1. Do chưa nghiên cứu thấu đáo tư tưởng
Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, có
người viết bài đăng báo, tạp chí, cho rằng, Hồ
Chí Minh là một người dân tộc chủ nghĩa, một người chạy theo chủ nghĩa
dân tộc, một người dân tộc thuần tuý, chứ không phải là người thiên về
đấu tranh giai cấp. Nhận thức này là không đúng với thực chất tư tưởng
của Người. Nhiều khi, ai đó, chỉ đọc qua loa các tác phẩm của Hồ Chí
Minh, rồi vội vã áp đặt ý nghĩ chủ quan của mình vào tư tưởng của Người
và bảo đấy là tư tưởng Hồ Chí Minh. Lối nghiên cứu tắc trách này, thực
chất đã xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải
nghiên cứu thật kỹ, thật sâu, đọc đi, đọc lại các tác phẩm của Người,
rất trung thực, khách quan trong khi nghiên cứu, chúng ta mới có thể
từng bước tìm ra đúng bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trước hết, cần làm rõ khái niệm vấn đề "dân tộc" và "dân tộc chủ nghĩa".
"Dân tộc" là một khối cộng đồng nhiều
người; được hình thành trong quá trinh lịch sử, sinh ra trên cơ sở một
ngôn ngữ chung, lãnh thổ chung, một đời sống kinh tế chung, một cấu tạo
tâm lý chung, biểu hiện trong một nền văn hoá chung cơ bản. Từ khi xuất
hiện vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, xã hội trong dân tộc tiến
theo xu hướng chính trị của dân tộc mình. Vì vậy, dân tộc là một phạm
trù lịch sử - xã hội. Cũng không nên lẫn lộn dân tộc với chủng tộc, dân
tộc với bộ lạc.
"Dân tộc chủ nghĩa" (chủ nghĩa dân
tộc) là tư tưởng và chính sách của các thế lực thống trị tư sản nhằm
kích thích những thù hằn dân tộc, củng cố quyền thống trị của dân tộc
này đối với dân tộc khác. Chủ nghĩa dân tộc do chế độ tư bản đẻ ra. Giai
cấp tư sản truyền bá chủ nghĩa dân tộc đã gieo rắc sự bất hoà, thù hằn,
chia rẽ giữa giữa dân tộc này với dân tộc khác. C.Mác, Ph.Ăngghen,
V.I.Lênin, Hồ Chí Minh lấy chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa (có lúc
các ông gọi là "chủ nghĩa quốc tế") để đối lập với chủ nghĩa dân tộc tư
sản, xác lập yêu sách và quyền tự quyết của các dân tộc, tạo sự bình
đẳng giữa các dân tộc.
Đấu tranh dân tộc là đấu tranh để giải
phóng dân tộc. Đấu tranh giai cấp là đấu tranh để giải phóng giai cấp.
Sự kết hợp giữa đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp là để giải phóng
dân tộc và giải phóng giai cấp cần lao.
Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước chân
chính, một nhà cách mạng sáng tạo, vị anh hùng giải phóng dân tộc, không
dính dáng gì đến chủ nghĩa dân tộc. C.Mác từ một nhà dân chủ trở thành
một nhà cách mạng. Hồ Chí Minh từ một nhà yêu nước trở thành nhà cách
mạng. Con đường đến với cách mạng của các ông có khác nhau, nhưng đều
gặp nhau ở sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng
con người.
"Giai cấp" là những tập đoàn người đông
đảo, khác nhau về địa vị của họ trong mối quan hệ sản xuất và quan hệ xã
hội. Giai cấp là một phạm trù lịch sử, chỉ tồn tại trong những giai
đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển của xã hội. Giai cấp sinh ra
khi sự phân công trong xã hội xuất hiện và phát triển, khi quyền tư hữu
tư liệu sản xuất xuất hiện. Từ đó hình thành giai cấp bóc lột và giai
cấp bị bóc lột: giai cấp tư sản (giai cấp tư bản), giai cấp công nhân,
giai cấp nông dân,... Đối với trí thức, không phải là giai cấp, mà là
"tầng lớp", vì theo cách giải thích của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã
hội khoa học, thì những người này thường phụ thuộc vào một giai cấp nhất
định, bản thân họ không có hệ tư tưởng riêng.
