Đường
ống TAPI, một kỳ vọng chiến lược
Theo kế hoạch, đường ống dẫn khí đốt TAPI có
chiều dài 1.680 km, trị giá khoảng 7,6 tỉ USD, công suất 90 triệu m3 khí/ngày
được khởi công xây dựng vào năm 2012 và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động
vào năm 2016. Đường ống TAPI kéo dài từ Tuốc-mê-ni-xtan (145 km) qua Áp-ga-ni-xtan
(735 km) và Pa-ki-xtan (800 km) và dừng lại ở thị trấn biên giới Fa-zin-ka
thuộc bang Pun-jap của Ấn Độ.
Áp-ga-ni-xtan kỳ vọng rất lớn về những lợi
ích do dự án TAPI mang lại. Đối với một nhà nước phụ thuộc nhiều vào nguồn viện
trợ đến từ bên ngoài như Áp-ga-ni-xtan, đường ống này tạo điều kiện cho Áp-ga-ni-xtan
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thêm thu nhập và việc làm cho người dân -
một nhân tố quan trọng cho sự ổn định lâu dài. Chính phủ Ca-bun (Kabul) cũng có thêm nguồn
thu cho ngân sách nhà nước, khoảng 1,4 tỉ USD từ lệ phí quá cảnh hàng năm. Dự
án này nếu thành công cũng sẽ cho phép Áp-ga-ni-xtan giảm bớt sự phụ thuộc vào I-ran
(Áp-ga-ni-xtan nhập khẩu từ I-ran gần 2.400 tấn xăng dầu/ngày). Cũng vì sự lệ
thuộc này mà trước đây, tháng 12 - 2010, I-ran lấy lý do lượng dầu nhập từ I-ran
vào Áp-ga-ni-xtan, thay vì sử dụng vào các mục đích dân sự thì lại được sử dụng
bởi các lực lượng của Mỹ và NATO tại Áp-ga-ni-xtan, vì vậy I-ran đã áp đặt một
sự phong tỏa nhiên liệu với Áp-ga-ni-xtan. Không chỉ Áp-ga-ni-xtan, nếu TAPI
thành công, Tuốc-mê-ni-xtan cũng sẽ giảm sự phụ thuộc vào các tuyến đường xuất
khẩu của I-ran và như vậy I-ran cũng sẽ không thể áp đặt được vấn đề giá cả khí
đốt đối với Tuốc-mê-ni-xtan.
TAPI cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với
Ấn Độ, lôi kéo Ấn Độ ra khỏi dự án đường ống I-ran-Pa-ki-xtan-Ấn Độ (IPI). Nếu
điều này xảy ra, "gọng kìm" cô lập I-ran của Mỹ và phương Tây sẽ phát
huy tác dụng. Khí đốt từ Tuốc-mê-ni-xtan qua TAPI đến Ấn Độ cũng sẽ là một nhân
tố quan trọng giúp cho cường quốc kinh tế thứ ba châu Á đạt được mục tiêu tăng
trưởng 8,5%/năm. Theo tính toán, trong thập niên tới, nhu cầu năng lượng, bao
gồm dầu khí, than đá và khí đốt của Ấn Độ sẽ tăng 40% so với hiện tại.
Ngoài vấn đề bảo đảm "an ninh năng
lượng" cho phát triển kinh tế, thông qua TAPI, Ấn Độ còn có được một chỗ
đứng chiến lược trong khu vực giàu năng lượng Trung Á, nơi mà Trung Quốc lại
phụ thuộc khá lớn vào nguồn năng lượng tại khu vực. Ngoài ra, TAPI còn là một
chất xúc tác cho hòa bình, ổn định giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Pa-ki-xtan,
thu hẹp sự khác biệt giữa hai cường quốc hạt nhân tại khu vực Nam Á. TAPI cũng được
kỳ vọng là một dự án đầy tiềm năng, khởi động một kỷ nguyên hợp tác mới liên
khu vực giữa Trung Á và Nam Á.
TAPI ra đời, sự ràng buộc và phụ thuộc lợi
ích của các nước trong khu vực Nam Á cũng sẽ trở nên sâu sắc hơn. Sự có mặt
đường ống TAPI sẽ gián tiếp thúc đẩy cạnh tranh kinh tế giữa các nước trong khu
vực. Khi lợi ích của vấn đề hợp tác kinh tế trở nên hấp dẫn hơn, chi phí cho sự
xung đột trở nên đắt đỏ và cuối cùng, sẽ giảm thiểu xung đột. Dự án này cũng sẽ
cho phép các quốc gia Trung Á tìm một thị trường năng lượng thay thế ở phía
đông và do đó giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng vào Nga.
