Trong những năm gần đây, liên kết Đông Á trở thành đối tượng được
quan tâm của các nhà chính trị, kinh tế và đề tài nghiên cứu của các nhà
khoa học. Trong thực tiễn, mặc dù còn nhiều khó khăn, cản trở trên con
đường hội nhập, song hợp tác khu vực Đông Á đã đạt được những thành tựu
nhất định nhờ sự nỗ lực chung của cả cộng đồng các nước Đông Á. Để góp
phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập và hợp tác Đông Á, việc hiểu rõ những
thành tựu và nhận thức ra những vấn đề tồn tại trên bước đường tiến tới
hội nhập là không thể thiếu được trong việc tìm cách khắc phục những
khó khăn, trở ngại và tận dụng những cơ hội để từng bước tiến tới hội
nhập khu vực Đông Á.
Ý tưởng liên kết hợp tác Đông Á được hình thành từ đầu những năm
1990, khi Chiến tranh Lạnh vừa kết thúc. Thủ tướng Malaixia Mahathiar là
người đầu tiên đã đề xuất thành lập “Nhóm Kinh tế Đông Á” (East Asian
Economic Group – EAEG), bao gồm hầu hết các nước ven biển Đông Á và hoạt
động trong khuôn khổ APEC. Theo quan điểm của một số nước Đông Á, cơ
chế hợp tác dựa trên nguyên tắc hoạt động của ASEAN. Nội dung chính của
cơ chế hợp tác bao gồm các hội nghị cấp cao, các kỳ gặp mặt của các
nguyên thủ quốc gia, cấp bộ trưởng và mục đích cơ bản là thúc đẩy hội
nhập khu vực, trước hết là khía cạnh kinh tế.
Cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-1998 đã thúc đẩy hợp tác
Đông Á và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (ASEAN + Nhật Bản + Trung Quốc + Hàn
Quốc). Năm 1999, hội nghị này đã thông qua Tuyên bố chung về hợp tác
Đông Á. Văn kiện này đã tạo ra những khuôn khổ hợp tác dựa trên 5 nguyên
tắc chung sống hoà bình, các cơ sở của hợp tác Bali và luật pháp quốc
tế. Cơ chế hợp tác là các cuộc họp cấp cao, cấp bộ trưởng ngoại giao, bộ
trưởng chuyên ngành, các tổng vụ trưởng và quan chức; lĩnh vực hợp tác
gồm kinh tế (thương mại, đầu tư, tài chính), hợp tác phát triển (thu hẹp
khoảng cách phát triển), hợp tác chuyên ngành (môi trường, y tế, du
lịch, nông nghiệp, khoa học công nghệ thông tin, lao động…), an ninh phi
truyền thống (chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia).
Mặc dù hợp tác Đông Á theo mô thức ASEAN+3 tiến triển chậm nhưng cũng
đạt được một số kết quả nhất định. Cơ chế hợp tác ASEAN+3 đã được hình
thành, thể hiện trong các văn kiện, như Tuyên bố chung Hợp tác Đông Á,
các báo cáo của Nhóm tầm nhìn Đông Á (EAVG), các báo cáo của Nhóm nghiên
cứu Đông Á, các đề nghị tổ chức cấp cao Đông Á, khu vực mậu dịch tự do
Đông Á, cộng đồng Đông Á, các sáng kiến của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn
Quốc. Hàng năm, các quan chức cấp cao của ASEAN+3 thường xuyên gặp gỡ,
ký các thoả thuận hợp tác về nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế.
Về chính trị - an ninh, tuy tiến triển chậm nhưng cũng có những tiến
bộ nhất định. Hiện nay, các nước Đông Á đều đang tập trung cho lợi ích
phát triển nên đều cần một môi trường an ninh-chính trị ổn định. An
ninh-chính trị ổn định là một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy
quan hệ hợp tác Đông Á. Do vậy, các nước Đông Á đã đưa ra các sáng kiến,
hình thành nên các thể chế với sự tham gia của đông đảo lực lượng chính
trị và các tầng lớp khác nhau vào quá trình hợp tác khu vực ở Đông Á từ
sau Chiến tranh Lạnh và nhất là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính -
tiền tệ. Đặc biệt giữa 3 nước lớn trong khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản
và Hàn Quốc đều đã thấu hiểu được sự cần thiết thúc đẩy quan hệ hợp tác
đa phương. Các nước Đông Á đã ngồi lại với nhau thông qua diễn đàn hợp
tác đa phương ARF để bàn giải quyết các bất đồng, xung đột ở khu vực.
