1-
Hồ Chí Minh là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, một quốc
gia có truyền thống văn hóa, tư tưởng được hình thành qua hàng ngàn năm
lịch sử, mà cốt lõi là ý chí độc lập và khát vọng tự do. Đó là mục tiêu
cao cả, quyền dân tộc thiêng liêng quy tụ toàn dân đứng lên chiến đấu
đánh bại các đội quân ngoại bang phương Bắc xâm lược, để giành và giữ
vững chủ quyền đất nước qua các thời đại lịch sử.
“
Tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc… Hễ một dân tộc đã đứng
lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng
gì chiến thắng được họ” (1).
Độc lập, tự do là tư tưởng cốt lõi của học thuyết giải phóng và phát
triển dân tộc của Hồ Chí Minh, là nền tảng của đường lối chiến lược đại
đoàn kết dân tộc qua các thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sự hình thành Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng Việt Nam do
Đảng tổ chức và lãnh đạo đã diễn ra qua một tiến trình vận động từ năm
1930 và được hoàn thiện về đường lối chính trị và tổ chức với sự ra đời
của Việt Minh năm 1941.
Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang sống quằn quại trong
cảnh “ nước sôi lửa nóng”, lúc “ quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn
hết thảy”. Việc cứu nước là việc chung của đồng bào cả nước, ai là người
Việt Nam đều phải kề vai sát cánh:
“Quyết làm cho nước non này,
Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền:
Làm cho con cháu Rồng, Tiên,
Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta” (2)
Hồ Chí Minh sớm xác định cuộc cách mạng của nhân dân các nước thuộc địa
chống lại ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc là “ dân tộc cách mệnh”.
Cuộc cách mạng để “ giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào”, là một sự
nghiệp lớn, “ là việc chung của cả dân chúng”, “ trong đó công nông là
gốc cách mệnh”, là “ chủ cách mệnh”, “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ
nhỏ…là bầu bạn cách mệnh”; các giới đồng bào sĩ, nông, công, thương đều
phải đoàn kết lại do đảng cách mạng lãnh đạo để chống bọn đế quốc và tay
sai.
Người không rơi vào giáo điều khuôn mẫu, không đơn giản hóa vấn đề dân
tộc theo quan điểm coi vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề nông dân và
nội dung cơ bản về quyền lợi của nông dân là ruộng đất.
Nội dung cơ bản của cách mạng thuộc địa là quyền tự do độc lập. Nhân
dân thuộc địa có một động lực vĩ đại khi họ đã hiểu được giá trị của sự
đoàn kết dân tộc, quyết vùng dậy đấu tranh chống ách thống trị của chủ
nghĩa thực dân giành lại quyền độc lập dân tộc và tự do cho toàn dân.
Cách mạng của nhân dân các nước thuộc địa có thể giành được thắng lợi
trước cách mạng của nhân dân các nước tư bản và họ có thể giúp đỡ những
người anh em ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn.
Đây là những quan điểm cách mạng cơ bản của Hồ Chí Minh làm nền tảng để
xây dựng đường lối chiến lược cách mạng, thực hiện khối đại đoàn kết
thống nhất dân tộc trong câch mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.
2- Đầu năm 1930, nắm vững bản chất vấn đề dân tộc, Hồ Chí Minh đã lập ra Đảng cộng sản Việt Nam.
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do chính Người soạn thảo, được Hội nghị
thành lập Đảng nhất trí thông qua đã kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc với
vấn đề giai cấp, trong đó nổi lên hàng đầu là vấn đề dân tộc. Cương
lĩnh nêu rõ chủ trương chiến lược của Đảng trong cách mạng giải phóng
dân tộc là đánh đổ đế quốc thực dân Pháp và bọn phong kiến, “ làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập”,
thực hiện các quyền tự do dân chủ, kể cả vấn đề tịch thu ruộng đất của
đế quốc và bọn phản cách mạng đem chia cho nông dân, chuẩn bị thực hành
thổ địa cách mạng. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận công nhân và
nông dân, đồng thời phải đoàn kết với tiểu tư sản, trí thức, trung nông,
tranh thủ hoặc trung lập phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản Việt
Nam… Chủ trương thành lập Hội phản đế đồng minh cũng được nêu ra để Ban chấp hành Trung ương phải tổ chức ngay.
