Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

7. Chính sách đối ngoại mới của Nga

I. Sắc lệnh về Chính sách đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ mới của Tân Tổng thống V.Putin

TCCSĐT - Theo tin của Hãng thông tấn Nga ИТАР-ТАСС ngày 7-5-2012, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh "Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại của Liên bang Nga", trong đó Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định là ưu tiên trong hoạt động đối ngoại của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương. Tạp chí Cộng sản điện tử xin giới thiệu toàn văn Sắc lệnh quan trọng này.

***
Để kiên trì thực hiện Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga nhằm bảo đảm các lợi ích quốc gia của Nga trên cơ sở các nguyên tắc thực dụng, cởi mở và đa phương trong điều kiện đang hình thành hệ thống quan hệ quốc tế mới đa trung tâm, quyết định:
 Trụ sở Bộ Ngoại giao của Liên bang Nga ở Moscow

1. Giao cho Bộ Ngoại giao Liên bang Nga phối hợp với các cơ quan quyền lực hành pháp khác của Liên bang Nga:
a. Phối hợp hành động để tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển dài hạn Liên bang Nga, cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế và củng cố vị thế của Nga như là một đối tác bình đẳng trên thị trường thế giới.
b. Nỗ lực hành động để khẳng định quyền tối cao của pháp luật trong các quan hệ quốc tế; đấu tranh bảo vệ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong các công việc quốc tế, bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Những nguyên tắc đó đòi hỏi phát triển các quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, trong đó trách nhiệm chủ yếu thuộc về Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, mở rộng sự đóng góp của Liên bang Nga vào các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc.
c. Tích cực và chủ động áp dụng các hình thức ngoại giao đa phương khác nhau, bao gồm Diễn đàn Nhóm BRICS, Nhóm G20, Nhóm G8 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
d. Chủ động thực hiện các nỗ lực quốc tế tập thể để đối phó với các nguy cơ và thách thức toàn cầu, bao gồm nguy cơ phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt và phương tiện mang các loại vũ khí đó; chủ nghĩa khủng bố quốc tế; buôn bán ma tuý bất hợp pháp; tội phạm có tổ chức; các xung đột khu vực.
đ. Trong các quan hệ với các quốc gia là thành viên thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập, cần phải:
- Coi sự phát triển hợp tác đa phương và các quá trình liên kết trong không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập là hướng phát triển then chốt trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga; kiên trì thực hiện đường lối nhằm tiếp tục phát triển sự hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia là thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhân đạo, bảo vệ pháp luật và các lĩnh vực khác.
- Nỗ lực hành động để thực hiện có hiệu quả Hiệp ước về Khu vực tự do thương mại từ ngày 18-10-2011.
- Tiếp tục chủ động phát triển sự hợp tác với Cộng hòa Belarus trong khuôn khổ Nhà nước Liên bang.
- Tiếp tục thúc đẩy sự liên kết Á-Âu trong khuôn khổ Liên minh thuế quan và Cộng đồng kinh tế thống nhất giữa Liên bang Nga với Cộng hòa Belarus và Cộng hòa Kadastan; xây dựng Liên minh kinh tế Á-Âu vào ngày 01-01-2015 xuất phát từ tính mở của các quá trình này để kết nạp thêm các quốc gia khác, trước hết là các thành viên thuộc Cộng đồng kinh tế Á-Âu và các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, nỗ lực tạo vị thế quốc tế cho các cơ cấu liên kết mới.
- Củng cố Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể; củng cố các cơ chế phản ứng linh hoạt trước các thách thức và nguy cơ hiện đại và tăng cường tiềm năng gìn giữ hòa bình, hoàn thiện cơ chế phối hợp chính sách đối ngoại trong khuôn khổ tổ chức này.
- Tiếp tục tích cực tham gia quá trình tìm kiếm cách giải quyết vấn đề liên quan đến vùng tranh chấp Pridnestrovsk trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và vị thế trung lập của Cộng hòa Moldova trong khi xác định quy chế đặc biệt của vùng này.
