Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Đối thoại Shangri-La 10: Quan tâm về an ninh biển

Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) diễn ra từ ngày 3 đến 5/6. Hội thảo năm nay có sự tham dự của đại diện từ 28 quốc gia. Đây là một trong những diễn đàn hàng đầu khu vực trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Sau đây là một số thông tin đáng chú ý được NCBĐ tổng hộp từ nhiều nguồn.



Ngày 4/6, tại hội nghị đối thoại an ninh Shangri - La ở Singapore, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam phát biểu rằng Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực nhằm đối phó với mối đe dọa chung, trong đó có an ninh biển.
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tuyên bố 6 tàu ngầm Kilo chạy bằng diesel mà Việt Nam mua của Nga là nhằm giúp đất nước tự phòng vệ. Theo ông Phùng Quang Thanh thì đó là một hoạt động bình thường của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Việc mua các tàu ngầm đó nhằm mục đích tự phòng vệ và tham gia xây dựng đất nước. Chính sách của Việt Nam hoàn toàn là tự vệ và không bao giờ xâm phạm chủ quyền của nước khác. Tướng Phùng Quang Thanh cũng tuyên bố Việt Nam phải ngăn chặn bất cứ ai cố xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
Trong phát biểu, ông Phùng Quang Thanh nhắc đến các vụ việc vừa qua tại khu vực tranh chấp Biển Đông, mà cụ thể là tàu khảo sát Bình Minh 02 của Petro Việt Nam bị tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò ngày 26/5 vừa qua tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Việt Nam mong muốn những sự việc như thế không tái diễn nữa. Việt Nam cũng kêu gọi việc tuân thủ và thực hành đầy đủ Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982, tuyên bố về cách ứng xử tại Biển Đông, DOC, mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết; cũng như cùng nhau xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, COC.
Tờ Sài gòn Tiếp thị trích phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh rằng Việt Nam hy vọng Trung Quốc tôn trọng các chính sách mà họ công bố và những chính sách đó sẽ chuyển thành hiện thực.
Tờ báo này cũng trích phát biểu với giới truyền thông của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, cùng tham gia hội nghị đối thoại Shangri-La, cho rằng khu vực biên giới, đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở thành khu vực hòa bình và hợp tác cho cả hai phía, nhưng trên Biển Đông là một câu chuyện khác.
Về cuộc gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt - Trung, truyền thông nhà nước Việt Nam và Trung Quốc tỏ rõ sự khác biệt khi tường thuật về sự kiện này này. Hai bộ trưởng đã có cuộc gặp ngắn vào chiều 3/6 bên lề Đối thoại Shangri-La tại Xinh-ga-po. Chỉ có các hãng truyền thông chính thống nhất của quân đội và hai nhà nước được tiếp cận đưa tin về sự kiện này.
TTXVN và báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam cho hay trong bản tin sau được các báo đài trong nước đồng loạt đăng lại, rằng Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh đã “nêu rõ với người đồng nhiệm Trung Quốc về sự việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 2 ngày 26/5 đã bị tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Ông Thanh được dẫn lời nói với Tướng Lương Quang Liệt của Trung Quốc: “Vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại”.
Theo báo Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh “đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng hai bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế”. Ông Thanh cũng được nói đã kêu gọi hai bên tích cực hợp tác và hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự, vì “điều đó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ song phương và hình ảnh của Trung Quốc”.
Báo Việt Nam nhấn mạnh chi tiết Thượng tướng Lương Quang Liệt tuyên bố: “Chúng tôi xin nói rõ là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa diễn ra”. Thượng tướng Lương Quang Liệt “nhất trí với đánh giá của Đại tướng Phùng Quang Thanh” và cho biết “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận vấn đề này ở các diễn đàn đa phương và phản đối các hành động đơn phương".
Ngày 5/6, Bộ Trưởng Quốc Phòng Philíppin Gazmin Voltaire đã công khai tuyên bố trước diễn đàn Shangri-La rằng “một số hành động của các nước khác” đã làm cho các quốc gia khác như Philíppin phải lo lắng và quan ngại. Ông Gazmin nêu lên thí dụ về việc ngư dân bình thường bị tàu chiến nước ngoài cảnh cáo buộc họ phải rời khỏi khu vực.
Tuyên bố của Bộ Trưởng Quốc Phòng Philíppin được đưa ra một ngày sau khi Manila tố cáo Bắc Kinh phá hoại hòa bình, ổn định ở châu Á qua việc đưa các tàu hải quân đến hù dọa những nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực quần Trường Sa.
