Cuộc tranh cãi đảo Reed Bank "China and the Philippines: Implications of the Reed Bank Incident"
đã đẩy Chính quyền Philíppin của Tổng thống Benigo Aquino theo đuổi
đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông, kể cả các biện
pháp tăng cường sự hiện diện của Lực lượng Vũ trang Philíppin ở quần đảo
Trường Sa. Bài phân tích của TS Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore.
Sau
những căng thẳng do bất đồng lãnh thổ trên biển Đông năm ngoái, các nhà
phân tích an ninh hy vọng các nước tuyên bố chủ quyền sẽ xem xét lại
chính sách, có quan điểm hòa giải, linh hoạt và ưu tiên tìm kiếm giải
pháp ngoại giao nhằm xử lý bất đồng tốt hơn. Nhưng quý 1/2011 cho thấy
bất đồng ở biển Đông vẫn tiếp tục phát triển theo hướng tiêu cực. Nổi
bật nhất là căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh sau sự kiện hai tàu tuần
tiễu Trung Quốc ngăn chặn một tàu thăm dò khảo sát của Philíppin đang
hoạt động tại các vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền của họ. Sự kiện
này cho thấy Trung Quốc vẫn sẵn sàng sử dụng biện pháp "cưỡng bức nhất
định" trong việc giải quyết bất đồng với các nước Đông Nam Á về các
nguồn tài nguyên trên biển như: năng lượng và đánh bắt cá. Cuộc tranh
cãi đảo Reed Bank (Bãi cỏ rong) đã đẩy Chính quyền Philíppin của Tổng
thống Benigo Aquino theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh về vấn
đề biển Đông, kể cả các biện pháp tăng cường sự hiện diện của Lực lượng
Vũ trang Philíppin (AFP) ở quần đảo Trường Sa, và chính thức gửi công
hàm bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, mặc dù
các nước thành viên thuộc Hiệp hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung
Quốc tuyên bố các bên tiếp tục cam kết thực hiện các biện pháp xây dựng
lòng tin (CBM) trong Tuyên bố năm 2002 về Cách ứng xử của các bên ở biển
Đông (DOC), nhưng tiến trình đàm phán tiếp tục khó khăn và không có dấu
hiệu nào cho thấy bế tắc sẽ được giải quyết một sớm một chiều.
Ngày
2/3, hai tàu tuần tiễu Trung Quốc áp sát tàu thăm dò MV Veritas Voyager
của Philíppin gần đảo Reed Bank và ép tàu này rút khỏi khu vực thăm dò.
Reed Bank nằm gần đảo Palawan và trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) như
đã tuyên bố chủ quyền của Philíppin. Công ty dầu lửa và khí đốt của Anh
có tên "Forum Energy" đã thuê chiếc tàu thăm dò khảo sát này sau khi
giành được hợp đồng năm 2005 với Chính phủ Philíppin để tiến hành thăm
dò khí đốt thuộc khu vực Sampaguita ở Reed Bank. Kết quả khảo sát phát
hiện 3,4 nghìn tỷ cubic feet (1 cubic feet= 0,3048m³) khí đốt, do đó đây
là một nguồn thu nhập tiềm tàng cho Chính phủ Philíppin. Tháng 2/2010,
Manila kéo dài hợp đồng và tháng 3/2011 tàu khảo sát Veritas Voyager bắt
đầu hoạt động để xác định vị trí của các mỏ khí cụ thể. Theo Thiếu
tướng Juancho Sabban, Tư lệnh Bộ Chỉ huy phía Tây bao gồm khu vực biển
mà Philíppin tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, các tàu tuần tiễu
Trung Quốc ra lệnh tàu khảo sát của Philíppin chấm dứt hoạt động vì cho
rằng khu vực này thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Ngay sau đó Bộ Chỉ huy
phía Tây của Philíppin triển khai 1 máy bay tấn công OV-10 và 1 máy bay
giám sát đảo đến khu vực Reed Bank (lúc đó các tàu tuần tiễu của Trung
Quốc đã rút khỏi khu vực); 2 tàu tuần tiễu ven bờ để hộ tống tàu khảo
sát Veritas Voyager cho đến khi các hoạt động thăm dò hoàn thành. Tướng
Sabban nói: "Rõ ràng đây là lãnh thổ của chúng tôi. Nếu họ ức hiếp chúng
tôi, thậm chí trẻ con cũng sẽ chống trả". Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng
Voltaire Gazmin và Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Philíppin, Trung tướng
Eduardo Oban, đến thăm sở chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Tây để thể hiện sự
ủng hộ. Trong chuyến thăm, ông Gazmin cho biết Chính phủ Philíppin đã
gửi công hàm phản đối cho Sứ quán Trung Quốc tại Manila nhưng chưa nhận
được trả lời. Ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên
bố: "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Trường
Sa và các vùng nước liền kề. Các hoạt động thăm dò khí đốt và dầu lửa
của bất cứ nước nào hoặc công ty nào trong vùng biển thuộc chủ quyền
Trung Quốc mà không được phép của Chính phủ Trung Quốc là vi phạm chủ
quyền, quyền và lợi ích của Trung Quốc, và vì vậy là trái phép và không
có giá trị".
