Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

68. Quan hệ Trung-Mỹ và cục diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Quan hệ Trung-Mỹ là một mối quan hệ song phương ngày càng quan trọng, đặc biệt là đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD). Tuy giữa Trung Quốc và Mỹ đang tồn tại những lợi ích chung rộng rãi, có không gian hợp tác tương đối lớn, nhưng hai nước đang có xung đột về thiên hướng chiến lược trong việc làm thế nào để khu vực phát triển, đã mang đến những ảnh hưởng khó lường cho sự phát triển của khu vực Đông Á. Làm thế nào tháo gỡ được xung đột này là một thách thức quan trọng mà quan hệ Trung-Mỹ phải đối mặt. Bài viết đăng trên Tạp chí “Hòa bình và phát triển”, Trung Quốc, số 4/2011

I-    Mối quan hệ chiến lược phức tạp Trung-Mỹ mở rộng sang khu vực
1-  Mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng gắn bó cũng có xu hướng ngày càng phức tạp
Sự phức tạp trong quan hệ Trung-Mỹ chủ yếu thể hiện ở tình hình kinh tế và an ninh. Được coi là hai cường quốc kinh tế thế giới, mối quan hệ này có đặc điểm càng xích gần, va chạm và phiền phức càng tăng lên. Và kiểu va chạm kinh tế này thường sẽ gắn với mối quan hệ giữa hai nước về xu thế chiến lược an ninh. Sau sự kiện tàu Cheonan, tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên cũng như các hành động quân sự quy mô lớn liên tiếp của Mỹ ở Hoàng Hải - khu vực cửa ngõ trên biển của Trung Quốc, khiến bầu không khí căng thẳng giữa hai nước càng lên cao. Ngày 23/7/2010, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 tổ chức ở Hà Hội, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gây khó dễ cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, khiến quan hệ Trung-Mỹ càng đầy mùi thuốc súng. Tháng 1/2011, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc hội kiến chính thức lần thứ 8. Cuộc gặp làm cho tình cảm đối lập giữa hai bên giảm đi rất nhiều. Trong “Tuyên bố chung Trung-Mỹ” thứ hai được hai nước ký trong vòng 2 năm nêu rõ, Trung Quốc và Mỹ muốn thiết lập “mối quan hệ đối tác hợp tác cùng tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi cùng thắng lợi”. So với việc xác định hai nước muốn phát triển “mối quan hệ tích cực, hợp tác, toàn diện” trong tuyên bố chung năm 2009, có thể nói quan hệ Trung-Mỹ đã có bước tiến đáng kể. 
Tuy nhiên, quan hệ Trung-Mỹ vẫn còn nhiều phức tạp. Tuy Mỹ đã tiếp đón Chủ tịch Hồ Cẩm Đào với quy cách và nghi lễ tương đối cao, có cách làm giữ thể diện, nhưng có ít hành động thực tế trong việc thúc đẩy quan hệ song phương cải thiện. Trung Quốc đã bày tỏ thành ý, chi đơn mua hàng tới 45 tỷ USD nhằm giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai bên bằng hành động thực tế nhưng dường như khó có thể làm người Mỹ hài lòng. Trong vấn đề mất cân bằng thương mại, tính phức tạp của mối quan hệ song phương được thể hiện tương đối đầy đủ. Trong khi Obama, người bị các cơ quan truyền thông Mỹ gọi vui là “giám đốc bán hàng” nói “chúng tôi muốn bán cho các bạn tất cả mọi thứ”, thì cũng thẳng thừng từ chối yêu cầu của Trung Quốc mong muốn Mỹ nới lỏng hạn chế xuất khẩu công nghệ cao đối với họ. 
2- Trung Quốc và Mỹ vẫn cần thời gian để tháo gỡ những nghi ngờ chiến lược 

Căn nguyên khiến quan hệ Trung-Mỹ hết sức phức tạp chính là do kiểu chính sách của Mỹ coi Trung Quốc là đối tượng chiếm đoạt về kinh tế, phòng ngừa về chiến lược.
Sau các cuộc hội đàm cấp cao, đầu tháng 5/2011 Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành đối thoại kinh tế và chiến lược vòng 3, đặc điểm của vòng này là lần đầu tiên hai bên đã tiến hành đối thoại an ninh chiến lược với sự tham gia chung của đại diện ngoại giao và đại diện quân sự. Đại diện phía Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân và Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Mã Hiểu Thiên, đại diện phía Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg, Thứ trưởng Quốc phòng Michele Fournoy và Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng James Cartwright. Khung đối thoại này trên một mức độ nào đó giống như “hội nghị 2+2” có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao của Mỹ với các nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia. Vì vậy, việc Trung Quốc và Mỹ tổ chức những cuộc đối thoại chiến lược như vậy mang một ý nghĩa tích cực, quan trọng đối với việc tăng thêm lòng tin, xóa bỏ nghi ngờ giữa hai bên. Tuy nhiên, muốn xóa bỏ những nghi ngờ chiến lược thì vấn đề không nằm ở chỗ đối thoại bao nhiêu lần mà là liệu Trung Quốc và Mỹ có thành ý hay không. 
