Những
hoạt động quân sự thường xuyên của Trung Quốc đặc biệt tại các khu vực ở
Biển Đông đã gây nên những lo lắng cho các quốc gia Đông Nam Á. Điều
này dẫn đến việc các quốc gia có tranh chấp đối thoại trực tiếp với
Trung Quốc đi đến hợp tác với nhau để đối phó với các chiến lược của Bắc
Kinh.
Các
quốc gia ASEAN vừa đón tiếp Trung Quốc vừa e dè quốc gia láng giềng
này. In-đô-nê-xi-a lần đầu tiên (ngày 8/7/2010) đã gửi công hàm lên Liên
Hiệp Quốc phản đối “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra dù rằng nước
này không hề có liên quan đến tranh chấp các đảo ở Hoàng Sa hay Trường
Sa.
Theo
Reuters, năm 2011, Trung Quốc tăng ngân sách quân sự 12,7% lên 91,5 tỷ
USD, gấp 7 lần so với năm 1999 và gần bằng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP)
của Việt Nam. Ngoài việc tăng chi phí quân sự, các đơn vị dân sự liên
quan đến biển cũng được tăng cường và có tầm hoạt động ngày càng xa bờ.
Như vậy, có thể thấy Trung Quốc đã sẵn sàng chi nhiều tỷ USD cho chiến
lược biển và sẵn sàng duy trì lực lượng quân sự lớn phục vụ chiến lược
này.
Trong
tất cả các mục tiêu khi đề ra chiến lược tại Biển Đông, các nhà lãnh
đạo Trung Quốc đều nhận định khu vực này như là một Vịnh Arập thứ hai
với trữ lượng dầu mỏ hàng chục tỉ tấn. Vì vậy Trung Quốc không thể đứng
ngoài cuộc. Trung Quốc dựa trên khái niệm mơ hồ về "vùng nước lịch sử"
mà đưa ra bản đồ đường lưỡi bò khoanh vùng biển mà Trung Quốc cho là của
nước này, phớt lờ Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc.
Nhưng
những tính toán mang tính chiến lược đó liệu có thực sự hiệu quả trên
thực tế? Đầu tiên có thể thấy khu vực có dầu khí chủ yếu nằm ở phía nam
và rìa của đường lưỡi bò. Các khu vực này rất gần đất liền của các quốc
gia Đông Nam Á nên có thể thấy việc duy trì lực lượng bảo vệ ở đây với
các quốc gia này là khá dễ dàng. Ví dụ điển hình khi các tàu Trung Quốc
có hoạt động tại khu vực gần bờ biển Philíppin thì ngay lập tức lực
lượng không quân nước này sẵn sàng bảo vệ để tàu nghiên cứu của mình
tiếp tục hoạt động.
Trong
khi đó, Trung Quốc khó lòng duy trì lực lượng hải quân và không quân
đông đảo thường xuyên đi quá xa căn cứ của mình đặc biệt ở khu vực xa
hơn nằm ở phía Nam Biển Đông. Theo tính chất địa chất khu vực này, vùng
phía Bắc của Biển Đông do sụt lún trong Kỷ Đệ Tứ quá nhanh nên không thể
hình thành được dầu khí.
Khu
vực phía Nam lý tưởng hơn với các nguồn dầu khí chủ yếu nằm trong các
khối đá gốc granit với tầng chắn là trầm tích Oligocene và Miocene. Các
dạng dầu khí này cũng thuộc dạng rất khó khai thác và nhiều công ty dầu
khí đã phải rút lui, nhất là với các lô dầu khí nằm ở phía Bắc của khu
vực này. Không
chỉ có vậy mà theo các nghiên cứu của các quốc gia trong khu vực thì
trữ lượng dầu khí tại khu vực này đang có dấu hiệu sụt giảm. Các công ty
dầu khí lớn của các quốc gia này đã bắt đầu phải tìm kiếm nguồn dầu khí
mới tại các quốc gia xa xôi như châu Phi hay châu Mỹ để đáp ứng nhu cầu
tăng cao của nền kinh tế. Do đó, có thể nói chiến lược độc chiếm Biển
Đông của Trung Quốc vì dầu khí là hoàn toàn vô căn cứ và không hề có
triển vọng thật sự. Không những Trung Quốc không có được nguồn lợi này
mà còn càng trở nên khó khăn khi tiếp cận các nguồn tài nguyên của các
quốc gia trong khu vực như trường hợp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung
Quốc bị từ chối đầu tư khai thác tại đây.