"Đấu tranh giai cấp", khái niệm xuất
hiện từ khi hình thành chủ nghĩa Mác. Đấu tranh giai cấp dưới chủ nghĩa
tư bản là cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động,
chống lại sự thống trị về kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản. Đấu
tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã
hội là cuộc đấu tranh giữa một bên là giai cấp công nhân, liên minh với
nhân dân lao động và một bên là các giai cấp bóc lột vừa bị lật đổ. Đấu
tranh giữa hai hệ thống xã hội là cuộc đấu tranh giai cấp giữa hai hệ
thống xã hội đối lập trên thế giới là hệ thống xã hội chủ nghĩa và hệ
thống tư bản chủ nghĩa.
Khi nghiên cứu các vấn đề trên, có
người đề nghị trong tình hình hiện nay, không nói đến vấn đề giai cấp và
đấu tranh giai cấp, cho rằng, nói như vậy là đã lỗi thời. Có điều là
lịch sử đã diễn ra như thế nào, thì nhà khoa học lịch sử phải nghiên cứu
như thế đó. Lịch sử và lôgích ( luận lý) là hai phạm trù triết học,
phản ánh mối quan hệ giữa một bên là quá trình của nhận thức lôgích và
một bên là sự phát triển lịch sử của xã hội nói chung, của lịch sử nhận
thức nói riêng. Lôgích chính là lịch sử nhận thức. Nhận thức khoa học
chân chính phản ánh lịch sử của tự nhiên và của xã hội. Vì vậy, xét về
nguyên tắc, lôgích phù hợp với lịch sử.
Hồ Chí Minh không phải là người không
tính đến đấu tranh giai cấp, trái lại, Người luôn luôn đặt vấn đề đấu
tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp. Ngay từ năm 1922, Người đã sử dụng
khái niệm "đấu tranh giai cấp"1 của C.Mác và Ph.Ăngghen đã
nêu trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản". Đến năm 1924, Người nói:
Trường Đại học Phương Đông "đã dạy chúng tôi nguyên lý đấu tranh giai
cấp"2. Và cũng ngay từ năm 1924, Người còn nói: "Các dân tộc ở đó3 không bao giờ có thể ngẩng đầu lên được nếu không gắn bó với giai cấp vô sản thế giới"4.
2. Từ những vấn đề lý luận cơ bản trên đây, có thể nói rằng, tư
tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa vấn đề dân
tộc và vấn đề giai cấp, giữa vấn đề dân tộc và vấn đề dân chủ để giải
quyết vấn đề xã hội. Từ cơ sở tư tưởng này, Người đã tìm thấy vấn đề độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng về giải phóng xã hội, giải
phóng giai cấp, giải phóng con người cũng xuất phát từ tư tưởng của sự
kết hợp giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Mưu cầu cuộc sống ấm no,
tự do, hạnh phúc, dân chủ, bình đẳng, chống mọi áp bức, bất công xã hội
đã mang nặng trong trái tim và khối óc của Người ngay từ khi Người ra
đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Xét về mặt lý luận, để giải quyết vấn
đề mất dân tộc và mất dân chủ ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh
đặt vấn đề dân tộc lên trước hết, trên hết. Trong tác phẩm "Bản án chế
độ thực dân Pháp" (viết từ năm 1923, xuất bản năm 1925), Người đã đặt
vấn đề "đấu tranh giải phóng dân tộc"5 và kêu gọi các dân tộc bị áp bức hãy vùng lên!
3. Để giải quyết vấn đề dân tộc và giai
cấp, dân tộc và dân chủ, về lý luận, Hồ Chí Minh đi từ vấn đề giải
phóng dân tộc đến vấn đề giải phóng giai cấp, từ vấn đề dân tộc đến vấn
đề dân chủ, nhưng trong thực tế phương pháp của Người lại đi từ vấn đề
giai cấp đến vấn đề dân tộc, từ vấn đề dân chủ đến vấn đề dân tộc. Theo
Người, để giải quyết vấn đề dân tộc, thì phải giải quyết vấn đề giai cấp
và vấn đề dân chủ.
