Như đã biết, quan hệ
Hàn Quốc - Nhật Bản cũng là mối quan hệ truyền thống, gắn kết chặt chẽ song
cũng đã và đang trải qua không ít sóng gió.
Mặc dù
giới chính trị hai nước đã rất cố gắng để giải quyết những vấn đề khúc mắc song
đây là bài toán không dễ gì tìm lời giải đáp thỏa mãn được nhu cầu của cả hai
bên. Đặc biệt là những vấn đề ấy lại mang tính lịch sử và ăn sâu vào tiềm thức
của người dân Hàn Quốc hay những tranh cãi về biên giới trên trên biển (Đảo
Tokdo/Takeshima) giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng vượt lên trên những trở ngại
đó cả hai nước vẫn duy trì được mối quan hệ “đối tác tin cậy lẫn nhau”. Tại sao
lại như vậy? Có lẽ xuất phát từ nhu cầu của cả hai nước, cùng là đồng minh thân
cận của Mỹ ở Đông Bắc Á. Hàn Quốc muốn phát triển kinh tế, giữ vững an ninh
không cách nào khác phải hợp tác với các nước láng giềng xung quanh nhưng nước
này sẽ chọn ưu tiên vào quốc gia nào Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản? Trung
Quốc và Triêu Tiên thì ai cũng rõ sẽ không phải là lựa chọn của Hàn Quốc vậy
chỉ còn Nhật Bản. Và thực tế đã chứng minh như vậy trong suốt mấy thập kỷ qua.
Giữ vững và phát triển quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tạo được thế cân
bằng an ninh ở Đông Bắc Á, góp phần vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu
vực có nhiều lợi ích và không ít tranh cãi ở Châu Á này.
So với
quan hệ Hàn – Mỹ, quan hệ Hàn – Nhật gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại hơn và
mối quan hệ này có lúc tưởng chừng như ấm lên nhưng có lúc lại lạnh đi. Xuất
phát từ những vướng mắc trong lịch sử khi quân đội Nhật xâm chiếm Hàn Quốc gây
ra nhiều mất mát cho người dân nơi đây nhưng người Nhật sau đó lại có cách quan
niệm rất khác về cuộc chiến tranh kể trên. Những người đã từng tham gia chiến
tranh được thờ và chôn cất tại đền Yasukuni ở Nhật Bản. Vì vậy, việc các thủ
tướng Nhật viếng thăm ngôi đền này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới quan hệ Hàn –
Nhật. Thêm vào đó việc Nhật Bản quyết định điều chỉnh nội dung sách giáo khoa
lịch sử viết về cuộc chiến tranh và những tranh chấp chủ quyền đối với đảo
Dokdo/Takesima đã, đang, sẽ là những trở ngại lớn trên con đường xây dựng quan
hệ hợp tác chính trị song phương Hàn – Nhật.
Bằng chứng là việc ông Koizumi cựu thủ tướng
Nhật Bản liên tục viếng thăm đền Yasukuni mặc dù thủ tướng Hàn Quốc lúc đó là
ông Roh Moon Hyun đã cố gắng thuyết phục Nhật Bản không làm như vậy kết hợp với
việc Nhật Bản cho sử dụng sách giáo khoa
mang tính xuyên tạc lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ hai khiến chính sách làm
ấm lại quan hệ với Nhật Bản của người tiền nhiệm bị phá sản. Quan hệ Hàn Quốc -
Nhật Bản vì thế trở nên xấu đi.
Đến năm
2008, sau khi Nhật thông báo sẽ đưa nội dung miêu tả về quần đảo Dokdo vào sách
hướng dẫn cho giáo viên trung học làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình của người dân
Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã tỏ rõ quan điểm của mình ngay sau đó bằng việc
triệu hội Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản
về nước và tiến hành tăng cường tuần tra tại khu vực đảo có tranh chấp kể trên[i].
Phát biểu trước giới báo giới trước khi về nước Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản
Cuôn Chun Hi-un cho biết, ông đã chuyển tới Tô-ki-ô thông điệp phản đối của
Xơ-un, nhấn mạnh hành động của Nhật Bản sẽ gây ảnh hưởng tới quan hệ hai nước
và làm mất đi sự ủng hộ của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trên các diễn đàn quốc tế.
