Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

TÌM HIỂU SỰ KẾT HỢP CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN VỚI CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG TRONG TƯ DUY HỒ CHÍ MINH

ThS. Nguyễn Cẩm Ngọc *
Hồ Chí Minh sinh ra trong một giai đoạn lịch sử mà dân tộc chìm đắm trong cảnh nước mất nhà tan, khởi nghĩa này nối tiếp khởi nghĩa kia và văn chương yêu nước phong phú hơn bao giờ hết. Xuất thân từ một gia đình nhà nho, lớn lên trong hoàn cảnh vừa học Nho, vừa học quốc học cho nên Người sớm thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc.
Chủ nghĩa yêu nước là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của nhân dân ta, được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước, trở thành tình cảm thiêng liêng trong mỗi con người. Bài học lớn nhất mà lịch sử đưa lại cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành lúc đó chính là tình cảm và tư tưởng yêu nước truyền thống với đặc điểm là:
            - Ý thức bảo tồn và củng cố bản sắc dân tộc.
            - Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, chiến đấu kiên trì, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy nhân nghĩa thắng tham tàn.
            - Tư tưởng kiên quyết chống xâm lược, đồng hóa.          
            - Tư tưởng hiếu sinh, không hiếu sát, làm chiến tranh một cách cương quyết để hướng tới xây dựng một nền hoà bình lâu dài cho nhân dân.
            - Tư tưởng không tách rời nước với dân, lấy dân làm gốc.
Những đặc điểm trên cho thấy phần lớn các giá trị tư tưởng Việt Nam là gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Một người có lòng yêu nước không thể có thái độ làm ngơ, buông xuôi trước sự tồn vong của dân tộc mình. Thời thế đòi hỏi phải tìm ra con đường mới cho cuộc đấu tranh giải phóng, và một thanh nên sục sôi lòng yêu nước như Hồ Chí Minh không thể ngồi yên trên ghế nhà trường. Người quyết chí ra đi tìm đường cứu nước với hành trang là “truyền thống yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường của dân tộc, với một tinh thần yêu nước sâu sắc, một hoài bão cứu nước cứu dân và một lòng tin ở sức ta có thể giải phóng cho ta”1. 
Như vậy, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước do được thúc đẩy bởi chính chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc mình. Đó là món hành trang quan trọng nhất định hướng cho toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người ở giai đoạn sau này. Theo đó, cái gì phục vụ cho sự nghiệp cứu nước, cái gì tốt cho nhân dân thì cái đó là chân lý, còn trái lại thì không.
Kể từ năm 1911, trải qua một quá trình hoạt động lâu dài và gian khổ trên một địa bàn rộng lớn khoảng gần 30 quốc gia trên thế giới, năm 1920, Hồ Chí Minh đã đến với Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Ở đây, Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn và quyết tâm đứng về Quốc tế thứ III, trở thành người cộng sản. Luận cương của Lênin đã chỉ ra mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản. Lênin đề cập trước hết tới cách mạng vô sản rồi mới tới cách mạng giải phóng dân tộc. Còn Hồ Chí Minh thì ngược lại. Bản thân là một người dân thuộc địa, Người quan tâm đầu tiên đến cách mạng giải phóng dân tộc rồi mới tới cách mạng vô sản. Hơn nữa, Người còn khái quát lại thành một mệnh đề: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Khái quát đó có nghĩa là cách mạng giải phóng dân tộc phải gắn với cách mạng vô sản và trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản trên thế giới. Sau này, Người còn đề xuất một tư tưởng hết sức sáng tạo rằng: Cách mạng giải phóng dân tộc cần phải chủ động và có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là luận điểm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho cách mạng thuộc địa nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.
Trong quá trình tìm đường cứu nước và tiếp thu chủ nghĩa Lênin, ở Hồ Chí Minh thể hiện rõ tinh thần đoàn kết quốc tế. Trước hết, tinh thần đó bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc Việt Nam đã ngấm vào huyết quản của Người từ những năm tháng ở quê hương. Đó là cơ sở tự nhiên để Người tiếp thu sâu sắc khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại!” mà Lênin đã đề ra.
 Như vậy, từ hành trang tư tưởng vốn có, đến với chủ nghĩa Lênin là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh và của lịch sử dân tộc. Người từng khẳng định: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Từ đây, chủ nghĩa yêu nước truyền thống được soi sáng bằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã vươn lên ngang tầm thời đại. Và trên thực tế, nó đã đáp ứng được yêu cầu của cách mạng Việt Nam.
