Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Sức mạnh quân sự mềm của Mỹ đang tăng lên nhanh chó

Bài viết của tác giả Hàn Húc Đông trên mạng Tân Hoa Xã (TQ) cho rằng gần đây Mỹ đã áp dụng một loạt biện pháp quan trọng nhằm hỗ trợ và duy trì thế chủ động, ưu thế trong mọi tình huống xảy ra.
Một số biện pháp Mỹ đã áp dụng đó là: Thứ nhất, Tổng thống Barack Obama chính thức đề cử Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta làm Bộ trưởng Quốc phòng thay ông Robert Gates; hai là, chiến dịch truy lùng trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden kéo dài hơn 10 năm đã kết thúc sau khi bị biệt kích Mỹ tiêu diệt trên lãnh thổ Pakixtan; Ba là, Mỹ công bố “Chiến lược quốc tế về không gian mạng”, trong đó nhấn mạnh các nước có thể hợp tác nhằm thiết lập một không gian mạng mở, an toàn và đáng tin cậy. Những động thái này dường như không có mối liên hệ, nhưng thực chất đây là nước cờ do Mỹ sắp đặt nhằm tăng cường sức mạnh quân sự mềm và duy trì vị thế chủ động, bá quyền trên phạm vi toàn cầu.
Cùng với việc kỹ thuật và công nghệ mới không ngừng được đưa vào đời sống xã hội, cuộc cạnh tranh và chạy đua về sức mạnh quân sự mềm giữa các nước trên thế giới ngày càng trở nên quyết liệt. Chiến tranh mạng, chiến tranh tâm lý và chiến tranh dư luận đã trở thành lĩnh vực mới trong nghiên cứu và cạnh tranh quân sự. Trong những lĩnh vực này, làm thế nào để chiếm giữ vị trí chủ động, bá quyền toàn cầu đang là một vấn đề mới mà Mỹ phải đối mặt. Trong lĩnh vực mạng, Mỹ liên tục bị các hacker tấn công, khiến cho lĩnh vực quốc phòng của Mỹ bị thiệt hại không nhỏ. Cạnh tranh sức mạnh quân sự mềm là một trọng điểm của Chính phủ Mỹ, đồng thời là trọng tâm trong chương trình làm việc của Leon Panetta sau khi lên nhậm chức. Leon Panetta chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy sức mạnh mềm của quân đội Mỹ.
Leon Panetta xuất thân từ ngành tình báo, vì vậy cạnh tranh sức mạnh mềm - đặc biệt là cạnh tranh sức mạnh quân sự mềm - sẽ không thể tách rời tình báo. Mục đích của Obama là kết hợp chặt chẽ giữa công tác quốc phòng với công tác tình báo. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đương nhiệm R. Gates từng phục vụ nhiều năm trong ngành tình báo. Sau khi đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc nâng cao sức mạnh mềm của quân đội Mỹ. Được coi là người quản lý ngành tình báo Mỹ, Leon Panetta nắm rất rõ nội tình cuộc đấu tranh sức mạnh mềm của Mỹ cả bên trong và ngoài nước Mỹ, cũng như biết rất rõ nguồn lực nào có thể được sử dụng trong quá trình nâng cao sức mạnh mềm của Mỹ.
Ngày càng nhiều quốc gia tham gia cuộc đua cạnh tranh sức mạnh mềm. Cho dù là cuộc chiến ở Bôxnia và Herzegovina, hay thời kỳ chiến tranh Kosovo hoặc cuộc chiến Grudia, đều diễn ra cuộc chạy đua sức mạnh mềm hết sức quyết liệt, chiến tranh mạng cũng tương đối nổi bật. Tháng 6/2009, Anh lần đầu tiên công bố “Chiến lược an ninh mạng quốc gia”. Các quan chức Chính phủ Anh cho biết Anh đã xây dựng hai cơ quan an ninh mạng (Văn phòng an ninh mạng và Trung tâm hành động an ninh mạng) có đủ năng lực phát động chiến tranh mạng. Các quốc gia khác cũng lần lượt bắt tay vào việc bảo vệ an ninh mạng của mình. Năm 2010, Hàn Quốc chính thức thành lập Bộ tư lệnh mạng với mục đích nâng cao năng lực chiến tranh mạng. Tháng 5/2010, Mỹ khởi động kế hoạch xây dựng Bộ tư lệnh mạng và đến tháng 10 cùng năm, Bộ tư lệnh này đã chính thức đi vào hoạt động. Cơ quan này là một đơn vị thực thể có nhiệm vụ triển khai tấn công mạng trên phạm vi toàn cầu, nhằm bảo vệ hữu hiệu an ninh mạng của Mỹ.
Với sức mạnh mềm của Mỹ ngày càng được tăng cường, áp lực mà Trung Quốc phải chịu từ sức mạnh mềm của Mỹ cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng, biểu hiện qua một số yếu tố sau: 
Một là, quy tắc trò chơi quốc tế do Mỹ chủ đạo ngày càng nhiều và hoàn thiện hơn, không gian hoạt động của Trung Quốc ngày càng bị chèn ép. 
Hai là, Mỹ công bố “Chiến lược quốc tế về không gian mạng”, trong đó xác lập mục tiêu bá quyền mà Mỹ là người định đoạt quy tắc trò chơi mạng, vô hình chung buộc Trung Quốc phải hành động theo quy tắc của Mỹ. 
Ba là, trong nhiều phương diện phát triển cơ sở sức mạnh mềm, Trung Quốc vẫn còn rất yếu kém, tồn tại khoảng cách chênh lệch rất lớn với sức mạnh mềm của Mỹ.
 http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/1527-suc-manh-quan-su-mem-cua-my-dang-tang-len-nhan-chong