Trong những năm gần đây, do sự nổi lên của chủ nghĩa khu vực ở Đông
Á, khu vực này đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của giới học giả
trong và ngoài nước. Ngành Đông Á học đã bắt đầu được hình thành ở nhiều
nơi trên thế giới. Vô số công trình nghiên cứu về các vấn đề khác nhau
của Đông Á đã được triển khai. Tuy nhiên trong nghiên cứu Đông Á, đa
phần các công trình tập trung vào những vấn đề đương đại hơn là lịch sử,
quan tâm đến vai trò và tác động của các nước lớn hơn là các thực thể
vừa và nhỏ như Hàn Quốc hay ASEAN. Tình hình này diễn ra ở cả Hàn Quốc
lẫn ASEAN và Việt Nam.
Trong một khu vực vẫn chịu chi phối nặng nề của quá khứ, nghiên cứu
lịch sử vẫn là quan trọng, sự tiếp cận lịch sử đối với các vấn đề đương
đại vẫn là cần thiết. Hàn Quốc và ASEAN là hai thực thể chiếm tới 11/13
quốc gia trong ASEAN+3 với vai trò không nhỏ, tiềm năng không ít. Chính
vì vậy, việc nghiên cứu hai thực thể này cũng như quan hệ giữa chúng là
không thể thiếu trong nghiên cứu Đông Á.
Với cách nhìn trên, bài viết này cố gắng phác hoạ lại quá trình quan
hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN từ khi Đại Hàn Dân Quốc được thành lập năm
1948 đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh vào năm 1991. Đây là thời kỳ đặt
nền móng cho sự phát triển quan hệ Hàn Quốc-ASEAN. Thông qua việc tìm
hiểu quan hệ này, đặc biệt là các động thái từ phía Hàn Quốc, bài viết
hi vọng đóng góp phần nào cho việc tìm hiểu sự phát triển quan hệ Hàn
Quốc-ASEAN cũng như diễn biến tiếp tục trong quan hệ quốc tế khu vực
Đông Á hiện nay.
Khi Đại Hàn Dân Quốc được thành lập năm 1948, yêu cầu tồn tại trong
cuộc đấu tranh với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCN) Triều Tiên đã thu
hút toàn bộ nỗ lực đối ngoại của Hàn Quốc. Bị chi phối bởi Chiến tranh
Lạnh và sự phân liệt Đông-Tây, quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc gần như
hoàn toàn tập trung vào các nước phương Tây. Hai trụ cột chính của Hàn
Quốc khi đó là Mỹ và Liên Hợp Quốc. Một cái đem lại sự bảo đảm về an
ninh, chính trị và kinh tế. Cái kia đem lại tính hợp pháp và sự ủng hộ
trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, quan hệ của Hàn Quốc ở Đông Nam Á
là nhỏ bé. Các hoạt động chủ yếu là ngoại giao nhằm tìm kiếm thêm sự
ủng hộ quốc tế đối với sự tồn tại của mình. Các đối tác quan hệ chính
chỉ là một vài đồng minh của Mỹ trong khu vực. Tháng 1/1949, Pyon
Yong-tae, người mà sau này làm Ngoại trưởng Hàn Quốc trong thời gian
chiến tranh Triều Tiên, có chuyến công du đầu tiên đến Philippines, đánh
dấu sự bắt đầu quan hệ Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á. Khi Chiến
tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950, Philippines và Thái Lan đã tham chiến
cùng quân đội Mỹ ở Triều Tiên dưới ngọn cờ của Liên Hợp Quốc. Sự tham
chiến của hai nước này ở Triều Tiên khi đó xuất phát từ lợi ích với Mỹ
nhiều hơn là với Hàn Quốc.
Sau Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Đông Dương lần I, Đông Á bị
phân chia thành hai phe đối đầu nhau. Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á
ở cùng một phe dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Mặc dù, Hàn Quốc và các nước
này đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau song các quan
hệ đó không phát triển được bao nhiêu. Bối cảnh xung đột trong khu vực
và những vấn đề an ninh quá lớn đã thu hút sự quan tâm của Hàn Quốc vào
các vấn đề đối nội. Trong lĩnh vực đối ngoại, Hàn Quốc và các nước đó
đều ưu tiên quan hệ với Mỹ và Phương Tây hơn là quan hệ với nhau. Sự duy
trì quan hệ giữa chúng nằm trong cố gắng tập hợp lực lượng của Mỹ ở
Đông Á nhiều hơn là bởi nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương. Vị thế và
năng lực của cả hai bên đều nhỏ bé, không đủ tạo nên những lợi ích trực
tiếp cho việc mở rộng quan hệ. Đáng kể chỉ có việc Hàn Quốc thiết lập
quan hệ ngoại giao với Malaysia năm 1960 hay quan hệ lãnh sự với Miến
Điện năm 1961. Ngoài ra, một số hoạt động giao lưu văn hoá cũng được
khởi xướng giữa Hàn Quốc với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines
và Đài Loan năm 1958. Nhìn chung, Đông Nam Á khi này không có vị trí
đáng kể trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Quan hệ của Hàn Quốc ở
Đông Nam Á tương đối yếu. Yếu tố khu vực chưa giúp gì cho quan hệ này.
