Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

41. Cuộc cạnh tranh dầu mỏ của Trung Quốc với các cường quốc hiện nay và tác động của nó đến quan hệ quốc tế

Trước năm 1993, Trung Quốc luôn tự túc được nhu cầu dầu mỏ trong nước. Từ năm 1993 trở đi, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ bên ngoài. Từ năm 2002 đến nay, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản  trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ đứng thứ hai thế giới và cũng trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Trước sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế trong những năm qua, Trung Quốc đang ngày càng “khát dầu”. Đến năm 2005, lượng dầu mỏ mà Trung Quốc phải nhập đã lên đến 138 triệu tấn so với 71, 8 triệu tấn năm 2002. Trước tình hình ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu và nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhiên liệu chiến lược phục vụ cho phát triển kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đang xây dựng một chiến lược dầu mỏ với mục tiêu cơ bản là đảm bảo nguồn cung cấp dầu ổn định cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Trung Quốc.
Nhìn tổng thể, chiến lược an ninh dầu mỏ của Trung Quốc được xây dựng và triển khai khá bài bản và toàn diện. Nó bao gồm những biện pháp nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn dầu trong nước, xây dựng nguồn dự trữ chiến lược và đẩy mạnh chính sách “ngoại giao dầu mỏ”. Trong điều kiện nguồn dầu trong nước không còn dồi dào, sản lượng khai thác không theo kịp nhu cầu thì việc thực hiện chính sách “ngoại giao dầu mỏ” nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp dầu ổn định từ bên ngoài được coi là hướng nổi trội trong chiến lược dầu mỏ của Trung Quốc. Tuy nhiên, do đến sau trong thị trường dầu mỏ thế giới hạn hẹp, hơn nữa hầu hết những nguồn dầu mỏ chủ yếu trên thế giới đã nằm dưới sự kiểm soát của các cường quốc khác như Mỹ, Nga, Nhật Bản, vì vậy cuộc săn tìm dầu mỏ của Trung Quốc sẽ rất khó khăn và phải động chạm lợi ích của nhiều nước đặc biệt là các cường quốc cũng đang trong cơn khát dầu như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Canada... Trong bối cảnh đó, Trung Quốc không còn cách nào khác là phải lao vào một cuộc cạnh tranh khắc nghiệt với các cường quốc để giành dật nguồn tài nguyên quan trọng này. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả chỉ đề cập đến cuộc cạnh tranh dầu mỏ của Trung Quốc với hai cường quốc có mức tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới và cũng là hai đối thủ cạnh tranh chính với Trung Quốc là Nhật Bản và Mỹ.
Cạnh tranh Trung – Nhật. Trong những năm gần đây, cuộc chiến giành dầu mỏ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai và thứ ba thế giới diễn ra khá quyết liệt. Cơn khát dầu mỏ gia tăng cộng với giá dầu thế giới leo thang trong những năm qua đã khiến hai nước này lao vào một cuộc chạy đua quyết liệt trên thị trường dầu mỏ quốc tế nhằm giành lấy những hợp đồng lâu dài về nguồn dầu mỏ và khí đốt quý giá. Cũng như Trung Quốc, Nhật Bản cũng tích cực thực hiện chính sách “ngoại giao dầu mỏ” nhằm giữ vững nguồn cung từ Trung Đông, đồng thời mở rộng tìm kiếm những giếng dầu mới ở Tây Siberia, biển Caspi, Trung Á, Châu Phi… Những công ty lớn của Nhật Bản với lợi thế tài chính, công nghệ và yếu tố đi trước đã mang về cho Nhật Bản những nguồn cung cấp dầu lớn cho nước này. Nhưng thời gian gần đây, Nhật Bản phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ phía các công ty dầu lửa quốc gia Trung Quốc. Khi Công ty dầu mỏ ngoài khơi quốc gia Trung Quốc mua lại dự án khai thác thềm Tây Bắc của Australia, Mitsubishi và Mitsui đã tích cực vận động phản đối lại sự tham gia này của Trung Quốc. Khi Công ty Dầu lửa Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vào Sudan và tranh giành dự án đường ống dẫn dầu ở đây, chính phủ và các công ty Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ. Trong quá trình đấu thầu dầu mỏ và khí đốt quốc tế ở Iran, CNPC cũng là đối thủ chính nặng ký của Nhật Bản.
