Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA TÀI NĂNG

Bài 1
TIẾP CẬN TỔNG HỢP TIÊU CHÍ CÁC TÀI NĂNG                
                                                                                    TS. HỒ BÁ THÂM
Người ta nói nhiều về tài năng, thiên tài, nhưng chưa có sự thống nhất cao về tiêu chí của nó, thậm chí không ít hiểu biết sai lệch, phiến diện. Do vậy, chúng ta cần bàn luận một cách hệ thống và cụ thể về vấn đề này.

Trong Tài năng học, người ta cho rằng, không thể chờ đợi xem kết quả hoạt động sẽ ra sao để xác nhận một người là có tài năng hay không. bởi khi đó tài năng của anh ta đã thể hiện, đã tồn tại thật sự thì không cần đến sự giáo dục, đào tạo cơ bản nữa. Vấn đề của Tài năng học là phải đưa ra trước các tiêu chí đánh giá để nhận dạng sớm rằng: liệu một trẻ em có thể trở thành tài năng sau này khi đã là người trưởng thành hay không. Vì vậy, tài năng học phải có quan niệm lý thuyết tổng quát về tài năng nói chung của con người, trong đó có vấn đề tiêu chi tài năng.
Nhiều người vẫn còn băn khoăn là chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá tài năng.
Ở đây chúng tôi sẽ nêu lên cách tiếp cận tố chất, tiêu chí tài năng của một số tác giả và ý kiến riêng của chúng tôi.
Tài năng được phát triển cao từ năng khiếu, năng lực của cá nhân. Mà năng lực là một khái niệm cơ bản của khoa học xã hội & nhân văn. Năng lực ở con người có rất nhiều biểu hiện, nhưng đại thể có 35 năng lực đáng chú ý xếp thành 4 nhóm như (theo M.Marquardt và D.Engel, 1993): năng lực kỹ thuật, năng lực kinh doanh, năng lực liên nhân cách, năng lực trí tuệ. Và có người bổ sung thêm hai nhóm nữa là năng lực liên văn hóa và năng lực cảm xúc...[1]
Muốn đánh giá phải hiểu rõ tiêu chí đánh giá. Nhưng tiêu chí nào?  Một nhà họat động thực tiễn, nhà nghiên cứu  (GS. TS. Nguyễn Như Thanh) đang chờ ý kiến nghiên cứu của các nhà khoa học [2].
Nhất trí tiêu chí chung, cơ bản mới đánh giá đúng tài năng. Do vậy, nghiên cứu, thảo luận để có sự nhất trí những tiêu chí làm căn cứ để phát hiện tài năng, đánh giá tài năng, đào tạo và sử dụng tài năng.
Làm sao nhận diện tài năng, hay thiên tài? Có nhiều cách trình bày cụ thể,
Tiếp cận cụ thể, chi tiết các nhân tố nội tại, tiêu chí của tài năng :
Như đã nêu ở chương trên, các tác giả cuốn sách “Nghệ thuật lãnh đạo kinh doanh (biết người, dùng người và biết thu phục người)”, đưa ra 5 nhân tố nội tại, đại thể như sau:
- Mục tiêu rõ ràng, cao (cả đời hoặc một mặt) và say mê với mục tiêu
- Trạng thái tinh thần thực thi, thi đấu tốt
- Tiếp theo là có tri thức hợp lý và không ngừng học tập
- Có biện pháp thực hiện mục tiêu cao
- Duy trì trạng thái sức khoẻ thể chất tốt
Đây là các tiếp cận tiêu chí trong quá trình hành động. Trong tiêu chí thứ nhất và thứ 5 ít người nghiên cứu chú ý. Chúng tôi cho rằng rất đáng lưu ý
Theo PGS.TS Bùi Ngọc Oánh, trong một bài viết đã phân ra một số tiêu chí cụ thể, ngắn gọn như:
+ Nhân tài có một số đặc trưng chung như sau:
- Về phẩm chất trí tuệ : thường có sự nhạy bén, sự tinh tế trong tư duy, sự sâu sắc trong suy nghĩ, họ thường có ý tưởng độc đáo, sáng tạo hơn người khác, luôn tìm tòi cái mới, hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn về mọi mặt.
- Về mặt tình cảm và cá tính: rất say mê trong lĩnh vực hoạt động nhất định liên quan đến tài năng của mình, rất tích cực và năng động, say sưa làm việc say sưa sáng tạo, tự tin, quyết đoán và kiên trì trong công việc.
- Về mặt hoạt động: làm việc rất hiệu quả và luôn luôn quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Rất chú trọng sáng tạo cái mới, đến những giá trị về nhiều mặt của kết quả hoạt động. Có kỹ xảo đặc biệt và giải pháp tối ưu trong công việc.
+ Đặc điểm riêng của tài năng:
-Tài năng trong lĩnh vực nhất định.
-Hoạt động tâm lý đôi khi không được cân bằng
-Rất say mê trong lĩnh vực hoạt động tạo ra tài năng, ít quan tâm đến lĩnh vực khác.
+Một số yếu tố của con người tài năng :
- Phẩm chất đặc biệt (như trí tuệ phát triển, tư duy linh hoạt, sự thông minh, sức bền thế chất - tinh thần…)
- Táo bạo, quyết đoán, dám nghĩ dám làm,
- Tự tin và suy xét một cách tích cực và sâu sắc
- Năng động, tích cực, hăng hái
- Nghiên cứu, học tập đạt đến một trình độ nhất định
- Tài năng được phát huy vào một số thời điểm
- Tận dụng được cơ hội có thể
- Có đạo đức, chí hướng. Đạo đức là một nhân tố chi phối tài năng, phát triển hay suy thoái tài năng.
+ Do vậy để đánh giá tài năng trong thực tế hữu hình thì phải chú ý các căn cứ từ hiệu quả họat động xã hội như:
- Phương thức hoàn thành công việc (tìm các phương pháp tối ưu để hoàn thành)
- Hiệu suất hoàn thành công việc (tốn kém bao nhiêu thời gian, tiến của…)
- Hiệu quả hoàn thành công việc (số lượng và chất lượng, năng suất và giá trị xã hội văn hóa….)
- Những khó khăn và lợi thế với kết quả đạt được (so sánh với cùng lọai). [3]
+ Các phẩm chất tâm lý, các chỉ số trí tuệ (thường thì người ta chỉ nhắc tới trí thông thông, nhưng không đơn giản có vậy).
Tài năng không chỉ có tố chất thông minh IQ mà cả tố chất cảm xúc EI, tố chất ý chí Al[4], tố chất giao tiếp xã hội và nhất là tố chất sáng tạo CQ[5]. Trí thông minh chỉ chiếm tỉ lệ 20% trong  cấu trúc tài năng đảm bảo thành công cao. Ngày nay nhiều nhà khoa học đã đánh giá trí tuệ sáng tạo, trí tuệ xã hội cao hơn trí tuệ thông minh. Không nên lầm lẫn trí thông minh với trí sáng tạo, đó là hai mức cao thấp khác nhau về chất. Hoặc chỉ chú ý trí thông minh mà không chú ý tính sáng tạo, hoặc chú ý mặt tri thức mà không chú ý trí tuệ cảm xúc, trí tuệ xã hội, trong đó trí tuệ ý chí (năng lực ý chí) hay còn gọi là trí tuệ vượt qua nghịch cảnh được đánh giá rất cao, là một trong những yếu tố quyết định thành đạt cao chứ không phải chỉ trí thông minh (quyết chí ắt làm nên, có công mài sắt có ngày nên kim). Mà năng lực ý chí lại phụ thuộc nhiều vào vùng trung tâm năng lượng sống của cơ thể. Nhận thức của ông cha ta về Nhân- Trí - Dũng như là những phẩm chất cơ bản của tài năng cũng là khá toàn diện tuy không được cụ thể hóa, lượng hóa và có thể cần phải bổ sung thêm.
Về mặt phẩm chất tâm lý thì những người tài năng có cơ hội điều kiện thành công trong cuộc sống thường là những người có 4 lọai tố chất, hay chỉ số (chứ không phải 2 hay 3):
       - Chỉ số thông minh IQ,
- Chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ [6] (EI)[7], và trí tuệ ý chí,
-Và chỉ số sáng tạo CQ cao,
-Trí tuệ xã hội SQ, hay trí tuệ tổ chức [8]
Thường thì những người có các chỉ số này cao sẽ là những người có trí tuệ cao. Nhưng mức độ các chỉ số trí tuệ ấy chi phối khác nhau mức đô thành công tùy theo yêu cầu công việc, nghề nghiệp cụ thể. Chẳng hạn người có chỉ số thông minh cao không thành đạt bằng người có chỉ số cảm xúc cao…
Cần nói thêm là “Trí tuệ cảm xúc” hay rộng hơn gọi là “tình thương EQ” gồm những các tiêu chí gì?
Khái niệm “Tình thương EQ” bao gồm những phẩm chất sau:
-          tình cảm đạo đức trong sáng,
-          tính cách lạc quan hài hước,
-          dũng khí dám đối mặt trước khó khăn, biết cách khắc phục, biết tự an ủi, tính nhẫn nại kiên trì,
-          có tấm lòng lương thiện vị tha, biết sống hòa với mọi người,
-          có khả năng kiềm chế tình cảm mình và kích thích tình cảm của người khác…
Tóm lại, đó chính là tình cảm của con người và kỹ năng giao tiếp xã hội là tất cả mọi nội dung ngoài nhân tố trí lực. “Tình thương EQ” cao có thể khiến đứa trẻ có trí lực bình thường cuối cùng cũng tạo ra được một cuộc sống huy hoàn, “Tình thương EQ” thấp có thể biến một đứa trẻ có trí lực siêu phàm thành một con người tầm thường vô vị. [9]
Còn sau IQ, EQ, là SQ
Theo các nhà khoa học thì tại một số nước tiên tiến, kiểm tra SQ là điều kiện bắt buộc khi chọn người quản lý. SQ là gì? Đây là chữ viết tắt từ tiếng Anh: Speech Quotient, có nghĩa là trình độ biểu đạt ngôn ngữ. Chỉ số SQ là thước đo tổng hợp để đánh giá khả năng ngôn ngữ, mức độ biểu đạ#t chính xác và hữu hiệu của một cá nhân.
Tại Việt Nam, việc kiểm tra, nâng cao SQ chưa phổ biến. Tuy nhiên, ở một số nước tiên tiến, rèn luyện năng lực biểu đạt là môn học bắt buộc của trường đào tạo nhân viên quản lý. Theo họ, người quản lý giỏi phải biết cách sống hài hòa khích lệ tinh thần mọi người, tạo ra môi trường làm việc tốt. Để có được điều này, họ phải biết cách làm chủ ngôn ngữ.
Năng lực biểu đạt giúp bạn chiếm ưu thế: Làm thế nào để nhận biết một người có năng lực biểu đat? Thông thường, người ta xác định qua bốn yếu tố: sự lưu loát chuẩn xác, mức độ thành thật và sự hài hước trong quá trình sử dụng ngôn ngữ.
             Những người có đủ bốn yếu tố này thường rất tự tin và thành công trong các cuộc thảo luận, giao tiếp. Đặc biệt, trong môi trường làm việc mang tính cạnh tranh cao, người có năng lực biểu đạt tốt luôn chiếm ưu thế, sức cạnh tranh vượt trội. Lúc xảy ra xung đột, tranh luận gay gắt, họ sẽ biết cách giải quyết nhanh chóng, thuyết phục.
Tạo lòng tin nhờ chỉ số SQ? Trong kinh doanh, người có chỉ số SQ cao dễ gây ấn tượng tốt, khiến người khác có cảm giác tin cậy. Họ cũng biết cách cư xử hợp lý, bình đẳng với những người cùng cộng tác với mình. Năng lực biểu đạt không do bẩm sinh mà cần được rèn luyện mỗi ngày. Bạn cứ ngẫm xem người hay phát biểu tùy tiện, diễn đạt mơ hồ có thể thuyết phục được không? (theo báo KH&ĐS, ngày 29-12-2004).
TIẾP CẬN TỔNG QUÁT CÁC TIÊU CHÍ (THEO NHÓM NHÂN TỐ):
 Có những thành tố  cơ bản nào tạo nên tài năng?
Trong công trình “Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với việc tham gia phát trển tài năng trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” [10] cũng chỉ nêu ba tiêu chí của tài năng là:
Trình độ trí tuệ +năng lực sáng tạo + thanh tích- cộng hiến xã hội.
Còn PGS.TS.Nguyễn Huy Tú, khi nói về cấu trúc tài năng thì nếu klên 3 yếu tố:
Trí thông minh + trí sáng tạo + động cơ ý chí mạnh mẽ. [11]
Thực ra đây là quan niệm của Moenke, nhưng Nguyễn Huy Tú mở rộng thêm một chiều gắn với môi trường sống họat động (gia đình, nhà trường, bạn bè xã hội).
  Còn Cụ Phạm văn Đồng thì nhấn mạnh 3 tiêu chí:"Đào tạo thế hệ trẻ của dân tộc thành những người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, thông minh, sáng tạo,[12]
Chúng tôi cho rằng, không thể thiếu khi nói về tài năng là yếu tố bản lĩnh, như lòng say mê, tinh kiên trì, lòng dũng cảm, nghị lực, hoài bão, niềm tin (liên quan tới chỉ số chỉ số  trí tuệ cảm xúc, chỉ số  trí tuệ ý chí). Và cũng không thể thiếu năng lực tổ chức công việc, kế họach công tác hợp lý cao (như trí tuệ xã hội). Còn thành tích, hiệu quả là kết quả cuối cùng. Như thế là không thể xếp ngang hàng các tố chất, phẩm chất tâm lý nhân cách và kết quả hoạt động như là mặt xã hội thực tiễn của tài năng là vào một hệ thống tiêu chí dù chúng quan hệ chặt chẽ với nhau.
Tất nhiên, người tài năng thật sự, là hiền tài, gồm cả đức trọng. Tuy rằng có khi chúng ta cũng xét tài năng theo nghĩa hẹp hơn khi nói tài cao, đức trọng, tài -đức… Nhưng không thể bỏ qua bản lĩnh, dù rằng có khi nói bản lĩnh và tài năng tức tách bản lĩnh khỏi tài năng (nghĩa hẹp, không đầy đủ).
  Cho nên theo chúng tôi 4 yếu tố nội tại và một yếu tố ngoại tại biểu hiện kết quả:
TÀI NĂNG (NHÂN TÀI) = Trí tuệ thông minh + Năng lực sáng tạo +  Y chí -cảm xúc- bản lĩnh + Năng lực hành động, tổ chức công việc hợp lý (biến ý tưởng, mục tiêu thành hiện thực)= ĐẠT HIỆU QUẢ XÃ HỘI CAO. Tức là mô hình 4 vòng (không kể vòng ngoài cùng là đạt hiệu quả cao) chứ không phải 3 vòng .
 mo hinh cau truc tai nang.jpg
Mô hình cấu trúc tài năng Moenke - Nguyễn Huy Tú - Hồ Bá Thâm mở rộng
 
