Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Cách dùng đại từ nhân xưng của thầy va trò trong nhà trường Việt Nam

ThS. Lê Hoàng Giang
TT Nghiên cứu Giáo dục Phổ thông - Viện Nghiên cứu Giáo dục


Ngôn ngữ giao tiếp trong nhà trường phản ánh trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, đặc biệt là thể hiện quan hệ tình cảm giữa hai chủ thể của quá trình giao tiếp, thầy và trò. Thực tế, ngôn ngữ giao tiếp trong nhà trường đã được ước định tự nền giáo dục ngàn xưa, là một sự ngầm quy định và hôm nay, kể cả mai sau, những đại từ nhân xưng đó vẫn luôn được thầy trò nhà trường Việt Nam nâng niu sử dụng. Người sử dụng ngôn ngữ giao tiếp đã tự đặt mình trong mối quan hệ trách nhiệm, mối quan hệ tình cảm với người đối diện. Cái bản chất tự nhiên đó đã giúp cho ông cha ta đã đúc rút, xây dựng biết bao nhiêu bài học đạo lý về thầy - trò. Cho nên thầy trò nhà trường Việt Nam luôn sống trong mối quan hệ tình cảm ấm áp, đầy trách nhiệm.


Trong nhà trường Việt Nam, cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp ở từng cấp học được ngầm quy định rõ ràng. Ở bậc Mầm non, Tiểu học, các cháu sẽ xưng hô với cô giáo, thầy giáo khác với cách dùng đại từ nhân xưng của học sinh ở bậc Trung học cơ sở, Trung hoc phổ thông; người thầy ở bậc Đại học sẽ xưng gọi học trò cũng khác với người thầy ở bậc phổ thông. Điều này phần lớn phụ thuộc vào lứa tuổi của học sinh ở từng cấp học. Tuy nhiên tuổi tác của thầy cô giáo cũng phần nào quy định cách xưng hô của học sinh. Mặc dù thế nhưng ngôn ngữ giao tiếp ở mỗi miền cũng có những điểm khác biệt, điều này phụ thuộc vào đặc trưng văn hóa từng vùng, từng miền.

1. Chức năng của ngôn ngữ giao tiếp trong nhà trường.

1.1 Ngôn ngữ giao tiếp trong nhà trường phản ánh nghĩa vụ, trách nhiệm lẫn nhau giữa Thầy và Trò.

Xưng hô thể hiện vị thế xã hội, thể hiện trách nhiệm của người sử dụng.

Ở bậc học Mầm non, giáo dục Việt Nam có cách xưng hô duy nhất, không khác biệt giữa hai miền Nam - Bắc, đó là Cô và các con. Cách xưng hô này xuất phát từ trách nhiệm nữa ngoài trách nhiệm giảng dạy của cô giáo, là trách nhiệm của người mẹ. Giáo viên mầm non đến trường dạy cho các cháu những kiến thức tổng hợp, về ngôn ngữ (các mẫu lời nói), về Tiếng với các chữ cái, giúp các cháu bắt đầu làm quen với Toán học, hình thành cho các cháu kỹ năng sống,..Ngoài ra, cô giáo còn phải chăm sóc các cháu như: ăn, uống, tắm rửa, giặt,..., đặc biệt là phải theo dõi cháu về tình trạng sức khỏe để thông báo với phụ huynh mỗi ngày. Cô giáo làm trách nhiệm của người mẹ, người bà của các cháu nên cô giáo phải xem các cháu như con, cháu của mình. Cái tình cảm lớn lao ấy xuất phát từ trách nhiệm, từ công việc nên cách xưng hô ấy cũng nảy sinh từ đó. Tình cảm đó cũng có thể là sẵn có trong mỗi người bước vào làm công tác giáo dục bậc Mầm non. Họ là những người có lòng yêu trẻ, không ngại trước những công việc chăm sóc trẻ, đặc biệt họ là những người có tài chinh phục trẻ. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng nhận biết tự nhiên ở trẻ là trẻ đã nhìn thấy ở họ có tình yêu thương của người bà, người mẹ, người chị. Rõ ràng cái cốt cách ấy, cái phẩm chất ấy ở họ đã toát ra bên ngoài một cách tự nhiên, tạo niềm tin ở trẻ. Cho nên cặp đại từ nhân xưng CÔ - CÁC CON được sử dụng ở môi trường giáo dục này một cách tự nhiên trong hai chủ thể là cô giáo và các cháu.