Điểm
sáng nổi bật trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng là chủ trương chiến
lược chống đế quốc và tay sai giành độc lập, tự do, thực hiện đại đoàn
kết dân tộc. Phong trào cách mạng nổ ra năm 1930 có tính quần
chúng rộng rãi, nhất là những địa phương có phong trào lên đến đỉnh cao
nhất như Nghệ An, Hà Tĩnh đã cuốn hút mạnh mẽ sức mạnh đoàn kết dân tộc,
không chỉ có công nông mà còn có các tầng lớp trí thức, một số sĩ phu,
phú nông, trung, tiểu địa chủ và một số quan lại nhỏ ở nông thôn. Đó là
một sự thật lịch sử, bước đầu minh chứng tính hiện thực về sức mạnh của
chủ nghĩa dân tộc và sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong cuộc cách
mạng giải phóng dân tộc, về tính chân xác của quan điểm giương cao ngọn
cờ độc lập dân tộc, đoàn kết toàn dân chống đế quốc và tay sai của Hồ
Chí Minh.
Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh,
nhắc lại tư tưởng cách mạng đúng của Cương lĩnh chính trị đầu tiên, coi
việc đoàn kết toàn dân là một trong những nhân tố thắng lợi của cuộc
cách mạng. Chỉ thị phê phán những nhận thức sai lầm trong Đảng như đã
tách rời vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, đã coi nhẹ vai trò của Hội
phản đế đồng minh trong cách mạng ở thuộc địa. Tư tưởng đoàn kết dân tộc
trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, nội dung của Chỉ thị của Ban Thường
vụ Trung ương Đảng chưa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng quán triệt,
trái lại còn tiếp tục mắc bệnh “tả” khuynh giáo điều. Khuynh hướng “tả”,
biệt phái giai cấp đó được tiếp tục biểu hiện rõ trong thư của Trung
ương gửi cho các cấp đảng bộ ngày 9-12-1930 và các văn kiện khác của
Đảng trong những năm 1931-1935 về sau.
Trong những năm 1936-1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định vận
động thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi, sau gọi là Mặt trận
thống nhất dân chủ để tập hợp các giai cấp, các đảng phái chính trị dù
nhỏ bé, bấp bênh vào cuộc đấu tranh chống bọn phản động thuộc dịa và tay
sai, đòi các quyền tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình. Hồ Chí Minh cũng
đã truyền đạt cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương phải tổ chức
mặt trận một cách rộng rãi, phải đấu tranh không khoan nhượng chống tư
tưởng bè phái, biệt lập. Đây là một bước trưởng thành mới về chủ trương
xây dựng Mặt trận thống nhất của Đảng. Cao trào đấu tranh dân chủ rộng
rãi của quần chúng diễn ra trong toàn quốc đã dẫn đến các hình thức phối
hợp và liên minh hành động giữa các giai cấp, đảng phái chính trị, các
đoàn thể quần chúng khác nhau trong từng đợt, từng phong trào đấu tranh
đòi quyền lợi dân chủ và dân sinh. Mặt trận dân chủ “đã bắt đầu thực hiện từng bộ phận” chứ chưa được hình thành về mặt tổ chức, có
hệ thống từ cơ sở đến trung ương, song đảng đã tích lũy thêm những kinh
nghiệm có ý nghia thực tiễn quan trọng trong cuộc vận động xây dựng mặt
trận những năm tiếp theo. Những kinh nghiệm đó đã được Nguyễn Văn Cừ,
Tổng Bí thư của Đảng tổng kết bước đầu trong tác phẩm Tự chỉ trích, công bố tháng 7 - 1939.
