Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

HỒ CHÍ MINH VÀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

PGS,TS Đức Vượng*
1. Cách mạng thế giới cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có sự chuyển biến về chất. Các cuộc cách mạng tư sản tiếp tục phát triển từ hình thái kinh tế - xã hội phong kiến sang hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, được thực hiện bằng những cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt giữa một bên là giai cấp công nhân và nhân dân lao động với một bên là các giai cấp thống trị phong kiến và tư sản. Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, sự hùng mạnh về kinh tế của các thế lực tư sản được củng cố và phát triển. Đánh giá về cách mạng tư sản, C.Mác viết: "Các cuộc cách mạng tư sản lướt nhanh như bay từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong đó, những hiệu quả đầy kịch tính càng về sau càng rực rỡ hơn trước, con người và mọi vật chung quanh như thể được chiếu rọi bởi pháo bông, ngày nào cũng đầy khí thế phấn chấn, nhưng chúng nhanh chóng trôi qua, nhanh chóng đạt tới đỉnh cao và xã hội rơi vào trạng thái váng vất kéo dài, trước khi nó kịp tỉnh táo nhận thức rõ những kết quả thời kỳ bão táp và đột phá của mình"1.
     Trong lúc cách mạng tư sản tiếp tục phát triển, thì cách mạng vô sản đã nổ ra. Đó là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga nổ ra ngày 7-11-1917 (tức 25-10, lịch Nga), tại nước Nga, do V.I.Lênin phát động, phất cờ khởi nghĩa và đã thành công vang dội. Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra  làm rung chuyển bầu không khí chính trị thế giới, tạo bước rẽ ngoặt trong tư duy của loài người, từ nhận thức một phía chỉ có chủ nghĩa tư bản sang nhận thức hai phía: chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội khoa học.
     Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, phương Đông cũng đã bắt đầu rung chuyển về chính trị. Tư tưởng về thời cuộc cũng đã bắt đầu gieo vào trong nhận thức của các nhà yêu nước và cách mạng ở phương Đông.
      Vào đầu thế kỷ XX, ở phương Đông xuất hiện hai nhà yêu nước và cách mạng lớn nhất: Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên ) và Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh). Hai nhà yêu nước và cách mạng tiêu biểu của phương Đông đều có chung một chí hướng là tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc mình, nhưng quan điểm nhận thức, phương pháp cứu nước và cách mạng lại khác nhau. Tôn Trung Sơn đi theo khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản kiểu phương Đông. Nguyễn Ái Quốc lại rẽ sang con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa. Ở Người, có sự lựa chọn hợp lý về ý thức hệ: kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa vấn đề dân tộc và dân chủ, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội trong lòng dân tộc, chứ không phải thoát ly dân tộc. Đó là tư tưởng đích thực của Hồ Chí Minh. Ở Tôn Trung Sơn còn hy vọng vào các thế lực đế quốc sẽ tự nguyện rút khỏi Trung Quốc và muốn nhờ các thế lực đế quốc giúp đỡ trong cuộc chiến đấu chống lại nhà Mãn Thanh, tức là muốn dựa vào đế quốc để chống phong kiến. Nhưng ở Hồ Chí Minh thì tuyệt nhiên không. Người kêu gọi: "Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phòng cho ta"2. Đó là chỗ khác nhau rất cơ bản trong ý thức hệ của hai nhà yêu nước vĩ đại của phương Đông là Tôn Trung Sơn và Hồ Chí Minh. Lịch sử bình rằng: Cuối cùng, trí tuệ của nhà yêu nước và cách mạng Hồ Chí Minh đã vượt lên và lan toả trên bầu trời phương Đông.