Trong chiến lược năng lượng mới của Nhật Bản, tăng cường quan hệ với các nước nhiều tài nguyên, có nguồn năng lượng đảm bảo (trong đó có các nước Châu Phi) là một trong những hướng ưu tiên của chiến lược này. Sự có mặt của Nhật Bản tại Châu Phi gần đây đã làm cho cuộc cạnh tranh dầu mỏ Trung – Nhật ngày càng trở nên khắc nghiệt. Tại Châu Phi, chính sách ngoại giao Nhật Bản giành được nhiều thắng lợi đáng kể: chẳng hạn, tháng 10/2005, năm công ty Nhật Bản đã thắng thầu trong cuộc bỏ thầu quốc tế nhằm giành quyền khai thác 6 lô dầu của Libi. Các thỏa thuận này đánh dấu quyền khai thác dầu mỏ đầu tiên của các công ty Nhật Bản tại đây. Tháng 7/2005, công ty AOC của Nhật Bản đã ký một hợp đồng ăn chia sản phẩm với Ai Cập nhằm thăm dò và khai thác khí đốt và dầu mỏ tại lô Northwest October ở vùng Vịnh Xuyê, AOC dự định bắt đầu khai thác vào năm 2008. Động thái tập trung vào nguồn dầu mỏ và khí đốt tại Châu Phi của Nhật Bản một phần được thức tỉnh và kích thích bởi những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này, nhất là sau chuyến thăm 3 nước Châu Phi (trong đó có Nigiêria, nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu lục) của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào; chuyến thăm 7 nước Châu Phi (trong đó có Angôla, nước sản xuất dầu lớn thứ hai Châu Phi) của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Trong cuộc cạnh tranh với Nhật Bản tại Châu Phi, Trung Quốc đã ký được hợp đồng khai thác dầu tại bờ biển Angôla sau khi hứa hẹn với nước này khoản tín dụng trị giá 2 tỷ USD, tham gia mua 45% cổ phần mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi Akpo trị giá 2,27 tỷ USD tại Nigiêria(1).
Với tiềm năng dầu mỏ và khí đốt cũng như vị trí địa chiến lược, địa - kinh tế của một cường quốc đang phục hồi, Nga trở thành đối tượng tranh thủ, vận động của Trung Quốc và Nhật Bản trong cuộc chạy đua năng lượng. Dầu mỏ đã trở thành nội dung và đề tài chính trong các chuyến thăm và thảo luận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước với lãnh đạo Nga. Cả hai nước đều ra sức thuyết phục Nga xây dựng hệ thống dẫn dầu từ Xibêri về nước mình mà sau đây là một ví dụ điển hình cho cuộc tranh giành nguồn dầu từ Nga. Tháng 9/2001, Nga và Trung Quốc ký hiệp định chung Trung – Nga về việc cùng nhau xây dựng đường ống dẫn dầu từ Angark (Xibêri) tới thành phố Đại Khánh (đường ống An - Đại) với tổng chiều dài 2.400 km. Theo Hiệp định này, phía Nga đầu tư 1,7 tỷ USD, phía Trung Quốc 800 triệu USD. Năm 2005, Nga sẽ bắt đầu cung cấp cho Trung Quốc mỗi năm 20 triệu tấn, năm 2010 tăng lên 30 triệu tấn. Ngay sau khi biết tin trên, Nhật Bản liền mở chiến dịch vận động ráo riết đối với Nga. Về mặt chiến lược, Nhật Bản ra sức tuyên truyền “Thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc” khiến Nga phải cảnh giác và hoài nghi Trung Quốc. Về sách lược xuất khẩu, Nhật thuyết phục Nga nên xây dựng điểm mút cuối cùng của đường ống dẫn dầu này ở Nakhôdka, thành phố cảng nằm trên bờ biển Okhôt, bên bờ Thái Bình Dương của vùng Viễn Đông Nga (tuyến An - Na). Từ điểm mút của thành phố này, Nga có thể xuất khẩu dầu khí sang Nhật Bản, Hàn Quốc cũng các nước khác ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Về mặt tài chính, Nhật Bản sẽ cung cấp khoản đầu tư tới 5 tỷ USD và cam kết sau khi xây dựng xong, phía Nhật Bản sẽ chịu những phụ phí khác phát sinh. Với đề nghị khá hấp dẫn và hợp lý như vậy, Chính phủ Nga đã quyết định lựa chọn phương án do Nhật Bản đề nghị nhưng cũng sẽ dung hoà lợi ích của Trung Quốc bằng việc xây dựng một nhánh của đường ống dẫn dầu nói trên tới thành phố Đại Khánh của Trung Quốc.
