Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

24. Bắc Cực: Cơ hội hợp tác mới?


Phần I - Một khu vực giàu tài nguyên
Biendong.net - Một vài năm trở lại đây, tình trạng biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên dẫn đến việc tan nhanh các tảng băng Bắc Cực - vốn được coi là không thể xâm nhập - khiến vùng biển đầy băng này đang trở thành một thiên đường mới.
Nhiều nước đang hợp tác với nhau để khai thác tài nguyên tại Bắc Cực, đồng thời mở ra các tuyến đường hàng hải mới.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy đáy biển Bắc Cực chứa đựng nguồn tài nguyên rất quan trọng là dầu khí. Theo Viện địa lý Mỹ (USGS), khu vực Bắc Cực có trữ lượng dầu thô chưa được khai thác khoảng 90 tỷ thùng, khí đốt tự nhiên 1,669 nghìn tỷ m3 và khí tự nhiên hóa lỏng 44 tỷ thùng. Điều này tương ứng với 13% trữ lượng dầu mỏ trên toàn thế giới chưa được khai thác, 30% khí đốt tự nhiên và 20% khí tự nhiên hóa lỏng. Đa số các mỏ dầu nằm ở ngoài khơi, tập trung chính tại 5 vùng lòng chảo: Arctic Alaska, Amerasia, East Greenland Rift, East Barents và West Greenland East. Khí đốt cũng có trữ lượng lớn ngoài khơi và tập trung chính trong 3 khu vực: West Siberian, East Barents và Arctic Alaska. Từ Alaska đến các đảo Sakhaline cũng hình thành một vành đai năng lượng mới.
Ảnh: http://beautifulplacestovisit.com/arctic/the-north-pole/.
Bắc Cực cũng có các nguồn nguyên liệu quan trọng khác như: kim cương, măngan, đồng, cô ban, phốt phát, niken, aluminum, urani, gali, inđi… Các tập đoàn Deawoo, Rio Tinto, De Beers đang tích cực khai thác kim cương tại Nunavut (Canada). Điều này có nghĩa các nguồn tài nguyên dự báo chưa hoàn toàn được chứng minh bởi phần lớn đáy Bắc Cực chưa được thăm dò.
Tuy nhiên, việc khai thác đòi hỏi những công nghệ mới và do khoảng cách xa so với các thị trường, cần có các phương tiện giao thông thích ứng, điểm chứa, tàu vận tải, đường ống dẫn và các tuyến đường. Theo một nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) liên quan tới việc khai thác dầu khí: “Mỗi thùng dầu được khai thác tại những nơi dễ tiếp cận nhất tại Bắc Cực sau khi trừ công lọc, trang thiết bị sản xuất… sẽ có giá từ 35-40 USD/thùng”. Đối với những giếng dầu phức tạp hơn, giá mỗi thùng dầu sẽ vào khoảng 100 USD. Ngoài ra còn những thách thức khác: môi trường, các đạo luật khác, bảo trì cơ sở hạ tầng. Theo một số nghiên cứu, các nguồn tài nguyên tại Bắc Cực sẽ không thể được đưa vào thị trường đều đặn trước năm 2025 hay 2050. Trong ngắn hạn, Bắc Cực ít có khả năng tăng cường lượng cung khí đốt hay là giải pháp thay thế cho các khu vực giàu tài nguyên khác.
Hiện những tuyến đường vận tải chính đi qua Bắc Cực là tuyến đường biển Tây-Bắc và Đông-Bắc. Tuy nhiên, tuyến Tây Bắc ngày nay khó di chuyển hơn tuyến Đông Bắc do một số nơi có độ sâu hạn chế, thiếu thiết bị hậu cần và tàu phá băng. Còn tuyến Đông Bắc thuận lợi hơn do lớp băng mùa đông tan nhanh, song độ sâu cũng chỉ cho phép các tàu cỡ trung bình đi qua. Tuyến Đông Bắc ngắn hơn tuyến Tây Bắc; tuyến từ các cảng Địa Trung Hải đến châu Á qua kênh đào Xuyê gần hơn; từ Nam Âu đến phía Tây nước Mỹ qua kênh đào Panama gần hơn; các tuyến đường càng gần phía Bắc thì có thuận lợi, tuyến Rotterdam-Yokohama qua Bắc Cực gần hơn. Để biến Bắc Cực thành khu vực có lãi, những công nghệ cần thiết và việc phát triển các tuyến hàng hải sẽ mất vài năm. Rất nhiều chủ tàu buôn tỏ ra thận trọng do lo ngại về các tuyến hảng hải mới qua Bắc Cực, đó là việc xác định thời gian chính xác băng tan để đi qua. Có thể tuyến đường ngắn hơn song lại phải đi chậm, cộng với phí bảo hiểm tàu bè tăng cao khi đi qua những nơi nguy hiểm như Bắc Cực… Chính vì vậy cần phải xác định lại xem các tuyến đường biển này có mang lại lợi ích hay không.