I = Thông minh,  C =Sáng tạo, M = động cơ ý chí, nghị lực mạnh, A = Năng lực họat động, hành động cao (tương tác với môi trường). Từ đó TÀI NĂNG= LÀ PHẦN HỢP TRỘI= HIỆU QUẢ HỌAT ĐỘNG CAO..
Đi vào cụ thể sẽ có những tiếp cận theo từng phân yếu yếu tố của nhưng nhân tố có bản nói trên.
Do vậy, theo chúng tôi, nên tiếp cận tổng hợp biện chứng, hợp trội các nhân tố ấy, không nên coi nhẹ nhân tố nào, dù có thể theo từng loại tài  năng mà yếu tố nào là trội hơn [13] .
Bài 2
NHỮNG TIÊU CHÍ VÀ TỐ CHẤT CƠ BẢNCỦA TÀI NĂNG
  
                                                         TS. Hồ Bá Thâm
 
 
Tuy có thể có nhiều cách tiếp cận cu thể, nhưng theo chúng tôi có thể khái quát lại 4 nhóm năng lực đặc trưng và yếu tố lớn, tiêu chí chung như sau:
  
I-  SỰ THÔNG MINH, TRÍ TUỆ, SÁNG SUỐT, BIẾT NẮM LẤY CÁI CHỦ YẾU, CÁI TỔNG QUÁT
 
Có người đồng nhất trí thông minh và tài năng . Chúng tôi cho rằng sự đồng nhất này không hoàn toàn đúng, hay không đầy đủ.
Chúng tôi hiểu trí thông minh của trí não (cả lý tính và trực giác) chủ yếu là (có 7 biểu hiệ):
- nói về sự sáng suốt, minh mẫn, tường tận;
- tầm nhìn xa, rộng, hiểu biết nhiều, thông thái
- nhớ nhiều, nhớ nhanh, nhớ sâu, nhớ lâu;
- nói về sự nhanh trí, nhạy cảm, linh họat trong phân tích và tổng hợp;
- khả năng thích ứng nhanh với cuộc sống, ứng vạn biến;
- biết nắm lấy cái chính, biết đơn giản hóa.trong sự hỗn độn, phức tạp.
- nắm vấn đề một cách khái quát, tổng quát , không sa vào chi tiết.
Trí thông minh, theo nghĩa hẹp, chính xác thì  chủ yếu không nói rõ tính sáng tạo.
Chúng ta hãy xem xét việc nhiều nhà khoa học đã trao đổi về tiêu chí thông minh để xác định tài năng như sau:
 Spearman khi bàn về trí thông minh cho rằng: trí thông minh có 2 loại:
+ Yếu tố tổng quát được tìm thấy trong thử thách.
+ Yếu tố chuyên biệt, mỗi yếu tố mang tính đặc thù đối với mộ thử thách.                           
Với Spearman, ông đã đồng nhất yếu tố tổng quát với trí thông minh. Trong mọi thử thách con ngưòi có thể vượt lên, thể hiện mình trước những thời khắc đó. Đầu tiên Spearman định nghĩa nó như một thứ tinh thần do óc não sản xuất ra, sau đó như một cách trừu tượng hóa ở cấp độ thứ 2, là loại ý thức về ý thức.
Ngày nay người ta xem yếu tố tổng quát như một hằng số của trí thông minh chứ hoàn toàn không đồng hóa với tài năng.
Thực tế người ta chấp nhận có một hình thức thông minh tổng quát có thể quan sát và đo lường được. Theo phương pháp dùng một lúc nhiều trắc nghiệm khác nhau… [14]
Như vậy, theo Spearman thì để xác định trí thông minh hay tài năng chúng ta dựa vào phương pháp đo đạt bằng trắc nghiệm, hay dựa vào sự quan sát khả năng thể hiện chuyên biệt ở những lĩnh vực khác nhau.
Cũng nghiên cứu vấn đề này Meili ông cho rằng trí thông minh có năm yếu tố:
+ Yếu tố phức tính (complexiti): hiệu quả của tình trạng căng trương trí tuệ được thể hiện qua một số những phối hợp khả hữu.
+ Yếu tố hồi tính (plasticite): tương ứng với khả năng đặt lại vấn đề đối với những kiểu mẫu có sẵn từ lâu và việc học hỏi, thực tập những kiểu mới.
+ Yếu tố toàn bộ hóa; tri giác và tổng những toàn thể nhất định
+ Yếu tố lưu hoạt tính (fluiddité): mà ta có thể quy kết vào đó trực giác; tính sáng tạo sự cách tân trí tuệ.
+ Yếu tố hình thức (formal) tương ứng với những hình thức khác nhau của trí thông minh, cụ thể hay trừu tượng, ngôn ngữ số học, thị giác… [15]
Theo nghiên cứu của Meili về những biểu hiện tài năng thì ngày nay thực tiễn đã hiểu tương tự như vậy. Chẳng hạn:
 Sự căng trương trí tuệ được thể hiện qua mộ số những phối hợp khả hữu. Có thể thấy điều này qua ví dụ sau đây: “Sinh năm 1982, Linh là một sinh viên tự nhiên bỏ học năm thứ 3, lên giảng đường không sao tập trung được. Cả ngàn bài thơ chen chúc trong đầu đòi được trút ra trang giấy. Viết ra được đôi khi cũng là một hình thức triệt bớt tư tưởng dồn nén trong đầu. Linh ví nó là triệt sản, để chúng lại trong đầu thì nổ tung ra mất. Còn một anh chàng tuổi ăn tuổi học cần có vài năm trời để viết hết những điều cần viết. Nhưng nếu anh bỏ học thì mọi người xung quanh sẽ cho anh là lập dị, ích kỷ, lông bông, không thành đạt. Thiên tài rất tự tin, hãy cho tôi 2 năm rồi sau đó tôi sẽ học tiếp cũng không muộn. Những người xung quanh cho là hoang tưởng, tưởng mình là thiên tài. Họ có lý. Thói vĩ cuồng hoang tưởng có sẵn trong tất cả mọi người, như vi trùng lao vậy, chỉ chờ một lúc nào đó con người mất khả năng tự kiểm soát là bức xích sổng ra hoành hành. Có người ngộ thơ, thân tàn ma dại cả một đời. Nhưng tác giả Nguyễn Hoài Linh đưa ta vào một tình huống giả định: thiên tài đã đến với ta, đã đầu thai vào nhà ta khi ấy ta xử sự như thế nào?” [16]
Cần chú các yếu tố của trí tuệ thông minh ( có thể theo nghĩa rộng):
+ Khả năng đặt lại với đề đối với những kiểu mẫu có sẵn từ lâu và việc học hỏi, thực tập những kiểu mới.
+ Tính sáng tạo, sự cách tân trí tuệ.
+ Những hình thức khác nhau của trí thông minh, cụ thể hay trừu tượng, ngôn ngữ số học, thị giác…
 Theo Thurtowe có 7 yếu tố trí tuệ cơ bản [17] :
+ Yếu tố không gian (tri giác và đối chiếu các cấu hình không gian phẳng và không gian 3 chiều)
+ Yếu tố tri giác (nhận dạng một cấu hình nào đó trong một cấu hình phức tạp)
+ Yếu tố ký ức (việc ghi vào bộ nhớ và việc hồi tưởng các các toàn thể mà không có tương quan logic)
+ Yếu tố số học thao tác với các con số
+ Yếu tố ngôn ngữ khả năng hiểu ngôn ngữ
+ Yếu tố từ vựng khả năng huy động vốn từ
+ Yếu tố luận lý quy nạp và diễn dịch
Đến thời điểm hiện nay thì những yếu tố này đã được các chuyên gia tâm lý học thừa nhận và sự nhất trí hầu như tuyệt đối.
 Quan niệm của Cattell về trí thông minh [18]
Ý tưởng của Cattell được hình thành bởi Hebb khi ông này phân biệt 2 hình thức thông minh:
+ Hình thức A: tương ứng với trí thông minh tiềm năng có tính bẩm sinh, có lẽ gắn liền với di truyền.
+ Hình thức B tương ứng với mức độ thành tích thực tế, với năng suất trí tuệ (rendenent intellectuel)
Cattell dựa theo sự phân biệt đó và tách rời yếu tố tổng quát của Spearman thành 2 yếu tố:
+ Yếu tố thông minh lưu hoạt (intelligence fluide)
+ Yếu tố thông minh kết tinh (intelligence) (trong đó trí thông minh lưu hoạt (được hiểu) là độc lập với mọi sự ảnh hưởng của môi trường, được đo bằng trắc nghiệm, không liên quan gì đến văn hóa, (culture free); còn trí thông minh kết tinh tuỳ thuộc vào các ảnh hưởng văn hóa, gắn liền với giáo dục và kinh nghiệm).
Nếu xét theo quan niệm tài năng có sự tham gia và quyết định của yếu tố tư chất – bẩm sinh di truyền, thì vấn đề trí thông minh là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tài năng. Trí thông minh là một phẩm chất cao của trí tuệ, mà cốt lõi là tính chủ động, linh hoạt và sáng tạo của tư duy để giải quyết tối ưu vấn đề nào đó trong những tình huống phức tạp[19]
            Ngày nay, người ta đánh giá trí thông minh theo 2 tiêu chuẩn: thông minh trí tuệ dựa trên chỉ số IQ (Intelligence Quotient) và thông minh cảm xúc dựa trên chỉ số EQ (Emotional Quotient).
 Nhưng lý thuyết về nhiều dạng trí khôn, được Howard Gardner công bố năm 1983 là một lý thuyết khá toàn diện[20]. Theo ông, không thể có một trí thông minh tổng quát, ông đã đưa ra nhiều loại hình trí tuệ có trong mỗi cá nhân bao gồm 7 loại trí thông minh tương đối độc lập của con người.
- Trí thông minh ngôn ngữ : là khả năng làm chủ được ngôn ngữ và dễ dàng diễn tả ngôn ngữ bằng cách nói hay viết. Đặc trưng cho kiểu trí thông minh này là các ví dụ rõ nhất của các nhà thơ, nhà văn; họ luôn có những khả năng đặc biệt trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn tả các sự kiện, hiện tượng của thế giới xung quanh một cách chính xác. Từ 8 tháng tuổi trí thông minh này ở con người đã phát triển, nhưng chỉ những người loại trí thông minh này trội hơn thì sẽ có nhiều ưu thế hơn trong sự phát triển các nghề nghiệp như luật sư, nhà hùng biện, nhà ngoại giao,…
- Trí thông minh âm nhạc: Yếu tố chính trong kiểu trí thông minh này biểu hiện ở khả năng nhạy cảm với các hệ thống dấu hiệu âm thanh, khả năng cảm nhận tinh vi các nốt nhạc, giai điệu, nhịp điệu của chúng, khả năng sáng tạo ra các tác phẩm có tính âm nhạc. Trí thông minh âm nhạc là dạng thông minh xuất hiện sớm nhất ở trẻ con. (NSND Đặng Thái Sơn lúc ba tuổi rưỡi đã có thể nghe và phân biệt được các nốt nhạc). Tính bẩm sinh di truyền của loại trí thông minh âm nhạc gần như rất rõ nét và phổ biến so với loại trí thông minh khác. Thông thường phạm vi bộc lộ công khai tài năng phụ thuộc rất nhiều vào môi trường cá nhân đó sinh sống, những cá nhân sẵn có những yếu tố trội của loại trí thông minh này, lại được nuôi dưỡng và lớn lên trong cái nôi nghệ thuật của truyền thống gia đình dễ có những cơ hội và điều kiện phát triển thành tài năng nghệ thuật (các nghệ sĩ tài năng nổi tiếng một thời như Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy xuất thân từ gia đình NSND Trần, hay diễn viên Quế Trân theo nghề từ khi 3 tuổi, và ngày càng khẳng định tên tuổi và tài năng của mình do xuất thân từ gia đình nghệ sĩ tuồng cổ  3 đời, cha là nghệ sĩ ưu tú Minh Tơ, ….)