Cuộc cạnh tranh dầu mỏ giữa Trung Quốc với Nhật Bản không những trên vấn đề tranh giành thị trường khai thác và cung cấp dầu trên thế giới mà còn diễn ra ngay tại những vùng biển tranh chấp giàu tiềm năng dầu mỏ. Cuộc tranh chấp đảo Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu từ cuối thập kỷ 90 khi có thông tin từ vệ tinh cho thấy dưới đáy biển có trữ lượng dầu khí khá lớn. Sau đó, hai nước bắt đầu tranh chấp về thềm lục địa khi Trung Quốc dựng lên những giàn khoan ở giếng dầu Xuân Hiểu cách thành phố Ninh Ba (Chiết Giang) 350 km về phía Đông Nam. Trong “Báo cáo bảo vệ quyền lợi biển”, Đảng cầm quyền LDP của Nhật Bản đã kiến nghị với Chính phủ Nhật Bản thành lập “Hội nghị nội các quyền lợi biển” do Thủ tướng Nhật Bản đứng đầu nhằm bảo vệ quyền lợi biển của nước này, chống lại sự xâm chiếm của Trung Quốc, theo đó Nhật Bản cho phép các công ty tư nhân tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi biển Đông Hải. Kiến nghị này lập tức nhận được sự ủng hộ của các giới Nhật Bản sau khi Trung Quốc tiếp tục dựng thêm giàn khoan giếng dầu ở ngay đường trung tuyến khu vực biển Xuân Hiểu, Đông Nam thành phố Ninh Ba. Phía Nhật Bản cho biết từ năm 1995, Trung Quốc đã cho tiến hành khai thác dầu khí ngoài khơi ở vùng biển này và hàng năm vận chuyển về Thượng Hải và Chiết Giang tới 2,5 tỷ khối khí đốt thiên nhiên. Phía Nhật Bản tỏ ra lo ngại về tình trạng Trung Quốc đang lấn dần để độc chiếm nguồn tài nguyên biển ở khu vực này nên yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải áp dụng biện pháp khẩn cấp. Nhật Bản đang nỗ lực công tác điều tra thềm lục địa nhằm kéo dài vùng thềm lục địa tới 350km nhằm mở rộng phạm vi đặc quyền kinh tế của mình. Do phần lớn thềm lục địa và vùng đặc quyền khai thác kinh tế của Trung Quốc và Hàn Quốc đều bị Nhật Bản đưa vào khu vực của mình nên các nước tỏ ra lo ngại và cảnh giác. Tháng 10/2003, các cơ quan hữu quan của Nhật Bản đã cùng với 10 tổ chức đoàn thể, công ty Nhật Bản như Liên minh dầu mỏ, Công ty thăm dò khai thác dầu mỏ, Liên minh sắt thép… tổ chức thành lập Công ty điều tra thềm lục địa, đồng thời quyết định năm 2004 bắt đầu tiến hành thăm dò, điều tra toàn diện đối với cấu tạo địa hình, địa chất tại khu vực này để thu nhập những dữ liệu cơ bản đệ trình lên Liên Hợp Quốc trước tháng 5/2009. Thủ tướng Nhật Bản Koizumi nói: “Công tác tiến hành điều tra thềm lục địa là kế sách lâu dài, là chiến lược hàng trăm năm, vì vậy chúng ta nhất định phải làm tốt”. Việc Nhật Bản tập trung vào công tác điều tra thềm lục địa cho thấy Nhật Bản đã “nổ phát súng” đầu tiên cho cuộc chiến tranh giành thềm lục địa giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản(2).