Chính
sách ngoại giao Trung Quốc luôn được nhắc đến với cụm từ "phát triển
hòa bình" với chia sẻ Trung Quốc từng là nạn nhân của đế quốc. Nhưng
dường như các quốc gia lân cận đặc biệt như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và các
quốc gia Đông Nam Á đang càng ngày càng cảm thấy quan ngại trước sự đầu
tư lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự. Cùng với nhiều tuyên bố và
hành động, người ta đang thấy hình ảnh của một đế quốc đang hình thành
bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế và đang chuyển sang lĩnh vực quân sự.
Các
quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc như các quốc gia
Đông Nam Á và châu Phi bắt đầu dè dặt hơn với các khoản đầu tư bắt nguồn
từ Trung Quốc với lo ngại tham vọng chính trị của các khoản tiền này.
Các
tuyên bố cứng rắn và không đếm xỉa gì đến luật pháp và không tuân theo
các chuẩn mực quốc tế càng làm tăng thêm nhận định rằng Trung Quốc quyết
tâm trở thành một đế quốc mới bằng mọi giá bất chấp các lời lẽ mềm dẻo
từ phía giới ngoại giao trong chính quyền Bắc Kinh. Cùng
với việc bắt tay chặt chẽ với Pakixtan, một lần nữa Trung Quốc lại đẩy
Ấn Độ vào thế phải phòng ngừa và không loại trừ khả năng Ấn Độ sẽ đẩy
mạnh việc ủng hộ các lực lượng ly khai tại Tây Tạng và nhích lại gần hơn
với Mỹ.
Như
vậy, với quyết định tăng cường sức mạnh quân sự và đe dọa các quốc gia
lân cận, chắc chắn hình ảnh "phát triển hòa bình" của Trung Quốc sẽ được
thay bằng hình ảnh một đế quốc mới muốn thể hiện sức mạnh của mình.
Điều này chưa chắc đã có lợi cho sự phát triển trung và dài hạn của
Trung Quốc.
Với
yêu sách ngày càng lớn, Trung Quốc đang khiến các quốc gia Đông Nam Á
càng ngày càng nỗ lực trong việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Việt
Nam và Ma-lai-xi-a đã đưa ra kiến nghị chung về đường cơ sở năm 2009 và
Philíppin cũng phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc
năm 2011.
Theo
xu thế này, các quốc gia Đông Nam Á với tinh thần xây dựng một cộng
đồng chung sẽ có thể nhanh chóng đề xuất và đạt được thỏa thuận về vùng
biển chung cho khu vực Đông Nam Á. Nếu đề xuất này thành hiện thực,
Trung Quốc thực sự sẽ bị cô lập trong vấn đề Biển Đông và thường xuyên
phải đối phó với lực lượng tuần tra chung của các quốc gia Đông Nam Á.
Theo
kịch bản này, nếu các tàu của Trung Quốc gặp khó khăn khi hoạt động tại
khu vực có giao thương bậc nhất này thì không những Trung Quốc không có
được nguồn dầu khí tại đây mà ngay cả đường nhập khẩu dầu mỏ chủ yếu
vốn phải đi qua khu vực này cũng có khả năng bị gián đoạn, đe dọa nghiêm
trọng đến an ninh năng lượng của chính quốc gia này.
Sai
lầm này gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của khu vực và của chính
bản thân Trung Quốc. Rất đáng tiếc là chiến lược này vẫn đang tiếp tục
được thi hành với mức độ ngày càng gắt gao. Nhưng các nước trong vòng
tranh chấp không dễ chấp nhận khuất phục Trung Quốc.
Như
vậy, có thể nói, mong muốn lớn nhất về dầu khí của Trung Quốc chắc chắn
sẽ khó đạt được. Ngoài ra khoản tiền đầu tư khổng lồ cho chiến lược
biển cùng với chi phí duy trì lực lượng hải quân nhằm kiểm soát các khu
vực quá xa căn cứ sẽ là gánh nặng khổng lồ cho ngân sách Trung Quốc.
Không những thế, Trung Quốc tự đánh mất hình ảnh "phát triển hòa bình"
đã xây dựng trong nhiều năm qua bằng những yêu sách phi lý dựa trên các
chứng cứ không được công nhận và thái độ gây căng thẳng cùng với ngân
sách quốc phòng tăng cao. Sự thay đổi này có thể sẽ khiến các quốc gia
lân cận quan ngại, và đặc biệt các nước Đông Nam Á sẽ nhanh chóng tập
hợp thành một khối nhằm đối phó với Trung Quốc.
Theo BBC
Hương Trà (gt)