- Trí thông minh logic- toán học: biểu hiện ở khả năng tính toán phức tạp và lý luận sâu sắc. Những nhà khoa học là những người tiêu biểu sử dụng loại trí tuệ này; họ thường có tài nhìn thấu suốt các vấn đề phức tạp và cảm nhận được giải pháp trước khi đưa ra được những bằng chứng. Trí thông minh này thường xuất hiện muộn hơn trí thông minh âm nhạc, thường bắt đầu ở lứa tuổi đi học. Và chính môi trường học đường với những phương pháp giáo dục đúng đắn, phù hợp sẽ làm phát triển và hoàn thiện các chức năng của loại trí thông minh này, mà biểu hiện là khả năng tư duy logic phát triển, có kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh, nhạy và đạt hiệu quả cao
- Trí thông minh thị giác không gian: biểu hiện khả năng tưởng tượng không gian. Người có trí thông minh này, có năng lực nhận biết những đặc thù của cùng một yếu tố, năng lực thấy rõ về không gian của các vật, cảm nhận được sự thay đổi của một yếu tố trong hệ thống các yếu tố, năng lực hình dung ra các hình tượng trong đầu các sản phẩm vật chất hay tinh thần sau đó biến đổi hình tượng đó thành những sản phẩm là các phát minh, sáng chế trong thực tiễn.
- Trí thông minh vận động biểu hiện ở khả năng kiểm soát được các vận động của cơ thể mình, và khả năng điều khiển khéo léo các đồ vật bằng tay, sự cân bằng, khả năng cảm giác, sự phối hợp vận động nhanh, nhạy…  Loại trí thông minh này phát triển ở các ngành nghề như diễn viên nghệ thuật sân khấu, nghề thủ công mỹ nghệ, nhạc công, vận động viên thể thao, thợ kim hoàn, nhà phẩu thuật…
- Trí tuệ cá nhân là một loại trí thông minh phát huy được các khả năng nhạy cảm, tinh tế của cá nhân trong việc nhận biết được các tình cảm nội tại, các điểm mạnh, điểm yếu của chính bản thân mình, đồng thời họ cũng hiểu thấu những cảm xúc và mong muốn của riêng mình; có khả năng giao tiếp khéo léo, ứng xử xuất sắc trong mọi tình huống, mọi công việc, biết điều tiết các quan hệ của cá nhân. Đây là kiểu trí thông minh đặc trưng của những nhà ngoại giao, nhà chính trị, nhà quản lý, nhà kinh doanh, nhà giáo dục,… Trong cuộc sống, các cá nhân đều có loại trí thông minh này, nhưng nó hiện diện ở mức độ cao thấp khác nhau ở mỗi người. Nó được đo lường bởi chỉ số EQ, chỉ số cảm xúc trong lĩnh vực trí tuệ.
- Trí tuệ liên nhân cách được đặc trưng bởi khả năng nhận biết được tư tưởng tình cảm cùng một số đặc điểm tâm sinh lý của người khác; khả năng khích lệ và nâng đỡ người khác, liên kết được các mối quan hệ khác nhau trong cộng đồng; đây là loại trí thông minh phù hợp cho công tác quản lý lãnh đạo, có mầm mống phát triển trong thời kỳ niên thiếu, và tiếp tục phát triển nhờ sự giáo dục và tự giáo dục. Người ta quan sát thấy rằng, trong cuộc sống có những người bộc lộ rõ năng khiếu tổ chức từ rất sớm, có thể từ lúc 4,5 tuổi; nếu phát hiện kịp thời, có kế hoạch đào tạo, rèn luyện các năng lực này, sẽ có một số tài năng tổ chức trong tương lai. Khác với các loại năng lực khác, năng lực tổ chức không phải do bẩm sinh, di truyền mà chủ yếu có được thông qua hoạt động tổ chức, quản lý thực tế từ trong môi trường sống của cá nhân. Một số nghề như người bán hàng, nhà xã hội học, giảng viên, người hoà giải, nhà tư vấn,… đều có dạng trí thông minh này. Khả năng của trí thông minh này gắn bó chặt chẽ với kiểu trí thông minh cá nhân; như  hiểu thấu cảm xúc riêng của mình giúp hiểu một cách trực giác những cảm xúc của người khác.
Trong đời sống hàng ngày, các loại trí khôn (trí thông minh) đó thường hoạt động hoà hợp một cách điển hình, do đó khó có thể nhìn thấy được mỗi dạng trí khôn đó hoạt động độc lập như thế nào. Tuy vậy, bản chất tách biệt của mỗi loại trí khôn có ranh giới và mức độ phát triển cao thấp khác nhau.
Vì vậy có thể xác định thiên hướng trí tuệ của mỗi cá nhân từ khi còn nhỏ và qua những biểu hiện đó tạo ra những cơ hội, những lựa chọn để giáo dục phát triển năng lực của trẻ cũng như có thể bồi dưỡng và phát triển tài năng. Vấn đề là ta có thể có được một chương trình, một hệ thống giáo dục dành cho trẻ đặc biệt, trẻ tài năng hay không, để có thể hướng các cá nhân có biệt tài theo một lối giáo dục riêng, với các chương trình nâng cao phù hợp, đặc biệt là các cá nhân có hình thù trí tuệ không điển hình. Những đóng góp của giáo dục phải được xây dựng trên sự hiểu biết các thiên hướng trí tuệ của cá nhân đồng thời phải có các biện pháp tác động mềm dẻo, linh hoạt để thích nghi cao nhất với từng cá nhân.
Con người có thể phát huy từng thành phần trí khôn để đạt đến những thành công nhất định trong cuộc sống và với tác động giáo dục đúng lúc, kịp thời phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi (tài năng như cây trái có thì), và phải có phương pháp sẽ nâng cao thế mạnh từng dạng trí khôn trong từng cá nhân tạo nền tảng vững chắc cho tài năng của cá nhân đó bộc lộ.
Khi nói về trí thông minh (trí khôn), người ta thường nghĩ đến chỉ số trí tuệ IQ. Thật ra chỉ số này có thể tiên đoán khả năng của cá nhân trong quá trình chiếm lĩnh các môn học của nhà trường nhiều hơn là tiên báo về sự thành công trong cuộc sống sau này. Vì vậy mà test đo nghiệm trí khôn ít cho thấy tiềm năng của cá nhân trong tương lai.
Những người có những cơ hội, những hứa hẹn nảy nở một số năng lực đặc biệt hay tài năng là những người có những thiên hướng đặc biệt, nhờ những phương pháp huấn luyện giáo dục hữu hiệu cùng một số khuyến khích của cá nhân, sự vun đắp chăm chút của gia đình,… sẽ nhanh chóng có được kỹ xảo và đạt trình độ cao, vượt bậc. Người ta nhận thấy rằng trong tiến trình phát triển của bất kỳ tài năng nào cũng không thể phủ nhận những ảnh hưởng của môi trường sinh sông, giáo dục, mà quan trọng đó là những yếu tố tác động thích hợp, đủ mạnh để phát huy tối đa các giá trị của tài năng.
Như vậy, trí thông minh, một yếu tố thuận lợi cho sự phát triển tài năng.
Qua những quan điểm của các nhà tâm lý học, các nhà nghiên cứu khoa học như trên, chúng ta cần nhận thấy để đánh giá, xác định tiêu chí tài năng  Tuy nhiên, có nhiều lọai yếu tố khác về năng lực cảm xúc, năng lực ý chí, năng lực xã hội… khác không thể bỏ qua.
 Một đặc trưng cần chú ý của sự thông minh và tài năng hay thiên tài là năng lực phân biệt cái chủ yếu của mọi sự vật.
 Schopenhauer nói: “Căn bản của thiên tài là thấy được cái tổng quát trong cái riêng biệt. Người thường chỉ thấy cái riêng, chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”. Các bộ óc xuất chúng kỳ tài nhìn sâu vào phía bên kia các hiện tượng bề ngoài để tóm bắt được cái thực chất sinh động và mới mẻ, cái tương quan chằng chịt giữa các hiện tượng. Newton rút ra từ những quan sát cổ điển một quy tắc nhất quán mới của tạo vật. Léonard de Vinci, trong những cuộc đi dạo trong dãy Alpes, đã khám phá một vài mẩu vụn hoá thạch và từ đó tiến hành các cuộc phỏng đoán mà ngày nay chúng ta gọi là khoa cổ sinh vật học.
Sự sáng suốt đặc thù của thiên tài ấy từ đâu ra? Nhiều thuyết cho là do sự cả tin. Những người xuất chúng ấy đã vượt qua óc hiếu kỳ và tính hoài nghi để đạt đến sự hồn nhiên tinh khiết của trẻ con hơn là với cái nhìn chán chường của người lớn.
Baudelaire đã viết trong quyển Nghệ thuật thi ca (L Art poétique): “Thiên tài chỉ là tuổi thơ tự tìm lại được”. Và kèm theo đó là vô vàn nỗ lực kiên trì tột độ nữa chứ, đúng như nhà vi trùng học Nhật Bản lỗi lạc Hideyo Noguchi đã nói: “Thiên tài, điều đó không hề có. Cái có thực là sự làm việc. Làm việc 3, 4, 5 lần hăng say hơn mọi người, đó chính là thiên tài”. Hay nói khác đi, thiên tài = làm việc + làm việc + làm việc, thiên tài là cộng 1% năng khiếu với 99% công phu..[21].
Thế nhưng, làm sao đễ quy chuẩn hóa tài năng?  Hay tài năng như là một cái gì phi quy chuẩn, luôn là ngọai lệ?
Vấn đề: “quy trình công nghệ” hình thành tài năng đang được làm thí điểm tại Việt Nam. Mặc dù, đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ về quy trình công nghệ này nhưng vẫn còn khá nhiều vấn đề chưa được ngã ngũ đó là: dựa vào đâu, tiêu chí nào, hay trắc nghiệm nào để có thể đánh giá tài năng? Làm thế nào phân định được tài năng giữa quản lý, nghiên cứu khoa học, kinh doanh…? Có phải dựa vào những thông số trí tuệ, có bộ óc xuất chúng để đánh giá tài năng không?  Hay khả năng đánh giá, nhận định vấn đề ở mức độ chiều sâu. Hay những đứa trẻ có những thao tác kỹ thuật, kỹ năng thực hành như vậy được đánh giá là tài năng, thiên tài không?
 Vấn đề này từ lâu đã được nhiều nhà nghiên cứu khoa học, nhiều nhà tâm lý học… quan tâm và có quan điểm riêng của mình.

