Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

33. NATO - Nội bộ thiếu gắn kết


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ bảy, ngày 19/5/2012
TTXVN (Angiê 17/5)
NATO sẽ trở nên chín chắn hơn hay sẽ đi đến tan vỡ? Để trả lời câu hỏi này, chuyên gia các vấn đề quốc tế Fred Kaplan của tạp chí “Statatrik” lật lại những vấn đề nảy sinh trong nội bộ Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này trong cuộc chiến của NATO ở Libi để đi đến nhận định: cuộc khủng hoảng Libi càng làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng đang tồn tại của liên minh quân sự này.
Trong cuộc khủng hoảng Libi, tại Italia, Cata, Anh và Pháp nổi lên một số ý kiến than phiền các đồng minh của NATO không làm đầy đủ để hỗ trợ lực lượng nổi dậy Libi trước các cuộc tấn công và phản công của lực lượng chính phủ và lính đánh thuê.
Lúc đó xuất hiện hai luồng ý kiến. Thứ nhất, người ta cho rằng có ba nước than phiền NATO đáp ứng không nhiệt tình lắm trước lời kêu gọi trang bị vũ khí của các đồng minh. Nhìn chung, chính Mỹ cũng là nước than phiền việc các đồng minh châu Âu không chịu gánh vác phần trách nhiệm của mình. Thứ hai, dù NATO cáo buộc ai và âm thầm xin lỗi ai, vấn đề mà tất cả các nước định gạt sang một bên trong suốt 20 năm trở lại đây vẫn còn tính thời sự: NATO dùng để làm gì? Tại sao NATO vẫn tồn tại?
Giờ đây, NATO không còn là một liên minh thống nhất, Tại Libi, đây là lần thứ ba trong 62 năm tồn tại của NATO, các nước thành viên của liên minh quân sự này hợp sức nhau để chiến đấu. Hai lần trước là ở Côxôvô và Ápganixtan. Không một cuộc chiến nào trong ba cuộc chiến tranh này có liên quan đến những lý do dẫn đến việc thành lập tổ chức này. Và cũng không một cuộc chiến nào trong ba cuộc chiến này được tiến hành bởi một liên minh thống nhất. Điều đó có nghĩa là tình trạng thiếu gắn kết chiến lược trong chiến dịch quân sự chống Libi và thái độ bực tức mà tổ chức quân sự này là nguyên nhân gây ra, không có gì thật là mới.
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vai trò của NATO rất rõ ràng: giữ Liên Xô ở bên ngoài, giữ Mỹ ở bên trong và giữ Đức ở phía dưới. Nói cách khác, đó là phòng ngừa một cuộc xâm lược của Liên Xô vào Tây Âu, bảo đảm vai trò chi phối của Mỹ với tư cách là nước đứng đầu hệ thống phòng thủ để đối phó với một cuộc xâm lược có thể xảy ra, đồng thời ngăn chặn (chủ yếu bằng sự có mặt hùng hậu về quân sự của Mỹ) một nước Đức hùng mạnh tái xuất hiện.
Năm 1991, với sự sụp đổ của Liền bang Xô Viết và kết thúc Chiến tranh Lạnh, các thể chế quân sự ở cả bên này lẫn bên kia Đại Tây Dương đều thoáng rùng mình về số phận của NATO. Sứ mệnh của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này và lực lượng quân đội của các nước phương Tây là gì? Ai là kẻ thù? Cái gì là mối đe dọa?
Vào cuối thập kỷ 1990, một câu trả lợi xuất hiện. Dù không có nghị quyết của Liên hợp quốc (chắc chắn do Nga dùng quyền phủ quyết), các nước thành viên NATO liên kết với nhau để tiến hành chiến dịch không kích nhằm bảo vệ Côxôvô trước làn sóng đàn áp của Xécbia, với mục tiêu cuối cùng là đánh đổ nhà độc tài Xécbia Slobodan Milosevic khỏi quyền lực.
Cả Côxôvô lẫn Xécbia đều không phải là thành viên NATO, tổ chức có Hiến chương cho phép tổ chức phòng thủ tập thể để chống lại một cuộc tấn công từ bên ngoài. Nhưng do cuộc khủng hoảng nổ ra giữa lòng châu Âu, “vùng tác chiến” của NATO nên điều đó có thể minh chứng cho một hành động quân sự như vậy.
Năm 2006, NATO nhận trách nhiệm chỉ huy ở Ápganixtan được Mỹ bàn giao. Khi bắt đầu tiến hành xâm lược trong thời kỳ 2001-2002, NATO có thể nói đến Điều khoản 5 trong Hiến chương, theo đó một cuộc tấn công vào một trong số các nước thành viên – như trong trường hợp vụ khủng bố 11 tháng Chín – là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả các nước thành viên. Nhưng bốn năm rưỡi sau, giải thích như vậy xem ra là câu trả lời không thể đứng vững được. Rõ ràng vấn đề ở đây là sự mở rộng đáng kể sứ mệnh của NATO. Tổ chức quân sự này lúc này trở thành một lực lượng viễn chinh trong cuộc chiến chống khủng bố trên toàn thế giới.