Trong thập kỷ 1960, với việc Park Chung- hee lên nắm quyền
sau cuộc đảo chính năm 1961, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc bắt đầu
có sự thay đổi quan trọng. Đó là bước điều chỉnh nhằm hướng tới khu vực
nhiều hơn. Vẫn chịu sự chi phối của đối đầu Đông-Tây, lợi ích an ninh
của Hàn Quốc đã được đặt nhiều hơn vào trong bối cảnh khu vực. Vẫn ưu
tiên quan hệ với Mỹ và phương Tây, Hàn Quốc chủ trương mở rộng quan hệ
với các nước, đặc biệt các nước trong khu vực. Vẫn nằm trong quỹ đạo của
Mỹ, Hàn Quốc cố gắng chủ động hơn trong các vấn đề khu vực liên quan.
Vẫn ưu tiên lợi ích an ninh, Hàn Quốc bắt đầu chú trọng phát triển kinh
tế và quan hệ kinh tế đối ngoại trong khu vực. Qua đó, chính sách khu
vực của Hàn Quốc bắt đầu được định hình rõ rệt. Đông Nam Á bắt đầu có
chỗ đứng quan trọng trong nhận thức và lợi ích của Hàn Quốc.
Năm 1964, Park Chung-hee quyết định gửi quân đội sang chiến trường
miền Nam Việt Nam và ở đó từ 1965 đến 1973. Hành động này vừa để duy trì
sự đảm bảo an ninh của Mỹ cho Hàn Quốc, vừa để thu lợi về kinh tế. Mặc
dù liên quan nhiều đến quan hệ với Mỹ, sự tham chiến này là dấu hiệu cho
thấy Hàn Quốc không còn tự khoanh mình ở Đông Bắc Á. Hàn Quốc đã coi
lợi ích an ninh của mình gắn chặt với lợi ích an ninh khu vực Đông Á.
Dưới thời ngoại trưởng Yi Tong-won (1965-1967), Hàn Quốc đã đề ra sáng
kiến xây dựng hệ thống hợp tác an ninh khu vực nhằm củng cố khối đồng
minh phi cộng sản. Năm 1966, Hội đồng Châu Á và Thái Bình Dương (Asian and Pacific Council -
ASPAC) đã được thành lập theo đề nghị của Park Chung - hee. ASPAC gồm 9
thành viên Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Thailand, Nam
Việt Nam, Malaysia, Australia, New Zealand. Lào là quan sát viên. Trên
cấp độ khu vực, đây là nỗ lực của Hàn Quốc hình thành nên một mặt trận
an ninh giữa các nước TBCN trong khu vực. Trong phạm vi Bán đảo Triều
Tiên, sáng kiến ASPAC giúp Hàn Quốc tìm kiếm thêm sự hỗ trợ an
ninh-chính trị từ phía các ợnước Đông Á bên cạnh Mỹ và Phương Tây nhằm
cô lập Bắc Triều Tiên về ngoại giao và giảm bớt sức ép từ Cộng hoà Nhân
dân Trung Hoa. Ngoài ra, Hàn Quốc hi vọng ASPAC đem lại cho mình vai trò
và tiếng nói nhất định trong khu vực. Trên thực tế, ASPAC khá lỏng lẻo
và hoạt động không kéo dài. Việc không có Mỹ tham gia, sự thiếu tin
tưởng của các thành viên và tính cực đoan tương đối của ASPAC đã khiến
ASPAC không hiệu quả và không gây tác động gì nhiều đến quan hệ quốc tế
khu vực. Song ở đây có điểm đáng chú ý, ASPAC chính là một trong những
thể chế khu vực đầu tiên ở Đông Á. Việc một số nước trong khu vực tham
gia ASPAC cho thấy cách tiếp cận khu vực và hợp tác đa phương khu vực đã
định hình. Đối với quan hệ Hàn Quốc - Đông Nam Á nói riêng, ASPAC cũng
cho thấy nhận thức và nhu cầu tăng cường hợp tác với nhau giữa hai bên
đã tồn tại.