Sau cuộc đối thoại không lâu, cuối tháng 5, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Trần Bính Đức đã dẫn đoàn cấp cao quân sự tới thăm Mỹ, đầu tháng 7 Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mullen cũng dẫn đoàn tới thăm Trung Quốc, đồng thời tham quan Lực lượng pháo binh II cũng như các trang bị vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu thế hệ mới của Trung Quốc. Tuy bày tỏ thừa nhận độ công khai quân sự của Trung Quốc nhưng tại Nhật Bản, trạm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm châu Á Mullen vẫn tỏ hoài nghi đối với việc Trung Quốc phát triển sức mạnh quân sự chỉ đơn thuần vì mục đích phòng ngự. 
Trên thực tế, sức mạnh quân sự của một nước là để tiến công hay phòng ngự chủ yếu phải xem quan niệm lập quốc, quan niệm lập quân và quan niệm phát triển của đất nước đó, Trung Quốc được coi là một nước lớn có cả biển và đất liền, cục diện an ninh phải đối mặt càng phức tạp, không thể hoàn toàn sử dụng những loại vũ khí mang tính phòng ngự đơn thuần. Vấn đề ở chỗ Mỹ nhìn nhận Trung Quốc với cách tư duy của họ, tỏ thái độ nghi ngờ đối với quan niệm phát triển hòa bình của Trung Quốc. Vì vậy, dù có tăng thêm độ công khai quân sự cũng chưa hẳn có thể giải quyết vấn đề niềm tin chiến lược về quân sự giữa hai nước. 
2-            Ý thức bá quyền và tư duy Chiến tranh Lạnh của Mỹ vẫn là những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới sự phát triển của mối quan hệ tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ 
Sự không thể tin cậy lẫn nhau về chiến lược quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ chủ yếu là do hai bên khó có thể xây dựng sự tin cậy chính trị lẫn nhau. Và nhân tố chủ yếu gây trở ngại cho hai nước xây dựng lòng tin chính trị chính là ý thức bá quyền và tư duy Chiến tranh Lạnh của Mỹ. Sau khi Obama lên cầm quyền, quan hệ Trung-Mỹ bề ngoài hết sức nhộn nhịp, lãnh đạo hai nước liên tiếp gặp mặt, trao đổi với nhau. Tuy nhiên sau mỗi đợt cao trào này, mâu thuẫn chính trị giữa hai nước lập tức nhen nhúm. Không lâu sau chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Obama, Mỹ lập tức dội gáo nước lạnh cho quan hệ Trung-Mỹ trong một loạt vấn đề chính trị như bán vũ khí cho Đài Loan, Tân Cương độc lập, Tây Tạng độc lập. Lần này tương tự cũng vậy. Khi Mullen vừa rời khỏi Trung Quốc, Obama đã gặp Đạtlai Lạtma ở Nhà Trắng, hơn nữa còn hội đàm với ông ta tới 45 phút. 
Mặc dù có cơ quan truyền thông nước ngoài bình luận từ năm 1991 tới nay, mỗi lần Đạtlai Lạtma tới thăm Mỹ đều hội đàm với tổng thống nước này đã trở thành thông lệ, tháng 10/2009 vì sắp đi thăm Trung Quốc nên Obama từ bỏ cuộc gặp với Đạtlai Lạtma, nhưng Obama vì điều này cũng bị Quốc hội phê bình. Lần này Obama cần sự hợp tác của Quốc hội trong vấn đề cắt giảm nợ nên đã gặp Đạilai Lạtma và bàn nhiều về vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên kiểu luận điệu dường như nói vu vơ này kỳ thực đã cho thấy thái độ thù địch của Mỹ đối với Trung Quốc về chính trị, chứ không phải là vấn đề của một nhà lãnh đạo nào đó. Mỹ lần này không những dành sự tiếp đãi hết sức quan cách cho Đạtlai Lạtma, cử quan chức ngoại giao tới sân bay đón, mà còn tổ chức một hội nghị bàn tròn với chủ đề “Đạtlai Lạtma: ông có ý nghĩa gì với người Tây Tạng?”. Thứ trưởng Ngoại giao, điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng, Maria Otero rất có định kiến đối với Trung Quốc đã tham gia hội nghị và phát biểu, nói nhiều tới sự ủng hộ của Mỹ đối với tập đoàn Đạtlai Lạtma. Hội nghị lần này do Ủy ban Hành pháp - Quốc hội về Trung Quốc của Mỹ (CECC) tổ chức, phát biểu của Otero tại hội nghị này hiển nhiên là muốn bày tỏ “tiếng lòng” của tập đoàn thống trị Mỹ đối với Trung Quốc.
