Vụ
việc tàu hải giám của Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp thăm dò của tàu
địa chấn Bình Minh 02 thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trong vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đang được dư
luận hết sức quan tâm. NCBĐ giới thiệu bài bình luận nóng của
tác giả Nguyễn Đăng Thắng, dựa trên Công ước luật biển 1982
và các tiền lệ án quốc tế, phân tích tính phi lý trong hành
động của phía Trung Quốc.
(Cáp thăm dò bị cắt của tàu Bình Minh 02, Nguồn TTXVN)
Vụ tàu Bình Minh 02
Ngày 27/5, một loạt các phương tiện thông tin đại chúng của cả Việt
Nam lẫn nước ngoài đã đưa tin về việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt
cáp thăm dò của tàu địa chấn Bình Minh 02 thuộc Tổng công ty Dầu khí
Việt Nam (PVN) sáng sớm ngày 26 tháng 5 năm 2011 (sau đây gọi là Vụ tàu
Bình Minh 02).[1] Những diễn biến chính của vụ việc này có thể tóm tắt như sau:
Tàu
địa chấn Bình Minh 02 của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí
thuộc PVN đang tiến hành thăm dò địa chấn trên thềm lục địa của Việt
Nam thì phát hiện có ba tàu hải giám của Trung Quốc di chuyển rất nhanh
về phía khu vực khảo sát mà không có cảnh báo. Khi tàu Bình Minh 02 tạm
dừng hoạt động thì tàu hải giám của Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu
vực thả dây cáp và cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02. Ba tàu
hải giám Trung Quốc sau đó tiếp tục cản trở, thậm chí còn uy hiếp
tàu Bình Minh 02 và cho rằng tàu Bình Minh đã vi phạm chủ quyền của
Trung Quốc. Dù tàu Bình Minh của PVN không chấp nhận luận điệu của tàu
hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng mình đang nằm trong vùng biển của
Việt Nam nhưng cũng không thể hoạt động được cho đến khi ba tàu hải
giám Trung Quốc rời khỏi khu vực khảo sát sau đó gần 4 tiếng.
Những
diễn biến của Vụ tàu Bình Minh 02 nói trên có thể làm người ta liên
tưởng đến Vụ CGX năm 2000 tại Đại Tây Dương ngoài khơi Guyana và
Suriname được đề cập dưới đây.
Guyana và Suriname là hai quốc gia nhỏ bé Nam Mỹ[3]
bên bờ Đại Tây Dương. Do là hai quốc gia liền kề nên vùng biển, kể cả
thềm lục địa, mà Guyana và Suriname được hưởng theo quy định của Công
ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển) chồng
lấn lên nhau và cần phải phân định. Trong khi giữa hai nước chưa có một
đường ranh giới trên biển rõ ràng, vào những thập niên cuối của thế kỷ
XX, cả Guyana và Suriname đều lần lượt cấp phép cho các công ty dầu khí
nước ngoài tiến hành các hoạt động thăm dò tại vùng biển chồng lấn.
Trong
số các nhà thầu của Guyana có Tập đoàn Tài nguyên CGX (CGX Resources
Inc. - gọi tắt là CGX) của Canada từ năm 1999 bắt đầu tiến hành thăm dò
địa chấn tại khu vực tranh chấp. Tháng 5 năm 2000, Suriname nhiều lần
yêu cầu Guyana chấm dứt việc thăm dò tại khu vực chồng lấn. Đặc biệt,
ngày 31/5/2000, Suriname yêu cầu riêng CGX chấm dứt toàn bộ hoạt động
thăm dò địa chấn vượt quá một đường được gọi là đường 10o được Suriname sử dụng làm ranh giới cấp phép dầu khí của mình dù Guyana không công nhận đường này.4]
Đỉnh
điểm của tranh cãi giữa hai bên là sự việc diễn ra ngày 03/6/2000 khi
hai tàu hải giám của lực lượng hải quân Suriname tiến đến gần tàu C.E.
Thornton của CGX (vụ việc này sau thường được biết đến là “Vụ CGX”), yêu
cầu tàu này không được thăm dò địa chấn và áp giải tàu này rời khỏi khu
vực mà CGX đã được Guyana cấp phép.