Trong khi đó, phát biểu tại diễn đàn Shangri-La ngày 5/6, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đề xuất 4 nguyên tắc trong hợp tác an ninh quốc tế.
Bốn nguyên tắc này là: một, tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, chiếu cố tới lợi ích cốt lõi và mối quan tâm quan trọng của nhau. Hai, thông cảm lẫn nhau, tăng cường tín nhiệm, nắm bắt toàn diện và chính xác ý đồ chiến lược của nhau. Ba, cùng có lợi cùng thắng, chung lưng đấu cật, không liên minh nhằm vào bên thứ ba. Bốn, mở cửa bao dung, đoàn kết hợp tác, hoan nghênh các nước trên thế giới đóng góp cho an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bộ Trưởng Lương Quang Liệt cho biết, bốn chủ trương và nguyên tắc này từ trước tới nay không những là sáng kiến và lời kêu gọi với bên ngoài của Trung Quốc, mà còn là thực tế chính sách của Trung Quốc, đồng thời biến nói thành hành động thực tế bằng nhiều hình thức.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố là Trung Quốc “không có tham vọng bá quyền hay muốn đe dọa nước nào”. Trước các đồng nhiệm châu Á họp tại Singapore, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc tập trung đến điều mà ông gọi là tinh thần “dân chủ ngoại giao”. Ông Lương Quang Liệt lập luận rằng “chỉ có bảo vệ dân chủ trong quan hệ quốc tế và tôn trọng quyền lợi tối thượng của mỗi nước thì mới có thể tạo được một nền hòa bình lâu dài”. Ông còn cảnh báo các nước trong vùng “không nên liên minh với nhau để chống một nước thứ ba”.
Trước đó, ngày 4/6, cũng tại Diễn đàn Shangri-La, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo về thái độ khiêu khích của Trung Quốc và ông cho rằng nếu không có một cơ chế giải quyết xung khắc ôn hòa thì sẽ khó tránh khỏi một cuộc xung đột vũ trang.
Để trấn an các đồng minh, ông Robert Gates cam kết Mỹ sẽ đưa thêm vũ khí mới vào châu Á từ tàu chiến đến máy bay tàng hình và phương tiện chiến tranh tin học và trong 5 năm tới đây, sự hiện diện của Mỹ tại Á châu từ bắc Á đến Ấn Độ Dương sẽ hùng hậu hơn hiện nay.
Theo báo Yomiuri Shimbun số ra ngày 5/6, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Gates khẳng định lợi ích của Mỹ ở vùng biển châu Á. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates nói hôm 4/ 6 là Mỹ thấy tranh chấp lãnh thổ ở châu Á là mối đe dọa an ninh biển trong khu vực và yêu cầu những vấn đề đó được thảo luận trong một khuôn khổ đa phương.
Trong bài phát biểu tại Thượng đỉnh An ninh Châu Á gồm các lãnh đạo quân sự và bộ trưởng quốc phòng mà gọi là Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Gates nói “an ninh biển vẫn là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong khu vực với việc các nước nhận chủ quyền lãnh thổ và sử dụng thích hợp khu vực biển là một thách thức đối với ổn định và thịnh vượng của khu vực”. Mặc dù không chỉ rõ, song ông Gates muốn nói đến tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, các đảo Trường Sa mà Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philíppin, Việt Nam và Brunei đang đòi chủ quyền.
Ông Gates nói quan điểm của Mỹ rất rõ ràng “chúng tôi có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải, trong thương mại và phát triển kinh tế không bị ngăn trở, và trong cả luật quốc tế. Bằng cách cùng làm việc trong các diễn đàn đa phương và khu vực, gắn chặt với các nguyên tắc chúng ta tin tưởng là lợi ích cho tất cả các bên trong khu vực, chúng ta có thể đảm bảo rằng tất cả có thể đến được vùng nước quốc tế một cách bình đẳng và mở cửa. Ông Gates nói Mỹ giữ vững cam kết “duy trì sự có mặt quân sự thiết thực” ở châu Á mặc dù có khó khăn về ngân sách.
Đặc biệt, ông Gates nói Mỹ sẽ tăng cường sự có mặt hải quân phối hợp với Australia và triển khai các tầu chiến đấu duyên hải đến Xinh-ga-po vì với Xinh-ga-po Mỹ có hiệp định khuôn khổ chiến lược. Ông Gates nói châu Á thiếu một cơ chế mạnh mẽ cho hợp tác đa phương trong quá khứ và bày tỏ lạc quan rằng Hội nghị BTQP ASEAN mà năm 2010 đã mở rộng thêm Nhật và một số cường quốc khác ngoài Đông Nam Á tham gia, gồm có Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Mỹ tham gia, sẽ giúp đỡ xử lý các vấn đề an ninh biển.
Ông Gates cũng nói hôm 3/6 là quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang “trên đường tích cực hơn” sau một số thụt lùi, song 2 bên nên tiến thêm để tăng cường quan hệ và cùng làm việc để giải quyết các vấn đề khu vực.
Trong bài phát biểu khai mạc tại cuộc gặp với đồng nhiệm Trung Quốc, ông Gates nói hai chính phủ đã thấy rằng khía cạnh quân sự trong toàn bộ mối quan hệ giữa hai bên là “chưa được phát triển”.  

NCBĐ (tổng hợp)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1564-i-thoi-shangri-la-10-quan-tam-an-ninh-bin