Như vậy, cuộc chiến tranh giành dầu mỏ đã làm cho những tranh chấp lãnh hải giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ ngày càng gay gắt trong tương lai.
Cạnh tranh Trung – Mỹ. Là hai nước lớn với mức tiêu thụ dầu mỏ nhất nhì thế giới, Trung Quốc và Mỹ đang đua nhau trên con đường giành giật tài nguyên dầu mỏ thế giới nhằm phục vụ phát triển kinh tế của mình. Từ hơn nửa thế kỷ nay, Mỹ đều nhập khẩu dầu từ Trung Đông, dựa chủ yếu vào nguồn dầu lửa của Ảrập Xê út, vì thế Mỹ đã chiếm ưu thế vượt trội so với các cường quốc khác trong việc chiếm lĩnh thị trường dầu mỏ quan trọng số một này. Tuy nhiên, trong cơn khát dầu và với 60% dầu nhập khẩu từ Trung Đông như hiện nay, Trung Quốc không ngần ngại lao vào cuộc cạnh tranh với Mỹ tại khu vực chiến lược này. Trung Quốc xâm nhập vào đây thông qua việc cung cấp công nghệ và phụ tùng phục vụ cho việc chế tạo vũ khí của các nước như Iran, Irắc, Xyri. Trong Báo cáo năm 2002 của Ủy ban kinh tế, an ninh Mỹ - Trung, cơ quan của Quốc hội Mỹ chuyên theo dõi về quan hệ Mỹ - Trung đã cảnh báo rằng, việc buôn bán vũ khí của Trung Quốc với các nước này là mối đe doạ đối với lợi ích an ninh của Mỹ và động lực chính của mối quan hệ của Trung Quốc với các chính phủ khu vực này là dầu lửa(3). Cuộc tranh giành ở Trung Đông giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu diễn ra ở Arập Xêút, nơi chiếm 1/4 trữ lượng dầu mỏ thế giới. Chính sách cơ bản của Mỹ với nước này là Mỹ đảm bảo an ninh cơ bản cho Ảrập Xêút để nước này có thể cung cấp giá dầu tương đối hợp lý cho thị trường năng lượng thế giới, đảm bảo ổn định thị trường dầu lửa. Sau ngày 11/9, sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với Arập Xêút đã tạo ra cho Trung Quốc cơ hội tốt để tạo ảnh hưởng với nước này. Rất có thể Trung Quốc sẽ là ứng cử viên phù hợp và sẵn lòng với vai trò người bảo trợ mới của Ảrập Xêút. Mặc dù chiến lược dầu của Mỹ đang trong giai đoạn điều chỉnh và sắp xếp lại nhằm thay đổi chính sách quá phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của Trung Đông, nhưng điều đó cũng không thể thay đổi cục diện phải nhập khẩu dầu mỏ. Trong tương lai, Mỹ phải nhập khẩu 50% số dầu cần thiết cho tiêu dùng. Do đó, Mỹ buộc phải tiếp tục lôi kéo Arập Xêút và đảm bảo an ninh cần thiết cho quốc gia này, do đó, cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ ngày càng rõ rệt.
Tháng 11/2004, sau khi Trung Quốc ký với Iran hiệp định mua dầu khí trị giá 70 triệu USD trong 30 năm tới, Iran sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc 250 triệu tấn khí đốt thiên nhiên hóa lỏng, ngay lập tức, Mỹ liền có ý đồ thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm vận Iran. Vấn đề hạt nhân của Iran hiện nay cũng không chỉ là mối bất hoà riêng rẽ giữa Mỹ với Iran mà nó còn phản ánh cuộc giành dật nguồn dầu mỏ giữa Mỹ với các cường quốc ở đây, trong đó có Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc đề xuất dự án xây dựng đường ống dẫn dầu bổ sung cho tuyến đường vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông và Bắc Phi về Trung Quốc qua Myanma, chính quyền Bush đã lập tức liệt Mianma vào danh sách các nước bạo ngược tiền tiêu. Giới phân tích Mỹ cho rằng, nguy cơ Trung Quốc vươn lên thành đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Đông và việc Ảrập Xêút có thể thay đổi liên minh là những điều Mỹ cần quan tâm khi xác định những mục tiêu và ưu tiên chiến lược trong thế kỷ 21. Nếu không có một chiến lược toàn diện ngăn chặn Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ ngang ngửa với Mỹ thì một cuộc va chạm giữa hai siêu cường đang lấp ló ở đâu đó.