Tại
sao người Mỹ "nhiệt thành" với TAPI ?
Dù không trực tiếp hưởng lợi từ nguồn khí đến
từ đường ống TAPI, nhưng Mỹ lại tỏ ra là người rất quan tâm, hỗ trợ cho sự ra
đời của dự án. Nguyên nhân là do, sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, Trung Á
đã trở thành một “bàn cờ chiến lược” quan trọng. Nó được coi là một phần của “con
đường tơ lụa” hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực xuất hiện trở lại
một số trung tâm quyền lực mới, chẳng hạn như sự hồi sinh của nước Nga, sự lớn
mạnh như vũ bão của Trung Quốc và Ấn Độ… Như vậy, TAPI không chỉ là một đường
ống dẫn khí tiềm năng mà còn là một công cụ dự trữ chiến lược quan trọng để Mỹ đối
phó các bên liên quan tại Áp-ga-ni-xtan. Mọi nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì sự hiện
diện tại Áp-ga-ni-xtan trong suốt thập kỷ qua cũng là nhằm tạo thế đứng chân
vững chắc tại khu vực. Đối với Mỹ, Áp-ga-ni-xtan có ý nghĩa cực kỳ quan trọng
về mặt địa chiến lược. Nếu đường ống dầu khí chạy qua Áp-ga-ni-xtan, điều này
sẽ cho phép Mỹ vừa thực hiện được mục tiêu “đa dạng hóa nguồn cung năng lượng”,
đồng thời qua đây có thể thâm nhập vào các thị trường “màu mỡ” nhất thế giới.
Ở khía cạnh địa chính trị năng lượng, nếu
dự án này đi vào hoạt động, nó sẽ là một “hồi chuông báo tử” đối với dự án IPI.
Dự án đường ống IPI kéo dài từ I-ran tới Pa-ki-xtan, qua Ấn Độ và dự kiến sẽ vươn
sang Trung Quốc. Dự án này trị giá 7 tỉ USD, dài hơn 2.200 km đã được lập kế
hoạch trong nhiều năm trước đây, nhưng nó liên tục vấp phải sự phản đối của Oa-sinh-tơn.
Sau các cuộc đàm phán kéo dài, I-ran và Pa-ki-xtan đã ký một thỏa thuận chính
thức vào tháng 6 - 2010 và hiện nay Mỹ vẫn đang gây áp lực buộc Pa-ki-xtan từ
bỏ dự án này. Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán này vào năm 2009 sau khi ký
một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, nhưng Ấn Độ vẫn sử dụng nó để mặc cả với Mỹ và
như vậy vẫn để ngỏ cơ hội tham gia. Nếu dự án TAPI thành công, nó sẽ kết nối
các nguồn tài nguyên tại Trung Á với các thị trường ở phía Nam (bao gồm cả
dự án đường ống dẫn khí đốt Nabucco) để đưa khí đốt của khu vực Ca-xpi, Trung
Đông… tới châu Âu. Mặc dù theo dự kiến,
Ấn Độ là điểm cuối của TAPI, nhưng đường ống này có thể dễ dàng kéo dài đến
cảng Goa-da và sau đó sẽ vươn sang châu Âu.
Mỹ hỗ trợ TAPI cũng là một cách để phá vỡ
sự độc quyền của Nga trong việc xuất khẩu năng lượng từ khu vực lòng chảo Ca-xpi
ra thế giới. TAPI thành công cũng sẽ là một tuyến đường vận chuyển thay thế cho
khí đốt Trung Á, nằm ngoài mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của Nga. Các nhà phân
tích cũng có lý khi cho rằng, TAPI chính là sản phẩm của cuộc chiến Mỹ - Áp-ga-ni-xtan.
Dự án này củng cố sự có mặt về chính trị và quân sự của NATO tại khu vực cao
nguyên chiến lược, giám sát cả Nga, I-ran, Ấn Độ, Pa-ki-xtan và Trung Quốc.
TAPI cũng là lý do hoàn hảo để Mỹ và NATO có cớ để tiếp tục sự hiện diện về mặt
quân sự tại đây, mục đích chính là nhằm "quản lý khủng hoảng" tại khu
vực Trung Á, sân sau của Nga.
Kỳ
vọng có thành?