Để tiến tới hội nhập Đông Á, các nước đã đề xuất những nguyên tắc hợp
tác và đưa ra thảo luận tại các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN + 3 và các
cuộc hội thảo. Nguyên tắc thứ nhất là “Chủ nghĩa khu vực mở”, bởi vì sự
ổn định và thịnh vượng của Đông Á không những phụ thuộc vào các quan hệ
hợp tác khu vực mà còn phụ thuộc vào việc duy trì mối quan hệ hữu nghị
với các nước ngoài khu vực. Thực hiện nguyên tắc này, cả khu vực và cộng
đồng quốc tế đều có lợi, xua tan đi nỗi lo của những người đã khẳng
định rằng sự hội nhập khu vực Đông Á có thể dẫn đến việc tạo ra khối
kinh tế khép kín.
Nguyên tắc thø hai là “Tiếp cận trên các lĩnh vực cần thiết, cụ thể”
(functional approach). Dựa trên tình hình thực tế chứ không cố gắng xây
dựng những khung khổ thể chế toàn diện từ đầu. Dựa trên những đánh giá
về tình hình thực tế, phương pháp tiếp cận này sẽ tìm ra hướng hợp tác
trên các mặt cụ thể, đa dạng với quan điểm tạo ra các điều kiện cơ bản
cho sự hội nhập toàn diện của khu vực trong tương lai.
Nguyên tắc thứ ba là tôn trọng và thừa nhận các giá trị chung. Nguyên
tắc này nhằm khuyến khích các nước Đông Á đấu tranh để giải quyết các
vấn đề như luật pháp, nhân quyền, tham nhũng và tăng cường hiệu quả
quản lý. Các nước có thể giúp đỡ lẫn nhau bằng cách chia sẻ kinh nghiệm
trong việc giải quyết các vấn đề trên.
Nguyên tắc thứ tư, nguyên tắc cuối cùng, đề cập đến vấn đề xây dựng
lòng tin trong lĩnh vực an ninh và tạo thuận lợi cho việc hợp tác trong
các lĩnh vực an ninh phi truyền thống qua việc làm rõ những khả năng
quân sự của mỗi nước trong khu vực và tạo điều kiện cho các nước dễ dàng
hiểu nhau khi có những chính sách khác biệt về quốc phòng.
Trong quan hệ hợp tác an ninh, thành tựu cơ bản đạt được thuộc lĩnh
vực an ninh phi truyền thống. Cụ thể là hợp tác trong lĩnh vực an ninh
xã hội và bảo vệ môi trường. Các hợp tác này bao gồm hợp tác chống
khủng bố, chống dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS), chống cúm gia cÇm,
buôn bán ma tuý. Sau sự kiện 11-9-2001, các cuộc họp cấp cao chính thức,
không chính thức, các cuộc họp cấp bộ trưởng và các cuộc hội thảo giữa
các nước trong khu vực Đông Á đã đề cập và đưa ra Tuyên bố chống khủng
bố, xây dựng các kế hoạch và chương trình trao đổi tin tức, an ninh máy
tính, xây dựng cơ cấu chống tội phạm trên mạng… Đồng thời quan tâm đến
việc hợp tác trên các mặt khác như chống buôn lậu, ma tuý, nạn di dân
bất hợp pháp, cướp biển, buôn lậu vũ khí, tội phạm kinh tế quốc tế, chủ
nghĩa khủng bố… Khi bệnh dịch SARS bùng nổ, các nước ASEAN cùng với
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã liên tục tổ chức các hội nghị giữa các
bộ trưởng y tế để bàn cách chống SARS, đưa ra các biện pháp, hành động
chung nhằm phối hợp ngăn ngõa sự lây lan và đẩy lùi dịch bệnh.