     Hồ Chí Minh vốn là con người của dân tộc, vị anh hùng giải phóng dân tộc thời hiện đại. Vì vậy, Người đã tiếp thu trước hết ở tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), năm 1920, V.I.Lênin kêu gọi công nhân thế giới và các dân tộc bị áp bức hãy đoàn kết lại, mà trước đó, trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ kêu gọi giai cấp công nhân thế giới đoàn kết lại. Như vậy, V.I.Lênin đã nhìn thấy phương Đông, còn Hồ Chí Minh am hiểu tường tận phương Đông và Người đã đứng ở phương Tây để nhìn về phương Đông. Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước từ phương Đông và lại trở về phương Đông để làm công cuộc giải phóng. Phương Đông đầu thế kỷ XX rất cần được sự giải phóng và Người đã lập nên sự nghiệp giải phóng đó. Người nhận định về phương Đông:
     "Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng
     Bóng tối đêm tàn quét sạch không.
     Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
     Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng"3.
     Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là tiếp thu tất cả kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà là tiếp thu cái tinh tuý của chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp với hoàn cảnh của các dân tộc phương Đông, trong đó có Việt Nam, mà điểm mấu chốt nhất vẫn là vấn đề dân tộc và dân chủ. Dân tộc là thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Dân chủ là vấn đề ruộng đất cho nông dân và thực hiện quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng, quyền được học hành, hội họp, phát ngôn, thông tin, nói chung là quyền tinh thần của con người. Người đem tư tưởng đó để chuẩn bị cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
     2. Công việc của cách mạng và của sự ra đời của một chính đảng là công việc của sự chuẩn bị chu đáo, thận trọng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Nguyễn Ái Quốc sớm nhận ra điều này và Người đã từ phương Tây trở về phương Đông mà điểm đến đầu tiên là Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào cuối năm 1924 để mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng của Việt Nam trong tương lai.
     Cuối năm 1929, tại Việt Nam xuất hiện 3 tổ chức cộng sản: "Đông Dương Cộng sản Đảng" (còn gọi là "Đảng Cộng sản Đông Dương"), thành lập ngày 17-6-1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội. "An Nam Cộng sản Đảng" (còn gọi là "Đảng Cộng sản An Nam"), thành lập vào tháng 11-1929, tại Khánh Hội, Sài Gòn. "Đông Dương Cộng sản Liên đoàn", thành lập ngày 1-1-1930, tại bến Đò Trai, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
     Nguyễn Ái Quốc, từ nước ngoài, biết rõ tình hình các tổ chức cộng sản ở trong nước. Người nhận định rằng, trong một nước, không thể có nhiều tổ chức cộng sản, vì nhiều tổ chức cộng sản nhất định sẽ gây sự chia rẽ, trong khi đó, Đảng muốn trở thành lực lượng hùng hậu, thì phải đoàn kết thống nhất. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải thống nhất 3 tổ chức cộng sản đó lại.
     Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, với danh nghĩa phái viên Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đứng ra tổ chức Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở trong nước, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, tại đảo Cửu Long thuộc quần đảo Hồng Công4. Tham dự Hội nghị thành lập Đảng có Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản, chủ trì; Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, thay mặt Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu, thay mặt An Nam Cộng sản Đảng. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành lập sau, nhận giấy mời chậm, cho nên không kịp cử đại biểu đến dự. Tuy nhiên, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, tổ chức cộng sản này đã làm đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài 5 đại biểu chính thức, dự Hội nghị thành lập Đảng còn có 2 đại biểu dự thính lúc ấy hoạt động ở nước ngoài là Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu.
     Hội nghị thành lập Đảng nhất trí đặt tên Đảng (mới) là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên: "Chánh cương vắn tắt của Đảng" và 4 văn kiện quan trọng khác, xác định cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình vận động của cách mạng, khái niệm về cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng đã được mở rộng ra thành cách mạng dân tộc dân chủ, cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Cuộc cách mạng này thực hiện nhiệm vụ chiến lược là đánh đổ đế quốc và phong kiến, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Lực lượng cách mạng được xác định lúc ban đầu là công nhân và nông dân. Về sau được mở rộng ra, bao gồm công nhân, nông dân, trí thức và nhân dân lao động. Chính phủ của cách mạng là Chính phủ công nông binh. Sau này là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, rồi Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quân đội của cách mạng đã được xác định ngay từ đầu là quân đội công nông. Vấn đề có tính bao trùm của sự nghiệp cách mạng là của quần chúng (nhân dân) do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Cho đến nay, đường lối và hình thức tổ chức này, về cơ bản, vẫn được giữ vững. Nguyễn Ái Quốc kêu gọi sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, vì có đoàn kết mới tạo thành sức mạnh để chiến thắng các thế lực đối địch.
     Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chiến thắng các đảng phái khác và nhanh chóng bước lên vũ đài chính trị, đững vững vị trí lãnh đạo cách mạng Việt Nam vì Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện mang trong mình những yếu tố truyền thống và hiện tại, có tính đến tương lai. Về mặt chính trị, tư tưởng, Đảng chủ trương phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để đề ra đường lối đúng, phù hợp và đổi mới. Sức mạnh của Đảng được thể hiện bằng sức mạnh của nhân dân; có tính đến sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc với yếu tố quốc tế.
     Kết hợp xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, kiểm tra; xây dựng Đảng trong các lực lượng vũ trang, trong các ngành, các cấp, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp.
     Nguyên tăc tổ chức của Đảng là tập trung dân chủ .
     Quy luật phát triển của Đảng là phê bình và tự phê bình.
     Phương pháp lãnh đạo của Đảng là thể hiện tinh thần kết hợp lý luận với thực tiễn (thực tế); đi sâu vào đời sống xã hội để tổng kết thực tiễn và khái quát thành nghị quyết của Đảng. Đường lối, nghị quyết phản ánh thực tiễn và thực tiễn phản ánh vào trong nghị quyết. Đảng kêu gọi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu, nêu cao tình thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
     Đường lối, phương pháp cách mạng của Đảng đã mang lại chiến thắng vẻ vang trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
     3. Từ Đại hội VI của Đảng, năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Đảng xác định đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để, nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp; cần tránh cả hai khuynh hướng: nôn nóng và trì trệ.
      Phát triển và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, từ năm 1986 đến nay, lý luận cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến mới, thể hiện trong các văn kiện của Đảng. Xin được nêu 4 vấn đề mới, rõ nhất trên phương diện lý luận đề ra từ thời kỳ đổi mới đến nay: (1) Khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam. (2) Đẩy mạnh nghiên cứu về Đảng và thực hành công tác xây dựng Đảng. (3) Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. (4) Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
     - Về tư tưởng Hồ Chí Minh: Đây là thành quả lý luận cơ bản đã được xác định trong quá trình đổi mới, thể hiện trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" (Cương lĩnh năm 1991), trong Văn kiện Đại hội VII (1991) và đã được làm rõ hơn nội hàm cơ bản trong Văn kiện Đại hội IX của Đảng (2001):
     "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân..."5.
     Các nhà nghiên cứu cho rằng, cái cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh là giải quyết vấn đề dân tộc và dân chủ ở Việt Nam. Hai vấn đề này, chứa đựng trong đó, những nhân tố của chủ nghĩa xã hội.
     - Về Đảng và xây dựng Đảng: Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xét về mặt lý luận, đã có những nghiên cứu mới và đã được tổng kết một giai đoạn 1975-1995. Những nghiên cứu lý luận mới về Đảng và xây dựng Đảngđã được nêu trong nhiều nghị quyết của Đảng, bàn tại nhiều Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Trong Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 21-7-1992 của Ban Bí thư khoá VII, khẳng định lấy "phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt"6. Văn kiện Đại hội VIII viết: "Đảng ta xác định trong giai đoạn hiện nay lãnh đạo kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt"7. Đây chính là vấn đề xây dựng Đảng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng Đảng có kết quả, một vấn đề có tính then chốt là thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghị quyết của Đảng nói rất đúng, nhưng trong những năm đổi mới lại chưa có tổng kết về vấn đề này, cho nên đang còn có những nhận thức khác nhau. Hiện nay, trong xã hội đang có hiện tượng chạy theo xu hướng dân chủ cực đoan, thực hiện dân chủ một phía, nhưng lại không tính đến gắn với pháp luật, kỷ cương, phép nước, hoặc không tính đến tình hình chính trị, xã hội. Dân chủ, do chữ Hy Lạp "démos" và "kratos", nghĩa là "nhân dân" và "chính quyền". Vì vậy, muốn giải quyết tận gốc vấn đề dân chủ, phải giải quyết "vấn đề nhân dân",  "vấn đề chính quyền" và xét cho cùng, vấn đề chính quyền lại là vấn đề nhân dân: chính quyền nhân dân. Hiện nay, chúng ta chưa giải quyết toàn diện và đồng bộ cả hai vấn đề này.