Các nhà quan sát cho rằng, ngay cả khi có
được một sự đồng thuận “kết thúc trò chơi ở Áp-ga-ni-xtan” nhưng tại một khu
vực luôn có sự cạnh tranh phức tạp như Nam Á hiện nay thì yếu tố hưởng lợi kinh
tế từ một đường ống dẫn khí TAPI cũng chưa thể giúp ổn định ngay được tình hình
tại đây. Đương nhiên, việc vận hành một dự án như trên tại một khu vực bất ổn cũng
trở nên khó khăn hơn.
Một yếu tố chính, tác động trực tiếp đến
số phận của dự án TAPI chính là sự bất ổn chính trị tại đây. Kể từ khi ra đời các
quốc gia độc lập tại Trung Á, nơi đây đã chứng kiến sự bất ổn chính trị do hệ
quả của các "cuộc cách mạng màu". Tương tự như vậy, tại Áp-ga-ni-xtan
hiện nay, lực lượng cảnh sát của Áp-ga-ni-xtan còn yếu kém, nó cũng không thể bảo
đảm được vấn đề an ninh cho đường ống. Đặc biệt, trong bối cảnh Ô-xa-ma Bin La-den
bị tiêu diệt, vấn đề an ninh tại khu vực lại bị xáo trộn nhiều hơn. Tại Ba-lo-chi-xtan
(Pa-ki-xtan), nơi một phần đường ống đi qua, quân nổi dậy ngày càng gia tăng. Và
dự án này có khi còn là một cơ hội hấp dẫn đối với quân nổi dậy, hoặc quân
khủng bố, chúng sẽ lợi dụng để tống tiền các nhà thầu tư nhân. Hơn nữa, các
nguồn tài chính của các nhà tài trợ quốc tế cũng sẽ không sẵn sàng đổ vốn vào một
dự án mà ở đó vấn đề an ninh là khá phức tạp.
Nguồn cung cấp khí đốt từ Tuốc-mê-ni-xtan
cũng không hứa hẹn sự bền vững. Nguyên nhân là do Tuốc-mê-ni-xtan đã ký kết
thỏa thuận với cả I-ran và Trung Quốc để tăng nguồn cung cấp nhiên liệu cho các
thị trường này. Tuốc-mê-ni-xtan ký thoả thuận bán cho Trung Quốc 40 tỉ mét khối
khí đốt vào năm 2013 và 20 tỉ mét khối cho I-ran trong những năm tới. Tuốc-mê-ni-xtan
cũng là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất cho Gazprom của Nga. Vậy Tuốc-mê-ni-xtan
có thể đáp ứng các cam kết của mình đối với TAPI hay không?. Hơn nữa, Tuốc-mê-ni-xtan
cũng thiếu nguồn lực tài chính và năng lực kỹ thuật để phát triển dự án mới. Mạng
lưới cơ sở hạ tầng đường ống cung cấp khí đốt của Tuốc-mê-ni-xtan vẫn phụ thuộc
vào mạng lưới của Nga xuất khẩu sang phương Tây. Với những bất cập như trên, theo
đánh giá của một số chuyên gia, Tuốc-mê-ni-xtan sẽ khó có thể tăng khối lượng
xuất khẩu đáng kể trong 10 năm tới.
Cuối cùng, sự khác biệt trong vấn đề định
giá khí đốt cũng như phí vận chuyển phát sinh giữa Ấn Độ và Tuốc-mê-ni-xtan
cũng cản trở sự ra đời của dự án này. Các cuộc họp liên bộ gần đây thường kết
thúc trong bế tắc, Ấn Độ không đồng ý trả giá theo những đề xuất của Tuốc-mê-ni-xtan,
vì Ấn Độ cho rằng, mức giá đó còn cao hơn giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Ngân
hàng Phát triển châu Á (ADB), đối tác và là nhà đầu tư chính của dự án TAPI,
ủng hộ sự tham gia của Trung Quốc với lý do các công ty Trung Quốc có kinh
nghiệm trong việc xây dựng đường ống dẫn dầu quy mô lớn với một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, Ấn Độ lại cảnh giác với sự tham gia của Trung Quốc. Ấn Độ lo ngại
ảnh hưởng của Trung Quốc tại Áp-ga-ni-xtan sẽ ngày một lớn mạnh và họ cũng có
một vai trò lớn hơn trong khu vực SAARC (Các nước thuộc Hiệp hội hợp tác khu
vực Nam Á).
Mặc dù TAPI là một phần trong “trò chơi địa
chiến lược” rộng lớn của Mỹ tại khu vực và vấn đề xây dựng đường ống TAPI cũng
còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc đạt được
một thỏa thuận xây dựng đường ống khí đốt giữa các quốc gia có liên quan là một
minh chứng cho thấy thiện ý hợp tác và đoàn kết tại khu vực./.