>> Trung Quốc cảnh báo Mỹ, răn đe láng giềng về Biển Đông
>> Khi học giả quốc tế "chỉnh huấn" Trung Quốc về Biển Đông
>> Biển Đông: Động thái nhỏ có thành chuyện lớn?
>> Khi học giả quốc tế "chỉnh huấn" Trung Quốc về Biển Đông
>> Biển Đông: Động thái nhỏ có thành chuyện lớn?
Trong hai ngày 20 đến 21/6/2011, Hội
thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế và
chiến lược của Hoa Kỳ tổ chức tại Thủ đô nước Mỹ đã tụ họp được nhiều
quan chức chính phủ, học giả và chuyên gia am hiểu về các vấn đề ở Biển
Đông, đến từ nhiều nước khác nhau, như Ấn Độ, Indonesia, Mỹ, Na Uy,
Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Singapore,... Hội
thảo đã thảo luận những chủ đề đang thu hút sự quan tâm ở Việt Nam cũng
như trên thế giới, như: lợi ích và lập trường của các Bên ở Biển Đông,
các sự kiện diễn ra mới đây tại Biển Đông, đánh giá hiệu quả của các cơ
chế bảo đảm an ninh Biển Đông hiện hành và những khuyến nghị về chính
sách nhằm tăng cường an ninh ở vùng biển này.
Luận điểm cơ bản được các đại biểu Trung
Quốc trình bày tại Hội thảo là mặc dù Trung Quốc có đầy đủ bằng chứng
để khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông, Trung Quốc chưa được tham gia
vào việc khai thác và quản lý các nguồn tài nguyên ở vùng biển này.
Trong khi đó, các nước ven Biển Đông khác, với sự trợ giúp của các nước
ngoài khu vực, đã tiến hành nhiều hành động xâm phạm quyền lợi của Trung
Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực để khắc phục tình
trạng trên, mặc dù dư luận người Trung Quốc hết sức bất bình. Giải pháp
thích hợp trước mắt là tạm gác tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và vùng
biển, cùng khai thác tài nguyên.
Ảnh: Tuổi trẻ. |
Luận điểm này thực ra không có gì mới
lạ. Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 cũng có quy định về
việc cùng khai thác tài nguyên như là một giải pháp tạm thời trong khi
chưa đạt được giải pháp phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế
hay thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển. Giữa Việt Nam và
các nước ASEAN có một số thực tiễn áp dụng giải pháp cùng thăm dò khai
thác tài nguyên trong vùng thềm lục địa chồng lấn trước khi đạt giải
pháp phân định ranh giới. Nhưng điều làm cho đề nghị gác tranh chấp cùng
khai thác tài nguyên ở Biển Đông của Trung Quốc không được các nước
trong khu vực hưởng ứng nằm ở chính sự mập mờ và phi lý của yêu sách chủ
quyền đối với Biển Đông của Trung Quốc.
Tại Hội thảo, đại biểu Trung Quốc tiếp
tục viện dẫn kết hợp cả đường đứt khúc 9 đoạn với tư cách là yêu sách
lịch sử và các nguyên tắc xác định vùng biển và thềm lục địa của Công
ước Luật biển 1982 để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Khi học giả các nước chất vấn về cơ sở pháp lý của đường đứt khúc 9
đoạn, đồng thời đề nghị học giả Trung Quốc làm rõ quan điểm của Trung
Quốc về việc áp dụng Công ước Luật biển 1982 để xác định các vùng biển
và thềm lục địa ở Biển Đông, họ đã không nhận được câu trả lời.
Không chỉ học giả từ các nước ven Biển
Đông, mà cả học giả từ các nước ngoài khu vực đều cho rằng đường đứt
khúc 9 đoạn hoàn toàn không có cơ sở trong Luật biển quốc tế và nếu
Trung Quốc coi đó là ranh giới vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc
thì không một nước nào trên thế giới có thể chấp nhận được. Trung Quốc
không thể sử dụng nó để yêu sách quyền đối với tài nguyên ở Biển Đông,
hoặc tạo thành vùng chồng lấn lên vùng biển và thềm lục địa của các nước
xung quanh Biển Đông, làm cơ sở cho yêu sách cùng khai thác tài nguyên.
Để triển khai bất kỳ biện pháp giải
quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có thể bao gồm giải pháp
gác tranh chấp cùng khai thác, vấn đề then chốt là phải xác định được
khu vực tranh chấp thật sự.
Theo các học giả quốc tế, khu vực có
tranh chấp thật sự chính là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các
vùng biển kế cận các cấu trúc địa chất thuộc hai quần đảo này.
Việc xác định các vùng biển kế cận các
cấu trúc địa chất thuộc hai quần đảo phải dựa vào các quy định của Luật
biển quốc tế, như điều 121 Công ước 1982 về quy chế pháp lý của các đảo,
cũng như các quy định và án lệ quốc tế liên quan đến phân định ranh
giới biển. Một khi các nước hữu quan thống nhất được nguyên tắc xác định
vùng tranh chấp như nêu ở trên, có thể thực hiện khoanh vùng tranh chấp
để triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin hoặc giải pháp tạm thời
mà các bên tranh chấp có thể chấp nhận được. Còn tại các khu vực nằm
ngoài vùng tranh chấp, việc xác định và sử dụng vùng biển, thăm dò khai
thác và quản lý tài nguyên đều phải thực hiện theo đúng quy định của
Công ước Luật biển 1982.
