Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

LDCs - những thách thức và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

TCCSĐT- Tại Hội nghị lần thứ 4 về các nước nghèo nhất thế giới diễn ra ở I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ) từ ngày 9 đến 13-5-2011, Liên hợp quốc đã thông qua kế hoạch 10 năm giúp các nước kém phát triển xóa nghèo. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun và nhiều nguyên thủ quốc gia nhấn mạnh, hỗ trợ các nước LDCs phát triển cũng chính là góp phần tạo ra một thế giới ổn định hơn, hòa bình hơn và thịnh vượng hơn.



Các nước nghèo nhất chịu nhiều thua thiệt nhất
Các nước nghèo nhất trên thế giới (LDCs) chiếm 13% dân số thế giới, nhưng chỉ tạo ra 1% sản lượng kinh tế toàn cầu. Trong số 48 quốc gia kém phát triển nhất, chỉ có 6 quốc gia có tỷ lệ nghèo ở mức dưới 30%. Số người sống trong tình trạng “vô cùng nghèo túng” tại LDCs đã tăng lên trong suốt 30 năm qua… Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Xu-pa-chai Pa-nít-pác-đi (Supachai Panitchpakdi) cho rằng, tiến trình xóa đói nghèo ở nhóm nước LDC đã thất bại vì trong suốt 4 thập niên qua chỉ có 3 nước thoát khỏi danh sách nhóm nước nghèo nhất thế giới này. Đó là Bốt-xoa-na, Mau-ri-ti-út và Cáp-ve.
Theo số liệu thống kê của UNCTAD, hiện nay, tại LDCs có khoảng 421 triệu người (bằng khoảng 53% số dân của các nước này) đang phải sống dưới ngưỡng nghèo đói. Tổng Thư ký UNCTAD nhấn mạnh, LDCs không được hưởng lợi ích công bằng từ quá trình toàn cầu hóa, thậm chí còn bị thua thiệt nhiều hơn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá lương thực trên thế giới tăng cao kéo theo mức chi của LDCs để nhập khẩu mặt hàng này ngày càng tăng. Năm 2008, LDCs đã phải chi 24 tỉ USD để mua lương thực, so với 9 tỉ USD năm 2002. Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) mới đây cho biết, mặc dù sản lượng ngũ cốc tại nhiều nước trong năm 2011 sẽ tăng, nhưng chi phí nhập khẩu ngũ cốc của các nước nghèo vẫn  tăng thêm 20% do sự tăng giá nói chung trên thị trường thế giới. Còn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) khẳng định, sự biến động về kinh tế đã gây ra tình trạng thâm hụt các khoản viện trợ, thương mại và các khoản nợ, cũng như khả năng tiếp cận các loại dược phẩm và công nghệ. Các nước nghèo của thế giới có thể còn phải tiếp tục hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vừa qua trong nhiều thập niên nữa và đứng trước nguy cơ bị tụt hậu trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng.
Trong phiên họp toàn thể về xóa giảm đói nghèo của Ðại hội đồng Liên hợp quốc (tháng 10-2010), Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc Giô-xép Ðây-xơ nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế, lương thực và năng lượng toàn cầu đang làm xói mòn những thành quả phát triển hàng thập niên qua ở các nước nghèo. Ngân sách dành cho giáo dục bị thu hẹp đã cản trở những nỗ lực cải thiện môi trường giáo dục và phổ cập giáo dục tiểu học tại những nước chậm phát triển.
Các chuyên gia cho rằng, sự không công bằng đối với LDCs còn thể hiện ở chỗ, các nước này không phải là thủ phạm của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu song họ lại là nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Văn phòng Maplecroft ở Anh, chuyên nghiên cứu và đánh giá các nguy cơ toàn cầu, cho biết, 28 nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu đều là những nước nghèo nhất như Xô-ma-li-a, Ha-i-ti, Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và Xi-ê-ra Lê-ôn. Các nước kém phát triển là những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của các mùa hạn hán gần đây. Bên cạnh đó, lũ lụt cũng đang tàn phá nghiêm trọng một loạt các ngành công nghiệp của LDCs. Ví dụ ở Xê-nê-gan, một cuộc điều tra sau mùa lũ năm 1998 cho thấy, các trận lũ đã góp phần làm tăng tỷ lệ thất nghiệp lên đến 27%, dẫn tới 7,2% dân số phải thay đổi chỗ ở, giảm mạnh giờ làm ở nhiều khu vực khác. Tại Cô-tô-nu, hầu hết các đơn vị sản xuất công nghiệp nằm ở khu vực có nguy cơ xói mòn ven biển cao. Hiện tượng này đã đặt công việc của 1500 người làm việc trong hơn 30 doanh nghiệp nhà nước (nhà máy bia, nhà máy dệt, khí, phát triển nông nghiệp và các công trường xi măng) cũng như công việc của những người khác đang làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ vào tình thế rủi ro. Hơn 15.000 ngư dân và phụ nữ ở đây cũng phải đối mặt với nạn mất mùa đói kém do nhiều khu đánh cá đã bị biển xâm lấn.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khoẻ và sinh kế của dân cư thành thị tại các nước kém phát triển nhất cũng rất nghiêm trọng. Những tác động đó có thể bao gồm tình trạng stress nhiệt căng thẳng hơn và thường xuyên hơn; tỷ lệ những người mắc bệnh và tử vong do ô nhiễm không khí và tỷ lệ các dịch bệnh lây lan qua nước và thực phẩm tăng, cũng như sự xuất hiện của muỗi và các bệnh lây lan qua kí sinh trùng cao hơn.