Nằm tại vòng cực Bắc (66°34’03’’ xích đạo Bắc), khu vực này gồm rất nhiều biển và liên quan tới 8 nước (Nauy, Đan Mạch, Canađa, Nga, Mỹ, Thụy Điển, Aixơlen và Phần Lan), trong đó có 5 nước ven biển trực tiếp. Tuy nhiên, lợi ích khu vực này không chỉ giới hạn trong các nước giáp ranh, mà còn các nước khác, trong đó Trung Quốc cũng xem nơi đây là một thách thức địa chiến lược và thèm khát Bắc Cực. Vậy là những thực tế mới về khí hậu mở ra các cơ hội địa chiến lược, địa kinh tế và không thoát khỏi bàn tay các cường quốc.
Bắc Cực không chỉ giàu tài nguyên hải sản, mà còn gồm dầu khí và những khoáng sản khác, và cũng có khả năng mở ra các tuyến hàng hải thương mại và quân sự mới. Do đó, mỗi chỏm đất nổi lên từ nay đều là mục tiêu tranh giành địa chính trị, trong đó mục tiêu ngầm là giành các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quan trọng. Chính vì vậy, nhiều nước yêu sách chủ quyền các lãnh thổ trong khu vực để mở rộng EEZ: Đan Mạch (EU), Mỹ, Nga, Nauy và Canađa. Ví dụ tồn tại những tranh chấp giữa Đan Mạch và Canađa (đảo Hans), giữa Nga và Mỹ (eo biển Bering), giữa Canađa và Mỹ (biển Beaufort). Thierry Garcin, tác giả cuốn sách “Bắc Cực-không gian địa chính trị mới", nhận xét: “Thế giới Bắc Cực từ nay phụ thuộc vào việc khí hậu trái đất nóng lên: lớp vỏ băng tan đi, các nguồn tài nguyên hải sản, các tuyến hàng hải nối giữa Nga và Canađa. Những mỏ dầu khí lớn (biển Barents), các cuộc thăm dò các nguồn nguyên liệu trên mặt đất và dưới biển, việc xây dựng các cơ sở khí hóa lỏng, những nguy cơ gây ô nhiễm hạt nhân (bán đảo Kola của Nga), những thách thức về chủ quyền và khu vực ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của khu vực này đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, là những hồ sơ quan trọng cho toàn bộ vùng địa chiến lược này trong thời gian tới”.
Những yêu sách lãnh hải
Tất cả các nước giáp giới đều yêu sách một phần khu vực, ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Công ước Montego Bay nêu rõ một Nhà nước ven biển có thể mở rộng EEZ tối đa đến 350 dặm biển với điều kiện thềm lục địa trải dài đến tận đó. Các Nhà nước yêu sách lãnh hải cần gửi hồ sơ lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa. Một khi các nước đã phê chuẩn Công ước Montego Bay , họ có 10 năm để lập hồ sơ. Trong khi 5 nước ven Bắc Cực đã xác nhận trong Tuyên bố Ilulissat (Greenland) năm 2008 giải quyết tranh chấp lãnh hải thông qua Công ước Montego Bay thì Mỹ lại chưa phê chuẩn công ước này. Điều này ảnh hưởng đến tính hợp lệ và làm suy yếu những lập luận của các Nhà nước đã phê chuẩn công ước. Nauy, Nga , Canađa và Đan Mạch đã phê chuẩn Công ước Montego Bay theo thứ tự thời gian 24/6/1996, 12/3/1997, 7/11/2003 và 16/11/2003.
Phần 2. Lập trường của các nước ven biển
Nga
Hội đồng an ninh Nga xác định 4 ưu tiên của Nga tại Bắc Cực: sử dụng khu vực Bắc Cực của Nga như một nguồn lợi chiến lược để phát triển kinh tế xã hội đất nước; bảo vệ Bắc Cực là khu vực hòa bình và hợp tác; bảo vệ hệ thống sinh thái độc nhất; sử dụng như một tuyến đường phục vụ giao thông vận tải biển. Ngoài những tài liệu và tuyên bố, Nga thèm khát một vùng Bắc Cực khi yêu sách 20% lãnh thổ Bắc Cực và ngày nay không do dự tuyên bố phần lớn chủ quyền Bắc Cực.
Nga đã đưa ra yêu sách đầu tiên năm 2001 về tham vọng này, song được cho là chưa hoàn chỉnh. Các nghiên cứu kỹ thuật bổ sung sẽ được đặt ra. Nga tiếp tục thu thập nhiều số liệu để tạo dựng một hồ sơ mới.