Năm
2004, Guyana đơn phương việc dẫn cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc
theo quy định của Công ước Luật Biển để phân định vùng biển chồng lấn
với Suriname. Một Tòa trọng tài gồm năm luật gia quốc tế nổi tiếng được
thành lập để giải quyết tranh chấp phân định biển theo đề nghị của
Guyana do cả Guyana và Suriname đều đã là thành viên của Công ước Luật
biển và không quốc gia nào có bảo lưu việc sử dụng cơ chế giải quyết
tranh chấp bắt buộc này. Tòa trọng tài đã ra phán quyết của mình tại La
Hay ngày 17/9/2007 (án lệ Guyana - Suriname).
Điểm
đáng chú ý trong án lệ Guyana - Suriname là ngoài việc yêu cầu Tòa
trọng tài tiến hành phân định biển, Guyana cũng cáo buộc Suriname trong
Vụ CGX đã vi phạm một số nghĩa vụ quốc tế. Cụ thể đó là Suriname đã sử
dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Guyana và chống lại công
dân cùng các pháp nhân đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền và
quyền tài phán của Guyana. Theo Guyana, sự vi phạm này cũng dẫn đến việc
Suriname vi phạm thêm các quy định của Công ước Luật Biển, Hiến chương
Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế nói chung về việc giải quyết
các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Guyana cũng yêu cầu Tòa trọng
tài ra phán quyết về trách nhiệm quốc gia, yêu cầu Suriname bồi thường
thiệt hại nảy sinh sau Vụ CGX.
Tòa
trọng tài bằng phán quyết ngày 17/9/2007 của mình cho rằng trong Vụ
CGX, Suriname đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực theo Công
ước Luật biển, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nói chung.
Hơn nữa, Tòa cũng cho rằng việc vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng
vũ lực cũng dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ không được cản trở việc tiến
đến thỏa thuận phân định cuối cùng theo quy định Điều 74(3) và 83(3) của
Công ước Luật biển - còn được gọi là nghĩa vụ “tự kiềm chế”. Tòa trọng
tài cho rằng nghĩa vụ “tự kiềm chế” là một phần trong nghĩa vụ lớn hơn
của các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển theo Điều 74(3) và 83(3)
về việc đạt được các thỏa thuận tạm thời có tính thực tiễn liên quan đến
vùng biển tranh chấp trong khi hai bên chưa phân định. Cần nói thêm
rằng thỏa thuận tạm thời có tính thực tiễn phổ biến nhất chính là thỏa
thuận “khai thác chung”.
Tuy
nhiên, riêng đối với yêu cầu của Guyana về tránh nhiệm quốc gia liên
quan đến Vụ CGX thì Tòa cho rằng vùng biển xảy ra Vụ CGX đã được phân xử
là thuộc về Guyana nên đã bảo đảm rằng Suriname sau này sẽ không có các
vi phạm nghĩa vụ quốc tế tương tự như Vụ CGX. Tòa sau đó thấy rằng yêu
cầu về thiệt hại của Guyana liên quan đến Vụ CGX không được thành lập
nên từ chối không ra phán quyết về việc việc bồi thường. Hơn nữa Tòa
trọng tài cũng cho rằng bản thân Guyana cũng vi phạm nghĩa vụ về việc
đạt thỏa thuận tạm thời có tính chất thực tiễn đối với khu vực tranh
chấp, góp phần dẫn đến Vụ CGX.
Một
điểm đáng chú ý khác trong án lệ Guyana - Suriname đó là Tòa đưa ra
phân tích về tác hại của hoạt động thăm dò địa chấn đối với môi trường
đáy biển và hệ quả của việc này đối với nghĩa vụ “tự kiềm chế” hay nghĩa
vụ về việc đạt thỏa thuận tạm thời có tính chất thực tiễn. Tòa trọng
tài nhắc lại án lệ trước đây của Tòa án công lý quốc tế cho rằng hoạt
động thăm dò địa chấn sử dụng âm thanh nên không có tác động “cơ học”
đối với đáy biển và do vậy không làm ảnh hưởng hay thiệt hại đối với
quốc gia tranh chấp khác nếu như vùng biển được thăm dò sau đó có được
phân định là thuộc về quốc gia tranh chấp khác đó. Nói cụ thể hơn, Tòa
cho rằng việc thăm dò địa chấn là được phép tiến hành trong vùng biển
thực sự có tranh chấp.