- Tiếp tục kiên trì hoạt động nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Pridnestrovsk bằng cách phối hợp với các quốc gia khác tham dự đồng Chủ tịch nhóm Minsk của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu trên cơ sở các nguyên tắc được trình bày trong các Tuyên bố chung của Tổng thống Liên bang Nga, Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp trong những năm 2009-2011.
e. Nỗ lực hành động để giúp đỡ Cộng hòa Abkhazia và Cộng hòa Nam Ossetia phát triển như là những nhà nước dân chủ hiện đại, củng cố vị thế quốc tế của họ, bảo đảm an ninh tin cậy và khôi phục kinh tế-xã hội ở những nước cộng hòa đó.
f. Trong quan hệ với Liên minh châu Âu, cần phải:
- Ủng hộ việc đạt được mục tiêu chiến lược là xây dựng không gian kinh tế và con người thống nhất từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương.
- Nỗ lực hành động để ký kết Hiệp định với Liên minh châu Âu về bãi bỏ chế độ thị thực nhập cảnh trong các chuyến đi ngắn hạn của công dân các nước.
- Bảo vệ các nguyên tắc bình đẳng và các bên cùng có lợi khi nghiên cứu xây dựng Hiệp ước cơ bản mới giữa Liên bang Nga và Liên minh châu Âu về đối tác chiến lược.
- Tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả chương trình "Đối tác để hiện đại hóa".
- Phát triển quan hệ đối tác năng lượng các bên cùng có lợi nhằm xây dựng tổ hợp năng lượng thống nhất ở châu Âu, đồng thời tuân thủ nghiêm túc các cam kết thỏa thuận song phương và đa phương.
g. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cần phải:
- Đẩy mạnh sự tham gia các quá trình liên kết khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực Đông Siberia và Viễn Đông của Liên bang Nga.
- Đề xuất các sáng kiến nhằm xây dựng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cơ cấu an ninh và hợp tác mới dựa trên cơ sở nguyên tắc tập thể và không tham gia các khối liên minh, các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, nguyên tắc an ninh công bằng và không thể tách rời giữa các nước.
- Nghiên cứu soạn thảo các đề nghị bổ sung để đưa vào Chương trình nghị sự của các Diễn đàn Đông Á và Diễn đàn đối thoại đối tác Nga-ASEAN.
- Củng cố và làm sâu sắc thêm đối tác tin cậy công bằng và sự hợp tác chiến lược với Cộng hòa Dân nhân Trung Hoa, đối tác chiến lược với Cộng hòa Ấn Độ, với Cộng hòa Xã hội chú nghĩa Việt Nam; phát triển hợp tác hai bên cùng lợi với Nhật Bản, Cộng hòa Hàn Quốc, Australia, Tân Tây Lan và các quốc gia có vai trò then chốt khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
h. Trong quan hệ với Hoa Kỳ, cần phải:
- Thực hiện chủ trương duy trì sự hợp tác ổn định và có thể dự báo được trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và tôn trọng lợi ích của nhau nhằm đưa hợp tác giữa hai nước lên tầm cao chiến lược mới.
- Củng cố sự ưu tiên nhằm cải thiện chất lượng hợp tác kinh tế thương mại, mở rộng hoạt động của Ủy ban Nga-Hoa Kỳ trực thuộc tổng thống, bảo đảm chế độ thương mại song phương bình đẳng và không phân biệt đối xử trong thương mại song phương trên cơ sở thường xuyên và vô điều kiện.
- Tích cực hoạt động nhằm không cho phép Hoa Kỳ áp đặt các lệnh cấm vận đơn phương bên ngoài lãnh thổ chống lại các quan chức pháp lý cũng như các công dân Nga.
- Thúc đẩy các sáng kiến liên quan đến việc tiếp tục tự do hóa chế độ cấp thị thực xuất nhập cảnh.
- Bảo đảm kiên trì thực hiện Hiệp ước giữa Liên bang Nga và Hoa Kỳ về các biện pháp tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược mà hai nước đã ký kết ngày 8-4-2010.
- Phải xuất phát từ tình hình các cuộc đàn phán về tiếp tục cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện tính đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược toàn cầu.
 
- Kiên trì đấu tranh để bảo vệ quan điểm của Nga liên quan đến việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Hoa Kỳ, đồng thời bảo đảm xây dựng những cơ sở bền vững để bảo đảm rằng hệ thống này không nhằm chống lại các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga.
i. Tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, cần phải:
- Tiếp tục hành động để xây dựng hệ thống an ninh công bằng và không thể tách rời trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương trên cơ sở luật pháp quốc tế.