Ngày nay vẫn dùng từ “tư duy Chiến tranh Lạnh” để miêu tả lập trường mang tính thù địch của Mỹ đối với Trung Quốc về chính trị dường như có chút không phù hợp, vì một số hành vi nào đó của Mỹ trên thực tế đã không thể giải thích bằng ý thức hệ hay nguyên tắc nhân quyền. Sau khi Đạtlai Lạtma phản bội tổ quốc năm 1959, Mỹ đã ủng hộ về chính trị và kinh tế cho ông ta trong một thời gian dài, chủ yếu là xuất phát từ mục đích của Chiến tranh Lạnh, để phản đối nước Trung Quốc mới xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, Mỹ lại giơ chiêu bài “bảo vệ nhân quyền”, “bảo vệ văn hóa Tây Tạng” để ủng hộ tập đoàn Đạtlai Lạtma. Tuy nhiên, Mỹ hoàn toàn không quan tâm tới chế độ nông nô suy tàn, không nhân đạo nhất mà Đạtlai Lạtma là đại diện, cũng như chế độ chính trị và tôn giáo hợp nhất trái ngược với chế độ nhân quyền dân chủ hiện đại; đồng thời cũng hoàn toàn không quan tâm tới sự phát triển và thay đổi lớn về kinh tế và xã hội của Tây Tạng sau khi giải phóng khỏi chế độ nông nô; hoàn toàn không chú ý tới những thành tựu to lớn mà Trung Quốc đạt được trong việc xây dựng nhân quyền; cũng hoàn toàn không quan tâm tới những nỗ lực to lớn của Chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống của Tây Tạng. Mỹ biết rõ mục đích của Đạtlai Lạtma là muốn chia rẽ Trung Quốc nhưng vẫn ủng hộ ông ta. Một điểm phải chú ý là, tất cả những lý do khiến Chính phủ Mỹ ủng hộ Đạtlai Lạtma đều dựa vào những chỉ trích vô cớ đối với Chính phủ Trung Quốc. 
Trong thế giới hiện nay, sự ủng hộ của Mỹ đối với tập đoàn Đạtlai Lạtma là không thể lý giải, cũng là hành vi chẳng có chút đạo nghĩa nào. Trong điều kiện hiện đại, cách giải thích duy nhất của việc Mỹ lợi dụng vấn đề Tây Tạng can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc chính là chiến lược bá quyền của Mỹ. Và kiểu chiến lược này là nguyên nhân căn bản khiến Mỹ và Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào nhau về kinh tế, lại rất khó có thể xây dựng sự tin cậy chính trị với nhau. 
3-  Khung quan hệ song phương Trung-Mỹ mở rộng sang châu Á-TBD 
Lâu nay, mặc dù quan hệ Trung-Mỹ có mối liên quan tương đối lớn với cục diện và tình hình khu vực châu Á-TBD, hay có thể nói là có tính ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng một sự đột phá lớn trong năm nay là hai bên cuối cùng đã thiết lập được cơ chế chuyên đối thoại về các vấn đề khu vực. Một thành quả lớn của đối thoại an ninh chiến lược Trung-Mỹ lần thứ nhất là hai bên đồng ý khởi động bàn bạc về các vấn đề của châu Á-TBD. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân nói: “Nếu Trung Quốc và Mỹ không thể hợp tác ở khu vực châu Á-TBD thì đừng nói đến hợp tác ở phạm vi toàn cầu, tin rằng việc thiết lập cơ chế này sẽ giúp thúc đẩy hình thành cục diện tác động lẫn nhau tích cực giữa hai nước ở châu Á-TBD, có những đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực này.” 
Việc thiết lập cơ chế đối thoại về các vấn đề châu Á-TBD đã phản ánh nhu cầu thực tế của quan hệ Trung-Mỹ. Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông chứng tỏ mâu thuẫn giữa hai nước đã mở rộng tới phạm vi khu vực, ảnh hưởng tới tình hình và hướng đi của khu vực. Hai bên kịp thời đối thoại về các vấn đề khu vực không những có lợi cho việc giảm bớt hiểu lầm, tránh những phán đoán sai lầm, từ đó làm giảm rủi ro xảy ra xung đột, đồng thời cũng có lợi cho việc tăng cường hợp tác giữa hai bên trong các công việc của khu vực. 
Cuộc đối thoại Trung-Mỹ lần thứ nhất về các vấn đề của châu Á-TBD được tiến hành ở Honolulu , Hawaii vào ngày 25/6/2011, đại diện hai bên gồm Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell. Hai bên đã trao đổi ý kiến chân thành về tình hình khu vực châu Á-TBD, các chính sách đối với châu Á-TBD của mỗi bên, vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, vấn đề Biển Đông, Mianma cũng như hợp tác ở khu vực. Đối thoại tuy không đạt được những thành quả như mong muốn nhưng có thể coi là một sự mở màn vững chắc. Một cơ chế như vậy tất sẽ có ảnh hưởng tới tình hình khu vực và chính sách đối với khu vực của hai nước trong thời gian tới. 
II-  Những ảnh hưởng từ chính sách châu Á-TBD của Mỹ đối với quan hệ Trung-Mỹ và cục diện khu vực 
Sau khi lên cầm quyền, Obama ra sức nhấn mạnh Mỹ là quốc gia Thái Bình Dương. Kỳ thực, từ cuối thế kỷ 19 sau khi đánh đuổi những kẻ thực dân Tây Ban Nha ra khỏi Mêhicô và Philíppin cũng như thôn tính Hawaii, Mỹ đã trở thành siêu cường nằm vắt ngang hai đại dương. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Mỹ đưa quân tới đóng ở các nước châu Á như Nhật Bản và Philíppin, về mặt chiến lược quân sự, Mỹ luôn coi Thái Bình Dương là lãnh hải mình quản lý, và coi các đảo quốc ở Đông Á là dải tiền duyên phòng ngự quân sự của mình. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trọng tâm trong chiến lược châu Á-TBD của Mỹ là thông qua củng cố và tăng cường sự hiện diện quân sự để bảo vệ địa vị chủ đạo của mình ở châu Á-TBD. Chiến lược châu Á-TBD của Mỹ không tách rời điều cốt lõi này, nó thậm chí căn cứ vào đặc điểm của thời đại ngày nay coi chính sách ngoại giao của Mỹ đối với châu Á-TBD là “ngoại giao tiền duyên”. Điều cốt lõi của “ngoại giao tiền duyên” chính là muốn chủ đạo các vấn đề của châu Á-TBD với tư thế tích cực thúc đẩy, định hình châu Á về các mặt kinh tế, an ninh và chính trị. 