Những cuộc đấu tranh đầu tiên trên nghị
trường quốc tế, Hồ Chí Minh thẳng thắn nêu vấn đề đòi quyền dân chủ cho
nhân dân Việt Nam. Sức hấp dẫn trong lúc ban đầu đi tìm đường cứu nước
của Nguyễn Tất Thành chính là lá cờ cách mạng dân chủ tư sản ở phương
Tây. Ngay từ năm 1923, Người trả lời phỏng vấn của một nhà báo Liên Xô
Ôxíp Manđenxtam, rằng: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên, tôi được
nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da
trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi
rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đàng
sau những chữ ấy"6. Như vậy, ngày từ tuổi thiếu niên, Người
đã được nghe những từ mang sắc thái dân chủ phương Tây. Vấn đề đặt ra là
Người muốn tìm hiểu xem đàng sau những từ ngữ dân chủ ấy ẩn chứa những
gì? Có phải là dân chủ với nhân dân không, hay là dân chủ trong khuôn
khổ cách mạng dân chủ tư sản? Từ năm 1917 đến năm 1923, Người ở Pari,
thủ đô nước Pháp, đã nhìn thấy thực chất của "Tự do, Bình đẳng, Bác ái"
của một nền dân chủ tư sản phương Tây, một nền dân chủ do cách mạng tư
sản dân chủ mang lại. Nguyễn Ái Quốc nhìn rõ cách mạng tư sản dân chủ
thực chất là cuộc cách mạng tư sản, trong đó, nhân dân đưa ra những yêu
sách về kinh tế và chính trị của mình, và do đó, gây ảnh hưởng đến cách
mạng, làm cho cách mạng phát triển vượt ra khỏi giới hạn chính trị chật
hẹp mà giai cấp tư sản đã nêu ra trước khi nổ ra cách mạng. Đó là những
mặt tiến bộ, tích cực của cách mạng tư sản dân chủ. Nhưng bên cạnh đó,
cách mạng tư sản dân chủ cũng còn những hạn chế nhất định ở chỗ cách
mạng không nêu ra mục đích trực tiếp là tiêu diệt phương thức sản xuất
tư bản chủ nghĩa, mà chỉ nêu việc tiêu diệt một cách kiên quyết nhất mọi
tàn dư của chế độ phong kiến. Vì vậy, nếu cách mạng tư sản dân chủ có
giành được thắng lợi, thì chế độ của nó vẫn nằm trong khuôn khổ của chế
độ tư sản, trong khi đó, Nguyễn Ái Quốc lại chủ trương lật đổ chế độ tư
sản, thực dân ở Đông Dương. Người thấy sau vụ đàn áp dã man của chính
quyền Đông Pháp, nhiều người dân Việt Nam, phần lớn là nhà nho, đã bị bỏ
tù và sát hại. Người viết: "Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Chao ôi! Nực cười
thay"10. Vì vậy, Người kêu gọi các dân tộc thuộc địa và phụ
thuộc phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, thì mới có thể giải
phóng được nhân dân lao động.
Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước, gửi tới Hội nghị Vécxây (Hội nghị hoà bình Pari)7 bản "Yêu sách của nhân dân An Nam", đòi quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc viết bài "Phong trào cộng sản quốc tế"8. Trong bài viết này, Người đề cập một cách toàn diện vấn đề dân chủ ở châu Ấ và Đông Dương. Người viết:
"Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản, là những điều kiện cơ bản nhất để hành động:
Tự do báo chí
Tự do du lịch.
Tự do dạy và học
Tự do hội họp"9.
Trong cuộc hành trình cứu nước, Nguyễn
Ái Quốc nhận ra rằng, muốn đòi được quyền tự do, dân chủ, thì phải giải
quyết vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Đấu tranh đòi quyền dân chủ chỉ
là bước đệm để đi đến giải quyết vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp.
5. Phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về
vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, trong xây dựng hoà bình, nhất là
những năm đổi mới, vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp được biểu hiện
trước hết ở vấn đề nhà nước và vấn đề xã hội.
Về vấn đề nhà nước: Trong những năm đổi mới, Đảng
đã nghiên cứu và đưa vào nghị quyết của Đảng vấn đề xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân11. Nội dung của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam bước đầu được phác thảo ra là xác định đây là Nhà nước của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân, mọi quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân
dân; quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật; đưa đất nước phát
triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, lấy liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông
dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng lãnh đạo.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực hiện dân chủ xã
hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, xem đây là
nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cũng là bản chất ưu việt của Nhà nước
ta. Nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý
kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, chống
tham nhũng, lãng phí, đặc quyền đặc lợi. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa bảo vệ quyền con người, các quyền cơ bản của công dân đã ghi trong
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có quyền sở
hữu, quyền sử dụng tư liệu sản xuất, quyền tự do kinh doanh hợp pháp;
quyền được tự do thảo luận, tranh luận, phản biện, phát biểu, nghiên
cứu, quyền bày tỏ chính kiến của mình; quyền tự do tín ngưỡng và không
tín ngưỡng; quyền ứng cử và bầu cử, tuyển chọn dân chủ, đưa những người
thực sự có tài, có đức vào các cơ quan công quyền cũng như vào các cương
vị lãnh đạo, quản lý các cấp,... Nói tóm lại là các quyền cơ bản của
công dân.
Bộ máy của Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa phải hết sức lành mạnh, trong sạch, trung thực, vì nước vì
dân. Cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy phải là những người có
trái tim và khối óc trí tuệ. Kiên quyết loại trừ những phần tử kém tài,
kém đức, nhưng cơ hội ra khỏi bộ máy.
Bộ máy của Nhà nước xã hội chủ nghĩa
phải là bộ máy ưu tú của lập pháp, hành pháp, tư pháp. Những người điều
hành bộ máy phải là những người thật sự có tài lãnh đạo, chỉ đạo, quản
lý, điều hành công việc, biết bao quát công việc của toàn xã hội và quan
tâm đến mọi nhà, mọi người. Phải cải tiến mạnh phương thức lãnh đạo và
điều hành của lãnh đạo, quản lý bộ máy nhà nước hiện nay; từng bước lãnh
đạo, quản lý, điều hành bằng khoa học - đổi mới, thay cho điều hành
bằng ý chí chủ quan. Muốn vậy, phải học tập lại, phải biết tự xem lại
mình, tự điều chỉnh mình, tự soi gương để xem lại bộ mặt của mình. Ngày
24-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị cán bộ cao cấp của
Đảng và Nhà nước. Nói chuyện với Hội nghị, Người chỉ ra rằng, bên cạnh
những người lãnh đạo giỏi, có tâm, có tài, là những người lãnh đạo kém,
thậm chí rất kém. Họ rất quan liêu, hời hợt trong lãnh đạo, lại còn tham
ô, lãng phí, ăn hối lộ. Những người này đã gây ảnh hưởng rất xấu đến
đến công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội của nhân dân ta. "Vì vậy, chúng
ta phải kiên quyết chống lại những tệ hại ấy"12.
Văn kiện Đại hội XI (2011) nhận định
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu phát
triển kinh tế và quản lý đất nước. Điểm yếu kém hiện nay của bộ máy nhà
nước là năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực
hiện pháp luật; giữa các bộ máy của Nhà nước chưa có sự ăn nhập, gắn
kết. Chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, viên chức quá yếu. Nguyên
nhân dẫn đến tình trạng này là khâu đào tạo, tuyển dụng và bồi dưỡng
yếu. Để khắc phục nó, cần phải nghiêm ngặt trong việc tuyển dụng công
chức, viên chức vào làm việc trong bộ máy công quyền. Bộ hồ sơ của người
xin tuyển dụng phải bảo đảm đầy đủ các giấy tờ như bằng cấp, giấy chứng
nhận sức khoẻ, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, sự cam kết
không cơ hội, tiến thân bằng chính thực lực của mình, chứ không phải dựa
dẫm vào người khác; kiểm tra về trình độ và cách đối nhân xử thế trong
mối quan hệ giữa người và người.