Ông Rô-bớt Vốt, Giám đốc Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc, cảnh báo rằng, nếu không làm giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những thiệt hại mà các nước nghèo phải hứng chịu sẽ cao gấp 10 lần so với những nước có nền kinh tế phát triển.
Thách thức đối với các LDCs
Với thực trạng như vậy, LDCs đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để xóa tên mình trong danh sách các nước nghèo nhất thế giới, trong đó nổi bật lên một số vấn đề sau:
Thứ nhất, thách thức lớn nhất và trực tiếp nhất là vượt qua nghèo đói, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong cao ở trẻ em, sức khỏe bà mẹ, bệnh dịch… Nếu như trên thế giới có khá nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ thực sự trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) thì ngược lại, tại các LDCs tình trạng nghèo đói vẫn còn rất cao và tiến bộ đạt được trong lĩnh vực giáo dục và y tế còn quá chậm. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Giô-xép Ðây-xơ nêu rõ: “Đây là một điểm tối trong quá trình thực hiện các MDGs tại các quốc gia chậm phát triển”.
Thứ hai, thiếu năng lực, sự chủ động cần thiết trong việc đương đầu với áp lực kép: gia tăng dân số nhanh và nguy cơ tổn thương cao do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cũng như các cuộc khủng hoảng do không có đủ nguồn tài lực để làm giảm các tác động và cải thiện tình hình. Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng có thể liên tục tái diễn trong tiến trình phát triển của nền kinh tế thế giới.
Thứ ba, yêu cầu thay đổi chiến lược phát triển để mở rộng và huy động các tiềm năng và năng lực sản xuất hiện có của nền kinh tế. Con đường phát triển truyền thống của LDCs đã bế tắc và cần chuyển đổi sang chiến lược phát triển mới, trong đó dựa chủ yếu vào các nguồn lực trong nước để phát triển, mở rộng thị trường trong nước, giảm phụ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu, có các chính sách phù hợp khi mở cửa nền kinh tế; thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực chế tạo và chế biến tiên tiến để sản xuất hàng hóa.
Thứ tư, kết cấu hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực và năng lực quản lý hạn chế, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, các sản phẩm xuất khẩu không có giá trị gia tăng cao. Tái cơ cấu nền kinh tế đang là thách thức lớn và vấn đề này càng trở nên đặc biệt cấp bách sau ba cuộc khủng hoảng: kinh tế, lương thực và năng lượng trên thế giới.
Thứ năm, đối mặt với "cách mạng xám". WB cảnh báo "cuộc cách mạng xám", trong đó quy mô gia đình ngày càng thu hẹp và tuổi thọ con người ngày càng cao đã thâm nhập các nước thu nhập thấp và trung bình, thậm chí cả những nước chậm phát triển nhất. Các nghiên cứu này cho thấy, trong các khoảng thời gian từ năm 1950-1955 và năm 2005 - 2010, tuổi thọ trung bình của người dân ở các nước chậm phát triển nhất tăng 19,5 tuổi, trong khi đó, tuổi sinh con của phụ nữ cao hơn nhiều và sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong các thập niên tới.