Trong thời gian sống ở Liên Xô, được đào tạo trong trường Đại học Phương Đông, được trực tiếp quan sát đời sống của nhân dân Liên Xô và hoạt động trong Quốc tế Cộng sản từ tháng 6-1923, về mặt tư tưởng, Hồ Chí Minh đã phát triển những tư tưởng cơ bản về kết hợp vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng và độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội nhằm thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Trong một loạt tác phẩm và bài viết của Người thời kỳ này như: “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” (1923), “Thư gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản” (1924), “Lênin và các dân tộc phương Đông” (1924), “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa”(1924), “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung kỳ và Nam Kỳ” (1924)..., đã thể hiện rõ những tư tưởng cơ bản trên.
Hồ Chí Minh đã có một quá trình tìm tòi, suy ngẫm lâu dài để “giải phẫu” các giai cấp trong xã hội Việt Nam, từ đó hiểu sâu sắc về sứ mệnh lịch sử và tiền đồ của giai cấp công nhân, về sự liên minh công-nông, về tình đoàn kết quốc tế vô sản. Người phát hiện ra rằng giai cấp công nhân Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng có sứ mệnh là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đang cần có một chính đảng chắc chắn để tổ chức và huấn luyện họ, và lực lượng nòng cốt của cách mạng là liên minh công-nông, dù rằng họ còn nhiều hạn chế, nhưng họ là những người cùng khổ nhất và rất giàu lòng yêu nước. Đảng đó cần và nhất thiết đại diện cho lợi ích của dân tộc và giai cấp, của Tổ quốc và nhân dân. Điều này chứng minh rằng ý thức yêu nước, tinh thần dân tộc ở Hồ Chí Minh dựa vững chắc trên lập trường giai cấp công nhân và thống nhất với chủ nghĩa quốc tế vô sản chứ hoàn toàn không phải là thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi vị kỷ.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là một khoa học cách mạng phát triển và sáng tạo chứ không phải là một giáo điều. Nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, trong khi xem xét động lực phát triển của xã hội, Hồ Chí Minh không dừng lại ở nguyên lý chung của chủ nghĩa duy vật lịch sử coi “đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp đối kháng” và “quan hệ giai cấp là quan hệ xã hội cơ bản chi phối toàn bộ các quan hệ khác trong xã hội có giai cấp”. Xuất phát từ thực tiễn lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc và tính chất thuộc địa nửa phong kiến của xã hội Việt Nam từ khi đế quốc Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh không những thấy rõ vai trò quan trọng của vấn đề giai cấp mà còn nhận ra vị trí quan trọng của vấn đề dân tộc. Chủ nghĩa Mác-Lênin đề cao vấn đề giai cấp, còn ở Hồ Chí Minh, vấn đề giai cấp gắn bó mật thiết với vấn đề dân tộc, hai cái đó liên hệ một cách biện chứng với nhau. Ngoài ra, Người còn cho rằng đấu tranh giai cấp ở các nước phương Đông không quyết liệt như ở các nước phương Tây; ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của lịch sử. Bởi vậy, theo Hồ Chí Minh, cần phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản, đó là một chính sách “mang tính hiện thực tuyệt vời”. Không ai có thể giúp chúng ta nếu chúng ta không dựa trên động lực vĩ đại và duy nhất là chủ nghĩa dân tộc.
Thực tế đã chứng minh rằng, suy cho cùng, sai lầm cơ bản của mọi phong trào yêu nước ở nước ta trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là do không nhận thức được vấn đề dân tộc và giai cấp. Những nhà yêu nước thời đó đã tách rời hoặc đối lập vấn đề này, nhận thức không đầy đủ các mâu thuẫn cơ bản của xã hội bấy giờ. Trong hoàn cảnh mất nước thì quyền lợi dân tộc phải được đặt lên trên quyền lợi giai cấp, vì có giải phóng được dân tộc mới giải phóng được giai cấp; giải phóng dân tộc đã bao hàm giải phóng giai cấp, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để giải phóng giai cấp. Đây là điểm xuất phát để Hồ Chí Minh xây dựng lý luận, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương cũng như phương pháp đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ 1930- 1945.