Để đối phó với những thiên tai gây ra như hạn hán, bão lụt, động đất,
sóng thần,…, các cuộc họp cấp bộ trưởng các nước trong khu vực Đông Á
thường xuyên đề cập đến các vấn đề thiên tai và tìm cách khắc phục qua
việc tổ chức các hội nghị về môi trường, lập mạng lưới thông tin chung
để kiểm tra môi trường khu vực, dự báo thiên tai để phòng chống. Đặc
biệt, sau khi cơn sóng thần xảy ra cuối năm 2004 tàn phá khu vực, cùng
với các nước khác trên thế giới, các nước khu vực Đông Á đã tích cực ủng
hộ về vật chất và cử các nhân viên y tế đến các nước bị ảnh hưởng để
khôi phục lại cuộc sống bình thường cho người dân bị nạn.
Trước xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá ngày càng gia tăng, vì sự
tồn tại và phát triển của mình, các quốc gia Đông Á đã và đang cố gắng
thúc đẩy tiến trình hợp tác. Tuy nhiên, tiến độ của quá trình này hết
sức chậm do còn tồn tại một số vấn đề.
Đông Á là khu vực tồn tại nhiều mâu thuẫn và tranh chấp giữa các quốc
gia trong khu vực. Những mâu thuẫn này hiện nay vẫn còn tồn tại trong
hầu hết giữa các quốc gia và khi bùng nổ dễ lôi cuốn hoặc làm ảnh hưởng
đến nước khác. Lợi ích an ninh - chính trị là một trong những động lực
lớn nhất thúc đẩy sự hợp tác và tăng cường quan hệ giữa các nước khu
vực. Tuy nhiên, trong an ninh - chính trị đã có những vấn đề nan giải
gây cản trở đến tiến trình hợp tác. Đông Á đang phải đối diện với nhiều
vấn đề cục bộ, với những xung đột cũ và những mâu thuẫn mới nảy sinh.
Xung đột ở đây mang tính đa dạng: tranh giành quyền lực, tranh chấp lãnh
thổ, cạnh tranh kinh tế, mâu thuẫn hệ tư tưởng… Khu vực này cũng là nơi
chứa đựng những nguy cơ xung đột lớn như vấn đề vũ khí hạt nhân ở Bán
đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan và Trường Sa. Bên cạnh đó, nguy cơ cạnh
tranh mới giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản nếu xảy ra
sẽ phá vỡ sự hợp tác Đông Á. Cho đến nay, các mâu thuẫn vẫn đang tồn tại
và tác động không nhỏ tới chính sách khu vực của mçi nước.
Quan hệ quốc tế trong khu vực mới chỉ dừng lại ở các quan hệ song
phương. Bản thân các quan hệ song phương tương đối mỏng nên chưa tạo ra
được nền tảng cho sự phát triển quan hệ đa phương. Chủ nghĩa song phương
vẫn giữ vai trò chủ đạo và được ưu tiên trong hợp tác Đông Á. Ngoài
ASEAN + 3, chưa có một thể chế thuần vÒ Đông Á. Các quốc gia tham gia
chủ yếu vào các thể chế đa phương toàn cầu hoặc ngoài khu vực. Các thể
chế hiện hành hoặc có cả các nước không thuộc Đông Nam Á như ARF, APEC,
ASEM, hoặc ở quy mô tiểu khu vực như ASEAN. Những thể chế này hoạt động
kém hiệu quả, tính ràng buộc không cao và thiếu chặt chẽ. ASEAN + 3 mới
chỉ tồn tại như một diễn đàn lỏng lẻo. Thêm vào đó, lịch sử chiến tranh
và xung đột giữa các nước trong khu vực đã tạo ra tâm lý ác cảm giữa
các cộng đồng như giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc với Nhật Bản,
Thái Lan với Campuchia…, tạo ra sự nghi ngờ lẫn nhau. Sự chênh lệch
giữa vị thế và quyền lực dẫn tới nguy cơ chia rẽ khu vực và gây khó khăn
cho việc xây dựng lòng tin giữa các nước, đe dọa sự ổn định, quan hệ
hợp tác khu vực. Do vậy, việc thể chế hoá hợp tác Đông Á còn vô vàn khó
khăn và tiến triển chậm.
Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước lớn ở Đông Á, có vị trí, vai trò
quan trọng trong khu vực. Tuy nhiªn, có nhiều vấn đề do lịch sử để lại
làm cho quan hệ giữa hai nước rơi vào tình trạng căng thẳng, gây tranh
cãi từ nhiều năm nay và cản trở quan hệ giữa hai nước. Việc Nhật Bản sửa
đổi sách giáo khoa mà Trung Quốc cho rằng đã nói sai sự thật lịch sử,
những chuyến viếng thăm đền Yasukuni – nơi t«n thờ khoảng 2,5 triệu
người chết trận trong đó có 14 tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh
Thế giới thứ hai của Thủ tướng Koizumi đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ
phía Trung Quốc và Hàn Quốc, đang làm đóng băng tình cảm ở cả hai nước
và có thể dẫn đến sự rắc rối lâu dài, khó giải quyết.
Sự điều chỉnh lại chiến lược đối ngoại của Nhật Bản từ những năm
1990, trong đó có xu hướng quan hệ mật thiết hơn với Đài Loan, coi еi
Loan là một “thực thể chính trị độc lập” đã làm cho quan hệ Nhật - Trung
khó có thể cải thiện. Hơn thế nữa, từ năm 1998 đến nay, Nhật Bản đã
tăng cường hợp tác với Mỹ trong vấn đề phòng thủ tên lửa đạn đạo (TMD),
đồng thời đặt Đài Loan trong hệ thống phòng vệ của tên lửa đạn đạo làm
cho vấn đề Đài Loan trở thành vật cản quan trọng nhất ảnh hưởng đến
tương lai trong quan hệ giữa hai nước.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh
hưởng đến quan hệ Trung - Nhật. Sự tranh chấp chủ quyền đối với quần
đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku) liên tiếp xảy ra đã gây
nên những làn sóng chỉ trích, phẫn nộ của nhân dân hai nước, biến thành
cuộc chiến ngoại giao, trở thành một “điểm nóng” trong quan hệ Trung -
Nhật, có thể hủy hoại mối quan hệ này, cản trở sự hợp tác Đông Á.
Sự khó khăn, phức tạp trong việc thống nhất Nam Bắc Triều Tiên cũng
là một thách thức lớn trên bước đường hợp tác, liên kết Đông Á. Thái độ
bất hợp tác của CHDCND Triều Tiên đối với Hàn Quốc nói riêng và với các
nước khác nói chung, những nguy cơ đe doạ từ việc thử tên lửa hạt nhân,
nhất là hành động thử vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hồi đầu
tháng 10 vừa qua đã làm cho các nước vô cùng lo lắng, buộc phải có kế
hoạch chuẩn bị các biện pháp đối phó, trừng phạt, tạo nguy cơ xung đột
và mất ổn định trong khu vực.
Đối với các nước ASEAN vẫn tồn tại một tâm lý lo ngại về sự gia tăng
vai trò chính trị của Trung Quốc ở khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Một số nước ASEAN trước đây đã có những mâu thuẫn, xung đột và hiện vẫn
còn tồn tại sự tranh chấp về lãnh thổ trên biên giới đất liền và hải
đảo. Sự khác biệt về hệ tư tưởng và chủ nghĩa nước lớn cùng với yếu tố
người Hoa cũng làm cho các nước Đông Nam Á lo ngại, giữ thái độ, khoảng
cách với Trung Quốc.
Các nước lớn đều lo ngại địa vị bá chủ lọt vào tay c¸c quèc gia lín
kh¸c. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không muốn bị ràng buộc quá nhiều
bởi lợi ích của các nước nhỏ. Các nước nhỏ thì thiếu niềm tin vào các
nước lớn trong khu vực và quan tâm nhiều đến các nước ngoài khu vực, làm
giảm đi sự liên kết khu vực Đông Á. Tiếp đến là sự chênh lệch vị thế
giữa các quốc gia trong vùng dẫn tới sự phân tầng và đẳng cấp trong hợp
tác khu vực và tạo nên sự khác nhau trong quan điểm khu vực và quốc tế,
lợi ích đối nội và đối ngoại. Sự chênh lệch này dễ làm lệch hướng trong
hợp tác khu vực. Sự đa dạng trong hệ tư tưởng, chế độ chính trị và hệ
thống chính trị cũng là vấn đề làm cản trở sự hợp tác Đông Á. Tất cả
những điều này tạo nên sự khác nhau trong thế giới quan, nhận thức, giá
trị và lợi ích giữa các nước, dẫn tới sự khác nhau trong lĩnh vực ưu
tiên, lựa chọn chính sách, cách thức tiến hành… trong quan hệ khu vực.
