Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Trung Quốc: 15 vấn đề lớn liên quan đến Đại hội 18 Đảng Cộng sản

Tạp chí Tranh Minh (Hồng Công) đăng bài cho biết đầu tháng 3 vừa qua, Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhóm họp và quyết định Đại hội 18 sẽ được tổ chức vào hạ tuần tháng 9 hoặc thượng tuần tháng 10/2012 và vào cuối năm nay các địa phương phải hoàn thành công tác lựa chọn đại biểu dự Đại hội 18.


  
Hiện nay (tháng 5/2011) chỉ còn cách Đại hội 18 khoảng 1 năm 5 tháng và cũng chỉ còn chưa đầy 8 tháng để các tổ chức đảng, chính quyền, Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc địa phương làm công tác chuyển đổi chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới. 
Theo tờ tạp chí, công tác trù bị cho Đại hội 18 sớm được khởi động từ năm 2010. Sau Hội nghị Trung ương 5, tổ công tác trù bị Đại hội 18 lại được bổ sung thêm ban bệ và tăng tốc triển khai công việc. Vào thượng tuần tháng 4 vừa qua, tổ công tác trù bị Đại hội 18 đã trình Bộ Chính trị báo cáo tình hình triển khai công tác chuẩn bị Đại hội 18 và người ta thấy 15 vấn đề lớn của Đại hội 18 liên quan tới khung thể chế khóa mới, biên chế tổ chức, cơ chế nhân sự, hình thức bầu cử đã xuất hiện những tranh cãi, bất đồng và đối lập lớn, gây chấn động Trung ương. Là một người thận trọng, cứng nhắc, sợ xảy ra vấn đề lớn, phiền toái lớn và tranh cãi lớn, Hồ Cẩm Đào đã quyết định để lại những vấn đề trên để tiếp tục xem xét. Dưới đây là 15 vấn đề mà Tập Cận Bình, thay mặt tổ công tác trù bị Đại hội 18, đã nêu ra khi báo cáo Bộ Chính trị:
 1. Thiết lập chức phó Tổng Bí thư, số lượng từ 1 đến 2 người, có thể do Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm nhiệm phó Tổng Bí thư.
 2. Số lượng ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tiếp tục duy trì ở con số 9 hoặc điều chỉnh lên thành 11 hay giảm xuống còn 7.
3. Nâng số lượng phó Chủ tịch nước lên thành 2, trong đó có một chức phó Chủ tịch nước do nhân sĩ ngoài đảng đảm nhiệm. 
4. Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị phải có một thành viên là đại biểu của quân đội nhằm thể hiện quyết sách có lợi cho đảng lãnh đạo quân đội.
 5. Số lượng ủy viên Bộ Chính trị tiếp tục duy trì con số 20 hoặc nâng lên thành 30, tăng số ủy viên đến từ địa phương và quân đội.
6. Thành lập Ủy ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, xác lập việc Thủ tướng Quốc vụ viện làm phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
7. Trong số phó Thủ tướng Quốc vụ viện và ủy viên Quốc vụ viện có 1 đến 2 người do nhân sĩ ngoài đảng đủ điều kiện đảm nhiệm.
8. Chức phó Chủ tịch Quốc hội do 1 hoặc 2 đại biểu quân đội đảm nhiệm, phản ánh việc quân đội cần có vị trí đáng có tại cơ quan lập pháp tối cao của đất nước. 
9. Thành lập 6 đến 7 đại khu hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lãnh đạo của Trung ương và hợp tác khu vực.
10. Ủy viên Bộ Chính trị đảm trách khu vực nào sẽ kiêm nhiệm luôn chức Bí thư thứ nhất đảng ủy cũng như chức Chính ủy thứ nhất của Đại quân khu nơi đó. 
11. Các ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa mới sẽ được lựa chọn qua bầu cử cạnh tranh, tỉ lệ cạnh tranh là 7% đến 10%; ủy viên Bộ Chính trị khóa mới cũng sẽ được lựa chọn qua bầu cử cạnh tranh, tỉ lệ cạnh tranh là 10% đến 15%.
12. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảm nhiệm tối đa 4 khóa, Tổng Bí thư đảm nhiệm tối đa 2 khóa.
13. Chỉ cần có 10% số ủy viên Trung ương chính thức liên danh hoặc có 7% số ủy viên Trung ương chính thức cùng 8% số ủy viên Trung ương Dự khuyết liên danh yêu cầu sẽ triệu tập hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt hoặc lâm thời. 
14. Trong thời gian tạm ngưng họp, các đại biểu dự đại hội đại biểu đảng khóa này (Đại hội 18) có quyền tham dự hội nghị của tỉnh ủy địa phương mà mình là đại biểu cũng như hội nghị đảng ủy (ban đảng) của các ủy ban, bộ ở Trung ương.
15. Đại hội đại biểu đảng khóa này nếu như có 3% số đại biểu liên danh sẽ có quyền yêu cầu Ban Chấp hành Trung ương triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc đặc biệt hoặc lâm thời.
Tờ tạp chí cho rằng việc xuất hiện hàng loạt vấn đề lớn có sự chia rẽ, đối lập, bất đồng về ý kiến nghiêm trọng nêu trên trước khi Đại hội 18 được tổ chức là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử đại hội đảng của Trung Quốc. Nó cho thấy nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm nhất là: 
- Phe quân đội tranh chức, tranh quyền ở Trung ương nhằm giảm thiểu sự kiểm soát, thậm chí là thoát khỏi kiểm soát.
- Yêu cầu Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm nhiệm chức phó Tổng Bí thư và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là nhằm hạn chế quyền lực độc tài của Tổng Bí thư. 
- Yêu cầu lựa chọn ủy viên Bộ Chính trị qua bầu cử cạnh tranh với tỉ lệ cạnh tranh là 10% đến 15% là nhằm ngăn chặn khả năng những nhân vật như Giả Khánh Lâm, Lý Trường Xuân, Hạ Quốc Cường, Châu Vĩnh Khang, Lưu Vân Sơn… tái nhiệm, trở thành lãnh đạo quốc gia.
- Việc ủy viên chính thức và ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương có quyền thông qua liên danh yêu cầu triệu tập Hội nghị Trung ương lâm thời, đại biểu đại hội đảng cũng có quyền thông qua liên danh yêu cầu triệu tập hội nghị đại biểu đảng đặc biệt có nghĩa các ủy viên Trung ương và đại biểu đại hội đảng có quyền thông qua hội nghị bãi miễn chức vụ của nhà lãnh đạo tối cao không xứng đáng của Trung ương đảng, thay đổi một số quyết sách quan trọng của đảng.


Theo Tạp chí Tranh Minh (số tháng 5)

Viết Tuấn (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/1551-1551