     Xây dựng Đảng là một việc làm khó khăn, đòi hỏi toàn Đảng phải nỗ lực vượt bậc, chung sức chung lòng mà làm mới có thể thành công. Một vấn đề rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng là phải nhìn từ hai mặt: "mặt được" và "mặt chưa được". Hiện nay, vẫn còn đang thiên về "mặt được". Thật ra, bên cạnh những mặt được, trong công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều mặt chưa được, đặc biệt là khâu tổ chức, cán bộ còn nhiều yếu kém. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính"8. "Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng"9. Văn kiện Đại hội VIII (1996) có một nhận định đúng: "Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng phải nghiêm túc xem xét những sai lầm, khuyết điểm và yếu kém của mình, đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo"10. Khuyết điểm trong Đảng hiện nay rõ nhất vẫn là sự không chịu rèn luyện vươn lên của cán bộ, đảng viên, làm cho trình độ không nâng lên được trong hoàn cảnh thế giới lại đang biến động rất phức tạp và xã hội cũng đang có những chuyển biến theo những chiều hướng khác nhau. Trình độ lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế. Tình trạng leo lên để chiếm vị trí lãnh đạo, quản lý đang có chiều hướng gia tăng. Trong bộ máy của Đảng, bộ máy của Nhà nước và bộ máy của các đoàn thể, nhiều người muốn làm lãnh đạo, làm quản lý vì mới có thực quyền và rất ít người muốn làm khoa học thuần tuý vì không có thực quyền. Chính vấn đề này đã gây nên sự lộn xộn trong công tác cán bộ. Những người thật sự có tài, có đức, có nhân cách để tham gia vào lãnh đạo, quản lý các cấp chưa có nhiều. Nhiều cán bộ, đảng viên rất muốn có chức cao, quyền lớn, nhưng lại ít chịu học tập, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu, gây nên nghịch lý giữa vị trí công tác, năng lực thực tế và nhân cách. Để khắc phục những hiện tượng trên, nên nghiên cứu việc bổ nhiệm cán bộ theo quy trình "lý tính" thay cho quy tình " lý tính - cảm tính". Quy trình lý tính là ngoài việc họp nội bộ để nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, còn phải thực hiện chế độ xét tuyển nghiêm ngặt, nghĩa là người được bổ nhiệm phải kiểm tra bắt buộc về trình độ năng lực lãnh đạo, quản lý, về ngoại ngữ, tin học, trình độ học vấn và có bình chọn về nhân cách, tác phong công tác. Thực hiện quy trình theo kiểu sàng lọc như vậy, nhất định sẽ tìm ra được những cán bộ tốt.
     - Về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Có thể nói đây là một trong những thành quả lý luận quan trọng của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Trung Quốc xác định nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, còn Việt Nam xác nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xác nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng, vì nó tương ứng với thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ quá độ như V.I.Lênin nói nó vừa có những nhân tố của chủ nghĩa xã hội, vừa chưa có những nhân tố của chủ nghĩa xã hội, cho nên đặt vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là khoa học.
     Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được ghi trong Văn kiện Đại hội IX của Đảng (2001) "là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối"11.