- Phát triển các mối quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong điều kiện liên minh này tính đến các lợi ích của Liên bang Nga trong lĩnh vực an ninh và ổn định chiến lược, tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của pháp lý quốc tế.
- Đề xuất sáng kiến nhằm tái cấu trúc Tổ chức về an ninh và hợp tác ở châu Âu nhằm biến tổ chức này thành một cơ chế hiệu quả trong quá trình hợp tác tập thể vì lợi ích của tất cả các nước thành viên.
- Ủng hộ hoạt động của Hội đồng châu Âu nhằm củng cố không gian pháp lý thống nhất đối với tất cả các quốc gia ở châu Âu.
k. Tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước Mỹ Latinh và vùng biển Caribe; phối hợp quan điểm về chương trình nghị sự của các diễn đàn quốc tế, bảo đảm thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện tiềm năng của các thị trường đang nổi ở Mỹ Latinh để củng cố vị thế của các hãng và công ty của Nga trong các lĩnh vực đang phát triển năng động của công nghiệp, năng lượng, truyền thông và giao thông vận tải, cũng như phát triển hợp tác với các tổ chức đa phương ở khu vực này.
l. Phát triển các mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi nhằm tiếp tục thúc đẩy các lợi ích kinh tế và địa chính trị của Liên bang Nga trên cơ sở hợp tác đa diện và các bên cùng có lợi, mở rộng cuộc tiếp xúc với Liên minh châu Phi và các tổ chức liên khu vực trong việc giải quyết các vấn đề của châu Phi.
m. Trong điều kiện xảy ra các tình huống khủng hoảng, cần phải:
- Tiếp tục đấu tranh để thực hiện chủ trương giải quyết các cuộc xung đột khu vực bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao trên cơ sở hành động tập thể của cộng đồng quốc tế thông qua việc thu hút tất cả các bên có liên quan vào các cuộc đàm phán.
- Thúc đẩy quá trình dàn xếp toàn diện cho cuộc xung đột giữa các nước Arab với Israel trên cơ sở pháp lý quốc tế đã được công nhận.
- Ủng hộ việc thành lập ở Trung Đông các khu vực không có vũ khí sát thương hàng loạt và phương tiện mang loại vũ khí đó.
- Chủ trương giải quyết các cuộc xung đột nội bộ của các quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi bằng cách chấm dứt bạo lực xuất phát từ bất cứ bên nào, tiến hành đối thoại ở cấp độ quốc gia mà không cần điều kiện tiên quyết, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
- Trên cơ sở song phương và phối hợp với các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng như trong khuôn khổ các đề án theo hướng Hội đồng Nga-NATO để giúp đỡ Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan trong việc xây dựng một nhà nước dân chủ, hòa bình, động lực, có khả năng tự mình giải quyết các vấn đề chống khủng bố, chống ma tuý và tội phạm có tổ chức.
- Nỗ lực giải quyết tình hình liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran bằng các phương tiện chính trị và ngoại giao, thông qua đối thoại, trên cơ sở từng bước và có thể chấp nhận được đối với các bên.
- Thúc đẩy giải quyết hòa bình, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ tiến trình đàm phán 6 bên và tiếp tục hoạt động nhằm xây dựng cơ chế hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á.
n. Tiếp tục hoạt động có định hướng để khẳng định đường biên giới của Liên bang Nga theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả biên giới bên ngoài thềm lục địa và phân định các vùng lãnh hải tiếp giáp nhằm bảo đảm vô điều kiện lợi ích quốc gia của Nga, trước hết trong lĩnh vực an ninh và kinh tế, xuất phát từ nhiệm vụ củng cố lòng tin và hợp tác với các quốc gia có liên quan.
o. Thực hiện đường lối mang tính xây dựng nhằm củng cố sự hợp tác đa diện ở Bắc Cực trong điều kiện tôn trọng chủ quyền và cơ sở pháp lý của các quốc gia ở Bắc Cực.
p. Tiếp tục hoạt động nhằm duy trì và mở rộng sự hiện diện của Liên bang Nga ở Nam Cực dựa trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các cơ chế và biện pháp đề ra trong Hiệp định về Nam Cực.
q. Nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Nga trên thị trường quốc tế, bảo đảm các hoạt động ngoại giao cho các đề án kinh doanh của Nga, chống lại sự phân biệt đối xử đối với các tổ chức hoạt động kinh tế đối ngoại của Nga ở nước ngoài.
r. Trong lĩnh vực quan hệ nhân đạo quốc tế, cần phải:
- Tích cực hoạt động nhằm bảo vệ quyền con người, chống lại các hoạt động sử dụng quan niệm nhân quyền làm công cụ gây áp lực chính trị và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
- Bảo đảm bảo vệ toàn diện quyền, quyền tự do và lợi ích hợp pháp của các công dân Nga ở trong nước cũng như ở nước ngoài, áp dụng các biện pháp nhằm mở rộng các cơ quan tham tán của Liên bang Nga ở nước ngoài, tăng đầu tư ngân sách từ ngân sách Liên bang cho các đề án có liên quan của Ủy ban Chính phủ phụ trách về công dân Nga ở nước ngoài và tổ chức phi thương mại "Quỹ hỗ trợ và bảo vệ quyền của các công dân Nga ở nước ngoài".
- Nỗ lực hoạt động để xây dựng cơ sở pháp lý bền vững và cơ chế nhằm bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các trẻ em Nga được nhận làm con nuôi ở nước ngoài, trong đó có việc ký kết các hiệp định liên chính phủ tương ứng và chuẩn bị đề xuất về những thay đổi cần thiết trong luật pháp của Liên bang Nga.
- Mở rộng sự hiện diện văn hóa của Nga ở nước ngoài, củng cố vị thế của tiếng Nga trên thế giới, phát triển mạng lưới các Trung tâm khoa học và văn hóa Nga.
s. Nhằm nâng cao hiệu quả chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, cần sử dụng có hiệu quả hơn tiềm năng ngoại giao nhân dân, thu hút xã hội Nga vào các hoạt động đối ngoại, củng cố sự hợp tác với Ban xã hội của Liên bang Nga, Tổ chức phi thương mại "Quỹ Ủng hộ ngoại giao nhân dân mang tên A.M.Gorchacov", với các tổ chức phi chính phủ khác có định hướng hoạt động đối ngoại, hỗ trợ họ tham gia rộng rãi hơn vào hoạt động của các diễn đàn đối thoại chính trị ở cấp chuyên gia, trong sự hợp tác nhân đạo quốc tế.
t. Hoàn thiện môi trường thông tin cho hoạt động đối ngoại nhằm tạo dựng cảm nhận khách quan về Liên bang Nga trên trường quốc tế.
u. Bảo đảm bảo vệ quyền của Liên bang Nga đối với các bất động sản ngoại giao ở nước ngoài; thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bố trí các đại diện ngoại giao của các nước trên lãnh thổ Liên bang Nga.
2. Giao cho Chính phủ Liên bang Nga soạn thảo chiến lược củng cố tiềm năng cán bộ và các nguồn lực của hệ thống Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga, Cơ quan của Liên bang Nga phụ trách về Cộng đồng các quốc gia độc lập, các công dân Nga đang sống ở nước ngoài và về sự hợp tác nhân đạo quốc tế.
3. Bộ Ngoại giao Liên bang Nga cần phải:
a. Trước tháng 12-2012 đệ trình Dự thảo phiên bản mới Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga.
b. Đảm bảo phối hợp các hoạt động liên quan đến việc thực hiện Sắc lệnh này.
4. Sắc lệnh này có hiệu lực kể từ ngày công bố chính thức (7-5-2012)./.
Lê Thuỳ Dương biên dịch
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2012/16065/Sac-lenh-ve-Chinh-sach-doi-ngoai-cua-Nga-trong-nhiem-ky.aspx
 
 
 
 
II. Liệu chính sách đối ngoại của Nga có thay đổi?

TCCSĐT - Với hơn 64% số phiếu ủng hộ, Thủ tướng Nga V. Putin đã giành chiến thắng ngay từ vòng một của cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga và sẽ chính thức nhậm chức trong tháng 5-2012. Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay, đồng thời cũng là đòi hỏi của cử tri Nga, là liệu nước Nga sẽ có những thay đổi gì trong nhiệm kỳ 6 năm tới dưới chính quyền của ông V.Putin - vị tổng thống thứ 4 của đất nước rộng lớn nhất thế giới. Bài viết tập trung vào những khả năng thay đổi trong lĩnh vực đối ngoại của bộ đôi Putin - Medvedev, một ê kíp vừa “mới” vừa “cũ”.