Với định hướng khu vực trên, quan hệ của Hàn Quốc với các nước Đông
Nam Á bắt đầu tăng lên. Không chỉ quan hệ an ninh đa phương được thiết
lập trong ASPAC mà còn có những nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương.
Trong năm 1966, Tổng thống Park Chung-hee đã thực hiện chuyến thăm cấp
nguyên thủ đầu tiên của Hàn Quốc tới Đông Nam Á là Malaysia, Thái Lan và
Nam Việt Nam. Đồng thời, Hàn Quốc tiếp tục mở rộng thêm quan hệ với các
nước Đông Nam Á khác như thiết lập quan hệ lãnh sự với Indonesia năm
1968. Bên cạnh quan hệ an ninh-chính trị, từ cuối thập kỷ 1960, yếu tố
kinh tế bắt đầu đóng vai trò trong quan hệ Hàn Quốc với các nước ASEAN.
Những thay đổi trong đường lối phát triển kinh tế của Hàn Quốc từ thời
Park Chung hee đã dẫn đến những điều chỉnh trong quan hệ kinh tế đối
ngoại của Hàn Quốc. Năm 1968, Hàn Quốc bắt đầu quá trình đầu tư vào Đông
Nam Á mà đầu tiên là một dự án nhỏ ở Indonesia.
Như vậy, từ thập kỷ 1960, Đông Nam Á bắt đầu có vị trí đáng kể trong
chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc chỉ có quan hệ
thường xuyên với một số nước Đông Nam Á và chủ yếu trên cơ sở song
phương. Nỗ lực xây dựng quan hệ đa phương qua ASPAC tuy để lại dấu ấn
trong cách tiếp cận đa phương nhưng có thể nói là không thành công. Năm
1967, ASEAN được thành lập song quan hệ Hàn Quốc với tổ chức này gần như
không có gì do vai trò và hoạt động của ASEAN lúc đó còn khá mờ nhạt.
Hơn nữa, Hàn Quốc vẫn muốn duy trì ASPAC và vai trò của mình trong đó
nên không sốt sắng quan hệ với ASEAN. Tuy nhiên, trong giai đoạn này,
quan hệ Hàn Quốc-Đông Nam Á đã bắt đầu có sự phát triển, đặc biệt từ
giữa những năm 1960. Các tiến bộ tuy còn nhỏ bé nhưng đã tạo tiền đề cho
sự phát triển tiếp tục sau này, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Bước sang thập kỷ 1970, ở Đông Á diễn ra những biến chuyển
lớn. Năm 1972, Mỹ và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ. Năm 1973, Mỹ
buộc phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và cắt giảm nhiều cam kết
an ninh đối với khu vực. Trước đó, năm 1972, ASPAC đã chấm dứt hoạt
động. Sự thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực trở nên không có lợi
cho Hàn Quốc. Tình hình này khiến Hàn Quốc lo ngại và buộc phải chú ý
nhiều hơn tới việc củng cố quan hệ song phương với các nước Đông Nam Á
để hạn chế phần nào sự bất lợi từ cán cân quyền lực khu vực mới. Hàn
Quốc cố gắng mở rộng quan hệ với 5 nước ASEAN và với Miến Điện. Các
chuyến viếng thăm qua lại cấp nguyên thủ và cấp ngoại trưởng giữa hai
bên diễn ra khá nhiều trong thời gian này. Có cùng những lo ngại như Hàn
Quốc, các nước ASEAN cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ này, đặc biệt sau
những thay đổi ở Đông Dương năm 1975. Vì thế, quan hệ Hàn Quốc-ASEAN đã
có sự khởi sắc hơn trong thời gian này.
Trong nửa cuối thập niên 1970, tình hình Đông Á và Đông Nam Á phức
tạp trở lại do cuộc đua tranh quyền lực giữa Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc.
Quan hệ Hàn Quốc-ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề và bị che lấp bởi mối quan
hệ giữa các cường quốc. Những xáo trộn quyền lực mới trong khu vực
khiến cả hai bên không đặt ưu tiên quan hệ với nhau. Vị trí quan hệ Hàn
Quốc-ASEAN trong chính sách khu vực của cả hai bên bị đẩy xuống thấp.