3-
Từ tháng 9-1939 trở đi, các dân tộc ở Đông Dương đứng trước nguy cơ mất
còn, “ Quyền lợi tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc
nguy vong không lúc nào bằng”. Vì vậy Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng do Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã quyết định giương cao
ngọn cờ dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị đã quyết định lập Mặt trận thống
nhất dân tộc phản đế Đông Dương nhằm mục đích đánh đế quốc Pháp, vua
chúa bản xứ và bọn tay sai của đế quốc phản bội dân tộc; giành lại quyền
độc lập hoàn toàn cho cả dân tộc trên bán đảo Đông Dương (thi hành
quyền dân tộc tự quyết).
Sự liên hiệp các dân tộc ở Đông Dương không nhát thiết bắt buộc các dân
tộc phải thành lập một quốc gia duy nhất vì các dân tộc Việt Nam, Miên,
Lào vốn là một quốc gia độc lập. Mỗi dân tộc có quyền giải quyết vận
mệnh theo ý muốn của mình, song sự tự quyết cũng không nhất định là rời
hẳn nhau ra. Chính vì vậy, Hội nghị quyết định sẽ lập Chính phủ Liên
bang Cộng hòa dân chủ Đông Dương, một chính phủ chung cho tất cả các
tầng lớp nhân dân trong xứ và trong phong trào giải phóng dân tộc.
Vào mùa Xuân năm 1941, Hồ Chí Minh đã được trở về Tổ quốc trực tiếp chỉ
đạo Ban Cháp hành Trung ương Đảng lãnh đạo và tổ chức nhân dân đánh
Pháp, đuổi Nhật để giành lại quyền độc lập, tự do.Trung ương Đảng đã
khẳng định và tiếp tục phát triển tư tưởng cách mạng dân tộc của Hồ Chí
Minh, rằng: Nói đến vấn đề dân tộc là nói đến quyền tự do độc lập của
mỗi dân tộc.Dân tộc đó có quyền lựa chọn con đường giải phóng của mình.
Sau khi đánh đuổi Pháp, Nhật, Đảng phải thi hành đúng chính sách dân tộc
tự quyết cho các quốc gia dân tộc ở Đông Dương. Các dân tộc sống trên
bán đảo Đông Dương sẽ tùy ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân
chủ hay đứng riêng thành lập một quốc gia tùy theo ý muốn của mình.
Hội
nghị quyết định nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thống
nhất lực lượng cách mạng trên toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ
thuyền, dân cày, phú nông, tiểu tư sản, tư sản bản xứ, trung, tiểu địa
chủ, ai có lòng yêu nước thương nòi vào một Mặt trận dân tộc thống nhất
rộng rãi, đánh Pháp, đuổi Nhật giành quyền độc lập, tự do cho các dân
tộc ở Đông Dương theo quan điểm thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Đối
với dân tộc Việt Nam sau khi đánh đuổi được Pháp – Nhật, sẽ lập nên
nước Việt Nam mới theo chế độ dân chủ cộng hòa… Đây là một sự thay
đổi về chiến lược cách mạng tư sản dân quyền của Đảng, xác định lại tính
chất của cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách
mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản
đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một vấn đề cần
kíp “ dân tộc giải phóng” vì nếu không đánh đuổi được Pháp – Nhật thì
vận mạng của dân tộc phải chịu kiếp ngựa trâu muôn đời mà vấn đề ruộng
đất cũng không làm sao giải quyết được.Do đó, tính chất của cuộc cách
mạng Đông Dương là cách mạng dân tộc giải phóng.
Vì quyền lợi sinh tồn của dân tộc, Đảng phải nêu cao ngọn cờ dân tộc.
Đảng phải khơi dậy cho hết chí khí cách mạng, tinh thần yêu nước của các
tầng lớp nhân dân, tập trung mọi lực lượng dân tộc để thực hiện nhiệm
vụ trung tâm là giải phóng dân tộc, cứu nước. Cho nên, tổ chức mặt trận
đại đoàn kết dân tộc phải có một tên mới có tính chất dân tộc hơn, có
sức mạnh hiệu triệu đồng bào toàn quốc hơn và nhất là có thể thực hiện
được trong tình thế lúc bấy giờ là Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là
Việt Minh. Đảng cũng đã ra một nghị quyết về chương trình của Việt Minh
làm cơ sở để tổ chức và lãnh đạo mặt trận.