Ngoài
việc đưa máy bay tuần tiễu và các tàu hộ tống tàu khảo sát Veritas
Voyager, Chính quyền Aquino còn áp dụng 2 hành động để phản ứng trước sự
kiện Reed Bank: Tuyên bố các biện pháp tăng cường sự hiện diện của AFP ở
quần đảo Trường Sa; phản đối các căn cứ tuyên bố chủ quyền của Trung
Quốc ở biển Đông. Đứng trước bất đồng lãnh thổ với Trung Quốc, Manila
luôn bất lợi vì thực lực của lực lượng vũ trang yếu kém. Mặc dù kế hoạch
hiện đại hóa quốc phòng đã được hình thành năm 1995 sau khi Trung Quốc
chiếm đảo Vành khăn, nhưng kế hoạch đó chưa bao giờ được thực hiện do
thiếu ngân sách và quyết tâm chính trị. Sau ngày 11/9/2001, Mỹ viện trợ
tài chính quan trọng để giúp Chính phủ Philíppin hiện đại hóa AFP, nhưng
chủ yếu giúp quân đội Philíppin đối phó với các tổ chức Hồi giáo cực
đoan ở phía Nam. Do đó lực lượng không quân và hải quân Philíppin không
thể tạo sự răn đe quan trọng ở khu vực quần đảo Trường Sa. Từ lâu các
nhà lãnh đạo AFP đã lên tiếng về thực trạng đó và đề nghị các Chính phủ
hậu Marcos giải quyết tình trạng thiếu hụt sức mạnh không quân và hải
quân. Họ không hề giấu giếm sự yếu kém của quân đội. Ví dụ, tháng
8/2010, phát biểu trước một cuộc họp báo chung nhân chuyến thăm
Philíppin của Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương
(PACOM) Mỹ, Tư lệnh AFP Ricardo David nói: "Khả năng của chúng tôi trên
biển Đông hầu như không đáng kể" và nếu xảy ra xung đột, AFP "không có
gì để đáp trả". Tháng 3/2011, Tư lệnh Hải quân Philíppin, Phó Đô đốc
Alexander Pama, thú nhận: "Trong số 53 tàu chiến của Bộ Tư lệnh, chỉ có
25 chiếc hoạt động và các tàu này đã hoạt động trong suốt 36 năm qua. Để
bảo vệ chủ quyền, chúng tôi không thể chỉ dựa vào các tuyên bố mà phải
có sức mạnh. Hơn nữa, trong khi Việt Nam, Trung Quốc và Malaixia đã nâng
cấp cơ sở hạ tầng quân sự trên các hòn đảo chiếm đóng, các cơ sở của
Philíppin không hề được sửa chữa và nâng cấp". Điều này được thể hiện
trong tháng 10/2010 khi một máy bay vận tải C-130 chở Bộ trưởng Quốc
phòng Gazmin và Tướng David buộc phải hạ cánh trên đảo Pag-asa của
Philíppin vì thực trạng đường băng quá lạc hậu.
Trước
hành động của Trung Quốc tại Reed Bank, Tổng thống Aquino cam kết chi
bổ sung 255 triệu USD cho AFP trong ngân sách quốc phòng năm 2011. Nguồn
ngân sách này được trích từ các khoản thu nhập khí đốt ở khu vực
Malampaya gần Sampaguita. AFP đề nghị Chính phủ sử dụng khoản ngân sách
bổ sung để mua rađa phòng không, phương tiện thông tin liên lạc, máy bay
tuần tiễu đường dài và tàu thuyền tuần tiễu tốc độ cao, đồng thời chi
700.000 USD để nâng cấp đường băng trên đảo Pag-asa. Tuy nhiên, cùng với
việc cam kết tăng chi phí quân sự, Tổng thống Aquino lưu ý AFP phải
chấm dứt tình trạng tham nhũng khi triển khai các dự án. Đáng chú ý, Mỹ
cũng cam kết tăng cường ủng hộ xây dựng khả năng trên biển cho AFP.