1-  Chiến lược đảm bảo quyền chủ đạo không phù hợp với xu thế phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Obama là tổng thống được lựa chọn trong bối cảnh lịch sử cục diện sức mạnh toàn cầu có những biến động lớn. Với vị thế là siêu cường duy nhất, Mỹ đã lạm dụng vũ lực, sa lầy nghiêm trọng vào hai cuộc chiến Ápganixtan và Irắc, làm tiêu hao tương đối nhiều sức mạnh của đất nước. Và bên cạnh đó, các nước mới nổi lại đua nhau trỗi dậy, khiến sức ảnh hưởng quốc tế của Mỹ giảm sút rõ rệt. 
Phần lớn các cuộc bàn luận về những thay đổi của tình hình quốc tế cho rằng cùng với sự thay đổi của trọng tâm phát triển kinh tế, quyền lực chính trị toàn cầu đang xuất hiện sự dịch chuyển từ phương Tây sang phương Đông mang tính lịch sử. Quan điểm này không những bắt nguồn từ các học giả phương Tây lo ngại về tiền đồ của mình, mà một số phần tử tri thức của châu Á cũng tham gia vào đội ngũ luận chứng này. 
Quan điểm chủ chốt của cuộc bàn luận này là cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, sức mạnh của các nước Đông Á không ngừng được tăng cường, ảnh hưởng của phương Tây đối với thế giới sẽ giảm sút tương đối, đồng thời trong quá trình dịch chuyển quyền lực này, vị thế của Trung Quốc sẽ được nâng lên nhanh. Các cơ quan tư vấn và học giả Mỹ còn tiến hành nghiên cứu chủ nghĩa thực chứng đối với kiểu dịch chuyển quyền lực này. Đầu năm 2009, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế (CSIS) của Mỹ đã có những đánh giá chiến lược đối với chủ nghĩa khu vực của Đông Á. Thông qua phiếu điều tra trắc nghiệm đối với khu vực châu Á-TBD, báo cáo này đã chứng thực được cách nói có sự dịch chuyển quyền lực trong khu vực. Trong câu trả lời 10 năm tới quốc gia nào sẽ trở thành cường quốc mạnh nhất trong khu vực, có 65,5% lựa chọn Trung Quốc, chỉ có 31% lựa chọn Mỹ. Tương ứng vậy, khi trả lời trong 10 năm tới mối quan hệ song phương với quốc gia nào quan trọng nhất, có 59% lựa chọn Trung Quốc, 36% lựa chọn Mỹ, trong khi ở Trung Quốc có 77% lựa chọn Mỹ, phía Mỹ có 76% lựa chọn Trung Quốc, chỉ có 16% người được hỏi ở các nước chọn Nhật Bản. Về thái độ đối với việc xây dựng Cộng đồng Đông Á, có 81% số người trong khu vực bày tỏ ủng hộ.
Trong bối cảnh lớn của lịch sử, mục tiêu cầm quyền mà Obama nêu ra chính là phải khôi phục địa vị lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Do đó, ông nêu rõ Mỹ nên chịu trách nhiệm chấm dứt cuộc chiến ở Ápganixtan và Irắc, tập trung sức lực đối mặt với các mối đe dọa và các cơ hội mới. Trong số các mối đe dọa mới mà Obama liệt kê, các lực lượng mới nổi có khả năng thách thức Mỹ cũng được liệt kê vào trong đó. 
Các thách thức đối với quyền lực của Mỹ trong tương lai đến từ châu Á sẽ khiến cho trọng điểm mối quan tâm chiến lược của Obama chuyển sang Đông Á. Mỹ muốn tiếp tục duy trì địa vị bá chủ toàn cầu của mình trong thế giới tương lai thì hiển nhiên trước tiên nên tăng cường địa vị chủ đạo của mình ở châu Á. Vì vậy, Chính quyền Obama một mặt thông qua liên tục nhấn mạnh Mỹ là “quốc gia Thái Bình Dương” để biểu thị công khai tính hợp lý của việc lực lượng Mỹ hiện diện ở châu Á, mặt khác lại cao giọng bày tỏ thái độ Mỹ muốn kiên quyết duy trì địa vị lãnh đạo ở châu Á, nêu bật điểm cốt lõi trong chính sách của Mỹ đối với châu Á-TBD. Tháng 11/2009, trong chuyến công du châu Á đầu tiên, Obama đã lựa chọn Nhật Bản – đồng minh lớn nhất ở châu Á, là trạm dừng chân đầu tiên. Khi phát biểu ở Tôkyô, Obama đã cam kết với đồng minh của mình, Mỹ “sẽ tăng cường đồng thời tiếp tục duy trì” “địa vị chủ đạo” ở Đông Á, và tỏ rõ biện pháp chủ chốt để duy trì địa vị chủ đạo này là tăng cường xây dựng liên minh quân sự. Kiểu chính sách khu vực coi mấu chốt là đảm bảo quyền chủ đạo của Mỹ hiển nhiên đã mâu thuẫn với tính tự chủ không ngừng được tăng cường, xu thế lớn hợp tác bình đẳng không ngừng phát triển của khu vực châu Á-TBD. Hơn nữa, ý thức bá quyền của siêu cường sẽ càng làm cho chính sách khu vực của Mỹ quá chú trọng cạnh tranh sức ảnh hưởng với Trung Quốc, xung đột khu vực theo đó cũng là khó tránh khỏi.