II- CÓ HOÀI BÃO LỚN, SAY MÊ, NGHỊ LỰC, CÓ BẢN LĨNH CAO

Có hoài bão, có bản lĩnh, ý chí kiên cường, say mê, có nghị lực làm việc phi thường, có khả năng tận dụng nhanh, chính xác cơ hội, khả năng quyết đoán cao và không sợ thất bại, đó là những phẩm chất hàng đầu của tài năng.
Thông thường có quan niệm khi nói về tài năng chỉ nhấn mạnh yếu tố năng lực thông minh trí tuệ. Nhưng thực ra trước hết là yếu tố có hoài bão, có mục tiêu phần đấu cao, có niềm, có bản lĩnh, ý chí, cảm xúc, nghị lực làm việc, đó là một nhóm yếu tố và đặc trưng, tố chất, tiêu chí cơ bản của tài năng. Thông minh, nhưng nếu thiếu hoài bão, tự tin, thiêu quyết tâm, thiếu lòng kiên nhẫn, thiếu tính dũng cảm, kiên cường, thiếu nghị lực, nói chung là kém bản lĩnh thì không thể có thành công. Không có chí thì bất thành. Những kẻ bất tài không những không thông minh mà còn nhút nhát, nản chí, sợ thất bại, sống thiếu hòai bão lớn (giấc mơ con đè nát cuộc đời con)… Thông minh mà thiếu nghị lực, lòng dũng cảm, thiếu nghị lực, tức thiếu bản lĩnh, thì mới tài một nửa thôi hay chưa phải tài năng thật sư, hiện thực. Nhưng nếu có bản lĩnh, có nghị lực và ý chí… mà có kém thông minh thì cũng chưa phải là người có tài thật sư, thậm chí tài đi với tai họa (quyết tâm+ngu dốt = phá họai). Những tài năng thật sự thường là có đủ những phẩm này nhân -trí -dũng và rất trội. 
Ở đây khái niệm bản lĩnh (dũng khi, khí phách, ý chí) có nội dung gần giống với khái niệm tính cách, khái niệm trí tuệ EI
“Các nhà khoa học nói rằng: EI thể hiện qua việc cách mà chúng ta ứng xử với mình cũng như đối với người khác, chúng ta cảm thấy như thế nào, và sức khỏe ra sao, làm tốt công việc ở mức nào…”
Những cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng: IQ giúp chúng ta thành công trong cuộc sống là 20% và 80% do EQ quyết định.
Những đặc đ iểm của người có IE [22] thấp:
- Ước gì tôi có một công việc khác…
- Ước gì tôi tốt nghiệp đại học…
- Ước gì tôi đẹp trai /xinh đẹp…
- Ước gì tôi có những người bạn tốt…
- Ước gì tôi được sinh ra đã giàu có và nổi tiếng…
- Ước gì tôi kết hôn với người khác…
Ngược lại, người luôn xem lại mình xem đã cố gắng hết sức chưa, đã tìm hết cách giải quyết vấn đề chưa, đã biết biến thách thức thành cơ hội, bất lợi thành lợi thế, biến thất bại thành thành công… là người có bản lĩnh, người có năng lực EI cao, người trước sau rồi cũng hành đạt.
Trước hết, người tài năng là người có bản lĩnh (ý chí, dũng khi).
Theo Đại từ điển tiếng Việt, chủ biên Nguyễn Như Ý, bản lĩnh là “Khả năng và Ý chí kiên định trước mọi hoàn cảnh” biết vượt lên hoàn cảnh. Cả trong cách viết và trên thực tế, bản lĩnh được dùng như một khái niệm tổng hợp bao hàm một lọat những đặc điểm tâm lý của con người. Trong tiếng nươc ngòai có một số từ trong những tình huống đặc trưng nào đó cũng được dịch ra tiếng Việt tương dương với từ Bản lĩnh, như những từ chỉ tính chất, phẩm chất, năng lực, khả năng, sức mạnh, tài cán, kỹ năng hay thậm trí nhân cách. Từ điển Tiếng Việt Nguyễn Như Ý thì cho rằng, bản lĩnh đó là khả năng và ý chí kiên định trước mọi hoàn cảnh, ví dụ như rèn luyện bản lĩnh chiến đấu,…  còn theo từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học– Nxb. VHTT, 2004 thì bản lĩnh làđức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm. Theo cách hiểu này thì bản lĩnh thể hiện sự độc lập, sự quả quyết không ngại
Như vậy, theo chúng tôi, bản lĩnh (tính cách), một yếu tố cấu thành tài năng, đó là:
- Sự dám nghĩ, dám làm
- Không ngại hy sinh, hiểm nguy, gian khổ…., sẵn sàng đối đầu và xung phong vào những trận địa đầy hiểm nguy, thử thách….
- Có lòng tin cao vào chính bản thân mình trước những việc tưởng chừng như không thể.
Bản lĩnh là khái niệm nói lên ý chí, nghị lực hành động của con người. Đây là phẩm chất tâm lý cơ bản của nhân cách và tài năng. Nhưng ngày nay, ý chí nói chung còn có khái niệm trí tuệ ý chí hay còn gọi là trí tuệ vượt qua nghịch cảnh. Chúng tôi cho rằng đây là định nghĩa đúng nhất. Đó là năng lực tự do ý chí, là người có bản lĩnh, người có bản lĩnh, một trí tuệ của thành công và của tài năng. Nói về nghĩa của khái niệm Khai sáng (khái niệm của Montesquieu), Immanuel Kant (1784) đã cho rằng rằng, khác với người chưa trưởng thành (tự kỷ), người trưởng thành về lý trí, có năng lực khai sáng là người quyết đoán và có dũng khí sử dụng lý trí của chính mình, tức là Sapere audel[23].  
Trong dân gian có một cách nói về ý chí hay bản lĩnh là “gan vàng dạ sắt”, hay lòng dũng cảm, khí phách của con người (trong mệnh đề  nhân – trí - dũng). Ý chí, bản lĩnh ấy biểu hiện ra bên ngoài, tạm nêu lên, như là:
a. Tính quyết tâm, kiên trì, kiên định, nhận nại, không lùi bước trước khó khăn gian khổ, thử thách (ví dụ: quyết chí ắt làm nên; hoặc gương chiến đấu ngoan cường, giữ vững khí tiết của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù đế quốc: “vật chất dù đau khổ không nao núng tinh thần”; không bị khuất phục bởi tiền tài, sắc đẹp, quyền lực, và mọi thù đoạn tàn nhẫn, tàn ác khác,…);
b. Khí phách, dũng khí, dũng cảm trong đấu tranh với mọi thế lực tàn bạo hay các tệ nạn xã hội, đấu tranh với mọi các ác cái xấu, bảo vệ chân lý, lẽ phải, và mục tiêu nhân đạo cao cả;…  Do vậy, người xưa coi trọng chữ dũng, chữ khí tiết, khí phách.
c. Tinh thần giám nghĩ, giám làm, năng động linh họat, nhưng giữ vững nguyên tắc, tức    bất biến ứng vạn biến.
d. Có nghị lực, có hoài bão, có chí hướng;
e. Tính tự chủ, biết làm chủ cảm xúc, ham muốn của bản thân và có tính độc lập, sáng tạo trong suy nghĩa và hành động, đúng trúng có hiệu quả cao. 
g. Do vậy bản lĩnh còn có nội dung là sự hiểu biết, sự thấm nhuần chính nghĩa và đạo lý, lý tưởng và niềm tin vững chắc vào sự nghiệp hay điều mình làm. 
Bản lĩnh như vậy là tổng hợp các phẩm chất thuộc về ý chí của con người thể hiện qua hành vi, hành động của cá nhân, hay của một tập thể, cộng đồng trong quan hệ với hoàn cảnh nhất định khi phải giải quyết một nhiệm vụ khó khăn, nhiều thử thách. 
Bản lĩnh với tư cách là ý chí, dũng khi là một phẩm chất, năng lực lớn của tài năng.
Đồng thời, sự say mê trong hoạt động của cá nhân là biểu hiện của sự kiên trì và năng lực sáng tạo cao, năng lực của  tài năng
Tất cả nhân tài, không trừ ai, đều mải mê hay có thể nói là chìm đắm miệt mài trong công việc. Thiên tài không do cảm hứng nhất thời mà là sự làm việc kiên trì. Nhưng nhân tố nào đã khiến các “siêu nhân” ấy có thể bắt trí óc chuyên chú không mệt mỏi vào công trình của họ? Họ rút đâu ra đủ nghị lực để cống hiến hết toàn bộ nhân cách của mình? Một khả năng như vậy đòi hỏi sự thống nhất tâm lý sâu sắc, sự huy động toàn diện, trọn vẹn mọi sức lực ý thức hoặc tiềm tàng để hướng chúng vào một mục tiêu duy nhất.  Chính mục tiêu, lý tưởng tạo ra sự say mê.
Theo các nhà khoa học thì năng lực cảm xúc cao là một trong những chỉ số của hoạt động sáng tạo, trong đó sự say mê có một ý nghĩa rất quan trọng, nó là nguồn động lực của sáng tạo. Định nghĩa say mê cần xác định rõ không phải là đam mê tản mạn.
C. Mác định nghĩa “say mê là khi người ta tập trung mạnh mẽ sức mạnh cơ bản của mình”. Kèm với sự tập trung đó là những xúc cảm dương tính, tích cực như sự hào hứng, thú vị, phấn chấn và sự hài lòng về tinh thần vào một công việc cụ thể nào đó. Say mê tạo nên sự kiên trì, bền bỉ trong lao động. Nhờ sự say mê, sức tập trung cao độ vào công việc một cách hưng phấn, không mệt mỏi, mới sản sinh ra được những thành quả sáng tạo lớn lao.
Say mê là một loại cảm xúc đặc biệt, có cường độ rất mạnh, thời gian tồn tại lâu dài, bền bỉ và được chủ thể ý thức rõ ràng. Say mê trong sáng tạo là một loại đam mê tích cực, được chủ thể hướng toàn bộ thời gian, sức lực vào hoạt động mà mình yêu thích, nhằm thoả mãn những nhu cầu tinh thần của bản thân (đôi khi bao hàm cả nhu cầu vật chất) một cách mãnh liệt, kiên trì đeo đuổi mục tiêu đến cùng để sáng tạo ra các giá trị mới và có ích cho xã hội.
Say mê là sự thể nghiệm mạnh mẽ, sâu sắc và kéo dài, ổn định có xu hướng rõ rệt nhằm mục đích hay đối tượng mà họ ao ước muốn khám phá, muốn chiếm lĩnh. Say mê thường gắn liền với hứng thú và tạo ra thái độ tích cực của cá nhân trong hoạt động. Thiếu sự say mê thì mọi lĩnh vực hoạt động của con người khó đạt được chất lượng cao. Vì một khi đã say mê vào một việc gì thì hầu như toàn bộ sinh lực, tâm huyết của cá nhân bị lôi cuốn và huy động vào việc đó để tạo ra các giá trị sáng tạo.
Người ta nghiên cứu thấy rằng, loại say mê cần thiết cho nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật là một loại say mê cao độ và kéo dài suốt cả đời người; Một sự căng
thẳng lớn với một mong muốn khám phá và giải quyết mâu thuẫn để đi đến cái mới, cái chân lý và một lòng say mê vĩ đại vào sự nghiệp của mình, đó là điều mà khoa học yêu cầu ở người nghiên cứu; nghệ thuật đòi hỏi ở người sáng tạo. Chính say mê thôi thúc con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để chiếm lĩnh tri thức khoa học hay sáng tạo các giá trị nghệ thuật.
Sự say mê là sức bật vươn lên cái tốt, cái hoàn thiện hơn, là sự lao tới cái mới một cách mãnh liệt. Nó không những làm tâm hồn con người trẻ hẳn lại từ bề sâu, mà còn chắp thêm đôi cánh diệu kỳ cho tinh thần, nâng tinh thần bay bổng, nhiều khi đưa đến sự chiếm lĩnh đỉnh cao trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật.
Trên cơ sở sự say mê bền lâu, suốt cả đời sẽ nảy sinh những thời kỳ – những phút hứng cảm là cao điểm của sự say mê, với sức tập trung một cách thanh thản và thú vị toàn bộ sức mạnh trí tuệ và tình cảm vào đối tượng sáng tạo của mình. Hứng cảm rõ ràng là cần thiết và quý báu đối với sáng tạo, chính hứng cảm nó sẽ mang đến những giây phút thăng hoa trong sáng tạo và ngay chính trong thời khắc đó sẽ sản sinh ra những kết quả sáng tạo bất ngờ.
Bên cạnh sự say mê là tính tích cực của cá nhân hay là tinh thần luôn luôn sẳn sàng hành động, sẳn sàng đem sức lực của mình ra hoạt động. Tính tích cực thể hiện ở tính quả quyết, tính can đảm, tính độc lập và tính sáng tạo; say mê là xúc cảm tích cực làm tăng thêm hứng thú, nghị lực lạc quan tin tưởng và ý thức trách nhiệm… nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tạo. Tính tích cực của sáng tạo về mặt ý chí cũng thể hiện đặc biệt ở tính sáng tạo; Người có tính sáng tạo là người thích có sáng kiến riêng trong công việc mới đòi hỏi phải tự lực tìm tòi, tháo vát, năng động tìm kiếm, khám phá ra cái mới, cái có ích cho xã hội, cho nhân loại.
Nếu không chuyển được sức mạnh của sự say mê vào các chí hướng, lý tưởng đã được cụ thể hóa bằng những hoạt động thực tiễn, thì chúng vẫn chỉ là những ảo vọng, mơ mộng viễn vông không thực tế. Những chí hướng cụ thể này được thể hiện liên tục, đôi khi kéo dài suốt cả đời người, và cả hàng ngày bằng những công việc, động tác rất cụ thể. Đó là những biểu hiện và tiêu chuẩn để nhận diện cá nhân sống có mục tiêu, có lý tưởng và không ngừng say mê, hướng sự say mê vào việc biến lý tưởng và chí hướng cụ thể, liên tục trở thành hiện thực.
Dám nghĩ giám làm, có hoài bão, mơ ước, nhất thiết phải đi kèm với dũng khí dám thực hiện nó, sẳn sàng hoạt động, toàn tâm, toàn ý, toàn lực chăm chỉ, chịu khó với một niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh ý chí của mình để đi tới đích. Đó là quyết tâm “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt thành công”.