Chính sách này lần đầu tiên được Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Robert Scher đưa ra năm 2009 trước cuộc điều trần tại Quốc hội nhằm
"ngăn chặn căng thẳng trên biển Đông phát triển thành mối đe dọa các lợi
ích của Mỹ". Tháng 1/2011, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell cho
biết ông đang xem xét các biện pháp mà Mỹ có thể giúp "tăng khả năng
trên biển của Philíppin" và một tháng sau Đô đốc Willard cam kết PACOM
sẽ tiếp tục hợp tác với Manila trong việc bảo vệ an ninh và toàn vẹn
lãnh thổ. Như một phần của các nỗ lực đó, cuối năm nay Mỹ sẽ chuyển giao
một tàu 3.250 tấn đã được cải tiến và nâng cấp cho lực lượng Bảo vệ Bờ
biển Philíppin. Tàu này sẽ được triển khai ở khu vực Bộ Chỉ huy phía Tây
để tăng cường khả năng giám sát cũng như răn đe trên biển Đông. Hơn
nữa, sau khi xảy ra sự kiện Reed Bank, Ngoại trưởng Hillary Clinton gọi
điện cho Bộ trưởng Ngoại giao Philíppin Albert del Rosario để trao đổi
cách thức cải thiện an ninh trên biển ở châu Á. Ngay sau đó, tại buổi
họp báo, Đại sứ Trung Quốc tại Philíppin Lưu Kiến Siêu cho rằng sự can
thiệp của Mỹ chỉ làm phức tạp thêm các bất đồng ở biển Đông. Phản ứng
thứ hai trước sự kiện ngày 2/3 của Chính phủ Aquino là Philíppin chính thức phủ nhận bản đồ mà Trung Quốc
gửi Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc tháng 5/2009 để
phản đối bản đệ trình chung của Malaixia và Việt Nam. Bản đồ của Trung
Quốc cho thấy 9 đường đứt đoạn bao gồm hầu hết khu vực biển Đông là của
Trung Quốc và Bắc Kinh không giải thích bản đồ đó nghĩa là gì và làm sao
có thể phù hợp luật pháp quốc tế, từ đó tạo nên mối lo ngại khắp khu
vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong công hàm ngày 5/4, Philíppin khẳng
định Nhóm đảo Kalayaan là một phần lãnh thổ của Philíppin và nước này sẽ
sử dụng chủ quyền ở các vùng nước xung quanh nhóm đảo này, do đó bản đồ
9 đường đứt đoạn của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp quốc tế. Bắc
Kinh phản ứng bằng cách cho rằng các nội dung của công hàm là hoàn toàn
không thể chấp nhận đối với Chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết từ
những năm 1970 Manila từng bước "xâm lược và chiếm đóng" các hòn đảo
thuộc "chủ quyền không thể chối cãi" của Trung Quốc. Tổng thống Aquino
dự định đến thăm Bắc Kinh từ 23-25/5, nhưng do bất đồng, chuyến thăm đã
hoãn lại đến cuối năm nay.
Các
sự kiện bất đồng và nguy hiểm ngày càng tăng trên biển một lần nữa nhấn
mạnh các nước Đông Nam Á cần nhanh chóng tìm kiếm một cơ chế để tránh
xảy ra xung đột trên biển Đông. Về vấn đề này, DOC đã có một số CBM tích
cực. Nhưng các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về phương hướng
thực hiện vẫn bế tắc, chủ yếu do Bắc Kinh cho rằng các nước thành viên
ASEAN không nên thảo luận bất đồng trước khi hội đàm với các quan chức
Trung Quốc. Hội nghị của Nhóm Hoạt động Chung (JWG) về DoC tại Côn Minh
ngày 22-23/12/2010 không đạt kết quả, khiến Bộ trưởng Ngoại giao
Inđônêxia Marty Natalegawa - nước Chủ tịch hiện nay của ASEAN cam kết
biến bất đồng biển Đông thành một ưu tiên - nhận thấy cần thúc đẩy các
cuộc thảo luận, trong đó bao gồm tất cả các quan chức. Nhận thấy tầm
quan trọng của vấn đề đối với hòa bình và an ninh khu vực, ông
Natalegawa nhấn mạnh "cần đạt được một sự đột phá". Nhưng bất đồng chỉ
được đề cập ngắn gọn tại một hội nghị của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN
và Trung Quốc ngày 26/1. Ông Natalegawa cho biết mặc dù Hội nghị cấp
cao Đông Á tháng 11/2011 lần đầu tiên sẽ thảo luận các vấn đề an ninh,
nhưng bất đồng biển Đông sẽ không cần đưa vào chương trình do Trung Quốc
phản đối. Quan điểm và thái độ của các nước lớn về bất đồng biển Đông
vẫn không thay đổi trong quý 1/2011 và các nỗ lực xây dựng lòng tin và
hợp tác thông qua đối thoại đã và đang giảm dần. Biểu hiện của tình hình
thất vọng này là sự kiện Reed Bank, hiện đang thúc đẩy Philíppin chống
lại sự quả quyết của Trung Quốc bằng cách phản đối các tuyên bố chủ
quyền của Bắc Kinh đồng thời loan báo các kế hoạch tăng cường hiện diện
quân sự ở khu vực Trường Sa. Trung Quốc cũng có ý định tăng cường sự
hiện diện của họ ở biển Đông bằng cách đưa thêm 36 tàu tuần tiễu mới đến
khu vực trong vài năm tới. Vì vậy, căng thẳng trên biển Đông không thể
giảm trong tương lai.
Theo Jamestown Foundation
Đinh Anh (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/1479-bat-dong-trung-quoc-philipin-trong-van-de-bien-dong