Có thể khẳng định rằng, hiện nay, những vấn đề của các nước nghèo nhất thế giới không chỉ còn là của riêng những nước này, đặc biệt khi nhìn nhận những tác động tiêu cực mà các nước giàu đã gây ra trong quá trình phát triển của mình đối với LDCs. Có thể minh họa ở đây một số nội dung đang được coi là “nóng” hiện nay. Đó là, sự bế tắc của Vòng đàm phán Đô-ha. Nguy cơ thất bại hoặc không thể kết thúc như hy vọng vào cuối năm nay của vòng đàm phán này được cho là “là một tin rất xấu đối với các nền kinh tế đang phát triển”. Tổ chức Ô-xpham (Oxfam) quốc tế nhấn mạnh rằng, thế giới cần một hiệp ước thương mại quốc tế đa phương đáp ứng được những nhu cầu của các nước nghèo, nhưng những gì trên bàn thương lượng hiện nay đều không có lợi cho họ. Còn Tổ chức mạng lưới thế giới thứ ba (TWN), một tổ chức phi chính phủ quốc tế về phát triển, nhấn mạnh, hầu hết đề xuất có liên quan đến lợi ích của các nước nghèo, đặc biệt là các nước chậm phát triển nhất, đều bị các nước phát triển bác bỏ. Cơ chế bảo vệ đặc biệt cho phép LDCs tăng xuất khẩu cũng như cơ chế dành ưu tiên cho xuất khẩu dịch vụ của LDCs đã không được thảo luận.
Một vấn đề nữa là chính sách bảo hộ mậu dịch của các nước giàu. Tại Liên hợp quốc và nhiều diễn đàn quốc tế khác, các nước công nghiệp phát triển đã nhiều lần cam kết mở cửa thương mại thế giới, đóng góp quỹ phát triển giúp LDCs. Tuy nhiên, từ lời hứa đến thực tế là cả một khoảng cách. Báo cáo gần đây của nhóm Cảnh báo thương mại toàn cầu (GTA) chỉ rõ, từ Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) hồi tháng 6-2010 ở Tô-rôn-tô (Ca-na-đa), các nước giàu vẫn đưa ra 111 biện pháp mới bảo hộ mậu dịch, tác động tiêu cực đến trao đổi thương mại quốc tế và gây hại cho các nước đang phát triển và LDCs. Theo nhóm nghiên cứu độc lập này, xu hướng trên vẫn tiếp tục tăng mạnh với 101/141 biện pháp bảo hộ mậu dịch của thời kỳ đầu năm 2010 có nguồn gốc từ các nước G20 đã gây hại cho các nước đang phát triển.
Cho đến nay, tổng viện trợ phát triển chính thức (ODA) của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) dành cho LDCs thấp hơn rất nhiều so với cam kết, mặc dù trong Chương trình hành động Brúc-xen, các nước phát triển hứa hỗ trợ LDCs tăng cường vai trò thương mại trong phát triển, giảm đói nghèo, phát triển bền vững, giảm thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường, huy động các nguồn tài chính và giảm nợ. 
Sự hỗ trợ và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
Tổng Thư ký UNCTAD Xu-pa-chai Pa-nít-pác-đi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự giúp đỡ quốc tế đối với LDCs trong quá trình thay đổi chiến lược phát triển nhằm thoát nghèo một cách bền vững và ít bị tổn thương hơn trước những tác động của bên ngoài như thảm họa thiên tai và suy thoái kinh tế thế giới. Những người đứng đầu các cơ quan phát triển của Liên hợp quốc như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Uỷ ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế châu Phi, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), UNCTAD, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc… đã lên tiếng nhấn mạnh các nước nghèo phải được bảo vệ thông qua quyền ưu tiên tiếp cận thị trường các nước phát triển, cũng như triển khai các dự án hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, tăng ODA... cho LDCs.
UNCTAD kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha về tự do hóa thương mại toàn cầu để sớm đem lại lợi ích cho các nước LDCs, loại bỏ tất cả các biện pháp làm biến dạng thương mại, chuyển giao công nghệ ưu đãi đối với các nước LDCs, đồng thời các nước phát triển cần thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết hỗ trợ tài chính để các nước nghèo thích nghi và đối phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch WB, Gia-xtin I-phu Lin (Justin Yifu Lin) khẳng định, thể chế tài chính đa phương này cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhằm giúp các nước nghèo vượt qua khủng hoảng trong tương lai bởi WB có vị thế quốc tế tốt nhất để hỗ trợ các nước thúc đẩy buôn bán tự do và thực hiện hành động toàn cầu nhằm làm dịu tác động của khủng hoảng cũng như đóng vai trò căn bản trong việc hỗ trợ các nước vừa thực hiện các chiến lược thoát khỏi khủng hoảng, vừa thực hiện chương trình an sinh xã hội hiệu quả. WB cần tăng nguồn vốn, giúp các nước nghèo năng động hơn khi đối mặt với khủng hoảng, thông qua những ý kiến tư vấn cùng với nguồn vốn tài trợ để các nước nghèo thực hiện các chính sách vượt qua khủng hoảng. Sự hỗ trợ tài chính của IMF và WB giúp những nước nghèo nhất cần tập trung vào các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, đổi mới và phát triển khu vực tư nhân và đảm bảo bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. 
