Khi
các hành động được coi là hung hãn của Trung Quốc thời gian gần đây ở
Biển Đông khiến nhiều người cảm thấy hoài nghi về tuyên bố "trỗi dậy hòa
bình" của Bắc Kinh, hai học giả người Mỹ đang chuẩn bị cho ra mắt cuốn
sách “Death by China”, trong đó đề cập đến cái mà họ cho là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới kể từ thời Đức Quốc xã.
Trong
cuốn sách, Tiến sĩ Peter Navarro của trường Đại học California ở Irvine
và chuyên gia về Trung Quốc, Thạc sỹ Greg Autry, cho rằng các nhà lãnh
đạo Trung Quốc đang đe dọa tới kế sinh nhai của người dân ở các nước
phát triển, gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng của vô số người trên
khắp thế giới, kể cả những người dân bình thường ở Trung Quốc. Hai tác
giả cho rằng “hòa bình và thịnh vượng của thế giới đang đối mặt với mối
đe dọa lớn nhất kể từ thời Đức Quốc xã, đó là một đảng Cộng sản Trung
Quốc hùng mạnh, giàu có và ngày càng táo bạo hơn do chủ nghĩa dân tộc
cực đoan mỗi ngày một tăng".
Cũng
như nhiều nhà kinh tế và lập pháp khác ở Mỹ, ông Autry tố cáo Trung
Quốc thao túng tỉ giá đồng Nhân dân tệ để hàng hóa Trung Quốc chiếm ưu
thế cạnh tranh bất công trên thị trường thế giới, xuất khẩu các loại sản
phẩm thiếu an toàn, kể cả các loại thực phẩm và đồ chơi trẻ em, và thực
hiện nhiều quyết định khác có hại cho cộng đồng quốc tế. Theo ông
Autry, Trung Quốc đang mưu toan hủy hoại các ngành công nghiệp của Mỹ
bằng nhiều cách khác nhau. Ông nói: “Họ đang thận trọng nhắm tới các
ngành công nghiệp chiến lược và tìm mọi cách để các ngành công nghiệp đó
được phát triển ở Trung Quốc, gây phương hại cho các ngành công nghiệp ở
Mỹ thông qua một mạng lưới chương trình trợ cấp xuất khẩu trái phép,
thao túng đồng nội tệ, làm hàng giả, hàng nhái và đánh cắp bản quyền;
duy trì các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe lao động ở mức rất thấp để
không ai có thể cạnh tranh, và tạo ra mọi loại rào cản để ngăn, không
cho các doanh nghiệp Mỹ tiến vào thị trường Trung Quốc”.
Thạc
sĩ Autry cho rằng các chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc
chẳng những đe dọa tới các nước khác mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho
chính người dân nước họ. Ông giải thích: “Trung Quốc đang tạo ra một áp
lực lạm phát vô cùng lớn trong nền kinh tế thông qua việc thao túng tỉ
giá. Họ làm giảm 40% sức mua của người lao động Trung Quốc đối với các
loại hàng hóa nhập khẩu và những loại nông khoáng sản được mua bán trên
thị trường quốc tế. Đó chính là lý do tại sao tài xế xe tải đình công ở
Thượng Hải và công nhân ở Thâm Quyến biểu tình đòi tăng lương để có thể
có đủ tiền mua rau”.
Ông
Bchung Tsering, Phó Chủ tịch của một tổ chức đấu tranh ở Mỹ có tên là
Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng, nói: “Trung Quốc dường như không sẵn
sàng trở thành một thành viên có trách nhiệm trong đại gia đình các nước
trên thế giới. Việc cộng đồng quốc tế không xem xét tới thực tế này
không những gây bất lợi cho các nước khác mà còn bất lợi nhiều hơn cho
người Trung Quốc, Tây Tạng và những người khác đang phải đối mặt với hậu
quả của tình trạng này trong cuộc sống hàng ngày”.
Ông
Autry cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã tạo ra một xã hội kim tiền,
trong đó đạo đức bị suy đồi, người dân phải sống trong sợ hãi, và các
quyền dân sự, xã hội và môi trường bị chà đạp. Ông nói: “Trong quá khứ,
khi những nước khác trải qua những 'phép lạ' kinh tế y hệt như vậy -
chẳng hạn các các cường quốc châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản - chúng ta
thấy xuất hiện những cộng đồng dân chủ, và những nước chia sẻ các giá
trị với chúng ta có thể trở thành những đối tác thương mại có qua có lại
với chúng ta. Chúng ta không nhận thấy điều này ở Trung Quốc và vì vậy
đó là một điều rất đáng lo ngại”.
Ông
Autry cho biết điều khiến ông và ông Navarro lo ngại nhiều hơn là Trung
Quốc đang tìm cách xuất khẩu mô thức phát triển này, đe dọa các nước
láng giềng và bóc lột các nước đang phát triển trên khắp thế giới với
chủ nghĩa đế quốc mới. Jon Gallinetti, Thiếu tướng Thủy quân Lục chiến
Mỹ đã nghỉ hưu, cho rằng Trung Quốc đang dùng các loại vũ khí kinh tế
kết hợp với hoạt động gián điệp, chiến tranh mạng, vũ khí không gian,
chiếm độc quyền khai thác và kinh doanh tài nguyên thiên nhiên và đánh
cắp công nghệ để giành quyền chế ngự thế giới. Tướng Gallinetti cho rằng
trong quá trình đó, sức mạnh cơ bản về kinh tế và địa chính trị - vốn
là cột trụ của ưu thế quân sự của Mỹ - đã bị xói mòn một cách có hệ
thống trong lúc Trung Quốc ngày càng hung hãn hơn trong các vụ tranh
chấp khu vực.
Viết Tuấn (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/1558-1558