Chính yêu cầu sáng tạo, yêu cầu thành công sẽ thôi thúc con người hoạt động không mệt mõi, không cho phép cuộc sống của mình và thời gian trôi qua lãng phí. Họ tự tôi rèn cho mình một sức mạnh phi thường, với một lòng tin sắt đá vào công việc một cách bền bỉ, không ngừng say mê, học hỏi tìm tòi cái mới. Do óc tò mò thôi thúc, khêu gợi cao độ ham muốn, náo nức tìm kiếm cái mới, cái có ích cho bản thân và nhân loại, con người đã hướng nhu cầu ham mê của mình vào trong hoạt động thực tiễn để sáng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.
Nhưng ý chí hay bản lĩnh còn quan hệ với các yếu tố khác, mang tính tổng hợp, kết tinh của nhiều phẩm chất khác mà trọng tâm vẫn là ý chí, nghĩa là trong ý chí vẫn bao hàm trí tuệ, hiểu biết và động cơ, mục tiêu của hoạt động. Khái niệm trí tuệ ý chí là chính nói lên điều đó. Những người được tôn vinh là anh hùng, những nhà phát minh, những nhà lãnh đạo quản lý, hay kinh doanh thành đạt đều là những người có niềm say mê, năng lực tập trung công việc, nghị lực khác thường, tức có bản lĩnh cao. 
  Tóm lại, không có hoài bão lớn, say mê lớn, không có nghị lớn lớn, bản lĩnh cao thì không thể có tài năng lớn, cao.
III- KHẢ NĂNG SÁNG KIẾN, PHÁT MINH, SÁNG TẠO CAO
Năng lực sáng tạo là một yếu tố không thể thiếu được của tài năng. Người tài năng có một khả năng sáng tạo cao, họ tự tìm ra cách thức con đường riêng trong quá trình hoạt động tìm tòi sáng tạo của mình. Tài năng, thực tài chủ yếu không phải chỉ là thiên phú, tự nhiên mà có, đó là cả một quá trình khổ công, khổ luyện, học tập rèn dũa để trở thành một tài năng. Chính họ không bao giờ bằng lòng với những gì đã có của hiện tại, luôn kiên trì theo đuổi cái mới với một quyết tâm cao độ là tìm kiếm, khám phá ra những cái có ích, có lợi, mới mẻ đối với bản thân và cho người khác. Người có tài năng thì luôn luôn năng động, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt các thông tin và làm chủ các tri thức mới  để tiếp cận với sự phát triển của thời đại, của công nghệ mới
Chính vì vậy, ta cần hiểu cho đúng thế nào là tư duy sáng tạo?
Tư duy bắt chước là tư duy làm theo, còn tư duy sáng tạo là tư duy tìm một cách giải quyết mới, khác với tư duy trước đó, đúng đắn hơn tư duy trước đó trong quá trình chiếm lĩnh bản chất của đối tượng. Nhận thức là quá trình ngày càng tiếp cận chân lý, nhưng không chỉ là quá trình tổng hợp các chân lý tương đối đạt được mà còn là quá trình khắc khục những sai lầm để ngày càng ít sai lầm hơn. Đó là quá trình tìm ra những bản chất mới, hình thức mới, mô hình mới, quá trình mới, phương pháp mới. Do đó, quá trình nhận thức như  thế về bản chất là có tính sáng tạo. Sáng tạo là phẩm chất tối cao của năng lực tư duy trước hết có tính bẩm sinh. Qua điều tra, người ta thấy rằng số trẻ em lúc 5 tuổi, số có sức sáng tạo là 95%, ở tuổi 17 là 10%, tuổi 20-45 là 5%. Như thế là sức sáng tạo ở người lớn thường bị kìm hãm, không bị mất đi hoàn toàn mà ở dạng tiềm tàng. [24]   Nhưng về nguyên tắc là càng có nhiều tri thức và kinh nghiệm thì càng có năng lực sáng tạo.
Khi nghiên cứu 85 nhà khoa học, người ta đã khái quát một hệ thống 13 yếu tố tạo thành tư duy sáng tạo như: phương pháp giải quyết khác thường; nhìn trước được các vấn đề; nắm được mối liên hệ cơ bản; cấu tạo các yếu tố từ đó tạo ra chức năng mới; thay đổi hướng nghiên cứu; nhìn từ các con đường, các cách giải quyết khác nhau một cách tích cực; chuyển từ mô hình này sang mô hình khác; nhạy cảm với các vấn đề mới từ các vấn đề cũ đã giải quyết xong; biết trước kết quả; nắm được các tư tưởng khác nhau trong một tình huống nào đó; phân tích các sự kiện theo một trật tự tối ưu; từ đó tìm ra tư tưởng chung; giải đáp được những tình huống đặc biệt.
Tư duy sáng tạo cũng có nhiều cấp độ, hình thức:
1- Mức độ thấp của sự sáng tạo là cách chứng minh mới đối với kết luận cũ, hoặc do vận dụng vào cuộc sống mà có những cải biên, cải tiến cách làm so với cách cũ;
2- Cao hơn là tìm được những hình thức mới, những thuộc tính mới của sự vật, hiện tượng, hoặc phương pháp giải quyết mới;
3- Cao hơn nữa là khám phá ra bản chất mới, quy luật mới, quá trình mới, hoặc dự báo những xu hướng mới;
4- Cao nhất là, do những khám phá mới mà nhờ nó đã mở ra một khuynh hướng mới, một giai đoạn mới cơ bản trong khoa học, trong văn hóa, trong chính trị xã hội[25] .
Các nhà khoa học cũng đã phân loại tư duy các nhà bác học (các nhà thông thái, các nhà cách tân, các nhà phát minh…) theo mức độ sáng tạo, như: tư duy có năng lực hệ thống hóa nhanh, theo cách của mình; loại khác là hiểu biết nhiều, nhanh chóng tìm ra những mặt mới; có loại luôn luôn khám phá và phát ra những thông tin mới; có loại luôn đi đầu trong khoa học, mở ra những con đường mới, những chuyên ngành mới trong khoa học, trong văn hóa, trong thực tiễn. Cách phân chia này phần nào cũng tương ứng với các mức độ sáng tạo nói trên.
Trong nghiên cứu khoa học hay hoạt động trí tuệ nói chung đều cần tư duy sáng tạo. Nghiên cứu khoa học đòi hỏi cả trí thông minh, cả trí tuệ cảm xúc, trí tuệ ý chí và trí tuệ sáng tạo.
Thế nhưng thanh niên ta và người Việt Nan thường chú ý nhiều đến sự thông minh mà ít chú y đến tính sáng tạo. Qua điều tra nhận thấy: họ chưa quan tâm đề cao tiêu chí sáng tạo, mới chỉ từ 30,5%- đên 50%[26] ý kiến chú ý đến. Hoặc trong đánh giá thi cửa và khen thưởng cũng con coi nhẹ sáng kiến, sáng tạo, phát minh. Tuy vậy, hiện nay thế hệ 8X, nhất là các doanh nhân trẻ, đang la thế hệ mà tính năng động sáng tạo là đặc trưng hàng đầu.[27].
 Chúng ta cần hiểu rằng, sáng tạo theo nghĩa rộng là sự tạo ra cái mới nói chung. Theo nghĩa thông thường, sáng tạo là sản phẩm của hoạt động con người, là quá trình sinh ra sản phẩm mới về chất trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật, kiến trúc, kinh tế, sản xuất kinh doanh,… và hoạt động thực tiễn.
Tính sáng tạo có nghĩa tính mềm dẽo, linh họat nhạy cảm, độc đáo, tính phê phán, đặt lại vấn đề, tính đột phá, tạo nên cái mới...
Khái niệm sáng tạo bao gồm hai ý chính:
-Có tính mới ( khác với cái cũ, cái đã biết);
-Và có lợi ích (tốt hơn, có giá trị hơn cái cũ, cái đã biết). Như vậy, sự sáng tạo hội tụ cả hai điều kiện trên có thể có ở bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống và cả trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Lịch sử nghiên cứu về trí tuệ con người đã khẳng định trí sáng tạo là thành phần quan trọng của trí tuệ con người, “cao hơn trí tuệ thông minh” [28],  nó giúp con người cải tiến, thay đổi cái cũ. Thiếu trí sáng tạo, con người không thể tạo ra cái mới, không thể cải tạo thế giới khách quan để phát triển ngày càng thích ứng, hoà nhập với tự nhiên, xã hội.
Quá trình sáng tạo của con người bắt đầu ý tưởng sáng tạo đầu tiên, nảy sinh trong óc; thiếu những ý tưởng ban đầu này thì sẽ không có các giai đoạn kế tiếp và bất kỳ giai đoạn tiếp theo nào như đưa ra giải pháp, thực hiện thử, áp dụng trên thực tế,… cũng đều cần sự suy nghĩ sáng tạo.
Y tưởng gắn bó với 3 khái niệm: say mê, thực hiện hóa lý tưởng và hạnh phúc khi triển khai ý tưởng thành những kết quả sáng tạo trong hiện thực.
             Nói đến sáng tạo, thường người ta liên tưởng tới các khái niệm sáng kiến, phát minhsáng chế. Cải tiến, sáng kiến là mức thấp nhưng cao hơn là phát minh. Phát minh là sự phát hiện ra những quy luật, những tính chất hay những hiện tượng của thế giới vật chất tồn tại một cách khách quan mà trước đó chưa ai biết, nhờ đó làm thay đổi căn bản nhận thức con người. Phát minh không thể trực tiếp áp dụng vào sản xuất, đem lại lợi nhuận ngay, nên phần lớn các nước không đặt vấn đề bảo hộ phát minh; phát minh không phải là đối tượng của sở hữu công nghiệp. Khác với phát minh, sáng chế là tạo ra cái, trước đây chưa có sẵn trong thế giới vật chất. Về khoa học, người ta thường nói đến các phát minh; Về kỹ thuật – là các sáng chế. Phát minh và sáng chế liên quan mật thiết với nhau: phát minh là nảy sinh các sáng chế, ứng dụng vào sản xuất, đời sống tạo ra các máy móc, dụng cụ nghiên cứu mới; ngược lại các sáng chế tạo thêm những điều kiện thuận lợi đi tìm những phát minh mới. Ngày nay khó có thể có được phát minh thấy ngay trực tiếp nhờ sự quan sát. Nhà nghiên cứu cần “sáng chế” ra phát minh ở trong đầu trước rồi mới làm thực nghiệm kiểm chứng.
Các nghiên cứu về tâm lý học sáng tạo tồn tại 2 xu hướng nghiên cứu quá trình sáng tạo như sau:
-Một là, một xu hướng của G.A.Simon, A. Newell,…tìm kiếm khả năng điều khiển quá trình sáng tạo bằng lập thuật toán của hoạt động sáng tạo, sử dụng các “thủ thuật kỹ thuật” đi đến phát hiện cái mới. Nói cách khác là tạo ra hệ thống các quy tắc logic mà theo đó có thể đi đến lời giải sáng tạo. Các nhà khoa học theo xu hướng này cho rằng quá trình giải bài toán sáng tạo diễn qua 3 giai đoạn: ý thức vấn đề, giải quyết vấn đề và kiểm tra. Sự chuyển hoá từ giai đoạn đầu tới giai đoạn thứ hai được coi là con đường đi từ các hiện tượng tới giả định, từ cái đã biết đến cái chưa biết, từ tri giác đến yếu tố tư duy, là con đường phát hiện nguyên tắc. Sự chuyển hoá từ giai đoạn thứ hai đến giai đoạn thứ ba được xem như quá trình đi từ ý tưởng trừu tượng đến cái cụ thể, từ nguyên tắc đến thực tiễn. Xu hướng này coi việc mô hình hoá quá trình sáng tạo, sử dụng phương pháp sáng tạo như là con đường có triển vọng duy nhất để nghiên cứu hoạt động sáng tạo của con người.
-Hai là, một xu hướng P.K.Engelmeir, G. Wallas, W. Goorden,… nghiên cứu quá trình sáng tạo, nhấn mạnh vai trò của yếu tố trực giác, khẳng định khả năng điều khiển bằng con đường gián tiếp. Các kiểu phân giai đoạn quá trình sáng tạo của các tác giả tuy có khác nhau chút ít, nhưng nhìn chung có thể chia chúng theo 4 giai đoạn:
a. Giai đoạn tích luỹ (làm việc có ý thức): Chuẩn bị điều kiện cho những ý tưởng trực giác.
b. Giai đoạn chín muồi: Làm việc vô thức với vấn đề, nung nấu tư tưởng.
c. Giai đoạn bột thức (chuyển hoá từ vô thức vào ý thức): Xuất hiện ý tưởng sáng tạo, phát minh sáng chế, thoạt tiên dưới dạng giả định.
d. Giai đoạn kiểm tra và hoàn thiện (làm việc có ý thức): Phát triển ý tưởng, hoàn thiện, kiểm tra và chứng minh ý tưởng.
Hai xu hướng nghiên cứu quá trình sáng tạo vừa nêu trên đặt nền tảng lý luận trên những cơ sở khoa học khác nhau.
Xu hướng thứ nhất khẳng định vai trò của yếu tố lôgic - cơ sở duy nhất của quá trình sáng tạo, bác bỏ khả năng có một hiện tượng trực giác.
Xu hướng thứ hai cho rằng, ý nghĩa quyết định đưa đến lời giải cho bài toán sáng tạo thuộc về yếu tố trực giác, tuy nhiên họ không phủ nhận vai trò của yếu tố lôgic trong quá trình sáng tạo.
Hai xu hướng nghiên cứu này đã có những đóng góp nhất định vào việc hình thành một quan niệm khoa học về quá trình sáng tạo.
Khả năng sáng tạo cao được đo lường bằng chỉ số CQ
            Không phải tất cả những người có tính sáng tạo đều thành tài (dù sáng tạo là hạt nhân của tài năng) nếu thiếu nghị lực, quyết tâm, năng lực làm chủ cảm xúc... nhưng thường thì những người có những tài năng đặc biệt bao giờ cũng đi kèm với một năng lực trí tuệ cao là năng lực sáng tạo. Năng lực này gắn với nó còn là sự giám nghĩ, giám làm, quyết đoán cao.
Người có tính sáng tạo cao, có khả năng tạo ra những sản phẩm có giá trị, có ích cho nhân loại. Người có trí sáng tạo cao thì luôn giàu ý tưởng và linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề. Những đóng góp của họ cho xã hội có những tác dụng rất lớn trong việc thay đổi trình độ văn minh, nhất là đối với các phát minh, sáng chế khoa học kỹ thuật.
Tài năng sáng tạo thể hiện tronng nhiều lĩnh vực như tài năng thể chất trong thể thao, nghệ thuật dụng cụ; tài năng trong họat động lãnh đạo, quản lý, trong khoa học tư nhiên và xã hội, trong chính trị và kinh tế, trong giao tiếp...
Vấn đề này chúng ta còn bàn tiếp ở chương cuối khi nói về phát triển tài năng sáng tạo trẻ hiện nay.