Chính sách của Nga tại Bắc Cực rất thực dụng, kiên quyết bảo vệ lợi ích địa kinh tế và địa chiến lược, cũng như uy tín của mình bằng cách khuyến khích hợp tác và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ qua Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS).

Mỹ - Nga hợp tác khai thác dầu ở Bắc Băng Dương
Tuổi Trẻ - Exxon Mobil, tập đoàn dầu khí lớn nhất của Mỹ, đã ký kết một thỏa thuận thăm dò dầu khí tại vùng Bắc Băng dương thuộc lãnh hải Nga với Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga.
Giàn khoan dầu tại khu vực Sakhalin-I, Nga với sự liên doanh của Rosneft, Exxon Mobil và Công ty dầu khí Nhật Sakhalin - Ảnh: Bloomberg
Người phát ngôn của Rosneft cho biết hợp đồng này được ký kết hôm 30-8 tại Sochi bên bờ biển Đen của Nga.
“Một chân trời mới đang mở ra” - Thủ tướng Nga Vladimir Putin mô tả và cho biết hợp đồng này cũng cho phép Rosneft tiếp cận các khu vực dầu mỏ trong vịnh Mexico, Texas và phát triển các mỏ dầu phía tây Siberia.
Theo thỏa thuận, hai công ty sẽ chi 3,2 tỉ USD đầu tiên trong tổng đầu tư 500 tỉ USD cho việc thăm dò dầu khí tại vùng nước sâu thuộc khu vực đông Prinovozemelsky của biển Kara cũng như tại biển Đen của Nga.
Đây là các khu vực ít được thăm dò dầu khí nhất trên thế giới mà theo Exxon Mobil mô tả là: “triển vọng nhất với tiềm năng dầu và khí cao”.
Theo ước tính của BP, vùng biển Kara có thể sản xuất 100 tỉ thùng dầu.
ANH THƯ (Theo Bloomberg, BBC)
Canađa
Canađa là nước thứ hai có nhiều lãnh thổ trong khu vực biển Bắc Cực. Chiến lược của Canađa đối với Bắc Cực dựa trên 4 nguyên tắc: bảo vệ chủ quyền tại Bắc Cực; khuyến khích phát triển kinh tế xã hội; bảo vệ môi trường; cải thiện và phân quyền quản lý.
Canađa muốn giành quyền quản lý Bắc Cực nhiều hơn, song đang phải tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Mỹ và Đan Mạch. Trước những lợi ích trên, sau nhiều thập kỷ lơ là với Bắc Cực, Chính phủ Canađa đã bắt đầu thức tỉnh bằng tham vọng củng cố sự hiện quân sự tại Bắc Cực trong những năm tới, đặc biệt là việc thiết lập một hệ thống rađa, đóng các tàu phá băng quân sự và xây dựng hai cảng nước sâu tại đảo Baffin; đã đầu tư đóng từ 6-8 tàu tuần tra biển có trang bị pháo hạng nặng có khả năng đi trên băng dày từ 1-2 mét; sẽ tuyển thêm những người bản xứ từ 4100 lên 5000 người để tăng cường tuần tra vùng biên giới phía Bắc; đã phóng vệ tinh RadarSat2 với hy vọng nắm được tình hình Bắc Cực cũng như hoạt động của các tàu lạ; đã đầu tư hệ thống nghe dưới nước phát hiện tàu ngầm và đầu tư máy bay không người lái giám sát không phận; tăng cường tập trận quân sự.
Đan Mạch
Đan Mạch cũng đã tổ chức các cuộc thám hiểm trong khu vực để yêu sách chủ quyền đối với một số khu vực đáy biển Bắc Cực. Đan Mạch và Nga đang tranh chấp chủ quyền “dãy núi ngầm” Lomonossov. Bộ Quốc phòng Đan Mạch dự định sáp nhập các sở chỉ huy tại đảo Groenland với đảo Faeroe và thành lập lực lượng phản ứng nhanh Bắc Cực cùng các máy bay chiến đấu tuần tra trên lãnh thổ Groenland. Đan Mạch dự định đóng mới các tàu chiến từ nay đến 2013. Mặc dù còn nghi ngờ song Đan Mạch đã tham gia các cuộc tập trận quân sự chung với Canađa . Đối với Đan Mạch, ván bài có thể thay đổi nếu đảo Groenland hưởng một quy chế tự trị lớn hơn và có thể giành được độc lập trong những năm tới.
