Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Thách thức và cơ hội của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2011

Theo đánh giá của Maria Monica Wihardja, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế 2011 East Asia Summit: New members, challenges and opportunities”, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2011 sẽ tiếp tục là một diễn đàn đối thoại các vấn đề kinh tế, chính trị và chiến lược rộng lớn nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và ổn định chung. Ngoài những thách thức, việc tiếp nhận các thành viên mới cũng tạo nên cơ hội để tổ chức các cuộc đối thoại chính sách về an ninh năng lượng.

Trung tuần tháng 11/2011, Inđônêxia sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 6 (EAS). Trên cơ sở Tuyên bố Cuala Lămpơ 2005, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2011 sẽ tiếp tục là một diễn đàn đối thoại các vấn đề kinh tế, chính trị và chiến lược rộng lớn nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và ổn định chung. Sự kiện này cũng sẽ đánh dấu việc hai thành viên mới là Mỹ và Nga tham gia EAS. 
Mặc dù không phải một nước Đông Á, nhưng Mỹ vẫn là một yếu tố quan trọng trong môi trường chính trị Đông Á, cần thiết cho tiến trình xây dựng cộng đồng Đông Á - mục tiêu cao nhất của Hội nghị Thượng đỉnh. Nga, hiện là nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới, có chung biên giới với Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc và có tầm quan trọng về địa chính trị đối với Đông Á, đặc biệt liên quan đến an ninh năng lượng.
Chương trình nghị sự của EAS năm nay trở nên phức tạp bởi xung đột lợi ích khắp khu vực. Ví dụ, trong khi Mỹ muốn đưa các vấn đề an ninh ra thảo luận tại hội nghị, bao gồm tự do hàng hải và tránh độc quyền ở Biển Đông, thì Trung Quốc lại muốn né tránh vấn đề này. Hội nghị cũng đối mặt với những thách thức khu vực cần được ngăn chặn như: bất đồng Thái Lan - Campuchia, tình hình bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh và thảm họa thiên tai.
Hai vấn đề mới có khả năng được đưa thêm vào chương trình nghị sự của EAS năm nay là: mối quan hệ giữa an ninh truyền thống và phi truyền thống do Mỹ đưa ra và vấn đề liên kết do Trung Quốc đề nghị, bao gồm kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Xinhgapo-Côn Minh và có thể được kéo dài đến thành phố Surabaya ở Đông Java, Inđônêxia. 
Là nước chủ nhà EAS 2011, Inđônêxia ủng hộ đưa vào chương trình nghị sự các vấn đề an ninh địa chính trị. Có khả năng nội dung thảo luận về an ninh của EAS có thể trùng với nội dung thảo luận về an ninh của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ (ADMM+). Nội dung này bao gồm giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh biển, quân y và chống khủng bố. Khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2011, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố Ứng xử 2002 và Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc như một phương tiện để giải quyết bất đồng ở Biển Đông một cách hòa bình.
Việc tiếp nhận các nước thành viên mới cũng tạo nên cơ hội vô giá để tổ chức các cuộc đối thoại chính sách về an ninh năng lượng. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của châu Á có thể tạo nên sự cạnh tranh các nguồn năng lượng thay vì hợp tác. Các nhà lãnh đạo EAS phải tìm ra cách thức hợp tác và tìm kiếm giải pháp cùng có lợi. Do Nga là nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất và Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lửa lớn nhất, nên EAS có thể tổ chức thảo luận về giá năng lượng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản nâng tầm quan trọng của việc tổ chức một cuộc đối thoại về an ninh hạt nhân. 

Theo Eastasiaforum
 Vũ Hiền (gt