Nhìn
vẻ bên ngoài, những diễn biến của Vụ CGX có nhiều điểm đồng với Vụ tàu
Bình Minh 02 và như thế phán quyết của Tòa trọng tài trong Án lệ Guyana -
Suriname có thể áp dụng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhưng ...
... mọi sự so sánh đều là khập khiễng
Trước
hết để biết phán quyết của Tòa trọng tài trong Án lệ Guyana - Suriname
có áp dụng được với Trung Quốc và Việt Nam không cần hiểu bối cảnh của
Vụ CGX và Vụ Bình Minh 02. Như đã trình bày ở trên, Vụ CGX xảy ra tại
vùng biển thực sự có tranh chấp giữa Guyana và Suriname.
Như đã nói ở trên, với vị trí địa lý của mình, hai quốc gia Guyana và
Suriname liền kề và do đó các vùng biển của họ theo Công ước Luật biển
cũng liền kề và chồng lấn lên nhau. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc:
"đất thống trị biển" - nguyên tắc cơ bản trong việc xác định vùng biển
theo pháp luật quốc tế. Nội hàm của nguyên tắc này đó là quốc gia nào có
bờ biển ở đâu thì sẽ có vùng biển ở đó. Có thể minh hoạt một cách sinh
động nguyên tắc này bằng "hình" và "bóng": không có hình (bờ biển) thì làm sao bóng (vùng biển)?
Chỉ khi đáp ứng được tiêu chí đầu tiên và cơ bản
nói trên, đó là có bờ biển, thì một quốc gia mới có thể nói đến chuyện
có được các yêu sách vùng biển theo quy định của Công ước Luật biển -
thông thường không quá 200 hải lý.[5] Với thực tế địa lý
của mình (xem bản đồ bên dưới), Trung Quốc không thể có yêu sách về
vùng biển theo quy định của Công ước Luật Biển tại khu vực xảy ra Vụ tàu
Bình Minh 02, nơi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 340 hải lý.[6] Thậm chí nếu Trung Quốc có sáng kiến
cho rằng vị trí hoạt động của tàu Bình Minh 02 sáng ngày 26/5/2011 nằm
trên thềm lụa địa kéo dài vượt ra ngoài 200 hải lý thì cũng phải phù
hợp nguyên tắc đó là yêu sách về thềm lục địa kéo dài ngoài 200 hải lý
không được chồng lấn lên vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ
đường cơ sở của quốc gia khác. Nguyên tắc này là nguyên tắc tiến bộ của
của luật biển quốc tế hiện đại hình thành sau khi thông qua Công ước
Luật biển – Công ước mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Tính bất hợp lý của
một yêu sách về thềm lụa địa kéo dài (trên cơ sở đặc thù địa chất) để
tạo tranh chấp tại một khu vực hoàn toàn nằm trong phạm vi 200 hải lý
của quốc gia ven biển khác từ lâu đã được công nhận bởi Tòa án công lý
quốc tế - cơ quan tư pháp uy tín nhất trên thế giới về pháp luật quốc
tế. Cụ thể năm 1985, trong án lệ phân định thềm lụa địa giữa Libya và
Malta, Tòa đã bác bỏ lập luận của Libya cho rằng đường phân định cần
tuân thủ tiêu chí về địa chất và cho rằng tiêu chí về khoảng cách, 200
hải lý, có giá trị cao hơn.[7]
Như
vậy, điều quan trọng đó là cần xem xét thực sự vị trí hoạt động của tàu
Bình Minh 02 khi bị cắt cáp sáng ngày 26/5/2011 là ở đâu? Theo các số
liệu công bố trên phương tiện thông tin đại chúng thì nơi xảy ra Vụ tàu
Bình Minh 02 nằm cách mũi Đại Lãnh không đến 120 hải lý.[8] Cần nhớ rằng mũi Đại Lãnh nằm trên bờ biển của Việt Nam và như vậy nếu có xác định các vùng biển của Việt Nam theo cách “khiêm tốn” đó là dùng đường cơ sở thông thường - tính theo ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển[9]
- thì vị trí mà tàu Bình Minh bị cắt cáp vẫn hoàn toàn nằm trên thềm
lụa địa của Việt Nam theo giới hạn 200 hải lý - một thềm lụa địa mà Việt
Nam đương nhiên có mà không cần phải tuyên bố với bên ngoài theo quy
định của Công ước Luật biển.[10]
Tuy