Thầy trò nhà trường Việt Nam xưng và hô theo nguyên tắc XƯNG KHIÊM HÔ TÔN, gọi mình thì khiêm nhường, còn gọi đối tượng giao tiếp thì tôn kính, và đặc biệt là gắn liền với chữ LỄ. Đó là thầy trò nhà trường Việt Nam đã thể hiện tính tôn ti kỹ lưỡng. Xưng hô thể hiện hiểu biết của chủ thể về văn hóa dân tộc, điều mà ông cha ta đã hàng ngàn năm dày công gây dựng, vun đắp. Thực tế này rất phức tạp! Tôi là người đã giảng dạy ở trường chuyên nghiệp lâu năm, đối diện với nhiều lớp sinh viên, học viên ở nhiều lứa tuổi, thuộc nhiều loại hình đào tạo, bản thân buộc mình phải có thái độ, tác phong chuẩn mực, sử dụng ngôn ngữ phù hợp từng đối tượng lứa tuổi, từng không gian cụ thể, chẳng hạn, ở những lớp học mà học viên không cùng lứa tuổi, thậm chí có học viên đáng tuổi cha, chú, anh cả của mình, hay ở những lớp tập huấn về chuyên môn, lớp bồi dưỡng chuyên môn,... Lúc bấy giờ, chúng ta chọn cặp đại từ nhân xưng: TÔI và CÁC ANH CHỊ, hoặc là CÁC THẦY CÔ nếu họ là giáo viên. Người học lúc bấy giờ cũng không thể gọi thầy giáo của mình đang đứng lớp của mình là EM hay CHÁU như gặp gỡ ngoài đời được. Điều này cho thấy giáo dục Việt Nam luôn gắn liền với chữ lễ, mỗi người đi học đều phải biết thế nào là lễ, chữ lễ trong mỗi người thể hiện ở sự nhận biết về vị thế của mình đang ngồi và cả vị thế của người đối diện. Từ đó, cả người học lẫn người dạy lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp phù hợp, đặc biệt là lựa chọn đại từ nhân xưng sử dụng trong hội thoại cho phải đạo. Cho nên thành ngữ "Tiên học lễ, hậu học văn" luôn thường trực trong nhà trường Việt Nam. Học chữ lễ, hiểu hết chữ lễ, người học mới đủ điều kiện, khả năng thu nhận tri thức. Như vậy, chữ lễ là cơ sở, là điều kiện, là nền tảng trong mỗi học trò, giúp học trò không những có tâm thế học tập tốt mà còn có mối quan hệ tình cảm đẹp đẽ: tình thầy trò.