Nhìn lại chính sách đối ngoại Nga dưới thời Tổng thống D.Medvedev
Ngày 7-5-2008, ông D. Medvedev bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với rất nhiều thuận lợi từ di sản của chính quyền Tổng thống V. Putin. Thuận lợi lớn nhất, xét dưới góc độ nội trị, chính là kinh tế Nga tăng trưởng liên tục trong suốt hai nhiệm kỳ (8 năm) của ông V. Putin. Xét dưới góc độ đối ngoại, chính sách vừa cứng rắn, vừa có tính thực dụng cao của chính quyền Putin đã nâng vị thế nước Nga lên một tầm cao mới. Cựu Thủ tướng Anh T. Blair đã từng nhận xét: “Nước Nga dưới thời Putin đã mạnh lên rất nhiều, khiến thế giới phải tính đến họ trong mọi vấn đề, dù là vấn đề nhỏ nhất”(1)). Tuy nhiên, để có được vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới, mâu thuẫn giữa Nga với các nước phương Tây cũng gia tăng.
Khi nhậm chức, Tổng thống D. Medvedev tuyên bố tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại “tự chủ và có định hướng ưu tiên phát triển quan hệ với các láng giềng gần” và “Định hướng cơ bản của chính sách đối ngoại (thông qua năm 2000) vẫn là những nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động đối ngoại của LB Nga” (nội dung cơ bản của định hướng này là nguyên tắc “thực dụng, đa phương, thúc đẩy lợi ích quốc gia nhưng không gây đối đầu”). Tuy nhiên, tình hình đã có những biến chuyển mang tính đột biến. Ngay sau lễ nhậm chức, chính quyền của ông D. Medvedev lập tức phải đối mặt với một tình thế nan giải ở Nam Ossetia (tháng 7, 8-2008) và đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu bắt đầu bùng phát (tháng 9-2008). Những khó khăn kế tiếp đến từ việc tăng trưởng kinh tế đạt được chủ yếu do giá nhiên liệu thế giới tăng cao, nền kinh tế ngày càng trở nên thiếu cân đối (dầu lửa và khí đốt chiếm tới 2/3 lượng hàng xuất khẩu) cũng như khoảng cách giàu nghèo tăng vọt(2). Tuy nhiên, chính những khó khăn này lại là cơ sở để tạo ra sự khác biệt trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thông D.Medvedev so với 8 năm trước đó. Tháng 7-2008, Tổng thống D. Medvedev công bố bản Định hướng chính sách đối ngoại mới mà nội dung của nó dựa trên luận điểm “nước Nga giờ đây đã vươn dậy”. Dường như những khó khăn nảy sinh lại được chính quyền của ông D. Medvedev nhìn nhận như những cơ hội để nâng tầm vóc nước Nga. Những điều chỉnh trong bản định hướng mới này đã được thực tế sau đó chứng minh là đúng đắn.
Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, Tổng thống D. Medvedev đã để lại dấu ấn qua một số thành công sau:
Thành công đầu tiên chính là việc cải thiện quan hệ với Mỹ, mặc dù quan hệ hai nước từng rơi vào tình trạng căng thẳng từ thời tổng thống tiền nhiệm và từ cuộc chiến tại Nam Ossetia (tháng 8-2008). Việc Tổng thống B. Obama tuyên bố dừng triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu (tháng 9-2009), kế hoạch mà nước Nga luôn phản đối quyết liệt, đã giúp cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START) được ký kết (ngày 8-4-2010), tạo cơ sở tin cậy lẫn nhau giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Sau thỏa thuận START mới, chuyến thăm nước Mỹ của Tổng thống D.Medvedev (ngày 22 đến 24-6-2010) cũng đã đem đến cho nước Mỹ ít nhất là hợp đồng trị giá gần 4 tỉ USD, tạo ra 44.000 việc làm cho người dân Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng. Quan hệ Nga - Mỹ nồng ấm trở lại cũng khiến quan hệ của Nga với EU được cải thiện. Sáng kiến về một hiệp định an ninh mới ngang nhau và không tách rời ở châu Âu của Nga đã mở ra một giai đoạn đối thoại mới bình đẳng giữa Nga và EU.