IV- NĂNG LỰC TỔ CHỨC HỌAT ĐỘNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG CAO, HIỆU QUẢ CAO, CỐNG HIẾN  NHIỀU CHO XÃ HỘI.

Một số đặc điểm tâm lý trong nhân cách của tài năng như thông minh, trình độ trí tuệ phát triển cao, giàu tính sáng tạo, có những phẩm chất nhân cách nổi bật, có sự kết hợp hài hoà giữa tài năng và đạo đức, có ý chí cao, nghị lực, say mê sáng tạo và cường độ lao động liên tục bền bỉ, có sự nổ lực rèn luyện và tự rèn luyện của bản thân với một quyết tâm cao độ để có được những kết quả vượt bậc được xã hội đánh giá và thừa nhận là tài năng. Nhưng tài năng không dễ dàng có được mà nó là kết quả của một quá trình “khổ luyện thành tài”.
Khi nhấn mạnh một số phẩm chất của tằi năng, thường nhiều người ít chú ý khả năng tổ chức họat động của tài năng. Chúng ta chú ý nhiều đến năng lực trí tuệ nhưng ít chú ý năng lực cơ thể- năng lực thể chất., năng lực ý chí, năng lực họat động- tức năng lực xã hội tổ chức, năng lực giao tiếp, đoàn kết, hợp tác và năng lực thực tiễn hoàn thành nhiệm vụ Có những tài năng ở lĩnh vực thể chất như tài năng thể thao. Nhưng tài năng tổ chức, hợp tác, sắp xếp công việc trong họat động thi ngay người lãnh đạo, hay nhà khoa học cũng có và cần tuy rất khác nhau. Do vậy, ý tưởng là rất quan trọng nhưng cách thức tổ chức thực hiện cho được ý tưởng còn quan trọng hơn. Hồ Chí Minh nói đại ý: mục tiêu một, nhiệm vụ ba, thì quyết tâm phải 5, giải pháp, biện pháp phải 10.
1-Năng lực kế họach hóa công việc, năng lực tìm giải pháp thực thi theo chúng tôi là một năng lực rất quan trọng của tài năng mà ta lại ít chú ý.
           Nhìn ở năng lực họat động thực tiễn và hiệu quả, gắn với những sản phẩm mà tài năng làm nên, chúng tôi cho rằng có 5 tiêu chí như:
          - Tài năng cần thể hiện ở tốc độ đạt mục tiêu phải nhanh nhất, đạt chất lượng công việc cao nhất và hiệu quả cao nhất, hoặc khác thường so với với mặt chung ở trình độ khá giỏi.
          - Tài năng trẻ còn thể hiện ở giám nghĩ giám làm và giám chịụ trách nhiệm, không ngại đụng chạm, không sơ uy quyền, biết lấy chân lý và sự thật cùng với lợi ích quốc gia là trọng và cao nhất.
- Tài năng bao giờ cũng biết sắp xếp công việc hợp lý. tiết kiệm thời gian, biết hoạch định kế hoạch của cuộc đời, nhất là kế hoạch sự nghiệp, giám làm lại, không sợ thất bại.
- Tài năng tổ chức thể hiện ở đoàn kết, hợp tác,  giao tiếp, ngoại giao, biết nhân sức mạnh tập thể và sử dụng sức mạnh ấy.
- Tài năng lớn làm nên sự nghiệp lớn và sự nghiệp, cống hiến của mỗi người như thế nào là năng lực và tài năng của họ như thế.
Tài năng trẻ bao giờ cũng hướng chính là cống hiến chứ không phải hưởng thụ. Tài năng bao giờ cũng lo cho việc lớn chứ không phải chăm bẳm lo cho mình. Không có ý chí lớn, ước mơ lớn, không giám hy sinh lớn thì không có tài năng lớn. Tài năng phải là người để lại dấu ấn trong lĩnh vực mà họ cống hiến.
Việc tổ chức, kế hoạch công tác là khả năng tối ưu hóa hành động. Năng lực thực tiễn, năng lực làm, năng lực nghề dù là họat động trí óc cũng cần thiết (nghề viết văn, nghề nghiên cứu khoa học, nghề làm tham mưu, nghề lãnh đạo, quản lý…). Người tài thường có kế họach cho cả đời người.Và trong mỗi công việc thường biết sắp xếp hợp lý, biết tập trung vào việc chính và tầm nhìn hệ thống. Hơn nữa kiên quyết hành động, theo đuổi mục tiêu lâu dài.
Do vậy cùng một lượng thời gian khách quan nhưng người tài vừa thấy ít thời gian vừa biết tiết kiệm thời gian và ở họ thời gian là vàng bạc. Do vậy mà hợp lý trong công việc, và đạt tốc độ làm việc cao, nên hiệu quả công việc tốt, cống hiến cho xã hội nhiều hơn người khác.
2- Thành tích, cống hiến xã hội là kết quả của họat động cuả tài năng : được biểu hiện ở khả năng nổi trội xuất chúng, những kết quả họ đạt được xã hội thừa nhận, có giá trị cống hiến đối với xã hội mang lại lợi ích, vinh quang, vinh dự cho quốc gia, cho đất nước
Các đánh giá về tài năng đều dựa vào các tiêu chí:
- Mức độ cống hiến của các tài năng thể hiện ở các biểu trưng vinh dự quốc gia (các chức danh, danh hiệu anh hùng, giáo sư, tiến sĩ, hoặc các chức vụ cấp cao, hoặc ở các giải thưởng huân huy chương, giải quốc gia, quốc tế,…);
- Sự vận dụng của các sản phẩm (cao thấp, tính độc đáo) có tác dụng và hiệu quả kinh tế xã hội rộng lớn, hoặc mang tính mở đầu (sản phẩm khoa học, sản phẩm văn học nghệ thuật, sản phẩm kinh tế…);
- Mức độ trưởng thành và thành đạt của các cá nhân tài năng về trí tuệ, phẩm chất  và vai trò của họ, vị thế của họ trong hệ thống nguồn nhân lực đối với sự phát triển hưng thịnh của quốc gia, đất nước.
Do đó, khi cá nhân được đánh giá có thành tích xuất sắc, có những cống hiến lớn lao cho sự phát triển của xã hội thì là xác nhận tài năng của họ. Tài năng trở thành một tài sản của quốc gia, được xã hội thừa nhận và tôn vinh.
Tài năng không chỉ thể hiện ở cả 2 mặt: phẩm chất, tư chất, năng lực  hơn người mà chủ yếu ỏ chỗ có cống hiến có giá trị xã hội hiện hữu hơn người, tác dụng lớn và lâu bền hơn người khác. Thước đo hiện thực của tài năng là ở chỗ chủ yếu đó!Do vậy, tài năng là cống hiến lớn hơn người trong một thời điểm và một lượng đầu tư nhất định.
 