Công cuộc vận động xây dựng tổ chức Mặt trận Việt Minh đã được triển khai vào cuộc sống cách mạng của nhân dân ta.
Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra Tuyên ngôn, kính cáo đồng bào rằng:
“ Từ khi lập quốc, xét lịch sử nước ta, chưa bao giờ dân tộc ta nhục nhằn, đau khổ như lúc này…
Nguy cơ diệt vong đã bày ra trước mắt. Hiện thời chúng ta chỉ có một
con đường mưu sống là đoàn kết thống nhất, đánh đuổi Nhật, Pháp, trừ khử
Việt gian.
Mở con đường ấy cho đồng bào, “ Việt Nam độc lập đồng minh” (Việt Minh) ra đời…
Việc giải phóng của ta phải do ta làm lấy.
Ai là người Việt Nam hãy phấn đấu tự cường, hãy tự tin, tự trọng, hãy đoàn kết thống nhất!” (3) .
Chương trình cứu nước của Việt Minh đã nêu rõ, sau khi đánh đuổi được
Nhật – Pháp sẽ lập ra Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc
dân Đại hội cử lên.Chính phủ sẽ thực hiện những chính sách của Việt Minh
về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội gồm 44 điểm cụ thể cốt đáp ứng
hai điều mà toàn thể đồng bào ta đang mong ước là “ Làm sao cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.
Tổ chức Việt Minh được Hồ Chí Minh chỉ đạo thí điểm từ đầu năm 1941 ở
Cao Bằng, rồi phát triển nhanh khi Việt Minh được chính thức thành lập.
Việt Bắc là nơi phong trào Việt Minh phát triển mạnh. “Đặc điểm to
nhất, đáng chú ý nhất của Việt Nam độc lập đồng minh ở Việt Bắc là tính
chất rộng rãi, rộng rãi đến một trình độ xưa nay chưa từng thất trong
lịch sử cách mạng nước ta; rộng rãi về phạm vi: từng xã, từng tổng, từng
châu, từng huyện đã hoàn toàn tham gia vào hàng ngũ cách mạng; rộng rãi
về mặt thành phần nhân dân: nam, phụ, lão, ấu đều rầm rộ tham gia vào
công tác cứu quốc, chỉ trừ một số rất ít trung lập và phản động” (4).
Tháng 11-1942 Việt Minh Cao Bằng đã mở Đại hội bầu Ban Chấp hành chính
thức của tỉnh. Ban Chấp hành Việt Minh của liên tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn,
Lạng Sơn cũng đã được thành lập. Các hội cứu quốc được phát triển trong
cả nước. Hội Văn hóa cứu quốc ra đời cuối năm 1943. Đảng Dân chủ Việt
Nam được thành lập tháng 6-1944 và đã tham gia làm thành viên của Việt
Minh.
Đứng đầu Việt Minh trong toàn quốc là Tổng bộ Việt Minh.
Việt
Minh đã thực sự trở thành trung tâm tập hợp, đoàn kết các giai cấp,
đảng phái chính trị và cá nhân yêu nước trong toàn quốc đứng lên đánh
Pháp, đuổi Nhật.
Đảng
đã thông qua Việt Minh các cấp để vận động, tổ chức và lãnh đạo nhân
dân thực hiện nhiệm vụ trung tâm là chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành
chính quyền.
Cuộc khởi nghĩa dân tộc trong cả nước tháng 8-1945 của nhân dân Việt Nam bằng “ sức mạnh đoàn kết dân tộc” đã giành được thắng lợi.
Mục tiêu cứu nước của Việt Minh đã trở thành hiện thực.
Sự
phát triển hoàn thiện về đường lối, chủ trương chiến lược “ đoàn kết
dân tộc” của Đảng dẫn đến sự ra đời của Măt trận Việt Minh 1941.
Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành một nhân tố cơ bản, quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.