Mỹ
Mỹ liên quan trực tiếp đến những thách thức tại Bắc Cực. Mỹ đã kín đáo tiến hành những nghiên cứu địa lý để có thể yêu sách mở rộng EEZ của mình. Tuy nhiên, do chưa phê chuẩn Công ước LHQ về luật biển, Mỹ bị tước mất quyền yêu sách các khu vực. Do đó, Chính quyền Bush và Obama đã khuyến nghị Thượng viện Mỹ phê chuẩn Công ước luật biển, cách duy nhất để Oasinhtơn có thể đưa ra những yêu sách lãnh hải của mình. Ngoài ra, những tranh chấp lãnh thổ với Canađa , với Nga liên quan tới biển Bering cũng đã xảy ra. Đối với Oasinhtơn, tương lai của những tuyến hàng hải qua Bắc Cực là một trong những ưu tiên được bảo vệ. Ngoài ra còn các vấn đề về phòng thủ tên lửa và cảnh báo sớm, việc triển khai các hệ thống bảo vệ trên không và trên biển hỗ trợ giao thông hàng hải chiến lược, răn đe chiến lược, sự hiện diện của hải quân và các chiến dịch an ninh hàng hải, việc bảo đảm tự do thông thương và hàng không. Mỹ sẽ đơn phương bảo vệ các lợi ích tại Bắc Cực khi cần thiết và ưu tiên hợp tác quốc tế. Hải quân Mỹ đang thiếu các phương tiện quân sự cần thiết. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ có 3 tàu phá băng, song chỉ có 1 chiếc là USGC Healy còn hoạt động. Tàu Polar Star được mua từ năm 1976 hiện đang trong quá trình hiện đại hóa và sẽ có thể hoạt động vào năm 2013. Trước những thiếu thốn này, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và Lầu Năm Góc rất cần đầu tư để tăng cường sức mạnh quân sự tại Bắc Cực. Mỹ phải đầu tư đóng các tàu phá băng mới và điều này sẽ mất nhiều năm để có thể đưa vào sử dụng. Một vấn đề nữa là Bắc Cực hiện đang đặt dưới sự kiểm soát của 3 bộ chỉ huy khác nhau (PACOM, EUCOM và NORTHCOM). Ngoài ra, Mỹ dự định đặt 36 máy bay tiêm kích F-22 tại Anchorage và tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa. Lầu Năm Góc cũng tổ chức các cuộc tập trận quân sự, trong đó có cả phối hợp với Canađa . Đảo Groenland với căn cứ quân sự Thulé đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ cũng không thể bỏ quên. Một lĩnh vực quan trọng nữa mà Mỹ dự định đầu tư đó là hậu cần và cơ sở hạ tầng cứu hộ trước sự gia tăng các tàu thương mại, du lịch… trong khu vực.
Nauy
Năm 2006, Ôxlô công bố chiến lược tại Bắc Cực với những ưu tiên: Kiểm soát Bắc Cực một cách tin cậy, vững chắc, có tính dự báo; đi đầu trong việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nâng cao hiểu biết trong khu vực; tăng cường hợp tác với Nga; thiết lập phạm vi phát triển các hoạt động dầu khí; tôn trọng truyền thống và văn hóa của các dân tộc bản xứ.
Cuối tháng 4/2010, Nauy và Nga ký thỏa thuận giải quyết tranh chấp biên giới trên biển. Theo đó hai nước chia sẻ công bằng từng phần đối với 176000 km2 còn tranh chấp. Thách thức vẫn còn lớn bởi các mỏ tài nguyên còn nằm đâu đó trong khu vực này, như mỏ khí Shtokman (phía Nga) còn Snoehvit và Goliat (phía Nauy). Hiện hai nước còn tranh chấp đảo Spitzbergen ( Svalbard ). Nauy đang ngày càng đầu tư hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm, hạm đội nổi (mua tàu hộ tống lớp Fridtjof Nansen), không quân (dự định mua khoảng 40 máy bay F-35); đã quyết định di chuyển một phần bộ chỉ huy quân đội lên phía Bắc đất nước.