Những sáng kiến
Trên cơ sở chia xẻ cách tiếp cận nêu
trên, một số sáng kiến cụ thể đã được giới thiệu tại Hội thảo. Đại biểu
đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam nêu ý tưởng về việc soạn thảo một Bộ
quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong đó quy định cụ thể các hành vi được
phép và không được phép triển khai tại khu vực tranh chấp liên quan đến
hai quần đảo, cũng như cách ứng xử tại các vùng biển khác nằm ngoài khu
vực tranh chấp. Điểm mấu chốt trong đề nghị về Bộ Quy tắc ứng xử này là
yêu cầu tất cả các bên tham gia không đưa ra những yêu sách về vùng biển
và thềm lục địa không dựa trên quy định của Công ước Luật biển 1982;
vùng biển liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải được xác
định theo cách áp dụng thiện chí điều 121 của Công ước; việc soạn thảo
Bộ Quy tắc ứng xử có thể do Trung Quốc và ASEAN cùng tiến hành, hoặc do
ASEAN khởi xướng, sau đó mở cho các nước khác tham gia.
Đại diện của Ban thư ký ASEAN cho biết
các nước ASEAN đã thỏa thuận sẽ soạn thảo một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển
Đông có giá trị cao hơn so với Tuyên bố về cách ứng xử của các Bên ở
Biển Đông năm 2002.
Giáo sư Carl Thayer đến từ Úc cho rằng
có thể ký kết một văn kiện về quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực
ràng buộc về pháp lý nếu các nước hữu quan thỏa thuận như vậy, mặc dù đó
không phải là thực tiễn phổ biến. Từ đó ông đề nghị các nước ASEAN xem
xét ký kết một Hiệp ước về cách ứng xử ở Biển Đông và mở cho các nước
khác có tham gia sử dụng Biển Đông tham gia.
Đại biểu đến từ Ủy ban phụ trách các vấn đề biển và đại dương thuộc
Bộ Ngoại giao Philippines giới thiệu Sáng kiến về Khu vực Hòa bình, Tự
do, Hữu nghị và Phát triển. Theo sáng kiến này, sẽ triển khai song hành ở
Biển Đông hai chế độ: chế độ hợp tác cùng phát triển, bao gồm cùng khai
thác tài nguyên, cùng bảo tồn đa dạng sinh học biển,... tại khu vực
tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa và chế độ sử dụng, thăm dò,
khai thác, quản lý các vùng biển và thềm lục địa không bị tranh chấp của
các nước ven biển theo quy định của Công ước Luật biển 1982.Đại biểu Philippines khẳng định để có thể tạm gác tranh chấp, cần phải khoanh vùng tranh chấp. Căn cứ vào Công ước Luật biển 1982, các vùng biển do các cấu trúc địa chất thuộc hai quần đảo bị tranh chấp tạo ra có phạm vi rất hạn chế và có thể xác định được, chẳng hạn là 12 hải lý.
Rõ ràng đã xuất hiện tín hiệu tích cực
của một giải pháp được xây dựng trên nền tảng của luật pháp quốc tế, bao
gồm Công ước Luật biển 1982, có tính đến tình hình thực tế liên quan
đến các tranh chấp lãnh thổ và vùng biển ở Biển Đông và quyền lợi hợp
pháp của các quốc gia ven Biển Đông cũng như các quốc gia có tham gia sử
dụng Biển Đông.
Một giải pháp như vậy chắc chắn sẽ thu
hút được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, cho phép phân biệt rõ đâu là
khu vực có tranh chấp có thể tạm gác tranh chấp cùng khai thác hay bảo
quản tài nguyên, đâu là khu vực đương nhiên thuộc quyền tài phán của
quốc gia ven biển và các quyền hợp pháp của các quốc gia khác ở Biển
Đông sẽ được bảo vệ như thế nào, trong khi chưa đạt được giải pháp phân
định chủ quyền lãnh thổ và vùng biển tại các quần đảo bị tranh chấp.
Hy vọng tất cả các nước ven Biển Đông,
nhất là các Bên tranh chấp trực tiếp, duy trì nỗ lực ngoại giao để đạt
được một giải pháp như vậy. Và cũng hy vọng không nước nào lựa chọn
phương thức sử dụng sức mạnh đơn phương áp đặt yêu sách của mình, đẩy
các nước khác vào tình thế buộc phải huy động những nguồn lực eo hẹp của
họ vào việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị phòng thủ để bảo vệ các
quyền lợi hợp pháp của mình, thay vì có thể dùng các nguồn lực đó cho
phát triển kinh tế, xã hội.
Hà Linh viết từ Washington DC.