Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

11. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới

NGÔ XUÂN BÌNH*
LÊ THỊ HẰNG NGA**
*PGS.TS. Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á
**ThS. Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á


Ngày 6 tháng 7 năm 2007, sau cuộc hội đàm chính thức giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại New Delhi, hai bên đã nhất trí chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhằm đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ lên một tầm cao mới. Đây là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước đột phá mới trong quan hệ hai nước, mở đường cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Điều này được tái khẳng định trong Tuyên bố chung được ký giữa Việt Nam - Ấn Độ trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ngày 12 tháng 10 năm 2011.
Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ không phải là sự kiện diễn ra trong một ngày. Đó là sự kết tinh của cả một quá trình lịch sử lâu dài, từ những năm trước công nguyên khi các thương gia Ấn Độ đầu tiên đã vượt đại dương và cập bến ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Từ sự khởi đầu khiêm tốn ấy, văn hóa Ấn Độ đã dần dần lan tỏa và gây ảnh hưởng trên một vùng rộng lớn bao gồm cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam. Kết quả là, vào thiên niên kỷ thứ I sau Công Nguyên, trên mảnh đất Việt Nam đã hình thành những nền văn minh “Ấn Độ hóa” vào loại sớm nhất và rực rỡ nhất Đông Nam Á như Óc Eo, Champa. Có thể nói rằng, mối quan hệ lâu đời này đã góp phần tạo nên một nền móng vững chắc cho tình hữu nghị của Việt Nam và Ấn Độ trong những thời kỳ sau.
Từ thập niên 1990 trở lại đây, với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh và trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có nhiều thay đổi đáng kể. Nếu như trước đó, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ chủ yếu là mối quan hệ chính trị thì giờ đây đã được mở rộng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - giáo dục, khoa học kỹ thuật và an ninh - quốc phòng. Những yếu tố quan trọng thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn này chính là công cuộc “đổi mới” của Việt Nam từ năm 1986, “cải cách kinh tế” Ấn Độ năm 1991 và đặc biệt là “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ cũng trong năm 1991. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ thập niên 1990 đến nay trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và an ninh quốc phòng. Thông qua đó, chúng tôi khẳng định những thành tựu của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời kỳ mới, đồng thời đánh giá triển vọng cũng như xác định những khó khăn còn tồn đọng trong quan hệ giữa hai nước.
I. QUAN HỆ VIỆT NAM - ẤN ĐỘ TỪ THẬP NIÊN 1990
1. Quan hệ chính trị
Trong quan hệ Việt - Ấn, quan hệ chính trị có bề dày lịch sử và liên tục, bền vững nhất. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, Chính phủ hai nước vẫn nỗ lực duy trì và không ngừng bày tỏ quyết tâm nâng quan hệ chính trị Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới, nhằm phục vụ một cách hiệu quả nhất công cuộc phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của cả hai quốc gia. Vì vậy, có thể nói rằng, mối quan hệ chính trị giữa hai Chính phủ Việt Nam - Ấn Độ từ thập niên 1990 đến nay là hết sức tốt đẹp, thể hiện bằng những chuyến thăm cấp nhà nước giữa hai bên. Khởi đầu là chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ R.Venkataraman đến Việt Nam vào tháng 4/1991. Sau đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười sang thăm Ấn Độ vào tháng 9/1992. Cũng trong năm 1992, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã sang thăm Ấn Độ.
Đặc biệt, vào tháng 9/1994, Thủ tướng Ấn Độ Narashimha Rao đã sang thăm Việt Nam. Chuyến thăm này thực sự là một mốc mới trong quan hệ giữa hai nước, mở ra một giai đoạn mới trong quá trình hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Trong chuyến viếng thăm này, một số hiệp định quan trọng về quan hệ song phương đã được ký kết như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về mở thêm các lãnh sự quán ở các thành phố lớn của hai nước, Hiệp định về thành lập văn phòng tư vấn nước ngoài và một Nghị định thư về hợp tác quốc phòng. Cũng trong chuyến thăm này, Thủ tướng Narashimha Rao đã ký quyết định thành lập “Nhóm công tác chung Việt Nam - Ấn Độ” cấp thứ trưởng, dưới sự hỗ trợ của Hội hữu nghị Ấn - Việt.