Từ phân tích 4 nhóm tố chất và năng lực, biểu hiện tài năng trên đây, chúng tôi cho rằng, tài năng không chỉ là: trình độ trí tuệ +năng lực sáng tạo + thanh tích- cộng hiến xã hội. Mà tài năng là SẢN PHẨM TỔNG HỢP CỦA sự thông minh - trí tuệ + Năng lực sáng tạo +  ý chí -bản lĩnh + Năng lực tổ chức công việc hợp lý= ĐẠT HIÊU QUẢ XÃ HỘI CAO.
Như vậy, tóm lại, chúng tôi nhìn nhận các nhóm tiêu chí tà năng đầy đủ hơn, có nhiều khía cạnh mới hơn, tránh cái nhìn phiến diện chỉ nhấn mạnh một số mặt.Add enclosure link
Những ý kiến và kết quả nghiên cứu trên đây là rất đáng lưu ý khi chúng ta lấy làm căn cứ để đánh giá, phát hiện tài năng, sử dụng tài năng. Tuy nhiên phải có quan điểm toàn diện, hiện thức về các tiêu chí và hiệu quả của nó.

BÀI 3

            MỘT SỐ TIÊU CHUẨN CỤ THỂ TRONG ĐÁNH GIÁ TÀI NĂNG TRẺ DỰA TRÊN TÍNH CHẤT ĐẶC THÙ CỦA TỪNG LOẠI NGÀNH NGHỀ

                                                                       TS. Hồ Bá Thâm
 
Để dánh giá và sử dụng tài năng cụ thể, chúng ta cần  hiểu cụ thể về các tiêu chí tàng năng trên từng lĩnh vực. Điều này hết sức quan trọng vì nó khắc phục tình trạng nhận thức về các tiêu chí tái năng chung chung. Bởi vì một người có năng khiếu, tài năng này mà ít có năng khiếu, tài năng khác. Những người đa tài/ toàn tài là rất hiếm.
Trên cơ sở các tiêu chí chung, cơ bản mà các nhân tài năng có thể đáp ứng, thì đối với từng loại hoạt động nghề nghiệp khác nhau, các loại tài năng cũng có những tiêu chuẩn để đánh giá riêng. Vì mỗi nghề đòi hỏi một loại năng khiếu khác nhau, cao thấp khác nhau. Và trong thực tế mỗi người cũng có năng khiếu với khả năng khác nhau và nhân tài theo nhiều loại khác nhau.
 
 
1-Một số lọai nhân tài và tiêu chí tài năng từng lọai được bộc lộ cụ thể như sau:
Nhìn chung có 8 lọai nhân tài như:
- Nhân tài kiểu tinh anh (có mục tiêu, có nghị lực, trọng lễ nghĩa, ham tốn bộ, sáng tạo cái mới không sợ thất bại, biết rút kinh nghiệm nhanh, không nóng vội..)
- Nhân tài kiểu đại tướng (Không sợ chế, công - minh - cần, xem thường danh lợi, thể xác, tinh thần vững vàng, gan dạ, trung thành)
- Người tài kiểu khai mỏ (dám sáng tạo, dám cải cách; phù hợp xu thế, quy luật, pháp luật, xuất phát từ thực tế)
- Người tài kiểu minh tinh (có lý tưởng, hòai bão lớn, có khả năng lôi kéo ngừời khác,có nhiều người cần giúp đỡ, nhanh chónh đaư ra quyết định, độc lập giải quyết vấn đề, tiến bộ nhanh hơn người khác, dũng cảm gánh vác trách nhiệm)
-Nhân tài kiểu kiên cường(không dễ dàng chấp nhận thất bãi, tác phong mạnh mẽ, nhanh nhẹn,  có chủ kiến, thật thà, đôi lúc chanh chua, hà khắc...)
-Nhân tài kiểu chuyên gia (thông thông nghề nghiệp, có hiểu biết rộng, sâu, kỷ năng cao...)
-Nhần tài kiểu tri thức(tính tự chủ cao, lao động có asáng tạo, quá trình lao động không dễ giám sát- khống chế, hiệu quả lao động khó mà đo được, động cơ thành tích mạnh)
- Nhân tài kiểu tiềm ẩn(như ngọc trong đá, như hòang kim trong đất, chưa được ai biết đến và chưa được công nhận).[29]
Hoặc có một cách phân loại khác là có hai loại nhân tài: anh tài và hùng tài. Mỗi loại có ba cấp độ, ba tầng cấp.
Ba từng lớp của anh tài:
- Mới bắt đầu có thể căn cứ vào trí thông minh mà lập kế họach nhưng không thể dự báo kiểm tra được rủi ro, chỉ ngồi một chỗ bàn luận, không có cách xử lý công việc.
- Không chỉ lập được kế họach mà còn thông hiểu trưiớc phúc họa, nhưng lại thiếu dũng khí để tiến hành, có thể xử lý được công việc thông thưiờng, nhưng lại không thể dựa vào tình hình lấy biến chế ngự biến.
- Không những biết lập đượckế họach àm còn biết  được xu hướng tương lai, lấy lợi tránh hại, dùng lòng dũng cảm, lấy lòng quả quyết để quyết đoán công việc. Đây là anh tài thật sự.
Ba tầng lớp của hùng tài là:
- Dù dũng cảm hơn người nhưng lại thiếu dũng khí tiến hành, nên là đại lực sĩ nhưng không thể tiên phong.
            - Dũng cảm, có dũng khi tiến hành nhưng mưu lược không đủ, không thể làm tướng soái, chỉ có thể làm tiên phong.
- Không những dũng cảm, dũng kgi hơn người mà còn có thể xử lý đại sự nhờ trí thông minh. Đây là hùng tài đích thực.[30]
Anh tài có trí tuệ, nổi danh nhờ tài văn; hùng tài có dũng cảm, nghị lực, nổi danh nhờ võ lược. Hai lọai người này kết hợp được với nhau hay một người có cả hai lọai tài này thì làm nên nghiệp lớn.
Đồng thời phải hiểu rỏ đặc điểm các loại nhân tài nói trên mà sử dụng cho thích hợp.
 Còn theo nghiên cứu của Tiến sĩ Dalip Singh (thực hiện vào năm 2002), ông đã phát hiện ra một điều là, những người thuộc những ngành, nghề khác nhau thì thể hiện hệ số EI không giống nhau.
Ông phân loại EI như sau:
Nhóm 1: EI rất cao: Người làm nghệ sĩ, bảo hiểm, quảng cáo, công tác xã hội
Nhóm 2: Cao: Người làm nghề dạy học, ngành luật, du lịch, chính trị, kinh doanh, cảnh sát
Nhóm 3: Trung bình: Người làm nghề  tòa án, quản trị, công nghệ thông tin, y tế, ngân hàng, kỹ sư, kế toán
             Theo lý thuyết RIASEC do John Hollan đề ra, thì có 6 kiểu người mà hầu như ai cũng có thể được xếp vào 1 trong 6 kiểu người. Sáu  kiểu người đó là:
             -Realistic (người thực tế, viết tắt là R),
-Investigate (ngườinghiên cứu - I),
-Artistic (người nghệ sĩ -A),
-Social (người có tính xã hội - S),
-Enterprising ( người lãnh đạo - E)
- và Conventional (người công chức - C).
Có sáu môi trường hoạt động ứng với 6 kiểu người trên.[31] 
Trong thực tế hiện nay, chúng tôi lưu ý thêm một cách tiếp cận nữa về các lọai nhân tài, tài năng như sau:
Nhà doanh nghiệp tài năng trẻ (họat động thực tế):
- Có tư duy nhạy bén, năng động và sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh
- Có năng lực quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh
- Có óc phán đoán cao và làm chủ các tình huống; biết nắm bắt cơ hội và tình thế và có cái nhìn sắc xảo, khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh nhiều biến động, nhiều thay đổi
- Dám nghĩ, dám làm, dám phiêu lưu mạo hiểm nhưng chủ động và kiên trì trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động nghề nghiệp; dám dấn thân và dám chịu trách nhiệm
- Có sự hiểu biết các lĩnh vực kinh tế-chính trị-xã hội
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng sản phẩm tốt, hiệu quả hoạt động cao
- Những hiệu quả kinh tế không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn hướng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.[32]
Nhà khoa học tài năng trẻ:
Ngày nay, việc đánh giá tài năng trẻ nói chung là một việc làm rất phức tạp, đòi hỏi phải đạt được nhiều yếu tố, nhiều điều kiện cần thiết thì mới có thể đánh giá một cách đúng đắn. Cách tiếp cận tiêu chí tài năng khá đa dạng.
 Tuy nhiên, đối với ngành nghiên cứu khoa học việc đánh giá tài năng trẻ (chủ yếu về mặt tinh thần) [33] , có người nêu lên những tiêu chí như sau:
-Trình độ học vấn, sự thông minh.
-Đạo đức cao.
- Tác phong, thái độ làm việc khoa học, nhanh nhẹn, linh họat.
- Sự nhạy bén về việc tiếp cận khoa học và kỹ thuật. Khả năng đánh giá công việc và khả năng xử lý công việc tốt.
- Sự hiểu biết về người khác, hiểu biết về nhiệm vụ, chủ động kiên trì trong giải quyết công việc.
- Sự tự tin, quyết đoán, thích ứng với môi trường, tham vọng, có sáng tạo, sáng kiến trong công việc.
- Sự hiểu biết xã hội.
- Có tinh thần hợp tác đáng tin cậy, chịu được sự căng thẳng và chịu trách nhiệm trước công việc mình làm.
- Ngoại giao lịch thiệp, diễn đạt thông minh, có kỹ năng tổ chức và kỹ năng thuyết phục.
Chúng tôi cho rằng, nhà khoa học tài năng là phải:
- Có hoài bão cống hiến trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học gắn liền với sự phát triển phồn vinh của xã hội
- Có một số phẩm chất tâm lý đặc thù của một nhà khoa học: say mê làm khoa học, có óc quan sát thực tế, có tư duy phân tích, tổng hợp và khái quát hoá vấn đề, tính tập trung cao, tư duy nhạy bén và tinh tế, có óc tìm tòi, linh hoạt, hay đặt lại vấn đề, có sáng kiến, sáng tạo, khác thường;
- Có tính kiên trì vượt khó; biết chịu đựng những khó khăn và thử thách trong hoạt động khoa học
- Có tư cách đạo đức tốt; biết lượng định khả năng và tài năng của mình; biết dấn thân nhưng tự chủ, không tham vọng để bị lôi cuốn theo hội chứng bằng cấp, địa vị
- Có công trình khoa học mang tính đột phá và ứng dụng hiệu quả đối với khoa học và đối với đời sống thực tiễn
- Tốc độ làm việc cao, đạt mục tiêu phải nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn bình thường...
Vấn đề không phải là danh hiệu, tước vị này hay danh hiệu, tước vị khác mà là sản phẩm tài năng làm ra và tác dụng thực của nó đối với xã hội và đất nước.  Đối với một nhà khoa học, trẻ hay già cũng vậy, tài năng ít hay nhiều là làm ra những công trình khoa học và các công trình đó có ích nhiếu hay ít đối với việc thúc đẩy khoa học và đời sống tiến lên phía trước như thế nào.
Nhà chính trị, nhà lãnh đạo,  quản lý trẻ tài năng:
Với lao động quản lý thì năng lực, tài năng tổ chức là yếu tố trội. Năng lực này được biểu hiện trong 18 yếu tố cụ thể như sau :
      1. Năng lực thu nạp được những năng lực cá nhân khác nhau.
      2. Phẩm chất trí tuệ trong tổ chức thực hiện.
      3. Năng lực hiểu và thu phục tâm lý con ng­ửụời.
      4. Năng lực thấy được những kết quả tổng hợp.
      5. Tâm lý sư phạm.
      6. Trình độ chung về năng lực trí tuệ.
       7. Năng lực sáng tạo.
      8. Năng lực yêu cầu cao đối với con ng­ời.
      9. Năng lực hoạt động tổ chức.
           10. Tính thực tiễn của trí tuệ.
     11. Tính tự chủ.
     12. Óc quan sát.
13. Khả năng làm chủ, tự biểu hiện.
           14. Tính chan hoà, cởi mở.
15. Tính kiên định.
16. Tính tích cực.
17. Năng lực làm việc.
18. Tự tổ chức công việc của mình.1:
Nhìn một cách khái quát ta nhận thấy nhà lãnh đạo, quản lý phải:
- Có lập trường chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng Xã hội chủ nghĩa, với đường lối, quan điểm của Đảng nhưng đồng thời biết phát huy thế mạnh của bản thân, có lối tư duy mới, tư tưởng đổi mới phù hợp với xu thế của thời đại.
- Có nhiều quyết định đúng đắn và kịp thời, hiệu quả cao trong quản lý các quá trình kinh tế-xã hội
- Năng lực trí tuệ cao, khả năng giải quyết vấn đề nhanh, nhạy và hiệu quả
- Có khả năng tổ chức lãnh đạo; biết biến quyết tâm, ý chí của cá nhân mình thành quyết tâm, hành động tích cực của tổ chức, của tập thể.
- Có uy tín lãnh đạo cao, biết phát huy các nhân tố tích cực của cá nhân và của tập thể.
- Luôn luôn chú trọng bồi dưỡng và sử dụng tài năng, và biết chủ động chuẩn bị người kế cận.
- Có bản lĩnh trong việc thiết lập và xử lý các mối quan hệ, trong tổ chức liên kết nội bộ để cùng thực hiện các nhiệm vụ xã hội vì mục tiêu tiến bộ, dân chủ và công bằng xã hội.
Còn theo TS. Mai Văn Bảy:
Vấn đề nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý địa phương xã phường lên đến toàn quốc .
Nhân tài trong lĩnh vực chính trị có tác dụng chi phối sự phát triển của nhân tài các lĩnh vực khác. Nhưng nhân tài trong lĩnh vực chính trị khó phát hiện hơn nhân tài ở lĩnh vực khác.
Vì sao? Vì sản phẩm của nó trừu tượng, lại rộng lớn, khó đo lường như các lĩnh vực cụ thể khác; đồng thời lĩnh vực lãnh đạo quản lý, lĩnh vực chính trị không ít hiện tượng “thành tài” nhờ cơ hội, thủ đoạn là chính.
Dựa vào đâu để phát triển nhân tài chính trị?
Trước hết xem chuyển biến trong thực tế đơn vị qua một số chỉ tiêu sau:
- Thu nhập bình quân theo đầu người tăng lên bao nhiêu? Theo từng thời gian nhất định.
- Giải quyết việc làm cho bao nhiêu lao động?
- Giảm tỷ lệ đói nghèo xuống đến mức nào? Hoặc xóa hết đói giảm hết nghèo .
- Giảm tệ nạn xã hội xuống đến mức nào?
- Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đến mức nào?
- Đến thời gian nào giải quyết lọai trừ xong (cơ bản) nạn tham nhũng?...
Dựa vào đâu để phát hiện nhân tài chính trị?
- Dựa vào hiệu quả của họat động chính trị
- Dựa vào tín nhiệm của quần chúng
- Dựa vào lời hứa và thực hiện lời hứa
- Dựa vào kết quả phỏng vấn các vấn đề nóng bỏng có liên quan để đánh giá[34]
Các tài năng trẻ là cán bộ phong trào của các hoạt động đoàn thể:
- Trưởng thành từ các phong trào, hoạt động đoàn thể; có tinh thần tự giác, tự nguyện và có lý tưởng sống phục vụ lợi ích xã hội
- Lập trường sống tích cực, có những đóng góp hiệu quả cho sự phát triển xã hội
- Có những sáng kiến, cải tiến đóng góp và nâng cao hiệu quả các hoạt động phong trào xã hội
- Tài năng văn hóa, văn nghệ
- Có óc tưởng tượng cao
- Có tư duy hình tượng nổi bật
- Thích sống nội tâm
- Giàu cảm xúc,
- Tinh tế trong cảm nhận
- Thích quan sát
- Có lòng trắc ẩn, thương người, dễ đồng cảm hóa thân vào người khác
- Có chính kiến, ý tưởng độc đáo, sức sáng tạo cao…
- Tài năng thể thao
- Có sức bền cơ thể, thích họat động thể chất
- Có tố chất  và sức khỏe
- Có lòng kiên trì cao, ý chí cao
- Có những ưu thế nổi trội một mặt nào đó trong chức năng cơ thể …
Như thế, khi nói đến tài năng phải được xem xét và căn cứ nhiều tiêu chí trên cả loại hai tiêu chí cá nhân vốn có và tiêu chí đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội/ nghề nghiệp cụ thể trong cả một quá trình thử thách và thành đạt của họ.
Cũng cần chú y, không phải các cá nhân có trình độ tri thức cao hay đát thành tích cao nào đó trong thi cử là những người tài năng thực thụ (chính vì vậy không phải mỗi một khóa đào tạo cử nhân tài năng thì sẽ cho “ra lò” ngay là những cá nhân tài năng thực thụ). Tài năng thực thụ phải được thử thách trong thực tiễn.
Nó về tài năng, chúng ta cần chú ý tài năng trẻ, tài năng ở tuổi thanh niên.
Thanh niên là một giai đoạn của tuổi trẻ, là thời kỳ thuận lợi cho sự phát triển và định hình các phẩm chất, năng lực của cá nhân mà thường đó là đỉnh cao của sự trưởng thành về tài năng. Nhưng tài năng lại được ổn định, hoàn thiện, có đáng góp hiệu quả cao nhất, nói chung  là ở tuổi trung niên.   
           