Không những ở Trung Đông mà ở nhiều khu vực dầu mỏ thế giới như Trung Á, Nam Mỹ, biển Đông, Châu Phi, cũng đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nhà nhập khẩu dầu khổng lồ này.
Châu Phi chiếm khoảng 16% tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ (vùng Vịnh là 22%). Dự kiến năm 2016, tỷ lệ này sẽ tăng lên 25-35%. Do đó, Châu Phi ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược dầu mỏ của Mỹ. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Châu Phi, Wolte Campstana nói thẳng rằng, dầu mỏ Châu Phi là lợi ích chiến lược quốc gia của Mỹ và ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển ngày càng tăng của Mỹ(4). Vì vậy, Mỹ ngày càng tăng cường quan hệ kinh tế, hợp tác an ninh và quan tâm nhiều hơn đến tình hình an ninh, tự do chính trị và nhân quyền tại đây. Trong cuộc tìm kiếm nguồn dầu Châu Phi, cuộc cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt khi việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ chạm phải chính sách Châu Phi (đúng hơn là chiến lược Châu Phi) của Trung Quốc đang được triển khai mạnh mẽ trong mấy năm gần đây. Dư luận lo ngại rằng, một cuộc cạnh tranh năng lượng giữa hai “kẻ khát dầu” sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng vốn bất ổn tại lục địa này.
Cuộc cạnh tranh dầu mỏ Trung – Mỹ cũng đang diễn ra ầm thầm nhưng khá quyết liệt tại Mỹ La tinh. Mỹ La tinh vốn là địa bàn ảnh hưởng truyền thống của Mỹ và cũng là thị trường dầu mỏ độc tôn của Mỹ từ trước đến nay. Nơi đây có những quốc gia có tiềm năng dầu mỏ to lớn và là nguồn cung quan trọng truyền thống của Mỹ như Venezuela, Bolivia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự lên ngôi của các chính phủ thiên tả có tư tưởng chống Mỹ tại khu vực làm cho Mỹ có nguy cơ mất đi thị trường dầu mỏ quan trọng và gần gũi này. Các chính phủ thiên tả ở Mỹ La tinh, đặc biệt là chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez ở Venezuela (quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất khu vực và đứng hàng thứ năm thế giới) ngày càng có xu hướng xích lại gần Trung Quốc và chủ trương đưa Trung Quốc thay thế Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu dầu mỏ chủ yếu của mình. Với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này, các công ty dầu mỏ của Trung Quốc đã ký kết được nhiều hợp đồng lớn về thăm dò, khai thác và tiêu thụ dầu với các nước trong khu vực, đặc biệt Venezuela đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp cho Trung Quốc hàng triệu tấn dầu mỗi ngày trong những năm tới. Về phần mình, Mỹ chắc chắn không chịu ngồi yên để Trung Quốc ngang nhiên giành mất thị trường cung dầu truyền thống, đặc biệt hấp dẫn ngay tại sân sau của mình, và do vậy, chắc chắn rằng cuộc đụng đầu giữa Trung Quốc với Mỹ trong khu vực sẽ ngày càng khốc liệt.
Cuộc cạnh tranh dầu mỏ giữa Trung Quốc với các cường quốc hàng đầu thế giới mà điển hình là với Nhật Bản và Mỹ như đã phân tích trên đây tất yếu có những tác động không nhỏ tới quan hệ chính trị quốc tế, bởi vì trong cuộc chạy đua giành dật nguồn tài nguyên chiến lược này trên thế giới sẽ diễn ra cuộc đụng đầu lợi ích gay gắt giữa các cường quốc, vì thế, các cường quốc sẽ phải đấu tranh lôi kéo các nước cung dầu, giành dật ảnh hưởng ở những khu vực có nhiều tài nguyên dầu mỏ (những khu vực từ trước tới nay vốn đầy rẫy những bất ổn và bạo lực). Do vậy, vấn đề này không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, quân sự. Điều này tất yếu sẽ làm cho các mối quan hệ quốc tế và tình hình an ninh thế giới vận động ngày càng phức tạp.