Bắt đầu từ giữa năm 1995 đến đầu năm 1996, sự bất ổn của tình hình chính trị Ấn Độ do sự thay đổi chính quyền mang lại đã khiến cho quan hệ Việt - Ấn có phần chững lại. Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đến Ấn Độ vào tháng 3/1997 đã mang lại một nguồn sinh lực mới cho quan hệ giữa hai nước. Tháng 12/1999, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương thăm Ấn Độ. Trong chuyến thăm này, hai nhà nước đã ra Tuyên bố chung khẳng định sẽ nỗ lực hơn nữa để nâng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực lên tầm cao mới. Hai bên đã ký kết những văn kiện quan trọng: Hiệp định tín dụng, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương; Thỏa thuận về việc thành lập trung tâm phát triển nguồn nhân lực phần mềm tại Việt Nam, Thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Quan hệ Quốc tế và Học viện Ngoại giao Ấn Độ.
Vào năm 2000, để tạo khuôn khổ cho hợp tác giữa hai nước trong thế kỷ XXI, với Tuyên bố Viêngchăn, Ấn Độ và Việt Nam đã đi vào khuôn khổ hợp tác khu vực sông Hằng và sông Mêkông, kết hợp hợp tác song phương giữa hai nước với hợp tác khu vực nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả hai quốc gia.
Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ chính trị Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục được phát triển tốt đẹp. Vào tháng 1/2001, Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee đã thăm chính thức Việt Nam. Tháng 5/2003, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã sang thăm Ấn Độ. Chuyến thăm này đã đánh dấu một mốc mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI. Đây là tuyên bố chung về hợp tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam ký với một nước khác trong thế kỷ XXI.
 Mốc lịch sử tiếp theo trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ chính là chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 7/2007. Trong chuyến viếng thăm này, thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn và chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác quan trọng khác, bao gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nghề cá và nuôi trồng thủy sản; Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ; Bản ghi nhớ về trao đổi đất và tài sản dành cho cơ quan đại diện ngoại giao hai nước; Bản ghi nhớ về thành lập trung tâm đào tạo tiếng Anh tại Đà Nẵng… 
Các chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam - Ấn Độ sau đó có thể kể đến chuyến thăm Ấn Độ của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan năm 2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2010 và gần đây nhất là chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 12/10/2011. Từ phía Ấn Độ, Chủ tịch Hạ Viện Somnath Chatterjee đến Việt Nam tháng 3/2007, Tổng thống Pratibha Patil thăm Việt Nam tháng 11/2008, Thủ tướng Manmohan Singh đến Hà Nội tháng 10/2010 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Chủ tịch Hạ viện, Bà Meira Kumar đến thăm Việt Nam từ ngày 14 đến 17 tháng 5 năm 2011.
Có thể nói, chưa bao giờ mối quan hệ chính trị Việt Nam - Ấn Độ lại tốt đẹp như hiện nay. Những chuyến thăm giữa các vị lãnh đạo cấp cao hai nước và việc ký kết một loạt các hiệp định, thỏa thuận mới đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự phát triển các mối quan hệ kinh tế thương mại, văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật và an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thế kỷ XXI.
2. Quan hệ kinh tế
Mặc dù Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ quan hệ chính trị hết sức nồng ấm và mang tính chiến lược từ lâu, nhưng điều này không được thể hiện một cách tương xứng trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Cho đến những năm đầu thập niên 1990, trao đổi kinh tế thương mại giữa hai nước chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do bối cảnh nền kinh tế trong nước, mô hình phát triển và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của hai nước khi đó không tạo điều kiện cho trao đổi kinh tế phát triển.
Từ giữa thập niên 1990, tình hình bắt đầu thay đổi. Với công cuộc “đổi mới” của Việt Nam và “cải cách kinh tế” Ấn Độ đạt được những thành quả nhất định, nhu cầu phát triển kinh tế thôi thúc sự gia tăng mối liên kết thương mại giữa hai nước. Do đó, cả hai nước bắt đầu nỗ lực mở rộng các lĩnh vực hợp tác và gia tăng tỉ trọng thương mại và đầu tư. Những nỗ lực này được thúc đẩy bởi những chương trình hợp tác khu vực, như hợp tác Ấn Độ - ASEAN và hợp tác Mekong - Ganga.