Mặc dù ASEAN đã cải thiện phần nào vị thế của mình từ sau Hội nghị Bali
tháng 2/1976, nhưng chính sách của Hàn Quốc ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục
dựa trên cơ sở song phương, quan hệ đa phương Hàn Quốc-ASEAN gần như
không tiến triển. Bởi thế, Hàn Quốc đã không có mặt khi ASEAN thiết lập
quan hệ đối thoại với nhiều nước lớn năm 1977. Đồng thời, cả hai bên đều
gặp phải vấn đề lớn khiến quan hệ song phương bị xao nhãng đáng kể. Hàn
Quốc phải đối mặt với vấn đề an ninh khi Tổng thống Mỹ Carter tuyên bố
rút quân Mỹ ra khỏi Hàn Quốc. Cùng với đó, những chỉ trích của Đảng Dân
chủ (Mỹ) về sự vi phạm nhân quyền ở Hàn Quốc cũng phủ bóng đen lên quan
hệ Mỹ-Hàn Quốc. Trong khi đó, ASEAN phải đối mặt với sự thay đổi quyền
lực, sự can thiệp tăng lên của các nước lớn và những nguy cơ bất ổn định
ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, từ thập kỷ 1970, Hàn Quốc chú ý nhiều hơn đến việc phát
triển ngoại giao văn hoá với các nước Châu Á. Hàn Quốc không chỉ đăng
cai nhiều hoạt động giao lưu văn hoá có tính khu vực mà còn khởi xướng
những chương trình hợp tác văn hoá với các nước ASEAN. Nhiều hoạt động
giao lưu văn hoá đã được duy trì tương đối thường xuyên. Các hoạt động
này đã góp phần mở thêm kênh quan hệ văn hoá mà sau này đã góp phần
không nhỏ trong việc duy trì và phát triển quan hệ Hàn Quốc-ASEAN.
Nhìn chung, trong thập kỷ 1970, quan hệ Hàn Quốc với các nước ASEAN
vẫn chịu chi phối bởi quan hệ giữa các nước. Khi các nước lớn hoà hoãn,
vai trò của quan hệ này được quan tâm hơn. Khi các nước lớn đua tranh
quyền lực, vị trí của quan hệ này bị giảm sút. An ninh-chính trị vẫn là
động cơ chính của quan hệ. Trên quy mô Đông Á, Hàn Quốc không có vai trò
đáng kể, còn vai trò của ASEAN vẫn hạn chế và chỉ giới hạn ở Đông Nam
Á. Vị thế hạn chế như vậy đã khiến sự quan tâm đến nhau chỉ là chừng
mực.
Trong suốt thập kỷ 1980, quan hệ Hàn Quốc-ASEAN vẫn nằm dưới
cái bóng của quan hệ giữa các cường quốc. Hàn Quốc không có tiếng nói
chính trị rõ rệt ở Đông Nam Á. Sự cải thiện quan hệ Mỹ-Trung Quốc, sự
phát triển quan hệ buôn bán không chính thức Trung Quốc-Hàn Quốc và việc
Trung Quốc năm 1983 lần đầu tiên tuyên bố sẵn sàng tham gia tiến trình
giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên đã thu hút sự quan tâm của Hàn
Quốc. Vì thế, Hàn Quốc không tham gia vào những biến cố chính trị phức
tạp ở Đông Nam Á. Hành động chính trị chủ yếu của Hàn Quốc khi đó là ủng
hộ lập trường của Mỹ, Trung Quốc và ASEAN trong vấn đề Campuchia. Cả
Hàn Quốc và ASEAN đều ưu tiên quan hệ với các nước lớn và tập trung vào
các vấn đề của mình: Hàn Quốc ở Đông Bắc Á, ASEAN ở Đông Nam Á. Quan hệ
giữa hai bên vẫn chủ yếu diễn ra trên bình diện song phương cho dù ASEAN
đã nổi lên như một thực thể chính trị quan trọng của khu vực. Sự thận
trọng của Hàn Quốc trước những diễn biến của khu vực, vị thế hạn chế của
ASEAN trong quan hệ với các nước lớn khi đó đã khiến quan hệ song
phương tiếp tục là dòng chảy chính của mối quan hệ này. Trong quan hệ
Hàn Quốc-ASEAN, đáng kể nhất chỉ có chuyến đi thăm 5 nước ASEAN của tổng
thống Chun Do-hwan năm 1981. Đây là chuyến đi không chỉ nhằm củng cố
quan hệ giữa Hàn Quốc với từng nước ASEAN-5 mà còn là sự khẳng định lập
trường chính trị của Hàn Quốc đứng về phía Mỹ-Trung Quốc-ASEAN trong
cuộc đối đầu khu vực với Liên Xô và các nước Đông Dương.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, quan hệ kinh tế giữa hai bên bắt đầu
phát triển. Nhằm phát triển kinh tế quốc gia và nâng cao năng lực của
khu vực kinh tế tư nhân, Hàn Quốc chủ trương đẩy mạnh thương mại và đầu
tư, tích cực tham gia vào quan hệ kinh tế quốc tế. Thiết lập quan hệ hữu
nghị với các nước trong khu vực để mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại
trở thành mục tiêu, chính sách quan trọng của Hàn Quốc trong khu vực.