Để đảm bảo an ninh dầu mỏ, Trung Quốc một mặt cố gắng duy trì, thúc đẩy quan hệ tốt với các thị trường dầu mỏ nhiều tiềm năng như Trung Đông, Đông Nam Á, phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược với Nga và đi tiên phong trong việc xây dựng Tổ chức hợp tác Thượng Hải nhằm gắn kết quan hệ chặt chẽ với các quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Á; mặt khác, Trung Quốc cố gắng đa dạng hoá nguồn nhập khẩu dầu bằng việc tích cực xâm nhập mạnh mẽ vào những địa bàn nhiều tiềm năng dầu mỏ khác ở Châu Phi và Mỹ Latinh. Vì thế, Trung Quốc ngày càng đụng độ lợi ích với Mỹ và Nhật Bản ở nhiều nơi trên thế giới. Trong chính sách “ngoại giao dầu mỏ”, Trung Quốc bỏ qua lập trường của Mỹ để hợp tác chặt chẽ với tất cả những quốc gia có tư tưởng chống đối Mỹ và bị Mỹ lên án như Iran, Xu đăng, Dimbabuê, Venezuela… Tất cả những động thái đó của Trung Quốc có thể được Mỹ và Nhật Bản xem như một sự chống đối ngầm và giành dật lợi ích của họ. Vấn đề Iran, bất ổn ở Trung Đông, Trung Á, Cuộc khủng hoảng Đaphua ở Xu đăng và trào lưu chống Mỹ ở Mỹ Latinh vì thế mà ít nhiều có bóng dáng của sự xung đột lợi ích giữa các cường quốc, trong đó Trung Quốc là một trong những nhân vật then chốt.
Trong một chiến lược đầy tham vọng để giải quyết “cơn khát dầu”, người Trung Quốc không ngần ngại có mặt khắp nơi trên thế giới: Trung Đông, Nga, Trung Á, Châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Nam Á… Người ta đang lo ngại rằng, nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc, tuy bề ngoài chỉ là một vấn đề kinh tế, nhưng trên thực tế là cả một vấn đề chiến lược lớn, ảnh hưởng đến sự hòa bình và ổn định. Điều đó không phải là vô căn cứ. Có thể thấy ngay rằng, chiến lược năng lượng nói chung và chiến lược dầu mỏ nói riêng của Trung Quốc sẽ làm tăng thêm mâu thuẫn giữa các nước lớn. Trên thực tế,  trong quá trình thực hiện chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, Trung Quốc đã “xâm nhập” vùng lợi ích của Mỹ, Nhật Bản, Pháp… và sự đối đầu giữa các đối thủ năng lượng là điều không tránh khỏi. Yếu tố này bổ sung thêm cho hàng loạt các yếu tố đang gây trở ngại cho quan hệ giữa các nước lớn đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản . Chẳng hạn, cuộc cạnh tranh dầu lửa của Trung Quốc và Nhật Bản đã làm gia tăng quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa hai nước do những vấn đề lịch sử nhạy cảm. Quan hệ Trung – Mỹ  với nhiều yếu tố gây mâu thuẫn như nhân quyền, Đài Loan, tranh chấp thương mại, tỷ giá hối đoái... nay lại bổ sung thêm vấn đề dầu lửa vào danh sách này.