Liên minh châu Âu
EU liên quan trực tiếp đến Bắc Cực vì một số nước thành viên của khối này (Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch) và các nước châu Âu khác không là thành viên (Nauy và Aixơlen). EU đánh giá Bắc Cực là khu vực duy nhất và dễ bị tác động gần EU. Bắc Cực sẽ có tác động quan trọng đến các thế hệ người dân châu Âu tương lai. EU sẽ tăng cường hợp tác về Bắc Cực để mở ra triển vọng mới với các Nhà nước Bắc Cực; mong muốn tăng cường ổn định, quản lý đa phương Bắc Cực nhờ vào đội ngũ cán bộ tư pháp hiện có và cân bằng giữa bảo vệ môi trường với khai thác bền vững các nguồn tài nguyên tự nhiên, trong đó có khí đốt. Khí hậu biến đổi, môi trường, năng lượng, nghiên cứu, ngư nghiệp và giao thông hàng hải có tác động trực tiếp đến Bắc Cực. Do đó, EU đã đề ra ba mục tiêu: bảo vệ Bắc Cực hài hòa với dân cư tại đây; khuyến khích khai thác bền vững các nguồn tài nguyên; góp phần quản lý đa phương Bắc Cực một cách hiệu quả. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu này, EU đề xuất: a, xây dựng các cơ sở nghiên cứu mới; b, kiểm soát các hóa chất; c, tăng cường hợp tác phòng chống thiên tai; d, Tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại có sự tham gia của người dân bản xứ Bắc Cực; e, mở rộng Bắc Cực trong khung cảnh quy chế liên quan đến các khu vực ngư nghiệp; f, tăng cường giám sát biển; g, khuyến khích áp dụng các quy chế hiện có và tăng cường các tiêu chuẩn về môi trường và an ninh của Tổ chức Hàng hải quốc tế; h, tăng cường quản lý đa phương Bắc Cực, đặc biệt thông qua đối thoại chính trị trên cơ sở Công ước LHQ về luật biển; i, đặt các vấn đề Bắc Cực nằm trong số những vấn đề ưu tiên của quốc tế và Ủy ban châu Âu cần hỗ trợ Hội đồng Bắc Cực để đạt được quy chế quan sát viên thường trực.
Những quan tâm của EU đối với Bắc Cực cho thấy liên minh này ưu tiên thực hiện chính sách đối ngoại đa phương trong cách tiếp cận với Bắc Cực, một hồ sơ tiềm năng gây bất ổn. Thay vì phô trương sức mạnh và gia tăng ảnh hưởng như những cường quốc khác trong cuộc chạy đua tại Bắc Cực, EU duy trì cách thức truyền thống, ưu tiên giải quyết bằng các quy chế hơn là sức mạnh.
Trung Quốc
Trung Quốc cũng ngày càng tăng cường chính sách hướng đến Bắc Cực khi thấy trước những tuyến hàng hải mới và những mỏ dầu khí tiềm năng. Mặc dù thận trọng trong tuyên bố và mục đích của mình, Trung Quốc ngày càng cho thấy có những hoạt động công khai và mờ ám đối với khu vực. Bắc Kinh đã cử nhiều đoàn thám hiểm đến Bắc Cực (1999, 2003, 2008, 2010); đang sở hữu tàu phá băng Xuelong mua của Ucraina năm 1993 và hiện đang đóng mới một tàu khác, có thể hoạt động vào năm 2013. Tại đảo Svalbard, từ lâu Bắc Kinh đã có một trạm nghiên cứu và hiện đang tiến gần đến các nước phương Bắc, như Aixơlen, nơi Bắc Kinh đã xây dựng một tòa đại sứ lớn để trong dài hạn biến các nước này thành phương tiện quá cảnh hàng hải trong khu vực. Tại Trung Quốc, các trung tâm nghiên cứu và trường đại học ngày nay đang tập trung vào vấn đề Bắc Cực theo nghĩa rộng. Các công ty Trung Quốc đang xem xét thành lập các công ty liên danh với phía Nga, tuy nhiên công nghệ của Trung Quốc còn chưa phát triển đủ để làm việc trong các điều kiện phức tạp như tại Bắc Cực. Tuyến hàng hải mới cho phép tạo thuận lợi phát triển kinh tế khu vực Đông-Bắc Trung Quốc. Bắc Cực cũng thu hút Trung Quốc trong dự án Northern East West Freight Corridor với mục đích nối lãnh thổ Trung Quốc với cảng Narvik (Nauy) thông qua Cadắcxtan và Nga), tiếp đó nhằm mục đích nối với Bắc Mỹ. Các tuyến hàng hải mới sẽ giúp Trung Quốc tránh được các nút thắt truyền thống như eo biển Malắcca. Trung Quốc không phải là Nhà nước quanh địa cực nên cách tiếp cận của nước này vẫn còn cần đến quốc tế hóa vấn đề khi lên án phần nào chính sách của “5 nước Bắc Cực” và vận động các nước không giáp ranh.
Ấn Độ
Ấn Độ cũng ý thức được tầm quan trọng của Bắc Cực và đã lập trạm nghiên cứu Himadri ở Ny Alesund, trên hòn đảo Svalbard thuộc Nauy năm 2007. Niu Đêli đã thực hiện các cuộc thám hiểm khoa học và hiện đầu tư đóng một tàu phá băng, có khả năng hoạt động vào năm 2012. Tuy nhiên, sự hiện diện và lợi ích của Ấn Độ trong khu vực Bắc Cực còn hạn chế.
Hàn Quốc
Hàn Quốc đã lập một trạm nghiên cứu ở Ny Alesund và ngày càng can dự vào Bắc Cực với mục đích chính là nghiên cứu sự biến đổi của thời tiết, song cũng như các nước khác thèm muốn tuyến hàng hải. Hàn Quốc có thế mạnh đóng tàu. Tập đoàn Samsung Heavy Industry đang đóng các tàu chở dầu loại trung bình (70000 đến 120000 tấn) để vận chuyển dầu tại các vùng biển Bắc của Nga.