Trong thập kỷ 1980, làn sóng đầu tư và hợp tác kinh tế của Hàn Quốc với
các nước ASEAN đã tăng dần lên. Làn sóng này bắt đầu tăng rõ rệt từ cuối
thập kỷ 1980. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế của Hàn Quốc-ASEAN vẫn nhỏ hơn
nhiều so với tiềm năng của hai bên. Thương mại hai chiều chiếm tỉ trọng
khá thấp trong kim ngạch xuất nhập khẩu của cả hai bên. Còn đầu tư của
Hàn Quốc vào ASEAN chỉ là 304 triệu USD năm 1989.([1])
Ngoài ra, tuy đã khởi sắc song quan hệ kinh tế Hàn Quốc-ASEAN vẫn nhỏ
hơn nhiều so với quan hệ của mỗi bên với Mỹ và Nhật. Điều này khiến cho
động cơ kinh tế chưa đóng góp được nhiều vào việc cải thiện vị trí của
bên này trong chính sách khu vực của bên kia. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế
còn nhỏ bé này lại là tiền đề quan trọng giúp duy trì và nâng cao quan
hệ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Và dần dần, hợp tác kinh tế ngày càng
trở thành dòng quan hệ quan trọng giữa Hàn Quốc với ASEAN và Đông Nam Á.
Những tiến bộ nhất định trong quan hệ Hàn Quốc-ASEAN cho thấy, Đông Á
đã trở thành phạm vi lợi ích quan trọng của mỗi bên. Tuy nhiên, chủ
nghĩa khu vực Đông Á chưa có dấu ấn trong chính sách khu vực của cả Hàn
Quốc lẫn ASEAN. Bởi thế, vì nhiều lý do, các sáng kiến xây dựng thể chế
hợp tác khu vực không tác động nhiều đến quan hệ Hàn Quốc-ASEAN. Trong
Chiến tranh Lạnh, hàng loạt sáng kiến được đề ra nhưng hầu hết chúng
hoặc không được thực hiện, hoặc kém hiệu quả nên không tác động đến Hàn
Quốc và ASEAN cũng như quan hệ giữa chúng. Các thể chế khu vực liên quan
đến ASEAN như Hội nghị bộ trưởng về phát triển kinh tế ở Đông Nam Á
(MCEDSEA) do Mỹ và Nhật lập ra năm 1966 thì không có sự tham gia của Hàn
Quốc. Sáng kiến của Hàn Quốc như Thị trường chung Châu Á (ACM) năm 1970
cũng không nhận được sự ủng hộ của các nước ASEAN. Các thể chế hình
thành thì không có quy mô Đông Á mà thường hoặc rộng hơn hoặc tiểu khu
vực. Hàn Quốc và một số thành viên ASEAN có cùng tham gia vào một vài
thể chế khu vực như Hội nghị hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) năm
1980 hay Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm
1989. Tuy nhiên, điều này cũng không đem lại nhiều ảnh hưởng đối với
quan hệ Hàn Quốc-ASEAN do các thể chế này hoạt động khá yếu ớt trong bối
cảnh Chiến tranh lạnh.
Đầu những năm 1990, sự hoà dịu trong quan hệ quốc tế thế
giới và khả năng kết thúc Chiến tranh Lạnh đem lại cho Hàn Quốc hi vọng
mới về việc giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Do vậy, Hàn Quốc đã
tập trung nhiều hơn đến chủ nghĩa khu vực ở Đông Bắc Á. Chính sách khu
vực của Hàn Quốc khi đó có hai mục tiêu rõ rệt. Cải thiện quan hệ chính
trị với Liên Xô và thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc để trung lập
hoá sự ủng hộ chính trị của hai cường quốc này đối với CHDCND Triều
Tiên. Trường hợp thống nhất nước Đức đã làm tăng hi vọng của Hàn Quốc
giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng con đường hoà bình dựa trên sức mạnh
kinh tế với sự ủng hộ của các nước lớn. Tuy không thực sự quan tâm đến chủ
nghĩa khu vực Đông Á so với chủ nghĩa khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc vẫn
chủ trương duy trì quan hệ với ASEAN. Trong con mắt Hàn Quốc khi đó,
ASEAN được nhìn nhận như một thị trường đầy tiềm năng cả về thương mại,
đầu tư lẫn cơ sở sản xuất cho một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh như
Hàn Quốc. Hàn Quốc không muốn tụt hậu quá xa so với Nhật Bản hoặc chậm
chân hơn các NIEs khác trong làn sóng đầu tư và thương mại ở Đông Nam Á.