Việc cạnh tranh nguồn dầu của Trung Quốc có thể làm gia tăng tình trạng bất ổn tại một số khu vực dầu lửa như Trung Đông, Châu Phi. Như trên đã phân tích, trong cuộc cạnh tranh tìm dầu, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với các đối thủ lớn như Mỹ, Nhật Bản. Với Mỹ, Trung Đông là vùng liên quan đến lợi ích sống còn của Mỹ nên Mỹ sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết kể cả vũ lực để bảo vệ nguồn cung ứng dầu lửa ở Trung Đông. Trong trường hợp Trung Quốc áp dụng biện pháp cứng rắn tại đây, sự xung đột giữa hai Mỹ và Trung Quốc rất dễ xảy ra. Tại Châu Phi, khi Mỹ và Trung Quốc cùng tăng cường chính sách Châu Phi thì rất có khả năng, các cuộc cạnh tranh năng lượng sẽ trở thành xung đột khu vực và quốc tế. Tại Trung Á, với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng và sự liều lĩnh nhằm tiếp cận với nguồn năng lượng của các cường quốc có thể biến nơi đây thành địa bàn của những xung đột và bất ổn chính trị triền miên trong tương lai.
Chiến lược đảm bảo an ninh dầu mỏ của Trung Quốc không phải chỉ tác động tới mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lớn mà còn gây quan ngại cho dư luận quốc tế, nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực biển Đông với các nước Đông Nam Á, khu vực biển Hoa Đông với Nhật Bản và Hàn Quốc, khu vực Xiberi của Nga... Đây là những khu vực được dự báo là rất giàu tiềm năng dầu khí và vì thế rất có thể trong tương lai, những tranh chấp ở các khu vực này sẽ ngày càng phức tạp, hoà bình, ổn định trong khu vực còn chứa đựng nhiều yếu tố bất trắc.
Từ một nước đảm bảo được nguồn dầu mỏ, thậm chí từng là nước xuất khẩu dầu, nhưng do tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc an ninh năng lượng – an ninh dầu mỏ của Trung Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhận thức được tính cấp bách của vấn đề này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra chiến lược năng lượng nói chung và chiến lược dầu mỏ nói riêng  nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, ngăn chặn khủng hoảng kinh tế - xã hội. Chiến lược dầu mỏ của Trung Quốc thể hiện khá rõ nét xu hướng “hướng ngoại”, đẩy mạnh xâm nhập vào mọi địa bàn có tiềm năng dầu mỏ trên thế giới. Xu hướng chính sách này sẽ ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm tới khi mà nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và kéo theo nó là cơn khát dầu cũng ngày càng gia tăng. Khi ấy, những tham vọng về dầu mỏ của Trung Quốc sẽ đụng độ ngày càng gay gắt với Mỹ, Nhật Bản và một số cường quốc khác. Như thế, trong những năm tới đây, ngoài sự tác động của các nhân tố khác thì nhân tố dầu mỏ sẽ trở thành một nhân tố quan trọng chi phối mối quan hệ giữa các nước lớn và làm cho diễn biến vận động của tình hình quốc tế gia tăng thêm tính chất phức tạp và khó lường.

NGÔ CHÍ NGUYỆN - NGUYỄN TÚ HOA
(Viện quan hệ quốc tế – Học viện Chính trị Quốc gia  Hồ Chí Minh)
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Minh Cao, Chiến lược năng lượng của Trung Quốc những năm đầu thế kỷ 21, T/c Nghiên cứu Trung Quốc số 63/ 2005.
2. Vũ Lê Thái Hoàng, Chiến lược dầu mỏ của Trung Quốc và cuộc chạy đua dầu mỏ - khí đốt giữa Trung Quốc và Nhật Bản đầu thế kỷ 2, T/c Nghiên cứu quốc tế số 59/2004.
3. Phạm Thái Quốc, Trung Quốc: chiến lược năng lượng cho thế kỷ 21, T/c Nghiên cứu Trung Quốc, số 41/2002.
4.TTXVN, TLTKĐB ngày 19/8/2006, 10/5/2006, 22/10/2006, TLTK số 4/2006.
5. Forest Lee, China’s 21st Century oil Strategy Outlined, People’s Dayly, 14/11/2002.
6. China’s huge oil search, The straits                   times, 6/10/2004.



(1) Thông tấn xã Việt Nam, Nht Bn thách thc Trung Quc ti Châu Phi, Tài liệu Tham khảo Đặc biệt  19/8/2006.

(2) Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu Tham khảo, số 4/2006.
(3) Thông tấn xã Việt Nam, Thi báo Lt Angiơlét, 2/2/2006. Tài liệu Tham khảo,   số 4/2006.

(4) Như trích dẫn (2)


Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7, 2007