2-  Thúc đẩy “tăng trưởng kinh tế cân bằng” sẽ làm cho những thay đổi của cục diện châu Á-TBD càng sâu sắc 
Obama lên cầm quyền trong bối cảnh Mỹ xảy ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Bất kể chí khí khôi phục địa vị lãnh đạo của Mỹ của Obama lớn thế nào, ông đều sẽ phải đối mặt với các vấn đề kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp liên tục tăng cao ở trong nước. Vì vậy, một nội dung chủ yếu trong chính sách đối với châu Á-TBD của Chính quyền Obama là muốn để các nước châu Á tháo gỡ khó khăn kinh tế cho Mỹ. 
Obama quy tội những vấn đề xuất hiện trong nền kinh tế Mỹ cho mô hình kinh tế khu vực “dựa vào người tiêu dùng Mỹ và kinh tế châu Á tăng trưởng nhờ xuất khẩu” dẫn đến sự mất cân bằng thương mại. Để giải quyết vấn đề này, Obama đã đưa ra hai chính sách: Một là đốc thúc các nước châu Á thực hiện “những cam kết của nhóm G20 đưa ra tại Pittsburgh”, “áp dụng chiến lược mới thực hiện tăng trưởng kinh tế cân bằng”, tức là hy vọng các nước châu Á thay đổi mô hình tăng trưởng từ xuất khẩu dẫn dắt sang tăng thêm nhu cầu trong nước; hai là, Mỹ thực hiện “chiến lược mới”, tức là “tăng tiết kiệm và giảm chi tiêu”, cũng như phát triển kinh tế thông qua chú trọng hơn vào xuất khẩu. 
Muốn các nước châu Á và Mỹ cùng lúc thay đổi mô hình phát triển, đây không hoàn toàn là vấn đề điều chỉnh kết cấu kinh tế mà kỳ thực có nghĩa là sự điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế. Ở khu vực châu Á-TBD, vấn đề thương mại lâu nay luôn là một phần trong chiến lược của Mỹ. Mỹ vừa theo đuổi những lợi ích kinh tế được mang lại nhờ thúc đẩy tự do thương mại, đồng thời cũng coi đầu tư và thị trường là một loại vũ khí chính trị. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, để kiềm chế chủ nghĩa cộng sản bành trướng thế lực, Mỹ tích cực giúp Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển kinh tế. Sau Chiến tranh Lạnh, hai trụ cột lớn để Mỹ duy trì địa vị chủ đạo ở khu vực châu Á-TBD, ngoài hệ thống liên minh quân sự, thì chủ yếu là đầu tư và mở cửa sang thị trường châu Á. Một phần tương đối trong thặng dư thương mại của các nước châu Á đối với Mỹ là do Mỹ tăng cường đầu tư ra bên ngoài, lợi nhuận trong đó vẫn sẽ đổ về Mỹ. Và sau khi chiếm lĩnh được thị trường châu Á bằng tiền vốn của mình, hiện Mỹ vẫn muốn để các nước châu Á trở thành nơi nhập khẩu chủ yếu hàng hóa của Mỹ. Điều này có nghĩa là Mỹ muốn chuyển từ mô hình mối quan hệ cùng có lợi là đầu tư thu lợi, thương mại nhượng lợi sang mô hình đầu tư-thương mại hai bên cùng có lợi, vậy Mỹ còn tư cách gì để ra lệnh cho các nước châu Á?
Mỹ yêu cầu các nước châu Á mở cửa cho hàng hóa Mỹ để thực hiện tăng trưởng cân bằng, đây là một luận điệu hết sức kỳ lạ. Hợp tác khu vực châu Á-TBD đã phát triển được hơn 20 năm, cánh cửa lớn của thị trường châu Á đã bị Mỹ mở ra từ lâu, nay chỉ tồn tại một chút vấn đề về thuế, dường như không tạo thành trở ngại về thương mại, vậy Mỹ còn yêu cầu gì nữa? Kỳ thực trong vấn đề thúc đẩy cân bằng thương mại, Mỹ thường trộn lẫn giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu chính trị, hoặc cùng coi hai mục tiêu này là biện pháp. Chúng ta có thể nhận thấy, mặc dù Obama tích cực hối thúc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn từ thời Chính quyền Bush với mục đích chính trị nhằm lôi kéo Hàn Quốc, nhưng ở phương diện đối đãi với Trung Quốc lại dùng chiêu bài sức ép của Quốc hội, giương cao chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đầu tư, hơn nữa chẳng quan tâm tới nguyên nhân thật sự của sự mất cân bằng thương mại Mỹ-Trung, ra sức gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ. Chính sách phân hóa về kinh tế này sẽ có khả năng là biện pháp quan trọng để Mỹ vừa mở rộng thị trường châu Á trong tương lai, vừa muốn giữ chủ đạo khu vực châu Á-TBD về mặt kinh tế. Cục diện rất có khả năng xuất hiện là trong khi ra sức lôi kéo các nước châu Á, Mỹ lại làm cho mâu thuẫn Trung-Mỹ lên cao. 
