Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Một liên minh chống Trung Quốc đang hình thành

Chuyên mục bình luận Asia minus onengày 7/6 của báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” cho rằng đang hình thành một nhóm ở châu Á gọi tắt là “GAPAC” (những sức mạnh châu Á xung quanh Trung Quốc). Đây không phải là một tổ chức chính thức nhưng là một tập hợp đang âm thầm kháng cự lại Bắc Kinh.


“Thành viên” của nhóm này có thể kể ra Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Ôxtrâylia và hai sức mạnh Đông Nam Á đang đột ngột nổi lên là Inđônêxia và Việt Nam. Những liên lạc và hợp tác kín đáo giữa họ đang gia tăng, được bao trùm bởi những câu hỏi về an ninh và chiến lược nảy sinh do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Có thể coi đây là một nhóm hỗ trợ, tự giúp đỡ lẫn nhau của các nhà ngoại giao và quan chức an ninh. Họ đoàn kết bởi một vấn đề chung là tất cả cảm thấy cần tiếp tục can dự sâu sắc với Trung Quốc, nhưng cũng muốn tìm cách kháng cự lại Bắc Kinh khi cần thiết. Những người trong cuộc gọi đây chính là một tình thế khó xử thời hiện đại.
“GAPAC” không có hội nghị chính thức và những màn tụ họp của họ cũng hiếm khi lộ rõ. Nhưng có thể lần theo các liên kết chiến lược ngày càng tăng giữa các thành viên. Ví dụ như hai quốc gia khác hẳn nhau là Nhật Bản và Ấn Độ đang trong giai đoạn “ve vãn” nhau bước đầu, hay In-đô-nê-xia và Việt Nam được gắn kết với nhau trong việc thúc đẩy hành động ở Đông Nam Á về vấn đề biển Đông. Cũng cần xem xét hợp tác an ninh mới giữa Hàn Quốc và Ôxtrâylia, một quan hệ tiếp sức cho liên kết đồng minh Đông Á mới được củng cố lại giữa Mỹ với cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, tất cả các thành viên đang tranh thủ Việt Nam khi những ngờ vực trước đây về Hà Nội phai nhạt vào lịch sử.
Ngay cả khi sự hiện diện đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt là tâm điểm tại đối thoại Shangri-la vừa qua ở Xinh-ga-po, các “phiên họp” không chính thức của “GAPAC” vẫn âm thầm diễn ra bên lề. Trong lúc Bắc Kinh đẩy mạnh chính sách ngoại giao quân sự của mình, sự hợp tác kín đáo khắp “GAPAC” cho thấy họ đang hướng tới mục tiêu gì. Một quan chức an ninh Ấn Độ nhận xét: “Tất cả chúng tôi đều hài lòng khi thấy những quan chức như Lương Quang Liệt trở nên can dự hơn. Nhưng ở hậu trường, chúng tôi đều tìm thấy một sự an toàn mới trong số đông. Đó là một cảm giác các sức mạnh chính ở châu Á đang gần gũi nhau hơn khi phải tìm cách thức ứng xử với Bắc Kinh”. Các quan chức Nhật Bản cũng chia sẻ quan điểm này. Cựu cố vấn Tổng thống của Hàn Quốc, Tiến sĩ Lee Chung-min, người đang dõi theo chặt chẽ xu hướng của các “sức mạnh bậc trung” ở châu Á, đánh giá: “Về cơ bản, chính Trung Quốc đẩy chúng tôi đến gần nhau hơn. Họ quá lớn để kiềm chế, nhưng bằng cách này hay cách khác, đôi lúc chúng tôi phải hành động để ghìm Trung Quốc lại”.
“GAPAC” đang nổi lên vượt ngoài ASEAN, khối đã thể hiện sức mạnh mới trong 18 tháng qua và đã hợp thức một hội nhị thượng đỉnh Đông Á liên kết các sức mạnh ở Đông Á, trong đó có Trung Quốc, Mỹ và Nga. Với tính hình thức của việc ra quyết định của ASEAN, “GAPAC” mang ý nghĩa thực tế hơn. Đáng lưu ý, những sức mạnh truyền thống châu Á như Xinh-ga-po, Ma-la-ixia và Thái Lan đang “nấn ná” ngoài rìa. Dường như “GAPAC” mang tính phản ứng nhanh hơn vì mục tiêu của họ là tác động đến những phát triển trong khu vực.
  Theo SCMP
 Đinh Anh (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/1607-mot-lien-minh-chong-trung-quoc-dang-hinh-thanh