Điều đáng lưu ý là trong quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ, cán cân thương mại  liên tục nghiêng về phía Ấn Độ. Hiện tượng này xảy ra liên tục trong một thời gian dài (Bảng 1)
Bảng 1:Thương mại song phương
         Ấn Độ - Việt Nam


2002-2003
2003-2004
2004-2005
2005-2006
2006-2007
Xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam (triệu USD)
337.39
410.43
555.96
690.68
981.84
Tỉ lệ tăng trưởng (xuất khẩu)

21.65
35.64
24.32
42.16
Nhập khẩu của Ấn Độ từ Việt Nam (triệu USD)
29.18
38.21
86.50
131.39
167.52
Tỉ lệ tăng trưởng (nhập khẩu)

30.95
126.35
51.89
27.50

Nguồn: Ngân hàng dữ liệu xuất nhập khẩu,
Văn phòng Thương mại, Bộ Thương mại và
Công nghiệp, Chính phủ Ấn Độ, http://commerce.nic.in/eidb/default.asp
Bảng trên đây cho thấy, riêng trong năm 2006-2007, xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam cao hơn gần năm lần so với nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu khiến cán cân thương mại nghiêng về phía Ấn Độ và sự phát triển chậm chạp của thương mại song phương là sự tương đồng của những mặt hàng xuất khẩu của cả hai nước. Trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của cả Ấn Độ và Việt Nam đều có hàng may mặc, trà, gạo, hạt điều, giày dép, hạt tiêu và các sản phẩm biển.
Về lĩnh vực đầu tư, Ấn Độ vốn là một trong những nước sớm đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù bản thân là nước thiếu vốn và đang tích cực khuyến khích đầu tư nước ngoài nhưng hàng năm chính phủ Ấn Độ vẫn liên tục cho Việt Nam vay những khoản tín dụng nhất định. Chẳng hạn như trong những năm 1996-2001, Ấn Độ cho Việt Nam vay khoản tín dụng tương đương 12 đến 15 triệu USD để nhập trang thiết bị cho các dự án nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, làm toa xe lửa và phụ tùng… Tính đến cuối năm 2001, Ấn Độ đã có khoảng hơn một chục dự án đầu tư và liên doanh ở Việt Nam. ONGC Videsh, Esaar Group, Godrej Limited và Ranbaxy là một số nhà đầu tư quan trọng của Ấn Độ vào Việt Nam. Tuy nhiên, tính tổng số, FDI của Ấn Độ vào Việt Nam năm 2006 là 9.676 triệu USD1 vẫn là một con số nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Với sự nỗ lực không ngừng của cả hai phía để khắc phục tình trạng trên, những năm gần đây, mối quan hệ kinh tế Việt - Ấn đã có sự thay đổi rất đáng khích lệ. Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã vượt con số 1 tỉ USD vào năm 2006-2007. Năm 2008, Ấn Độ trở thành một trong mười nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Việc ký kết hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN năm 2009 đã mở thêm những cơ hội mới cho sự hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Từ đó đến nay, thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ liên tục gia tăng một cách khá ấn tượng. Năm 2010, thương mại hai chiều Việt - Ấn đạt 2,75tỉ USD, tăng 34,3% so với năm trước đó. Trong 4 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 1,262 tỉ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái  và mục tiêu tăng trưởng thương mại hai chiều của năm nay là 4 tỉ USD2. Tính đến tháng 4 năm 2011, Ấn Độ có tất cả 52 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 220 triệu USD3. Cả Việt Nam và Ấn Độ đang đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỉ USD vào năm 20154.
3. Quan hệ văn hóa - giáo dục - khoa học kỹ thuật
Cùng với sự phát triển của các quan hệ chính trị, kinh tế Việt Nam - Ấn Độ, hợp tác về văn hóa giáo dục và khoa học kỹ thuật cũng là một lĩnh vực ngày càng có tầm quan trọng hơn trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia.