Thành công trên đã giúp nước Nga kết thúc 18 năm đàm phán và trở thành thành viên thứ 154 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 12-2011. Đây có thể được coi là một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Tổng thống D. Medvedev, bởi trước đó, chính quyền của Tổng thống V.Putin không thực sự mặn mà với việc gia nhập WTO. Liệu sự thay đổi này có đem đến những cơ hội mới cho nước Nga như mong đợi không còn phải chờ thời gian trả lời, nhưng rõ ràng với tư cách thành viên WTO, các doanh nghiệp Nga sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, và chí ít là, nước Nga sẽ bình đẳng hơn với các thành viên khác của G 20(3).
Những thành công trên cộng với đà tăng trưởng kinh tế 4%/năm được duy trì trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đã giúp nước Nga tự tin hơn và có những quyết định thể hiện vai trò của một cường quốc thực sự trên trường quốc tế. Tiêu biểu trong số đó là chính sách bảo vệ quyền tự quyết của Syria trước sức ép của Mỹ và EU. Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an để bác bỏ một nghị quyết mà có tới 13 phiếu ủng hộ(4). Hơn thế, ngoài khuôn khổ Liên hợp quốc, những hoạt động tích cực của Nga tại các diễn đàn đa phương như G20, APEC v.v.. cho thấy, dưới thời Tổng thống D.Medvedev, nước Nga không chỉ đơn thuần dựa vào lợi thế dầu lửa để khẳng định vị thế mới.
Chính quyền của Tổng thống Medvedev cũng đạt được những bước tiến mới trong việc củng cố tính gắn kết Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Bắt đầu từ ngày 1-7-2011, Liên minh Thuế quan giữa Nga, Belarus và Kazakhstan đi vào hoạt động (Hiệp định được ký vào tháng 1-2010). Một hiệp định thương mại tự do giữa các thành viên SNG cũng đã được ký vào tháng 11-2011 và sẽ có hiệu lực từ năm 2012. Thành công này giúp làm tan dần những nghi kỵ còn giữa Nga với các thành viên SNG. Trong Thông điệp liên bang ngày 23-12-2011, khi đánh giá về thành công trong hoạt động đối ngoại, Tổng thống D. Medvedev đã không nhắc tới cuộc chiến ở Nam Ossetia hồi tháng 8-2008. Có thể nói, đây là một trong những thành công rất quan trọng của chính quyền Medvedev. Phản ứng có tính chấp nhận “sự đã rồi” của các nước phương Tây cho thấy cách ứng xử hợp lý “vừa cứng, vừa mềm” của chính quyền Tổng thống D. Medvedev.
Cùng với những thành công như vậy, hoạt động đối ngoại của chính quyền D.  Medvedev cũng không tránh khỏi những hạn chế:
Một trong những hạn chế lớn nhất được thể hiện trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương. Trong “Định hướng đối ngoại” năm 2008, Tổng thống D. Medvedev đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực này và sự cần thiết phải phát huy vai trò tại đây thông qua các cơ chế Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC). Tuy nhiên, trong suốt 4 năm qua, quan hệ giữa Nga với khu vực, trước hết với hai nước trong nhóm BRIC là Trung Quốc và Ấn Độ, hầu như không có tiến triển đáng kể nào. Thí dụ điển hình cho tình trạng này là quan hệ thương mại giữa Nga với châu Á chỉ dừng ở mức xấp xỉ 100 tỉ USD (tổng xuất nhập khẩu của Nga năm 2010 là 747,1 tỉ USD), trong đó thương mại với Trung Quốc chiếm tới 36% tổng số xuất nhập khẩu của Nga vào châu Á(5).  Điều này chỉ có thể lý giải rằng, đó là do chính quyền của ông D. Medvedev đã ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với phương Tây, trước hết là cải thiện quan hệ với Mỹ và việc gia nhập WTO.
