đầy 1/70 tổng dự toán).
Số còn lại chi cho các công việc khác như: xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35.000 tỉ đồng (chiếm 1/2 tổng dự toán); mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30.000 tỉ đồng (gần 1/2 nữa); đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý hơn 390 tỉ... Đây cũng chỉ mới là khái toán trong một bản dự thảo đề án để xin ý kiến các bộ, ngành. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục phải tính toán chi tiết và xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp.
* Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng ngành GD-ĐT lại tiếp tục đi một quy trình ngược là đổi mới chương trình - sách giáo khoa trước khi thực hiện một cuộc cải cách giáo dục toàn diện?
- Ông Vũ Đình Chuẩn: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt ra nhiệm vụ phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Để thực hiện được việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, chúng ta xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020. Việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược đó.
Tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện cần được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông lần này, từ cách tiếp cận cho đến các định hướng, nguyên tắc, quy trình; thể hiện qua các phần của bộ chương trình giáo dục phổ thông như: mục tiêu giáo dục, nội dung dạy học, định hướng và phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Như vậy, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, không phải là quá trình ngược.
Hướng đến việc đổi mới cơ bản, toàn diện
- Mục tiêu của đề án là xây dựng, ban hành và triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông cùng các tài liệu hỗ trợ thiết yếu dựa trên những cơ sở khoa học đúng đắn, thể hiện tinh thần đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và hình thành, phát triển nhân cách học sinh.
- Đề án dựa trên các nguyên tắc: quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; đảm bảo kế thừa những thành tựu của VN và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông; đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc và linh hoạt vùng miền, khả thi, phù hợp với đối tượng học sinh; đảm bảo tính đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và phương thức đánh giá kết quả học tập.
- Định hướng đổi mới được đặt ra trong đề án là tiếp cận theo hướng phát triển năng lực; đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo hướng phát triển năng lực cho học sinh; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục theo yêu cầu phát triển năng lực; điều chỉnh hài hòa, cân đối giữa dạy chữ và “dạy người” và từng bước dạy nghề; nội dung giáo dục mang tính cơ bản, hiện đại, thực tiễn, giúp hình thành và phát triển năng lực học tập; đổi mới cấu trúc chương trình, đảm bảo tính chỉnh thể của chương trình và SGK phổ thông; xây dựng một chương trình, biên soạn một bộ SGK và các tài liệu hỗ trợ dạy học.
- Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ GD-ĐT dự kiến thực hiện các giải pháp: nghiên cứu cơ sở khoa học về đổi mới, chương trình - SGK, tuyên truyền, trưng cầu ý kiến đóng góp, pháp chế hóa các hoạt động tổ chức, chỉ đạo và giám sát, đánh giá quá trình thực hiện, chuẩn hóa các điều kiện để thực hiện chương trình - SGK, cụ thể là bổ sung đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học...
- Dự kiến đề án sẽ có bốn giai đoạn. Giai đoạn từ 2011-2013, thành lập BCĐ đổi mới chương trình - SGK quốc gia, hội đồng xây dựng và thẩm định chương trình - SGK từng cấp học, xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy liên quan, tập huấn nâng cao năng lực cho tác giả, thành viên thẩm định, xây dựng, ban hành chương trình để thử nghiệm, xây dựng đề cương, chuyên đề dành cho trường sư phạm và tài liệu bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.
Giai đoạn 2 từ 2013-2015: tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành SGK, sách giáo viên để thử nghiệm, tổ chức khảo sát nhu cầu, hoàn thiện thẩm định và ban hành danh mục, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu về thiết bị dạy học...
Giai đoạn 3 từ 2015-2019: tiến hành thử nghiệm chương trình - SGK, tổ chức đánh giá kết quả thử nghiệm, trưng cầu ý kiến về chương trình - SGK, tổ chức hoàn thiện, thẩm định, ban hành chương trình chính thức...
Giai đoạn 4 từ 2019-2022: tổ chức hoàn thiện, thẩm định, ban hành chính thức SGK, tài liệu hướng dẫn giảng dạy, triển khai các hoạt động hướng dẫn thực hiện chương trình - SGK.
Dự kiến sẽ tiến hành đồng thời việc xây dựng chương trình từ tiểu học đến THPT, xây dựng chương trình các môn học và hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12. Sau đó, tiếp tục tiến hành đồng thời việc biên soạn SGK các môn học từ lớp 1 đến lớp 12.
Việc thử nghiệm bắt đầu từ năm học 2015-2016 theo phương thức tiến hành đồng thời ở cả ba cấp học. Triển khai chính thức vào năm học 2017-2018, cũng theo phương thức tiến hành đồng thời ở ba cấp học.
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
http://tuoitre.vn/Giao-duc/441599/Nhung-nguoi-soan-thao-de-an-noi-gi.html