nhiên, khác với vùng biển Đại Tây Dương ngoài khơi Guyana và Suriname,
khu vực Biển Đông cũng có một đặc thù riêng và cần phải tính đến, đó là
sự tồn tại của những nhóm đảo nhỏ giữa biển khơi, cụ thể là hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa đang là đối tượng tranh chấp
giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc còn quần đảo Trường Sa thì là đối
tượng tranh chấp của năm nước, gồm Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin,
Trung Quốc và Việt Nam. Tất nhiên, đối với Trung Quốc, họ sẽ nghĩ rằng
họ có thể yêu sách các vùng biển tính từ các quần đảo này và thực tế họ
cũng tuyên bố là các quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa riêng.[11]
Nguồn: Tuôitrẻonline
Tuy nhiên, dù sự sáng tạo tiếp theo này có đúng đi nữa - một điều thật khó xảy ra,[12]
thì cần nhớ rằng một nguyên tắc trong phân định biển đó là một hòn đảo
ngoài khơi không thể có nhiều vùng biển hơn bờ biển lục địa được như đã
được thấy trong các án lệ và thực tiễn phân định biển, trong đó có cả
thỏa thuận phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 2000.
Vị trí xảy ra Vụ tàu Bình Minh 02 vẫn nằm hoàn toàn bên phần biển Việt
Nam ngay cả khi Việt Nam “hào phóng” đồng ý chia đôi
vùng biển nằm giữa bờ biển của mình và quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà
Việt Nam cũng yêu sách - một khả năng không thể xảy ra và chẳng thể
hiện sự nghiêm túc xét từ góc độ khoa học pháp lý. [13]
Với
những phân tích như trên, ngay cả những bộ óc sáng tạo nhất cũng khó có
thể tưởng tượng được cơ sở nào trong pháp luật quốc tế hiện đại về biển có thể đem lại cho Trung Quốc một yêu sách đối với khu vực mà tàu Bình Minh 02 hoạt động sáng ngày 26/5/2011.
Thay lời kết – quay lại Vụ CKG
Phân
tích nêu trên đã cho thấy sự khác biệt về bối cảnh của vụ CKG và Vụ
tàu Bình Minh 02. Nói cụ thể hơn, khu vực xảy ra Vụ tàu Bình Minh hoàn
toàn nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và Trung Quốc không thể có các
yêu sách với vùng biển này nếu theo đúng các tiêu chuẩn của Công ước
Luật biển.
Mặt khác, ở góc độ quan hệ quốc tế và pháp luật quốc tế,[14]
quan hệ giữa Suriname và Guyan là giống quan hệ giữa Trung Quốc và Việt
Nam. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc tối cao, có tác dụng bảo đảm sự
ổn định của trật tự thế giới đó là nguyên tắc “bình đẳng”. Nguyên tắc
“bình đẳng và cùng có lợi” là nguyên tắc cuối cùng trong năm nguyên tắc
về cùng tồn tại hòa bình mà Trung Quốc là một trong những quốc gia khởi
xướng đầu tiên.[15] Trong quan hệ với Việt Nam, năm nguyên tắc về cùng tồn tại hòa bình từ lâu cũng đã được được khẳng định trong quan hệ hai nước.[16]
Từ
cơ sở trên, cả bốn nước Guyana, Suriname, Trung Quốc và Việt Nam đều là
thành viên của Công ước Luật biển và đều được hưởng những quyền lợi
cũng như cần thực hiện các nghĩa vụ thành viên của mình như nhau. Tất
nhiên, vì Trung Quốc không công nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bắt
buộc của Công ước Luật biển[17]
nên sẽ không có việc Việt Nam đem Vụ tàu Bình Minh 02 ra trước một cơ
quan tài phán quốc tế giống như Guyana đã làm với Suriname. Cơ chế giải
quyết những tranh chấp liên quan đến biển của Việt Nam và Trung Quốc chủ
yếu vẫn sẽ là đàm phán và có thể có sự hỗ trợ của ủy ban hòa giải theo
quy định của Công ước Luật biển.[18]
Tuy nhiên, việc thiếu một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc không
làm giảm giá trị của nghĩa vụ quốc tế của quốc gia khi mà nền tảng của
luật pháp quốc tế là thiện chí.