Quan hệ Nga - phương Tây, mặc dù có một số động thái tích cực trong thời gian qua, nhưng vẫn chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn và chưa thể đi theo chiều hướng ổn định. Từ đầu năm 2012, những diễn biến tại Syria và Iran khiến quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU dần trở nên căng thẳng.
Những thay đổi trong Cộng đồng SNG thời gian vừa qua mới chỉ mang tính chất khởi động, bởi lẽ, hầu hết các hiệp định được ký kết vẫn còn nằm trên bàn. Cũng giống như trong quan hệ với các nước châu Á, những khác biệt về trình độ phát triển hay khoảng cách địa lý vẫn là những rào cản mà chính quyền của Tổng thống Medvedev, cũng như các chính quyền trước đó, chưa khắc phục được để có thể thúc đẩy quan hệ với các nước SNG lên một tầm cao mới.
Nước Nga sẽ thay đổi ra sao khi tân tổng thống nhậm chức?
Trước thềm bầu cử, phần đông cử tri Nga đều thể hiện sự ủng hộ đối với ông V.Putin bởi họ cho rằng chỉ có ông mới đủ khả năng củng cố, duy trì được những thành công trong 12 năm qua. Tuy nhiên, người dân Nga cũng rất mong đợi những thay đổi từ chính ông V. Putin, bởi cũng chính trong khoảng thời gian điều hành của bộ đôi Putin - Medvedev đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là trong việc giải quyết những vấn đề xã hội, như chênh lệch giàu nghèo và tham nhũng. Trong chiến dịch tranh cử, ông V.Putin đã đưa ra một chương trình 8 điểm bao gồm các định hướng, như hiện đại hóa nền kinh tế, chống đói nghèo và tham nhũng, tiếp tục cải cách chính trị, củng cố thống nhất dân tộc và một chính sách đối ngoại độc lập(6). Đây là một chương trình đầy tham vọng bởi trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - kinh tế và những biến động chính trị trên thế giới như hiện nay, việc thực hiện được những cam kết này hoàn toàn không dễ dàng. Căn cứ vào những mục tiêu mà tân tổng thống Nga hé mở cùng với những di sản của giai đoạn trước, dự báo, có nhiều khả năng nước Nga sẽ có điều chỉnh chính sách đối ngoại theo những hướng sau:
Trước hết, chính quyền mới sẽ phải giải quyết những vấn đề nảy sinh sau khi gia nhập WTO, như xác định vai trò của nhà nước, tạo điều kiện, điều chỉnh để các doanh nghiệp tư nhân Nga, vốn dĩ có khả năng cạnh tranh không cao, tiếp cận được các thị trường mới. Tuy nhiên, chính quyền của tổng thống mới sẽ khó có những điều chỉnh lớn một cách nhanh chóng bởi muốn tái cơ cấu một nền kinh tế (thiên về xuất khẩu nguyên, nhiên liệu thô) đòi hỏi phải có thời gian. Ngay trong năm 2011, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng ơ-rô, đà tăng trưởng của Nga bắt đầu có dấu hiệu đi xuống (theo dự báo của hãng xếp hạng tín dụng Standard and Poors, năm 2012, tăng trưởng của kinh tế Nga sẽ chỉ còn khoảng 3,5% so với 4,3% năm 2011)(7). Hơn nữa, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ thủ tướng, ông V.Putin cũng nhận thấy đã đến lúc phải có những cải cách sâu rộng vừa để thích nghi với hoàn cảnh mới vừa nhằm khắc phục những bất cập của mô hình kinh tế thiếu cân đối, chủ yếu chỉ dựa vào giá nhiên liệu. Chính vì thế, trong nhiệm kỳ này, dự đoán, ông V. Putin sẽ có một chính sách thực dụng và mềm dẻo hơn trong quan hệ với các nước phương Tây; quan hệ Nga - Mỹ sẽ ít có đột biến theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực.