Là một đất nước rộng lớn, giàu tài nguyên, lại được thừa hưởng một số di sản tiến bộ của chủ nghĩa tư bản Anh, cho đến thập niên 1990 của thế kỷ XX, Ấn Độ đã xây dựng được một hệ thống đào tạo khá phát triển. Với hàng trăm trường đại học, viện nghiên cứu, trong đó có nhiều trường và viện được xếp thứ hạng cao ở châu Á như Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), Viện nghiên cứu lúa PUSA, Viện nông nghiệp quốc gia (IARI) ở Delhi… Ấn Độ đã thu hút nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới đến nghiên cứu. Trong thập niên 1990, hợp tác về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật đã được hai bên xác định là lĩnh vực hợp tác ưu tiên và là lĩnh vực hợp tác có hiệu quả nhất giữa hai nước. Mỗi năm, Chính phủ Ấn Độ đều dành 110 xuất học bổng cho Việt Nam trong giai đoạn này. Gần đây, phía Ấn Độ đã công bố sẽ tăng số học bổng ITEC cho Việt Nam từ 75 lên 150 xuất từ năm 20125. Việt Nam là nước được hưởng nhiều xuất học bổng nhất trong số các nước đang phát triển theo chương trình hợp tác kỹ thuật của Ấn Độ (ITEC) với nước ngoài.
Về hợp tác văn hóa, trong giai đoạn này, một số chương trình trao đổi văn hóa giữa hai bên cũng được tiến hành đều đặn. Hàng năm, vào các ngày lễ Độc lập của Ấn Độ (15/8) và ngày Quốc khánh của Việt Nam (2/9) và các dịp kỷ niệm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đều tổ chức các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật, giới thiệu vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, Ấn Độ đến với nhân dân hai nước. Đồng thời, các chuyến trao đổi các đoàn nghệ thuật của hai nước sang biểu diễn ở thủ đô và các thành phố lớn của nhau cũng góp phần làm tỏa sáng những thành tựu nghệ thuật của hai quốc gia trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ còn tham gia tích cực các Liên hoan Phim của nhau. Nhiều tuần lễ phim Ấn Độ được tổ chức tại Việt Nam trong những dịp Quốc khánh Ấn Độ và được khán giả Việt Nam rất yêu thích.
Hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ còn được tiến hành thông qua lĩnh vực giáo dục. Lần đầu tiên ở Việt Nam, bộ môn Ấn Độ học đã được thành lập tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh vào năm 2000 với khóa đầu tiên gồm 26 sinh viên. Vào năm 2002, Bộ môn Ấn Độ học cũng được thành lập tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Cho đến nay, Bộ môn Ấn Độ học ở cả hai miền Nam Bắc của đất nước đã đào tạo được nhiều khóa sinh viên ra trường, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ Việt - Ấn ngày càng đi vào chiều sâu.
Ngày 5/7/2011, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Viện Ấn Độ và Tây Nam Á, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Sự kiện này chứng tỏ Việt Nam đánh giá cao vai trò của Ấn Độ và tầm quan trọng của việc nghiên cứu về Ấn Độ trong giai đoạn hiện nay.
Trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ngày 12/10/2011, hai bên đã nhất trí lấy năm 2012 là Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ để kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (1972-2012) và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2007-2012). Phía Ấn Độ cũng sẽ tổ chức “Năm Ấn Độ ở Việt Nam” trong năm 2012 với nhiều sự kiện văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, liên hoan phim, ẩm thực và tranh ảnh ở nhiều thành phố của Việt Nam.
4. Quan hệ an ninh – quốc phòng
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực an ninh quốc phòng là mối quan hệ khá mới mẻ, cả về phía Việt Nam và về phía Ấn Độ. Điều này xuất phát từ quan điểm không liên kết của Ấn Độ trong suốt thời kỳ trước chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, từ thập niên 1990 đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, hợp tác an ninh quốc phòng đã trở thành một lĩnh vực hợp tác có tầm quan trọng đặc biệt đối với cả Việt Nam và Ấn Độ.
Vào năm 1994, quan hệ Việt - Ấn trên lĩnh vực an ninh quốc phòng đã được thiết lập với việc hai nước ký kết một Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Tuy nhiên, phải đến nửa sau thập niên 1990, đặc biệt là sau khi Ấn Độ thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào năm 1998, mối quan hệ an ninh quốc phòng Việt - Ấn mới chính thức được tiến hành.