Nói tóm lại, việc Mỹ áp dụng chính sách hối thúc các nước châu Á thay đổi mô hình phát triển để giải quyết tình cảnh khó khăn của Mỹ, cuối cùng sẽ làm nảy sinh những ảnh hưởng sâu sắc đối với các mối quan hệ quốc tế của khu vực châu Á-TBD. Khi sự lệ thuộc của các nước châu Á đối với thị trường Mỹ giảm đi, sự lệ thuộc của Mỹ đối với thị trường châu Á liên tục tăng lên, vị thế của hai bên sẽ có sự thay đổi. Nếu Mỹ vẫn cố giữ lợi ích của bá quyền, va chạm sẽ còn tăng lên.
3-  Can thiệp để giữ chủ đạo hợp tác khu vực sẽ thách thức khung hợp tác khu vực của châu Á 
Bất kể là tăng trưởng kinh tế hay mô hình phát triển đều có ảnh hưởng ngầm tới địa vị bá quyền của Mỹ. Và điều khiến Mỹ dễ mất đi địa vị bá quyền nhất ở khu vực Đông Á chính là những tiến triển trong hợp tác của khu vực này, đặc biệt là nếu hợp tác ở khu vực này do Trung Quốc giữ chủ đạo, khi đó bá quyền của Mỹ ở Đông Á sẽ chấm hết. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20 khi ý tưởng hợp tác khu vực Đông Á vừa manh nha, Mỹ đã thử nghiệm bằng cách kiềm chế các nước châu Á ở phương diện này với thái độ cứng rắn. Mỹ kiên trì Diễn đàn hợp tác khu vực châu Á-TBD (APEC) chỉ có thể do mình giữ chủ đạo, nhưng chính vào lúc ấy Mỹ đã thành lập Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ, tạo ngăn cách với châu Á. Khi châu Á xảy ra khủng hoảng tiền tệ năm 1997, Mỹ hoàn toàn không trợ giúp họ. Điều này cuối cùng đã làm cho các nước Đông Á nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác khu vực. Do đó, 13 nước Đông Á từng bước phát triển cơ chế hợp tác ASEAN+Trung Quốc+Nhật Bản+Hàn Quốc (10+3), và cuối cùng quyết định nâng sự phát triển này lên hình thức cấp cao của hợp tác khu vực - nhóm họp Hội nghị nghị cấp cao Đông Á (EAS). Khi đó Chính quyền Bush bận rộn với cuộc chiến ở Ápganixtan và Irắc cũng như đối phó với hai “trục ma quỷ” Iran và Bắc Triều Tiên, chẳng quan tâm tới những tiến triển của hợp tác khu vực Đông Á. Tuy nhiên, Mỹ vẫn xúi giục Nhật Bản là người đại diện hối thúc EAS kết nạp Ôxtrâylia, Niu Dilân và Ấn Độ, tìm cách thông qua phương thức để nhiều nước tham gia ngăn chặn xuất hiện cục diện Trung Quốc chủ đạo Đông Á. Nhưng dù thế nào, nội dung của hợp tác Đông Á là tương đối rộng lớn.
Sau khi lên cầm quyền, Obama nhận thức được rằng nếu không nắm được quyền chủ đạo của cơ chế hợp tác khu vực thì chẳng có cách nào thật sự duy trì được bá quyền của Mỹ, vì vậy hết sức coi trọng vai trò của các tổ chức hợp tác khu vực. Đối với Mỹ, mục tiêu quan trọng hàng đầu là kiên quyết ngăn chặn ở châu Á xuất hiện hợp tác khu vực mà không có sự tham gia của Mỹ; thứ hai, Mỹ muốn tích cực can thiệp đồng thời giữ chủ đạo hợp tác khu vực; thứ ba, muốn lợi dụng hợp tác khu vực để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên ở Đông Á. Do đó, Chính quyền Obama đã áp dụng nhiều phương thức như lôi kéo, can thiệp, chủ đạo, phân hóa và lợi dụng để đối phó với hợp tác đa phương trong khu vực. 
Về mặt hợp tác an ninh, trong khi củng cố, phát triển các mối quan hệ liên minh truyền thống, Mỹ cũng từng bước thúc đẩy hợp tác đa phương quy mô nhỏ dựa trên nền tảng “quan niệm giá trị chung”. Ở Đông Á, lợi dụng sự kiện tàu Cheonan, Mỹ đã làm tiêu tan ý định “rời bỏ nước Mỹ hội nhập châu Á” của Nhật Bản, làm cho nước này từ bỏ chủ trương “Cộng đồng Đông Á”, chuyển sang hợp tác quân sự Mỹ-Nhật-Hàn, từ đó kiềm chế khả năng hợp tác Trung-Nhật-Hàn. Ở Đông Nam Á, Mỹ mượn vấn đề Biển Đông phân hóa, ly gián mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác quân sự ba bên Mỹ-Nhật Bản-Ôxtrâylia, và ngày 9/7/2011 đã tổ chức cuộc tập trận chung ba nước ở Brunây. Và tại ARF - cơ chế hợp tác an ninh mang tính toàn khu vực, Mỹ lại lợi dụng vấn đề Biển Đông gây khó dễ cho Trung Quốc, thông qua ly gián Trung Quốc với ASEAN, phân hóa ASEAN để đạt được mục đích chủ đạo hướng đi của diễn đàn này. 