Xưng gọi THẦY (CÔ) - CÁC EM. Đây là cách xưng hô phổ biến nhất trong nhà trường Việt Nam ta từ cấp Tiểu học đến cấp Đại học. Cách xưng gọi này biểu hiện quan hệ xã hội giữa hai chủ thể giao tiếp trong quá trình dạy học, thể hiện quan hệ giữa thế hệ đi trước, người đang gánh trách nhiệm hướng dẫn, giảng dạy, chỉ bảo, đào tạo,... với thế hệ sau, những người đang tiếp bước. Có lẽ vì vậy mà ngôn ngữ tiếng Việt có những cụm từ "đàn em thân yêu, thế hệ sau, thế hệ đàn em, thế hệ học trò,..."! Dùng cặp đại từ nhân xưng này, người dạy đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình là truyền thụ tri thức, giáo dục, hình thành nhân cách cho học sinh. Bởi thế quan niệm về vị thứ trong xã hội của ông cha ta đã đặt người thầy vào vị trí thứ hai, QUÂN - SƯ - PHỤ. Như vậy, xét về vị thứ trong mỗi con người, SƯ - thầy đứng thứ hai, Dưới (sau) QUÂN - vua và trên (trước) PHỤ - cha. Từ vị trí đó, mỗi chủ thể giao tiếp trong nhà trường Việt Nam ta đều ý thức rõ trách nhiệm lẫn nhau. Thầy có trách nhiệm về tri thức, về nhân cách của trò. Nếu người trò có gây ra lầm lỡ nào trong cuộc sống thì người thầy phải chịu trách nhiệm, như nhận thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với học trò. Sự ngầm hiểu về mối quan hệ ấy của người Việt đã sản sinh ra những cụm từ "thầy nào trò ấy, thầy sao trò vậy". Gia đình cũng luôn ý thức được vai trò đó của người thầy với con mình mà dạy con cái rằng, phải biết "tôn sư trọng đạo", kính thầy, trọng thầy, biết ơn thầy. Bởi học trò là sản phẩm từ quá trình đào tạo mất rất nhiều công sức, tài năng, đặc biệt là tâm huyết của thầy, là minh chứng cho năng lực của người thầy. Tôi thiết nghĩ, tư tưởng này luôn tồn tại trong mỗi nhà giáo Việt Nam ở bất kỳ thời đại nào, thúc giục bản thân người thầy hoàn thành công cuộc trồng người của đời mình. Làm được điều đó, người thầy luôn rèn đức luyện tài, luôn phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

Xưng gọi TÔI - CÁC BẠN, CÁC ANH CHỊ; THẦY - EM. Đây là cách xưng hô giữa thầy trò ở nhà trường chuyên nghiệp. Lý giải cho cách xưng hô này là trong suy nghĩ của người thầy ở trường chuyên nghiệp, học trò (sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh) là những thế hệ đồng nghiệp tương lai, là đội ngũ kế thừa, kế cận, tiếp bước họ trên con đường sự nghiệp mà họ đang đi. Một điều nữa là cái biên độ về sự chênh lệch về tuổi tác giữa thầy và trò ở trường chuyên nghiệp rất rộng, có độ lệch như cha và con, có độ lệch như anh và em, có nhiều trường hợp thầy và trò cùng lứa tuổi, cũng có trường hợp thầy trẻ hơn trò vài tuổi. Một điều nữa là sinh viên ở trường Đại học là chủ thể nghiên cứu nên cách dùng đại từ CÁC BẠN hay ANH CHỊ sẽ làm cho thầy và trò gần gũi hơn, phát huy được tính chủ động ở người học, dễ dàng tiếp cận với khoa học; cách xưng gọi đó cũng thể hiện sự tôn trọng học trò của thầy. Trước những nguyên nhân ấy, người thầy đã thể hiện trách nhiệm với học trò của mình mà còn ý thức hoàn thành trách nhiệm xã hội. Vì vậy, người thầy chỉ hạnh phúc khi họ đào tạo được những học trò giỏi, những người mà họ tin tưởng, những người có khả năng phát triển những công trình dở dang mà họ chưa kịp hoàn thành vì sự hữu hạn của đời người.

1.2 Ngôn ngữ giao tiếp trong nhà trường thể hiện tình cảm thầy trò.

Cách chọn đại từ nhân xưng trong giao tiếp của thầy và trò nhà trường Việt Nam ta là sản phẩm của lối sống trọng tình. Thầy trò là quan hệ xã hội. Tuy nhiên cách xưng hô giữa thầy và trò trong nhà trường chúng ta thường thể hiện tình cảm gia đình, rất thân thiết, gần gũi, đùm bọc, chia sẻ, yêu thương. Chính vì thế chúng ta thường nghe khái niệm chữ TÂM trong dạy học, không yêu trẻ, yêu nghề, chúng ta không thể nào đạt được đỉnh cao trong công cuộc trồng người.