Hai tháng sau khi Ấn Độ tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân thành công, ba chiếm hạm hải quân nổi tiếng của Ấn Độ là chiến hạm Rajput, chiến hạm Delhi và chiến hạm Khanjar đã thực hiện chuyến thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 1-4 tháng 10 năm 1998. Sau đó, nhiều chuyến thăm của lãnh đạo quân đội cấp cao hai nước đã được tiến hành. Có thể kể đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng tham mưu tình báo quân đội Ấn Độ R.K. Sawhney tháng 11 năm 1998, chuyến thăm Ấn Độ của Trung tướng hải quân Mai Xuân Vinh tháng 9/1999. Đặc biệt, vào tháng 3/2000, hợp tác an ninh - quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ được nâng lên một bước khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes đến thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký một số văn bản thỏa thuận về việc hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng trong đó đặc biệt quan trọng là một nghị định thư mới về hợp tác quân sự, bao gồm những nội dung sau:
- Thể chế hóa khuôn khổ cho các cuộc đối thoại thường xuyên cấp Bộ trưởng quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ.
- Tiến hành những cuộc đối thoại thường xuyên cấp Bộ trưởng quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ.
- Tiến hành tập trận hải quân chung giữa Ấn Độ và Việt Nam (trong đó có cả lực lượng cảnh sát biển).
- Không quân Ấn Độ đào tạo phi công cho không quân nhân dân Việt Nam6.
Những nội dung trên đây là những bước quan trọng để đạt được mục đích chiến lược của Ấn Độ là giúp Việt Nam xây dựng một lực lượng quân sự mạnh và tự tin hơn để có thể hợp tác với Ấn Độ trên lĩnh vực an ninh. Ngoài ra, phía Ấn Độ còn giúp Việt Nam nâng cấp và xây dựng đội tàu chiến và máy bay tuần tra, cũng như các nhân viên kỹ thuật trong lực lượng hải quân, cảnh sát biển, không quân và các chuyên gia kỹ thuật trong quân đội Việt Nam.
Ngoài ra, cả Việt Nam và Ấn Độ còn tăng cường hợp tác để đối phó hiệu quả các hiểm họa an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, an ninh năng lượng, HIV/AIDs và dịch bệnh. Mức độ hợp tác quân sự song phương sâu rộng giữa Ấn Độ và Việt Nam trong những năm gần đây được cho là đã “vượt mức quan hệ thông thường giữa các quốc gia”7.
II. TRIỂN VỌNG CỦA QUAN HỆ VIỆT NAM - ẤN ĐỘ
Có thể nói, từ thập niên 1990 đến nay, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và an ninh - quốc phòng đã tiến được những bước rất dài. Hôm nay, cả hai nước vẫn đang bước đi đầy tự tin trên con đường phát triển kinh tế và thịnh vượng. Sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai nước, từ mối quan hệ hiểu biết tin cậy lẫn nhau đến mối quan hệ hợp tác toàn diện và sau đó là mối quan hệ đối tác chiến lược phản ánh sự thay đổi trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập hơn. Triển vọng của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, du lịch là rất lớn. Theo lời của Đại sứ Ấn Độ Ranjit Rae, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các công ty Ấn Độ hoạt động trên các lĩnh vực như dầu khí, thép, khoáng sản, chè, đường, chế biến thực phẩm và đào tạo công nghệ thông tin8.
Nền tảng lâu đời của mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, Chính sách hướng Đông của Ấn Độ, tiềm năng về khoa học công nghệ của Ấn Độ và công cuộc đổi mới của Việt Nam là những yếu tố thuận lợi giúp mang lại nhiều cơ hội thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Bên cạnh đó, sự phát triển của mối liên kết Đông Á và vấn đề biển Đông cũng được Ấn Độ coi là cơ hội tốt để phát triển quan hệ với Việt Nam và giúp Ấn Độ đạt được những mục tiêu chiến lược của mình.
Tuy nhiên, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có thể nêu ra đây một vài khó khăn chủ yếu sau đây:
- Sự thiếu hụt thông tin về đất nước của nhau: mặc dù Việt Nam và Ấn Độ vẫn luôn tự hào về tình bằng hữu có hàng ngàn năm tuổi nhưng những gì mà chúng ta biết về nhau vẫn chủ yếu là những thông tin về chính trị, văn hóa. Còn những thông tin rất cần thiết và mang lại hiệu quả thiết thực cho quan hệ hai bên như những thông tin về kinh tế, thị trường và khoa học kỹ thuật thì vẫn còn rất hạn chế. Theo TS. Tridib Chakraborty, Đại học Jadavpur, Kolkata, Ấn Độ thì “có một sự thiếu hiểu biết đáng ngạc nhiên ở Việt Nam về những tiềm năng và sự phát triển của ngành công nghiệp Ấn Độ. Các công ty ở Việt Nam đã không thâm nhập đúng cách thức vào thị trường Ấn Độ, trong khi đó, giới kinh doanh Ấn Độ vẫn còn chịu ảnh hưởng của cung cách làm việc của giai đoạn bao cấp, và chưa thể hiện được tính cạnh tranh trong một hệ thống kinh tế mở…”9.
