Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi

TCCSĐT - Hiện nay, trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, EU, Nga... ráo tiết và không ngừng tranh giành lợi ích tại châu Phi, Ấn Độ đã hoạch định và thực thi chiến lược tiếp cận châu lục này để không bị lấn át từ phía các nước đã thâm nhập ảnh hưởng rất sâu tại khu vực này. Hội nghị cấp cao Ấn Độ-châu Phi lần thứ 2 vừa kết thúc thành công đã chứng tỏ rất rõ điều đó.

Kế thừa truyền thống hữu nghị và hợp tác tốt đẹp
Ấn Độ đã từng thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với nhiều nước châu Phi và luôn ủng hộ cuộc tranh đấu giành độc lập và tự do của các nước ở châu lục này chống lại chế độ thực dân tới đây để “khai hóa” thuộc địa. Từ những năm 1990, với chủ trương đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Ấn Độ đã hợp tác với tất cả các quốc gia và các khu vực trên thế giới, trong đó đặc biệt chú trọng quan hệ với các nước châu Phi.
Cùng chung khát vọng với Ấn Độ đưa hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, nhiều quốc gia ở châu Phi cũng như Ấn Độ trong những năm qua đã gặp phải những khó khăn giống nhau trong các lĩnh vực kinh tế, y tế và giáo dục, nên các nước châu Phi và Ấn Độ đều rất muốn hợp tác với nhau. Trong hơn một thập kỷ qua, sự hợp tác giữa Ấn Độ và các nước châu Phi đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng và ngày càng phát triển.
Về kinh tế: Các quốc gia châu Phi đang nổi lên với vai trò là một thị trường lớn cho hàng hóa Ấn Độ thâm nhập. Theo số liệu chính thức, kim ngạch thương mại  giữa Ấn Độ và châu Phi tăng từ 5,5 tỉ USD năm 2001 lên 45 tỉ USD năm 2010. Hai bên đề ra mục tiêu nâng giá trị buôn bán song phương lên 70 tỉ USD vào năm 2015. Đầu tư của Ấn Độ vào châu Phi tăng 83,7% năm 2009. Châu Phi chiếm 33% trong tổng mức đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai thác dầu khí, viễn thông, giao thông - vận tải và công nghệ thông tin. Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp của Ấn Độ đã thực hiện 85 hợp đồng mua bán, sáp nhập tại châu Phi, với tổng số vốn lên tới 16 tỉ USD, trong các lĩnh vực năng lượng, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp sản xuất xi măng và dệt may. Là nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Á, Ấn Độ đang thúc đẩy nhanh nỗ lực chinh phục thị trường châu Phi trong 5 năm qua và sẽ tiếp tục tăng mức đầu tư thông qua các dự án lớn.
Về năng lượng: Theo khung hợp tác Ấn Độ - châu Phi được đưa ra sau Hội nghị cấp cao Ấn - Phi lần thứ 1 diễn ra tại Niu Đê-li (Ấn Độ) hồi tháng 4-2008, năng lượng là 1 trong 7 lĩnh vực mà cả hai bên cam kết hợp tác. Ấn Độ với nền kinh tế “đói” năng lượng và dân số gia tăng, đang ngày càng hướng về châu Phi.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, đến năm 2050, do sự tăng trưởng nhanh chóng, Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu 90% nguồn cung cấp dầu mỏ. IEA cũng dự báo Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác với châu Phi để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Trong 3 năm qua, Ấn Độ đã ký các thỏa thuận khai thác dầu mỏ với Ni-giê-ri-a, Ăng-gô-la và nhiều nước châu Phi khác bao gồm Xu-đăng, Li-bi, Ai Cập và Ga-bông để đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khai thác khí tự nhiên và dầu mỏ. Các công ty dầu mỏ của Ấn Độ rất quan tâm các dự án năng lượng tại Cốt Đi-voa, Ga-na và Sát. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tìm kiếm các nguồn u-ra-ni tại châu Phi nhằm phát triển chương trình hạt nhân dân sự đầy tham vọng của mình. Ấn Độ còn cam kết giúp đỡ các công ty châu Phi cải thiện kỹ năng bằng việc chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm chế biến kim loại, vì thế các nước châu Phi không đơn thuần xuất khẩu quặng thô.
Về lĩnh vực công nghệ thông tin: Đây là thế mạnh của Ấn Độ. Trong bối cảnh chỉ có hơn một nửa dân số châu Phi được tiếp cận mạng Internet, các nước châu Phi muốn tận dụng thế mạnh của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Ê-ti-ô-pi-a hồi tháng 7-2007, Ngoại trưởng Ấn Độ đã đưa ra sáng kiến xây dựng trang thông tin điện tử để tạo điều kiện cho Ấn Độ tiếp cận dân chúng của 53 nước châu Phi. Trang thông tin điện tử xuyên châu lục này cho phép các trường học và bệnh viện ở khắp châu Phi kết nối với các cơ sở hàng đầu ở Ấn Độ. Sáng kiến này trước hết nhằm mục đích đưa các công nghệ của Ấn Độ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục đến với nhân dân châu Phi với giá thấp nhất thế giới.