Cuối
cùng cũng cần nhớ rằng, nếu Trung Quốc cho rằng mình “có quyền” đối với
vùng biển mà tàu Bình Minh 02 hoạt động thì Trung Quốc cũng cần tuân
thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Luật biển và Hiến chương Liên hợp quốc. Chỉ khi đó khái niệm thiện chí mới
có ý nghĩa và phát huy để góp phần duy trì bình ổn trong quan hệ quốc
tế cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia. Ở góc độ này, phán
quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong án lệ Guyana - Suriname sẽ là
“chuẩn mực” để Trung Quốc hành xử trong các vấn đề mà họ cho rằng đang có tranh chấp, kể cả nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế và không sử dụng vũ lực trên biển.[19] Đặc biệt, phán quyết đó nói rõ những gì mà quốc gia có thể làm và không được làm
để bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ “tự kiềm chế” trong khi theo đuổi nghĩa vụ
lớn hơn về việc đạt được thỏa thuận tạm thời có tính thực tiễn - nghĩa
vụ mà Trung Quốc vẫn viện dẫn để thúc đẩy ý tưởng “gác tranh chấp, cùng
khai thác” tại khu vực mà họ cho rằng có tranh chấp./.
Nguyễn Đăng Thắng
Nghiên cứu sinh luật tại Vương quốc Anh,
Thành viên không thường trú, Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, HVNG
Để thêm thông tin về lực lượng hải giám Trung Quốc, đọc thêm: Năm con rồng khuấy động biển cả (phần về Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương)
[1] Xem "Tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam", trên báo điện tử Vietnamnet tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/22902/tau-trung-quoc-cat-cap-tham-do-dau-khi-cua-viet-nam.html; Duy Thanh,“Tàu Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam” trên báo điện tử Tuổitrẻonline, tại địa chỉ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/439975/Tau-Trung-Quoc-tao-ton-xam-pham-lanh-hai-Viet-Nam.html và Ben Bland & Kathrin Hille, “New clash in South China Sea”, báo Financial Times ngày 27/5/2011, tại địa chỉ http://www.ft.com/cms/s/0/4d3badc0-8867-11e0-a1c3-00144feabdc0.html#ixzz1Na716utU (tất cả các trang đều được kiểm tra hôm nay).
[2] Thông tin cơ bản của Vụ CGX được trích từ án lệ: Arbitral
Tribunal Constituted Pursuant to Article 287, and in Accordance with
Annex VII, of the United Nations Convention on the Law of the Sea in the
Matter of an Arbitration Between Guyana and Suriname, toàn bộ văn bản có tại địa chỉ http://www.pca-cpa.org/upload/files/Guyana-Suriname%20Award.pdf .
[3] Guyana và Suriname lần lượt là hai quốc gia nhỏ thứ ba và nhỏ nhất ở Nam Mỹ.
[4] Guyana cho rằng đường ranh giới biển phải là đường trung tuyến từ bờ biển hai nước.
[5]
Đây là giới hạn bên ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà
các quốc gia đươgn nhiên có theo quy định của Công ước Luật biển.
[6]Số liệu lấy từ bài báo trên trang Tuoitreonline, nêu tại chú thích 1 bên trên.
[7] Xem án lệ Continental Shelf (Libya v Malta), Judgement [1985] ICJ Reports 13, các đoạn 33-34.
[8] Thông tin của bài trên báo Tuoitreonline nêu tại chú thích 1 đưa con số chính xác là 116 hải lý.
[9] Công
ước Luật biển, Điều 5. Cách tính “khiêm tốn” được đưa ra ở đây xét trên
thực tế là đường cơ sở thẳng của Việt Nam bị một số nước chỉ trích là
không đáp ứng của Công ước Luật biển dù rằng cũng có ý kiến đoạn đường
cơ sở thằng liên quan đến Mũi Đại Lãnh là hoàn toàn chấp nhận được và
phù hợp Công ước. So sánh JA Roach and RW Smith, 'Excessive Maritime
Claims' [1994] International Law Studies Series 66 (Naval War College, Newport, Rhode Island), các trang 58-60, với Johan Henrik Nossum, "What Vietnam could gain from redrawing its baselines", IBRU Boundary and Security Bulletin, Winter 2001-2002, 97, trang 101.