Ông này cảnh báo những căng thẳng mới có thể phá hỏng kế hoạch tổ chức cuộc gặp
thượng đỉnh song phương tại Xơ-un cũng như hội nghị ba bên cùng với Trung Quốc
tại Tô-ki-ô, dự kiến diễn ra vào thời gian tới[ii].
Tuy nhiên,
ý thức được tầm quan trọng của quan hệ Hàn – Nhật trong khu vực Hàn Quốc vẫn cố
gắng xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản – một đối tác hướng tới
tương lai. Làm được như vậy sẽ tạo ra một mối quan hệ ổn định, tích cực hợp tác
mà cơ sở của nó là sự “chia sẻ các giá trị chung của các nền dân chủ”. Thực tế
cho thấy, kể từ cuộc vận động tranh cử cho tới nay, Lee luôn chủ trương củng cố
quan hệ với Nhật Bản. Bằng chứng là Lee thực thi chính sách gác lại quá khứ và
hướng tới tương lai, ông tỏ ra khá trung thành với những cố gắng thúc đẩy quan
hệ với Nhật Bản của hai người tiền nhiệm mà chưa gặp một rắc rối nào.
Như đã
biết, sau khi trở thành Tổng thống, Lee đã có cuộc thăm chính thức Nhật Bản vào
tháng 4 năm 2008. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của vị tân tổng thống
Hàn Quốc và cũng là chuyến thăm nước láng giêng đầu tiên kể từ năm 2005. Tại
cuộc thăm này, tổng thống Lee đã đưa ra thông điệp tích cực nhằm khôi phục lại
quan hệ với Nhật Bản. Ông cho rằng đã đến lúc Hàn Quốc và Nhật Bản cần nhìn về
tương lai mà trước hết là hai bên sẽ trao đổi lại để ký một FTA. Đây là thời
gian tốt nhất cho cả Hàn Quốc và Nhật Bản thực thi công việc này. Hai bên quyết
định khởi động lại kế hoạch “Ngoại giao con thoi” bằng việc tổ chức hai hội
nghị thượng đỉnh hàng năm và tăng cường giao lưu giữa thanh niên hai nước[iii].
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao con thoi của Lee đã không thuận chèo mát mái
vì hai bên lại gặp phải những vướng mắc kể trên. Thực tế cho thấy Nhật Bản là
một đối tác kinh tế và chính trị quan trọng của Hàn Quốc những vướng mắc phần
nào cũng tác động tới quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Một con
đường vàng đã được mở ra. Tháng 10 năm 2008, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật
Bản và Mĩ đã gặp nhau thảo luận khả năng và các giải pháp thúc đẩy hợp tác đa
phương nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu và vấn đề hạt nhân trên bán đảo
Triều Tiên. Đồng thời, hợp tác ba bên Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản cũng
được chú trọng trong các Diễn đàn đa phương khác. Chẳng hạn diễn đàn thượng
đỉnh Đông Á (EAC), diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), và đặc biệt hơn là cuộc gặp
3 bên Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức tại thành phố
Fukuoka Nhật Bản tháng 12 năm 2008. Tại đây, các nhà lãnh đạo thảo luận các vấn
đề hợp tác kinh tế, môi trường, chống khủng hoảng kinh tế thế giới. Cả ba nhà
lãnh đạo cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực tài chính và có
những nỗ lực chung với các đối tác Đông Á trong cuộc chiến chống khủng hoảng
kinh tế thế giới. Hội nghị Thượng đỉnh Nhật – Hàn – Trung lần thứ hai được tổ
chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc với mục đích tìm cách đưa Triều Tiên trở lại vòng
đàm phán 6 bên, tăng cường hợp tác và tin tưởng lẫn nhau trong khu vực nhằm xây
dựng khu vực Đông Á thêm vững mạnh. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ
tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh đây là cuộc họp quan trọng nhằm củng cố
sự tin tưởng chính trị chung trong khu vực, thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có
lợi đồng thời tăng cường sự ổn định và phát triển ở Châu Á. Năm 2009 là năm vô cùng
quan trọng để chúng ta giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, phục hồi
nền kinh tế đang suy thoái. Chúng ta cùng nhau cố gắng để đạt được kết quả tích
cực đồng thời đưa quan hệ hợp tác giữa 3 quốc gia lên một tầm cao mới".