Giáo dục Việt Nam ta đã trải mình qua những thăng trầm theo sự thăng trầm của lịch sử đất nước. Những gian khổ nguy nan trong chiến tranh, những khó khăn khi đất nước vừa thống nhất,... Chúng ta phải khẳng định rằng, chỉ có tình cảm nghề nghiệp, tình cảm với những con người tiếp bước mình mới giúp những thế hệ thầy trò Việt Nam vượt qua những ghềnh thác ấy làm nên một nền giáo dục vững chắc, tiên tiến đáng tự hào.

2. Sự lạm dụng ngôn ngữ giao tiếp trong nhà trường.

Xuất phát từ lối sống trọng tình, người Việt lựa chọn đại từ nhân xưng TAO - MÀY cho những mối quan hệ thân thiết, gần gũi. Nhiều thầy giáo đã thực hiện cách xưng gọi này trong nhà trường, phổ biến là trường chuyên nghiệp. Tất nhiên là cách xưng gọi này không thể diễn ra trong lớp học, chỉ thường xuyên "có mặt" trong những cuộc chuyện trò ngoài không gian lớp học, lẽ đương nhiên là không ngoại trừ sử dụng cho cuộc "thảo luận" về dạy học. Mặc dù thế nhưng cách xưng gọi ấy hoàn toàn không phù hợp với hai chủ thể trên. Sự thân thiện trong nhà trường là cần có nhưng phải đảm bảo sự tao nhã chứ không cứ gì sử dụng đến cặp đại từ nhân xưng "TAO - MÀY" thì mới biểu lộ sự thân thiện, gần gũi, dễ tỏ bày tâm sự. Cặp đại từ nhân xưng TAO - MÀY biểu hiện sắc thái thân thiện, gần gũi, cởi mở nhưng lại thiếu sự trang trọng, lịch thiệp, một biểu hiện nét đẹp văn hóa giao tiếp của người Việt, một yếu tố rất cần thiết trong quan hệ thầy trò nhà trường chúng ta.

Nhiều giảng viên ở các trường Đại học còn sử dụng cặp đại từ TÔI - ÔNG khi tiếp xúc, trao đổi với sinh viên, học viên, tất nhiên, đó là những cuộc giao tiếp ngoài không gian lớp học. Cặp đại từ này chỉ dùng cho cách xưng hô của những người ngang hàng, những người trong vai ngang với nhau, cũng có thể ở những người bạn thân thiết, trọng nhau. Đành rằng, đặc trưng văn hóa giao tiếp của người Việt là XƯNG KHIÊM HÔ TÔN.Thế nhưng chúng ta dùng cặp đại từ này vừa không thể hiện đặc trưng đó, vừa làm cho người đối diện quên vị thế bản thân, rút ngắn khoảng cách, vừa tạo ra những thông tin thiếu nghiêm túc cho quan hệ giữa người dạy và người học như, vấn đề thiếu công tâm trong dạy học. Ông - tôi trong mối quan hệ bạn bè sẽ thể hiện tình cảm thân thiết, gần gũi. Nhưng dùng cặp đại từ ấy cho mối quan hệ thầy trò trong nhà trường sẽ biểu hiện sắc thái lạnh lùng của người thầy trước học trò.