Trên thực tế, lực lượng viễn chinh này nói đúng ra không phải là một liên minh mà chủ yếu là của Mỹ. Kể cả ở Côxôvô, vốn là một cuộc chiến thực sụ của châu Âu, các nước thành viên NATO có thể có ý kiến về mục tiêu cần tấn công và chiến lược cần thông qua (vào thời kỳ đó, chiến dịch này bị chế giễu như “một cuộc chiến tranh được tiến hành bởi một ủy ban”), nhưng máy bay chiến đấu của Mỹ thực hiện phần lớn công việc. Trong tổng số 28.018 quả bom và tên lửa được sử dụng trong chiến dịch 78 ngày đó, có tới 23.315 (tức 83%) là của Mỹ.
Ápganixtan cũng là một cuộc chiến tranh chủ yếu là của Mỹ. Trong hai năm cuối của Chính quyền George W. Bush, Bộ trưởng Quốc phòng, Robert Gates, nhiều lần hô hào các nước châu Âu thực hiện vai trò của mình và đưa thêm quân đến. Phát biểu trước Quốc hội, ông tỏ ý lo ngại việc NATO “trở thành một liên minh với hai xu thế, trong đó một số nước sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo đảm an ninh cho dân chúng, còn một số khác thì không”.
Nhưng NATO vẫn luôn là một liên minh mất cân bằng, kể cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ, vì cần thiết hơn là vì lợi ích, là nước chi nhiều tiền nhất và triển khai nhiều quân nhất.
Tại Ápganixtan, vào mùa Hè năm 2006, NATO tiếp nhận quyền chỉ huy và nghĩ đó chủ yếu là một sứ mệnh gìn giữ hòa bình Nhưng khi các toán quân đầu tiên tiến xuống phía Nam, lực lượng Taliban từ trong rừng xuất hiện và lúc đó người ta thấy có vẻ như lực lượng này chưa bao giờ rời đi.
Một khi các nước thành viên NATO ý thức được đó đúng là một cuộc chiến tranh, họ liền sửa đổi quy tắc can dự. Một số nước chỉ chấp nhận triển khai quân ở miền Bắc chứ không đưa quân xuống miền Nam. Một số khác quyết định chỉ tham chiến bằng không quân chứ không phải với bộ binh. Một số nước khác nữa rất muốn triển khai quân ở bất kỳ đâu, nhưng chỉ sử dụng vũ lực để tự vệ chứ không chủ ý sử dụng vũ lực vào mục đích khác.
Hàng chục ý kiến phản đối được ghi nhận (một số bị bác bỏ, nhưng phần lớn được lưu lại) và các viên tướng chấp nhận các ý kiến này vì vào thời kỳ đó, chiến tranh được coi là một cuộc thử nghiệm tính thích đáng của NATO trong một thế giới hậu Chiến tranh Lạnh. Như vậy, tốt hơn hết vẫn là làm hài lòng tất cả các nước thành viên vì “sự gắn kết trong liên minh”, mặc dù điều đó gây tổn hại nghiêm trọng tới “tính thống nhất trong chỉ huy”.
Khi lên làm Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2006, ông Robert Gates tỏ ra rất phẫn nộ trước tình trạng thiếu thống nhất đó. Nhưng cũng rất nhanh ông nhận thấy rằng mình không có đủ phương tiện để phê phán Bộ trưởng Quốc phòng các nước châu Âu vì họ không bao giờ chấp nhận thực hiện những trách nhiệm mà ông cáo buộc họ định lẩn tránh.
Lịch sử lại lặp lại trong cuộc khủng hoảng Libi khi Anh và Pháp phê phán Mỹ (và một số nước khác) làm điều tương tự. Hai nước này cùng một số nước khác thông báo rõ ràng những gì mà họ sẵn sàng hay không sẵn sàng làm để hỗ trợ Mỹ ở Ápganixtan. Cũng như vậy, Tổng thống Barack Obama thông báo rõ ràng những gì mà ông có thể sẵn sàng hay không sẵn sàng làm để hỗ trợ các nước này ở Libi.
Tổng thống Obama tuyên bố ủng hộ ý tưởng theo đó Gaddafì phải ra đi. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép sử dụng vũ lực để bảo vệ dân thường Libi và Tổng thống Obama tuyên bố khi thực hiện mục tiêu đó, lực lượng vũ trang Mỹ sẽ cho thấy “năng lực độc nhất vô nhị” của mình.