Về mặt chính trị, thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc-ASEAN đem lại cho Hàn Quốc
ba lợi ích: hạn chế tác động tiêu cực từ những thay đổi phân bố quyền
lực khu vực, có thêm sự ủng hộ chính trị cho các nỗ lực của mình ở Bán
đảo Triều Tiên, tranh thủ nâng cao vị thế trong khu vực khi các nước lớn
đang bận tâm vào vấn đề hoà dịu quan hệ Đông-Tây.
Ngược lại, thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc cũng là nhu cầu của ASEAN.
Xung quanh thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh, ASEAN đang phải đối mặt
với nhiều vấn đề. Vai trò của ASEAN trong khu vực gặp thách thức sau khi
việc giải quyết vấn đề Camuchia chính thức rơi vào tay các nước lớn
(nhóm Perm-5). ASEAN phải đối mặt với việc mất đi cơ sở cố kết chính trị
trong Chiến tranh Lạnh trong khi còn thiếu cơ sở hợp tác kinh tế nội
khối. Một quan hệ phát triển hơn với nền kinh tế đang lên như Hàn Quốc
không chỉ đem lại cơ hội phát triển kinh tế mà còn nâng cao khả năng
thích ứng của ASEAN với những thay đổi của nền kinh tế thế giới. Về mặt
chính trị, cũng như Hàn Quốc, ASEAN lo ngại về những khoảng trống quyền
lực mới trong khu vực và khả năng chạy đua quyền lực mới giữa các cường
quốc ở Đông Á. Việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc sẽ đóng góp cho việc
duy trì vai trò chính trị khu vực của ASEAN sau Chiến tranh Lạnh.
Xuất phát từ nhận thức và lợi ích mới của cả hai bên, trong giai đoạn
này, quan hệ Hàn Quốc-ASEAN đã có sự phát triển ấn tượng. Tháng 8/1990,
lần đầu tiên một cơ chế hợp tác kinh tế ASEAN-Hàn Quốc được thiết lập.
Đó là Uỷ ban Hợp tác lĩnh vực chung ASEAN - Hàn Quốc (ASEAN - ROK Joint
Sectoral Cooperation Committee - JSCC) với ba lĩnh vực hợp tác là thương
mại, đầu tư và du lịch. Đây là một cơ chế hợp tác kinh tế nhưng ý nghĩa
chính trị của nó là rõ rệt. Đó là sự hợp tác chính thức đầu tiên của
Hàn Quốc với ASEAN với tư cách là một tổ chức. Đó là cố gắng thể chế hoá
chính thức đầu tiên quan hệ Hàn Quốc-ASEAN. Đó là bước đi đầu tiên để
mở đường cho quan hệ toàn diện. Chính vì thế, quan hệ Hàn Quốc-ASEAN đã
bắt đầu phát triển nhanh. Đến kỳ họp thứ hai của JSCC, hợp tác được mở
rộng thêm gồm hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và phát triển
nguồn nhân lực.([2])
Sự nâng cấp quan hệ Hàn Quốc-ASEAN không chỉ xuất phát từ nhu cầu của
hai bên, không chỉ là sự phản ứng trước những thay đổi ở khu vực. Khác
với các giai đoạn trước, quan hệ Hàn Quốc-ASEAN ngày càng có sự tương
tác chặt chẽ với xu hướng tiến tới hợp tác khu vực. Khi Chiến tranh Lạnh
đang trên đường kết thúc, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đưa ra
đề nghị về việc thành lập Nhóm kinh tế Đông Á (EAEG) bao gồm
11 nước trong khu vực bao gồm cả Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á mà
không có các cường quốc bên ngoài. Đây là sáng kiến đầu tiên về một tổ
chức khu vực thuần Đông Á. Đề nghị này bị Mỹ phản đối. Hàn Quốc đang
quan tâm đến chủ nghĩa khu vực Đông Bắc Á và muốn tranh thủ các nước lớn
đối với vấn đề Bán đảo Triều Tiên nên không tỏ thái độ rõ rệt và muốn
chờ xem. Nhưng cũng chính thái độ chờ xem như vậy cho thấy Hàn Quốc có
sự quan tâm nhất định tới sáng kiến EAEG. EAEG được coi là phù hợp với
yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc trong xu thế khu vực hoá
kinh tế trên thế giới. EAEG cũng phản ánh mong muốn của các nước vừa và
nhỏ trong khu vực muốn có tiếng nói chính trị cao hơn trong bối cảnh thế
giới đang đổi thay. Một số nước ASEAN như Singapore chẳng hạn cũng có
cách nhìn nhận như vậy nên đã ủng hộ sáng kiến EAEG. EAEG thất bại nhưng
đây chính là sự kích thích cho “tính chất Đông Á” trong quan hệ Hàn
Quốc-ASEAN. Chúng tôi cho rằng có thể EAEG giúp Hàn Quốc và ASEAN bắt
đầu quan tâm nhiều hơn đến lợi ích chung của một cơ cấu hợp tác Đông Á.