Hàn Quốc và Nga thảo luận tuyến vận tải biển qua Bắc cực
TTXVN
Các quan chức cho hay trong hai ngày 6-7/9 tại Mátxcơva, Hàn Quốc và Nga sẽ có các cuộc gặp bàn về hàng hải, trong đó thảo luận việc Xơun triển khai và sử dụng các tuyến vận tải biển mới đi qua Bắc Băng Dương.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Đất đai, Giao thông Vận tải và Hàng hải Hàn Quốc: "Cuộc gặp trên diễn ra theo đề xuất của Chính phủ Hàn Quốc nhằm phát triển các tuyến vận tải mới đi qua Bắc Băng Dương, thay thế các tuyến hàng hải qua Ấn Độ Dương vốn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì hải tặc, đồng thời cũng giảm bớt chi phí vận tải".
Theo bộ trên, hiện phải mất khoảng 30 ngày để vượt qua quãng đường biển dài 20.100 km từ thành phố cảng Busan của Hàn Quốc, qua Ấn Độ Dương tới cảng Rotterdam của Hà Lan. Với tuyến vận tải mới trên Bắc Băng Dương qua Nga, đường đi sẽ rút xuống chỉ còn 12.700 km và thời gian cũng chỉ còn 10 ngày. Tuy nhiên, chi phí vận tải sẽ giảm không đáng kể vì Hàn Quốc phải trả thù lao cho việc sử dụng các tàu phá băng của Nga cũng như phải đóng tiền bảo hiểm cao hơn. Mặc dù vậy, một tuyến vận tải mới qua Bắc Băng Dương sẽ giúp gia tăng đáng kể các trao đổi giữa Hàn Quốc và Nga, trong khi cũng khai thông một tuyến vận tải mới với chi phí hợp lý để vươn tới các thị trường ở Bắc Âu.
Hàn Quốc có kế hoạch triển khai các hoạt động bước đầu trên tuyến hàng hải qua Bắc Băng Dương từ đầu tháng 7/2012, tiếp sau các cuộc đàm phán hàng hải với Na Uy dự kiến diễn ra vào đầu năm 2012.

NATO
NATO ngầm liên quan đến Bắc Cực do 4/5 nước giáp ranh là thành viên của tổ chức này. Cuối tháng 1/2009, NATO đã tổ chức một cuộc họp về Bắc Cực tại Reykjavik với hy vọng một sự hiện diện quân sự tại đây là cần thiết, song chưa đưa ra một văn bản cụ thể nêu rõ chiến lược đối với Bắc Cực. Sự can dự của NATO chắc chắn sẽ làm nảy sinh cạnh tranh giữa các nước thành viên do họ có những kế hoạch khác nhau. Điều này làm hạn chế quy mô và hiệu quả hoạt động của NATO.
Hội đồng Bắc Cực
Hội đồng Bắc cực ra đời năm 1996, là một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 nước (Canađa, Đan Mạch, Phần Lan, Aixơlen, Nauy, Nga, Thụy Điển và Mỹ) cùng 6 tổ chức bản địa. Pháp, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh có quy chế quan sát viên thường trực, trong khi Trung Quốc là quan sát viên đặc biệt và Hàn Quốc, Nhật Bản đang mong muốn được hưởng quy chế quan sát viên.
Hội đồng Bắc Cực đề cập đến các vấn đề như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững song không có khuynh hướng đề cập đến các vấn đề an ninh quốc phòng.
Hội nghị tháng 5/2008 giữa 5 nước giáp ranh họp tại Ilulissat (Groenland) đã đi đến tuyên bố tái khẳng định giải quyết các vấn đề lãnh thổ dựa trên UNCLOS và khuyến khích hòa bình, hợp tác và không cần thiết phải thành lập cơ quan quốc tế khác.
Một số nước đánh giá hội nghị trên muốn chứng minh các nước và tổ chức khác không có quyền can dự vào Bắc Cực. Hội nghị các ngoại trưởng của nhóm 5 nước cuối tháng 3/2010 tại Chelsea (Canađa) một lần nữa chứng minh các nước này, trong đó nổi bật là Nga và Canađa, muốn thành lập một “trung tâm độc quyền không chính thức” với mục đích không phải để thay thế Hội đồng Bắc Cực mà trong một số trường hợp để tổ chức các hội nghị thượng đỉnh “đặc trưng riêng”.