            Điều quan trọng là căn cứ và cụ thể hóa từ những tiêu chí tài năng cụ thể nói trên trong việc phát  hiện đắnh giá, bồi dưỡng,  và sử dụng tài năng.
           


[1]   Xem, PGS.TS.Lê Đức Phúc, xem trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế: Nghiên cứu văn hóa, con người, nguồn nhân lực đầu thế kỷ XXI, ngày 26-29/11/2003, tr. 844
[2]   Xem Kỷ yếu Đại hội của Hội khoa học nghiên cứu nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam,   tr.39
[3] Xem Kỷ yếu Đại hội,  sđd,
[4]    Trí tuệ ý chí Adverse Intelligence =AI
[5]   Trí tuệ xã hội SQ= trí tuệ ý chí và trí tuệ cảm xúc  = AL+EQ ?.
[6] Năm  1985, cuốn “Tình thương trí lực” của nhà văn Mỹ Daniel Corman ra đời, từ đó đến nay, khái niệm “Tình thương EQ” đã thực sự ăn sâu vào lòng người, những người có hiểu biết một chút về giáo dục biết rằng”Tình thương EQ” mới là mấu chốt để quyết định sự thành công trong cuộc đời của mỗi con người.
Điều thú vị nữa là, khái niệm “Tình thương EQ” mãi đến năm 1990 mới được hai nhà tâm lý học của trường Đại học Harvard và một trường Đại học khác của Mỹ lần đầu tiên nêu ra. (xem cuốn Em phải đến Harvard học kinh tế)
Cuốn kỷ yếu hội thảo quốc tế về văn hóa, con người nguồn nhân lực đầu thế kỷ XXI, tháng 12/  2003, tr.- 570- 587 đã bàn rất kỷ về tố chất trí tuệ cảm xúc (EI) này.  Tuy nhiên có nhiều cách tiếp cận khác nhau về EQ, hoặc EI
[7] EI: Emotional Intelligencelà“Khả năng nhận thức cảm xúc riêng, thúc đẩy cảm xúc, và kiểm soát cảm xúc của riêng mình cũng như đối với người khác. Trí tuệ xúc cảm đo lường khả năng có tính riêng đồng thời mang tính bổ sung, đó là một loại trí tuệ trừu tượng” (Daniel Goleman, 1998).
[8]   Theo một ý nghĩa nhất định thì trí tuệ xã hội  này (tổng hợp) bao gồm trí tuệ cảm xúc, tức năng lực  giao tiếp, đoàn kết, ngọai giao… (xem thêm TS.Hồ Bá Thâm chủ biên, Tâm lý học hình thành nhân cách giới trẻ từ thực tế TPHCM, Nxb.Trẻ, 2005, tr.22), theo nghĩa rộng, có trường hợp bao gồm cả trí tuệ ý chí và các phẩm chất khác.
[9] Xem cuốn Em phải đến Harvard học kinh tế, sđd
[10] của TS.Nguyễn Văn Thanh, NXB.Thanh Niên, (197 trang),  tr. 69 )
[11] PGS.TS. Nguyễn Huy Tú: Về hiện trạng việc tuyển chọn và đào tạo tài năng trí tuệ ở các nhà trường nước ta (Trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Nghiên cứu văn hóa, con người và nguồn nhân lực đầu thế kỷ XX, tháng 11-2003, tr.1101)
[12] Tên  của một tác phẩm của Phạm Văn Đồng, Nhà xuất bản Giáo dục, 1969 (người trích nhấn mạnh)
[13] Những phân tích cụ thể, có thể xem thêm Hồ Bá Thâm (chủ biên), Tài năng trẻ, phát triển và sử dụng, Nxb. Thanh Niên, 2006.
[14] Tài liệu đã dẫn, CD trắc nghiệm và rèn luyện trí thông minh – nhóm phát triẻn phần mềm sinh viên, học sinh.
[15] Tài liệu đã dẫn, CD trắc nghiệm và rèn luyện trí thông minh – nhóm phát triẻn phần mềm sinh viên, học sinh
[16] Ai đã dọn mình cho cuộc gặp gỡ này? Báo Tuổi trẻ Chủ nhật, ngày 8-5.-2005,  tr. 27
[17] Tài liệu đã dẫn, Trắc nghiệm và rèn luyện trí thông minh – nhóm phát triẻn phần mềm sinh viên học sinh.
[18] Tài liệu đã dẫn, Trắc nghiệm và rèn luyện trí thông minh – nhóm phát triẻn phần mềm sinh viên học sinh.
[19] Tâm lý học trí tuệ, Phan Trọng Ngọ, chủ biên, NXB ĐHQG Hà Nội-2001, tr41.
[20] Cơ cấu trí khôn hay lý thuyết về nhiều dạng trí khôn, Howard Gardner, Nxb. Giáo dục, 1998.
[21] (http://www.nld.com.vn/tintuc/suc-khoe/113532.asp)
[22]    EI AT WORK  (Trí tuệ xúc cảm trong cuộc sống) công trình  của Tiến sĩ Dalip Singh, NXB Sage, Tái bản lần 2 năm 2003). EI  là chỉ số tổng hợp cả trí tuệ cảm xúc và trí tuệ thông minh
[23]    Sapere audel = Hãy dám tư duy sáng suốt,  Xem thêm, TS.Lê Tuấn Huy, Triết học chính trị  Montesquieu với việc xây dựng nhà nước pháp quyển ở Việt Nam, Nxb Tổng hợp TPHCM ,2006, tr.84, tr.289.
[24] Lưu Tường Vũ-Trương Đồng Toàn-Lý Thắng Quân-Thạch Tân: Nghề Tổng giám đốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.1, tr. 285-286.
[25] Xem thêm Hồ Bá Thâm, Khoa học con người và phát triển nguồn nhân lực, Nxb.Tổng hợp TPHCM, 2003.
[26] .TS.Nguyễn Văn Thanh, Đòan thanh niên, sđd, tr.71-72
[27] Xem thêm  bài “Nữ doanh nhân 8X”, báo Thanh niên ngày 9-3-2006, tr.10
[28] PGS.TS. Nguyễn Huy Tú: Về hiện trạng việc tuyển chọn và đào tạo tài năng trí tuệ ở các nhà trường nước ta (Trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Nghiên cứu văn hóa, con người và nguồn nhân lực đầu thế kỷ XX, tháng 11-2003, tr.1099)
[29] Minh Giang-Nguyệt Anh (biên sọan), Nghệ thuật lãnh đạo kinh doanh (biết người, dùng người và biết thu phục người)”, Nxb.Thống kê, 2006, tr.50-62
[30] Minh Giang- Nguyệt Anh, sđd, tr.44-45
[31] Trích theo TS, Hồ Thiệu Hùng, Báo Thanh niên ngày 17-3-2006, tr. 7)
[32] Có thể xem tham khảo thêm cuốn Nghề tổng giám đốc, chuơng trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh trường đại học Harvard Mỹ, Nxb.Chính trị quốc gia, 2 tập, 2001
[33] Vì có một số năng khiếu về thân thể cũng tạo nên một số năng lực, tài năng thể thao, hay nghệ thuật thể hình khi được tập luyện, rèn luyện thêm (tài năng thể hình).
1, K.KPlat onp,Vấn  đề năng lực, Nxb.Khoa học, 1972, tiếng Nga, tr. 179.  Xem thêm trong cuốn Phát triển năng lực tư duy của người cán bộ lãnh đạo hiện nay của TS.Hồ Bá Thâm, do Nxb,Chính trị quốc gia ấn hành  1995, và tái bản  năm 2003, tr.57-60.
[34]   Xem Kỷ yếu Đại hội của Hội khoa học nhân lực nhân tài Việt Nam (2005), sđd…