Như vậy hội nghị lần thứ hai đã mở ra một giai đoạn lịch sử mới, chính phủ Nhật
Bản gần gũi hơn các nước Châu Á, Hàn Quốc đồng ý để Hoa Kỳ và Triều Tiên đàm
phán song phương, Trung Quốc cố gắng đưa Bình Nhưỡng trở lại vòng đàm phán sáu
bên. Trước khi đến tham dự cuộc họp này, Thủ tướng Nhật BảnYukio Hatoyama đã có
cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ở Hán Thành. Hai bên nhất
trí cần có "sự thay đổi căn bản" trong thái độ của Bình Nhưỡng mới có
thể giải quyết được cuộc tranh cãi xung quanh chương trình nguyên tử của nước
này và còn quá sớm để nới lỏng các áp lực đối với Bình Nhưỡng.
Gần đây,
ngày 29 tháng 5 năm 2010, Hội nghị Thượng đỉnh Nhật – Trung – Hàn lần thứ ba
được tổ chức tại đảo Jeju Hàn Quốc, ba nhà lãnh đạo đã thống nhất đưa ra cam
kết chung tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, bảo vệ môi
trường và giao lưu văn hóa. Bằng việc (1) cam kết sẽ hoàn thành nghiên cứu tính
khả thi của thỏa thuận thương mại tự do 3 bên vào năm 2012, vốn đã được tiến
hành từ tháng 5/2010, và mở rộng tỉ trọng thương mại trước năm 2020 vì lợi ích
tăng trưởng kinh tế khu vực và hội nhập (2) Cùng nhau phát huy kết quả tại hội
nghị biến đổi khí hậu được tổ chức tại Mexico trong năm nay, kể cả một khuôn
khổ hợp tác quốc tế hiệu quả trong lĩnh vực này sau năm 2012, theo các nguyên
tắc trong Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu, đặc biệt là
nguyên tắc chung nhưng có phân biệt rõ về trách nhiệm (3) Tuyên bố về việc phi
hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là rất có lợi cho sự trường tồn của nền hòa
bình, an ninh và thịnh vượng ở Đông Bắc Á nên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc
sẽ nỗ lực để đạt được các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung ngày 19/9/2005
thông qua trong cuộc đàm phán sáu bên. Rõ ràng việc Triều Tiên không xuất hiện
trong thỏa thuận này là một vấn đề rất nhạy cảm. Có thể Triều Tiên có quan điểm
khác đối lập với quyền lợi của các nước trong khu vực hoặc cũng có thể chỉ cần
có sự xuất hiện của người anh cả Trung Quốc tại đàm phán này là đủ hay cũng có
thể là một con bài có thể gây nên các áp lực khi cần.
Kế hoạch
hợp tác ba bên trong vòng 10 năm tới cũng được phác thảo với hy vọng củng cố
hơn nữa quan hệ đối tác, khai thác được thế mạnh của nhau trên cơ sở các bên
cùng có lợi, đồng thời tăng cường tình hữu nghị của nhân dân ba nước[1]. Để
làm được điều này các nhà lãnh đạo thống
nhất sẽ thành lập một ban ban thư ký chung để cùng nhau giải quyết thiên tai,
thảo luận cơ chế đối thoại quốc phòng ba bên nhằm tăng cường các cuộc tiếp xúc
an ninh, thắt chặt đối thoại chính trị và hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát, đồng
thời thúc đẩy trao đổi giữa chính phủ 3 nước ở cấp địa phương.
Có thể Hàn
Quốc luôn chủ động khai thông các quan hệ với Nhật Bản, đặc biệt là quan hệ
chính trị - ngoại giao. Với chính sách ngoại giao con thoi, Tổng thống Lee tìm
mọi cách vượt qua các trở ngại lịch sử với người Nhật Bản. Dường như đây là sự
lựa chọn thích hợp trong bối cảnh hai nước này có mối quan hệ vừa là đồng minh
vừa là kẻ thù cũ. Hy vọng sự gần gũi hơn nữa của Nhật Bản sẽ lẽ điểm tựa vững
chắc giúp Hàn Quốc vượt qua khó khăn trong việc giải quyết căng thẳng trên Bán
đảo Korea hiện nay.
Thực hiện: Ngọc Nguyễn
http://nchq.org.vn/?Content=CTBV&MBV=939