[10] Công ước Luật biển, Điều 77.
[11]
Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lụa địa năm 1998 của Trung Quốc
quy định các lãnh thổ của Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm
lụa địa; lãnh thổ của Trung Quốc theo quy định Luật Lãnh hải và Vùng
tiếp giáp năm 1992 thì bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang có
tranh chấp. Như vậy, có thể suy ra rằng Trung Quốc cho rằng quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lụa địa. Riêng
đối với quần đảo Trường Sa, vấn đề này đã được khẳng định trong Công hàm
gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 14/4/2011. Xem Note Verbale No. CML/8/2011 của Phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc, có tại địa chỉ: http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/chn_2011_re_phl_e.pdf .
[12]
Ngoài việc liệu Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa hay
Hoàng Sa hay không thì việc cho rằng những đảo nhỏ “li ti” tại quần đảo
Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lụa địa riêng cũng bị chỉ
trích. Chẳng hạn, In-đô-nê-xi-a khách quan phản đối việc
các đảo Trường Sa đáp ứng tiêu chí của Công ước Luật Biển để có vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lụa địa riêng. Xem Note Verbale No.
480/POL-703/VII/10 ngày 08/7/2010 của Phái đoàn In-đô-nê-xi-a tại Liên
hợp quốc, http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/idn_2010re_mys_vnm_e.pdf
. Để có đánh giá khách quan về cơ sở (yếu) của Trung Quốc trong yêu
sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa có thể xem Daniel J. Dzurek. "The Spratlys Island Dispute: Who’s on first?" Maritime Briefings 2 (1996) 1; Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resources of the South China Sea (The Hague: Martinus Nijhoff 1997), chương 3.
[13] Xem phân tích gần đây của Jon . Van Dyke, "Disputes Over Islands and Maritime Boundaries in East Asia" trong S.-Y. Hong & J. M. Van Dyke (eds.) Maritime Boundary Disputes, Settlement Processes, and the Law of the Sea (Leiden: Martinus Nijhoff Publishers 2009), 39-75,
73 và Clive Schofield & Ian Townsend-Gault, "Brokering Cooperation
Amidst Competing Maritime Claims: Preventative Diplomacy in the Gulf of
Thailand and South China Sea" in A. E. Chircop, T. L. McDorman & S.
Rolston (eds.) The future of ocean regime-building: Essays in tribute to Douglas M Johnston (Leiden: Martinus Nijhoff Publishers 2009),, 659, 666.
[14]
Tất nhiên, từ góc độ vật chất thì Guyana và Suriname khác Việt Nam và
càng khác nhiều so với Trung Quốc. Theo thông tin trên CIA-World
Factbook, diện tích và dân số (ước tính đến tháng 7/2011) của các nước lần lượt là: Guyana 214.969 sq km2 với 744,768 người; Suriname 163.820 km2 với 491,989 người; Trung Quốc 9.596.961 km2 với 1.336.718.015 người và Việt Nam 331.210 km2 với 90.549.390 người. Nguồn: https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/index.html.
[15]
Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình được đưa ra đầu tiên giữa Trung
Quốc và Ấn Độ năm 1954. Xem
http://news.xinhuanet.com/english/2005-04/08/content_2803638.htm .
[16]
“Tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai, Hà
Nội, ngày 14/05/1960”, cũng được nhắc lại trong các tuyên bố sau này,
như “Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bắc
Kinh, ngày 25/12/2000”.
[17]
Ngày 25/08/2006, Trung Quốc viện dẫn Điều 298 của Công ước Luật biển
ra tuyên bố không công nhận thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của
Công ước đối với một số vấn đề trong đó có vấn đề liên quan đến tranh
chấp lãnh thổ. Văn bản Tuyên bố có tại, http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/convention_declarations.htm#China%20after%20ratification .
[18] Công ước Luật biển, Điều 298(1).
[19] Việc
Trung Quốc có bị coi là vi phạm nguyên tắc cấm đe doạ sử dụng vũ lực
hay không trong Sự kiện Bình Minh 02 đòi hỏi phải có thêm các thông tin
cụ thể.
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/1515-vu-tau-binh-minh-02-cgx-bien-dong