Các
nước mới trỗi dậy nối bước các cường quốc phương Tây trong việc mua vũ
khí, đó là nhận định của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốckhôm trong
bản báo cáo thường niên công bố ngày 7/6. Về chủ đề này, tờ báo Pháp
"La Croix" có tựa đề lớn trên trang nhất: “Châu Á tái khởi động chạy đua
vũ trang”. Theo đó, Châu Á đang tăng cường trang bị vũ khí. Năm 2010,
châu lục này đã nhập vũ khí với số lượng khổng lồ.
Năm
2010, chi tiêu quân sự trên toàn cầu là 1.112 tỷ euro - mức tăng trưởng
thấp nhất kể từ năm 2001. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là tất cả
các nước trên thế giới đều giảm chi tiêu quân sự. Chỉ những nước giàu,
nhất là các nước châu Âu, buộc phải giảm chi phí quốc phòng theo kế
hoạch thắt lưng buộc bụng dưới sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ngược lại là trường hợp các nước phía Nam và những quốc gia mới nổi như
Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Châu Á được xem là trung tâm
của phía Nam đang tăng cường trang bị vũ khí. Năm 2010, châu lục này đã
nhập vũ khí với số lượng khổng lồ.
Vì
sao các nước châu Á lại tăng cường trang bị vũ khí như vậy? Báo "La
Croix" cho biết đó là vì sự tương quan lực lượng trong khu vực. Chẳng
hạn như Trung Quốc và Pakixtan, hai nước này đã chạy đua vũ trang từ
nhiều năm nay và cũng góp phần vào việc quân sự hóa khu vực châu Á. Năm
2010, hai nước này đứng đầu danh sách nhập vũ khí trên thế giới với tổng
chi phí lên đến 4 tỷ euro. Ấn Độ có tranh chấp tại khu vực Kashmir, vì
thế nước này muốn làm tất cả để chống lại Pakixtan, nước được sự hậu
thuẫn của Trung Quốc.
Về
phần mình, Trung Quốc muốn củng cố vai trò cường quốc khu vực nên đã
tăng cường ngân sách quốc phòng. Các nước láng giềng vì thế cũng lo lắng
tìm cách hiện đại hóa quân đội. Thập niên vừa qua, Trung Quốc là nước
mua vũ khí lớn nhất thế giới, tiêu tốn tới 16,4 tỷ euro, vượt Ấn Độ, Hàn
Quốc và Hy Lạp. Riêng năm 2010, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đạt 81
tỷ euro, chiếm 7,3% chi phí quốc phòng thế giới, vượt cả Anh, Pháp và
Nga. Tuy nhiên, so với Mỹ thì khoảng cách còn xa, năm 2010, Mỹ chi đến
476 tỷ euro.
Liên
quan đến các nước bán vũ khí, Mỹ và Nga vẫn đứng đầu bảng khi cung cấp
hơn một nửa thiết bị quân sự trên thế giới. Kế đến là Đức, Pháp, Anh,
với gần 1/4 mức xuất khẩu vũ khí qui ước trên thế giới.
SIPRI
cũng thông tin chi tiết về các bạn hàng chính của 5 nước kể trên: Ấn Độ
và Trung Quốc nhập vũ khí chủ yếu từ Nga, Hàn Quốc và Ôxtrâylia nhập từ
Mỹ, Trong khi đó, Anh bán vũ khí cho Mỹ và Arập Xêút, còn Pháp bán vũ
khí cho Xinh-ga-po, các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất và Hy Lạp. SIPRI
cảnh báo thị trường vũ khí vẫn là một trong những thị trường tham nhũng
nhất thế giới, chiếm đến 40% lượng tham nhũng trong các giao dịch quốc
tế.
Liên
quan đến vũ khí hạt nhân, SIPRI cho biết dù các nước thông báo sẽ giảm
lượng vũ khí hạt nhân, nhưng đến nay, các loại vũ khí này vẫn là mối đe
dọa nhân loại. Tám nước (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakixtan
và Ixraen) sở hữu đến 20.500 đầu đạn hạt nhân. Trong số đó, có đến
5.000 đầu đạn hạt nhân đã được triển khai và trong tình trạng sẵn sàng
tác chiến. Bên cạnh đó, 5 nước được công nhận chính thức có vũ khí hạt
nhân và tham gia ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 là
Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc thì hoặc là đang triển khai thêm hệ thống
vũ khí hạt nhân mới, hoặc là thông báo ý định triển khai. SIPRI cảnh
báo các cường quốc hạt nhân này đang hiện đại kho vũ khí của họ bất chấp
Hiệp ước START qui định việc giải trừ vũ khí hạt nhân.
Theo La Croix
Hương Trà (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/1604-chau-a-tai-khoi-dong-chay-dua-vu-trang