Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Dấu hiệu cảnh báo về sự hiện diện của “đế chế” toàn cầu

TCCSĐT - Theo báo “Diễn đàn thông tin quốc tế” (International Herald Tribune), trong nội bộ Hạ viện Mỹ đang diễn ra cuộc thảo luận về nội dung của dự luật mới về ngân sách quốc phòng của Mỹ để thay thế đạo luật cùng tên đã từng được Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ phê chuẩn sau sự kiện 11-09-2001. Nội dung quan trọng nhất sẽ được bổ sung vào dự luật mới về ngân sách quốc phòng là chức năng quân sự mới của Mỹ trong một thế giới đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua.


Dự luật mới về ngân sách quốc phòng của Mỹ không chỉ cho phép tổng thống Mỹ có quyền tiến hành cuộc “chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” với những kẻ đã từng dính líu vào vụ khủng bố ngày 11-09-2001 nhằm vào nước Mỹ và  những kẻ đồng lõa, mà còn mở rộng khái niệm “kẻ thù của nước Mỹ”, trong đó còn có tất cả các lực lượng có liên quan đến các tổ chức khủng bố như An Kê-đa hoặc Ta-li-ban... trên toàn thế giới. Điều đáng nói là quan niệm “khủng bố” và “các lực lượng có liên quan” tới khủng bố đều do Mỹ tự định đoạt mà không dựa vào bất cứ tiêu chuẩn pháp lý quốc tế nào. 
Theo nhận xét của những người phản đối dự luật mới về ngân sách quốc phòng của Mỹ, thì nội dung mới được bổ sung này thoạt nhìn có vẻ “vô thưởng vô phạt”, nhưng trên thực tế nó cho phép Mỹ sử dụng tất cả các lực lượng và phương tiện hiện có cũng như sẽ có để thực hiện sứ mệnh “chống khủng bố” không chỉ ở I-răc, Ap-ga-ni-xtan mà còn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Từ đó, hai cuộc chiến tranh hiện nay mà Mỹ đang tiến hành ở hai quốc gia này có thể phát triển thành ba, bốn hoặc năm cuộc chiến tranh trên khắp các châu lục, từ Trung Đông, châu Phi đến Nam Á hoặc bất kỳ nơi nào khác mà ở đó Mỹ nghi ngờ có các lực lượng có liên quan đến các tổ chức khủng bố như An Kê-đa hoặc Ta-li-ban.   
Báo “Diễn đàn thông tin quốc tế” nhận xét: “Trên thực tế, trong thập kỷ gần đây, dựa vào đạo luật về ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2001, các lực lượng vũ trang Mỹ mượn cớ hành động chống lại “nguy cơ khủng bố xuyên quốc gia”, đã sử dụng bộ máy quân sự lớn nhất thế giới, trong đó có cả tàu sân bay, tầu ngầm, máy bay không người lái, tên lửa hành trình, các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ và cả các lực lượng đánh thuê trong phạm vi vượt ra khỏi khuôn khổ các khu vực chiến sự. Phát động “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” ở Ap-ga-ni-xtan, nhưng Mỹ đã ngang nhiên đưa quân đặc nhiệm và không quân tiến hành nhiều hoạt động quân sự trên lãnh thổ Pa-ki-xtan. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma sử dụng lực lượng quân sự một cách tùy tiện và không giới hạn chẳng khác gì dưới thời cầm quyền của Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ. Thí dụ điển hình nhất là Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma ra lệnh thực hiện chiến dịch quân sự tiêu diệt trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen trên lãnh thổ Pa-ki-xtan mà không được phép của chính quyền ở I-xla-ma-bat, vi phạm thô bạo chủ quyền lãnh thổ của quốc gia này.
Vậy thì, vì sao Hạ viện Mỹ lại bổ sung thêm một nhiệm vụ mà trên thực tế Mỹ đã thực hiện trong gần một thập kỷ qua? Theo báo “Diễn đàn thông tin quốc tế”, lý do là đạo luật ngân sách quốc phòng của Mỹ thông qua sau sự kiện 11-09-2001 không có bất cứ dòng nào quy định rõ ràng việc Mỹ phô trương lực lượng trên phạm vi toàn cầu trong điều kiện “tình trạng khẩn cấp”. Vì thế, trong dự luật mới về ngân sách quốc phòng của Mỹ bổ sung thêm nội dung “không hạn chế thời gian và không gian sử dụng lực lượng quân sự của Mỹ”. Một sự thay đổi thoạt nhìn có vẻ như không đáng kể, rất nhỏ, nhưng lại đánh dấu một sự chuyển đổi căn bản trong tư duy quân sự của Oa-sinh-tơn, nghĩa là biến “tình trạng khẩn cấp” thành “chuyện cơm bữa”. Đây là sự thay đổi căn bản trong dự luật mới về ngân sách quốc phòng của Mỹ. Vì thế mà báo “Diễn đàn thông tin quốc tế” gọi dự luật này là “bản tuyên ngôn của đế chế toàn cầu Mỹ”.
Trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ, nhiều quan chức cấp cao và trong giới tinh hoa chính trị ở Oa-sinh-tơn đã từng ôm ấp tham vọng khẳng định vai trò đế chế toàn cầu của Mỹ với lập luân cho rằng Mỹ có “trách nhiệm duy trì vai trò lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự để thiết lập lại trật tự chính trị và sự thịnh vượng không chỉ cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới”. Theo nhận xét của nhà nghiên cứu lịch sử Ni-an Phe-gu-xơn (Niall Ferguson), tư tưởng có vẻ “nhân đạo” này trong gần một thập kỷ đã biến nước Mỹ thành một "đế chế được chào mời". Nhiều nước trên thế giới, trước hết là các nước Đông Âu, vùng Ban Tích và Trung Á đã từng “mời chào đế chế Mỹ” đến mức cho phép Oa-sinh-tơn bố trí căn cứ quân sự hoặc lá chắn tên lửa trên lãnh thổ của họ.  
Theo nhận xét của báo “Diễn đàn thông tin quốc tế”, “bản tuyên ngôn của đế chế toàn cầu Mỹ” dễ dẫn tới nguy cơ làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa quốc tế chân chính mà theo đó tất cả các quốc gia liên kết lại trên cơ sở các tiêu chuẩn pháp lý dân chủ chung, hệ thống các cơ chế và quy tắc áp dụng thống nhất cho tất cả các nước. Nói cách khác, sẽ phá hủy niềm hy vọng duy nhất về một nền hòa bình và công bằng trên khắp thế giới.
Chiến dịch quân sự do Mỹ và NATO tiến hành ở Li-bi đã hoàn toàn vượt ra khỏi phạm vi chức năng được ủy nhiệm theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoặc Nhóm tiếp xúc về Li-bi gồm 22 quốc gia do Mỹ và các nước NATO làm nòng cốt để quyết định các vấn đề “xúc tiến dân chủ” ở Li-bi thay thế vai trò của Liên hợp quốc là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo về sự hiện diện của một “đế chế” toàn cầu./.
Lê Minh Quang
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2011/341/Dau-hieu-canh-bao-ve-su-hien-dien-cua-de-che-toan.aspx