Kể từ đó, Hàn Quốc và ASEAN đã đứng cùng nhau trong tiến trình hợp tác
Đông Á từ ARF năm 1994 qua ASEAN+3 năm 1997 đến Hội nghị Thượng đỉnh
Đông Á năm 2005. EAEG cũng có thể giúp hai bên nhận thức rõ hơn về tầm
quan trọng của việc phát triển quan hệ song phương trước những khả năng
phát triển quan hệ đa phương và xây dựng thể chế khu vực. Đây chính là
một chất xúc tác giúp quan hệ Hàn Quốc-ASEAN được nâng cấp với việc Hàn
Quốc trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN.
Tháng 6/1991, Hàn Quốc chính thức trở thành đối tác đối thoại đầy đủ
(full dialogue partner) của ASEAN. Hàn Quốc là thành viên đối thoại đầu
tiên của ASEAN kể từ sau năm 1977. Trong chừng mực nào đó, việc kết hợp
giữa hai thực thể vừa và nhỏ là sự phản ứng trước những thay đổi to lớn
đang diễn ra trong bản đồ quyền lực khu vực trong bối cảnh Chiến tranh
Lạnh đang trên đường kết thúc. Đó là sự phản ứng nhằm tận dụng môi
trường quốc tế thuận lợi hơn cho an ninh và phát triển của hai bên. Đó
cũng là phản ứng nhằm hạn chế tác động tiêu cực của khả năng phân tầng
mới giữa nước lớn và nước nhỏ trong khu vực. Đồng thời, sự nâng cấp quan
hệ Hàn Quốc-ASEAN cũng đáp ứng đúng yêu cầu an ninh và phát triển của
hai bên. Việc trở thành đối tác đối thoại của ASEAN giúp Hàn Quốc nâng
cao vị thế của mình trong khu vực và trong quan hệ với các cường quốc
khu vực. Ít nhất, Hàn Quốc cũng có được địa vị bình đẳng với các nước
lớn trong một diễn đàn khu vực là Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (ASEAN
PMC). Bên cạnh đó, sự kiện này cũng tạo ra cơ chế hợp tác để Hàn Quốc
tiếp tục mở rộng và phát triển quan hệ kinh tế đang trên đà phát triển
với các nước ASEAN. Ngược lại, đối với ASEAN, cơ chế này giúp đa dạng
hoá quan hệ đối ngoại của ASEAN và tạo thêm vị thế khu vực cho tổ chức
này như người chủ toạ trong các vấn đề khu vực. Việc Hàn Quốc là thành
viên đối thoại đầu tiên của ASEAN kể từ sau năm 1977 cho thấy, nhận thức
và nhu cầu của ASEAN phát triển quan hệ với Hàn Quốc đã thay đổi và
tăng lên mạnh mẽ.
Đối với quan hệ Hàn Quốc-ASEAN, sự kiện trên đánh dấu một thời kỳ mới
của quan hệ này. Hàn Quốc và ASEAN chiếm được vị trí cao hơn trong
chính sách khu vực mỗi bên. Hai bên thực sự trở thành những đối tác
quan trọng của nhau. Mối quan hệ này cũng bắt đầu có tính toàn diện hơn
chứ không lệch về an ninh-chính trị như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nhìn chung, sự kiện này có thể được coi là sự mở đầu cho thời kỳ ổn định
và phát triển trong quan hệ Hàn Quốc-ASEAN. Bên cạnh đó, việc Hàn Quốc
là thành viên đối thoại Đông Bắc Á thứ hai của ASEAN (sau Nhật Bản năm
1977, còn Trung Quốc tham gia vào năm 1996) chính là viên gạch lát đường
cho sự tập hợp các nước Đông Á vào trong một khuôn khổ khu vực rộng hơn
là Đông Á. Rõ ràng, sự phát triển quan hệ Hàn Quốc-ASEAN từ năm 1991 đã
đóng góp cho sự nổi lên của chủ nghĩa khu vực Đông Á và sự hình thành
ASEAN+3 năm 1997. Và kể từ đó, quan hệ Hàn Quốc-ASEAN bắt đầu hoà mình
vào trong bối cảnh mới của hợp tác Đông Á.