Kết luận
Thách thức tại Bắc Cực gồm nhiều vấn đề: địa kinh tế (nguồn nguyên liệu), địa chính trị (kiểm soát các tuyến hàng hải) và địa chiến lược (củng cố và sắp đặt lại các phương tiện quân sự). Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên của Bắc Cực hiện chưa thực tế song là tham vọng trong tương lai. Giai đoạn đầu, mỗi nước đều đang tăng cường hiện diện tại Bắc Cực, cũng như tìm kiếm các lý lẽ tư pháp để khi thời điểm thích hợp cộng với tương quan lực lượng sẽ đòi hỏi chủ quyền Bắc Cực. Mỗi nước liên quan đều có chiến lược riêng. 5 nước giáp ranh có cách tiếp cận thực tế, đặc biệt là Canađa và Nga, hai nước liên quan nhiều nhất. Mặc dù có sự hợp tác giữa các Nhà nước, song ở cấp độ song phương còn có những mối nghi ngờ, do vậy làm dấy lên các cuộc chạy đua vũ trang không cần thiết.
Giai đoạn thứ hai xuất hiện mối quan hệ có tính hợp tác hơn ở cấp “5 nước giáp ranh cộng 3” hay Hội đồng Bắc Cực, nhấn mạnh một sự hợp tác đa chính phủ, song mới chỉ dừng lại ở lợi ích thứ hai (môi trường, cứu hộ).
Vào giai đoạn thứ ba, các đối tác ngoại vi quan tâm đến Bắc Cực có xu hướng đưa ra cách tiếp cận vấn đề tự do hơn, muốn quốc tế hóa vấn đề qua một thể chế hay hình thức quản lý toàn cầu (EU và Trung Quốc), song trước tiên lại mang tính chiến lược.

Khí hậu trái đất nóng lên
Khí hậu nóng lên khiến băng tan chảy sẽ làm gia tăng mạnh mẽ những căng thẳng địa chính trị trên khi mở ra các cơ hội tiếp cận các hòn đảo mới, cho đến nay chưa thể xâm nhập hay chúng chưa hiện ra, kéo theo những yêu sách chủ quyền lãnh thổ do phát hiện ra những hòn đảo như tranh chấp giữa Nauy và Đan Mạch liên quan tới đảo Tobias được phát hiện năm 1993 là một minh chứng.
Những hậu quả của biến đổi khí hậu: Liệu các nước có dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và các nguồn nguyên liệu mới? Liệu mọi sự hợp tác đều bị loại trừ? Những thách thức thực sự là gì?
Ngày nay, khí hậu trái đất nóng lên càng ít được cộng đồng các nhà khoa học tranh luận, trừ một số nhà khoa học hoài nghi không khoan nhượng lên án một cách chung chung nguyên nhân do con người hay do tự nhiên-hay do quan hệ nhân quả gắn khí hậu nóng lên với một số hiện tượng thời tiết “cực đoan”. Nhìn chung, các nước sẽ phải cám ơn điều này. Bằng cách trút nghi ngờ lên những kết luận do không chỉ Nhóm liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC), mà còn của nhiều trường đại học độc lập đưa ra, theo dòng thời gian các nước đã đẩy các nhà nghiên cứu phải thay đổi hình thức đánh giá để đưa ra các kết quả ít tranh cãi hơn. Từ nay, tiêu chuẩn đánh giá số học cho phép đánh giá những thay đổi phức tạp nhất để đưa ra các kết luận ngày càng có tính tin cậy hơn. Bản báo cáo thứ 4 và là cuối cùng của GIEC được đưa ra vào năm 2007 đến nay vẫn là văn bản quốc tế chính thức cuối cùng về các số liệu và triển vọng khí hậu trái đất nóng lên. Cũng liên quan đến Bắc Cực, bản báo cáo trên nêu rõ: Bắc Cực đang nóng lên. Nhưng khí hậu trái đất nóng lên không phải là một hiện tượng thuần nhất và rõ nét. Các quan sát và kết luận của các nhà khoa học cho thấy dường như biển Bắc Cực là khu vực chịu tác động nhiều nhất của khí hậu trái đất nóng lên. Nói cách khác, Bắc Cực đang nóng dần lên và nhanh hơn phần còn lại của trái đất. Khu vực này xuất hiện như một trạm tiền tiêu để quan sát một hiện tượng khi được xác nhận có thể sẽ làm xáo trộn hoàn toàn hệ sinh thái của chúng ta trong những thập kỷ tới. Từ 1955-2005, nhiệt độ trung bình tại Pari (Pháp) chỉ tăng 1°C trong khi tại đảo Groenland là 3°C. Cộng đồng các nhà khoa học lúc này đánh giá sẽ rất khó tránh được mức nhiệt độ trung bình tăng 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Theo GIEC, kịch bản này sẽ làm mực nước biển tăng 40 cm và có nghĩa là toàn bộ các tảng băng sẽ tan vào mùa hè trong giai đoạn 2050-2070.