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", thành ngữ ra đời không phải là sự khái quát phẩm chất cao đẹp ở con người về sự ý thức bản thân mà nhằm mục đích dùng phẩm chất đó giáo dục, khuyên răn con người, hướng con người phải biết nhìn lại bản thân, kiểm soát bản thân, nhận ra những hạn chế cần phải sửa chữa, thay đổi. Ta vẫn thấy ở đâu đó hiện nay trong nhà trường Việt Nam ta vẫn còn tình trạng học sinh, sinh viên, kể cả những người đã ổn định về tính cách như học viên sau đại học đã quy nguyên nhân kết quả học tập thấp của mình là do thầy giáo, người hướng dẫn. Rằng là ÔNG ẤY, ÔNG TA khó, BÀ ẤY trù dập, LÃO ẤY "diệt" TAO. Những đại từ nhân xưng không lịch thiệp ấy đã được học trò gán cho những nhà giáo có trách nhiệm với nghề, có yêu cầu chuẩn về trình độ cho học trò. Đương nhiên những nhà giáo này luôn khắt khe, nghiêm túc trong giảng dạy, trong đánh giá chứ họ không hề nghiệt ngã với học trò mình. Phần lớn số học sinh, sinh viên thuộc diện trên không hề có trong "từ điển" của mình thành ngữ TIÊN TRÁCH KỶ, HẬU TRÁCH NHÂN. Họ không thể nhận thấy rằng, bản thân họ vẫn chưa phù hợp với môi trường đào tạo mới, chưa đáp ứng được yêu cầu mà người thầy đặt ra cho mình, chưa thể nhận ra rằng thầy giáo của mình muốn xây dựng, đào tạo một sản phẩm, ấy là họ, phải được xã hội sử dụng và cao hơn là trọng dụng. Hiện tượng này đang phổ biến tại các trường chuyên nghiệp của nước ta. Những nhà giáo chân chính, thực thụ đôi lúc cũng mang điều tiếng không tốt từ phía học sinh, sinh viên. Khắc phục tình trạng này trong nhà trường vẫn là vấn đề tạo dựng một con người từ nhiều phía, gia đình, nhà trường, xã hội, nhưng trong đó, gia đình là nơi đào tạo có tác động lớn nhất. Như vậy, bản thân mỗi người học luôn cần nhìn lại mình trước kết quả đánh giá thấp về bản thân từ phía những nhà giáo tâm huyết, chân chính.

Tuy nhiên, là nhà giáo, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận đánh giá về những đồng nghiệp đang hoạt động trong môi trường giáo dục. Thực tế giáo dục Việt Nam ta hiện nay tồn tại không ít những người thầy yếu về năng lực, kém về phẩm chất, và cũng còn rất nhiều "nhà giáo" rất tốt về năng lực nhưng phẩm chất đạo đức thì đồi bại. Theo tôi, cái mức độ về năng lực và phẩm chất ấy trong "đối tượng thứ nhất" luôn liên quan nhau, tỷ lệ thuận nhau; và cũng có sự đồi bại về phẩm chất không từ nguyên nhân yếu kém về năng lực mà cái "năng lực" đồi bại ấy đã hoàn chỉnh trước trong chủ thể (đối tượng thứ 2). Cái tỷ lệ thuận về mức độ giữa năng lực và phẩm chất là sự phản ánh logic cuộc sống về sự dung túng, thậm chí có thể là sự cổ xúy của môi trường, đặc biệt là phản ánh quy luật tâm lý cuộc sống trong mỗi con người. Cái tỷ lệ nghịch giữa năng lực và phẩm chất trong người thầy thật sự rất nguy hiểm cho môi trường giáo dục. Cả hai đều là "kẻ" đáng sợ của ngành giáo dục. Giáo dục cần nhanh chóng loại trừ hai nhóm đối tượng trên để cho ngành được trong, sáng như bản thân vốn có, xứng đáng làm cái nền cho mỗi con người, các ngành học khác. Và bởi chính hai nhóm đối tượng này là nguyên nhân sự xuất hiện những đại từ nhân xưng không đáng có trong môi trường giáo dục mà tôi đã nêu trên.

Giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh, sinh viên luôn được nhà trường quan tâm, coi trọng, đặc biệt là ở sinh viên hiện nay, vấn đề giáo dục văn hóa giao tiếp lại càng đặt ra cấp bách. Giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh là nhiệm vụ của mỗi giáo viên, giảng viên khi tiếp xúc với học sinh. Điều này không tách rời bài giảng, bởi dạy học không chỉ dạy tri thức cho học sinh mà còn phải giáo dục nhân cách cho các em. Trong quá trình đó, ngôn ngữ luôn đóng vai trò trọng yếu, đặc biệt là những cặp đại từ nhân xưng được chọn trong cuộc hội thoại giáo dục.

Bên cạnh đó, gia đình phải luôn đồng hành với nhà trường trong công cuộc giáo dục này, xây dựng học sinh, sinh viên trở thành những con người hoàn hảo, toàn diện, những con người giỏi về năng lực, tốt về đạo đức.