     "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khẳng định có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc"12. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải có sự quản lý của Nhà nước, bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, sử dụng cơ chế thị trường, áp dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý của kinh tế thị trường để kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực, hạn chế và khắc phục mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động. Phân phối trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu. Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc phát triển văn hoá, giáo dục, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam trí tuệ và văn minh, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
     Đó là những nội dung lý luận cơ bản về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới.
     Tuy nhiên, có hai vấn đề lý luận trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần được bổ sung: Vấn đề thứ nhất là sự khẳng định không chỉ riêng kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, mà cả kinh tế tư nhân ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế nói chung. Bởi vì, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu không có kinh tế tư nhân tác động vào thì không thể có một nền kinh tế vững chắc được. Vấn đề này đã được tất cả các nền kinh tế của các nước thừa nhận. Vấn đề thứ hai là cần làm rõ mặt trái của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như một tấm huân chương, có mặt phải, mặt trái của nó. Hiện nay, mặt trái của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát sinh nhiều tiêu cực như nạn hối lộ, tham nhũng, sa đoạ, chụp giật, lợi dụng sơ hở trong chính sách để đục khoét tiền bạc của Nhà nước, nhân dân, người và người xử tệ với nhau, quản lý lỏng lẻo, yếu kém,... dẫn đến xã hội bị xuống cấp về mặt đạo đức. Về vấn đề này, đến nay, vẫn chưa có những giải pháp cơ bản để khắc phục.  
     - Về lý luận xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được xác định từ Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng (1994). Lúc đầu, ghi là: "Xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân"13. Đến Đại hội IX của Đảng (2001) đặt vấn đề "xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng"14.
     Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự khẳng định và thừa nhận Nhà nước pháp quyền là một tất yếu lịch sử. Nó không phải là thuộc tính riêng của chủ nghĩa tư bản, mà là thuộc tính chung của các nước phát triển kinh tế, là tinh hoa, sản phẩm trí tuệ của loài người.
     Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định bởi những vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà cơ sở lý luận của nó bắt nguồn từ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước và cách mạng và từ tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ.
     Vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu là mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với học thuyết "tam quyền phân lập", làm rõ sự giống nhau và sự khác nhau để có phương hướng xây dựng cho đúng và có sự tác động vào nhau. Từ trước tới nay, chúng ta nghiên cứu học thuyết "tam quyền phân lập" như là học thuyết của ý thức hệ tư sản. Điều đó không đúng về mặt khoa học. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu sâu thêm, có cái nhìn sáng hơn về học thuyết này.
     Đã 25 năm trôi qua, kể từ khi công cuộc đổi mới đất nước được bắt đầu. Xét về phương diện lý luận đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới. Càng ngày lý luận càng bám sát tình hình đất nước, tình hình thế giới, lý luận (mới) đã bắt đầu bén rễ trong đời sống xã hội, đi vào cuộc sống xã hội và thể hiện bằng những hiệu quả kinh tế, văn hoá, xã hội. Lý luận gắn với thực tiễn luôn luôn là lý luận sống động trong đời sống chính trị xã hội. Ai đó cho rằng, 25 năm đổi mới không có lý luận gì mới là đối xử không công bằng với giới nghiên cứu lý luận hiện nay, với Hội đồng Lý luận Trung ương.
 
(Nguồn: Thông tin Lý luận chính trị, Hội đồng Lý luận Trung ương, số tháng 1+ tháng 2-2011).
--------
Chú thích:
* Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực; nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.
1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tiếng Nga, tập 8, tr. 122,123.
2,3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 554,315.
4. Hồng Công lúc này do Anh quản lý.
5,11,12,14. Văn kiện Đại hội IX của Đảng, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 20,86,87,131.
6. Một số văn kiện về đổi mới và chỉnh đốn Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng xuất bản, Hà Nội, 1993, tr. 41.
7,10. Văn kiện Đại hội VIII của Đảng, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 75, 74.
8,9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 261, 250.
13. Văn kiện Đại hội VII của Đảng, tr. 13.
http://nhantainhanluc.com/vn/661/4067/contents.aspx