Như vậy, trong Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ Hàn Quốc với một số nước
Đông Nam Á đã được thiết lập, chính sách khu vực của Hàn Quốc đã được
định hình. Kể từ giữa những năm 1960, quan hệ Hàn Quốc với các nước Đông
Nam Á đã có sự phát triển nhất định với biểu hiện rõ rệt nhất là việc
cùng tham gia ASPAC. Khi đó, quan hệ này được bắt đầu từ an ninh-chính
trị. Đồng thời, những hợp tác nhất định trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá,
xã hội cũng bắt đầu được thiết lập. Từ những năm 1980, quan hệ kinh tế
Hàn Quốc-ASEAN phát triển mạnh lên và ngày càng đóng vai trò quan trọng
trong mối quan hệ này.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong Chiến tranh Lạnh là chưa
nhiều. Quan hệ Hàn Quốc-ASEAN chủ yếu được duy trì trên cơ sở song
phương, xuất phát chủ yếu từ động cơ an ninh-chính trị và chịu chi phối
đáng kể bởi quan hệ quyền lực giữa các nước lớn. Thế và lực còn hạn chế
của hai bên khi đó đã khiến quan hệ này chưa phát triển nhiều và chưa có
được vị thế đáng kể trong khu vực. Mặc dù cách tiếp cận khu vực đã tồn
tại trong chính sách của cả hai bên, quan hệ này không chịu tác động
nhiều của các nỗ lực xây dựng thể chế khu vực, kể cả sau khi ASEAN được
thành lập.
Cho dù chưa phát triển nhiều nhưng quá trình quan hệ Hàn Quốc-ASEAN
trong thời kỳ này đã đặt cơ sở cho sự phát triển tiếp tục với quy mô và
chất lượng cao hơn sau Chiến tranh Lạnh. Cái mốc của sự phát triển này
chính là việc Hàn Quốc trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN vào
tháng 6/1991. Kể từ đó, chúng ta đã chứng kiến những phát triển vượt bậc
trong quan hệ Hàn Quốc-ASEAN.
Sự thiết lập cơ chế hợp tác Hàn Quốc-ASEAN không chỉ giúp duy trì và
thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Cơ chế Hàn Quốc-ASEAN bên lề ASEAN PMC đã
tạo sự chuẩn bị và khả năng sẵn sàng cho cả hai bên trước những đổi
thay ở khu vực và trên thế giới sau Chiến tranh Lạnh. Sự phát triển quan
hệ Hàn Quốc-ASEAN từ năm 1991 cũng chính là một dòng chảy trong xu
hướng hợp tác Đông Á, là một sự đóng góp cho quá trình tiến tới hợp tác
khu vực trong khuôn khổ ASEAN+3. Và rõ ràng, không thể không tính đến
quan hệ Hàn Quốc-ASEAN trong Chiến tranh Lạnh khi nghiên cứu quan hệ Hàn
Quốc-ASEAN hiện nay cũng như các vấn đề Đông Á đương đại.
HOÀNG KHẮC NAM
(TS, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)
1. Andrew C. Nahm, Korea: Traditions and Transformation, Hollym International Corp., Seoul 1996.
2. ASEAN-Republic of Korea, http://www.aseansec.org
3. Byung-joon Ahn, The World’s Changing Political Economy and Korea’s Choice,
in Bum-Joon Lee & Sung-Chul Yang, The Changing World Order –
Prospects for Korea in the Asia-Pacific Era, The Korean Association of
International Studies, ROK 1992.
4. Gilbert Rozman, Northeast Asia’s Stunted Regionalism – Bilateral Distrust in the shadow of Globalization, Cambridge University Press, USA 2004.
5. Joon Young Park, Korea’s Return to Asia: South Korean Foreign Policy 1965-1975, Jin Heong Press, Seoul 1985.
6. Kim Dae-jung, Korea and Asia, The Kim Dae-jung Peace Foundation Press, Seoul 1994.
7. Kwon Yul, Toward A Comprehensive Partnership: ASEAN-Korea Economic Cooperation, East Asian Review, Vol 16 No 4, Winter 2004.
8. Nicolas Eberstadt & Richard J. Ellings, Assessing Interests and Objectives of Major Actors in the Korean Drama, in Korea’s Future and the Great Powers, University Bureau of Washington Press, Seattle 2001.
([1]) ASEAN-Republic of Korea, http://www.aseansec.org
([2]) ASEAN-Republic of Korea, http://www.aseansec.orga
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5, 2007