Về mặt hợp tác chính trị, Mỹ tích cực lôi kéo ASEAN, và tham gia EAS. Tháng 7/2009, khi tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 16 tổ chức ở Phuket, Thái Lan, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ký “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á” (TAC), vì ký hiệp ước này là điều kiện cần thiết để có thể tham gia EAS. Do hiệp ước này quy định giữa các nước tham gia hiệp ước không được can thiệp công việc nội bộ của nhau nên trong thời kỳ Bush, Mỹ không muốn ký. Chính quyền Obama đã ký hiệp ước này đồng thời không bày tỏ muốn từ bỏ cách làm nhất quán can thiệp công việc nội bộ nước khác, vì cho đến nay Mỹ vẫn can thiệp vào công việc nội bộ của Mianma - thành viên của ASEAN. Ký hiệp ước chỉ là nhằm cho thấy Chính quyền Obama không chịu đựng được việc xuất hiện tình huống không có sự tham gia của Mỹ trong hợp tác đa phương ở Đông Á, tìm mọi cách để được tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á. Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 5 năm 2010 quyết định từ năm 2011 kết nạp thêm Mỹ và Nga. Bên cạnh đó, để lôi kéo ASEAN, từ năm 2009 Mỹ còn hàng năm định kỳ tổ chức hội nghị “10+1”.
Về mặt hợp tác kinh tế, để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở bán đảo Đông Dương tăng lên, trong khi ký TAC, Mỹ còn tiến hành “hợp tác Mỹ-các nước hạ nguồn sông Mê Công”. Mỹ né tránh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) với sự tham gia của 6 nước lưu vực sông Mê Công gồm cả Trung Quốc do Ngân hàng phát triển châu Á khởi xướng, mà đưa ra đề án thiết lập khung hợp tác mới với Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào. 
Xu thế Mỹ tìm cách chủ đạo toàn diện các vấn đề của châu Á từ an ninh, chính trị cho tới kinh tế đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Tuy nhiên, khung hợp tác khu vực Đông Á lấy ASEAN làm chủ đạo, sau khi tham gia EAS nếu Mỹ cũng muốn phát huy vai trò “chủ đạo”, thì điều này tất sẽ thách thức khung hợp tác của châu Á.
Ngoài Hội nghị cấp cao Đông Á và “hợp tác Mỹ-hạ nguồn Mê Công”, Mỹ còn đưa ra một thách thức khác sâu xa hơn đối với hợp tác khu vực Đông Á – Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 17 ở Xinhgapo, Mỹ cao giọng tuyên bố sẽ tham gia hiệp định này, từ đó làm cho một tổ chức còn mới mẻ đối với mọi người bỗng chốc trở thành một trong những chủ đề nóng bỏng nhất ở khu vực châu Á-TBD. Hiệp định này được Chilê, Xinhgapo, Niu Dilân, Brunây ký tháng 6/2005, có hiệu lực vào tháng 5/2006. Nội dung cốt lõi nhất của hiệp định này là thuế tất cả các mặt hàng sẽ được miễn trong vòng 12 năm. Mỹ cao giọng tham gia với ý đồ coi đó là sân chơi để thành lập khu mậu dịch tự do châu Á-TBD. Dưới sự thúc đẩy của Mỹ, trong văn kiện chính thức được công bố cuối cùng tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2010 đã chính thức viết TPP vào một trong những lộ trình có khả năng để thực hiện ý tưởng khu mậu dịch tự do châu Á-TBD. 
Việc Mỹ đẩy mạnh sự phát triển của TPP tất sẽ tạo thành thách thức đối với quá trình nhất thể hóa kinh tế khu vực Đông Á với trục chính là “10+3”. Tháng 3/2010, Mỹ, Ôxtrâylia, Pêru, Việt Nam và 4 nước sáng lập đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên ở Ôxtrâylia, các nước đã đạt được nhận thức chung về tôn chỉ và phương thức hợp tác để đi sâu tìm hiểu hiệp định này, đặt nền móng các cuộc đàm phán tiếp theo. Hiện Mỹ đang tích cực lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc sớm tham gia. Vấn đề tiềm ẩn của TPP là nó không hoàn toàn là một “khu thương mại tự do không tính thuế”, mà còn bao gồm những nguyên tắc có thể chủ quan phán đoán như điều khoản lao động, tiêu chuẩn hàng hóa. Điều quan trọng hơn là, nó không phải là một tổ chức mang tính mở cửa ký hiệp định là có thể tham gia. Tiêu chuẩn thành viên của nó giống như Tổ chức thương mại thế giới, tất cả những thành viên tham gia về sau đều phải tự đàm phán với nước thành viên đã tham gia, được tất cả các thành viên thừa nhận, điều này làm cho các thành viên tham gia sau này không bị phân biệt. Mỹ đi đầu tham gia, đã nắm được quyền vạch ra các tiêu chuẩn và quyền chủ đạo đối với sự phát triển của hiệp định này. Vì vậy, TPP sẽ trở thành công cụ chủ yếu để Mỹ “định hình kinh tế châu Á-TBD trong tương lai”. Cho đến nay, Mỹ cũng chưa nói rõ những quốc gia như thế nào có thể xin tham gia. Do đó, hiệp định này cũng có khả năng bị Mỹ lợi dụng như là công cụ chính trị để phân hóa hợp tác ở Đông Á. Tiến trình nhất thể hóa kinh tế Đông Á sẽ đứng trước những khảo nghiệm nghiêm trọng.