- Sự khó khăn về đi lại: mặc dù đã có hiệp định về hàng không dân dụng giữa Ấn Độ và Việt Nam nhưng cho đến nay vẫn chưa có đường bay thẳng giữa hai nước. Điều đáng tiếc là Việt Nam và Ấn Độ là hai nước khá gần nhau ở châu Á nhưng phải mất từ 10 đến 24 tiếng mới đến được New Delhi từ Hà Nội, chủ yếu vì phải dừng chân ở Thái Lan hoặc Malaysia để chuyển máy bay. Do đó, yêu cầu cấp bách đặt ra là hai nước phải thảo luận và xúc tiến kế hoạch đường bay thẳng nhanh chóng để thúc đẩy du lịch và trao đổi kinh tế giữa hai bên.
- Những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, tâm lý và thói quen cũng tạo ra những trở ngại nhất định trong quá trình hợp tác giữa hai bên.
- Vấn đề biển Đông vừa là cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả hai phía.
Trong bối cảnh của những triển vọng và khó khăn nêu trên, chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ngày 12 tháng 10 năm 2011 và việc hai nước ký kết Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm củng cố và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược của cả hai phía. Hai bên đã nhất trí tăng cường mạnh mẽ nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước dựa trên các trụ cột then chốt là hợp tác về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, lãnh đạo hai bên cũng nhất trí tăng thêm các chương trình, dự án cụ thể và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, có tính đến tình hình kinh tế và chính trị đang thay đổi ở cả khu vực và quốc tế. Việc một loạt các cơ quan đơn vị về Ấn Độ được thành lập tại Việt Nam trong năm 2011 như Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Ấn, Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực cao cấp về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ARC-ICT) và việc Ấn Độ tuyên bố thành lập Trung tâm Văn hóa ở Hà Nội cũng mở ra nhiều triển vọng trong quan hệ giữa hai nước.
*       *
*
Nhìn lại mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ thập niên 1990 đến nay, có thể thấy rằng, vượt qua tất cả những khó khăn và trở ngại còn tồn đọng, mối quan hệ giữa hai nước vẫn không ngừng tiến triển và đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Với những thành quả ấy, chúng ta tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đáp ứng niềm mong mỏi của Chính phủ và nhân dân hai nước trong thời kỳ mới.
_______________________

Chú thích
1. IPCS Special Report (2008), No.57, July
2. Saigon Times (2011), Sunday, 14th August,
4. Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ 2011, TTXVN.
5. Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ 2011, TTXVN.
6. Indian News Agency, India-Vietnam defence pact, The Tribune, 28/3/2000.
7. http://nghiencuubiendong.vn, Vì sao Ấn Độ tăng cường hiện diện tại Biển Đông? Thứ 3/20/9/2011.
8. Phỏng vấn Đại sứ Ấn Độ Ranjit Rae, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 14/8/2010.
9. Tridib Chakraborti, 2000, “India and Vietnam: A New Dimension in South-South Economic Cooperation”, Magazine of Asian Studies, Calcultta, Vol 8, No.2.

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Phương Hảo (luận văn tốt nghiệp), 2005, Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (1991-2001), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh.
2. Subhash Kapila (2004), India - Vietnam Strategic Partnership: The Convergence of Interest, South Asia Analysis Group.
3. Indian News Agency, India-Vietnam defence pact, The Tribune, ngày 28/3/2000.
4. Tridib Chakraborti, 2000, “India and Vietnam: A New Dimension in South-South Economic Cooperation”, Magazine of Asian Studies, Calcultta, Vol 8, No.2.
5. Saigon Times, Sunday, 14th August, 2011.

Tạp chí Khoa học xã hội, số 3 (52) - 2012