Hồ Chí Minh cũng xác định rằng, ở Việt Nam chỉ có kết hợp phong trào giải phóng dân tộc với phong trào cách mạng vô sản thành nguồn động lực chung thì cách mạng mới có sức mạnh và mới giải quyết được vấn đề hiện tại của thực tiễn đất nước. Phải trải qua nhiều năm tranh đấu trong nội bộ cũng như ở ngoài dân, tư tưởng của Hồ Chí Minh mới trở thành dòng chảy chính thống trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam và được bổ sung, hoàn thiện trong suốt giai đoạn từ 1941-1969.
Như vậy là trên cơ sở của nền Nho học và quốc học mà Hồ Chí Minh đã có được một sự hiểu biết phong phú, sâu sắc về lịch sử, đất nước, xã hội và con người Việt Nam, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước truyền thống. Người luôn lấy thực tế Việt Nam làm điểm xuất phát cho mọi suy nghĩ và hành động cách mạng của mình. Chính từ xuất phát đó mà cách tiếp nhận học thuyết Mác-Lênin của Hồ Chí Minh, khác với nhiều nhân vật lịch sử cùng thời, đã mang tính chất sáng tạo chiến lược. Đây là nhân tố chính quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
    Nói tóm lại, sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với chủ nghĩa yêu nước truyền thống trong tư duy Hồ Chí Minh biểu hiện rõ nét ở các khía cạnh sau đây:
  Thế giới quan Hồ Chí Minh là thế giới quan Mác-Lênin. Cơ sở của thế giới quan ấy là triết học duy vật biện chứng và triết học duy vật lịch sử. Có thể nhận định rằng triết học duy vật biện chứng và triết học duy vật lịch sử là nền tảng thế giới quan và phương pháp luận cho chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở đây cơ sở khoa học để lý giải về mặt lý luận con đường cứu nước cũng như con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã soi sáng cho ý chí và quyết tâm cứu nước, đánh đuổi thực dân, đế quốc, giải phóng đồng bào của Người. Từ đó, Người đã sáng tạo phương pháp cách mạng mới để giác ngộ, tập hợp, tổ chức và động viên sức mạnh toàn dân, tiến hành thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
  Với thế giới quan ấy, Hồ Chí Minh không những đã giải thích về trời, về mệnh trời... trên quan điểm duy vật mà còn luôn nhấn mạnh những quan điểm về yêu nước, cách mạng, về con người, nhân dân, dân tộc và sức mạnh của sự đoàn kết dân tộc, về sự cần thiết phải tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội...
  Trong thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã dựa vững chắc trên những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời khéo léo kết hợp với những tinh hoa của tư duy truyền thống để tìm ra những cách giải quyết tối ưu nhất các vấn đề có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam như mối quan hệ dân tộc và giai cấp, vấn đề tập hợp lực lượng cách mạng, mối quan hệ giữa phản đế và phản phong... Về điểm này, như một nhà nghiên cứu đánh giá, Hồ Chí Minh đã “thu nhận sách lược mới là chủ nghĩa cộng sản, về mặt lý thuyết còn xa lạ với nông dân Việt Nam, nhưng nhờ có sự hiểu biết sâu sắc đời sống và di sản của họ - điều mà những nhà cách mạng cùng thời với Cụ đã bỏ qua, Cụ Hồ đã kết hợp thành công tư tưởng mới với những sắc thái bản địa dân gian Việt Nam” 2. 
  Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã có bước nhảy vọt về chất, trở thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh (chủ nghĩa yêu nước Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh). Không được chủ nghĩa Mác-Lênin soi sáng thì chủ nghĩa yêu nước truyền thống không thể tránh khỏi tình trạng bất cập trước thời đại đế quốc chủ nghĩa. Ngược lại, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, dựa vững chắc trên lập trường của giai cấp vô sản, đã góp phần bổ sung thêm “cơ sở lịch sử” cho chủ nghĩa Mác-Lênin và “củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”. Nhờ tiếp nhận chủ nghĩa yêu nước truyền thống và vận dụng “linh hồn sống” của học thuyết Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam tới thắng lợi hoàn toàn, “ghi danh đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam một cách vững chãi trong cuốn biên niên của lịch sử thế giới hiện đại”3.   
--------
Chú thích:
* Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
1. Võ Nguyên Giáp: Một số vấn đề nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 35,36.
2,3. John Lê Văn Hoá: Nền tảng văn hoá dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Hà Nội, 2005, tr. 25, 30.
http://nhantainhanluc.com/vn/661/4066/contents.aspx