Tuy nhiên, những dự báo trên bị nhiều nhà khoa học cho là quá lạc quan. Họ đánh giá các kết luận của GIEC dựa trên những công việc và xem xét một số lượng lớn những biến đổi ngày nay. Bản báo cáo năm 2007 không chú ý đến động thái hợp nhất các sông băng lục địa Groenland và Bắc Cực. Theo một nghiên cứu được giáo sư Eelco Rohling, thuộc Đại học Southampton công bố tháng 12/2007 trên tạp chí Nature Geoscience, những dự báo của GIEC đánh giá nhiệt độ trung bình từ nay đến cuối thế kỷ tăng 2°C có thể so sánh với những thay đổi thời tiết của trái đất trong giai đoạn cuối cùng của “kỳ tan băng". Theo nghiên cứu này, mực nước biển trong cùng giai đoạn tăng 1,6m, tức cao gấp 4 lần dự báo hiện nay của GIEC. Các kết luận của nghiên cứu này cho thấy những dự báo của GIEC về đánh giá mực nước biển là quá lạc quan. Công trình nghiên cứu “Những khó khăn trong việc dự báo mực nước biển dâng" của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp công bố ngày 8/10/2007 đã làm cơ sở cho thấy sự đánh giá thấp quy mô mực nước biển tăng từ nay đến cuối thế kỷ.
Nghiên cứu cho biết đánh giá mực nước biển tăng 40cm bị cho là quá chủ quan. Các tảng băng Bắc Cực tan biến vào mùa hè ban đầu được dự kiến vào giai đoạn 2050-2070 đã được rút ngắn lại ở giai đoạn 2030-2050. Năm 2007, diện tích khối băng vào mùa hè ghi nhận một mức kỷ lục mới, chỉ có 4,28 triệu km2 so với 5,32 triệu km2 năm 2005. Chỉ trong hai năm, diện tích các khối băng trên biển đã giảm ¼, tức bằng diện tích hai lần nước Pháp. Nếu các lớp vỏ băng suy giảm do hậu quả dễ thấy từ việc khí hậu nóng lên thì các lớp băng Bắc Cực mỏng đi cũng là điều cần chú ý. Sự mỏng đi này không thể trực tiếp đo đạc được qua các hình ảnh chụp từ vệ tinh, mà điều này chỉ làm cho việc đánh giá thêm phức tạp. Tuy nhiên, những phương pháp đo đạc khác nhau hiện nay đang cho phép cộng đồng các nhà khoa học thực hiện các phép đo chính xác. Các kết quả đạt được cho thấy thích đáng hơn bởi chúng quy tụ được những đánh giá và ghi nhận độc lập hơn so với phương pháp đã sử dụng. Các nghiên cứu khác cũng ăn khớp: các lớp băng mỏng đi nhanh chóng. Trong giai đoạn 1958-1976 và thập kỷ 1990, các lớp băng suy giảm từng khu vực theo thứ tự từ 37% lên 55%.
Các lớp băng mất dần gây hậu quả thay đổi toàn bộ bề mặt địa chính trị của trái đất. Chính sách đối ngoại của các nước từng phần luôn tương ứng với vị trí địa lý của họ. Sự biến đổi trên ảnh hưởng đến môi trường hoạt động của các nước liên quan và xa hơn nữa là các nước sử dụng quân bài “Bắc Cực" trong chính sách đối ngoại. Lập luận này nối tiếp tư tưởng của K. Haushofer khi ông nhấn mạnh “địa chính trị” nghiên cứu cách thức mà các số liệu địa lý “quyết định” chính sách của một quốc gia… Hậu quả chính của băng tan chính là mang lại cho các Nhà nước những nguồn tài nguyên-nhân tố giúp phát triển đến nay chưa tiếp cận được. Những yếu tố giúp phát triển này có thể đã hoặc chưa đánh giá được trữ lượng. Trong cả hai trường hợp, tác động tiềm tàng từ việc kiểm soát chúng do một chính quyền cũng có thể gây ra những căng thẳng xuyên nhà nước liên quan tới trật tự địa chính trị của các lãnh thổ liên quan. Vì vậy, Bắc Cực là một thách thức địa chính trị, một minh chứng về tầm nhìn chiến lược của các nước và họ ý thức được những đối thủ ngày nay đối với nguồn tài nguyên của ngày mai. Đối với các nước chủ chốt của hệ thống quốc tế, sức mạnh kinh tế - cơ sở của sức mạnh chính trị - gắn liền với việc tiếp cận các nguồn tài nguyên, một thách thức lớn. Cuộc cạnh tranh tỏ ra có ưu thế đối với hai trong số các nước quan trọng là Nga và Mỹ, những nước giáp ranh khu vực Bắc Cực./.
Mai Trang tổng hợp báo chí quốc tế và quốc nội
Nguồn: http://biendong.net