Về vấn đề xã hội, phải tính đến phát huy sức mạnh
của nhân tố con người, tất cả vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của
nhân dân, vì lợi ích vật chất và tinh thần của công dân Việt Nam. Muốn
vậy, vấn đề đặt ra là phải bổ sung nhiều hơn nữa chính sách đối với con
người. "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội" (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã được Đại hội XI của Đảng thông
qua đã đặt vấn đề "xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực
hiện tiến bộ và công bằng xã hội"13. "Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển"14.
Đây là những vấn đề rất lớn, rất cơ bản, một vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí
Minh suốt đời mong muốn. Để triển khai vấn đề này vào trong đời sống xã
hội, đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng lực của nhân dân và phải có cả
một hệ thống chính sách cụ thể mới làm được.
Muốn giải quyết cơ bản trên phương diện
lý luận vấn đề con người, trước hết, phải tính đến mối quan hệ giữa con
người và con người, đến việc giải quyết có hiệu quả chính sách dân số
và việc làm, tạo sự hài hoà giữa phát triển dân số và phát triển việc
làm. Đặt vấn đề giảm tốc độ tăng dân số và đề cao chất lượng sinh đẻ một
cách có kế hoạch là chính sách phải được đặt lên hàng đầu.
Phương hướng quan trọng nhất để giải
quyết việc làm là thực hiện tốt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
giai đoạn 2011-2020, đặc biệt phải coi trọng sản xuất và dịch vụ. Nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực đang là vấn đề của cả ngày hôm nay và ngày
mai. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường đều
là những vấn đề lớn, gắn bó với con người, cần phải thực hiện bằng những
chính sách bổ sung.
Sự tạo dựng một cộng đồng xã hội gắn bó sẽ tạo thành sức mạnh cộng hưởng của toàn dân tộc.
Xét dưới góc độ công dân, thì cán bộ,
đảng viên, nhân dân, tất cả đều là những con người. Để cho những con
người ấy quy tụ được thành một khối thống nhất trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ đất nước, thì trước hết, Đảng và Nhà nước phải nâng mức sống
vật chất và tinh thần của những con người đó lên, có như vậy mới bảo đảm
cho thời chiến cũng như thời bình, bao giờ cũng có "99 con voi quay đầu
về với đất Tổ thiêng liêng, chỉ có 1 con là quay mặt đi".
-----------
Chú thích:
*
Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lục, nguyên Vụ
trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên
Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh.
Bài đăng trong "Thông tin Lý luận chính trị", Hội đồng Lý luận Trung ương, số 34, tháng 5-2011
1),2),4),9),10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 63, 483, 483, 36, 39.
3). Ý nói các dân tộc phương Đông.
5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 124.
6). Ôxíp Manđenxtam: Thăm một chiến sĩ cộng sản - Nguyễn Ái Quốc, báo "Oginiok", xuất bản tại Liên Xô, số 39, ngày 23-12-1923.
7) Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ
nhất kết thúc. Ngày 18-1-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến
tranh họp Hội nghị ở thành phố Vécxây, Pháp, nhằm chia lại thị trường
thế giới cho các nước thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp. Nhân dịp
này, Nguyễn Ái Quốc lúc ấy đang ở Pháp, gửi bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" đến Hội nghị Vécxây. Bản yêu sách này không được các nước đế quốc thắng trận chấp nhận.
8) Bài đăng trên tạp chí "La Revue Communiste" (Người Cộng sản) của Đảng Cộng sản Pháp, số 15-1921.
11). Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lần đầu xuất hiện trong "Văn kiện Hội
nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII", tháng 1-1994. Lúc đầu
gọi là "Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân", sau bổ sung thành "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân".
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 572.
13),14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 72,76.
http://nhantainhanluc.com/vn/661/4333/contents.aspx