Liên quan tới nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục, WB cam kết, trong vòng 5 năm tới sẽ cấp bổ sung khoản viện trợ giáo dục 750 triệu USD cho 79 nước nghèo nhất thế giới, phần lớn tại khu vực Nam sa mạc Xa-ha-ra và Nam Á, tăng 40% so với 5 năm trước. Khoản hỗ trợ này sẽ giúp các nước đạt MDG về giáo dục đúng thời hạn đề ra là năm 2015. 
Liên hợp quốc đã kêu gọi tập trung các nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào mục tiêu tạo việc làm và đa dạng hoá nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu hoặc các nông sản của LDCs. Trong thập niên qua, FDI đã tập trung vào lĩnh vực khai thác các tài nguyên nên không tạo ra nhiều việc làm và không thúc đẩy các nền kinh tế LDC tăng trưởng dài hạn. 
FAO tích cực thúc đẩy thực hiện các dự án tăng cường an ninh lương thực ở các nước nghèo trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực toàn cầu; thúc đẩy thực hiện các dự án lương thực và an ninh dinh dưỡng, cuộc sống bền vững và nông nghiệp thông minh với khí hậu tại các nước nghèo ở châu Á và châu Phi. 
 Số liệu của Liên hợp quốc cho biết, số nước LDCs đã tăng gấp đôi kể từ khi thể chế đa phương này phân loại các nước năm 1971, trong đó châu Phi có 33 nước, châu Á và Thái Bình Dương: 15 nước và Mỹ La-tinh: 1 nước. Từ năm 1971 đến nay, mới chỉ có 3 nước là Bốt-xoa-na và Cáp-ve và Mau-ri-ti-út được ra khỏi danh sách này. Vấn đề LDCs nóng đến mức tại kỳ họp tháng 3-2010, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc đã nhấn mạnh, chủ đề hỗ trợ các nước LDCs thoát nghèo là vấn đề khẩn cấp mang tính nhân đạo của cộng đồng quốc tế.
Tại Hội nghị lần thứ 4 về các nước nghèo nhất thế giới vừa qua, Liên hợp quốc đã thông qua kế hoạch 10 năm giúp các nước kém phát triển xóa nghèo. Hội nghị yêu cầu các nước giàu đẩy mạnh cam kết viện trợ, xóa bỏ nhiều rào cản thương mại và mở cửa thị trường đối với các sản phẩm của các nước nghèo hơn. Hội nghị đã công bố "Chương trình Hành động I-xtan-bun”, theo đó, các nước giàu cam kết thực hiện mục tiêu trích từ 0,15-0,20% thu nhập quốc gia cho ODA; tăng năng lực sản xuất ở các nước kém phát triển như xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy nhân lực, vốn và quản lý. Mục tiêu này là một sự gia tăng đáng kể so với mức chưa đến 0,1% GNP trước đây.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nhất trí với kế hoạch tạo điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi cho các LDC, bao gồm giảm hoặc loại bỏ các trở ngại phi thuế quan bất hợp lý; nâng cao năng lực sản xuất thông qua cải thiện kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý ở các LDC; khôi phục khu vực nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và khả năng đối phó với những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cam kết 5 biện pháp để hỗ trợ các nước nghèo khai thác tốt hơn lợi ích của công nghệ thông tin và viễn thông, đặc biệt là các nước LDC trong Chương trình hành động I-xtan-bun trong thập niên tới. Đó là: tăng số đường điện thoại trung bình ở các nước LDC lên 25 đường và số nối kết Internet lên 15 trong 100 cư dân vào năm 2020; thúc đẩy chương trình toàn diện về tăng năng lực công nghệ thông tin và kỹ thuật số; hỗ trợ tích cực các nước LDC lựa chọn và sử dụng các công nghệ thông tin mới như băng rộng, mạng lưới phát kỹ thuật số thế hệ mới; trợ giúp xử lý các vấn đề an ninh mạng và chiến lược xây dựng lòng tin vào mạng công nghệ thông tin; trợ giúp tạo ra và duy trì môi trường thuận lợi để phát triển thông qua môi trường quy chế và chính sách hiệu quả.
Như vậy, mục tiêu giảm số nước LDC từ 48 nước xuống còn 24 nước vào thập niên tới mặc dù đầy tham vọng, nhưng sẽ có tính khả thi nếu như những nỗ lực của bản thân LDCs được tiếp sức bởi sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế.

Lan Hương
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2011/301/LDCs-nhung-thach-thuc-va-trach-nhiem-cua-cong-dong-quoc.aspx