Trong hợp tác kinh tế, gi÷a c¸c níc Đông Á cũng phải đối mặt với
những trở ngại nhất định. Những trở ngại cơ bản ở đây bao gồm:
- Khoảng cách trình độ giữa các nước trong khu vực quá lớn (Nhật Bản
là siêu cường kinh tế, các nước thành viên mới của ASEAN là các nước
chậm phát triển) dẫn đến tình trạng kinh tế khác nhau, từ đó tạo ra
những lợi ích và ưu tiên khác nhau trong chính sách liên kết khu vực.
Khả năng thực hiện lợi ích chung khác nhau dẫn đến nguy cơ kết quả thu
được khác nhau nên mức độ mong muốn hợp tác khác nhau. Trình độ phát
triển chênh lệch cũng làm tăng nguy cơ bất bình đẳng mới và khó khăn
trong việc thể chế hoá khu vực.
- Có những cản trở từ bên ngoài đối với sự liên kết và hình thành một
thể chế khu vực xuất phát từ những lo ngại về sự hình thành ba khối
kinh tế chống nhau, làm tăng sự phân biệt đối xử thương mại, làm giảm
vai trò của các thế lực kinh tế toàn cầu.
- Tại các nước khu vực cũng tồn tại những cản trở nhất định. Chủ
nghĩa ích kỷ kinh tế trong chính sách khu vực của nhiều nước đã làm xói
mòn thiện chí và có thể tạo nên những xung đột lợi ích. Bên cạnh đó, nhu
cầu phát triển kinh tế đối ngoại đang tạo nên nguy cơ cạnh tranh thị
trường và đầu tư nước ngoài. Sự cạnh tranh và xung đột nếu không được
kiềm chế hợp lý sẽ tạo ra sự chia rẽ mới trong khu vực. Ngoài ra, những
khó khăn kinh tế, sự trì trệ trong nước hay những bất cập về luật pháp
kinh tế cũng gây những tác động bất lợi cho sự hợp tác giữa các nước
Đông Á.
Nhìn chung, sự hợp tác đã thu được những thành tựu đáng kể, đặc biệt
trên lĩnh vực kinh tế nhưng về vấn đề hợp tác an ninh mới chỉ dừng lại ở
diễn đàn đối thoại, bày tỏ quan điểm khác nhau của mình, bàn việc hợp
tác và hỗ trợ cho nhau chứ chưa giải quyết được những vấn đề xung đột,
tranh chấp tại các nước Đông Á. Tuy nhiên, sự tồn tại và phát triển các
mối quan hệ hợp tác đã và đang tạo cơ hội cho việc giải quyết các bất
đồng, tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy các
nước tăng cường ý thức hợp tác khu vực trên quan điểm cùng tồn tại và
phát triển. Với những thành tựu và nỗ lực không ngừng của các nước thành
viên, những bước phát triển mới trên con đường hợp tác sẽ khẳng định
được rằng dù khó khăn, vất vả nhưng sự liên kết, hợp tác Đông Á là không
thể đảo ngược, vấn đề chỉ là thời gian sớm hay muộn.
TRẦN THỊ NHUNG
(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại học Quốc gia Hà nội, Đông Á - Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử và hiện tại, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Hà nội, tháng 3-2003.
2. MOFA, Japan: Japan – ASEAN Relations, 2000, http:www.mofa.go.jp.
3. Wen Jiabao (Chinese primier), Strenthening Cooperation for Mutual Benefit and a Win-Win Result, 8th ASEAN+3 Sumit in Vientiane, Lao, 2004. http://www.fmprc.gov.cn/eng/wjb/zzg/gjs/gjsxw/t179323.htm.
4. Yamada Takio, Toward a Principled Integration of East Asia: Concept of an East Asia Community, Gaiko Forum, Ministry of Foreign Affairs, Tokyo 2005.
5. Zhang Yunling (ed), East Asian Cooperation: Searching for an Integrated Aproarch, World Affairs Press, 2003.
6. Zhang Yunling (ed), East Asian Cooperation: Searching for an Integrated Aproarch, World Affairs Press, 2004.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3, 2007