Tiếp tục củng cố SNG bằng cách bắt đầu triển khai các hiệp định đã ký sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của tân tổng thống. Trong nhiệm kỳ này, ông V.  Putin sẽ phải có những điều chỉnh theo hướng mềm dẻo hơn trong quan hệ với các thành viên để khu vực tự do thương mại thực sự có hiệu quả. Chính sách được thực hiện dưới thời chính quyền D. Medvedev trong quan hệ với SNG đã khắc phục được phần nào những mâu thuẫn nội bộ cộng đồng. Một thực tế là còn quá nhiều những khác biệt giữa các thành viên SNG. Sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước này sẽ có dịp bộc lộ và sẽ là động lực thúc đẩy những chính sách bảo hộ khi khu vực thương mại tự do đi vào hoạt động. Mặt khác, những bất đồng như giữa Nga với Ukraine về khí đốt hay giữa Nga với Gru-di-a về các vùng đất tự trị vẫn luôn âm ỉ, chờ dịp bùng phát, nếu không được giải quyết triệt để, và luôn bị các thế lực bên ngoài SNG lợi dụng để can thiệp. Dung hòa được những bất cập do tính đa dạng giữa các thành viên của SNG là bài toán hóc búa trong không gian hậu Xô viết. Rõ ràng, những khó khăn, thách thức trên khó có thể khắc phục được ngay trong nhiệm kỳ của chính quyền của Tổng thống V. Putin. Sự mềm dẻo, thậm chí là nhân nhượng của bộ đôi Putin - Medvedev trong quan hệ với các nước SNG đến mức độ nào vẫn là một ẩn số.
Một hướng điều chỉnh lớn được trông đợi ở chính quyền mới là trong quan hệ với khu vực châu Á. Trong chương trình tranh cử, ông V. Putin không ít lần khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước châu Á. Dự án liên minh Nga - Ấn Độ - Trung Quốc sẽ không tái hiện như 8 năm về trước nhưng chính quyền mới của ông V.Putin sẽ đẩy mạnh việc mở rộng Liên minh kinh tế Á - Âu. Trong thời điểm hiện tại, quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Trung Quốc rõ ràng đem đến cho nước Nga nhiều mặt thuận lợi không chỉ về kinh tế, chính trị mà còn cả về an ninh. Thúc đẩy quan hệ với ASEAN cũng sẽ là một trong những hướng điều chỉnh trong tổng thể chính sách châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Putin, bởi ông V. Putin cho rằng, chính các nước châu Á sẽ giúp nước Nga đạt được mục tiêu thịnh vượng vững chắc(8).
Chính quyền mới cũng sẽ tiếp tục chính sách tăng cường can dự vào Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latin mà Tổng thống D. Medvedev đã thực hiện vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của mình. Đơn giản bởi đây là đòn bẩy để nền kinh tế số 6 thế giới khẳng định vai trò của mình. Hơn thế, nhiều dự báo cho rằng, trong năm 2012 kinh tế Nga sẽ bắt đầu chựng lại. Các đối tác này sẽ giúp Nga duy trì được sự ổn định, khắc phục những thiệt hại có thể nảy sinh trong quan hệ với phương Tây do chính việc tăng cường can dự vào các khu vực này.
Trên thực tế, nước Nga luôn chứa đựng rất nhiều ẩn số từ sau khi Liên Xô tan rã đến nay. Mọi dự báo vẫn chỉ là dự báo, tất cả vẫn còn ở phía trước và phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm và cách điều hành của chính quyền của Tổng thống V. Putin. Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định là, chính quyền mới sẽ tiếp tục duy trì những đường hướng đối ngoại của 12 năm qua. Những khả năng điều chỉnh của nước Nga được nêu ra trên đây chỉ là những thay đổi tất yếu nhằm thích ứng với điều kiện hoàn cảnh mới mà thôi. Xét tổng thể, chính sách đối ngoại của nước Nga thời Putin “mới” sẽ thay đổi, nhưng không nhiều./.

--------------------------------------------------------
(1) Time Magazine, ngày 31-12-2007
(2) Viện thông tin Khoa học xã hội: Nước Nga sau Putin: sự gia tăng các vấn đề, Tài liệu phục vụ nghiên cứu, số: TN 2009 - 28& 29
(3) Anders Aslund: Why doesnt Russia joint the WTO?, The Whashington Quarterly, April 2010, p. 49-63
(4) Ngày 5-2-2012, Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phủ quyết nghị quyết lên án chính quyền Syria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
(6) Báo “Thương mại” (Kommersant) (Nga), ngày 6-2-2012
Đỗ Sơn HảiTS, Học viện Ngoại giao
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2012/15730/Lieu-chinh-sach-doi-ngoai-cua-Nga-co-thay-doi.aspx