Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Xung quanh Đối thoại Trung-Mỹ về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương

Ngày 25/6 tại Honolulu, Hawaii, Mỹ và Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành hội nghị tham vấn về các vấn đề  châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh leo thang căng thẳng tại Biển Đông và Bắc Kinh phẫn nộ trước việc Oasinhtơn ủng hộ các nước Đông Nam Á. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell (đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương) và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải chủ trì hội nghị.
Trước thềm cuộc đối thoại, Mỹ cho hay sẽ tìm cách giúp xoa dịu căng thẳng ở khu vực Biển Đông vốn có vị trí chiến lược và giàu có về mặt tài nguyên. Ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương nói với truyền thông ngày 24/6: “Mỹ không có ý định thổi bùng ngọn lửa ở biển Biển Đông và chúng tôi có một sự quan tâm rất mạnh mẽ trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở đây”.
Ông Campbell nói rằng ông kỳ vọng vấn đề tranh chấp ở Biển Đông sẽ được nêu ra trong cuộc gặp Mỹ-Trung tại Honolulu như một phần nội dung của đối thoại chiến lược và kinh tế giữa hai quốc gia. Ông nói: “Chúng tôi đã nêu rất rõ ràng rằng Mỹ sẽ không có lập trường nào trong các vấn đề chủ quyền ở đây. Nhưng chúng tôi cũng có những nguyên tắc mạnh mẽ được thiết lập lâu dài về việc duy trì tự do hàng hải, thương mại tự do và không bị cản trở pháp lý cũng như duy trì hòa bình và ổn định”.
Ông Campbell khẳng định những nguyên tắc từ lâu này sẽ vẫn được tiếp tục và rằng Mỹ nhấn mạnh chúng trong tất cả các mối quan hệ của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nói: “Thấy những ngọn lửa tranh chấp bị thổi bùng lên không phải là mong muốn của chúng tôi. Chúng tôi muốn giảm bớt những căng thẳng gần đây và làm mát những cái đầu nóng”.
Ông Campbell cũng cho biết phái đoàn Mỹ sẽ chất vấn Trung Quốc “một số câu hỏi cụ thể” về cái mà ông gọi là “đường hướng của các phát triển quân sự của Trung Quốc” cũng như yêu cầu Bắc Kinh làm rõ thêm về lập trường ngoại giao của nước này với các quốc gia láng giềng là Triều Tiên và Mianma. Trang web của hãng Thông tấn Bình luận Trung Quốc ngày 26/6 dẫn lời của nhà nghiên cứu Đào Văn Chiêu thuộc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ Trung-Mỹ, Đại học Thanh Hoa cho rằng Trung Quốc và Mỹ hiện đang đối mặt với hai vấn đề nổi cộm.
Thứ nhất, thái độ của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và biển Biển Đông rất đáng quan tâm chú ý. Biển Hoa Đông và Biển Đông nên trở thành biển hợp tác, biển hữu nghị. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc cùng các nước như Việt Nam, Philíppin là vấn đề lịch sử hình thành. Hiện nay, thời cơ giải quyết những vấn đề này còn chưa chín muồi. Trung Quốc cần phải nhẫn nại và kìm chế.
Sự kiềm chế của Trung Quốc là biểu hiện của sự tự tin, cũng là thể hiện của chiến lược phát triển hòa bình. Nhưng Trung Quốc đồng thời cũng có quyền yêu cầu Mỹ duy trì sự trung lập, không được tùy tiện can sự vào các vấn đề tranh chấp lãnh thổ nêu trên, không được lôi kéo bên này, đả kích bên kia. Khi bày tỏ thái độ, Mỹ phải thật thận trọng, phải chú ý một cách đầy đủ tới tình hình lịch sử, nên thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và những nước Đông Nam Á này chứ không phải là làm điều ngược lại.
Thứ hai, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bức thiết phải giảm nhiệt. Vài năm trước, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên từng là biểu hiện quan trọng của lợi ích chung Trung-Mỹ, là hợp tác chủ yếu giữa hai nước trong vấn đề phòng chống phổ biến vũ khí sát thương quy mô lớn. Từ cuối năm 2008 tới nay, đàm phán 6 bên lâm vào bế tắc. Đặc biệt là năm 2010, sau khi xảy ra sự kiện chìm tàu Cheonan và sự kiện pháo kích đảo Yeonpyeong, Mỹ-Hàn liên tục tiến hành diễn tập xung quanh bán đảo Triều Tiên, tình hình bán đảo Triều Tiên rơi vào căng thẳng kéo dài, có lúc còn đứng trước rủi ro bùng nổ chiến tranh.
Rút kinh nghiệm những sự việc đã xảy ra vào năm 2010, nhà nghiên cứu Đào Văn Chiêu cho rằng việc Trung Quốc và Mỹ tồn tại bất đồng về các vấn đề khu vực là chuyện thông thường, cần phải tăng cường giao lưu, trao đổi qua các cơ chế, tăng cường tin tưởng lẫn nhau. Trung Quốc và Mỹ cần phải tránh việc lợi dụng các diễn đàn quốc tế đột nhiên gây khó cho nhau, khiến mâu thuẫn gia tăng. Lợi ích giữa các nước trong khu vực đan xen phức tạp, mây thuẫn và bất đồng lúc nào cũng có. Đối với tranh chấp khu vực, Trung Quốc và Mỹ cần phải đóng vai trò của nhân viên cứu hỏa nhiều hơn, chứ không phải là đổ thêm dầu vào lửa.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Mỹ cần phải tránh việc kêu gọi gián tiếp bị truyền thông thổi phồng bất đồng. Năm 2010, giữa Trung Quốc và Mỹ đã nảy sinh một số tranh cãi, có vấn đề đã bị truyền thông thổi phồng, truyền thông đã kích động tình cảm nhân dân hai nước, làm bất đồng gia tăng. Việc này cần phải nỗ lực tránh.
Cuối cùng, hành động liên hợp giữa Trung Quốc, Mỹ và nước thứ ba trong khu vực phải xem xét tới cảm nhận cũng như chú ý tới lợi ích của đối phương. Mỹ thường xuyên tiến hành diễn tập quân sự với nhiều nước đồng minh trong khu vực. Nhưng các cuộc diễn tập quá nhiều, quá tập trung và quy mô quá lớn rõ ràng bất lợi cho ổn định của khu vực, chỉ có thể khiến căng thẳng khu vực leo thang.
  Theo AFP
 Mỹ Anh (gt)