Việt
Minh đã ra đời chính ở khu rừng Pác Bó. “ Hai chữ Việt Minh trong một
thời kỳ dài làm nức lòng đồng bào cả nước, Hai chữ Việt Minh còn mãi mãi
trong lịch sử, chói lọi nét vàng”(5) .
Việt Minh là một tổ chức mặt trận tiêu biểu, hoàn chỉnh, sáng chói như một mốc son đánh dấu sự ra đời của Mặt trận dân tọc thống nhất trong cách mạng Việt Nam.
-
Việt Minh ra đời là kết quả của một quá trình vận động cách mạng ở Việt
Nam, kết quả thắng lợi của tư tưởng độc lập, tự do và chiến lược đại
đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, của Đảng ta; kết quả của một tư tưởng
khoa học và sáng tạo, kiên quyết khắc phục tư tưởng ấu trĩ, “tả” khuynh,
giáo điều rập khuôn.
-
Sự ra đời và hoạt động của Việt Minh gắn liền với tư tưởng, đường lối
chính trị, đường lối tổ chức và sự hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh.
Người là hiện thân của khối đoàn kết dân tộc vì độc lập, tự do; của
chiến lược:
“ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công”.
-
Giương cao ngọn cờ dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và đoàn
kết thống nhất dân tộc, dựa vững vào khối liên minh công nông và trí
thức, đoàn kết chân thành với mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ của dân
tộc trong một Mặt trận thống nhất rộng rãi - Mặt trận Việt Minh là một
thành công sáng tạo của Hồ Chí Minh, của Đảng về công tác mặt trận trong
cách mạng Tháng Tám, về chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng
Việt Nam.
Vai
trò lịch sử là người sáng lập và lãnh đạo Mặt trận Việt Minh – Mặt trận
dân tộc thống nhất Việt Nam của Hồ Chí Minh không chỉ được những người
cách mạng ngợi ca mà cả những người ở trận tuyến đối lập cũng phải thầm
phục, kính nể. Đơ nít Oác nơ (Denis Warner) một người chống công cứng
rắn ở Ôxtrâylia đã ngợi ca rằng Hồ Chí Minh “luôn luôn có mặt khi mọi
người cần tới mình”, là người dắt dẫn lôi cuốn dân tộc vào một mặt trận
đại đoàn kết. Oác nơ viết: “ Vừa mới tập hợp những người cộng sản lại
với nhau năm 1930, thì khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương mới nổ ra,
Cụ Hồ lại đã sẵn sàng bắt tay vào việc tập hợp những người theo chủ
nghĩa dân tộc và những người cộng sản vào một Mặt trận thống nhất mới
rộng rãi hơn… vào mùa Xuân năm 1941” (6) .
Nguyễn
Tường Bách, một đảng viên Việt Cách thuộc phe đối lập chống Việt Minh
đã viết những lời thán phục sức nổi dậy của Việt Minh để giành chính
quyền năm 1945 như sau: “ Đâu đâu cũng là Việt Minh cả… Tại sao? Đó là
câu tôi tự hỏi. Họ tài thật. Chúng tôi không khỏi thầm phục…Việt Minh đã
thắng khắp nơi. Ngày 2-9, Chính phủ Hồ Chí Minh làm lễ tuyên thệ độc
lập ở Quảng trường Ba Đình. Tôi đã biết… Hồ Chí Minh ngày nay là Nguyễn
Ái Quốc mà chúng tôi vẫn khâm phục như một nhân vật thần kỳ” (7) .
PGS.NGND LÊ MẬU HÃN
CHÚ THÍCH
1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG. H 1995, tập 5, tr.7.
2- Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, tập 3, tr.205.
3- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr.459-463.
4-
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng 1930-1945, Ban nghiên cứu Lịch sử
Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977, tập 3, tr. 461.
5- Hoàng Quốc Việt: Ánh sáng mới từ Pác Bó, Đầu nguồn, tập hồi ký, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1975,tr.17.
6- Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, NXB Khoa học Xã hội, H 1995, tr.170.
7- Nguyễn Tường Bách: Việt Nam những ngày lịch sử. Nhóm nghiên cứu Sử - Địa xuất bản, Môngtrêan 1981, tr.69,70.