Về phát triển xã hội: Ấn Độ đã tham gia các dự án liên quan tới điện khí hóa nông thôn ở Mô-dăm-bích và Ê-ti-ô-pi-a; xây dựng các tuyến đường xe lửa ở Xê-nê-gan và Ma-li; tham gia dự án xi-măng ở Công-gô. Các công ty Ấn Độ tham gia xây dựng tòa nhà Quốc hội Ga-na và nhiều doanh trại quân đội ở Xi-ê-ra Lê-ôn
Về y tế: Ấn Độ chủ trương cung cấp dược phẩm cho các nước châu Phi với giá thấp hơn so với các nước phương Tây để giúp các nước tại đây khắc phục các căn bệnh hiểm nghèo như sốt rét, lao và AIDS đang lan rộng.   
Về giáo dục: Chính phủ Ấn Độ chủ động và nhiệt tình ủng hộ các chương trình đào tạo và trao đổi kỹ thuật với phần lớn các nước châu Phi. Hơn bốn thập kỷ qua, mỗi năm Ấn Độ đã đào tạo kỹ thuật viên cho 1.000 công dân của các nước cận sa mạc Xa-ha-ra và có tới 15.000 sinh viên châu Phi đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở Ấn Độ. Nhiều người trong số này được Chính phủ Ấn Độ cấp học bổng.
Về hợp tác quốc phòng: Ấn Độ đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động gìn giữ hòa bình tại châu Phi. Hiện Ấn Độ có khoảng 3.500 quân tại Cộng hòa Công-gô, Ê-ti-ô-pi-a và Ê-ri-tơ-ri-a.
Tiếp tục gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi
Vừa qua, Hội nghị cấp cao Ấn Độ - châu Phi lần thứ 2 do Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh và Tổng thống Ghi-nê Xích Đạo Ô-bi-ang Ngu-ê-ma (Obiang Nguema) đồng Chủ tọa đã kết thúc thành công tại thủ đô A-đi A-bê-ba của Ê-ti-ô-pi-a, với sự tham dự của nguyên thủ 15 quốc gia và gần 700 đại biểu đến từ  Ấn Độ và các nước châu Phi.
Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác: chia sẻ tầm nhìn”, các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề bảo vệ môi trường, năng lượng, an ninh lương thực, đầu tư, thương mại và cải cách của Liên hợp quốc (LHQ) trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và châu Phi. Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo Ấn Độ và các nước châu Phi đã thông qua nhiều tuyên bố và hiệp định quan trọng. Đó là:
- Tuyên bố A-đi A-bê-ba kêu gọi cải cách toàn diện LHQ, trong đó có việc mở rộng danh sách thành viên Hội đồng Bảo an, mà Ấn Độ và các nước châu Phi cam kết ủng hộ lẫn nhau trong việc giành ghế thường trực tại cơ quan quyền lực này.
-  Hiệp định khung về tăng cường hợp tác Ấn Độ - châu Phi nhằm thúc đẩy quan hệ về kinh tế.
- Nhiều hiệp định hợp tác Ấn Độ - châu Phi trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại tới khoa học, theo đó Ấn Độ cam kết dành cho châu Phi khoản vay 5 tỉ USD trong vòng 3 năm để thúc đẩy kinh tế châu lục này tăng trưởng. Trước đó, tại Hội nghị cấp cao châu Phi - Ấn Độ lần thứ nhất (năm 2008), Ấn Độ cũng đã đề nghị dành cho châu Phi khoản vay ưu đãi 5,4 tỉ USD trong 5 năm. Ấn Độ tuyên bố hỗ trợ Liên minh châu Phi (AU) 700 triệu USD để thành lập các cơ quan mới, nhằm hỗ trợ và quản lý các nhóm ngành chế biến thực phẩm, dệt tổng hợp và xây dựng một trung tâm dự báo thời tiết để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, dự báo diễn diễn thiên tai và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, Hội nghị chuyên đề thông tin truyền thông Ấn Độ-châu Phi, Hội chợ thương mại, trao đổi văn hóa và liên hoan phim giữa hai bên cũng được tổ chức nhân dịp này.
Bên lề Hội nghị, Ấn Độ và AU ký biên bản ghi nhớ để Ấn Độ xây dựng 10 trung tâm đào tạo hướng nghiệp, 4 trung tâm giáo dục trong các lĩnh vực ngoại thương, công nghệ thông tin và nghiên cứu kim cương tại các nước châu Phi.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh tuyên bố, các nước châu Phi sở hữu tất cả những điều kiện cần thiết để trở thành một trong những trọng tâm phát triển kinh tế của thế giới trong thế kỷ XXI. Vì vậy, Ấn Độ sẽ hợp tác cùng “châu lục đen” để biến tiềm năng thành hiện thực. Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh khẳng định, Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của các nước  châu Phi trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, hội nhập khu vực và phát triển nhân lực.
Về phía châu Phi, Tổng thống Ghi-nê Xích đạo Ô-bi-ang Ngu-ê-ma hiện đang giữ chức Chủ tịch AU hoan nghênh sự hỗ trợ của Ấn Độ dành cho các nước  châu Phi trong cuộc chiến xóa đói nghèo và thực hiện Các mục tiêu thiên niên kỷ. Chủ tịch Ủy ban AU Giăng Pinh (Jean Ping) cũng khẳng định, Hội nghị cấp cao Ấn Độ-châu Phi là sự kiện trọng đại trong việc phát triển quan hệ đối tác hai bên, đồng thời đánh giá cao sự hỗ trợ của Ấn Độ dành cho châu Phi./.
Dạ Lan Hương
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2011/346/An-Do-gia-tang-anh-huong-o-chau-Phi.aspx