Trong những ngày đầu chiến dịch, hành động của Mỹ chỉ diễn ra dưới hình thức không kích hệ thống phòng không của Gaddafi bằng tên lửa hành trình và sau đó chuyển dần sang hoạt động hỗ trợ đơn thuần: tình báo, cung ứng nhiên liệu cho máy bay đồng minh, gây nhiễu hệ thống truyền tin của Gaddafì và, đôi khi là phá hủy một số yếu tố cấu thành hệ thống phòng không, nhưng không nhằm vào xe tăng hay pháo binh của Gaddafì.
Như một sĩ quan cao cấp Mỹ nói ngày 14/4/2011 trong một cuộc liên lạc điện thoại, “gần như tất cả các nước tham gia liên quân đều đặt điều kiện tương đối cho việc tham gia chiến dịch”.
Phải thừa nhận rằng trong vấn đề đó có cái gì đó thật lạ lùng. Nghị quyết của Liên hợp quốc đủ rộng để cho phép Mỹ làm nhiều hơn thế. Thậm chí Mỹ có thể cho phép ám sát Gaddafi mà không sợ bị coi là hành động bất hợp pháp, chẳng hạn với cái cớ tiêu diệt một mục tiêu “chỉ huy và kiểm soát”.
Nhưng Tổng thống Obama quyết định vào thời điểm đó, những gì ông làm – chi tiền, sử dụng nguồn lực quân sự đã được triển khai và gây nguy hiểm đến tính mạng con người (cả của Mỹ lẫn của Libi) – là tất cả những gì mà ông sẵn sàng làm, căn cứ vào lợi ích chính trị lúc đó và cũng căn cứ vào việc các nước khác, như Pháp và Anh, có lợi ích lớn hơn và nguồn lực dồi dào hơn để bảo vệ lợi ích đó.
Một số nước như Anh, Pháp và Cata liệu có khả năng chỉ huy chiến dịch đó không? Có. Các nước này có máy bay, vũ khí và nhân lực có khả năng sử dụng vũ khí đó. Các nước này có thể tiến hành chiến dịch với cùng mức độ quyết tâm và khối lượng phương tiện tập trung như Mỹ không? Không. Các nước đó không có đủ máy bay, vũ khí và người có kinh nghiệm như của Mỹ.
Nếu không chịu được cú sốc, các nước đồng minh vẫn có thể yêu cầu Mỹ tái triển khai chiến dịch không kích bằng tên lửa như thời kỳ đầu chiến dịch. (Số máy bay có khả năng tiến hành các vụ không kích này lúc đó vẫn được đặt trong tình trạng báo động). Nhưng theo một số đại diện Lầu Năm Góc, không một đề nghị nào kiểu như vậy được đưa ra.
Cuối cùng, các nước châu Âu phải đối mặt với trách nhiệm của chính mình. Họ nói đến phòng thủ tập thể từ vài chục thập kỷ nay. Pháp đề cập đến vấn đề này từ giữa những năm 1960 khi họ rời bỏ Bộ chỉ huy hỗn hợp của NATO trước sự thúc đẩy của tướng de Gaulle. Pháp cũng thành lập lực lượng răn đe hạt nhân của riêng mình và qua đó bác bỏ sự bảo vệ của Mỹ. (Tướng Pierre Gallois, cha đẻ sức mạnh răn đe của Pháp, lúc đó huấn luyện chú chó của mình để nó sủa mỗi khi có ai đó nói đến hai chữ “nước Mỹ”).
Nhưng Pháp không đầu tư số tiền cần thiết để hậu thuẫn cho tham vọng chiến lược của nước này vì biết mình vấn có thể phải chấp nhận quay sang với Mỹ khi không thể làm được gì hơn. Nhưng có lẽ không phải vì thế mà Tổng thống Obama hạn chế sự tham gia của Mỹ vào chiến dịch Libi, mà trên thực tế, thông điệp là rõ ràng: không, các bạn không thể trông đợi vào chúng tôi được nữa, dù trong trường hợp nào cũng không thể cái gì cũng đợi chúng tôi.
Một vấn đề lớn khác vẫn tồn tại được nói đến ở trên: NATO dùng để làm gì đây? Tại sao NATO vẫn tồn tại? Chẳng phải tổ chức quân sự này chỉ còn là một biểu tượng, một thứ để che giấu tính hợp pháp quốc tế mà các nước thành viên có thể sử dụng để thực hiện một hành động quân sự vì lợi ích của chính mình, đó sao? (Và tại sao không?) Hoặc NATO là – hay có thể trở thành – liên minh của những nước gần như bình đẳng với nhau? cần có thời gian mới định hình được các yếu tố cấu thành cho câu trả lời, nhưng kiểu lật ngược vấn đề diễn ra trong thời gian gần đây có thể sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình chín chắn hơn hay tan vỡ của tổ chức này.