III- Quan hệ Trung-Mỹ và hướng đi sắp tới của cục diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương 
Trung Quốc và Mỹ được coi là hai nước lớn đứng đầu thế giới về quy mô kinh tế, mối quan hệ song phương này phát triển ra sao rõ ràng sẽ có những ảnh hưởng lớn tới hướng đi sắp tới của trật tự khu vực châu Á-TBD.
Nhưng trước tiên, hướng đi của quan hệ Trung-Mỹ trên mức độ rất lớn được quyết định bởi thái độ của siêu cường Mỹ đối với Trung Quốc. Mỹ có ba điểm nhận thức đối với sự phát triển của Trung Quốc: cơ hội, thách thức và tính khó lường. Vì vậy chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là trong khi bàn bạc hợp tác, thì vẫn còn nhiều hành động phòng ngừa hoặc kiềm chế.
Hợp tác, chủ yếu là vì có rất nhiều việc chỉ có thể hoàn thành thông qua hợp tác. Và nguyên nhân của việc phòng ngừa và kiềm chế là vì một số mục tiêu chiến lược của Mỹ chỉ có thể được thực hiện thông qua kiềm chế Trung Quốc. Dù hợp tác hay kiềm chế, cái mà Mỹ theo đuổi là muốn bảo vệ địa vị chủ đạo của mình đối với khu vực châu Á-TBD. Và kiểu chủ đạo này về bản chất là “hòa bình dưới sự thống trị của Mỹ”. 
Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế từng xuất hiện những lời bàn luận “Trung-Mỹ cùng trị”. Trong những lời bàn luận này bao hàm nhiều nhận thức và tình cảm phức tạp, nhưng trong đó cũng có cả cách nghĩ hy vọng Trung Quốc và Mỹ tăng cường hợp tác, làm cho thế giới này càng trật tự hơn.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ và Trung Quốc không chấp nhận khái niệm này. Nguyên nhân là ngoài thực lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp quốc gia của hai nước hoàn toàn không thể sánh với nhau, vấn đề mấu chốt ở chỗ quan niệm thống trị thế giới của hai nước cũng khác nhau. Trung Quốc chủ trương dân chủ hóa chính trị quốc tế, tức là thông qua phương thức cùng thống trị, thực hiện sự hài hòa trong các mối quan hệ quốc tế. Trung Quốc xác định “mãi mãi làm người láng giềng tốt, người bạn tốt, đối tác tốt của các nước châu Á”; chính sách cơ bản của Trung Quốc đối với khu vực là “chia sẻ cơ hội phát triển”, “cùng đón đợi các thách thức”, “kiên trì tìm điểm đồng gác lại bất đồng, thúc đẩy an ninh chung”, “khởi xướng cùng có lợi cùng thắng lợi, khơi sâu hợp tác khu vực”. Trung Quốc phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước châu Á với phương thức hoàn toàn bình đẳng. Trong khi Mỹ lại nhấn mạnh địa vị lãnh đạo của mình, chủ trương hòa bình và thịnh vượng dưới sự thống trị của Mỹ. Chính sự khác biệt về quan niệm này làm cho ngoài những mâu thuẫn mang tính kết cấu cũng như hợp tác mang tính có nhu cầu với nhau, quan hệ Trung-Mỹ đã bắt đầu nổi lên những mâu thuẫn và xung đột đối với trật tự khu vực và quốc tế. 
Để đạt được mục đích của mình, hiện Mỹ đã lợi dụng tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển giữa các nước Đông Nam Á. Thông qua phân hóa châu Á, Mỹ đã lặng lẽ biên chế các nhóm lợi ích lấy “quan niệm giá trị chung” và “lợi ích an ninh chung” làm cơ sở. Phương thức chiến tranh lạnh mềm này của Mỹ sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đối với sự phát triển của cục diện khu vực châu Á-TBD. 
Tuy Mỹ lựa chọn ở thế chủ đạo trong khi định hình chính sách đối với châu Á-TBD, nhưng sự lựa chọn chính sách chung của các nước châu Á có thể càng mang tính lịch sử quyết định. Trung Quốc nên tiếp tục kiên trì khái niệm phát triển hòa bình, nỗ lực vận dụng các phương thức hòa bình khắc phục những trở ngại của lịch sử./.
Bản gốc tiếng Trung "中美关系与亚太地区格局"
Theo Tạp chí “Hòa bình và phát triển”, Trung Quốc, số 4/2011
Văn Cường (gt)